User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tao quan wwzi
 
Tóm tắt sự tích Ông Táo
 
Cao dao có câu:
 
Thế gian một vợ một chồng
Chẳng như Vua Bếp: hai ông một bà
 
Sự tích Táo Quân được dân gian tuyền tụng như sau:
 
Tục truyền rằng xưa kia có một cặp vợ chồng không thuận hòa với nhau lại thêm vì quá nghèo, nên họ bỏ nhau.  Người vợ sau đó may mắn lấy được một người chồng khác giầu có.  Còn người chồng cũ thì vẫn nghèo và phải đi xin của bố thí.
 
Tình cờ, người chồng cũ lại đi xin ăn đúng vào nhà người vợ cũ.  Bà này nhìn ra chồng trước, thấy tình cảnh đáng thương nên giúp cho khá nhiều gạo tiền hầu làm kế sinh nhai.
 
Không ngờ người chồng mới nghe hàng xóm bán tán tưởng là vợ mình còn có tình ý với người chồng cũ nên đem lòng ghen tuông và ruồng rẫy.  Người vợ xấu hổ quá bèn đâm đầu vào lửa bếp tự vẫn.  Hiểu được nỗi oan, người chồng mới hối hận cũng lao đầu vào bếp lửa chết theo.  Người chồng trước hay tin; thấy vì mình mà hai vợ chồng chết oan uổng, ông ta cũng lao đầu vào bếp tự tử.
 
Ông Trời xét thấy thương cảm những tấm lòng nghĩa khí bèn phong họ làm Vua Bếp với nhiệm vụ theo rỏi mọi chuyện trong gia đình để hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, tức là trước Tết một tuần, cưỡi con cá chép bay về tâu trình Ngọc Hoàng Thượng Ðế.  Táo sẽ ở lại Thiên Ðình bẩy ngày và trở về trần gian vào ngày 30 Tết.  Do đó  ngày mồng Một Tết, gia chủ làm lễ cúng đơn giản an vị lại ba Ông Nồi Rau cho tươm tất và ấm cúng để đón ông Táo về, rồi mới động bếp nấu ăn.
 
Ðó là sự tích về Thần Bếp nhằm tạo niềm tin nơi sự có mặt của những vị thần trong gia đình để ai nấy giữ mình tránh làm điều gian ác, gìn giữ tâm lành.
 
Lịch Pháp và Nguồn Gốc của Lễ Tết
 
Có lễ Tết tất phải có lịch pháp.  Lịch pháp là kết quả của công trình theo rõi sự vận hành của mặt trăng (Ðông) hay mặt trời (Tây) để khám phá ra sự tuần hoàn của thời tiết xẩy ra trong chu kỳ 360 ngày (Ðông) hay 365 ngày (Tây).  Từ đó lại khám phá ra thêm chu kỳ của 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông và đặt ra chu kỳ 29/30 ngày hay 30/31 ngày của một tháng. Rồi tạo thêm chu kỳ 7 ngày của một tuần.
 
Theo quan niệm cổ Trung Hoa, soạn lịch và ban hành lịch là trách nhiệm của Vua – Thiên Tử.  Vua phải biết rõ thời điểm (ngày, tháng) thời tiết trong năm để ứng dụng vào những ngày tế lễ và làm mùa.  Vua có nhiệm vụ thay Trời nhủ bảo cho dân bằng lịch pháp.
 
Sử sách Tàu ghi: Tết Nguyên Ðán có từ đời Tam Hoàng, Ngũ Ðế (Khoảng 2852 Trước Tây Lịch).
 
Ðời Nhà Hạ (Tam Hoàng), Vua chuộng màu đen nên chọn tháng đầu năm, tức tháng Giêng, nhằm tháng Dần (Cọp).  Do đó Tết Nguyên Ðán vào đầu tháng Dần.
 
Nhà Thương thích mầu trắng, lấy tháng Sửu (Trâu) tức tháng Chạp làm tháng đầu năm.
 
Nhà Chu ưa sắc đỏ, chọn tháng Tý (Chuột), tức tháng Mười Một, làm tháng đầu năm.
 
Ðời Ðông Chu (Khổng Tử) an định tháng Tết là tháng Dần.
 
Ðời Tần Thủy Hoàng lại lấy tháng Hợi (Heo), tức tháng Mười, làm tháng Tết.
 
