
(Nhân Ngày Quốc Tế Mẹ Trái Đất 22 Avril mỗi năm)
1. Tổng quan
Hành tinh Trái Đất ta ở có tổng diện tích là 510 065 700 km2, với diện tích các đại dương là 360 700 000 km2 (70%) và diện tích đất lục địa là 149 400 000km2 (30%). Nhưng diện tích các lục địa không phải chỗ nào cũng ở được vì nhiều nơi là sa mạc: sa mạc Kalahari với diện tích là 900 000km2, bao phủ phần lớn xứ Botswana, và kéo dài lên lãnh thổ Namibie và Nam Phi; sa mạc Sahara với một diện tích 16 lần nước Pháp v.v..
Đất ra đời cùng với sự sống nghĩa là từ lâu lắm, trước khi loài người xuất hiện. Và từ khi loài người hiện hữu thì đất đã cưu mang con người. Nếu sống gần đất phì nhiêu thì kinh tế phồn thịnh, dân tình ấm no, văn hoá nẩy nở. Nhiều nền văn minh điêu tàn vì đất kiệt quệ, nghèo nàn. Các nền văn minh nhân loại cũng từ vùng đất phù sa phì nhiêu như dọc sông Nil, sông Tigre và Euphrate ở Trung Đông, sông Hồng ở Việt Nam, sông Hoàng Hà và Dương Tử ở Trung Quốc, sông Hằng ở Ấn Độ.
Với con người thì đất như hình với bóng: đất dưới chân ta đi, dưới nhà ta ở, dưới đường ta xây. Đất cũng trước mắt ta với muôn vàn phong cảnh: này là đồng bằng xanh mát, nọ là núi rừng âm u, kìa là bưng rạch ngổn ngang. Nhưng vượt lên trên các thơ, phú, ca dao, tục ngữ, hò đối đáp v.v. , đất là một tài nguyên quan trọng, nhưng lại ít người để ý. Khi dân số hiện nay trên 6 tỷ người và sẽ xấp đôi chỉ trong vòng 50 năm nữa, sản lượng lương thực cũng phải theo kịp với đà tăng dân số. Trong khi đó thì tài nguyên đất suy giảm với ô nhiễm, với sa mạc hoá, mặn hoá, mất dần với đô thị hoá và kỹ nghệ hoá, chưa kể đến các yếu tố khác như biến đổi khí hậu, phá rừng, lạm thác khai thác cá, buôn bán động vật hoang dã v.v.
Loài người tác động trên hành tinh này với cái ta ăn, cái ta mua, cái ta di chuyển từ chỗ này đến chỗ nọ, cái ta sưởi nhà v.v.
Nhận thức vai trò thiết yếu của tài nguyên này nên vào năm 2009, Đai hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn ngày 22 tháng 4 là Ngày Quốc tế Đất Mẹ (International Mother Earth Day) để nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên của Trái Đất..
2. Sự hình thành của đất
Trái đất ta ở có sông ngòi, có biển cả, có núi non, có thung lũng; nhưng trên hết có đất. Đất giúp cây cối có thể bám rễ vào, đất giữ được nước đủ thời gian để rễ cây có thể hút được nước nuôi thân, nuôi lá, nuôi hoa. Đất cũng chất chứa vô số vi cơ thể để hoàn thành nhiều biến đổi sinh hoá như hủy hoại các động vật chết, sự cố định ni tơ khí quyển. Trong đất cũng còn có mối, kiến, giun đất.. Và chính nhờ các hoạt động của các loài này mà đất có một đời sống. Đất là một cơ thể sống: nhận vào, biến đổi, hủy hoại, phế thải. Đất không hiện hữu mà không có đời sống và đời sống không hiện hữu nếu không có đất. Loài người xây cất trên đất, trong đất và với đất. Đất là một cõi đi về. Đất không phải chỗ nào cũng giống nhau: sự sử dụng đất đai muôn màu muôn vẻ của con người (đồng cỏ, đô thị, ruộng lúa,) đã phản ánh sự đa dạng của đất. Đất là do sự hủy hoại của các loài đá khác nhau, dưới tác động của mưa, của gió, của các sinh vật. Với thời gian, đất càng lúc càng dày hơn và tự biến đổi; đất dung nạp các chất hữu cơ do thực vật, rễ cây chết đi, các chất sét.. cũng như các biến chất khác như màu sắc (đất đen, đất đỏ, đất xám..), các tầng đất (đất mặt, đất sâu..). Nếu so với chiều sâu của qủa địa cầu thì đất rất ư là mỏng, vì chỉ dày từ vài cm đến vài mét. Tuy mỏng nhưng lại rất quan trọng vì giữ nhiều chức năng cho sự sống còn của con người. Đất trồng trọt được chỉ chiếm 17% diện tích các lục địa, tức 5.5% diện tích trái đất (không tính đến diện tích rừng)
3. Đất cũng rất đa dạng
vì có thể biến đổi theo loại đá, theo khí hậu, theo địa hình, theo thảo mộc và theo thời gian.
