User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
thuatngu1 xe
Xe lửa nhà ga và tiếng xúp lê

Xe lửa, còn có tên là hỏa xa hay tàu hỏa. Ở VN miền Bắc, dân ta dùng chữ tàu hỏa, tàu điện gọi những xe chạy trên đường rầy (rail: đường sắt); tàu thủy, tàu ngầm chạy trên hoặc dưới nước, trên không thì là tàu bay. Trong khi đó ở miền Nam, dân ta gọi tất cả những phương tiện chuyên chở trên bộ là xe, như xe nhà, xe lô, xe đò, xe buýt (bus), xe be (pelle: xe chở cây từ rừng về các trại cưa) xe lửa, xe điện; còn những phương tiện chuyên chở dùng ở sông hồ loại lớn đều được mang tên tàu. Nhưng còn loại xe có thể di chuyển cả trên bộ lẫn trên nước có tên là “xe lội nước” mặc dầu xe không biết lội. Dùng chữ nào cũng xong, miễn hiểu thì thôi.

Trở lại loại xe chạy trên đường rầy. Rầymột từ Việt hóa thông dụng khác vì cả Anh, Pháp đều dùng chữ rail. Liên hệ trực tiếp với đường rầy có nhà ga (gare). Chữ ga đã hoàn toàn thành một chữ của tiếng Việt đã lâu lắm rồi. Nó được dùng ở mọi nơi và mọi lúc. Sân ga và con tàu là nơi mà những cuộc chia ly hay gặp gỡ thường xảy ra. Chúng liên hệ trực tiếp đến tình cảm, cuộc sống của con người nên chúng được đưa vào văn, thơ, và âm nhạc.

Cho đến 1994, theo quyển Tổng Danh Mục Nhạc VN (10), âm nhạc VN hải ngoại đã thâu băng bản nhạc Ga Chiều 6 lần trong các tapes số 73 và 102 của hãng Làng Văn, tape 46 của Thanh Lan, tape 66 Giáng Ngọc, và đĩa laser 2 Giáng Ngọc. Bản Ga Chiều Phố Nhỏ đã được thâu âm trên tape hay đĩa laser nhiều lần hơn với giọng hát của các ca sĩ Chế Linh, Giao Linh, Hoàng Liêm, Phương Mai, Tuấn Vũ (sách đã dẫn.) Nhà ga, sân ga và con tàu hay chuyến tàu thường đi chung nhau. Hai bản nhạc vừa nói, và các bản Tàu Đêm Năm Cũ, Chuyến Tàu Hoàng Hôn đều là những bản nhạc rất phổ thông. Những nhà ga và những con tàu vẫn còn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và tình cảm của dân Việt. Những nhà ga chánh và các hệ thống hỏa xa của nước nào cũng chứng kiến nhiều đổi thay tùy theo tình trạng giao thông và kinh tế.

Nhà ga chánh ở Sài gòn xưa cũng đã chứng kiến nhiều biến đổi, kể cả sự xuất hiện của một khách sạn to lớn. Do nhu cầu giao thông, và số lượng hành khách gia tăng nhà ga chánh đã được dời đến một địa điểm ở ngoại ô. Ngoài sự canh tân bình thường, còn có dự án xe lửa cao tốc (170-200 km/h) do một xí nghiệp Bỉ đầu tư, với dự định hoàn tất vào năm 2010.
 
Nhà ga chánh ở Los Angeles đã có một thời huy hoàng với cái tên Union Station. Nhưng khi các xa lộ xuất hiện rầm rộ ở vùng nam California, sự say mê chiếc xe hơi đã đưa ga nầy tụt dốc trong gần ba thập niên. Nhưng vào năm 2000, Los Angeles vừa khánh thành hệ thống xe điện đường hầm (metro). Thêm vào còn có những chuyến xe chạy đường rầy chở khách nối liền với các thành phố lân cận để giải quyết phần nào nạn kẹt xe trên các xa lộ. Nhờ đó, ga Union Station đã được tân trang thành một trong những ga có đầy đủ tiện nghi như bãi đậu xe rộng lớn, khách sạn nhiều phòng cận nhà ga, và các chuyến xe đưa đón khách giao thông thật tấp nập.

