Lời nói đầu: Bài này chủ yếu nhằm theo dõi những bước đời của một cô công chúa trẻ, không phải là một nghiên cứu về một giai đoạn của lịch sử. Tuy vậy, tất cả các chi tiết đều cố gắng sao cho được thật chính xác. Bạn nào có quan tâm hơn, xin xem chú thích ở cuối bài.
Nhiều người đặt tên con là Ngọc Hân, nhưng có lẽ ít ai biết cuộc đời của vị công chúa nầy thật lắm chông gai, quá sức chịu đựng của một con người bình thường. Mỹ nhân thường bạc mệnh, nhưng hai chữ “bạc mệnh” không đủ để diễn tả được những khổ đau lớn lao trong đời Công Chúa.
Bản thân là cành vàng lá ngọc, “ngự uyển nhất chi hoa”
Công chúa Lê Ngọc Hân ra đời ngày 27 tháng 4 (không rõ âm hay dương lịch) năm 1770 (Canh Dần).
Thân phụ là vua Lê Hiển Tông (1717-1786, tên húy là Lê Duy Diêu), lên ngôi vào tháng 5 năm 1740, sau khi chúa Trịnh Doanh ép vua Lê Ý Tông nhường ngôi cho ông. Làm vua được 47 năm, niên hiệu là Cảnh Hưng.
Mẹ là Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, người phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là Gia Lâm, Hà Nội). Bà không phải là chính thất, nhập cung giữ vị trí Chiêu Nghi. Bà có hai con: hoàng tử Lê Duy Cận và công chúa Ngọc Hân.
Trong số anh chị em (khác mẹ) của công chúa Ngọc Hân, những người có tên trong lịch sử là Thái Tử Lê Duy Vỹ (con Thánh Đức Hoàng Hậu Trần Thị Ngọc Câu), công chúa Lê Ngọc Bình (con Chiêu Nghi Nguyễn Thị Điều, bà là người cùng làng với mẹ công chúa Ngọc Hân). Công chúa Ngọc Bình là Hoàng Hậu của vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn, sau là Đệ Tam Phi của vua Gia Long.
Bối Cảnh Xã Hội: Con vua, nhưng không hẳn “sống trong nhung lụa”
Dưới thời vua Lê chúa Trịnh ở Bắc Hà, nhà vua chỉ ngồi làm vì, tất cả quyền lực và của cải đều nằm ở phủ Chúa. Cho nên giống như các vị vua Lê trước, vua Hiển Tông cũng chỉ ngồi đó “khoanh tay rủ áo”, vận mạng nổi trôi vì họ Trịnh hay phế lập và giết các vua Lê rất tùy tiện.
Vua Lê chỉ có “5000 lính, hưởng lộc một nghìn làng”, số thu nhập này chỉ lo việc cúng tế, nghi lễ, là đã gần hết [Phan Trần Chúc: “Bánh Xe Khứ Quốc”].
- 1740: Chúa Trịnh Doanh lên ngôi (thay cho anh trai là chúa Trịnh Giang). Trịnh Doanh bình ổn và dẹp nội loạn, đồng thời biết nhu nhuyễn trong cách đối xử với hoàng gia. Ông bắt vua Lê Ý Tông trả lại ngôi vua cho ngành chính, và phò Lê Duy Diêu lên ngôi (tức là vua Hiển Tông). Lúc này vua Hiển Tông chưa có công chúa Ngọc Hân.
- 1753: Trịnh Doanh ép vua chỉ định cho con mình là Trịnh Sâm làm Thế Tử (người sẽ kế vị Trịnh Doanh). Trịnh Sâm từ nhỏ đã thù Thái Tử Duy Vỹ (anh khác mẹ của công chúa Ngọc Hân) nên hằng nuôi ý báo thù. Trịnh Sâm lên ngôi Chúa khi Trịnh Doanh mất (1767).
