User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Đoạn 1 Thời Đại Lập Quốc (2879 TCN- 111 TCN)
 
Lịch sử là quá trình diễn biến sự kiện ảnh hưởng đến một nhóm đông người, một dân tộc, một quốc gia, một liên bang. Ca dao là thơ của quần chúng dưới hình thức câu hát nhưng không theo nhịp điệu nhất định, không biết tác giả là ai, và được phổ biến qua sự truyền miệng.
 
I. Dẫn Vào Ca Dao Lịch Sử
 
Nếu là ca dao lịch sử, thường sự kiện lịch sử có trước, ca dao phản ánh thái độ của quần chúng đối với sự kiện đó. Ca dao còn là tiếng nói của quần chúng ghi lại giai đoạn lịch sử xa xưa, trong thời gian chưa có ca dao. Vì vậy, khi ca dao xuất hiện thì ca dao đóng vai trò chép sử kiểu dân gian. Một trường hợp khác, ca dao báo trước sự kiện lịch sử; đó là những câu sấm truyền, các nhà tiên tri ẩn danh đưa thông điệp của mình vào văn chương truyền khẩu. Một vài câu ca dao lịch sử, có tính cách chung chung, không rõ phản ánh một sự kiện nhất định; gặp trường hợp nầy chúng tôi phải chọn lựa sự kiện nào phù hợp nhất với câu ca dao ấy. Và trong phạm vi đề tài này, có vài câu thơ lịch sử còn lưu tên tác giả, nhưng được dân chúng hâm mộ, lan truyền trong dân gian qua nhiều đời và ca dao hóa. Chúng tôi tạm đưa loại ấy vào gia đình ca dao nhưng có ghi xuất xứ. Đường vào Lịch Sử Việt Nam qua nẻo ca dao là bức tranh ấn tượng, mỗi sự kiện chỉ vài nét chấm phá đơn sơ nhưng rất cô đọng. Hành trình ca dao theo suốt chiều dài lịch sử từ Hồng Bàng dựng nước đến ngày nay và mãi mãi ngàn sau. Ca Dao, Nẻo Vào Lịch Sử, cả thảy có 4 chương, gồm 20 bài, được ghi theo trình tự như sau: - Phần Một, từ Đoạn 1 đến Đoạn 6 - Phần Hai, từ Đoạn 7 đến Đoạn 12 - Phần Ba, từ Đoạn 13 đến Đoạn 17 - Phần Bốn, từ Đoạn 18 đến Đoạn 20. Trong Đoạn Thứ Nhất, chúng tôi xin trình bày cội nguồn Dân Tộc và công cuộc lập quốc.
 
II. Hình Thành Lãnh Thổ
 
Thời kỳ này khởi đầu từ năm 2879 (?) đến 111 trước Công Nguyên, trải dài 2768 năm, nối tiếp nhau ba triều đại: Hồng Bàng, Thục, Triệu. Đầu tiên, tên nước là Xích Quỷ, Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam, Trung Hoa), Nam giáp nước Hồ Tôn (Champa), Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Hoa), Đông giáp biển Đông Hải. Về sau chia ra những nước nhỏ gọi là Bách Việt [1] và hình thành nước Văn Lang, quốc hiệu thứ hai của nước ta [2]. Lãnh thổ Văn Lang gồm một phần các miền Quảng Đông (Guang Dong), Quảng Tây (Guang Xi), Hoa Nam, và oa NamHoa NamHHH phần lớn các tỉnh Bắc Việt đến tận đèo Ngang, chia làm 15 bộ [3]. Song song với việc dựng nước, dân tộc ta còn có truyền thuyết về dòng giống Lạc Hồng.
 
đfhdfb 236x300H 1: Bản đồ Văn Lang, Âu Lạc và Nam Việt. Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận, cuốn I, tr 97.
 
III - Họ Hồng Bàng (2879 – 258 TCN)
 
Theo truyền thuyết, ngày xưa vua Đế Minh là cháu ba đời của Thần Nông [4], ông tổ nghề Nông được tôn là thần:
 
...Ông Thần Nông thị,
Người ở đời xưa,
Dạy dân cày bừa,
Khỏi đói khỏi khổ.
Nay dâng một cỗ,
Xin Người hưởng cho,
Xin Người giúp cho,
Giúp cho lúa tốt,
Lúa tốt khắp đồng,
Nhiều hột nhiều bông,
Đầy kho đầy lẫm,
Thái bình no ấm,
Dân sự cậy nhờ [5].
 