Những loại nhà ga: Đối với khách hàng hỏa xa, từ nhà ga có một nghĩa đơn giản: nơi đến và đi của họ. Nhưng đối với nhân viên làm việc cho ngành giao thông nầy, có nhiều loại ga khác nhau. “Ga tổng dinh” hay ga trung ương (gare d’arrêt général: ga chánh) là nơi mọi chuyến xe lửa tập trung đến cũng như đi. Để tránh nạn kẹt... đường rầy một số quốc gia xây nhiều ga trung ương. Thí dụ Paris, thủ đô của nước Pháp có 4 ga tổng dinh ở 4 phía của thành phố: Ga Đông, Ga Tây, Ga Nam và Ga Bắc. Lẽ dĩ nhiên đường rầy cũng được chia ra 4 hệ thống và tàu hỏa chở khách hay hàng hóa của hệ thống nào phải đi về ga trung ương của hệ thống đó.

Ngoài ra còn có ga đình lưu (gare d’escale) là ga nhỏ cho tàu dừng tạm để thay dầu, bôm mỡ; có ga sang xe (gare de transbordement) để hành khách đổi xe đi về hướng khác; có “ga chung” tức ga cho cả tàu hành khách và tàu hàng; có ga gởi và ga nhận (gare d’expédition et gare destinataire) v.v.

[(Tên những loại nhà ga là những chữ thuộc loại dịch nghĩa, trong khi những chữ gốc Pháp khác trong bài thuộc loại dịch âm.)]

Tiếng còi tàu (thủy) còn gọi là tiếng xúp lê (souffler, cái còi gọi là cái soufflet), trong lúc tiếng còi xe lửa hay tàu hỏa là tiếng xíp lê (siffler, sifflet).

Cả hai loại còi sifflet và soufflet đều dùng hơi nước để thổi còi. Ca dao:

Mười giờ tàu lại Bến Thành,
Xúp lê vội thổi bộ hành lao xao.

Theo ông Vương Hồng Sển (9) khi xưa, vào lúc 10 giờ sáng mỗi ngày, có một chuyến xe lửa từ Mỹ Tho lên đến ga chính ở gần chợ Bến Thành, tức chợ Sài gòn, và kéo còi báo xe tới.

Nhưng theo Ts. Phan Tấn Tài thì cách giải thích trên không đúng vì 2 lý do:

Thứ nhứt là theo luật về hỏa xa của Pháp, xe lửa (hay tàu hỏa) chỉ được phép dùng sifflet chớ không được dùng còi soufflet (vì gây dơ bẩn); chỉ có tàu thủy (chạy trên song, biển) mới dùng soufflet.

Thứ hai là dân miền Nam không gọi xe lửa là tàu. (dân miền Nam phân biệt rõ chữ “xe” như xe hơi, xe lửa xe điện, xe song mã v.v. là phương tiện giao thông đường bộ; và “tàu” như tàu chiến, tàu lặn, tàu bườm v.v. là phương tiện giao thông đường thủy.) Do đó tàu dùng trong câu ca dao là tàu chạy trên sông và Chợ Bến Thành lúc đó ở ven sông và có bến tàu.

Chợ Sài Gòn còn có tên là chợ Bến Thành. Theo học giả Vương Hồng Sển chợ nầy được bắt đầu xây cất năm 1912 và khánh thành năm 1914. Vì Chợ ở gần bến sông Sài Gòn và cũng gần thành Sài Gòn xưa kia, nên được gọi là Chợ Bến Thành.

Theo tài liệu của Tiến Sĩ Phan Tấn Tài thì Chợ Bến Thành hiện tại hay chợ Sài Gòn ngày nay là địa điểm thứ tư của chợ này.

Trong câu ca dao trên, chữ xúp lê liên hệ đến chợ Bến thành nào? Sau đây là một ít chi tiết thật đặc biệt do Ts. Phan Tấn Tài sưu tầm và bổ túc cho vấn đề xúp lê được sang tỏ hơn.

[(a. “Chợ Bến Thành có trên bến sông thành Phiên An (thành Gia Định), tức sông Sài Gòn, nằm giữa cột cờ Thủ Ngữ và rạch Sa Ngư (đường Kinh Lấp, boulevard Charner, đại lộ Nguyễn Huệ).