- 1769: Trịnh Sâm vu cáo cho Thái Tử Duy Vỹ thông gian với cung tần cũ của chúa Trịnh Doanh, bắt Duy Vỹ hạ ngục, gia quyến trốn chạy cũng bị bắt bỏ tù (giam đến 11 năm). Sâm đưa Lê Duy Cận (anh trai công chúa Ngọc Hân?) lên làm Thái Tử. Cuối năm sau (1770), Thái Tử Duy Vỹ bị ép thắt cổ trong ngục [Đại Việt Sử Ký, Tục Biên], vua Hiển Tông không sao cứu được con trai. Lúc này Công Chúa Ngọc Hân mới bảy tám tháng tuổi.
Địa vị vua Hiển Tông bấp bênh vì Trịnh Sâm vẫn có ý đoạt ngôi. Sâm cử sứ thần Vũ Trần Thiệu đem sớ sang nói với Càn Long “con cháu nhà Lê hết người hiền” và đút lót các quan Thanh. Vũ Trần Thiệu trung với vua, đốt sớ rồi tự vẫn [Cương Mục].
- 1771: Nhà Tây Sơn khởi nghiệp ở Quy Nhơn với danh nghĩa “phò hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, diệt Trương Phúc Loan”. Tây Sơn chiếm được thành Quy Nhơn năm 1773.
- 1774: Tháng 5, Trịnh Sâm cử danh tướng Hoàng Ngũ Phúc nam tiến, tấn công Phú Xuân (Huế). Tháng 12, quân Trịnh chiếm kinh đô (Phú Xuân), chúa Nguyễn Phúc Thuần và hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương chạy vào Quảng Nam.
- 1775: Quân Nguyễn phản công Tây Sơn, Nguyễn Nhạc hàng Trịnh, xin đi làm tiên phong. Quân Trịnh rút lui (tháng 10), tướng Hoàng Ngũ Phúc mất trên đường về.
- 1776: Tây Sơn bắt đầu đánh vào Gia Định.
- 1777: Chúa Nguyễn Phúc Thuần và hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương bị Tây Sơn bắt, đem xử tử. Hoàng tôn Nguyễn Phúc Ánh (14 tuổi) trốn thoát. Nguyễn Nhạc tự xưng vương, lấy hiệu Thái Đức.
- 1778: Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại vùng Nam Bộ, lấy lại thành Gia Định, Sài Gòn, rồi chiếm Bình Thuận. Nhiều đụng độ lớn giữa quân Nguyễn và quân Tây Sơn trong thời gian này, Nguyễn Phúc Ánh thua, nhưng thoát được nhiều truy kích của Tây Sơn.
- 1782: Trịnh Sâm mất, còn là Trịnh Cán (6 tuổi) lên thay. Kiêu binh nổi lên, phế Trịnh Cán, đưa Trịnh Tông (Trịnh Khải) lên ngôi chúa, và giải thoát cho gia đình của Thái Tử Duy Vỹ, đưa con cả của Thái Tử Duy Vỹ là Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) về làm Hoàng Thái Tử. Công Chúa Ngọc Hân lên 12 tuổi.
- 1783: Loạn Kiêu Binh (tháng giêng), quân Thanh Nghệ giết Huy-Quận-Công Hoàng Đình Bảo (Quận Huy), đưa Hoàng Thái Tử Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) lên ngôi, hiệu là Chiêu Thống (17 tuổi).
Nguyễn Hữu Chỉnh (môn hạ của Quận Huy) đem hết lực lượng và gia quyến vào nam theo Tây Sơn.
- 1784-1875: Tình hình Bắc Hà rối loạn. Năm 1786, dân chết đói rất nhiều, “thây chết nằm liền nhau”.
