User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Mekong Delta Palm Trees 730x410
 
Nói tới Bến Tre, ai ai cũng nghĩ tới Xứ Dừa, xứ có ông Đạo Dừa, xứ có ông già tinh khôn được mệnh danh là ông già Ba Tri, xứ có con người hào phóng Bạch Công Tử. Xin cũng đừng quên là Xứ Dừa có nhà ái quốc, có người thầy lang đại tài, có người con hiếu thảo mà lại mù lòa: Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu, nhà thi sĩ chuyên làm thơ chống Pháp.

Tỉnh Bến Tre còn có tên là Kiến Hòa, Trúc Giang dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thật ra Trúc Giang là tên quận Châu Thành của tỉnh lỵ Bến Tre. Vì trước đây Bến Tre là sóc của Kampuchia (Cambodia) với tên là Sóc-Tre (Srock Tréy hay Trây).

Theo nhà khảo cổ Vương Hồng Sển thì Bến Tre có nguồn gốc từ Srock Tréy. Người mình đọc trại ra Bến Tre. Tréy có nghĩa là cá sông hay cá nước ngọt. Còn cá biển thì tréy sranot.

Xưa kia Bến Tre cũng là vùng hoang vu, cho nên theo Sơn Nam thì:

Chèo ghe sợ sấu cắn chân,
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma.

Bến Tre cũng mang nặng nét đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long. Đất nước của sông nước bởi tỉnh Bến Tre có nhiều sông rạch chằng chịt, lớn nhứt là sông Tiền Giang và Cổ Chiên chảy ra biển Đông bởi bốn cửa sông như: Cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông và cửa Cổ Chiên. Vì nhiều sông, nhiều cửa sông nên có nhiều cù lao, đất cồn rất màu mỡ. Dân cư hiền hòa, chất phác vô tư, sống về nghề nông và chài lưới. Ruộng vườn tươi tốt quanh năm, cây trái sum sê nổi tiếng nhứt là vùng Chợ Lách, với Cái Mơn và Mỏ Cày.

Bến Tre cách Sài Gòn 68 km, và phải đi ngang tỉnh Mỹ Tho, rồi qua sông Tiền bằng chiếc Bắc Rạch Miễu. Bây giờ có chiếc cầu bắc ngang, nên rất tiện lợi, làm cho việc lưu thông rất dễ dàng, hàng hóa vận chuyển đi khắp nơi, nhứt là về Saigon rất nhanh chóng, hoa màu còn tươi tốt bổ dưỡng.

Đặc sản Bến Tre

Tỉnh Bến Tre cũng nằm trong vùng sông nước miền Nam trù phú; nhưng nó hơn các tỉnh Vĩnh Long, An Giang nhờ có bờ biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú nên có nhiều hải sản, thổ sản đặc biệt mà các tỉnh trên không có. Muốn biết ta thử lắng nghe sơ các câu ca dao sau đây đủ biết nó phong phú như thế nào:

Quê em ba dãy cù lao.
Có dừa ăn trái, có cau ăn trầu.
Bến Tre biển rộng sông dài
Ao trong nuôi cá, bãi ngoài thả nghêu.
Quê anh có cửa biển sâu,
Có ruộng lấy muối có dâu nuôi tằm
Bến Tre giàu mía Mỏ Cày
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.

Thấy chưa, Bến Tre là vùng đất màu mỡ với vườn tược xanh tươi, nổi tiếng là xứ dừa vì tỉnh nầy có nguồn lợi to tát là trồng dừa, sản xuất dừa và công kỹ nghệ phó sản của dừa. Đến đỗi tu sĩ Nguyễn Thành Nam, ngồi tu trên cột thuyền Bát Nhã, chỉ sống bằng dừa nên gọi là Ông Đạo Dừa. Tín đồ của ông bới tóc, lập thôn ấp khang trang tại cồn Phụng.

Xứ Dừa

Vì là xứ dừa nên ca dao cũng mang nặng sắc thái đặc biệt là hình bóng cây dừa.

Bến Tre ruộng đất phì nhiêu,
Nơi đây giàu lúa lại nhiều dừa khô.
Bến Tre nước ngọt lắm dừa,
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm.
Gió chiều lay động ngọn dừa
Dứt tình tại bậu, anh chưa tiếng nào.

Thật ra Bến Tre còn có nhiều hải sản, thổ sản khác, nổi tiếng nhứt trái cây của vùng đất phì nhiêu Chợ Lách, phần đất lấy về từ Vĩnh Long cả luôn Cái Mơn và Mỏ Cày.