Trong những năm binh biến vì loạn Lê Văn Khôi 1832-35 chợ Bến Thành bị tàn phá rất nhiều.
 
b. Sau khi chiến thắng đại đồn Chí Hòa, người Pháp muốn dời chợ Bến Thành về nơi khác nên mướn kẻ nặc danh đốt chợ Bến Thành, và năm 1870 họ dời chợ này về địa điểm mới là hai bờ rạch Sa Ngư. Đây là địa điểm thứ hai của chợ Bến Thành. Vào thời này đã có tàu đò (nói tới chợ Bến Thành ở vị trí thứ 2 ông Lý Nhân Phan Thứ Lang viết:.... Các tay cai tổng, hương chức, điền chủ từ lục tỉnh đi ghe thuyền, tàu đò lên thành phố chơi hay mua sắm đồ đều tới khu chợ Bến Thành này...).

c. Nhưng chỉ mấy năm sau, chợ Bến Thành lại dời một lần nữa, thụt vào sau bờ kinh lấp không bao xa, đó là chợ Bến Thành cũ hay chợ Sài gòn cũ, là địa điểm thứ ba của chợ Bến Thành, chợ phải dời để lấp con rạch xây đường Kinh Lấp (đường Charner, bây giờ là đại lộ Nguyễn Huệ). Cho đến nay người Sài Gòn còn gọi địa điểm thứ 3 này là “chợ cũ”.

d. Chợ Bến Thành hay chợ Sài Gòn ngày nay là địa điểm thứ tư của chợ này (xây cất 1912-1914) và nếu năm 1972 chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không thiếu tiền, ta đã có chợ Bến Thành thứ năm theo kiến trúc của Huỳnh Kim Mãng.

Như vậy, bến tàu chợ Bến Thành chỉ hoạt động trong một thời gian “ít năm” kể từ 1870 cho tới khi lấp rạch Sa Ngư mà thôi, tức giữa 1870 và 1880.

Như đã nói, vì người Nam không gọi xe lửa là tàu và vì luật lệ Pháp không cho phép gắn soufflet trên xe lửa nên bài ca dao trên nói tới còi tàu của những năm chợ Bến Thành tồn tại ở vị trí thứ 2, quãng 40 năm trước khi có đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho (1913).”(11)]

Cũng khi xưa lúc chưa có phi cơ, cảnh chia tay của những sinh viên đi du học bên Pháp hoặc của những gia đình vì lý do gì đó phải tạm chia ly, đưa tiễn người thân về Pháp là ở bến tàu. Đây là tàu thủy đi Pháp. Ông Nguyễn Trúc Phương (5) có ghi trong chương ca dao:

Tàu xúp lê một, còn than còn thở,
Tàu xúp lê hai, than vắn thở dài,
Tàu xúp lê ba, tàu ra biển bắc
(còi tàu thứ ba là còi tàu cuối cùng báo hiệu tàu rời bến, chú thích của tôi).
Tay vịn song sắt, nước mắt nhỏ đôi giòng.
Thò tay túi áo hoàng đông,
Lấy khăn “bu sa” (mouchoir: khăn tay) anh chậm...
Cái điệu vợ chồng ngàn dặm không quên.

[(Có trang khác (5) ghi mấy câu chót như sau:

Tay vịn song sắt, chân dặm cẳng kêu trời
Đôi ta mới ngộ mà ông trời đày đi xa)]

Hoặc cùng ý về việc chia ly bên trên nhưng một ông bạn già của chúng tôi lại nhớ khác một chút, nghe thuận tai hơn:

Tàu xúp lê một, còn than còn thở,
Tàu xúp lê hai còn đợi còn chờ
Tàu xúp lê ba, tàu ra biển bắc
Tay tôi vịn song sắt chắc lưỡi kêu trời,
Ngỡi nhân vắng bóng muốn trao lời cũng khó trao.

Vài Chữ Việt Gốc Pháp Đồng Âm Khác Nghĩa

Chữ “cua”

Những học sinh, sinh viên ngày xưa thường nói là phải biết cách “nịnh đầm” khi đi cua gái (faire la cour à une fìlle: tán tỉnh một người phái nữ) thì dễ được sự chú ý của các cô hơn. Chúng ta có nhiều chữ cua khác sau đây:
 
Cua (cours): lớp học như trong chữ cúp cua (couper le cours: trốn học.)

Cua (court): còn có nghĩa là ngắn. Hớt cua là hớt tóc ngắn; hớt ma nin cua là hớt tóc ngắn kiểu Manila.

Cua (courbe) là đường cong; thí dụ đi tới ngã ba thì quẹo cua về phía phải; hoặc xe chạy lẹ quẹo cua gắt quá có thể bị lật.

