User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

ca dao

Ca dao thuộc loại văn chương bình dân truyền khẩu của dân tộc, thường được chúng ta hiểu là những câu nôm na, lời lẽ trong sáng, vần điệu thanh thoát, phong phú; có thể ngâm lên, hát lên theo giọng điệu tự nhiên một cách dễ dàng.
Ca dao phần lớn được sáng tác do nhu cầu hát xướng đối đáp nam nữ trong những dịp sinh hoạt dân ca cộng đồng, vào những ngày hội hè, những lúc nghỉ ngơi để giải trí vui chơi, hay trong những khi lao động cho quên bớt mệt nhọc. Trong trường hợp này người ta chỉ cần thêm vào câu ca dao những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi nhất định nào đó như: thời... í a; tình bằng... mà; lý tang lý tang tình tang, ố tình là... tình ì i, ô tình là... tình ì i; ôi tình... a í a; ầu ơ...; à ơi ạ ời ời... v.v... Ca dao liền trở thành dân ca với những giai điệu riêng biệt của từng thể loại như hát trống quân, quan họ Bắc Ninh, hát lý, hò chèo ghe, hát ru em v.v...

Ca dao cũng được sáng tác nhiều bởi nhu cầu tình cảm cá nhân muốn được bộc lộ. Sự sáng tác ca dao cả hai loại này có khi lại do giới nho sĩ, trí thức bình dân trực tiếp tham gia, hay vì thương cảm cảnh ngộ những người xung quanh mà làm hộ, vì thế đã có thêm lắm bài đặc sắc.
Nói chung, ca dao xưa nay vẫn được xem là những sáng tác tập thể. Dẫu sao chúng ta cũng nên nhớ rằng câu ca dao nào khởi đầu cũng phải do một cá nhân có năng khiếu về thi ca, hứng cảm, sáng tác nên. Nếu câu đó được nhiều người ưa thích, chấp nhận là hay, sẽ được truyền khẩu và được bắt chước ngay; bằng không, nó còn chịu sự sửa đổi của nhiều người cho đến khi thật hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức. Nhiều khi có những câu ca dao đã hoàn chỉnh rồi vẫn thấy bị sửa đổi, thêm bớt, chẳng qua để cho phù hợp với cảm quan chung của nhiều địa phương, nhiều thế hệ hơn. Bởi vậy, nhiều bài ca dao hay mà vẫn thấy có dị bản.

Thế là từ cái riêng lúc ban đầu, ca dao đã được đại chúng hóa, trở thành cái chung của mọi người, do đó không cần nhắc tên tác giả.
Và cũng vì là của chung nên người ta sử dụng tự do, nhiều người chỉ thay đổi đôi chút cho hợp tình, hợp cảnh là đã có một bài ca dao mới. Đấy chính là lý do vì sao ta thường bắt gặp nhiều câu ca dao có vô số điểm tương đồng, hay na ná như nhau.

aodai1172

Thí dụ 

- Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.

Câu ca dao này hẳn đã được xuất hiện rất sớm, và được nhiều người khen hay rồi bắt chước, từ đó sinh ra vô số những câu tương tự, như:

- Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu.

- Qua đồng ngả nón trông đồng
Đồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu.  v.v. và v.v ...

Những câu ca dao xuất phát từ loại này dần dần trở nên nhàm chán, mất hết khả năng gợi cảm. Rất may sự sáng tác ca dao không ngừng lại ở đó mà nhờ những cá nhân có tài, gặp cảnh thích hợp, hứng cảm, đã nẩy sinh được nhiều tứ lạ; và nhất là khi diễn đạt, họ đã biết vận dụng những khuôn mẫu truyền thống một cách có sáng tạo khiến đã sản sinh được nhiều bài ca dao giá trị, với những nét đặc thù riêng.

Thí dụ

- Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền vào đậu sát thuyền anh.

- Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước, thương mình bấy nhiêu

Mặc dù cũng dùng cảnh để gợi hứng và mượn cảnh để tả tình theo lối so sánh cổ truyền như những câu ca dao trên, nhưng ta phải công nhận khi đọc câu ca dao này, ta thấy cảnh với tình không còn là hai cá thể riêng biệt nữa, thụ động nữa mà chúng xôn xao lạ, chúng như quyện lấy nhau, cảnh dẫn tình, tình tràn lên cảnh để toát ra một sức sống tươi rói, tạo được cái duyên đặc biệt cho bài ca dao. Thế là từ cái chung, ca dao lại được cá biệt hóa để trở thành cái riêng cho mỗi bài. Nếu không tạo được cái độc đáo riêng biệt này, bài ca dao chả còn mấy giá trị.
Bây giờ từ những cái chung và những cái riêng ấy, chúng ta thử phân tích xem đâu là những hình thức nghệ thuật trong ca dao trữ tình và ca dao trào lộng, là hai loại nổi bật nhất trong kho tàng ca dao phong phú của dân tộc.

A. Những Hình Thức Nghệ Thuật Trong Ca Dao Trữ Tình

Ca dao trữ tình là loại ca dao do cảm xúc tạo nên lời, chủ yếu là bộc lộ tình cảm, tâm trạng, ký thác tâm sự.
Để đạt hiệu quả mong muốn, ca dao trữ tình tất nhiên phải sử dụng đến nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau:

I. Sự Cấu Tứ Và Các Phương Thức Diễn Đạt

Sự cấu tứ là nói chung về các cách tổ chức nội dung của tác phẩm.
Sau khi đã sắp xếp ý tứ, chọn lọc tình tiết, hình ảnh... tác giả phải biết chọn lấy những phương thức diễn đạt sao cho thích hợp.
Trong ca dao trữ tình, những phương thức diễn đạt được sử dụng nhiều nhất là thể phú, thể hứng và thể tỉ.

1. Thể Phú 

Phú là phô bày, mô tả. Phô bầy, mô tả một cách trực tiếp về con người, về cảnh vật thiên nhiên... Phú cũng là tự sự, kể chuyện về những sự việc, những biến cố xảy ra trong cuộc đời.
Vì ca dao trữ tình chủ yếu là bộc lộ tình cảm, tâm sự cá nhân nên cảnh được mô tả, hay chuyện được kể lại (dù thật hay hư cấu) cũng chỉ là cái cớ để tình cảm con người được phát triển, hoặc nương vào đó mà biểu lộ ra được.

Thí dụ 1

Tát Nước Đầu Đình

- Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh lại giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiến cưới lại đèo buồng cau.

Tát Nước Ðầu Ðình là một bài ca dao làm theo thể phú loại kể chuyện.
Để có dịp thổ lộ tình yêu với cô gái, chàng trai mượn cớ quên áo, hỏi xin, nhân đó gợi chuyện làm thân rồi lân la ngỏ ý cầu hôn.
Vì là một bài ca dao viết theo thể phú loại kể chuyện nên vấn đề quan trọng cần được đề cập ở đây là nghệ thuật dựng chuyện và nghệ thuật diễn đạt.

+ Nghệ thuật dựng chuyện: Phải nói là rất hay, lại có thứ tự lớp lang khiến câu chuyện từ một cái áo hư cấu bỏ quên đã được diễn tiến qua bao giai đoạn tỏ tình một cách lý thú:
Bốn câu đầu (1-4): Trước hết, chàng trai mượn cớ quên áo, hỏi xin để bắt chuyện, rồi ướm tình.
Hai câu tiếp (5-6): Sau đó, chàng mượn cớ “áo sứt chỉ” để giới thiệu gia cảnh: còn độc thân, có mẹ già.
Hai câu tiếp (7-8): Chàng lại mượn cớ “áo sứt chỉ đã lâu” chưa ai khâu cho để nhờ bạn giúp đỡ.
Tám câu cuối (9-16): Sau hết, chàng còn mượn cớ đền công để có dịp nói tới những đồ sính lễ trong ngày rước dâu, tức ngỏ lời cầu hôn một cách gián tiếp.

+ Nghệ thuật diễn đạt: Tài dựng chuyện đã hay mà tài diễn đạt còn vô cùng khéo léo:
Bằng thứ ngôn ngữ, giọng điệu tự nhiên nhưng với những phương thức nghệ thuật linh động khiến tạo được không khí vừa thân mật vui vẻ, vừa dí dỏm lôi cuốn, câu chuyện chàng trai kể trở nên hấp dẫn từ đầu đến chót:
Chàng mở lời làm quen với cô gái (người cùng làng và hai bên chắc đã từng để ý đến nhau nhưng chưa một lần giao thân) bằng chuyện để quên áo:

- Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo...

