User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
trieunguyen yyfp
 
Nguyễn Tư Giản là một danh sĩ và là một vị quan từng trải qua những chức vụ trọng yếu suốt gần 40 năm, phục vụ bảy đời vua nhà Nguyễn, gồm: Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh.
 
Ông đỗ Tiến Sĩ khoa thi Hội khoa Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị thứ tư 1844 với tên là Nguyễn Văn Phú, sau được vua đổi tên là Nguyễn Tư Giản. Bia Tiến Sĩ ở Huế ghi quê quán của ông là người xã Du Lâm, thi đỗ năm 23 tuổi.
 
Du Lâm là một làng của tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc mà thời Nguyễn đổi là tỉnh Bắc Ninh, Đến 1955, Du Lâm hợp với Mai Hiên lập thành xã Mai Lâm, từ năm 1961 cắt chuyển về Hà Nội.
 
Du Lâm là làng hình thành từ lâu, có địa vực riêng, cơ cấu tổ chức (hội đồng kỳ mục), lệ tục, đình chùa riêng, đền miếu riêng và theo sách Tên Làng Xã Việt Nam Đầu Thế Kỷ XIX thì làng Du Lâm đến thế kỷ XVII, làng chia thành 2 làng (thôn) là Du Nội (ở trong đê) và Du Ngoại (ngoài đê). Sau, Du Nội lại chia thành Du Nội và Du Bi và là những làng độc lập (có tổ chức, lệ tục, đình chùa riêng) là: Du Nội, Du Ngoại và Du Bi.
 
Nguyễn Tư Giản vốn dòng họ Nguyễn gốc Lý ở Vân Điềm, là chắt của Nguyễn Đường đời thứ 7 họ Nguyễn gốc Lý từ Vân Điềm dời ra Du Lâm. Năm vua Chiêu Thống nhà Lê lên ngôi mới được 1 năm, Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn ra Bắc diệt chúa Trịnh. Vua Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu viện. Trong nước, giặc giã nổi dậy khắp nơi.
 
Lúc đó, Nguyễn Đường, đang làm quan nhà Lê chức Hữu Tham Nghị (tức Án Sát). Làng Vân Điềm, có nhiều giặc cướp, không thể nào ở yên được, nên phải đem vợ con ra ở thôn nội làng Du Lâm. Cụ Nguyễn Công Bồi, người làng địa phương, mời cụ Nguyễn Đường ra ở năm 1787. Con của Nguyễn Đường là danh nhân Nguyễn Án, đồng tác giả với Phạm Đình Hổ của sách Tang thương Ngẩu Lục.
 
Từ khi ấy đến bây gìờ, một số con cháu trở thành người làng Du Lâm, dân trong vùng gọi là “Cói Ao dài”.
 
Thời xưa ở nơi đây có rừng cói, về đời nhà Lý, các vua hay đi ngự du hay là đi tham quan đất nước. Từ thời vua Lý Thánh Tông trở đi, các vua hay đi chơi xa và cho xây nhiều hành cung ở những nơi có phong cảnh hữu tình. Các ly cung lại có những ngự uyển trồng cây cảnh và trồng hoa. Các vua nhà Lý quê ở Kinh Bắc nên nơi đây có nhiều ly cung ngự uyển.
 
Xưa kia huyện Đông Ngàn có hai con sông nhỏ là sông Ngũ Huyện và sông Thiên Đức, hai con sông này đều có cửa ra sông Hồng ở làng Du Lâm, Thái Đường, Hội Phụ.
 
Du Lâm xưa là nơi vua nhà Lý thường xuyên đi lại và cũng là nơi nằm gần cửa sông Thiên Đức, Ngũ Huyện, nên rất phồn thịnh, buôn bán rất sầm uất nhưng Du Lâm không phải là thành trì nên không bị tàn phá mỗi khi có sự thay đổi triều chính.
 
Ngày nay, làng Cói còn nhiều vết tích các ngự câu (ngòi nước để thuyền ngự đi) là những ao đầm chạy dài để thuyền vua đi từ làng quê Cổ Pháp (nay là Đình Bảng huyện Tiên Sơn Hà Bắc) đến các ly cung và ngự uyển ở bên bờ sông Đuống xưa là sông Thiên Đức.
 
Ngự uyển dựng trên bãi hoang gọi tên là Bãi Cói, rất rộng trồng nhiều hoa lá qúy như rừng nên có tên là Hoa Lâm viên. Vua Lý dựng xong ly cung và ngự uyển rồi lấy dân đinh ở vùng Kinh bắc cho cứ trú quanh đây để trông nom vườn ngự uyển g̣ọi là viên đình. Sau thì thành xóm gọi là Hoa Lâm lục thôn bao quanh lấy ly cung và ngự uyển. Các thôn này có tên chữ là Thái Đường, Lộc Hà, Mai Hiên, Đông Trù, Cư Trinh, Du Lâm. Thái Đường có nhà thờ họ ngoại các vua Lý, Lộc Hà là xóm chia lộc cúng, Đông Trù là nhà bếp của vua...
 