Đế Minh nhân đi tuần thú phương Nam đến miền Ngũ Lĩnh thuộc tỉnh Hồ Nam (Hu Nan), lấy nàng tiên, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục được phong làm vua phương Nam vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 TCN), xưng Đế hiệu là Kinh Dương Vương, đặt Quốc hiệu là Xích Quỷ (赤鬼) [6].
 
tjghgh 241x300H 2: Tài liệu do Nguyễn Huy Trực [7] cung cấp.
 
Kinh DươngVương cưới con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Sùng Lãm. Lớn lên, Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng là Lạc Long Quân. Về sau, văn chương truyền khẩu cũng ghi chép giai đoạn lập quốc này:
 
Ngày xưa xưa lắm,
Có vua Lạc Long,
Người thuộc về dòng,
Rồng thiêng cao quý.
Cả nước Xích Quỷ
Đều mến thương ngài.
 
fiy 225x300H 3: Cổng vào khu Di Tích Đền Hùng [8]Bùi Thị Đào Nguyên, 2010, Vi.wikipedia
 
IV. Dòng giống Tiên Rồng:

Rồi Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc có 100 trứng, nở ra 100 con trai:
 
Sau vua Đế Lai
Gả cho công chúa,
Dáng như phượng múa
Đẹp như bài thơ,
Tên là Âu Cơ,
Thuộc dòng Tiên Thánh.
Vai kề gối sánh
Được mấy năm tròn,
Hạ sinh bọc con,
Chứa đầy trăm trứng.
Mùa xuân mới hửng,
Thì ôi lạ thay!
Trứng rồng nở ngay,
Trăm trai tuấn tú.
 
Trong Lễ Tết cổ truyền của Việt Nam, ngày Mồng 5 tháng 5 là Tết Đoan Ngọ và cũng là ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ, dân gian đã lưu truyền câu ca dao:
 
Tháng Năm ngày Tết Đoan Dương,
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
 
ftuyH 4: Đền Hạ, Tục truyền nơi đây Bà Âu Cơ đẻ ra cái bọc trăm trứng. Nguyễn Thanh Quang, 2008, Vi.wikipedia
 
Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó.” Bèn chia con, từ biệt nhau, nửa theo mẹ về núi, nửa theo cha xuống biển, và phong cho con trưởng (không rõ tên húy) làm vua đầu tiên nước Văn Lang (文 郎) [9], đóng đô ở Phong Châu (huyện Bạch Hạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, năm 1899 lập tỉnh Vĩnh Yên, nay sáp nhập với Phúc Yên thành Vĩnh Phúc), xưng là Lạc Vương quen gọi là Hùng Vương [10], nối ngôi 18 đời [11]. Trong ca dao đã ghi lại cuộc chia ly đầy bịn rịn:
 
Một chiều trời động,
Sóng biển gầm gào,
Rừng cây xôn xao,
Cảm điều chia rẽ.
Lạc Long cặn kẽ
Nói với bà Âu:
Rằng ta ở lâu
Với nàng không được.
Ta, Rồng thuộc nước
Nàng, Tiên thuộc non
Đành chia trăm con,
Mỗi người một nửa.
Âu Cơ lệ ứa,
Yên lặng đưa chồng,
Cùng lũ con Rồng,
Theo cha xuống bể.
Đoạn rồi gạt lệ,
Đưa các con bà,
Lướt gió bôn ba,
Lên vùng rừng rú,
Đến mùa nước lũ
Thì bà Âu Cơ,
Bẻ lá đề thơ,
Gửi về biển rộng [12].
 
Theo truyền thuyết trên, chúng ta thuộc dòng dõi Con Rồng Cháu Tiên, ca dao phản ánh niềm tự hào dân tộc:
 
Trứng rồng lại nở ra rồng,
Liu điu lại nở ra dòng liu điu.
 
tuyi 300x226H 5: Đền Trung trong khu di tích Đền Hùng ở Phú Thọ.Ảnh từ “Việt Nam Văn Hóa Và Môi Trường”, phần 4.

1. Phù Đổng Thiên Vương:

Đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng tên chữ là Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay sáp nhập với huyện Từ Sơn thành huyện Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh, có Thánh Gióng đuổi được giặc Ân:
 
Nhớ xưa đương thuở triều Hùng,
Vũ Ninh [13] nổi đám bụi hồng nẻo xa.
Trời thương Bách Việt sơn hà,
Trong nơi thảo mãng [14] nảy ra kỳ tài.
Lên ba đang tuổi anh hài,
Roi ngà ngựa sắt ra oai trận tiền.
Một phen khói lửa dẹp yên,
Sóc Sơn [15] nhẹ gót thần tiên lên trời.
 
