
Trách ai ăn giấy bỏ bìa
Khi thương, thương vội, khi lìa lìa xa
Khi thương, thương vội, khi lìa lìa xa
Tôi được đọc một bài viết xí xọn và lý thú Dủ học Dủ ngu của ông Nguyễn Đức Lập, con trai bà Tùng Long với báo Sài Gòn mới ngày xưa chắc quý vị còn nhớ. Tôi thoang thoảng nhớ có đọc một tác phẩm tựa đề là Đau Đớn Phận Nghèo trên báo, nhưng quên mất không biết tác giả là bà Tùng Long hay cụ Hồ biểu Chánh. Lên Nét xem lại thì thấy của Hồ tiên sinh. Tôi vẫn tưởng gia đình thi sĩ Hồng Tiêu – Nguyễn Đức Huy (1902-1985) và nhà văn Bà Tùng Long – Lê Thị Bạch Vân (1915-2006) quê miền lục tỉnh nhưng không phải, họ là những người xuất xứ cội rễ từ xứ Quảng miền Trung.
Hiểu biết của tôi không có câu Dủ học dủ ngu trong hán ngữ. Chỉ nhớ có câu Việt học việt bổn 越学越笨 Yuè xué yuè bèn, cũng nghĩa là càng học càng ngu! Đọc bài xong, tôi thấy rất tương đồng với tác giả, quả thật như vậy, mình học hỏi hôm nay biết được một chuyện tưởng rất tốt, hoá ra lại thấy mình càng ngu dốt thêm. Bằng cớ là những hiểu biết tôi được học hỏi thêm dưới đây.
Câu Dủ học dủ ngu tôi nghĩ đó là âm Nôm là 愈学愈髃. Chữ Dủ hán tự 愈 có nghĩa vượt hơn, càng thêm. Âm hán tự ngu 俁 hay 娛 có nghĩa là to lớn tốt đẹp vui vẻ (俁 tự điển Nguyễn Quốc Hùng, điển Thiều Chửu). 娛 như ngu lạc là vui sướng.
Thành ra câu viết dủ học dủ ngu của Ông Nguyễn Đức Lập không phải Hán tự mà là chữ Nôm! Tuy đọc lên thì có vẻ như là tiếng hán. Xin người hiểu biết rộng chỉ giáo.
Sáng nay đọc trên báo điện tử, nghe tại sao những đứa trẻ trước đây rất thông minh thì ngược lại càng ngày càng ngốc nghếch, chẳng lẽ nói IQ của con người ta sẽ giảm đi khi lớn lên? Đại Học Harvard đã thực hiện một Nghiên cứu tài trợ kéo dài 75 năm. Qua một số lượng lớn các cuộc điều tra theo dõi, người ta nhận thấy rằng chỉ số IQ của trẻ có liên quan mật thiết đến môi trường gia đình. Một số hành vi không đúng của cha mẹ sẽ khiến chỉ số IQ của trẻ giảm sút một số khía cạnh. Cho nên hãy ngu ngốc đi! Biến bổn! 变笨!
Trong bài ông Nguyễn Đức Lập có kể:
Chim quyên ăn trái ổi tàu
Xứng đôi mẹ gả, ham giàu mà chi
Và chép: Theo Ông Võ Phiến, mới biết rằng “ổi tàu” ở trong câu hát không phải là giống ổi bên Tàu, mà là 1 loại cây hoang, mọc thành từng lùm từng bụi ở mấy vùng đất gò miền Trung, cây này ở miền Bắc gọi là hoa cứt lợn, còn ở cái xứ chó ăn đá, gà ăn muối của tôi thì gọi là bông ngũ sắc.
Tối lò dò tìm trên mạng thì thấy có đến ba loại khác nhau: Bông ổi Trâm ổi Ổi tàu - Cây cứt lợn hay Cỏ hôi - cây Ổi tàu.
1) Bông ổi hay còn gọi Trâm ổi, thơm ổi, ổi tàu, hoa hay bông ngũ sắc, trâm hôi, tứ thời, tứ quý (danh pháp Lantana camara) là một loài thực vật thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Cây có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ, sau phổ biến khắp vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam cây được trồng làm cảnh hoặc mọc dại, tên khác nhau tùy theo thổ ngữ địa phương.
Một số nơi người ta cho rằng lá bông ổi có tính sát trùng, cầm máu nên dùng lá cây bông ổi giã nát đắp lên vết thương, vết loét, thậm chí chỗ bị rắn cắn. Lá bông ổi có thể cho vào nồi nước xông chữa cảm, sốt.
2) Bông ổi hay còn gọi Trâm ổi, thơm ổi, ổi tàu
Cây này không có tác dụng chữa viêm xoang như cây cứt lợn hay cỏ hôi Ageratum conyzoides, nên cần chú ý tránh dùng nhầm. Cây cứt lợn (tên khoa học Ageratum conyzoides), còn gọi là cây hoa ngũ vị, cây bù xít, thắng hồng kế, cỏ hôi, cỏ thúi địt. Là một loài cây thuộc họ Cúc. Tên thông dụng bên Tàu là hoắc hương kế 藿香蓟 huò xiāng jì. Cây thường được dùng như một loài cây thuốc. Ageratum conyzoides L, thuộc họ cúc kế 蓟 .
Ở Việt Nam bây giờ có bán Tinh Dầu Cỏ Hôi – quảng cáo có tác dụng trị các bệnh bỏng, cắt, đau khớp, đau đầu, khó thở, viêm xoang, giảm đau, chống viêm, chống giãn tĩnh mạch, chống co thắt, cầm máu.
Cây thúi địt có mùi xả xấu, người Bắc gọi là Rắm. Từ Hán Việt trung tiện thấy có đôi chút mỹ miếu 中 便, gồm 中 (trung) và 便 (tiện), mô phỏng theo đại tiện 大便, đại tiện tức xả xui deficate và tiểu tiện 小便 , tiện lợi urinate.