Ðời Hán Vũ Ðế (140 TCN) lại đặt tháng Tết là tháng Dần, tức tháng Giêng và từ đó tháng Tết không thay đổi nữa.
 
*
 
Về lịch pháp của nước ta, Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn ghi nhận:
 
Lịch sử lịch pháp ở nước ta cho tới nay không thấy gì giúp ta biết cách xếp đặt ngày tháng của dân Lạc Việt xưa.  Nhưng đoán rằng văn hóa Trống Ðồng của nước Văn Lang chắc đã dùng năm 12 tháng, tháng lần lượt có 29; 30 ngày cũng không hẳn là vô lý. 
 
Từ năm Triệu Ðà bại Thục đến năm Ðinh Bộ Lĩnh lập quốc (khoảng 1000 năm) ắt hẳn lịch chính thức là các lịch dùng ở Trung Ương Trung Quốc hoặc tại Nam Trung Quốc.  ... Phải đợi đến các đời Ðinh, Lê và nhất là Lý thì mới thấy có chép một số sự kiện có tháng ngày... Tôi kết luận bằng giả thuyết sau: Từ đời Ðinh đến hết đời Lý Thái Tông, các vua Việt dùng lịch hàng năm do vua Tống cung cấp cho. 
 
Sau đó người Việt ta cũng có đặt ra các quan chức coi thiên văn để tự làm lịch (Khâm Thiên Giám).
 
GS Hoàng Xuân Hãn nhận định:
 
Tôi nghĩ rằng trước đó từ cuối đời Lý Thánh Tông (1054) đã có viên chức soạn lịch ở Triều Lý...
 
Nguyễn Sử (quyển 209) có kể lại một chuyện khá thú vị về sứ thần nhà Trần do thám như sau: “Sứ An Nam Ðặng Nhữ Lâm vẽ trộm bản đồ cung uyển, mua dấu địa đồ, sách cấm sao chép văn thư và bàn bạc chuyện đánh Giao Chỉ.  Lại ghi trộm tình hình quân sự ở Bắc biên và xây sơn lăng”.  Tôi nghĩ rằng chính trong dịp này người nước ta học được phép lịch Thụ Thời và có lẽ bắt đầu đặt Ty Thiên Văn hay Cục Thái Sử có viên chức cao phụ trách..  Ý chừng sau khi học được phép lịch của Quách Thủ Kính, ta cũng gọi lịch mình là Lịch Thụ Thời. Năm 1339, viên quan Thái Sử, Cục Lịch Nghi Hậu Lang là Ðặng Lộ tâu rằng: “Lịch trước đều gọi là Thụ Thời.  Xin đổi tên là Hiệp Kỷ”.  Vua bằng lòng.  Ðây là lần đầu tiên trong sử ta chép đến một tên lịch ta, tên của một lịch gia, và cả tên một viện Thiên Văn nước ta”. ... Năm 1399, Hồ Quý Ly diệt họ Trần, đổi quốc hiệu Ðại Việt ra Ðại Ngu và theo đà ấy, đến tháng 2 năm Tân Tỵ (1401), Hán Thương đổi lịch Hiệp Kỷ của họ Trần mà ban hành lịch Thuận Thiên. ... Năm 1407, cha con họ Hồ bị bắt, tất nhiên lịch Ðại Thống (lịch Nhà Minh) lại chính thức được dùng.
 
Qua đời Nhà Lê (Lê Lợi, 1428), quốc hiệu nước trở lại là Ðại Việt và vẫn dùng lịch Ðại Thống. Ðời Nhà Mạc vẫn dùng lịch Ðại Thống. 
 
Năm 1644, Nhà Thanh thay Nhà Minh bỏ lịch Ðại Thống, dùng lịch Tây Phương. 
 
Dưới đời Gia Long, GS Hoàng Xuân Hãn ghi:
 
Ðầu triều Gia Long có một vị khá đặc  sắc, giỏi cả Nho học  và Pháp học, ấy là Nguyễn Hữu Thận (1754- 1831) ... Năm 1808, Nguyễn Hữu Thận được đi sứ triều Thanh, tới Bắc Kinh, được đọc các sách lịch thư của giáo sĩ Tây Phương mà kết tinh là bộ sách Lịch Tượng Khảo Hành. Tháng 4, Canh Ngọ 1810 Hữu Thận về đến Kinh, dâng sách ấy lên vua, xin dùng sách ấy tính lịch.  Gia Long đồng ý.  Từ năm Quý Dậu 1813, lịch Việt Nam với tên Hiệp Kỷ, theo phép Thời Hiến, là phép trong Lịch Tượng Khảo Thành.  Lịch Hiệp Kỷ vẫn được tiếp tục soạn và chính thức dùng ở nước ta đến năm 1945. (tr. 31, Văn Hóa Việt Nam, 1989-1995)
 