Câu hát trên đã đi vào lòng người qua truyền thuyết:
 
Làng Phù Đổng có một người,
Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ.
Những ngờ oan trái bao giờ,
Nào hay thần tướng đợi chờ phong vân [16].
 
và ca dao nhắc đến sự kiện lịch sử này như sau:
 
Nhớ đời thứ sáu Hùng Vương,
Ân sai hai tám tướng cường nữ nhung.
Xâm cương cậy thế khoe hùng,
Kéo sang đóng chặt một vùng Vũ Ninh.
Trời cho Thánh tướng giáng sinh,
Giáng về Phù Đổng ẩn hình ai hay.
Mới lên ba tuổi thơ ngây,
Thấy vua cầu tướng ngày rày ra quân.
Gọi sứ phán bảo ân cần,
Gươm vàng ngựa sắt đề binh tức thì.
Thánh Vương khi ấy ra uy,
Nửa ngày sấm sét, tứ bề giặc tan.
Áo thiêng cởi lại Linh San,
Thoắt đã thoát nợ trần hoàn lên tiên.
Miếu đền còn dấu cố viên,
Sử xanh bia đá tiếng truyền tự xưa.
Ức niên hương hỏa phụng thờ,
Đời đời khang thái ơn nhờ Hùng Long.
 
guio 321x214H 6: Đền Thượng, trên núi Nghĩa Lĩnh, thờ các vua Hùng Nguyễn Huy Trực chụp 1993.
 
Để tưởng nhớ công ơn, vua Hùng phong tước Phù Đổng Thiên Vương, lập đền thờ, nay còn giữ lễ hội:
 
Giáo gươm cờ xí trùng trùng,
Hằng năm mở hội tưng bừng vui thay.
Nhớ xưa Thánh Gióng tích rày
Uy phong rạng rỡ, đến nay còn truyền.
 
Một lễ hội truyền thống không thể thiếu vắng trong văn hóa Việt:
 
Ai ơi Mồng Tám tháng Tư,
Không xem Hội Gióng thì hư mất đời.

2. Chử Đồng Tử:

Đời Hùng Vương thứ 12 có Mỵ Nương (công chúa) Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử, chàng trai nổi tiếng chí hiếu nhưng nghèo đến nỗi không có mảnh vải che thân. Không ngờ, đó cũng là dòng tiên:
 
Sông sâu suối hiểm như vầy,
Ai xui em đến chốn này gặp anh?
Đào tơ sen ngó xanh xanh,
Ngọc lành còn đợi giá lành đẹp duyên.
Cho hay Tiên lại gặp Tiên,
Phụng hoàng há dễ đứng chen cùng gà [17].
 
jvkgl 300x202H 7: Đền Giếng, tương truyền nơi Tiên Dung soi gương. Ảnh, Nguyễn Huy Trực chụp 1993.
 
3. Sơn Tinh, Thủy Tinh:

Đời Hùng Vương thứ 18 chỉ sinh ra hai gái là Mỵ Châu và Mỵ Nương. Cả hai, nhan sắc tuyệt trần. Mỵ Châu đã có chồng. Mỵ Nương, vua đang kén phò mã. Một hôm, Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến xin cưới. Vua cha định ngày nộp lễ vật, giao hẹn ai đến trước sẽ được gả con. Sơn Tinh nhanh chân đến trước, rước Mỵ Nương về núi Tản Viên (núi Ba Vì, thuộc tỉnh Sơn Tây). Thủy Tinh đến sau, thất vọng, nổi cơn ghen tức, hóa phép mưa to gió lớn, nước dâng cố nhận chìm Sơn Tinh. Sơn Tinh cũng hóa phép núi cao lên. Thủy Tinh thua, rút nước về biển và không quên mối hận, hằng năm đánh nhau một lần, dân gian bị vạ lây bởi cảnh bão lụt:
 
Núi cao, sông cũng còn dài,
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen [18].
 
fouy 199x300H 8: Tháp bia trong khu di tích Đền Hùng Ảnh, Nguyễn Huy Trực, 1993
 
Trên đây là chuyện cổ tích mang màu sắc thần thoại, nhưng theo sử, Thục Vương oán hận vì không cưới được Mỵ Nương, dặn con cháu phải báo thù. Sau có người cháu là Thục Phán đem quân chiếm nước Văn Lang, chấm dứt triều đại Hùng Vương:
 
Bể dâu biến đổi cơ trời,
Mà so Hồng Lạc lâu dài ai hơn?
Kể vua Mười Tám đời truyền,
Hai ngàn năm lẻ vững bền khôn lay [19].
 