Phải mất rất nhiều năm, có khi hàng trăm năm đất mới hình thành nhưng nhiều tính chất của đất như độ xốp, độ phì nhiêu, cấu trúc, hoạt động sinh học v.v. lại có thể đổi thay nhanh chóng. Thời gian tạo thành đất thường lâu dài vì mọi quá trình như trực di, tích tụ, bào mòn, phân huỷ thực vật, trao đổi cation đều rất chậm và trải dài trên hàng ngàn năm. Có đất trẻ vì được bồi tụ mỗi năm như đất phù sa ven sông suối nhưng cũng có đất già nua trong đó nhiều tính chất đất không thay đổi nữa.
4. Đất đi liền với con người
nên ca dao, tục ngữ, thi văn cũng nhan nhản nhiều câu có chữ đất: đất thiêng, thần đất, thổ thần, thổ nghi, phong thổ, địa linh nhân kiệt v.v. Trong Phật học thì đất là một phần trong Tứ Đại: đất, nước, gió, lửa. Trong kinh Phật cũng có một kinh gọi là kinh Địa Tạng. Đất tạo ra của cải, tác động đến sự giàu có. Ngày xưa, từ đời vua Lê Đại Hành nước ta có tổ chức lễ Tịch điền là lễ cày ruộng với chính nhà vua đích thân kéo những đường cày đầu tiên trên một thửa ruộng, và đó cũng có ý nghĩa mong cầu cho việc sản xuất nông nghiệp năm mới thắng lợi. Trần Hồng Châu có thi phẩm Nhớ đất thương trời; nhà sử học Tạ Chí Đại Trường có sách Thần, Người và Đất Việt; tục ngữ ta có câu Đất lành chim đậu; thi bá Nguyễn Du nói về Từ Hải là người đội trời đạp đất ỏ đời hoặc:
Vẫy vùng trong bấy nhiêu niên
Làm nên động địa kinh thiêng đùng đùng.
Có những khủng hoảng lớn, người ta nói là đất bằng nổi sóng. Và cũng chính Nguyễn Du cũng đã sử dụng hình ảnh đất trong câu:
Gặp cơn bình địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em
Khi thề nguyền cũng đem đất ra mà chứng giám:
Một lời đã trót thâm giao
Dưới dày có đất, trên cao có trời
Tản Đà cũng nói về đất:
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười
Vô hình chung, danh từ đất thân thương đến nỗi ăn nhập vào nói chuyện, vào lời thơ tiếng hát, vào ca dao tục ngữ tóm lại vào đời sống cả vật chất lẫn tâm linh của con người Việt như trong câu ca dao:
Đất có bồi có lở
Người có dở có hay
Em nguyền một tấm lòng ngay
Đinh ninh một dạ đến ngày trăm năm
hoặc trong câu hò nam nữ:
Nữ:
Phận em là phận má đào,
Nên chăng trời định biết sao bây giờ,
Chẳng nên riêng chịu tiếng hư,
Hỡi người quân tử bây giờ biết tính sao?
Nam:
Đất thấp, lại trời cao.
Dù cho đến chết anh nào dám quên!
Gặp nhau đây ta hãy phỉ nguyền,
Chết đi em hóa làm nước, anh liền làm (cá) để theo em.
Trong hệ thống các bài ca dao Việt Nam, ông cha ta đã dành một số lượng lớn các bài ca dao cho hoạt động sản xuất, canh tác. Trong đó, những người nông dân không chỉ rất coi trọng hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình mà họ cũng rất có ý thức trong việc bảo ban, giúp đỡ hỗ trợ nhau trong công việc làm ăn. Trong số các bài ca dao viết về sản xuất, có bài ca dao viết về sự đồng lòng trong sản xuất cũng như niềm tin vào tương lai mùa vụ sẽ bội thu năng suất:
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
Và cày bừa hay gieo hạt, cấy lúa cũng tùy theo ruộng gò hay chân ruộng thấp:
Ra đi mẹ có dặn dò
Ruộng sâu cấy trước, ruộng gò cấy sau
Trong phong tục Việt, có tục Cúng Đất, nhằm nguyện cầu đất giúp cơ nghiệp vững chãi.
5. Các ẩn hoạ của Trái Đất
Hiện nay môi trường đang bị đe dọa trầm trọng vì tình hình thế giới phát triển càng lúc càng cao, các nhà máy, công trình, xưởng sản xuất mỗi ngày thải ra ngoài môi trường rất nhiều khí thải, chất thải nguy hại, dẫn đến môi trường bị đe dọa ô nhiễm. Môi trường toàn cầu hiện nay đầy những yếu tố, nào là hạn hán, đói kém, thiên tai, lũ lụt. Sau đây sẽ phân tích các vấn đề nghiêm trọng mà trái đất đang phải chống chọi, đối mặt.