Hoa màu và hải sản:

Ba phen quạ nói với diều,
Ngã ba Bến Rớ có nhiều cá tôm.
Chợ Ba Tri thiếu gì cá biển,
Anh thương nàng, anh nguyện về đây.

Quít đường, vú sữa ngổn ngang
Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri.
Lụa Ba Tri, chiếu Nhơn Thạnh.
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày.

Xoài chua, cam ngọt Ba Lai
Bắp thì Chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hòa.
Bình Đại biển cá, sông tôm
Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng.
Bánh tráng Mỹ Lòng, bánh phồng Sơn Đốc

Dạy khôn

Nhà nông tay lắm chân bùn, họ không có kiến thức khoa học, nhưng họ lại giàu kinh nghiệm thực tế trong đời sống, thời tiết, mùa màng ruộng vườn để cày bừa, gieo giống đúng thời vụ, nên họ làm những câu ca dao để truyền lại mai sau:

Dừa giao lá, cá giao đuôi,
Đặng mùa cau, đau mùa lúa.
Đặng mùa lúa, úa mùa cau
Đất thiếu trồng dừa, đất thừa trồng cau.
Trái cây cái Mơn,
Trúng mùa xoài, hoài mùa lúa.

Tài sắc

Gái Bến Tre đẹp, nhờ nước da trắng mịn màng, bởi sinh ra được tắm bằng nước dừa Xiêm. Nhưng tại sao lại có câu sau đây như có vẻ chế ngạo nhan sắc của các thiếu nữ Bến Tre vậy:

Bến Tre nhiều gái ế chồng,
Không tin thì xuống Mỹ Lòng mà coi!

Chắc có sự hiểu lầm nào đó hay ai chơi ai phá, mới đặt điều như vậy. Ta cứ thử tìm hiểu thêm qua mấy câu ca dao dưới đây, sẽ biết được những nét đặc sắc, tài năng hay ‘công, ngôn, dung và hạnh’ của họ ra sao. Nó có đúng như những lời mà họ tự khoe khoang không.

Trai nào gan cho bằng trai Cao Lãnh,
Gái nào bảnh cho bằng gái Bến Tre.

Con Cá lòng tong ăn móng,
Con cá bóng ăn rong
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng
Về đến Cầu Móng đem lòng thương em.

Cầu nào cao bằng cầu Cái Cối
Gái nào bảnh bằng gái Giồng Trôm

Giồng Trôm có gái nhu mì
Qua thương nhớ bậu, sá gì đường xa.

Bến Tre trai lịch gái thanh
Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa.

Bến Tre gái đẹp thật thà
Nói năng nhỏ nhẹ, mặn mà có duyên.

Đầu làng có cây da
Cuối làng cây thị ngã ba cây dừa
Dù anh đi sớm về trưa
Xin anh nghỉ bóng cây dừa nhà em.

Bến Tre dừa ngọt sông dài,
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan.
Anh đây muốn hỏi thiệt nàng
Là trai Thạnh Phú cưới nàng được chăng?

Lòng yêu nước

Mang nặng trong lòng tình quê hương và mối hận thù Tây và bọn cường hào ác bá giày xéo đất nước, nên lòng yêu nước của họ cũng dâng cao, trở nên bồng bột quá trớn, hễ cái gì của Tây cũng ghét, cũng chống đối… y như cụ Đồ Chiểu.

Cha đời mấy đứa theo Tây,
Mồ ông, mả bố voi giày biết chưa?
Chớ ham đồng bạc con cò
Bỏ cha bỏ mẹ theo phò Lang Sa.

(Bạc con cò là giấy con công năm đồng. Lang Sa = Pháp = Tây). Và cũng câu chuyện đấu nhau cua gái giữa hai chàng công tử Bạc Liêu (Hắc công tử) và Bến Tre (Bạch công tử) để rồi tán gia bại sản một thời oanh liệt!

Gái Đồng Tháp cầm roi dạy chồng, còn gái Giồng Trôm lại kiêu hãnh ra điều kiện cho ai muốn được nàng phải nhớ ghi nằm lòng câu sau. Bởi vì họ coi trọng tình yêu tổ quốc, nên dẹp đi tình cảm lăng nhăng của nam nữ tư tình. Họ coi nghĩa vợ chồng nhẹ hơn lòng yêu nước!

Em là con gái Giồng Trôm
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì.
Yêu em anh phải nhớ ghi
Đánh Tây giữ đất mới bì trượng phu!