Để tưởng nhớ cội nguồn dân tộc và công lao lập quốc của tổ tiên, lễ hội Đền Hùng, còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, đời đời được tổ chức ở cấp quốc gia, và là lễ hội lớn nhất trong năm:
 
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ Mồng Mười tháng Ba.
 
IV. Nhà Thục (259- 207 TCN)
 
Thục Phán lấy được Văn Lang, đem sáp nhập vào đất Thục [20], xưng là An Dương Vương, cải quốc hiệu là Âu Lạc (甌 貉) [21], đóng đô ở Phong Khê (huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc ngoại thành Hà Nội).

1. Thần Kim Quy:

An Dương Vương xây thành Cổ Loa [22], bị giống yêu quái phá đổ, sau nhờ phép của Thần Kim Quy mới dựng được: Cổ Loa là đất đế kinh, Trông ra lại thấy tòa thành tiên xây...
ìyyl 288x300H 9: Sơ đồ thành Cổ Loa, nay còn dấu vết 3 vòng thành. Đỗ Văn Ninh, “Thành Cổ Việt Nam”, trang 33.
 
Thành trì được xây cất theo lối kiến trúc độc đáo:
 
Ai về đến huyện Đông Anh,
Ghé xem phong cảnh Loa Thành, Thục Vương.
Cổ Loa hình ốc khác thường,
Trải bao năm tháng, nẻo đường còn đây.
 
tfkyH 10: Trống đồng Cổ Loa được tìm thấy năm 1982 [23]. (Xem ghi chú 22)
 
Và như để nuối tiếc một di tích lịch sử đã bị xóa nhòa qua thời gian, mà không thể có lại được:
 
Bao giờ lấp Ngã Ba Tranh [24]
Để ta gánh đá xây thành Cổ Loa.
xhhdfjH 11: Cổng Đền Cổ Loa ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Trần Độ, “Văn Hóa Việt Nam”, ảnh Đỗ Huân.
 
coloaH 12: Một điện thờ trong Đền Cổ Loa. Ảnh, Nguyễn Huy Trực, 1991
 
2. Tình sử Trọng Thủy & Mỵ Châu:

Thần Kim Quy còn cho An Dương Vương cái móng chân, làm nỏ trấn thành. Vì nỏ thần, Triệu Đà không chiếm được Âu Lạc, bèn dùng kế cho con trai mình là Trọng Thủy cưới Mỵ Châu, con gái An Dương Vương, và ở rể theo phong tục Văn Lang. Trọng Thủy đánh cắp cái nỏ thần đem về cho cha và thay vào cái nỏ giả. Triệu Đà đem quân đánh thành Cổ Loa, An Dương Vương dùng đến nỏ thần nhưng không còn hiệu nghiệm nữa, bèn đem Mỵ Châu lên ngựa chạy về Nam. Vì Mỵ Châu có hẹn trước với Trọng Thủy, nếu xảy ra giặc giã, nàng có áo lông ngỗng, dùng lông rải dọc đường để chàng theo dấu tìm đến. Vì thế vua chạy đến đâu, giặc đuổi tới đấy. Chạy đến núi Mô Dạ, thuộc huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, giặc đuổi sát quá, vua bèn khấn thần Kim Quy, mới biết giặc ngồi sau lưng nhà vua. An Dương Vương tức giận, rút gươm chém Mỵ Châu, rồi nhảy xuống biển tự tử. Trọng Thủy đến nơi, thấy xác vợ, thương tiếc vô cùng, đem về Cổ Loa mai táng trọng thể, rồi nhảy xuống giếng trong thành chết theo vợ:
 
Ai về thăm huyện Đông Anh,
Tích xưa Thành Ốc Rùa Vàng tiên xây.
Xót thương Giếng Ngọc tràn đầy,
Máu pha thành lũy ngàn cây bóng tà.
 
giengngocH 13: Giếng Ngọc tức Giếng Mỵ Châu, nơi Trọng Thủy tự trầm. Ảnh, Nguyễn Huy Trực, 1991
 
Chuyện “Cái Nỏ Thần Trọng Thủy Mỵ Châu”, kết thúc triều đại nhà Thục. Nhưng, mối tình gián điệp đầy oan trái và thương cảm, đã đi vào lòng người qua ca dao:
 
Mênh mông góc bể chân trời,
Những người thiên hạ nào người tri âm?
Buồn riêng thôi lại tủi thầm:
Một duyên, hai nợ, ba lầm lấy nhau! [25]

dennguH 14: Đền Ngự Triều Di Quy (cạnh Đền Cổ Loa), nơi có am thờ Mỵ Châu. Ảnh, Nguyễn Huy Trực, 1991.
 
