User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
trungthutrangtho
 
Tết Trung Thu còn được gọi là Tết Ngắm Trăng, và được tổ chức vào ngày Rằm tháng Tám. Ngày đó, khí trời thường mát dịu, bầu trời trong vắt, và trăng rất sáng. Người ta cũng chọn ngày này làm ngày Tết Nhi Ðồng tập trung vào việc nấu nướng, sắm sửa các loại bánh trái, và các loại đèn lồng cho con nít vui chơi, còn người lớn có dịp ngồi uống trà, ăn bánh, thưởng trăng, và ngâm thơ.
 
Các trẻ em rất nao nức đón chờ ngày Tết Trung Thu vì trong dịp này chúng được mặc áo quần mới, đóng vai trò chính trong đám rước đèn, ca hát, và hẳn nhiên được ăn nhiều thứ chè và bánh rất ngon miệng. Trẻ lớn hơn thích nghe kể cổ tích về Chú Cuội và Hằng Nga. Ðây là dịp tốt để cha mẹ hay cô chú dẫn trẻ em tới những nơi mà cộng đồng thường tổ chức Tết Trung Thu cho chúng học hỏi thêm.
*
Tết Trung Thu: Nguồn Gốc và Các Sự Tích
 
Tết Trung Thu ở nước ta không rõ phát xuất từ bao giờ, nhưng trên Trống Ðồng Ngọc Lũ có khắc hình ảnh Tết Mừng Trăng. Theo sách “Thái Bình Hoàn Vũ Ký” thì người Lạc Việt thời các Vua Hùng Vương thường mở hội trai gái giao duyên vào mùa thu, tháng Tám.
 
Tuy có nhiều điểm giống Trung Quốc nhưng không hẳn Tết Trung Thu đã du nhập từ Trung Quốc. Có điều chắc chắn rằng trong khung cảnh của nếp sống nông nghiệp an bình lâu đời, lại vốn có một tâm hồn yêu thiên nhiên và thích hội hè, dân tộc ta không thể không thưởng trăng vào dịp trăng tròn nhất và sáng nhất giữa mùa thu. Hình ảnh của mặt trăng đã in sâu vào tâm trí người nhà nông vì giúp tiên đoán thời tiết. Tháng Tám ta là lúc nhà nông còn nghỉ để chuẩn bị vào mùa lúa cuối năm nên cũng khá rảnh rỗi. Ngày Rằm tháng Tám được ghi nhận là thời điểm mặt trăng cực sáng.
 
Một tháng trước Tết Trung Thu, các thứ bánh trung thu, đặc biệt là bánh nướng, bánh dẻo, và các thứ đồ chơi như các loại đèn lồng, cá chép, đầu sư tử, mặt nạ, v.v. đã được bày bán la liệt khắp nơi. Người khéo tay thường tự làm đèn ông sao hay đèn kéo quân.
 
Ở nước ta, theo hàng chữ khắc trên bia còn để lại ở Chùa Ðọi thì vào năm 1121, Vua Lý cho tổ chức lễ Trung Thu ở Thăng Long có đua thuyền, múa rối nước, rước đèn, và múa sư tử. Triều Lê đặt lệ ăn mừng Trung Thu ở Thăng Long. Ban ngày người ta cúng gia tiên, chiều tối bày cỗ thưởng nguyệt với bánh trái có đủ màu sắc. Tới đời Chúa Trịnh, Tết Trung Thu được tổ chức rất xa hoa trong Phủ Chúa.
*
Nguồn Gốc Tết Trung Thu
 
Nếu ở Tây Phương, mặt trời được coi là biểu tượng của sức mạnh của nam giới thì ở Ðông Phương, người ta ý niệm mặt trăng tượng trưng cho vẻ đẹp phúc hậu của nữ giới nên người ta thường đặt tên gọi hoặc tên lót cho con gái là Nguyệt – Thu Nguyệt, Như Nguyệt, hay Nguyệt Nga. Thi hào Nguyễn Du lấy vẻ tươi sáng và đầy tròn của mặt trăng ví với vẻ đẹp của Thúy Vân và Thúy Kiều:
 
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
 
Theo người Trung Quốc, Tết Trung Thu bắt nguồn từ Lễ Tạ Ơn Trời Ðất của vua Hán Quang Vũ sau khi dẹp xong loạn Vương Mãng và khôi phục Nhà Hán vào năm 25 Sau Tây Lịch (thời Hai Bà Trưng ở nước ta). Lễ Tạ Ơn đó được tổ chức đúng vào ngày Rằm tháng Tám âm lịch tại Kinh Ðô Lạc Dương, Hà Nam. Trong tiệc khoản đãi, nhà vua cho nấu hai món khoai môn và bưởi vì đó là hai món ăn đã giúp quân của Lưu Tú khỏi bị chết đói lúc Vương Mãng hãm thành. Từ đó phát sinh ra tục người Hoa dùng hai món khoai môn và bưởi để cúng Trăng và dần dần thành món bánh có in 4 chữ “Trung Thu Nguyệt Bỉnh” dùng trong Tết Trung Thu.
 