Lúc Công Chúa vừa 16 tuổi (năm 1786)
- 1786: Bắc Hà ngày một rối loạn, Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ đánh Thuận Hoá (trước là của chúa Nguyễn nhưng mới bị họ Trịnh chiếm). Sau khi thành công [14 tháng 6], Nguyễn Hữu Chỉnh hiến kế đánh ra Bắc Hà. Nguyễn Huệ xin đánh, Nhạc không đồng ý nhưng Huệ vẫn kéo quân ra Bắc, nêu khẩu hiệu “phù Lê diệt Trịnh”. Quân Tây Sơn vào Thăng Long vào đầu tháng 7 (âm lịch). Chúa Trịnh Khải chạy trốn, bị bắt rồi tự vẫn.
- Ngày Mồng 8 (tháng Bảy âm lịch năm Bính Ngọ, 1786), vua Lê đặc cách sai triều thần bưng tờ chiếu sắc sang nơi Nguyễn Huệ đóng quân, “tuyên phong Nguyễn Văn Huệ Nguyên Súy Phù Chính Dực, Vũ Uy Quốc Công”. Huệ chịu phong xong, bảo riêng Nguyễn Hữu Chỉnh:
“Ta đem vài vạn quân ra đây, chỉ một trận là bình định được Bắc Hà. Một tấc đất, một người dân, gì mà chẳng phải của ta cả. Ví bằng muốn xưng đế, xưng vương, việc gì mà ta không làm được? Sở dĩ nhường nhịn mà không làm, chỉ là hậu đãi nhà Lê đó thôi.
Còn như sắc mệnh Nguyên Soái Quốc Công, đối với ta có hơn kém gì? Bầy tôi Bắc Hà lại muốn dùng danh vị hão để lung lạc ta hay sao? Đừng tưởng ta là người mọi rợ được chức tước ấy mà lấy làm vinh dự đâu!” [Cương Mục, Chính Biên, Quyển 46]. [“Lịch Triều Tạp Kỷ”, trích theo Nguyễn Duy Chính: “Lê Duy Kỳ 1766-1793 - Đáng thương hay đáng trách”].
Chỉnh biết ý Huệ không mãn nguyện, bèn bí mật khuyên nhà vua đem công chúa Ngọc Hân gả cho Huệ. Lúc này, công chúa Ngọc Hân 16 tuổi (Nguyễn Huệ 33 tuổi, đã có vợ rồi: Phạm Thị Liên).
- Hai ngày sau, Công Chúa Ngọc Hân vu quy (10-07 âm lịch). Có vẻ để phô trương lẫn đề phòng, “từ cửa đền vua đến cửa phủ quân thứ đều được Huệ cho dàn bày khí giới và nghi trượng 1 cách oai nghiêm rực rỡ. Người xem đều cho là một việc hiếm thấy xưa nay, lại có kẻ hơi tỏ ý chê cười” [Nguyễn Duy Chính: “Lê Duy Kỳ 1766-1793…” Đã dẫn].
Việc Công Chúa lấy chồng, “Cương Mục” chép: “Huệ rất đẹp dạ”. Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca nói: “ép duyên kim cải” [Lê Ngô Cát, tr. 339].
- Công Chúa thành hôn được một tuần thì vua cha Hiển Tôn mất, lòng rối tơ vò.
- Trước khi mất, vua Hiển Tôn truyền ngôi cho Lê Duy Kỳ (Lê Duy Khiêm), căn dặn mọi sự phải bàn với Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ muốn Giám Quốc Lê Duy Cẩn làm vua, nhưng hoàng tộc bảo “nếu việc lớn hư là Công Chúa có lỗi”, và đòi bỏ tên của công chúa Ngọc Hân trong sổ bộ hoàng gia, nên Lê Duy Kỳ lên ngôi, hiệu là Chiêu Thống [Đại Nam Liệt Truyện].
- Nguyễn Nhạc sợ em mình sẽ lập một nước Bắc Hà riêng, tức tốc dẫn quân khinh kỵ chạy ra Bắc, hội quân với Huệ ở Thăng Long.