V. Nhà Triệu (207 TCN- 111 TCN)
 
Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc, rồi sáp nhập vào quận Nam Hải (Trung Hoa) lập ra một nước tự chủ, xưng là Triệu Vũ Vương, đặt quốc hiệu Nam Việt (南 越) [26], đóng đô ở Phiên Ngung thuộc Quảng Châu (Guang Zhou). Đến đời thứ tư, Triệu Ai Vương nối ngôi, Thái Hậu Cù Thị là người của nhà Hán, mưu với vua toan đem Nam Việt sáp nhập vào đất Hán. Tể Tướng Lữ Gia can ngăn không được bèn hội các đại thần giết Ai Vương cùng Thái Hậu và sứ giả nhà Hán; rồi tôn Kiến Đức, con trưởng của Triệu Minh Vương, mẹ là người Việt Nam, lên làm vua. Dân gian mượn lời ca, chê trách Cù Thị mưu đồ dâng đất nhà chồng cho ngoại bang:
 
Có chồng phải khổ vì con
Lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng.
 
VI. Lời Kết
 
Theo huyền sử Việt Nam, Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc có 100 trứng, nở ra 100 con trai, trùng khớp với lịch sử dân tộc Bách Việt, gồm các nhóm chẳng hạn như: U Việt, Dương Việt, Cán Việt, Mân Việt, Nam Việt, Đông Việt, Sơn Việt, Điền Việt, Khôi Việt, Chiêm Việt, Âu Việt, Lạc Việt,… Bách Việt sở hữu một lãnh thổ rộng lớn ở phía Nam sông Trường Giang, tức sông Dương Tử. Sách Hán Thư (漢書) đã ghi: “Trong vòng bảy tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê (thuộc vùng Bắc Chiết Giang) đâu đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có một thị tộc của mình.” Về nguồn gốc, ngày nay, với những phát kiến vững chắc, dựa trên các di chỉ có niên đại thời đại Đồ Đá Mới (Neolithic) và nhất là kiểu mộ hình chum được tìm thấy nhiều ở miền Bắc Việt Nam và một số ở Quảng Tây, chứng tỏ thổ dân sinh sống những vùng đó có nguồn gốc ở phía Nam, với ảnh hưởng nền văn hóa Hòa Bình (900- 5600 TCN) và Bắc Sơn (8300- 5900 TCN) ở Việt Nam. Phát kiến đầy sức thuyết phục này đã phá vỡ lập luận của La Hương Lâm (羅香林), nhà sử học Trung Hoa, cho rằng các dân tộc Bách Việt có cùng tổ tiên với nhà Hạ. Trong khi hầu hết các nhóm trong Bách Việt cuối cùng đã bị Hán hóa, chỉ có nhóm Lạc Việt vẫn giữ vững nền tự chủ, mở đầu là triều đại Hùng Vương nối ngôi 18 đời. Và hậu duệ của nhóm Lạc Việt vẫn duy trì bản sắc dân tộc, đến nay đã có chiều dài 4000 năm văn hiến.
 
(Còn tiếp)
Đào Đức Chương
 
Tên thật: Đào Đức Chương, Bút hiệu: Việt Thao, tuổi Đinh Sửu. Nguyên quán ở Vinh Thạnh, Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định. Ông từng là Cựu Giám Học Trường Trung Học Công Lập Đệ Nhị Cấp Đào Duy Từ, Bình Định (1972- 1975). Ông sang định cư tại San Jose (Hoa Kỳ) từ ngày 8- 7- San Jose, ngày 25- 12- 2004.
 
Những hoạt động văn học:

Giải nhì về thơ Hội Tết Giáp Tuất (1994) do Liên Hội Người Việt Quốc Gia Bắc California tổ chức tại San Jose.
Tham gia Hội Văn Học Nghệ Thuật Thi Đàn Lạc Việt từ 1995- 2001.
Gia nhập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại từ 1996- 2011
Ban Biên Tập: Các Tạp Chí Làng Văn (Canada) từ 1994, Nguồn Sống (San Jose, CA) 1996, Tâm Giác (Germany) 2005,Chuyên San Dòng Sử Việt (Alameda, CA) 2007 (ghi năm bắt đầu tham gia).
Nhóm thực hiện: Niên san Bình Định Bắc California từ 2001.