Liên hệ đến âm “cua” nhưng hoàn toàn khác nghĩa chúng ta có công cua (concours) là thi tuyển; và đít cua (discours) là diễn văn. Khi xưa tôi có nghe nói đùa đại khái rằng buổi lễ không có gì quan trọng, chẳng cần “đít cua đít còng” gì cả (con cua và con còng là hai con vật có “họ hàng” và đều sống dưới nước). Đây là việc đem chuyện nọ xọ chuyện kia cho vui mà thôi.

Chữ “băng”

Băng với nhiều nghĩa khác nhau.

Băng (banque) đầu tiên là ngân hàng. Có tiền thì nên giữ ở nhà băng để kiếm chút lời (có bảo kê).

Thêm vào còn có băng (bande) là một nhóm người có cùng một khuynh hướng; chữ băng đảng thường chỉ một nhóm người làm những việc không tốt.

Sau hết chúng ta có băng (bande) chỉ miếng vải nhỏ, dài, hoặc một cuộn phim (film).
 
Cùng nghĩa với chữ băng sau cùng nầy chúng ta có băng đô (bandeau) tức miếng vải quấn trên đầu; và băng đơ rôn (banderole) chỉ tấm vải lớn, dài, có viết chữ.

Chữ băng (banc): chỉ cái ghế dài hay cái ghế ngồi trong xe, đã nói bên trên.

Chữ “ga”

Ga (gare) là trạm xe hỏa đã nói bên trên.

Chúng ta còn có chữ ga (gaz): là loại vải thưa để bọc ngoài vết thương.

Chữ thứ ba đồng âm là ga xăng (gaz): xăng đã đốt thành khí tống mạnh làm máy xe chạy. Nghĩa rộng, chữ Ga là khí (khí đốt, khí ngạt, khí thải...), từ ngữ nầy càng ngày càng thông dụng ở Việt Nam, kể từ khi người Việt dùng bếp ga.

Ga (gaz): Chữ đồng âm thứ tư = cái bàn đạp để tăng giảm tốc độ của xe hơi. Muốn xe chạy nhanh thì nhấn thêm ga. Xe chạy hết ga là chạy với tốc lực tối đa của xe đó. Nó cũng có tên là ga xăng vì nó điều khiển mức độ xăng bơm vào máy xe.

Sau hết còn có chữ ga hay hố ga (regard): chỗ nước đọng xuống trước khi chảy vào cống chánh.

Nhờ cái hố ga nầy mà rác rến, hay các vật nặng khác như đất, sỏi, đọng lại đây và được vớt đem bỏ.

Nếu không có hố ga ở mỗi miệng cống, các vật khác hơn nước có thể chui thẳng vào ống cống, và có thể làm nghẹt cống. Chữ nầy không thông dụng.

Vì sự liên tưởng xin nhắc đến một chữ gốc Pháp khác: ga lăng (galant). Ga trong ga lăng không liên hệ gì tới những từ ga bên trên. Ga lăng là một hành vi hay cử chỉ đẹp của phái nam dành cho phái nữ như nhường cho người nữ đi trước, mở cửa xe cho họ lên và đóng cửa xe lại; hoặc khi có ai mời người nữ lên diễn đàn thì một nam nhân sẽ đưa cánh tay ra cho người nữ nắm và dìu người nữ đi lên v.v. Các thanh niên mới có người yêu nên học những hành động ga lăng nầy để hy vọng giữ bồ được lâu. Còn các đấng mày râu nên tiếp tục thi hành những cử chỉ nầy nếu đã trót dại học theo lối Tây phương, và luôn thực hành từ lúc còn niên thiếu, để được tiếng khen là người biết nịnh đầm.

Sở Ba Son và Vườn Bồ Rô ở Sài Gòn

Thành phố Sài gòn có hai chữ gốc Pháp khá đặc biệt. Nhưng không ai biết chắc nguyên ngữ của chúng là gì.
 
Chữ đầu là cơ sở đóng và sửa chữa tàu tên là xưởng Ba Son. Ông Vương Hồng Sển (9) có đưa ra mấy giả thuyết về nguồn gốc của từ nầy.

Trước hết có lẽ nó là tên của một người thợ (anh Ba Son). Kế đó nó có thể bắt nguồn nơi tên “mare au poisson” (đầm hay hồ cá) mà ra vì khi xưa, có một con kinh nhỏ gần đó, có nhiều cá và người ta hay đến đó câu. Sau nầy kinh đã được lấp rồi nhưng tên Việt hóa vẫn còn tiếp tục được sử dụng.