- Anh em vua Tây Sơn gặp vua Chiêu Thống (Nguyễn Nhạc ngồi ghế giữa, vua và Huệ ngồi ghế hai bên). Khi vua ngỏ ý cắt đất (cho Tây Sơn), Nguyễn Nhạc trả lời: “Nếu (đất đai) không phải của nhà Lê thì một tấc cũng không để, nhưng đất của nhà Lê thì một tấc cũng không lấy”, chỉ muốn “đời đời làm nước láng giềng giao hảo với nhà Lê”. Vua Chiêu Thống tin lời, ngỏ ý muốn Nhạc ở lâu hơn. Vua Tây Sơn giả cách đồng ý, đến canh ba (17 tháng 8 âm lịch), không cho Nguyễn Hữu Chỉnh biết, anh em vua Tây Sơn “sai người từ biệt vua Lê rồi âm thầm rút hết quân thủy bộ về. Của cải trong kho tàng nhà Lê đều bị Tây Sơn thu hết”. [Cương Mục, Chính Biên, Quyển 46] + [ Hoàng Lê Nhất Thống Chí] + [Tạ Chí Đại Trường: Lịch Sử Nội Chiến Việt Nam 1771-802].
Công Chúa Ngọc Hân vạn dặm theo chồng. Nào biết đâu rời gia đình ra đi chỉ ba năm sau (1789) thì hoàng gia tan nát, Lê triều diệt vong – dưới tay Tây Sơn – khi công chúa chưa đầy 19 tuổi.
- 1787: Công Chúa ra đi được vài tháng, Thăng Long lại loạn lạc. Hậu duệ của giòng Trịnh là Trịnh Bồng trở lại làm chúa, muốn giết vua Chiêu Thống. Vua nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra cứu. Trong Nam, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng Đế, phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương. Nguyễn Hữu Chỉnh thấy Tây Sơn bất hòa, muốn độc lập.
Nguyễn Huệ vẫn định chiếm Bắc Hà, nhưng bận tấn công Nguyễn Nhạc. Ngày 21 tháng 2, Nguyễn Huệ kéo đại binh (6-10 vạn) vào Quy Nhơn, đánh nhau khốc liệt (Huệ mất nửa số quân). Nhạc thua, kêu khóc nên Nguyễn Huệ rút lui, chia ranh giới. Nhạc phái người gặp Nguyễn Phúc Ánh xin hòa, “trả lại ngôi báu đã chiếm được” [Tạ Chí Đại Trường, đã dẫn].
Tháng Chạp, Nguyễn Huệ cử Vũ Văn Nhậm (con rể của Nhạc) ra đánh Chỉnh, nhưng “dặn nhỏ Ngô Văn Sở: Điều lo của ta không phải tại Bắc Hà mà là tại Nhậm vậy” [Tạ Chí Đại Trường, đã dẫn].
- 1788: Chỉnh thua, vua Chiêu Thống cùng hoàng gia chạy lánh nạn theo Chỉnh (9 tháng 1). Nhậm giết Chỉnh, lập Lê Duy Cẩn lên làm Giám Quốc (không phải vua). Tháng 6, Nguyễn Huệ kéo quân ra Thăng Long (có dẫn công chúa Ngọc Hân đi theo) [Tạ Chí Đại Trường, đã dẫn, tr. 163]. Có vẻ đã không có chuyện gì để cần đến sự trung gian của vị công chúa nhà Lê nên sách sử không ghi chép.
Huệ giết Nhậm, và ra bá cáo công kích vua Chiêu Thống “vô ơn bạc nghĩa, mất cả tư cách, bất tài vô tướng”, rồi cho dân chúng (không phân biệt là ai) bày tỏ ý kiến nên theo vua Lê hay theo Tây Sơn [Tạ Chí Đại Trường, đã dẫn, tr 163-164]. Tuy vậy, niềm “hoài Lê” ở Thăng Long còn cao, và áp lực mạnh của quân Nguyễn Phúc Anh ở phương Nam nên ngôi vị Giám Quốc của Lê Duy Cẩn chưa mất. Nguyễn Huệ rút về, giao Thăng Long cho Ngô Văn Sở cai quản.