Còn nữa

Giặc Tây đánh tới Cần Giờ
Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công.

Nhân Tài

Cụ Đồ Nguyễn Đình Chiểu

Cụ là một nhân tài bị mai một vì lòng hiếu thảo với mẹ hiền. Tuy công danh không rạng rỡ, nhưng Cụ đã để lại cho chúng ta niềm thương tiếc, kính mến, mối thù Tây, lòng ái quốc và lòng thương yêu mọi người.

Ngoài ra Cụ còn để lại cho chúng ta những áng văn chương tuyệt vời như: ‘Lục Vân Tiên’ ‘Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật’, ‘Dương Từ Hà Mậu’, nổi tiếng như bài ‘Văn Tế Nghĩa Sĩ Chết Trận Cần Giuộc’.

Cụ giao thiệp với giới văn nhân như Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông. Để nói lên lòng ưu ái của Cụ đối với Đại Thần Phan Thanh Giản, trong một bài thơ Cụ ghi:

Minh tinh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ đây mặc gió thu.

Lòng ái quốc khiến Cụ căm thù thực dân xâm chiếm nước ta, nên Cụ chống Pháp rất mãnh liệt. Cụ từ chối sự cám dỗ của Pháp, mà hết lòng hết dạ liên kết với lực lượng kháng chiến của Trương Công Định ở Gò Công, Thủ Khoa Huân ở Mỹ Tho, Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá …

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Mến nghĩa bao đành làm phản nước,
Có nhân nào nỡ phụ tình nhà.

Chàng Lục Vân Tiên của Cụ khù khờ quá đỗi, thấy gái đẹp mà chê, không dám lại gần:

‘Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai’.

Cho nên người ta mới chế giễu:

‘Vân Tiên ngồi dựa gốc dừa
Dừa khô rớt xuống, bể đầu Vân Tiên’

Hay

‘Vân Tiên cõng mẹ đi ra,
Đụng phải cột nhà Vân Tiên cõng mẹ đi vô…
Vân Tiên cõng mẹ đi vô,
Đụng phải cái bồ cõng mẹ đi ra…

Về Y thuật

Nói về Y thuật, chẳng những Cụ là thầy thuốc thật giỏi mà Cụ còn đầy lòng nhân ái, thương yêu mọi người không kể nghèo giàu. Thấy người bịnh tật, hoạn nạn ra tay tận tình cứu giúp, bất vụ lợi, dầu bịnh nặng hay nhẹ, Cụ chỉ có một tâm huyết là cứu giúp một mạng người, bởi Cụ cho con người là quý hơn của cải, và ai ai cũng phải được đối xử như nhau không câu nệ sang hèn. Cho nên dầu nghèo lại mù lòa, nhưng lúc nào Cụ cũng chỉ có tâm niệm là có thuốc quý cũng phải đem ra cứu giúp, bởi Cụ cho là:

Đứa ăn mày cũng trời sanh,
Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không.

Kỹ Sư Nguyễn Thành Nam

Sau khi du học ở Pháp trở về, ông mang hoài bão làm cái gì cho đất nước nhưng không thành. Thấy Bến Tre là xứ dừa, nên ông lấy dừa chế ra xà bông, nhưng thất bại đến tán gia bại sản. Ông đành đi lên Châu Đốc tu luyện, rồi về quê chế ra đạo: Đạo Dừa, vì ông chỉ uống nước dừa, ngồi trên chiếc thuyền Bát Nhã. Ông chỉ thuyết giảng đến năm Thân Dậu mới ra thái bình (?). Đạo ông không phát triển, bành trướng như Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang và Cao Đài ở Tây Ninh.

Đạo Dừa chỉ quanh quẩn trên cồn Phụng. Giáo dân sống rất mực thước, nhà cửa khang trang, ăn mặc sạch sẽ, chuyên nghề trồng trọt và tiểu công nghệ.

Tưởng như ông có tinh thần đấu tranh cho đất nước, đem đạo lý cao siêu rèn luyện dân trí, dân sinh, tự do dân chủ, dè đâu nó không ra cái gì hết, phải chi nó giống Kibbutz của người Do Thái, luôn luôn mang nặng lòng quật khởi cho quê hương thì tốt biết mấy. Chủ thuyết của ông nặng mùi hòa đồng hòa hợp dân tộc.