Với một giọng kể tự nhiên, lịch sự vừa phải, lại có nhiều chi tiết cụ thể như thời gian: hôm qua, điạ điểm: đầu đình và lý do: đi tát nước... khiến cô gái không mảy may nghi ngờ, đã vui vẻ đứng lại nghe tiếp chuyện chàng.
Nhưng khi chàng vừa hé lộ chi tiết – trên cành hoa sen – thì với linh giác bén nhạy về tình yêu của người phụ nữ, hẳn nàng đã cảm nhận được ngay tình ý của chàng: muốn mượn cớ quên áo để thổ lộ tâm tình. Hiển nhiên cái áo bỏ quên chỉ là cái áo tưởng tượng, hư cấu, vì không ai lại vắt áo trên cành hoa sen, một loại cành nhỏ, rỗng “trong thông ngoài thẳng”, cành dễ gẫy và áo sẽ rơi xuống đầm nước ngay ; hơn nữa xưa nay trong thi ca bình dân của ta, cái áo vẫn thường được sử dụng như một phương tiện chuyên chở tình ý của những kẻ yêu nhau, như:

- Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay.

(ở đây muốn nói tới cái áo tơi, kết bằng lá gồi, loại áo khoác ngoài những khi mưa gió, rét mướt).

Hoặc:

- Chàng về để áo lại đây
Phòng khi em nhớ cầm tay đỡ buồn.
- Áo xông hương của chàng vắt mắc
Ðêm em nằm em đắp lấy hơi...  v.v... 

Ðặc biệt cái áo bỏ quên của chàng trai ở đây lại được vắt - trên cành hoa sen - , chàng bảo thế, lời tuy ba hoa đấy nhưng dễ thương, còn tình ý thì trân trọng và nên thơ biết mấy, làm sao cô gái không cảm động, xao xuyến cho được? Giữa lúc cô nàng còn đang thẹn thùng, lúng túng..., chàng đã không bỏ lỡ cơ hội, tấn công ngay:

- Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?

Trong lời hỏi xin, để tạo không khí thân mật, chàng trai sử dụng lối xưng hô “em, anh” một cách dịu dàng, trìu mến; còn lời thăm dò thì giọng điệu ỡm ờ, nửa đùa nửa thật, nửa có ý trêu ghẹo, nửa lại có ý tấn công, vơ vào một cách tình tứ, cô gái tránh sao khỏi đỏ mặt, nguýt yêu!
Thấy bạn đã có vẻ chịu chuyện, chàng bèn mượn cớ “áo sứt chỉ” để thủ thỉ tâm sự tình cảnh gia đình:

- Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.

Chàng còn độc thân, đó là điều mà cô bạn chắc chắn muốn biết hơn hết, và bây giờ nàng đã được yên lòng. Ðồng thời để tấn công sâu hơn vào đời sống tình cảm của đối tượng, chàng cố tình nói ra cái điều cảnh nhà vắng vẻ không được ai săn sóc, những mong gợi lòng thương cảm của bạn , rồi sau đó còn vuốt ve tự ái của nàng bằng sự tin yêu, nhờ cậy khâu áo:

- Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng

Nhưng ở đây chàng trai đã không nói trực tiếp với đối tượng mà lại sử dụng đại danh từ phiếm chỉ “cô ấy” một cách mập mờ, nửa kín nửa hở... như vậy là rất khôn và tế nhị, vừa giúp chàng có lối thoát nếu chẳng may cô nàng không khứng chịu, vừa là cách nói gián tiếp cho bạn đỡ ngượng.
Cuối cùng, biết “cá đã cắn câu” (im lặng là bằng lòng), chàng trai vin ngay vào cớ đền công để có dịp nói đến chuyện sính lễ dẫn cưới:

- Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chông anh lại giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Ðôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo

Và chàng đã không quên bật mí cho ai biết, chú rể, người chi tiền nộp cheo, tiền dẫn cưới với buồng cau trong ngày đại hỷ đó chính là chàng:

- Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

Ở giai đoạn này, giọng chàng trở nên hào hứng, sôi nổi khác thường: Những điệp ngữ ‘giúp em’ ‘giúp em’ ‘giúp em’ , vớ ‘một’ ‘một’ ‘một’ , rồi ‘đôi’ ‘đôi’ ‘đôi’, xen kẽ nhau, dồn dập xô đẩy nhau, đã cực tả tiếng lòng hân hoan, phấn khởi của chàng khi tin chắc rằng lời cầu hôn của mình sẽ thành công, hạnh phúc đã ở trong tầm tay.