Cuối năm, Tôn Sĩ Nghị kéo quân sang, cho người đi tìm vua Chiêu Thống và đưa vua trở lại ngôi. Nguyễn Huệ xưng Hoàng Đế, hiệu Quang Trung, kéo quân ra Bắc.
- 1789: Đầu năm, Tây Sơn đánh tan quân Thanh, vua Chiêu Thống trốn ra Kinh Bắc; nghe tin Sĩ Nghị bại tẩu vội chạy theo đám tàn quân, triều đại nhà Lê chấm dứt.
Trong năm này, Nguyễn Huệ phong Công Chúa Ngọc Hân – 19 tuổi – làm Bắc Cung Hoàng Hậu, sau khi phong bà chính thất Phạm Thị Liên làm Chính Cung Hoàng Hậu năm trước đó.
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam?
1. Trong giai đoạn đó của thời cuộc, Nguyễn Huệ là “người trai rất đáng nên trai” nhất. Một cô công chúa kiều diễm kết hôn với một danh tướng, về sau là một vị vua, chuyện thấy đẹp như tiểu thuyết, có gì hơn. Vậy việc này đối với công chúa Ngọc Hân có phải là một diễm phúc?
2. Công Chúa phải là một người đẹp, rất đẹp. Nếu không, vị tướng bách thắng có thể đã lắc đầu quầy quậy ngay từ đầu. Phần nhà Lê, muốn cầu hoà, dĩ nhiên phải làm vừa lòng người mình muốn gây thiện cảm.
Đây còn là một vị công chúa tài sắc vẹn toàn. Theo ghi chép: “Vua (Quang Trung) trọng văn tài, giao cho Ngọc Hân dạy dỗ các con cái và các cung nữ… Ngọc Hân giúp chồng nhiều việc quan trọng như khuyên giải Nguyễn Huệ chấm dứt xung đột với Nguyễn Nhạc… Một số biểu văn về Bắc Cung Hoàng Hậu Ngọc Hân do triều thần dâng lên vua Quang Trung khi vua còn sống ghi [trích đoạn]: Kính nghĩ, Hoàng Hậu là ánh sáng tỏa lan của lá ngọc cành vàng…Lúc gà gáy nửa đêm, ân cần chăm sóc, giúp Hoàng Đế mặc thêm áo để lo việc triều chính... Đọc Kinh Thi, giải Kinh Dịch, làm nền tảng cho việc tốt đẹp, dồi dào. Siêng cần, lo thành tựu nghiệp cả…” [Ngô Kinh Luân: “Những Bà Vợ của vua Quang Trung”].
3. Công Chúa Ngọc Hân có hai người con: Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo, và hoàng tử Nguyễn Quang Đức. Hồng nhan bạc mệnh, lấy chồng được sáu (6) năm thôi thì vua Quang Trung đột ngột qua đời (1792 – ngày 29 tháng 7 nhuận âm lịch), lúc đó Công Chúa Ngọc Hân chỉ mới 22 tuổi. Vua mất đi, Công Chúa và hai con nhỏ phải ra khỏi cung, lên sống ở chùa Kim Tiền (Huế) “thờ chồng nuôi con”.
4. Sống như vậy được bảy (7) năm thì Công Chúa Ngọc Hân cũng mất (năm 1799, 29 tuổi. Thụy hiệu: Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu). Hai người con, công chúa Ngọc Bảo mất lúc lên 12 tuổi, hoàng tử Quang Đức mất lúc lên 10 tuổi (1801).
Có vẻ là không ai để ý đến ba mẹ con sống nghèo nàn ra sao ở chùa sau khi vua Quang Trung đã mất.