Các cụ đồ ta dùng chữ hán thí, 屁 pì U+5C41bộ thi 尸 + 4 nét phồn-giản thể, hình thanh. Nghĩa hơi thối bài tiết qua hậu môn, hơi tiết xuống dưới; phóng thí 放屁 đánh rắm, xú thí 臭屁 rắm thối. Tính từ thí nghĩa không đáng đếm xỉa tới, vớ vẩn, vô nghĩa lí: thí thoại 屁話 lời tầm phào, chuyện vớ vẩn, ăn tục nói phét, …
Tự Nôm rắm, trong rắm rối, rắm rít, viết là: 啉 U+5540, 廩. U+5EE9. Theo hán âm những từ này đọc là lam hay lẫm.
3) Ổi Tàu. Ổi này có tên khoa học là Psidium guajava, thuộc họ thực vật Myrtaceae. Ngoài những giống ổi trồng lấy quả ăn, làm mứt hay nước giải khát còn có những giống ổi đặc biệt trồng làm cây cảnh (kiểng) như Ổi Tàu hay Ổi lùn Psidium pumila. Ổi tàu lại đặc biệt hơn khi chúng không chỉ được trồng lấy quả mà chúng còn được trồng để là thuốc như lá ổi để trị tiêu chảy, không những thế những cây ổi này có thể được trồng để làm bonsai, chúng có thân khá mềm dẻo vì thế các nhà chơi cây có thể thỏa sức sáng tạo để tạo ra những cây ổi tàu có đủ các loại thế. Những cây ổi không chỉ có giá trị về cung cấp quả mà còn có giá trị về thẩm mỹ. Riêng về việc cho trái, ổi này tuy quả không to, không quá bắt mắt nhưng chúng có mùi rất thơm, ổi tàu ngâm rượu sẽ ra một loại rượu đặc biệt, là loại trái cây được nhiều người ưa thích. Chúng có tên gọi khác là ổi lá nhỏ, ổi lùn. Cây thì có tên khoa học là Psidium guajava Linn
Nếu như thế, thì không biết tự kép Ổi Tàu sao lại dính vào hai loại 1 và 3 trên đây.
Loại 1 là cây có hoa ngũ sắc chút ít dây mơ rễ má chị với cây ổi, Wikipedia chỉ tên nó là bông ổi hay còn gọi trâm ổi, thơm ổi, ổi tàu! Ngoài ra: quả trâm ổi mọc theo chùm, non thì màu xanh khi chín già thì đổi qua màu đỏ thẫm, bên trong nhân hạt màu đỏ. Quả chín có mùi thơm tựa như quả ổi, nên vài địa phương gọi là cây trâm ổi, thơm ổi.
Cây thơm ổi có rất nhiều tên, trâm ổi, cây ngũ sắc, hoa tứ quý, hoa tứ thời, mã anh đơn, ổi nho, bông ổi, người Tày gọi là nhà khí mu. Thơm ổi là loại cây nhỏ, dạng bụi. Thân vuông phủ đầy lông nháp và có gai quặp xuống. Cành vươn dài. Lá mọc đối, hình trái xoan, gốc tròn hoặc hình tim, đầu nhọn, mép khía răng đều. Cụm hoa thơm ổi mọc ở kẽ lá và đầu cành thành bông có dạng đầu giả hình cầu. Cả cây có mùi hăng đặc biệt. Mùa hoa quả từ tháng Tư đến tháng Chín.
Cụm hoa thơm ổi mọc ở kẽ lá và đầu cành thành bông có dạng đầu giả hình cầu. Cây mọc hoang ở nhiều nơi, thường gặp ở đồi, bãi trống, ven rừng. Hiện nay mọi người thường trồng cây để làm cây cảnh vì có hoa đẹp và nở bốn mùa. Hoa cây thơm ổi có các màu đỏ, vàng cam... mọc thành chùm hoa hình cầu gần giống hình đầu rất đẹp.
Cây thơm ổi phát tán bằng hạt giống nhờ các loại chim mang đi và một khi đến một khu vực nào đó, chúng dễ mọc và phát triển rất nhanh chóng. Thơm ổi có thể sinh sôi đến mức mà người ta khó diệt được hoàn toàn. Tại Nouvelle Calédonie, cây mọc hoang đến mức chính phủ ra lệnh diệt hết loài cây này dù chỉ giữ một gốc làm cảnh cũng không được phép. Loài này gây cản trở nghiêm trọng đối với tái sinh tự nhiên của mốt số loài khác như cây chai. Chuyên gia khuyến cáo nên tránh xa, nhưng môn kiểng vẫn được trồng trong nhà. Không nên ăn hay để da trực tiếp chạm phải nhựa cây môn kiểng.
Theo y học cổ truyền cả cây thơm ổi đều có tác dụng chữa bệnh. Rễ cây thơm ổi có vị ngọt đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt. Lá thơm ổi có tính mát, có tác dụng tiêu viêm sưng, chữa ngứa gãi, rắn cắn. Hoa có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng cầm máu. Tuy nhiên thông thường người ta chỉ hái lá, hoa và cành về phơi khô để dùng làm thuốc chữa bệnh.
Thơm ổi có nhiều công dụng y học, mà quả thơm ổi lại có chất độc lantanin alkaloid hoặc lantadene A gây bỏng rát đường ruột, giãn cơ, rối loạn tuần hoàn máu.
Nhưng sao trâm ổi gọi là ổi tàu. Ổi đã đành nhưng sao lại tàu? Giống hệt cây này, bên Tàu có mã linh đơn, 马缨丹 mǎyīngdān. Cho nên tên gọi ổi tàu có vẻ bừa bãi. Người tàu hay nhiều lời nên biệt xưng mã linh đơn là: ngũ sắc mai, san đại đan, đại hồng tú cầu, San hô cầu, xú kim phượng, Như ý hoa, hôn hoa, hoa thất biến, như ý thảo, thổ hồng hoa, xú mẫu đan, sát trùng hoa, mao thần hoa, xú lãnh phong, thiên lan thảo, xú thảo, ngũ sắc hoa, ngũ sắc lôi cuốn, xuyên tường phong, dã nhãn thái, ngũ sắc hoa, hồng hoa thứ, bà tả hoa… nước Tàu có nhiều địa danh nên cũng có nhiều tên! Thế thì không phải chỉ có bên ta, cây nay có 8 tên, bên Tàu nó có đến 23-24 tên khác nhau. Nhiều tên này mang chữ xú 臭 chòu, xíu; xú kim phượng, xú mẫu đan, xú lãnh phong, xú thảo, … Xú nghĩa chính là mùi, ngoài biếm nghĩa xú khí, mùi hôi thối. Kì xú như lan 其臭如蘭, mùi nó như hoa lan. Xú mẫu đan 臭牡丹, mùi thơm như hoa mẫu đơn. Cả tên này không nói đến mùi quả ổi.