Tóm lại, câu chuyện bỏ quên áo trong bài ca dao Tát Nước Ðầu Ðình trên là hoàn toàn hư cấu. Chính thế, cái áo bỏ quên kia có thật không mà hỏi xin? Nếu thật, thì ai bắt được áo và đã trả lại chưa mà đòi mượn khâu? Tà áo dẫu có sứt chỉ cũng không ai đền công người khâu hộ bằng chừng ấy lễ vật, rõ là cái áo tưởng tượng! Nhưng cũng chính nhờ vào tài đặt chuyện và dẫn chuyện một cách khéo léo, dí dỏm ấy mà chàng trai ở đây đã bộc lộ được một sự thực, rất thực, là tình yêu trong sáng, thơ mộng, lãng mạn và cũng rất trân trọng, đằm thắm của chàng đối với người bạn gái mà chàng muốn cưới làm vợ. Điều này chứng tỏ bài ca dao trên đã rất thành công cả về nghệ thuật dựng chuyện, cũng như nghệ thuật sử dụng những phương thức diễn đạt vậy.

Thí dụ 2

- Trời mưa ướt bụi, ướt bờ
Ướt cây, ướt lá, ai ngờ ướt em.
Trời mưa rả rích qua đêm
Thấy em gian khổ, anh thêm não lòng.

Bài ca dao Trời Mưa trên được làm theo thể phú, vừa tả cảnh, vừa tả tình một cách trực tiếp.
Hai câu đầu (1-2) tả cảnh một ngày mưa dầm dề qua cái nhìn vô tư của tác giả. Bốn từ “ướt” được lập đi lập lại trong câu “Trời mưa ướt bụi ướt bờ, ướt cây ướt lá” chỉ có tính cách kể lể về những hiện tượng lầy lội, ướt át bình thường của vạn vật trong những ngày mưa gió triền miên. Bất ngờ hình ảnh cô gái đội mưa, đội gió xuất hiện mới làm cho tác giả xúc động, sửng sốt thốt lên: “ai ngờ ướt em!”

Lời than ấy chứng tỏ tác giả không dè cảnh trời mưa, trời gió kia lại đầy đọa cả người con gái này. Tất nhiên đây phải là cô gái mà tác giả đã từng cảm mến từ lâu, nhưng vì tình cảm còn mờ nhạt nên chưa ý thức được; phải đợi đến khi tận mắt nhìn thấy cảnh cô gái nghèo nàn này, vì công việc làm ăn phải khổ cực trầm mình đi ngoài mưa gió, tác giả mới thấy bồi hồi thương cảm.
Câu 3: cảnh đêm mưa rả rích. Tiếng vọng mưa rơi nghe cứ một điệu đều đều, đều đều kéo dài như bất tận suốt đêm trường, càng làm cho cõi lòng tác giả thêm bứt rứt, xao xuyến vì xót xa cho ai... Tình yêu từ đó bỗng lớn mạnh, đã bật dậy biểu hiện qua lời thở than trực tiếp:

- Trời mưa rả rích qua đêm
Thấy em gian khổ, anh thêm não lòng.

Có điều đáng nói là cảnh “trời mưa rả rích” ở đây chỉ có tác dụng kích thích chứ không có ý so sánh hay nhằm diễn tả tâm trạng của tác giả. Chẳng qua vì thấy cảnh hợp với nội tâm, trong lòng đang có sẵn tâm sự nên tác giả mới dễ dàng bộc lộ tình cảm thành lời.

2. Thể Hứng 

Thể hứng là một loại ca dao được mở đầu bằng một hay vài câu tả ngoại cảnh để gợi hứng, sau đó tác giả mới xúc cảm sinh tình, muốn bộc lộ nỗi lòng của mình.

Thí dụ 1:

- Tóc mai sợi vắn, sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.