Một thuyết khác cho rằng Tết Trung Thu phát xuất từ đời vua Ðường Minh Hoàng (713 – 741). Ðường Minh Hoàng là một vị vua rất mơ mộng. Ông là tác giả của “Khúc Nghê Thường”, một khúc hát dùng cho cung nữ múa ca giúp vui nhà vua và Dương Quý Phi. Theo truyền thuyết, Ðạo Sĩ La Công Viên là người giúp Ðường Minh Hoàng lên thăm Nguyệt Ðiện ở đó nhà vua được thưởng thức một điệu múa vô cùng hấp dẫn gọi là “Tây Cung Ðiệu Khúc” do các tiên nữ trên cung trăng biểu diễn. Trở về hạ giới, nhà vua lại được thưởng thức thêm khúc múa “Bà La Môn” của người Tây Lương cống hiến. Nhà vua đã ghép cả hai thành khúc “Nghê Thường” để nhà vua và Dương Quý Phi thưởng thức.
 
Dương Quý Phi là Ai
 
Dương Quý Phi tên thật là Dương Ngọc Hoàn, người Tế Xuyên, sinh vào khoảng năm 717, vốn là một giai nhân tài sắc vẹn toàn: đàn giỏi, hát hay, múa điêu luyện, nhan sắc tuyệt vời khiến hoa đẹp thấy cũng phải thẹn.
 
Nàng nguyên là vương phi của Thọ Vương Lý Dục, con thứ 18 của Ðường Minh Hoàng. Nhưng Lý Dục lúc đó còn quá nhỏ so với Dương Ngọc Hoàn. Nhân ái phi của Ðường Huyền Tông là Vũ Huệ Phi qua đời và nhà vua tỏ ra vô cùng sầu não vì không vừa ý cung phi nào, nên Cao Lực Sĩ bầy mưu cho Ngọc Hoàn xuất gia với đạo hiệu là Thái Chân để chọn vào cung cầu siêu cho Vũ Huệ Phi; và tuyển cho Lý Dục một giai nhân khác thay thế. Thoáng thấy dung nhan tuyệt vời và nghe tiếng đàn tì bà điêu luyện của Ngọc Hoàn, Ðường Minh Hoàng quên hết ngay mọi sầu muộn, trao trọn trái tim quân vương cho nàng, và phong nàng là Dương Quý Phi.
 
Vì quá say đắm Dương Quý Phi, nhà vua bỏ bê việc triều chính khiến đất nước lâm vào cảnh loạn lạc và kinh đô Trường An bị giặc chiếm. Cuối cùng các tướng sĩ buộc Ðường Minh Hoàng phải hy sinh Dương Quý Phi họ mới chịu phò tá. Ðường Minh Hoàng đành phải chấp nhận để cho Dương Quý Phi bị treo cổ.
 
Sự Tích Bánh Trung Thu và Ðèn Kéo Quân
 
Có truyện kể rằng bánh trung thu xuất phát từ đời Nhà Nguyên, Trung Quốc. Nguyên do là vì người Trung Nguyên lúc đó đang mong muốn thoát khỏi ách thống trị của người Mông Cổ nhưng không biết làm thế nào để thông tin về ngày cùng đứng lên khởi nghĩa. Ông Lưu Bá Ôn bèn nghĩ ra cách làm bánh trung thu và cổ động mọi người mua để thưởng trăng. Trong bánh trung thu lúc đó có một mảnh giấy ước hẹn ngày nổi dậy diệt quân Mông.
 