Giai thoại ông già Ba Tri

Nói tới Bến Tre là nói tới ông già Ba Tri. Mà ông già Ba Tri là ai? Không có ai hiểu rõ lai lịch ông già này cả. Chính Cụ Phan Thanh Giản, khi làm Kinh Lược Sứ Trấn Vĩnh Long, cũng đơn giản cho rằng: Ông già Ba Tri là ông già quắc thước, có công giúp nước, xây làng, mở đường và lập chợ.

Thiệt ra cho tới giờ nầy mà nói, người ta chỉ biết lơ tơ mơ về ông mà thôi. Người ta chỉ cho đây là một ông già quắc thước, cứng rắn, can trường, khôn ngoan, đa mưu túc kế khó ai mà lường gạt được ông. Người dân Bến Tre tự hào về ông.

Vậy mà lại có câu ca dao kỳ lạ, chê bai dân Bến Tre trái ngược như thế nầy:

Bến Tre khờ khạo chân tình
Long An đủng đỉnh như sình dính chân’.

Câu ca dao nầy có vẻ mỉa mai người dân Bến Tre. Vậy thật ra ai là ông già Ba Tri và câu chuyện nó ra sao?

bentre

Dân Bến Tre không thể nào khờ khạo được, bởi vì hễ nói tới Bến Tre ai ai cũng nghĩ tới một người đa mưu túc kế khó là lường gạt được, người đó mang danh: ông già Ba Tri. Chân tình thì đúng vì đây là đặc tánh dân Nam Kỳ Lục Tỉnh, thật thà chất phác, có gì thẳng thắn nói ra, không úp mở. Khách đến nhà tới bữa cơm là mời ăn thật tình, chớ không khách sáo, mời cho có lệ, lịch sự chớ trong bụng không muốn khách ăn.

Trước đây có nhiều nhà nghiên cứu ghi lại câu chuyện ông già Ba Tri như:

  • Người Pháp: Monographie de la province de Bến Tre 1929.
  • Kiến Hòa xưa và nay của Huỳnh Minh 1965.
  • Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam (1757-1954), của Nguyễn Duy Oanh 1971.

Xưa kia tại quận Ba Tri, tại sông Hàm Luông có con rạch Ba Tri, có một ông lão khai thác đất hoang, khai kinh, đắp đường, lập làng, lập chợ chồm hổm vào năm 1806, gọi là Chợ Trong, mần ăn buôn bán. Các ghe xuồng từ sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên qua, cả thương thuyền từ Trà Vinh, Mỹ Tho, Gia Định cũng thuận buồm ra vào Chợ Trong buôn bán. Chợ Trong trở nên phồn thịnh nhờ lưu thông tiện lợi.

Trước đó, đã có ông Cả Hạc lập Chợ Ngoài buôn bán rất phồn thịnh một thời, nay Chợ Ngoài lại trở nên vắng vẻ. Ông chủ Chợ Ngoài thấy vậy đắp đê chặn không cho ghe thuyền vào Chợ Trong. Chợ Trong trở nên vắng vẻ ế ẩm.

Cho nên có câu ca dao:

Đố ai con rít mấy chân,
Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người.
Chợ Dinh bán áo con trai,
Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim.

Ông lão Chợ Trong tức tối đâm đơn kiện nhưng than ôi, gần như cửa quyền ghép lại: làng xã, quận huyện đều xử ông thua. Lý do là vào thời đó mỗi làng đều có quyền đào kinh, xây đắp đập trong địa phận làng mình để phát triển.

Ông lão Chợ Trong bực bội không an tâm, không thể ngồi không chấp nhận thua cuộc một cách vô lý như vậy được, nên tìm cách kiện vì cho nó thiếu công bằng hợp lý. Tên thiệt của ông này là Thái Hữu Kiểm hay Cả Kiểm. Nguyên ông là con của ông Thái Hữu Xưa, người từng giúp Nguyễn Ánh lập công, cho nên ông lão Chợ Trong đòi ra tận kinh đô Huế khiếu kiện với nhà vua mới được.

Ông mới kéo theo thêm người bạn Chợ Ngoài là Cả Hạc và người chứng (Trần văn Tới?) cùng ông khăn gói đi bộ (1035 km) lên kinh đô, dâng đơn khiếu nại vì đã bị xử oan ức, thiếu công bằng. Sở dĩ ông Cả Hạc chấp nhận đi hầu là vì bạn thân, và ông muốn chứng minh cho ông Cả Kiểm chấp nhận lời phán của địa phương, nên đồng ý chung góp tiền bạc, khăn gói ra kinh đô Huế, bởi vì trong thâm tâm họ [nhóm ông Cả Hạc] chắc phần thắng kiện. Có tác giả để Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi.(3)

Sở dĩ họ chấp nhận đi bộ dầu xa xôi hiểm trở, đồi núi và dã thú như cọp, nhưng họ không màng. Họ không đi ghe dù ghe đi nhanh hơn vì không nhằm mùa gió thuận, càng khó khăn nguy hiểm.