Hình ảnh những sợi tóc mai dài ngắn không đều đã gây được hứng cảm, tác giả xúc động liên tưởng tới cuộc tình duyên trắc trở mà muốn bộc lộ mối tình chung thủy của mình.
Sự liên tưởng này thật bất ngờ và riêng tư. Điều đó giải thích vì sao cùng đứng trước một ngoại cảnh, mỗi người chúng ta lại có những cảm hứng khác nhau.

Thí dụ 2:

Đêm Buồn

- Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn,
Tào Khê nước chảy, hãy còn trơ trơ.

Đêm Buồn là một bài ca dao làm theo thể hứng, vừa tả cảnh để gợi hứng, vừa mượn cảnh để tả tình.
Bài này nói về nỗi buồn nhớ tha thiết của một thiếu phụ có chồng đi vắng xa, đã lâu chưa về. Nhiều đêm quá nhớ chồng, thương mình không ngủ được, ly phụ trở dậy ra vườn, đứng bên bờ ao, âm thầm ngắm nhìn vạn vật mong khuây khỏa chút lòng. Và đây là một trong những đêm buồn đó.
Bài này có thể chia làm hai đoạn chính:
Đoạn đầu 6 câu (1-6)
Hai câu đầu (1-2)

- Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.

Cảnh vật và nàng ly phụ ở đây hoàn toàn là hai cá thể riêng biệt, chưa ảnh hưởng đến nhau. Nhưng cảnh “cá lặn”, “sao mờ”, hình ảnh mờ nhạt của thiên nhiên, sự trầm lắng của vạn vật lúc này sao có cái gì đồng điệu với nỗi lòng u buồn, sầu lắng của ly phụ ;“Cảnh buồn người thiết tha lòng”, vì vậy chúng dễ tác động lên nhau; cảnh buồn gợi hứng làm nàng cảm thấy nỗi buồn bị kích thích thêm, khiến nó cứ tăng lên, tăng lên mãi... cho đến một lúc nào đó thì nỗi buồn của nàng lại tràn lên cảnh.
Bốn câu tiếp (3-6) Hứng:

- Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?

Hai từ “buồn trông” được láy đi láy lại cho ta thấy cảnh vật bấy giờ không còn tự tại như trước nữa, mà nó đã bị nhìn qua con tâm lãng mạn, con tâm sầu muộn của ly phụ rồi. Nghĩa là nàng đã phổ lòng mình lên cảnh vật, khiến tưởng như cảnh vật cũng đang sống trong tình trạng cô đơn, và đang da diết buồn nhớ người thương như nàng.

- Nhện ơi, nhện thương nhớ ai mà nhện giăng tơ lòng chờ đợi?

- Sao ơi, sao thương nhớ ai mà sao mắt lệ mờ thổn thức?

Như thế, cảnh vật đã phản chiếu tâm hồn nàng, đã mang tâm trạng bi thương của nàng. Cảnh và ly phụ lúc này, có thể nói, không còn là hai cá thể riêng biệt nữa, cảnh và tình đã trở thành đồng nhất.
Đoạn cuối gồm bốn câu (7-10)
Hai câu trên (7-8)

- Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.

Hằng đêm nghĩ đến truyện Ngưu Lang Chức Nữ, ly phụ lại thấy thương cho họ phải sống xa lìa nhau. Vợ chồng Ngâu mỗi năm chỉ được đoàn tụ một lần vào dịp mùng bảy tháng bảy, khi đàn chim ô thước bay về, giăng cánh bắc cầu qua sông Ngân Hà cho đôi bên tái hợp. Hằng đêm lại dõi nhìn bầu trời, ly phụ nhẩm tính, chuôi sao bắc đẩu đã quay đủ ba vòng, thế là đã ba năm vợ chồng nàng xa cách.
Tích xưa, cảnh trời đã gợi cảm, gợi hứng khiến ly phụ chạnh nghĩ đến cảnh ngộ đáng thương của mình.
Hai câu chót (9-10) Hứng:

- Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào Khê* nước chảy, hãy còn trơ trơ.