Tóm lại, sự kê khảo của GS Hoàng Xuân Hãn cho thấy các triều đại Việt vẫn luôn luôn cố gắng tự định ra lịch pháp cho dân sử dụng nhưng vì sự xâm lấn của Tàu nên các công trình đã không thể liên tục thực hiện mà đành phải theo lịch Tàu.
 
Tên của Năm: Thập Can & Thập Nhị Chi
 
Ở Ðông Phương, người xưa quan niệm sự sống là kết hợp của hai nguyên tố: Dương (Trời) và Âm (Ðất).
Người xưa cũng tin rằng cuộc đời của mỗi người liên quan mật thiết đến giờ, tháng, và năm sinh.  Vì vậy, về lịch pháp, các hiền triết cũng lấy âm dương để đặt tên cho một năm. 
 
Thiên Can là 10 Cột của Trời gọi là Thập Can gồm các tên: Giáp, Ất, Bính, Ðinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
 
Ðịa Chi là 12 Nhánh của Ðất gọi  là  Thập Nhị Chi gồm các tên: Tí (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tị (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (Heo). 
 
Theo lịch Ðông Phương, mỗi thế kỷ Á Ðông có 60 năm gọi là lục giápmỗi giáp là 10 năm
 
Năm khai nguyên của Lịch Ðại Á Ðông cổ truyền là năm 2637 Trước Công Nguyên và lấy tên Giáp Tí.  Tính đến năm 2013 được: 2637 + 2013 = 4650 năm.  Chia 4650 cho 60 được 77 lần và dư 30.  Như vậy  chúng ta đang ở vào thế kỷ Á Ðông thứ 78; thế kỷ Tây Phương thứ 21, và năm nay, 2013, là năm Qúy Tị  lấy Rắn làm biểu tượng. 
 
*
Lịch Tây Phương (Dương Lịch)
 
(Theo Tu Nac)
 
Về lịch sử của hầu hết những cuốn lịch đang được dùng trên thế giới: Lịch Gregory.
 
Những cuốn lịch rất quan trọng đối với tất cả mọi người trên thế giới. Lịch giúp chúng ta nhớ những sự kiện tôn giáo. Chúng giúp chúng ta định được thời gian mùa màng hay săn bắn. Chúng giúp chúng ta đánh dấu những sự kiện lịch sử. Chúng đánh dấu những sự kiện xảy ra trên bầu trời. Chúng đánh dấu  những thời gian trôi qua từ thế kỷ này đến thế kỷ khác.
 
Một số chuyên gia tin rằng người La Mã và Ai Cập cổ đại dùng lịch đầu tiên. Họ làm ra những cuốn lịch cách đây khoảng 3.000 năm. Lịch của người La Mã dựa vào tuần trăng – đó là, khi nào trăng xuất hiện. Mặt trăng đi hết mỗi một chu kỳ là 29 ½ ngày. Nó bắt đầu tròn. Nó dần ngày càng khuyết lại. Rồi nó dần ngày càng lớn hơn cho đến khi trăng lại tròn. Đối với người La Mã, trăng tròn là bắt đầu cho một tháng mới.

Nhưng người Ai Cập lịch của họ lại dựa vào mặt trời. Mặt trời đi theo một đường cố định trong bầu trời khi trái đất lại xoay quanh nó. Không có những tháng rõ rệt. Thay vào đó, tính thời gian tùy thuộc vào những mùa, và nơi nào mà mặt trời được định vị trên bầu trời. Được coi như là một năm, phương pháp này gọi là năm hệ mặt trời – năm dương lịch.
 
Khi vương quốc La Mã mở rộng, lịch của người La Mã được phổ biến nhất. Nhưng đến khi vào khoảng năm 46 trước công nguyên, hoặc cách đây khoảng 2.000 năm, lịch chưa được tổ chức ổn định! Thoạt tiên, lịch chỉ có mười tháng. Mội tháng được đặt tên theo một số. Một năm luôn được bắt đầu vào tháng Ba và kết thúc vào tháng Mười Hai. Thậm chí người La Mã không tính những tháng này mà bây giờ chúng ta gọi là tháng Một và tháng Hai. Họ không coi nó là một phần trong năm. Nhưng, thời gian sau, một trong những hoàng đế đã chia ra thời gian không được tính này. Ông đặt tên cho nó và bắt đầu tính trên lịch. Nên về sau, những tháng được đặt tên theo chữ số không còn phải sửa nữa!
 