Sự Tích Hằng Nga và Hậu Nghệ
 
Ngày xửa ngày xưa khi mới khai thiên lập địa, không gian có tới 10 ông mặt trời soi sáng nên trái đất nóng quá. Lúc đó bỗng xuất hiện một vị anh hùng tên là Hậu Nghệ có cây nỏ thần. Hậu Nghệ muốn cứu nguy trái đất, bèn xách nỏ thần leo lên đỉnh Núi Côn Lôn nhắm bắn hạ hết 9 ông mặt trời, để lại một ông thôi. Sau đó Hậu Nghệ thành hôn với một nàng vô cùng xinh đẹp tên là Hằng Nga. Tình cờ Hậu Nghệ gặp được Vương Mẫu và xin bà cho viên thuốc trường sinh. Ðược viên thuốc, Hậu Nghệ đưa cho vợ cất. Không ngờ tên đệ tử bất nghĩa tên là Bồng Mông nghe biết chuyện bèn lẻn đến nhà uy hiếp Hằng Nga đòi viên thuốc. Hằng Nga sợ mất viên thuốc bèn cho vào miệng uống luôn và rồi nàng biến thành tiên bay bổng lên trời nhưng mới tới cung trăng thì ngừng ở đó vì quá nhớ thương chồng. Hậu Nghệ về đến nhà không thấy vợ bèn ngữa lên mặt trăng kêu khóc. Bỗng nhìn thấy hình Hằng Nga ở trên đó, chàng bầy hương án, bánh trái và hoa quả ra cúng. Mọi người từ đó theo chàng đến ngày Rằm tháng Tám làm lễ “Bái Nguyệt”.
 
Sự Tích Ðèn Kéo Quân hay Tẩu Mã Ðăng
 
Tục truyền rằng: xưa kia cứ vào dịp thưởng trăng Rằm tháng Tám nơi kinh thành, các trẻ con rước đèn ca hát vui chơi nhưng không có đèn nào làm nhà vua hài lòng. Vua bèn hạ lệnh ban thưởng hậu cho ai làm được chiếc đèn vua vừa ý. Có một nông dân nghèo tên là Lục Ðức, mồ côi cha, thờ mẹ rất có hiếu. Một hôm Lục Ðức nằm mộng thấy một vị thần hiện ra nói rằng: Ta là Thái Thượng Lão Quân trên thiên giới đây. Ta thấy nhà ngươi ăn ở có hiếu với mẹ mà nhà lại nghèo nên đến để giúp ngươi làm chiếc đèn trung thu. Nhà ngươi sẽ được vua ban thưởng. Sáng hôm sau, y lời thần chỉ dẫn, Lục Ðức và mẹ cắt những thanh trúc nhỏ thành nhiều đoạn ghép lại thành một khối lục giác giống như cái lồng, rồi lấy kiếm xin mảnh lụa vụn cắt ra dán vào chung quanh. Lục Ðức vốn vẽ khéo nên trang trí những hoa văn trên lụa rất đẹp. Giữa đèn có một thanh trúc làm trục có quạt sáu cánh và có những cọng trúc gắn hình voi, ngựa, quân, quan, lọng, và cờ; dưới lồng có chổ đốt đèn sáp. Khi đèn cháy, không khí bốc lên làm cho chong chóng quay và trục quay theo khiến các hình cũng chuyển động lên xuống in trên màn lụa rất vui mắt. Vua thấy lạ bèn hỏi. Lục Ðức cứ sự thật mà thưa và giải thích thêm rằng: Ở giữa đèn là trục Khôn; chong chóng quay có cánh biểu tượng cho 6 tình cảm: Thương, Ghét, Giận, Hờn, Vui, và Buồn luôn luôn thay đổi nơi con người. Nhà Vua tỏ ý hài lòng và ban cho Lục Ðức chức Vạn Hộ Hầu.
 
Sự Tích Ngô Cương Ðốn Cây
 
Mỗi khi nhìn lên mặt trăng, người ta thấy một hình thù như có người tựa vào một gốc cây. Có truyền thuyết rằng: xưa kia trên cung trăng có một cây quế cao tới 500 trượng. Có một tiều phu tên là Ngô Cương có tham vọng trở thành tiên để trường sinh bất lão nhưng anh ta lại không chịu tầm sư học đạo. Ngọc Hoàng sai người đến bảo Ngô Cương rằng nếu đốn ngã được cây quế thì sẽ giúp cho thành tiên. Từ đó Ngô Cương dùng búa bổ vào cây quế. Nhát búa chém vừa lấy ra thì vết chém lại liền ngay khiến nỗ lực của Ngô Cương trở thành vô dụng. Nhưng Ngô Công vẫn còn ở đó mãi mãi.
 
Chuyện Chú Cuội
 
Có nhiều sự tích vui cười về chú Cuội. Ðại để thì người ta ngày nay nói đến Cuội là nghĩ đến một kẻ chuyên nói dối, nói xạo, nói không giữ lời, vì thế có câu “Nói dối như Cuội” hay “Hứa cuội”.
 
