User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 


             

 
Vừa qua tôi có chuyển tiếp một vài hình ảnh đẹp và lạ của Paris đến một vài người quen với lời ghi kèm: «Thân chuyển một vài hình ảnh tuy “thân” nhưng chưa hẳn là đã “quen“, về Paris.» Nay tôi xin giải thích thêm để làm sáng tỏ mục đích sử dụng hai chữ “thân” và “quen” này.

 Chúng ta đều biết “thân” và “quen” thuộc loại từ ngữ thông dụng để chỉ sự liên hệ trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên giữa quen và thân lại có sự khác biệt về mức độ (niveau), về đẳng cấp (hiérachie) để so sánh, để đánh giá tính thân thiết trong quan hệ.
 
paris-1 (Small)
 
. Thí dụ như khi ta nghe câu trả lời của ai đó:”Ông X. ấy à! Tôi có quen nhưng không thân lắm.”  Vậy mà, trong phần giới thiệu, tôi lại viết:” Thân chuyển một vài hình ảnh tuy thân, nhưng chưa hẳn là đã quen, về Paris.” Cách sử dụng từ này, thoạt nhìn, có vẻ là một nghịch lý bởi vì nếu chưa quen sao lại nói là thân được. Nhưng khi đảo ngược vai trò và ý nghĩa  của các từ “thân” và “quen”, thực ra tôi chỉ muốn nhắn nhủ về một Paris hãy còn  méconnu mà thôi. Từ điển Larousse có cho ta một định nghĩa về “méconnu” như sau: ”Qui n’est pas apprécié selon son mérite. Ex: un auteur méconnu de son époque”. (Thanh Nghị, trong cuốn Tiểu Tự Điển Pháp-Việt đã dịch ra tiếng Việt: “không nhận được chân giá trị”).
 
paris-4 (Small)
 
Chúng ta đều biết Paris là một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn nhất trên thế giới. Hàng năm có tới cả triệu người tới thăm. Trong số này, không ít người vừa đăt chân tới là đã “phải lòng” liền (Tây nó gọi thế là “coup de foudre”). Và cũng bởi đã phải lòng, họ mới thường lui tới như với một người bạn thân thiết. Nhưng nếu sự gắn bó của họ với Paris chỉ dừng lại ở một số địa điểm quen thuộc theo lời quảng cáo của các công ty du lịch, thì điều mà họ cứ tưởng là gắn bó mật thiết ấy, thực ra mới chỉ là sư thân thiết của kẻ cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Cho dù họ có đi lại không biết bao lần trên đại lộ Champs Elysées, chụp không biết bao tấm hình trước Khải Hoàn Môn, tháp Eiffel,Nhà thờ Đức Bà hay xóm Montmartre…, họ cũng mới chứng tỏ được sự “phải lòng” với thủ đô Pháp, chứ chắc gì đã lấy được lòng người đẹp Paris. Muốn thực sự được là người tình của Paris và cảm thấy được hơi ấm nồng nàn của Paris ngay cả khi một mình lang thang trên các phố phường vắng vẻ, như Enrico Macias diễn tả trong bản nhạc (coi ca từ trong pps Ballade dans…), chắc họ còn phải đi mòn ít nhất dăm ba đôi giày Nike hay Adidas trên các ngõ ngách nẻo đường Paris. Chỉ bằng cách đó, họ mới tìm được cho mình tâm hồn của một Gavroche, cặp mắt của một Gavroche, nhân vật trong cuốn “Les misérables” của Victor Hugo.
 
paris-7 (Small)
 
Và chỉ với tâm hồn của Gavroche, cặp mắt của Gavroche họ mới phát hiện được cái thực sự quyến rũ của Paris, cái đẹp toàn vẹn từ trong ra ngoài. Bởi vì cái duyên dáng, cái nên thơ, cái ý vị của Paris không phải chỉ tìm thấy qua hình ảnh của Tháp Eiffel, của đại lộ Champs Elysées, của Nhà thờ Đức Bà, của xóm Monmartre… Trái lại, ta có thể bắt gặp cái đẹp quyến rũ đó bất cứ đâu, ở một góc phố, một khu vườn, một bờ tường, một bảng hiệu, một cửa hầm métro, thậm chí cả trong tiếng rao mời chào khách hàng tại một buổi họp chợ trên một đường phố nào đó… Ta chỉ có thể hình dung cụ thể cái sức hấp dẫn đó của Paris qua hình tượng này của Pascal : ”Đó là một lồng cầu mà tâm điểm ở khắp mọi nơi, còn đường vòng cung lại không thấy đâu cả” (C’est une sphère dont le centre est partout, la circonférence nulle part.-Blaise PASCAL -Pensées 72).

Nguyễn Bảo Hưng