Cộng tác:

a/ Việt Nam Nhật Báo (San Jose, CA) 1996. b/ Các Tạp chí: Văn Uyển (San Jose, CA) 1994, Thế Kỷ 21 (Westminster, CA) 1998, Văn Học (Garden Grove, CA) 2006, Tin Văn (Houston TX) 2006, Cỏ Thơm (Virginia) 2006, Văn Hữu (Seattle, WA) 2009. c/ Các Đặc San: Tây Sơn Bình Định (Nam California) 1995, Cường Để & Nữ Trung Học (Houston, TX) 1999, Liên Trường Lại Giang (Nam Cali) 2000, Quang Trung & Tây Sơn (Houston, TX) 2000, Liên Trường Qui Nhơn (Nam Cali) 2006. d/ Diễn đàn Cuongde.org từ 19- 11- 2009. đ/ Việt Nam Văn Hóa Và Môi Trường, gồm nhiều tác giả; Westminster, Viện Việt Học xuất bản, 2012. 11 - Sách biên khảo đã xuất bản (viết chung với Mộng Bình Sơn): - Nhà Văn Phê Bình (1996) - Thi Ca Việt Nam Thời Cần Vương (1997).
 
Ghi Chú 
[1] Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, in lần thứ 7 (Sài Gòn, nxb Tân Việt, 1964); trang 24.
[2] Quốc hiệu là Xích Quỷ dưới đời Kinh Dương Vương (Lộc Tục) và con là Lạc Long Quân (Sùng Lãm). Quốc hiệu Văn Lang trong thời Hùng Vương (18 đời). Quốc hiệu Âu Lạc dưới đời An Dương Vương, khi Thục Phán ở nước Tây Âu (Âu Việt) đánh chiếm Văn Lang và sáp nhập. Quốc hiệu Nam Việt khi Triệu Đà ở quận Nam Hải đánh chiếm Âu Lạc và sáp nhập, xưng là Triệu Vũ Vương.
[3] Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, quyển 1 (Sài Gòn, Khai Trí tái bản, 1968); trang 76- 77 chép: “Bờ cõi của nước Văn Lang theo cũ gồm có 15 bộ: 1/ Văn Lang (Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên); Châu Diên (Sơn Tây) vùng Ba Vì; 3/ Phước Lộc (Miền đồng bằng); 4/ Tân Hưng (Hưng Hóa, Tuyên Quang); 5/ Vũ Định (Thái Nguyên và một phần đất của Hoa Nam); 6/ Vũ Ninh (Bắc Ninh); 7/ Lục Hải (Lạng Sơn và một phần Quảng Tây); 8/ Ninh Hải (Quảng Yên và một phần Quảng Đông); 9/ Dương Tuyền (Hải Dương); 10/ Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình), 11/ Cửu Chân (Thanh Hóa); 12/ Hoài Hoan (Nghệ An, Hà Tĩnh); 13/ Cửu Đức (Lưu vực sông Đà, sông Mã); 14/ Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị) không phải là vị trí nguyên thủy; 15/ Bình Văn (Ninh Bình).” Trần Trọng Kim; Việt Nam Sử Lược, cũng đặt nghi vấn về đất Việt Thường, sđd trang 25: “Về đời bấy giờ, sử Tàu có chép rằng năm Tân Mão (1109 tr. Tây lịch), đời vua Thành Vương nhà Chu có nước Việt Thường ở phía Nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người làm thông ngôn mới hiều được tiếng, và ông Chu Công Đán lại chế ra xe chỉ nam để đem sứ Việt Thường về nước. Vậy đất Việt Thường và đất Giao Chỉ có phải là đất của Hùng Vương lúc bấy giờ không?”
[4] Phạm Văn Sơn; Việt Sử Tân Biên, quyển 1, sđd trang 72: “Thần Nông thực ra chỉ có nghĩa là vị thần dạy nghề Nông, ông tổ nghề nông, chớ không có ý nghĩa gì khác.” Và cũng từ trang 72 đến 80 tác giả chép lời của ông Lê Chí Thiệp để xác định nguồn gốc tổ tiên ta, đại ý nói: Thần Nông là ông tổ nghề nông thuộc Việt tộc, chứ không phải vua Thần Nông thuộc Hán tộc của Trung Hoa.
[5] Nguyễn Đổng Chi chủ biên; Địa Chí Văn Hóa Dân Gian Nghệ Tĩnh (Vinh, nxb Nghệ An, 1995), trang 484: Trong thi ca bình dân cũng xác định Thần Nông là ông tổ nghề Nông. Tục lễ Xuống Cấy (cắm cây mạ vào ruộng) ở làng Dương Liễu, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An; nay thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, vị Tiên chỉ đứng chủ lễ cúng Thần Nông với lời khấn như đã chép trên.