Muốn học mà tầm sư chỉ dạy sao có tên ổi tàu mà không thấy, nên chỉ biết ngao ngán đọc đi đọc lại:
Chim quyên ăn trái ổi tàu
Xứng đôi mẹ gả, ham giàu mà chi
Mạng baidu.com ghi: Hoa đẹp, thường được trồng ở các vườn trên khắp nước ta để ngắm cảnh.
Rễ, lá và hoa được dùng làm thuốc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán phong giảm đau, tán phong, giảm ngứa; chữa sốt rét, lao hạch, lao hạch cổ, quai bị, đau dạ dày, thấp khớp và đau nhức xương, vv… đúng là chữa bá bệnh.
Loại 2 tức Cây cứt lợn, còn gọi là cây hoa ngũ vị, không phải ngũ sắc mà cũng không dính dáng gì đến họ Ổỉ, như ông Phiến và ông Lập khẳng định. Cây cứt lợn có hoa màu trắng. Điểm này cũng làm tôi phân vân vì lúc bé khi chạy tản cư về đồng quê, ở đây gọi cây cứt lợn là cây có hoa ngũ sắc và hôi!
Chỉ có loại 3 mới là có họ hàng với Ổi thật sự, tên khoa học là Psidium guajava Linn. Guajava thì đích thật là ổi rồi. Tên khoa học có thêm chữ Linn, nên nó biến thành Ổi tàu, chứ không phải là Ổi bình thường hay Ổi ta hoặc Ổi cảnh (danh pháp khoa học: Psidium guajava) là loài cây ăn quả thường xanh lâu năm, thuộc họ Đào kim nương, có nguồn gốc từ Brasil được mô tả khoa học đầu tiên vào năm 1753!
Thấy chữ tàu trong Ổi tàu lộn xộn quá. Ôi ta Ổi tàu, đều có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Người Hoa gọi ổi là Phiên thạch lựu 番石榴 fān shíliú quả thạch lựu nước ngoài. Phiên đây là ngoại quốc hay ngoại tộc. Người Trung thích quả ổi nên bày đặt gọi là thanh thúy hương điềm, sảng khẩu thư tâm! Ngọt thơm thanh thuý, khẩu vị sảng khoái tâm trí thư giản. Thật là ba tàu nhiều chuyện, ăn ổi mà tâm trí thư giản kể cũng là chuyện lạ.
Ổi ở bên Tàu cũng có gốc từ Trung Mỹ. Họ còn gọi là ổi bỏ hạt, quả mũi tên gà, quả cứt gà, quả ruột vàng (bạt tử, kê quả, bệ bạt, hoàng đỗ tử). Vì vỏ hạt của nó rất cứng, không sợ bao tử gia cầm, sẽ thải theo phân chim để có dấu vết, đâm chồi nảy lộc nên được gọi là quả mũi tên gà.
Còn thêm cái tên Quả giang hồ Cát bốc tái quả tử 吉卜賽果子 Jíbǔsài guǒzi, gypsi fruit, là do người đời đánh tiếng là hạt giống của nó dễ thích nghi, trôi dạt và dễ dãi với hoàn cảnh để nẩy mầm!
Nghiệm lại chữ tàu qua các danh ổi tàu, táo tàu vv … thì có nên hiểu hoa quả này có nguồn gốc từ bên Tàu không? Bình thường dân gian chỉ dùng danh từ tàu để chỉ những người gốc Hoa.
Ở Việt Nam, người Hoa từ Trung Quốc sang được gọi là người Tàu hay Ba Tàu. Theo lịch sử thì vào thời quân Minh thua trận nhà Thanh, một số người theo nhà Minh đã chạy khỏi Trung Quốc Phản Thanh phục Minh Thiên địa hội, và được Chúa Nguyễn chấp nhận cho tị nạn ở Nam Bộ và quan quân Minh cùng gia quyến di chuyển qua Việt Nam bằng tàu, nên dân gian gọi họ là người Tàu. Đây cũng là dạng thuyền nhân đây.
Theo ghi chép của Huỳnh-Tịnh Paulus Của: Người An Nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu.
Học giả An Chi cho rằng Tàu là do âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa là quan. Trong thời kỳ Bắc thuộc, nói chung quan cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là tàu, nghĩa là quan. Dẫn chứng, xin nhớ lại chuyện đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 năm 1945 tại Sài Gòn: Dân Việt Nam đã đánh bất cứ người Pháp nào mà họ gặp ngoài đường vì hễ là người Pháp thì đều là thực dân. Do quan niệm trên mà về sau tất cả mọi người Trung Hoa dù không làm quan cũng được vinh dự gọi là Tàu.
Thật thì 曹 có âm hán là Tào, bộ viết U+66F9. Thời xưa, quan thự chia ngành hoặc quan chức làm việc, gọi là tào. Như: bộ tào 部曹 các bộ quan. Nước Tào có từ thời nhà Chu ngày xưa, nay ở vào khoảng tỉnh Sơn Đông. Cũng có nghĩa là họ Tào như Tào Tháo 曹操 (155-220). Âm Nôm Tàu viết 槽 U+69FD hay 蓸 U+84F8 như tàu lá, và 艓 U+825A như tàu bè. Thuyết của An Chi do đó cũng thành lửng lơ. Hán tự tào 蓸 của ông khi viết qua chữ nôm có nghĩa là tàu lá chứ không phải là quan chức. Hán âm tào và âm Nôm tàu, rõ ràng khác biệt!