5. “Ai Tư Vãn”, bài văn được cho là của Công Chúa làm để tế vua Quang Trung, nói lên điều “phải sống vì con còn quá nhỏ”:
Quyết liều mong vẹn chữ tòng. Trên rường nào ngại, giữa dòng nào e
Còn trứng nước thương vì đôi chút. Chữ tình thâm chưa thoát được đi
Vậy nên nấn ná đòi khi. Hình tuy còn ở, phách thì đã theo…
Gót lân chỉ mấy hàng lẩm chẩm. Ðầu mũ mao mình tấm áo gai
U ơ ra trước hương đài. Tưởng quang cảnh ấy chua cay dường nào...
Lấy vua cũng là “trao thân, gửi phận”
- Năm Đinh Mùi (1787), khi công chúa theo chồng về Phú Xuân chưa được một năm, danh sĩ đất Bắc là Trần Công Xán vâng lệnh vua Chiêu Thống vào điều đình với tướng Nguyễn Huệ xin chuộc lại đất Nghệ An, vốn là đất thang mộc của nhà Lê đang bị Tây Sơn giữ [Tuy tuyên bố “không lấy đất” nhưng Tây Sơn chiếm Nghệ An]. Sứ bộ do ông làm chánh sứ, trong đó có hoàng thân Lê Duy Án (con út vua Hiển Tông) là em của Công Chúa Ngọc Hân (cùng cha khác mẹ).
Trần Công Xán biện luận sắc bén [“vua của Đại Vương nói đất nhà của Lê một tấc cũng không lấy, nay Nghệ An là đất cũ của hoàng triều từ lâu đời trước, có xin lại sao bảo là giao tranh?”], Nguyễn Huệ tranh cãi khó khăn, và muốn dụ hàng nhưng không được nên bắt giam vào ngục. Sau đó thả ra, cho cả đoàn sứ bộ về Bắc, lại tặng 100 lượng vàng, bảo là “quà của Công Chúa, không nên từ chối”…
Nhưng ngầm sai người đục thuyền giữa biển cho chết hết, phao là “thuyền gặp gió bão nên chìm”... [Cương Mục, Chính Biên, Quyển 47] + [Nguyễn Duy Chính: “Lê Duy Kỳ 1766-1793…” Đã dẫn, tr 22] + [Nguyễn Gia Kiểng: “Nhìn Lại Nhân Vật Nguyễn Huệ”. Nghiên Cứu Lịch Sử 17-05-2016].
- Năm sau đó (1788, khi công chúa chỉ mới 18 tuổi), có lần tướng Nguyễn Huệ hỏi: “Con trai con gái nhà Vua, đã có mấy người được vẻ vang như nàng?”
Công chúa từ tốn trả lời: “Hoàng phụ quen sống đạm bạc, bổng lộc ít ỏi, các hoàng tử và công chúa đều thanh bạch. Nay thiếp được nâng khăn sửa túi cho chúa công, cũng tỷ như giọt nước trên không trung rơi vào nơi lầu son gác tía, thân phận thiếp quả là may mắn hơn cả.” [Minh Vũ Hồ Văn Châm: “Công chúa Đông Đô - Hoàng Hậu Phú Xuân, nàng là ai”. Nghiên Cứu Lịch Sử 21-10-2014].
Để sống thuận hòa với chồng, vị công chúa trẻ cũng phải biết khôn ngoan cẩn thận, nói năng phải lời.

Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân
Giáo sư Trần Quốc Vượng viết trong bài “Mấy Vấn Đề Về Vua Gia Long”:
“Tôi được đọc Gia Phả nhà họ Nguyễn ở làng Nành (nay thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) quê bà Nguyễn Thị Huyền, mẹ bà [công chúa] Ngọc Bình, nhũ mẫu của bà [công chúa] Ngọc Hân. Gia phả có đoạn chép:
Bà cụ Nguyễn Thị Huyền – qua con gái là bà Ngọc Bình [Đệ Tam Cung Phi của vua Gia Long] – có làm đơn xin cải táng mộ bà Ngọc Hân (và hai con bà) về Bắc, về quê bà. Vua Gia Long đồng ý.