5.1. nguồn nước đang bị khan hiếm
Hiện nay trên trái đất, diện tích nước chiếm tới khoảng 70% bề mặt, tuy nhiên chỉ có khoảng 2% là nước phù hợp cho tiêu dùng, được coi là nước tinh khiết. Nước được xem là một dạng tài nguyên được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Nhiều khu vực vẫn phụ thuộc vào lượng nước mưa, tuy nhiên nếu khí hậu biến đổi thì nhiều nơi bị nước mặn vào sâu hơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Và cũng có nơi lại lũ lụt , lũ quét làm phá hủy hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo trong khu vực. Ngoài ra, một trong những mối quan tâm lớn về y tế liên quan trực tiếp với vấn đề môi trường này là việc tiếp cận với nước sạch. Thiếu nước sạch sẽ gây ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho những cư dân sống ở khu vực đó.
5.2. nạn phá rừng
Ngày nay thiên tai lũ lụt, hạn hán ngày càng nặng nề với nguyên nhân sâu xa là do các rừng cây bị khai thác một cách vô tội vạ. Nạn phá rừng hầu như xảy ra trên toàn thế giới, các tổ chức cây xanh trên thế giới đã cảnh báo rất nhiều về việc tàn phá hệ sinh thái cây xanh sẽ ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Cuộc sống phát triển, nhu cầu tiêu thụ nhu yếu phẩm, thực phẩm tăng lên, dẫn đến con người phải phá bỏ nhiều diện tích rừng cho việc trồng trọt. Xã hội phát triển, các đô thị, thành phố lớn mọc ra khiến các cánh rừng bị thay thế bới các tòa cao ốc. Khai thác khoáng sản, dầu và các tài nguyên khác cũng dẫn đến nạn phá rừng. Với nạn phá rừng, nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Xói lở đất, biến đổi khí hậu đáng kể và trong một số trường hợp thiên tai như sạt lở đất và lũ quét có thể là do trực tiếp hoặc gián tiếp phá rừng.
5.3. biến đổi khí hậu toàn cầu
Sự tăng nhiệt độ trái đất đáng kể trong những năm vừa qua với biến đổi khí hậu trên thế giới dẫn đến thiên tai, động đất, sóng thần, lũ lụt ngày càng xuất hiện với mật độ nhiều và nặng hơn và khối lượng đất đóng băng miền bắc địa cầu cũng giảm.
5.4. quản lý chất thải nguy hại
Quản lý chất thải nguy hại liên kết chặt chẽ với phát triển dân số nhanh chóng trên toàn thế giới và tỷ lệ tiêu thụ, chất thải, và quản lý của nó đã trở thành một vấn đề lớn trên thế giới. Trong thực tế, các bãi chôn lấp, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển trên thế giới, đang gây ra ô nhiễm, tác động lên sức khỏe của con người trong khu vực.
5.5. đa dạng sinh học và sử dụng đất
Với dân số ngày càng tăng và các nhu cầu cơ bản do đó cũng ngày càng tăng, nên đa dạng sinh học đang bị đe dọa ở nhiều khu vực trên thế giới. Đất canh tác cho nông nghiệp hiện nay đang ít dần vì tăng dân số và đô thị hoá. Cũng có vùng đang thiếu nước canh tác, hoặc nước nhiễm mặn không thế canh tác.
5.6. hóa chất, chất thải độc hại và kim loại nặng
Nhiều chất thải được tạo ra bởi con người có chứa một lượng cao các hóa chất và các chất độc. Chúng có tác động xấu đến môi trường. Một số hóa chất và kim loại nặng có một hiệu ứng có thể gây tử vong trên con người cũng như đời sống động vật. Do đó, cần định mức phát thải và các quy định cần phải được thực hiện để bảo vệ hệ sinh thái cũng như sức khỏe của con người.
6. Thay lời kết
Nhiều vấn nạn môi trường trong nhiều năm sắp tới có thể kể ra: sử dụng năng lượng với phát thải; sử dụng nước và xử lý nước ô nhiễm; mất đa dạng sinh học; nước mặn; đô thị hoá lấn sâu vào đất nông nghiệp; biến đổi khí hậu; phá rừng với đất bị xói mòn; đánh cá quá mức; đô thị hoá với không khí bị ô nhiễm do lưu thông. Cái ta ăn, cái ta mặc, cái ta mua, cái ta di chuyển, cái ta sử dụng năng lượng v.v. đều tác động lên dấu chân sinh thái. Và các vấn nạn đó đều do con người. Lòng tham con người thì vô kể: tham xe, tham nhà, tham ăn, tham uống, tham dục v.v. Chẳng thế mà trong Tam Độc của giáo lí nhà Phật thường để chữ Tham đứng đầu: Tham, Sân, Si. Do đó con người phải giảm bớt lòng tham, tiêu thụ đúng mức vì phải để dành tài nguyên lại cho các thế hệ sau và sau nữa.
Thái Công Tụng