Những chuyên viên về lịch luôn không theo những luật lệ về lịch một cách chu đáo. Các quan chức của chính quyền La Mã đôi khi thay đổi độ dài của ngày và tháng để duy trì địa vị của mình được lâu hơn! Sau một thời gian, lịch chính của La Mã gặp rắc rối. Thậm chí nó không theo đúng các mùa nữa.
 
Về sau, hoàng đế La Mã Julius Caesar điều chỉnh lại. Ông thiết kế một cuốn lịch được cải tiến. Ông đã  thay đổi và thiết kế cuốn lịch bằng ba cách chính.
 
Thứ nhất, lịch của Caesar dựa theo năm tính theo hệ mặt trời của người Ai Cập. Đây là việc quan trọng vì nó được thiết lập năm La Mã đúng 365 ngày.
 
Thứ hai, Julius đổi ngày bắt đầu chính thức của một năm từ tháng Ba thành ngày 1 tháng Một.
 
Thứ ba, Julius đổi độ dài của những tháng theo cách mà ngày nay chúng ta biết.
 
Hầu hết các quốc gia vào thời đó bắt đầu sử dụng lịch mới này. Nó được gọi là lịch Julius.

Có một sự thay đổi rất quan trọng ở lịch Julius. Năm tính theo hệ mặt trời là 365 ¼ ngày. Julius phải nghĩ cách để tính phần này, hoặc bỏ ¼ ngày.
 
Julius đã bổ sung một ngày phụ trội vào niên lịch. Ông công bố ngày phụ trội này được bổ sung cứ bốn năm một lần. Đây là điều gì đó mà chúng ta vẫn giữ đến ngày hôm nay. Năm có ngày phụ trội được gọi là “năm nhuận”.  Ngày nay, chúng ta bổ sung ngày phụ trội này vào cuối tháng Hai.
 
Lịch Julius là một cải tiến lớn sớm hơn cho những cuốn lịch. Nhưng những cuốn lịch này rất khó thiết kế. Và lịch Julius vẫn còn đôi chút khiếm khuyết. Độ dài của niên lịch Julius ngắn mất 11 ½ phút. Điều nay nghe chừng chỉ là một lỗi tính toán nhỏ. Nhưng sau nhiều năm, lỗi tính toán nhỏ này bắt đầu tăng lên!
 
Cứ 400 năm thì 11 ½ phút này tăng lên tới trên ba ngày. Khắp thế giới vào năm 1582 bắt đầu xảy ra vấn đề phức tạp.
 
Năm 1582 lịch chính không sắp đặt đúng với những mùa. Nó chậm khoảng 10 ngày. Những ngày lễ tôn giáo như lễ Phục Sinh đã không diễn ra đúng theo mùa. Một nhà lãnh đạo Công Giáo, Đức Giáo Hoàng   Gregory XIII, đã quyết định thiết đặt lại khiếm khuyết của lịch Julius.
 
ĐGH Gregory giữ lại nhiều phần của lịch Julius. Nhưng Ngài đã thiết lập mới, những quy luật phức tạp hơn đối với năm nhuận. Lịch mới của Ngài được gọi là lịch Gregory. Phải mất một thời gian dài người dân trên toàn thế giới mới công nhận lịch Gregory. Nhưng giờ đây nó được phổ biến hầu hết ở mọi quốc gia. Một vài nền văn hóa và nhóm tôn giáo đã sử dụng những lịch khác cho nền văn hóa đặc biệt hay những ngày lễ nghỉ tôn giáo. Nhưng đối với những ghi chép chính thức, hầu hết các quốc gia sử dụng lịch Gregory.
 
Mà thậm chí lịch này cũng chưa được hoàn chỉnh. Lịch Gregory thiếu mất 26 giây của một năm dương lịch. Điều này muốn nói rằng cứ 3.300 năm lịch chính sẽ khác với lịch tính theo hệ mặt trời là một ngày. Khi điều đó xảy ra, thế giới của chúng ta lại phải sắp xếp lịch một lần nữa!
 
Hải Bằng.HDB & Bạch Cúc.NTN