An Nam ta lêu là Tàu, người bên Tàu vì lí do là khách thường đi tàu qua đây. Họ lại dùng tàu chở hàng hóa qua đây buôn bán nên được gọi là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu. Còn nếu kêu Chệc hay Chệt là vì tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép cũng như người An Nam ta, khi nhìn thấy người ta đáng tuổi cô chú, bác thì kêu tâng là chú là cậu… Và người An Nam ta nghe vậy sau đó vịn theo kêu là Chệc. Tôi không biết thổ ngữ Triều Châu nên không có ý kiến, chú hán tự là thúc thúc 叔叔 shūshu. Triều Châu, một thị của tỉnh Quảng Đông, 潮州; cháozhōu; người Hồng Kông thường đọc là Chiu Chow Teochew. Giả thuyết này giả thuyết kia về chữ chệt, thì cũng đều là phỏng đoán. Năm xưa lão trượng Phan Khôi có phân tích vụ việc chệt chiệc này trên báo Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn, số 182 (ngày 22 tháng 12 năm 1932).
Xin đọc ở cuối bài.
Nghĩ cho đúng vào những năm 1930 Phan Khôi tiền bối cũng chỉ phỏng đoán từ ngữ chệt chiệc là từ chữ phương tây Ceres mà ra, tới bây giờ làm sao hậu bối có đủ khả năng hiểu biết để đoán mò thêm nữa!
Giải nghĩa tàu này trong người tàu có vị trí, khi chữ nôm tàu 艓 đích thị là tàu bè. Và định nghĩa của Huỳnh-Tịnh Paulus Của rất chí lý.
Trong Gia Định báo phát hành ngày 16/12/1870, phần tạp vụ trong một bài thuộc vào loại phiến luận ngày nay có viết như sau: Người bên Tàu thường gọi là người Trung Quốc nghĩa là nước ở giữa vì thuở xưa bên ấy có 18 nước chư hầu. Chỗ Kinh thành Hoàng đế ở lại vô ở giữa các nước chư hầu nên gọi là Trung Quốc. Người bên Tàu thường gọi mình là Đường nhơn hay Thanh nhơn, nghĩa là người nhà Đường nhà Thanh.
Thế nhưng những cắt nghĩa trên để gọi người tàu (T không viết hoa) vì họ sang Việt Nam dùng tàu bè. Lại gọi nước Tàu chữ hoa là xứ của họ thì có đôi phần phi lý. Và từ đó ta mới có ổi tàu.
Táo tàu thì đã đành vì là một chi hoa quả khác với tao ta. Cả hai loại Ổi tàu thường hay Ổi tàu lùn ở Việt Nam thì y chang như Phiên thạch lựu, tức là ổi bên Trung Hoa. Cho nên chuyện ổi tàu cho trăm thứ bà rằn trên đây vẫn còn là một ẩn dụ chưa có cắt nghĩa thỏa đáng.
Sao ta lại gọi ba tàu? Chữ ba ý rằng nhiều không đếm được hoặc không muốn đếm, ví dụ như ta hay nói: Nấu ba hột gạo ( ba không có nghĩa là chỉ nấu đúng ba hột , ai ăn ai nhịn), Thằng ấy ba hoa, nhiều chuyện. Nhậu ba sợi, nhậu lai rai. Thằng này ba trợn… có nghĩa người tàu qua Việt Nam lộn nhộn đếm không nổi nên phải gọi là ba …tàu.
Người Việt miền Nam thường xưng hô theo thứ tự như anh Hai (con cả), anh Ba (con thứ)… Bởi vậy người Tàu thường lễ phép gọi thân mật người Việt đang làm ở các cơ quan Pháp thời đó là anh Hai (cậu Hai) và xem mình là em (anh Ba). Và từ đó người Việt mới gọi anh Ba (Tàu) nên thành thói quen đến sau này là vậy.
Lại nói Bông ổi, Trâm ổi, thơm ổi, ổi tàu có thể là điêu ngoa. Hoa này không có vẻ gì là giống hoa ổi thật. Hoa ổi thật là loài hoa lưỡng tính, mọc theo chùm, có 5 cánh màu trắng nhị vàng.
Hoa ổi thường mọc ở nách của lá. Chúng có thể tự thụ phấn hoặc thụ phấn nhờ côn trùng. Đến độ cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi tiết trời hanh hanh đầu mùa hè, những bông hoa ổi trắng lại bung nở trắng xóa cả một góc sân vườn. Mùi thơm dịu nhẹ của những cánh hoa mỏng manh được gió cuốn đi khắp xóm.
Nói tới nói lui, bây giờ lại nói chuyện Trách ai ăn giấy bỏ bìa / Khi thương, thương vội, khi lìa lìa xa của ông Nguyễn Đức Lập với chuyện ăn giấy-rọc giấy của bà Ba Thời.
Trên mạng nguoinhabe có cắt nghĩa như ri.
Thoạt đầu vì lục địa Mỹ châu chưa biết làm giấy, nên người ta lấy lá dừa hay lớp vỏ ngoài của trái bắp cuốn thuốc hút hoặc làm các tẩu bằng cây. Năm 1614 vua Philip III của Tây Ban Nha đã biến thành phố Seville thành trung tâm thuốc lá của thế giới bấy giờ. Từ đây thuốc lá đã được cuốn thành dạng thuốc điếu se tròn bằng giấy như thuốc gói ngày nay rồi lan truyền ra khắp nơi.
Khi cây thuốc lá tới Việt Nam, mỗi vùng đều có sản phẩm được ưa chuộng, chẳng hạn miền Nam vang danh thuốc lá trồng ở xóm thuốc Gò Vấp, Hóc Môn, Cao Lãnh, Tây Ninh… Người thành thị để tiện, xài thuốc vấn sẵn đóng gói 20 điếu. Còn người dân quê lại ưa thuốc rê dù nặng hơn nhiều nhưng rẻ và thỏa mãn nổi cơn ghiền của thiên hạ.