Tiếp theo là giả thuyết nói rằng chữ ba son có nguồn từ chữ bassin (de radoub) = cái ụ tàu, vì sách xưa có ghi là người Pháp đã dùng một chi phí lớn để xây cái bassin de radoub nầy. Sau hết, cũng theo ông Sển, thì có một nhân vật khác của Nam VN giải thích rằng chữ “ba son” là do nguyên ngữ reparation (có nghĩa sửa chữa) mà ra.

Chữ đặc biệt thứ hai là từ Vườn Bồ Rô. Đây là công viên nổi tiếng của Saigon, cũng được gọi là Vườn Ông Thượng. Theo Phụng Nghi trong quyển Sài gòn Trong Mắt Tôi (7) thì công viên nầy dưới thời Pháp thuộc có tên Parc Maurice Long và dân Pháp gọi nó là Jardin De Ville hay Công viên thành phố. Dưới thời VNCH tên chánh thức của nó là Vườn Tao Đàn. Hiện nay nó là Công Viên Văn Hóa. Cũng theo Phụng Nghi ghi lại lời của ông Vương Hồng Sển thì chữ bồ rô trước có lẽ do nguyên ngữ préau mà ra, vì préau có nghĩa là sân có lợp nóc. Ông Sển cũng có ghi ra ý kiến của một người khác là chữ “bồ rô” có thể do chữ bureau mà ra vì các phu làm vườn cuối tháng phải lên văn phòng hay lên bureau để lãnh lương; hoặc giả Bureau là tên của ông xếp coi công viên nầy.

Dầu có nguồn từ nguyên ngữ nào, “Vườn Bồ Rô” vẫn đã là nơi có nhiều kỷ niệm của một số lớn dân Saigòn, và tên đó vẫn là một tên quen thuộc đối với những người lớn tuổi.

Một Nhóm Chữ Việt Gốc Pháp Khá Đặc Biệt

Nhóm chữ nầy chỉ nghe nhiều trong văn nói hơn thấy nhiều trong văn viết. Đó là nhóm chữ mêm xối xiên (même chose chien: cùng loại hay giống như con chó).

Theo Ông Vương Hồng Sển (9) chuyện truyền khẩu rằng ngày xưa có một người dốt tiếng Pháp đem một con dê mập béo làm quà Tết biếu quan Tây để đút lò đêm giao thừa. Quan hỏi: ông cho tôi con gì đó? Bị hỏi bất ngờ, ông đó không nhớ ra tên tiếng Pháp của con dê. Ông mới diễn tả bằng số từ ngữ hạn hẹp, sai văn phạm, của ông: “Lũy mêm xối xiên, dà na bắp, dà na cót” (lui même chose chien, il y a barbe, il y a corne: nó giống con chó, có râu, có sừng = con dê). Chuyện nầy thực hư ra sao không biết được.

Theo ông Lãng Nhân (2), nhóm chữ mêm xối xiên nầy chỉ món ăn độc đáo của VN là món “giả cầy” vì nó là món thịt heo nấu giống thịt cầy nó “mêm xối xiên” mà, ăn tạm khi không tìm ra thịt chó vậy. Cả hai thuyết trên về nguồn gốc của nhóm chữ nghe đều hay cả. Nhóm chữ nầy, tuy rằng bắt đầu do một người ít học dùng, sau đó lại là nhóm chữ được phổ thông một thời. Người ta dùng trong văn nói với giọng bông đùa, hơn là trong văn viết trong thập niên 1950 và 60.

Bên trên chúng ta đã kể ra về một số chữ Việt gốc Pháp thông dụng trong nhiều lãnh vực khác nhau.

Lẽ dĩ nhiên còn nhiều chữ chưa được đề cập đến vì phạm vi của một bài sưu khảo ngắn nên không thể quá dài dòng. Tuy nhiên vì số chữ nầy cũng không nhiều lắm., tôi xin liệt kê ra đây (sau phần kết) theo thứ tự a,b,c. Tôi chọn là không ghi ra đây những chữ được sử dụng trong một số ngành chuyên môn như khoa học, nghề in hay trong kỹ nghệ vì ít được người ngoài dùng và do đó ít phổ biến. Vì viết với sự hiểu biết giới hạn về Pháp ngữ, nên có thể thiếu sót rất nhiều chữ phổ thông, xin quí vị bổ túc thêm.
 
Nguyễn Hữu Phước
 
Nguồn: https://www.diendantheky.net/2014/09/nguyen-huu-phuoc-tu-viet-goc-phap_21.html