[6] Xích Quỷ (赤鬼), khoảng năm 2879 TCN, đời Kinh Dương Vương (Lộc Tục) và con là Lạc Long Quân (Sùng Lãm). - Các tài liệu nhìn nhận quốc hiệu Xích Quỷ: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (bản dịch, tập 1, trang 132); Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược (trang 23); Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên: “Văn Lang là quốc hiệu thứ 2 của nước ta, sau Xích Quỷ” (quyển 1, trang 70 và 73). - Các tài liệu không chép quốc hiệu này: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục; Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận; Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca.
[7] Nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Trực (1926- 2009), người Hoàng Mai, Hà Nội. Tổng Thư ký Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam (1957- 1975). Sáng lập và Chủ tịch Hội Nhiếp Ảnh Việt Mỹ (1963- 1975). Giám đốc các lớp nhiếp ảnh nghệ thuật Hội Nhiếp Ảnh Việt Mỹ. Năm 1975 ông định cư tại California và có nhiều bài biên khảo đăng trong Việt Nam Nhật Báo (San Jose, CA), Bán Nguyệt San Ngày Nay (Houston, TX). Ông còn là nhà sưu tầm sách với 3700 cuốn, đủ các bộ môn và gồm ba thứ tiếng Việt Anh Pháp.
[8] Theo địa danh thời Hậu Lê, Đền Hùng ở trên núi Nghĩa Lĩnh, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, đạo Sơn Tây. Nay là thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7 km về phía Bắc, cách Hà Nội 90 km. Từ cổng Đền ở chân núi phía Tây, có con đường uốn cong men theo sườn núi, gồm 495 bậc thềm bằng đá ong đưa tới chùa Thiên Quang, rẽ mặt thì gặp Đền Hạ, xây dựng vào đời Lê, theo truyền thuyết nơi đây Bà Âu Cơ sinh ra cái bọc có trăm trứng nở ra 100 con trai... Đi lên nữa và hơi chếch về phía trái gặp Đền Trung, tiếp rẽ trái gặp Cột Đá Thề, tiến về phía tay mặt và trèo thêm 102 bậc thềm nữa lên tới đỉnh núi có Đền Thượng thờ các vua Hùng. Nơi đây, treo một bức hoành phi đề 5 chữ: Vạn cổ thử giang sơn, trích từ bài thơ của Trần Quang Khải. Rời Đền Thượng, đi tiếp, đến Lăng Hùng Vương. Từ đó, xuống thẳng một đường sẽ gặp Nhà Bia, tiếp xuống nữa là tới Đền Giếng, thờ Tiên Dung Mị Nương. Tương truyền, nơi đây các công chúa vua Hùng thường soi gương ở nước Giếng Ngọc. Hội Đền Hùng vào các ngày mồng 9, 10, 11 tháng Ba âm lịch.
[9] Văn Lang:(文郎), trong thời Hùng Vương (18 đời) tồn tại đến năm 258 TCN. Ngày nay có nhiều sử gia cho rằng nước ta chính thức có quốc hiệu từ đời Hùng Vương, và Văn Lang mới là quốc hiệu đầu tiên của dân tộc ta.
[10] Theo Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, phải chép là “Lạc Vương” mới đúng; Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng chép : “Lạc tướng hậu ngoa vi Hùng tướng”, nghĩa là Lạc tướng sau lầm làm Hùng tướng (Việt Sử Tân Biên, quyển 1, trang 75- 76).
[11] Theo Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 25: Họ Hồng Bàng làm vua nước Văn Lang truyền ngôi được 18 đời, nếu kể từ Kinh Dương Vương đến vị Hùng Vương cuối cùng, cả thảy là 20 ông vua. Nhưng theo Trịnh Vân Thanh, Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển (Gia Định, Tác giả xuất bản, 1966), quyển 1, trang 534: Nếu kể Hùng Vương Đệ Nhất húy là Lộc Tục, hiệu Kinh Dương Vương, và Hùng Vương Đệ Nhị húy là Hùng Hiền, tước Lạc Long Quân, hiệu Sùng Lãm thì mới đủ 18 vị vua Hùng.
[12] Kim Vũ sưu tầm và dịch; Việt Nam Những Áng Thơ Tuyệt Tác, song ngữ Việt Anh (Không đề nơi, tác giả xuất bản ở Hải ngoại, 2003); phần Một: Truyền Thống Thơ Dân Gian, trang 14 và 16. Trích đoạn ca dao từ câu “Ngày xưa xưa lắm” đến câu “Gửi về biển rộng...”