Tiểu sành đựng xương cốt bà Ngọc Hân được chở bằng thuyền về làng Nành và được xây mộ hẳn hoi.
Mãi đến thời Thiệu Trị (1840-1847), có một tên cường hào ở làng Nành vì có sự chảnh chọe ngôi thứ gì đó với dòng họ Nguyễn nên làm đơn vu cáo họ Nguyễn đã “lợi dụng” gì đó về ngôi “mả ngụy” Ngọc Hân, cấp trên nó quan liêu hay ăn đút lót gì đó – không biết – phê vào đơn cho phép đào mả Ngọc Hân quẳng xuống sông Nhị Hồng…
Hiện nay ở Gia Lâm có đền Ghềnh, tương truyền là “rất thiêng”, đấy chính là nơi hài cốt Ngọc Hân dạt vào, được dân vớt lên mai táng lại.
Văn Lang - Tôn Thất Phương (2020-07-15)
Chú Thích:
Khi theo dõi những diễn biến của thời Tây Sơn, tôi chọn những nghiên cứu của các học giả không bị ảnh hưởng bởi lập trường chính trị của bây giờ. Cụ thể là:
Tạ Chí Đại Trường (“Lịch Sử Nội Chiến ở Việt Nam 1771-1802. Văn Sử Học xuất bản, 1973 (Sài Gòn?)” + “Tây Sơn Nhìn Lại Từ Bên Trong” - trong “Sử Việt Đọc Vài Quyển”, Nhà xuất bản Thanh Văn 2006, bản PDF). Nguyễn Duy Chính (“Việt-Thanh Chiến Dịch” – Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ 2016, bản PDF + “Lê Duy Kỳ 1766-1793 – Đáng thương hay đáng trách” – bản PDF). Thụy Khuê (“Vua Gia Long và người Pháp” – Nhà xuất bản Hồng Đức, 2016), Lê Nguyễn (“Cuộc Nổi Dậy của Nhà Tây Sơn” – sách dịch. Nhà xuất bản Tổng Hợp, tp HoChiMinh 2019”) + (“Chút Suy Nghĩ về chuyện Cõng Rắn Cắn Gà Nhà của Nguyễn Ánh - Gia Long”. TriViet.news 02-05-2018), Võ Hương An (“Chuyện Đời Vay Trả” khoahocnet.com 2011-09-02). Trần Quốc Vượng (“Mấy Vấn Đề Về Vua Gia Long” – “Nghiên Cứu Lịch Sử” 16-01-2013).
Tuy phần rất lớn của những công trình này là nói về Tây Sơn, những chi tiết về công chúa Ngọc Hân nằm rải rác trong đó. Hầu hết các học giả nầy đều xử dụng các sách sử chính thống nên chỉ cần kiểm chứng khi gặp chi tiết rất cần thiết về công chúa Ngọc Hân (chủ yếu là “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục” – gọi tắt là “Cương Mục”). Trừ trường hợp không thể lựa chọn, trong vấn đề Tây Sơn, tôi tìm dùng những tài liệu xuất bản ở Sài Gòn trước 1975 và tránh những sách sử được tái biên tập lại hay tái xuất bản về sau này.
Các bộ sử chính thống có thể xem hay tải xuống từ Internet. “Bắc Hành Tùng Ký” (của Lê Quýnh, cận thần tòng vong của vua Chiêu Thống) có trên Tập San Sử Địa (Sài Gòn). Sách của Nguyễn Duy Chính, vì vấn đề bản quyền nên có thể đã rút hết xuống từ trên Internet. Sách dịch của Lê Nguyễn thì không có bản điện tử.