Trong thời đại quân chủ, phép vua thua lệ làng mà ông Cả Kiểm lại bỏ công, bỏ của đi kiện đòi công lý, công bằng thì hết sức là phi lý. Bởi vậy ai cũng cho ông lão Chợ Trong thẳng thắn mà quê mùa, khù khờ, hoài công, mới làm trò đùa cho thiên hạ, mới hành sự như vậy. Ai đời có ông vua nào rảnh rỗi mà đứng ra xử kiện, một việc tầm thường, cho người dân thường của một vùng quê xa xôi như vậy. Hơn nữa đó là thời vua Minh Mạng, một ông vua nổi tiếng với câu truyền khẩu dân gian: ‘Nhứt dạ lục giao sanh ngũ tử’.

Vì vậy, việc ông lão Chợ Trong đi kiện được coi là khù khờ y như chàng Lục Vân Tiên mà ta thấy ở trên.

Nhưng nhà vua nầy rất thông minh, thương quê hương, thương dân, ngài chính là Thánh Tổ Minh Mạng. Vua lại có hứng thú chịu đứng ra xử cho ông thắng kiện vì công lý, vì đạo lý và công bằng để cho người dân an cư lạc nghiệp!

Tại sao? Vì theo ý nhà vua, ông Cả Kiểm biết khai kinh lập chợ nên nhà vua phán ‘Dù là làng riêng nhưng rạch là rạch chung, là đường giao thông chung cho cả Chợ Ngoài lẫn Chợ Trong. Phủ Huyện phải cho dẹp bỏ đập’

Vua Minh Mạng lệnh cho quan Phủ Hoằng Trị và tỉnh Long Hồ phá đập. Nhà vua cũng cho việc làm của ông cả Hạc là hoàn toàn sai: Sai ở chỗ ‘ngăn sông cấm chợ’.

Sở dĩ có việc nầy là vì trước đây vua Gia Long lập quốc chia nước ra Bắc Thành và Gia Định Thành để cai trị. Vua Minh Mạng lại sửa đổi hệ thống hành chính thành tập quyền, mọi việc điều do triều đình định đoạt, để tránh bè phái. Tất cả quan chức cao không được làm quan ở quê nhà.

Vua Minh Mạng là vị vua tài giỏi, đã hoàn thiện chính quyền, và làm được nhiều việc ích nước lợi dân.

Sau khi về quê nhà, cả ba ông vẫn đề huề, vẫn là bạn thâm giao như xưa.

Và từ đó mới có “tục ngữ” ông già Ba Tri để nói về những ông [già] vì lẽ công bằng chánh trực mà đứng lên tranh đấu, không chịu khuất bọn cường hào ác bá, trục lợi, hại dân hại nước. (3)

Ước mong hậu duệ ông già Ba Tri noi theo gương tiền nhân, tiếp nối cái tinh thần vì công lý, vì tự do, phấn đấu lo cho dân, cho nước, chớ không phải cướp của, lấy nhà lấy đất dân.

‘Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan’ (Tục ngữ)

Hiện tại Bến Tre có mộ phần của ba danh tài: Cụ Phan Thanh Giản, Cụ Võ Trường Toản và Cụ Nguyễn Đình Chiểu ở quận Ba Tri. Nơi đó cũng là những trọng tâm du lịch hiện nay.

Phan Văn Sang

Tham khảo:

  1. Nguyễn Hữu Phước, Nhớ Bến Tre Qua Ca Dao NCVH Đồng Nai & Cửu Long, số 3. tr 133
  2. Lê Quang Hiền, Địa Danh, Ca Dao và … DNCL, NCVH ĐNCL, số 2, tr 91
  3. Phan Tấn Hà: ‘Ai là ông già Ba Tri’ năm 1999 thì có ông già 90 tuổi, tên Thái Hữu Yến, cháu đời thứ sáu của ông Kiểm cung cấp tài liệu quý báu trên.
  4. Phạm Văn Sơn: Việt Sử Toàn Thư
  5. Trần Trọng Kim: Việt Nam Sử Lược