Để cuốn thuốc người ta làm loại giấy trắng, mỏng, mềm, dễ cháy kêu là giấy quyến. Giấy quyến có hai dạng, một là nguyên tờ lớn được đóng thành từng thếp, mười tờ hoặc nhiều hơn. Dạng thứ hai là những tờ rời nhỏ đã được cắt sẵn bằng máy, vừa vấn cho một điếu thuốc. Vì giá của giấy cắt sẵn cao hơn nhiều nên đại đa số người dân quê mua giấy quyến bảng lớn cho rẻ. Những người gánh thuốc đi bán dạo bao giờ cũng kèm theo giấy quyến, khách có thể vừa mua thuốc và giấy cùng một lúc.
Người ta mua giấy quyến khổ lớn cỡ bằng tờ giấy để in báo hàng ngày rồi rọc ra sẵn để đem theo trong gói đựng thuốc. Không giống như sách được dán keo ở gáy, giấy quyến vì mềm, nếu dán keo khi tách ra từng tờ dễ rách, nên mỗi thếp giấy quyến giống như một cuốn sách khổ thiệt lớn, một cạnh bị ép lại thiệt hại cho những tờ giấy tờ liên kết với nhau. Do đó, bên trái của thếp giấy có dấu của máy ép, nhiều người cẩn thận đã rọc bỏ phần này trước khi cắt tờ giấy quyến rũ thành những mảnh giấy nhỏ, không biết tại sao ta lại kêu chuyện cắt giấy quyến rũ là "ăn giấy", cho nên ăn giấy bỏ bìa có nghĩa là rọc bỏ phần bìa của tờ giấy quyến rũ rồi mới cắt phần lớn còn lại của tờ giấy ra những mẫu vừa cho điếu thuốc.
Kể chuyện như vậy là khác với cách ăn nói của bà Ba Thời. Trước khi cắt giấy thành những lá nhỏ, thì trước tiên, phải ăn giấy bỏ bìa hay rọc tờ giấy quyến ra khỏi bìa cuốn sách. Khi cắt giấy thì đâu còn bìa nữa mà phải ăn giấy bỏ bìa. Thằng tám bị bà Ba Thời dụ khị nói dóc! Ông Lập chép:
Bà cắt nghĩa liền:
– Thằng Tám mày thấy không? Giấy quyến đâu có bìa, hổng có cái gì đáng mà phải bỏ hết. Vậy mà có những kẻ ăn giấy, bày đặt bỏ trên, bỏ dưới, bỏ tả, bỏ hữu. Những kẻ ăn giấy bỏ bìa này chánh thị là ba cái quân điệu bộ kiểu cách lỏng nhách, mà lại kiêu căng phí phạm bạc hẳn không ai bằng.
Hành động ăn giấy bỏ bìa có phần có liên quan gì đến khi thương, thương vội, khi lìa lìa xa hay không? Nói thẳng ra bao nhiêu người dân miền quê có thói quen ăn giấy bỏ bìa này vẫn sống chung thủy với người phối ngẫu cả đời, chớ có thấy họ thương vội lìa xa đâu. Cho nên nếu nói những người ăn giấy bỏ bìa là loại người xếp hạng thương vội lìa xa thì cũng chậc lấc. Trong cõi đời này không ít người chưa bao giờ biết ăn giấy bỏ bìa mà vẫn thuộc nhóm thương vội lìa xa mà!
Ca dao ta thâm thúy lắm đọc xong hai câu thơ thì thường hay nghĩ là ăn xong rồi thì dzông! Ăn cháo đái (đá) bát. Ở đây, có thể hiểu được cả hai nghĩa mà cũng rất có thể ăn giấy bỏ bìa, thương vội lìa xa cũng chỉ xoay quanh việc hút thuốc mà thôi. Khi muốn hút thuốc, người ta lấy giấy cuốn lên, sau đó rút hết một cục thuốc ra, trải dọc theo chiều dài của giấy rồi khéo léo xếp gọn lại, sau đó đưa lên miệng thấm nước cho thấm lại. Sau đó đốt một đầu rồi vội vàng rít mấy hơi.
Khi hệ thống thần kinh đã được thỏa mãn với nicotine mới từ từ hút chậm lại. Tới khi gần hết thuốc, sự đòi hỏi qua đi, không thương tiếc thuốc mà phần lớn là đuôi giấy in lại với nhau khi thấm nước ướt. Một đầu điếu thuốc được đưa ra cũng chính là ăn giấy và khi quẳng đi đoạn cuối có thế hiểu là bỏ bìa đó. Với đa số người hút thuốc, một khi đã bỏ hoặc búng tàn thuốc thì bỏ đi luôn, không bao giờ gặp lại những người mình vừa bỏ qua cũng là một kiểu lìa xa vậy.
Ở miệt quê có người chỉ hút phân nửa điếu rồi dụi tắt, phần còn lại để dành đó cho lần sau. Cũng có vài người tiện tặn hơn, thay vì thương vội lìa xa phần cuối của điếu thuốc, thay vì liệng đi, đã dụi tắt rồi thấm nước miếng dán lên cột hay vách nhà. Đây là họ đề phòng khi hết thuốc túng cùng mà chưa mua kịp, gom hết những phần cuối này có thể vấn thành 1 điếu thuốc để qua cơn nghiện ngặt nghèo. Dân quê không có phí phạm đâu, hầu hết người ta hút cho tới tận cùng điếu thuốc mới bỏ đuôi. Có khi để cháy tới tận môi nữa kìa, cho nên chuyện cắt giấy bỏ bìa khi hút thuốc coi vậy chớ không phải ai cũng làm hết.
Trách ai ăn giấy bỏ bìa / Khi thương, thương vội, khi lìa lìa xa, thì chính là Trách ai rọc giấy bỏ bìa / Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa… Chứ không phải lấy kéo cắt giấy quyến thì gọi là ăn giấy như bà Ba Thời nói.