Một trong sự tích của Cuội là: Ngày xửa, ngày xưa, có một thằng bé chuyên nói dối. Trên đường đi nó gặp một bà già gánh vải đi chợ về; nó nói “Bà để cháu gánh cho một quãng”. Bà già mừng quá để cho nó gánh tiếp. Ai ngờ đặt gánh lên vai là nó chạy bay, chạy biến, rẽ vào một con đường khác. Bà già chạy theo không kịp và chịu mất gánh vải. Cuội gánh vải về ghé nhà cậu mợ của nó. Cậu mợ hỏi “vải ở đâu mà có?” Nó nói: “Ông Hà Bá cho”. Cậu mợ hỏi tiếp: “Cuội giúp cậu mợ xin được không?” Nó gật đầu và bảo với cậu mợ nó kiếm một cái sọt thật to để đựng được nhiều vải và ngày mai ra bờ sông nó sẽ cầu Hà Bá cho vải. Sáng hôm sau, thằng Cuội giắt cậu mợ nó ra bờ sông cái, bảo hai người cùng ngồi vào cái xọt. Nó dặn: “Con thả cậu mợ xuống gặp Hà Bá, nhớ xin nhiều vải thêm cho nó nữa.” Rồi nó quăng cái xọt xuống sông. Trở về, nó chiếm ngôi nhà của cậu mợ làm của.
 
Một ngày kia, một vị tiên đi qua nhà nó, ghé vào chơi. Ông bày ra một cây cảnh rất đẹp và nói rằng: “Ðây là thứ cây có thể cải tử hoàn sinh. Chỉ cần một lá giã lấy nước đổ vào miệng cho người mới chết là người đó sống lại.” Cuội nghe thích thú quá bèn nghĩ kế đánh cắp. Nhưng vị tiên đã biết ý nên nói rằng: “Ta biết ngươi muốn cây này lắm. Nay ta cho nhà ngươi đấy. Hãy đem trồng ở đầu nhà kia và tưới bằng nước giếng trong. Nhưng, ngươi phải bỏ tật nói xạo đi và làm phúc cứu người bằng không sẽ bị tống khứ khỏi mặt đất đấy.” Chẳng bao lâu cây đó mọc vươn cao, to lớn, và Cuội trở cũng nên rất giàu có nhưng vẫn không bỏ tật nói dối mà còn hại người ta cho chết đi để cứu sống kiếm thêm tiền. Vị tiên biết được bèn hóa phép cho sấm sét đánh bật gốc cây đó lên. Cuội sợ mất cây nên nhào ra ôm lấy gốc. Cây bỗng bốc thẳng lên trời rồi hạ xuống mặt trăng. Từ đó, ở dưới đất nhìn lên mặt trăng ai cũng thấy như có hình người ngồi dưới gốc cây và người ta nói đó là cây đa và hình người đó là thằng Cuội.
 
Từ thuở xưa, người nổi tiếng yêu trăng mà cũng chết vì trăng là Lý Bạch. Một truyền thuyết kể rằng Thi Tiên Lý Bạch đời Ðường (701 – 762) trong một đêm trằng Rằm bên bờ sông Thái Trạch, huyện Ðang Ðồ, ông say rượu ngắm trăng in ở đáy sông, rồi nhào xuống vớt trăng mà chết đuối. Sau này tại bờ sông đó có dựng một đài tưởng niệm gọi là “Tróc Nguyệt Ðài” (Ðài Bắt Trăng).
 
Một thi nhân Việt Nam cũng nổi tiếng say mê trăng phải kể là Hàn Mạc Tử Nguyễn Trọng Trí (1912 – 1940). Ông người Ðồng Hới, Quảng Bình, mang nhiều bút hiệu như Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần; và cũng có nhiều người yêu (có khi chỉ giao du thân mật qua tình văn bút) như Mộng Cầm, Hoàng Cúc, Mai Ðình, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy và Mỹ Thiện.
 
Tóm lại, Tết Trung Thu là tết lớn thứ nhì sau Tết Nguyên Ðán. Tết Trung Thu dành hoàn toàn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 13 tuổi. Trước năm 1975, các trường tiểu học đều tổ chức tặng quà Trung Thu cho học sinh một cách rất tưng bừng. Ở hải ngoại, các cộng đồng cũng tổ chức Tết Trung Thu ngày một quy mô hơn để duy trì nếp sống văn hóa truyền thống rất có ý nghĩa.
 
Hải Bằng. HDB