Dân cư 6 thôn trở nên đông đúc, nên tách ra họp thành xã là Cối Giang. Đời chúa Trịnh Tùng, Trịnh Cối làm phản, Cối Giang đổi ra Hội Giang sau lại đổi làm Hội Phụ vì kiêng tên chúa Trịnh Giang. Dân trong vùng gọi quen tên nôm Cối Giang là làng Cói.
 
Làng Du Lâm ở trong địa phận làng Cói này và có tên là làng Cói Ao dài vì tại đây có một cái ao rất dài là vết cũ của cái ngự câu đời Lý, chạy sát lũy tre làng cho đến Lăng là trung tâm của ngự uyển Hoa Lâm đời Lý.
 
Sang đến đời nhà Trần thì ngự uyển đó biến thành nấm mồ chôn chung các họ hàng tôn thất nhà Lý và được gọi là Lý gia lăng (lăng nhà Lý). Lăng này dần dần hoang phế và biến thành rừng ở làng Cói nên gọi là rừng Cói, còn có tên khác là rừng nhà Lý hay Lý Gia Lâm.
 
Ngày nay, lăng này nằm trong khu Hoa Lâm viên. Khu lăng nhà Lý có 2 cổng chính và 1 cổng phụ, trước cổng có 2 con sấu đá, bệ thờ đá để tế trời đất có lát gạch Bát Tràng. Phía trong có bức bình phong hình chữ nhật đắp 2 con rồng lá để vào nhau.
 
Làng Du Lâm thờ 3 vị thần là Phật Kim (tức Lý Chiêu Hoàng), vị vua cuối cùng của nhà Lý, Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông),vị vua đầu tiên của nhà Trần và “Trần triều trung quân Đốc khánh đại vương” còn gọi là Đức Thái tử, Hoài Đức vương, từng theo Trần Hưng Đạo đánh giặc Nguyên - Mông, lập được nhiều chiến công. Hội lệ chính hàng năm tổ chức vào các ngày từ Mồng 10 đến 15 tháng 3, mừng thắng trận dẹp tan giặc Nguyên - Mông.
 
Hội làng Cói xưa kia thường kéo dài đến 5 ngày. Ngoài ra còn có lễ hóa thần tổ chức vào mùa đông trong hai ngày 12-13 tháng Chạp âm lịch và lễ mộng thần vào ngày 25-7 âm lịch.
 
Sang đầu thế kỷ 20, để được lùi vào trong, do đó làng Du Lâm, làng Thái Bình (xưa là Thái Đường, kỵ tên Ứng Đường thời Đồng Khánh) với lăng nhà Lý, rừng nhà Lý đều trở thành đất ngoài đê.
 
Làng Thái Bình theo lưu truyền dân gian xưa là Hoa Lâm viên- vườn của các vua nhà Lý; còn theo chính sử là nơi tế lễ của vương triều này. Dấu tích của khu vườn này còn có thể xác định qua một số địa danh và một số phế tích, nhiều địa danh liên quan đến vương triều Lý như Hoa Lâm Viên, Vườn Thượng Uyển, Lý Gia Lăng, Thái Đường. Tại Hoa lâm có tấm bia Hoa lâm tam bảo thị khẳng định vùng đất này là vùng quê của ông và bà nội của vua Lý Công Uẩn, lăng miếu của cha mẹ vua đều ở đây. Hoa Lâm xưa kia có mộ Lý Công Uẩn và một số mộ các vua nhà Lý. Trần Thủ Độ chỉ cho phá nhà thờ gốc họ Lý ở Hoa Lâm, mà không dám phá hủy những lăng mộ người đã khuất. Từ khi nhà thờ gốc họ Lý ở Thái Đường Hoa Lâm bị nhà Trần phá hủy bởi họ Trần, thì con cháu họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn để lánh nạn. Mặt khác Trần Thủ Độ buộc họ phải đổi sang họ Nguyễn để cho họ Lý mất gốc, trừ Lý Chiêu Hoàng là con dâu họ Trần thì vẫn được cùng chồng tôn thờ ở Thái Đường Hoa Lâm.
 
Trước năm 1945,rừng nhà Lý rất rộng, có nhiều cây cổ thụ trong đó có những cây gáo có gốc hàng mấy người ôm. Giữa rừng gáo là Lăng nhà Lý có cổng chính rộng 2 m và hai cổng phụ, trước cổng có hai con sấu đá. Một bệ thờ bằng gạch Bát Tràng cao 1m50, dài 4m, rộng 3m, phía trong có một tấm hình chữ nhật có đắp hai con rồng chầu vào nhau. Trên bệ thờ chỉ có một bát hương to bằng đá xanh. Trước sân Lăng có một bia đá hình khối 4 mặt khắc chữ Hán. Xung quanh lăng có đắp nhiều đá đẹp và nhiều bụi tầm xuân mọc lan khắp nơi và nhiều cây cổ thụ như lim, gáo và cây khác.
 