Nghĩ đến cảnh ngộ đáng thương của mình, ly phụ xúc động, muốn bộc lộ tấm lòng thủy chung, keo sơn gắn bó của nàng đối với người bạn đời xa vắng.
Nước chảy mãi đá cũng phải mòn, thời gian qua mãi vạn vật cũng phải phôi pha; riêng ly phụ biết chắc một điều là tình yêu son sắt của nàng đối với chồng sẽ không bao giờ suy giảm.
Tóm lại, bài ca dao Đêm Buồn đã được làm theo thể hứng. Hai câu (1-2) tả cảnh thiên nhiên và hai câu (7-8) nói về cảnh ngộ xa cách, tất cả chỉ có tác dụng gợi hứng khiến nàng ly phụ xúc động, để mặc cho những cơn sóng tình cảm tuôn trào ra, khi thì gián tiếp qua cảnh buồn của vạn vật, khi thì trực tiếp qua lời khẳng định về tình yêu trung thành không bao giờ phai lạt của nàng. Như thế, cảnh và tình ở đây khác nào như hình với bóng, tạo nên một sự hài hòa cho toàn tác phẩm. Phải nói, sự sử dụng thể hứng trong bài Đêm Buồn đã đạt tới cao điểm của nghệ thuật.

* Tào Khê có nghĩa là dòng suối chảy ở giữa hai chân núi, ở đây là tên một con suối tâm tưởng, mang giá trị tượng trưng cho tình yêu son sắt thủy chung của ly phụ đối với người chồng xa cách. Nếu bài Đêm Buồn được hiểu là nói về tâm trạng u buồn da diết của bao khách nam nhi nặng lòng với Tổ quốc, dân tộc trong những giai đoạn lịch sử đen tối của nước nhà, thì con suối Tào Khê sẽ là biểu tượng cho tình yêu trung thành của họ đối với dân, với nước.

3. Thể Tỉ

Tỉ là so sánh. Ca dao trữ tình chuyên nói về đề tài tình cảm, thuộc về vấn đề trừu tượng nên rất khó diễn tả. Bởi vậy ca dao trữ tình rất ưa sử dụng thể tỉ, là một phương pháp nghệ thuật đặc sắc, giúp cho ý tứ diễn đạt thêm rõ ràng, linh động mà tình cảm bộc lộ cũng có phần bóng bẩy tế nhị.
Có hai cách so sánh:

+ So sánh trực tiếp là lối so sánh thẳng giữa một ý niệm trừu tượng với một hình ảnh cụ thể.

Thí dụ:

- Tình anh như nước dâng cao
Tình em như dải lụa đào tẩm hương.

Câu ca dao này muốn nói tình yêu của đôi nam nữ ở đây đều tha thiết như nhau, nhưng tính cách yêu đương của mỗi người lại mỗi khác.
Hình ảnh nước thủy triều đang rần rần dâng lên được so sánh với tình yêu chủ động của người thanh niên đang thời kỳ bồng bột, sôi nổi và mãnh liệt. Trong khi đó, hình ảnh “dải lụa đào tẩm hương” được ví với tình yêu của người thiếu nữ, tuy ở thế thụ động nhưng đầy sức quyến rũ, vừa dịu dàng, kín đáo, lại vừa thắm thiết nồng nàn. Tưởng không có hình ảnh nào so sánh xác đáng hơn nữa.

+ So sánh gián tiếp, còn gọi là phương pháp ẩn dụ, nghĩa là so sánh ngầm. Lối so sánh này kín đáo, tế nhị và có nghệ thuật hơn lối trên.

Có hai loại ẩn dụ:

*Nghệ thuật hình tượng hóa là lối cụ thể hóa tư tưởng, tình cảm bằng hình tượng. Lối so sánh ngầm này làm cho ý tứ diễn đạt thêm phần hàm súc.

Thí dụ:

- Thuyền anh ngược thác lên đây
Mượn em dải yếm làm dây kéo thuyền.

Chợt nghe ta thấy sao mà vô lý thế. Thuyền đi ngược thác rất khó, anh chân chèo thường phải buộc dây chão (dây thừng loại to, chắc) vào mũi thuyền rồi nhảy lên bờ, dùng dây mà kéo mới mong đưa được thuyền vượt lên; vậy mà ở đây, để tiếp tục vượt thác, anh chân chèo lại chỉ yêu cầu mượn có dải yếm của cô nàng, là hai sợi dây buộc của tấm yếm vải, rộng chỉ đủ che ngực và bụng cô gái.