Sao câu ca dao lại nói ăn giấy bỏ bìa mà là không nói rọc hay cắt giấy bỏ bìa? Giấy thì làm sao mà ăn? Có thể ăn đây chỉ nghĩa bóng hay nghĩa lóng, như trong các câu:
Ăn tàn ăn mạt, ăn nát cửa nhà
Con gà nuốt trộng, cá bống nuốt tươi
Ăn đong cho đáng ăn đong
Lấy chồng cho đáng hình dong con người
Và cũng như nói quàng ở trên, một đầu điếu thuốc được đưa ra hút cũng chính là ăn giấy và khi quẳng đi đoạn cuối có thế hiểu là bỏ bìa đó. Chữ ăn trong ăn giấy là ở trong lĩnh vực, hay phạm trù 範疇 cho có vẻ triết học hay toán học, của ca dao tục ngữ.
Chuyện trách ai thật sự thì có trong những câu ca dao sau đây:
Trách ai non dạ kiếm tìm
Nghe lời uyển hoặc lỗi niềm tóc tơ.
Trách ai tham đó bỏ đăng
Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn.
Trách ai đặng cá quên nơm
Đặng chim bẻ ná quên ơn sinh thành
Trách ai trồng chuối dưới bàu
Trái ăn, lá rọc, bỏ tàu xác xơ
Hiện nay bên trời Âu các chức trách khuyến khích việc bỏ hút thuốc, để ngăn cản và làm nản chí những người nghiện thuốc, thuốc lá bị đánh thuế rất cao, vì thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính của ung thư phổi. Ở Mỹ vào thời điểm nay, một gói thuốc 20 điếu giá thay đổi từ $5.50 đến $10.00, tùy theo vùng. Hút hai gói mỗi tuần sẽ tốn $ 1,088 một năm ở các tiểu bang Empire State. Ngược lại, người ở tiểu bang Missoury chỉ phải trả $ 510.00. Bên Á châu người nghiện thuốc vẫn còn khá nhiều. Người Trung Việt nam, nhất là các mệ, vẫn còn ưu ái rất nhiều thuốc rê hay thuốc sắt Cẩm Lệ.
Tính tự tàu đến trong dân gian sinh ra cắc cớ khi đi tìm ra cội rễ của nó. Hết ổi tàu thì lại đến thịt kho tàu. Học giả và ngữ gia đều nhất trí cả quyết là món kho này không từ Tàu mà đến. Bởi người tàu họ cũng có món thịt kho của họ. Đó là thịt kho tộ 红烧肉 hồng thiêu nhục hóngshāo ròu. Thịt lợn kho tộ bên Trung hoa, cũng là món ăn dân dã nổi tiếng, các nền ẩm thực lớn đó đây đều có món thịt lợn kho tộ đặc biệt của riêng mình.
Nguyên liệu chính là thit lợn bụng ngũ hoa nhục 五花肉 wǔhuāròu, tốt nhất là thịt ba chỉ mà người Hoa gọi là tam tằng nhục 三层肉, thịt ba tầng; chữ tằng 层 đây là tầng, thịt bụng phải có da (bì lợn) mỡ nàng và mỏng khứa, chủ yếu dùng nồi nấu làm thịt hầm. Thịt nhục phì sấu 肉肥瘦 vừa có mỡ, nạc, da, và mỏng, giàu dinh dưỡng, ăn thì ngọt và mềm, tan chảy trong miệng, nhập khẩu tức hóa 入口即化! Đúng là để tả cái đam mê của thịt kho tàu bản xứ Trung hoa!
Người tàu không dùng nước màu để kho thịt. Họ cho là có phản ứng hóa học trong món thịt lợn kho. Họ đặt ra câu hỏi: tại sao món thịt lợn kho lại có màu nâu? Trả lời: năm 1912, nhà hóa học người Pháp L.C. Maillard đã phát hiện ra rằng các axit amin hoặc protein trộn với glucose để tạo thành một chất màu nâu khi đun nóng! Loại phản ứng này được gọi là phản ứng Melard 反应的高手 hay phản ứng đích thị cao thủ. Chỉ cần nhiệt độ không cao, khi om thịt lợn, chất màu nâu tiết ra không những không độc mà còn có mùi thơm và màu sắc hấp dẫn, đó là anh hùng nước màu 色泽诱人 sắc trạch dụ nhân, của món thịt lợn kho trở thành cao lương mỹ vị.
Rồi kết luận: Thịt lợn kho tộ là món ăn cổ điển của người Hoa, có vị béo nhưng không ngấy, ngọt mềm, là món ngon phù hợp với mọi lứa tuổi. Đồng thời, thịt heo kho cũng rất giàu collagen, là món ăn tốt cho việc làm đẹp và duy trì độ đàn hồi cho da. Tất nhiên, thịt lợn kho có vị ngọt thanh nhưng không nên ăn quá nhiều, bệnh nhân cao đường máu cao nên thận trọng khi ăn. Thịt lợn kho được phổ biến rộng rãi trên toàn Trung Quốc và là một món ăn bình dân nổi tiếng. Tàu hay ta thì thịt lợn kho cũng là thức ăn được nhiều yêu chuộng! Có người chỉ tôi bên tàu người ta gọi là Thịt kho Đông Pha 东帕红烧肉 dōng pà hóngshāo ròu. Tôi không tìm ra lý lẽ này.
Thịt kho tàu là món ăn không có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng sao lại có chữ kho tàu?
Nguồn gốc tên gọi này có thể là từ nồi thịt kho trên tàu của những người đi biển. Tương truyền, ở thời xa xưa, khi chuẩn bị cho các chuyến tàu ra khơi, họ thường làm các đồ ăn có thể dùng trong nhiều ngày lênh đênh trên biển, trong đó có món thịt kho mặn ngọt này. Riết hồi, loại cắt nghĩa này sinh ra lố lăng. Người tàu là vì họ đến Việt Nam bằng tàu. Thịt kho tàu vì thịt kho trên tàu!
Tuy nhiên, khi biết bên xứ Trung hoa có món thịt kho tộ 红烧肉 hồng thiêu nhục hóngshāo ròu, thì biết đâu thời Cao Biền dẫn quân qua đô hộ đất Lạc Việt, cũng đem theo công thức món thịt kho, người Việt ta chấp nhận và gọi nó là thịt kho tàu! Giả thuyết nói là Nam bộ có thịt kho tàu và Bắc bộ có thịt đông để ăn tết thì không chính xác. Quê tôi ở tỉnh Thanh hóa cũng có món ăn thịt kho tàu, nhưng không có trứng nước dừa như ở miền nam nước ta. Vả lại Hồng thiêu nhục của tàu cũng không có trứng kho, mà thịt kho tàu miền nam ta đôi khi có nước dừa.