[13] Vũ Ninh: nơi đóng quân của giặc Ân, bao gồm các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay; Vũ Ninh cũng là tên núi ở huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh.
[14] Thảo mãng: bãi cỏ rậm, ý nói nơi hoang vu.
[15] Sóc Sơn: Núi Sóc hay núi Vệ Linh cao 44 mét, nay thuộc huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. [16,17,19] Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái; Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca, Hoàng Xuân Hãn đề tựa và dẫn (tái bản ở Hải ngoại, không đề chi tiết về xuất bản), trang 53, 55, 56.
[18] Vũ Dung – Vũ Thúy Anh – Vũ Anh Hào; Ca Dao Trữ Tình Việt Nam (nxb Giáo Dục, 1998), trang 392.
[20] Nước Tây Âu, tức Âu Việt, của Thục Vương gần Văn Lang, khác với nước Thục của Trung Hoa.
[21] Âu Lạc (甌貉), từ 257- 208 TCN, tồn tại trong 49 năm. Thục Phán chiếm Văn Lang sáp nhập vào Tây Âu xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê nay thuộc huyện Đông Anh (ngoại thành Hà Nội). Phần lớn, các học giả và sử gia đều công nhận Âu Lạc là quốc hiệu của ta; nhưng cũng có người không chấp nhận, chẳng hạn như Hoàng Cơ Thụy, Việt Sử Khảo Luận vẫn ghép Thục phán vào danh sách kẻ xâm lăng nước ta (xem cuốn 1, trang 121).
[22] Thành Cổ Loa do An Dương Vương xây năm 255 TCN, là kinh đô của nước Âu Lạc (Văn Lang hợp nhất với Tây Âu); ở làng Cổ Loa, tổng Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc; sau là huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên; nay thuộc thôn Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Theo Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay Địa Danh Việt Nam (Hà Nội, nxb Lao Động, 1996), trang 118: Thành Cổ Loa có 9 vòng (sử xưa), nay còn vết tích 3 vòng thành, trên diện tích 567 ha, vòng ngoài chu vi 8 km, vòng giữa 6 km 5, vòng trong cùng 1 km 640. Năm 1982, người ta tìm thấy trống đồng Cổ Loa và đào dưới chân thành, còn tìm thấy một số đồ sắt với hàng vạn mũi tên đồng.
[23] Theo Vebsite Hội Ái Hữu Trường Hùng Vương: Tháng 11 năm 1998, một lần đi thăm thành cổ Luy Lâu, nhà khảo cổ học người Nhật tên là Nishimura Masanari, sinh năm 1965, Việt Nam quen gọi là Lý Văn Sĩ, khi đi qua bãi làm gạch của dân địa phương gần đó, Ông đã phát hiện một mảng khuôn đúc trống đồng có niên đại khoảng thế kỷ thứ I đến III (sau CN). Có thể còn nhiều mảng khuôn đúc trống đồng xưa hơn nữa đã bị tiêu hủy hay chôn vùi trong lòng đất chưa phát hiện được. Sự kiện trên, chứng tỏ trống đồng cổ xưa, được sản xuất tại Miền Bắc Việt Nam ngày nay. [24] Ngã Ba Tranh: chỗ sông Hóa gặp sông Luộc, ở Tây Bắc huyện Vĩnh Hảo, trước thuộc tỉnh Hải Dương, nay thuộc thành phố Hải Phòng.
[25] Nguyễn Xuân Kính – Phan Đăng Nhật và các tgk; Kho Tàng Ca Dao Người Việt (Sài Gòn, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2001), tập I, trang 1477.
[26] Nam Việt (南越), từ 207- 111 TCN, tồn tại 96 năm. Triệu Đà dựng xong nước Nam Hải, rồi đánh chiếm Âu Lạc và sáp nhập, lập ra nước Nam Việt, xưng là Triệu Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu). Nhà Triệu truyền ngôi 5 đời, từ Triệu Vũ Vương, Triệu Văn Vương, Triệu Minh Vương, Triệu Ai Vương đến Triệu Dương Vương. Vấn đề đặt ra, quốc hiệu Nam Việt có đại diện cho nước ta hay không? Hiện nay vẫn còn tranh cãi, với sự tham gia của nhiều học giả, sử gia và nhà nghiên cứu.