Sự vô lý ấy cho ta hiểu ngay rằng dải yếm ở đây phải là một ẩn dụ kín đáo, chỉ có giá trị tượng trưng. Quả vậy, dải yếm, hay nói rộng ra là cái yếm, là vật gắn bó thiết thân với thân thể và nhan sắc cô gái, có thể hiểu, nó là hiện thân của cô, tượng trưng cho tình yêu của cô. Một khi đã hiểu như thế thì ý nghĩa câu ca dao lại rất đúng, vì tình yêu có sức mạnh vượt khó.

“Dải yếm” đã là một ẩn dụ thì “thuyền” và “thác” hẳn cũng mang ẩn dụ của chúng. Đúng thế. “Thuyền” ở đây cũng là thuyền tình, ám chỉ người thanh niêm đã vượt bao ghềnh thác để đi tìm tình yêu. Còn “thác” ám chỉ những khó khăn, trở ngại trong cuộc tình nói riêng, và trong cuộc đời nói chung.

Tóm lại, chúng ta có thể diễn ý trọn câu ca dao như sau: Anh đã phải chịu bao nhiêu khổ cực, vượt bao nhiêu khó khăn mới tìm kiếm được em. Anh yêu em. Anh cầu xin tình yêu của em giúp anh thêm nghị lực, để còn tiếp tục vượt bao nhiêu ghềnh thác nữa trong cuộc đời.
Tứ của câu ca dao trên thật độc đáo; phương pháp ẩn dụ qua nghệ thuật hình tượng hóa ở đây cũng rất thành công, đã nói lên được sức mạnh của tình yêu.

*Nghệ thuật nhân cách hóa là lối so sánh gián tiếp bằng cách gán cho cảnh vật những hành động, tâm trạng... của con người. Lối so sánh này giúp cho sự diễn đạt càng thêm sống động, truyền cảm.

Thí dụ:

- Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên mọi bề.

Ở đây, khăn, đèn, mắt đã được nhân cách hóa; chúng như người thiếu nữ đang mang trái tim thổn thức với bao nỗi nhớ thương, lo buồn xốn xang.
Hai câu cuối, người thiếu nữ hé lộ cho thấy nàng đang thấp thỏm lo lắng, vì sợ cho mối duyên tình với ai kia còn gập nhiều trắc trở.
Như thế, nào phải khăn, đèn, mắt thương nhớ mà chính nàng đang thương nhớ người yêu xa cách. Người thiếu nữ ở đây đã nhìn ngoại giới theo cái tâm lãng mạn và lo buồn của nàng, vì thế nàng tưởng như cảnh vật cũng có linh hồn, và cũng đang mang tâm trạng bồn chồn nhớ nhung, lo âu như nàng.
Phương pháp ẩn dụ qua lối nhân cách hóa ở đây đã đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật.

Trong ca dao trữ tình có rất nhiều hình ảnh được dùng làm ẩn dụ, mang giá trị tượng trưng độc đáo như trong những thí dụ vừa trình bầy ở trên. Bên cạnh đó còn không ít những hình ảnh biểu tượng khác được dùng quá quen thuộc đã trở thành ước lệ, như “con cò” để tượng trưng cho người hiền phụ ở thôn quê:

Thí dụ:

- Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.

- Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.

Hay những cặp hình ảnh như: phượng hoàng – nhạn én – bướm hoa – mận đào – mai trúc – thuyền bến v.v... để tượng trưng cho đôi bạn tình chung.

Thí dụ:

- Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng
Khác nào như thể phượng hoàng gặp nhau.

- Nhạn về bể bắc nhạn ơi
Bao thuở nhạn hồi, kẻo én đợi trông.

- Ai làm cho bướm lìa hoa
Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng.

- Ước gì đào vợ, mận chồng
Đào thương, mận nhớ, não nùng đôi bên.
Vì đào nên mận chẳng quên
Vì đào nên mận ngậm phiền nhớ mong
Vì đào nên mận long đong
Xin đào chớ ở ra lòng bắc nam.

- Ai đi đường ấy hỡi ai
Hay là trúc đã nhớ mai, đi tìm.

- Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

GS. Phạm Thị Nhung