Còn theo như giải thích của nhiều chuyên gia văn hóa trong đó có nhà văn Bình Nguyên Lộc, như ông Nguyễn đình Lập kể, chữ tàu trong văn hóa miền Tây có nghĩa là mặn ngọt lờ lợ. Những dòng sông nước lờ lợ như sông Cái ở phía trên thì dân Nam Bộ gọi là sông Cái Tàu Thượng, sông Cái ở phía dưới gọi là sông Cái Tàu hạ.
Sông Cái Tàu có tên khác là Rạch Tiểu Dừa, là một con sông đổ ra Sông Ông Đốc. Sông có chiều dài 42 km. Sông Cái Tàu hạ chảy qua các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Như thế có nghĩa sông này có tên thật là sông Cái tàu dài đến 42km rồi đổ ra sông Ông đốc không biết sông có nước mặn ngọt lờ lờ không?
Cái Tàu là tên của một số sông, rạch tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sông Cái Tàu: một phụ lưu của sông Ông Đốc chảy qua địa phận hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Sông Cái Tàu Hạ, con sông chảy trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Tên sông được đặt cho thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện lỵ huyện Châu Thành. Rạch Cái Tàu Thượng, con rạch thông ra sông Tiền, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Vậy thì các chuyên gia văn hóa và ông Bình Nguyên Lộc nói rằng chữ tàu trông tên sông Cái Tàu coi bộ cũng dở dang đấy.
Nhất là nếu chữ tàu này nghĩa là mặn ngọt lơ lợ để gọi thịt kho tàu thì cũng thất sách. Ngọt lợ ở đây là để chỉ nước sông với nước không muối hoà với nước biển, khi dùng để chỉ nước kho thịt thì thật là lưỡi không xương mười phường lắt léo.
Xin kể một thoại ngẫu chép trên Nét. Có bà thím phát biểu: Thịt kho tàu thì miếng thịt phải cắt to, vì vậy khi kho nó nổi lên trong nồi như những chiếc tàu, nên ông bà mình đặt tên là thịt kho tàu. Rồi thím hỏi: Ở miền Tây có sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ, ở Cần Giờ có sông Lòng Tàu. Vậy riêng chữ tàu ở đây có nghĩa là gì? Có người trả lời, Những dòng sông có nước lờ lợ như sông Cái ở phía trên thì dân Nam Bộ mình gọi là sông Cái Tàu Thượng, sông Cái ở phía dưới thì gọi là sông Cái Tàu Hạ, sông Lòng ở Cần Giờ thì gọi là sông Lòng Tàu vì những sông này có nước lờ lợ. Xin hỏi bà thím, vậy thì tất cả những sông Cái Tàu đều có nước là nợ phải không? Tôi thì vẫn ngờ ngợ, vì nghĩ các sông dài tới mấy chục cây số mà sao nước lại có thể mặn ngọt lờ lợ cho tất cả các sông? Tên sông Cái Tàu thì chắc cũng được đặt như sông Ông
Đốc những tên khác.
Sông Ông Đốc vốn có tên là Khoa Giang, daì 58km chạy qua tỉnh Cà mau rồi đôr ra Vịnh Thái Lan. Tương truyền ngày trước, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh đến đây. Đô đốc thủy binh Nguyễn Văn Vàng đã xin Nguyễn Ánh được mặc hoàng bào để nghi binh cho Nguyễn Ánh trốn. Vị đô đốc này hy sinh; sau này được lập miếu thờ tại vùng này vào năm 1802. Từ đó, sông này được dân gian gọi là sông Ông Đốc.
Cũng có chuyện kể: vào năm 1782, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh chạy về vùng đất phương Nam này và dừng chân ở cửa sông Ông Đốc để cầu viện quân Xiêm giúp đỡ. Có một vị quan không rõ họ chỉ biết tên là Đốc đã dám đứng ra ngăn cản hành động không có lợi cho đất nước Việt Nam này của Nguyễn Ánh, cuối cùng bị sát hại. Để tôn vinh tinh thần yêu nước của vị quan này mà người dân đã gọi tên sông là Ông Đốc, sau rút gọn thành Sông Đốc và đó cũng là tên gọi của thị trấn này ngày nay.
Trước khi có tên Tàu Tàu thượng thì đã có tên sông Cái Tàu. Ở Cái Tàu thượng có vàm nước xoáy hây, làm cho các tàu thuyền đi qua nơi đây mà bất cẩn hây bị chìm rất nhiều xuống đáy sông, chuyện kể rằng có hai chàng trai ở Long Xuyên đi ghe đến đây mà không biết đậu ghe lại nghĩ ngơi và lội xuống tắm ở vòng xoáy này, bị cuốn đi nhưng may mắn nhờ có ông lão trên bờ kêu hai chàng này lội vào vì rất nguy, và hai chàng trai thoát nạn.
Theo nhà văn Nguyễn Đức Lập, cũng như theo nhà văn mà cũng là nhà nghiên cứu nổi tiếng Bình Nguyên Lộc, thì chữ tàu nói theo ngôn ngữ miền Tây có nghĩa là “mặn ngọt lờ lợ”.
Những dòng sông có nước lờ lợ như sông Cái ở phía trên thì dân Nam Bộ mình gọi là sông Cái Tàu Thượng, sông Cái ở phía dưới thì gọi là sông Cái Tàu Hạ, sông Lòng ở Cần Giờ thì gọi là sông Lòng Tàu, vì những sông này có nước lờ lợ (?). Cái Tàu Thượng thì đổ ra sông Tiền, Cái Tàu Hạ thì qua sông Ông Đốc để đổ ra Vịnh Thái Lan. Hai Cái này không ăn nhập chi với nhau, tuy cũng đều có tên Cái và tên Tàu. Đưa hai từ nguyên Cái và Tàu để bỏ vào thịt kho tàu thì nghe không ổn rồi.