Sau bệ thờ là bãi Sập, nơi các tôn thất nhà Lý bị chôn sống vào năm 1232 có rất nhiều đá chồng lẫn đất. Trải qua thời gian, Bãi Sập chỉ còn lại trong trí nhớ của nhiều bậc cao niên, nói nó là vùng đất nằm giữa vị trí các thôn Đông Trù, Thái Đường (Thái Bình). Sự kiện này được Đại Việt Sử ký toàn thư ghi lại.
 
Thời xưa, rừng nhà Lý là nơi săn bắn chim muông của giới trẻ và là nơi cắm trại của các hướng đạo sinh trường Bưởi. Trẻ con thích vào rừng hái ổi, nhãn, bứa để ăn. Ngày nay toàn bộ rừng và Lăng nhà Lý đã bị phá hủy không còn dấu tích.
 
Rừng nhà Lý bị phá hết các cây to lúc kháng chiến chống Pháp, tiếp đến Lăng nhà Lý ở trên một gò cao đã bị phá hủy để công trường thủy lợi lấy đá hàn đê Mai Lâm vào năm 1957-1958. Trong làng Du Lâm cũ có nhiều gia đình thuộc 3 chi hậu duệ của văn hào Nguyễn Án, mỗi chi có nhà thờ riêng và nhà thờ đại tôn thờ cụ Nguyễn Đường.
 
Sông Đuống đổi dòng nên vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX, làng Du Bi bị lở xuống, cư dân phải di chuyển sang các làng Du Nội và Du Ngoại. Hiện nay (riêng thôn Du Bi đã bị chuyển nhập vào 2 làng Du Nội và Du Ngoại từ gần 30 năm nay do lũ lụt). Ngày nay là xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội.
 
Năm 1980, sông Đuống bị sạt lở, làng cũ Du Lâm phải di chuyển vào trong đê gần Quốc lộ 3, chùa Phúc Lâm được chuyển về Du Nội ở địa điểm hiện tại, đình cũ và Lăng không còn dấu tích.
 
Chùa Phúc Lâm Tự được thành lập vào năm 1224, thời nhà Lý, đến nay đã gần 800 năm, là nơi đang lưu giữ những di tích của lịch sử của đất Thăng Long xưa với minh chứng là các hiện vật kiến trúc, các di sản vật thể quý của Quốc gia. Chùa được coi là ngôi chùa do vua Lý Thái Tổ cho xây dựng khi lên ngôi Hoàng Đế và dời đô từ Hoa Lư-Ninh Bình ra Thăng Long, đến nay chùa là nơi có hành lang nhà Lý đã được xác nhận. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại: "Ngài (Lý Thái Tổ) bỏ ra 2 vạn quan tiền để xây dựng 8 ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, là trú quán xưa kia của Ngài".
 
Chùa cũng là nơi lưu trữ bản gia phả của họ Nguyễn gốc Lý.
 
Từ những năm 2000, người dân Du Nội khi đào đất có tìm được một số cổ vật và được thẩm định có niên đại từ thời Lý. Nhiều học giả coi Mai Lâm là quê mẹ của vua Lý Công Uẩn.
 
Làng cũ và những di tích cổ chỉ còn trong ký ức của các vị cao niên, xong với thế hệ ngày nay, làng Du Lâm không khác gì một phường mới lập ở ven thành phố không còn gì di tích lịch sử.
 
Sau khi làng cũ chuyển đi, nhà máy gạch cầu Đuống mua đất ở đó làm gạch, họ đào đất thấy nhiều mảnh bát đĩa, chum chĩnh rải rác khắp nơi. Cả một làng cũ nay trở thành đất bằng. Hàng năm mùa khô mưa lũ nước ngập tới vài ba tháng bồi thêm phù sa và bây giờ thì đất đó biến thành một bãi trồng hoa màu của hợp tác xã Du Nội.
 
Ngày nay, trong khu Hoa Lâm viên có chùa cổ Hoa Lâm Tam Bảo được xây dựng vào thế kỷ thứ IX-X đời nhà Lý và được trùng tu nhiều lần.
 
Du Lâm xưa kia cũng nổi tiếng về truyền thống hiếu học và khoa bảng. Làng Du Bi có Trần Danh Đống, đỗ Tiến sĩ 1691. Làng Du Nội có 3 người đỗ đại khoa là Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàn, Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản và con là Tiến sĩ Nguyễn Kham. Dòng họ Nguyễn của làng này vốn là dòng dõi của Hoàng giáp Nguyễn Thực ở làng Vân Điềm chuyển cư ra. Con cháu về sau 5 thế hệ đều nối nghiệp cha ông về học hành, khoa cử.
 
Bà Nguyễn Hạc Đạm Thư là hậu duệ đời thứ 32 của họ Nguyễn gốc Lý ở Mai Lâm cho biết: Năm 2009 số hậu duệ nhà Lý ở thôn Du Lâm còn có 19 hộ gia đình, với tổng cộng 78 người.
 
Nguyễn Hoạt