Khi tôi đọc Một kiểng hai huê. Huê là hoa, vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng, nên chữ “hoa” phải đọc là “huê”, ở miền Trung; thì lòng lại miên man, mà biết bao nhiêu chữ huê cho đành. Sách vở tự điển đêu nói huê tình là cách lẳng lơ trai gái. Ta không nói hoa tình, là lại kêu huê tình. Và có Xẩm huê tình!
Ca Xẩm huê tình Hà Thị Cầu:
Dứa dai không gai
Chúng anh nghĩ rằng cây dứa dại không gai
Ai ngờ thì gai dứa lại dài hơn chông
Em dối anh, em chửa có chồng.
Sông Thương nước chảy đôi dòng
Đèn khêu đôi ngọn em biết trông ngọn nào
Tắm mát lên ngọn sông Đào
Muốn ăn sung chín tìm vào rừng xanh
Wiki: Xẩm là một loại hình dân ca của Việt Nam, phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Xẩm còn được dùng để gọi những người hát xẩm đi hát rong kiếm sống và hành nghề hát xẩm. Nghệ nhân Hà Thị Cầu (1928–2013) được coi là người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX và tỉnh Ninh Bình đang có những nỗ lực đệ trình UNESCO công nhận hát xẩm là di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp.
Hát Xẩm xưa thường là một hình thức mưu sinh của những người dân nghèo khổ, nhất là người khiếm thị, nay được sân khấu hóa và đưa vào phục vụ khách du lịch. Xẩm đa số được biểu diễn ở chợ, đường phố, nơi đông người qua lại. Hát xẩm có tính ngẫu hứng và người biểu diễn có thể bật ra câu hát ngay khi thể hiện.
Xẩm có hai làn điệu chính là xẩm chợ và xẩm cô đào. Hát xẩm chợ, điệu hát mạnh, những tiếng đệm, tiếng đưa hơi đều hát nổi tiếng bằng lời hát chính và đệm đàn bầu hay nhị với sênh phách; còn hát xẩm cô đào, dạng biến thể là hát cô đầu, thì điệu hát dịu dàng hơn, những tiếng đệm và tiếng đưa hơi lẫn vào lời chính, cốt giúp cho có nhiều dư âm và bắt khúc được dễ dàng. Hát xẩm cô đào đệm đàn đáy và sênh phách, không dùng đàn bầu và nhị.
Hát xẩm có ở nước ta có từ thế kỷ 14-15. Sau đó có Ca trù tự Nôm là 歌籌, còn gọi nôm na là hát cô đầu / hát nhà trò là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc. Cho đến những năm 1980 thể loại này hay được gọi cái tên là hát ả đào, nghĩa đen là hát xẩm cửa đình.
Ca trù chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Tên gọi ca trù cũng đã được tài liệu cổ ghi nhận.
Trên các tài liệu Hán Nôm chữ trù trong ca trù 歌 籌 đều dùng chữ trù 籌 chóu U+7C4C. Theo đó Trù 籌 là thẻ đếm làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền, dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên, khách nghe hát, sử dụng trống chầu gọi là cầm chầu. Đó là hát ca trù ở đình đền, tức là hát thờ.
Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn học ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo là hát nói. Ca trù còn có những cái tên khác như: hát cửa đình, hát nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), hát cửa quyền (trong cung phủ), hát nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), hát ả đào, hát cô đầu (hát ở các ca quán)...
Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà…
Cô đầu chữ Nôm: 姑姚, chữ Hán: 妓生, kĩ sinh. Nó cũng gọi là Ả Đào 妸陶, Đào nương 陶娘 hay Ca nương 歌娘, ca nương là thuật ngữ của Triều Tiên và Nhật Bản và ca kỹ của Trung Quốc thường dùng để gọi một dạng kỹ nữ trong thời đại cổ. Hiện nay, hát xẩm huê tình là thể thức thịnh hành. Vậy xẩm huê tình là gì? Có phải là hát xẩm lẳng lơ không? Theo tài liệu của ông Trần Việt Ngữ công bố năm 1964 thì hát Xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ; Xẩm xoan (Chênh bong); Huê tình (riềm huê); Xẩm nhà trò (ba bậc); Nữ oán (Phồn huê); Hò bốn mùa; Hát ai. Chữ huê là chữ hoa đọc trại. Bắc bộ thời cũ không biết có kiêng thị huý bà Hồ Thị Hoa không?
Nhưng chắc hát xẩm huê tình hay xẩm riềm huê không phải là xẩm lẳng lơ. Không có tự huê trong các tự điển Việt Nôm hiện nay. Chữ nôm huê nghĩa hoa viết là 花 theo Trần Văn Kiệm, bông huê vườn huê. Hay chữ huê đây dùng để chỉ một cung trong làn điệu hát xẩm?
Vậy thôi, có khi học một đường lại phải hiểu theo một ngả. Đạo học thì mênh mông mà lòng người lại nóng nảy.
Nguyễn Quốc Bảo
Hạ Chí năm Kỷ Sửu 2021
Nguồn Internet.
https://vi.wikipedia.org/wiki/Bông_ổi
https://ytevinhcuu.com/y-hoc-co-truyen/cay-thuoc-quanh-ta/cay-tram-oi-chua-benh
https://nhothangokhanhvo.blogspot.com/2016/08/cung-cap-cay-oi-tau-chat-luong-gia-canh.html
https://ninistore.vn/n/nguoi-ba-tau-la-gi/
https://nguoinhabe.wordpress.com/2018/07/
https://baomai.blogspot.com/2017/11/tai-sao-lai-goi-la-thit-kho-tau.html
https://vi.wikipedia.org/wiki/Sông_Đốc_(thị_trấn)
https://vietnamesecommunity.wordpress.com/2014/06/13/tai-sao-goi-nguoi-hoa-o-viet-nam-laba-tau/
http://www.sachhay.org/diem-sach/ChiTiet/1862/lich-su-va-nghe-thuat-ca-tru