
Tranh của họa sĩ người Pháp Joseph Inguimberty về người phụ nữ Việt Nam
Trong bài II, chúng tôi đã giải trình tính tự do và độc lập của phụ nữ vùng thôn quê trong quan hệ lứa đôi về lãnh vực trao đổi tình cảm yêu đương cũng như quan hệ sinh lí. Chính tính tự do và độc lập này đã thúc đẩy họ đối kháng lại những tục lệ cổ truyền dưới ảnh hưởng của Khổng giáo1. Những tục lệ này bao gồm việc cha mẹ quyết định hay áp đặt hôn nhân cho con cái, nhất là cho con gái; việc đòi hỏi người đàn bà goá chồng phải để tang chồng 3 năm mới được tái giá; việc đòi hỏi con gái và quả phụ phải giữ trinh tiết.
Trong bài này, chúng tôi trình bày thêm những dữ liệu về ca dao, tục ngữ khẳng định thêm tính tự do và độc lập trong lãnh vực tình cảm yêu đương và đặc biệt là lãnh vực sinh lí của người đàn bà dân dã. Lãnh vực sinh lí không những chỉ chứng minh sắc thái tự do và độc lập mà còn phản ánh sự phóng túng của người phụ nữ vùng thôn quê, nếu dựa vào tiêu chuẩn thông thường của một xã hội chịu ảnh hưởng cổ truyền của Nho giáo.
Phụ nữ vùng quê không có những e thẹn, dè dặt, tránh né trong những câu chuyện phòng the như những phụ nữ khuê các. Họ mô tả hiện thực như là những sự kiện thực tế của thiên nhiên.
Có chồng: đêm có, đêm đừng,
Không chồng, em chẳng nằm dưng đêm nào.
-Mẹ ơi, con ngứa nghề thay.
-Cha tổ bố mày, mày giống tính tao.
-Mẹ ơi, con đã có thai…
-Con ơi, mẹ cũng được vài tháng nay.
-Mẹ ơi, con đẻ hôm nay…
-Con ơi, mẹ cũng đẻ ngay bây giờ!
Buồn tình nằm ngửa chinh binh,
Không ai nằm úp lên mình cho vui!
Bấy lâu phong kín, nhuỵ đào,
Bây giờ khác thể hàng rào lâu năm.
Em là con gái nạ dòng,
Cơm cha, áo mẹ, dốc lòng đi chơi.
Chơi cho sấm động mưa rơi,
Chơi cho gương vỡ làm đôi lại liền.
Chơi cho nguyệt náo, trung thiên,
Chơi cho lá rụng về đền vua Ngô.
Chơi cho nước Tấn sang Hồ,
Cho Tần sang Sở, nước Ngô sang Lào.
Chơi cho bể lọt vào ao,
Chơi cho trái núi lọt vào trôn kim.
Chơi cho bong bóng thì chìm,
Đá hoa thì nổi, gỗ lim lập lờ.
Gặp ba trò khiến hỏi ba trò,
-Đường lên trên bụng có đò hay không?
-Cao sơn lưỡng nhủ ở trên,
Tiểu khê ở dưới, muốn lên phải có sào.
Dang tay mở khoá động đào,
Nhất can, trực nhật đến ao phụng hoàng.
Đường lên trên bụng muốn sang,
Cần chi đò dọc, đò ngang tốn tiền.
-Lỗ vàng, lỗ bạc, lỗ em,
Hỏi anh ba lỗ, anh thèm lỗ mô.
-Anh xem vô ba lỗ cũng vững vàng,
Hai lỗ làm giàu làm có, một lỗ để nối đàng tử tôn.
Khả năng của người đàn bà dân dã mô tả thực tại thiên nhiên dĩ nhiên không phải là do họ theo trường phái văn chương hiện thực mà vì họ là những người thôn quê chất phát sống với thiên nhiên hằng ngày, nên thấy gì thì họ nói ra như vậy. Trong giới trí thức Nho học, hoạ chăng chỉ có nữ sĩ cách mạng Hồ Xuân Hương mới dám mô tả hiện thực sinh lí tương tự như thế nhưng vẫn không thể che đậy được phong cách thanh nhã của con người trí thức có văn hoá khác biệt với người thôn quê bằng cách sử dụng phép ẩn dụ khi mô tả sự kiện để che dấu sự sống sượng của ngôn ngữ bình dân, như trong bài “Dệt Vải”:
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Rộng, hẹp, nhỏ, to, vừa vặn cả.
Ngắn, dài, khuôn khổ cũng như nhau.
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ,
Chờ đến ba thu mới giải mầu.
Và chính sự phóng túng này của người đàn bà dân dã đã đương nhiên dẫn đưa đến những chống đối khác như luật lệ, việc con gái phải trinh tiết, quả phụ cũng như những người đàn bà đã có chồng phải chính chuyên.
Những quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo chọn lựa lễ trị hay nhân trị thay vì pháp trị nên có sự trùng hợp giữa lễ giáo và luật lệ. Nếu lễ giáo có những điều cấm kị trong quan hệ sinh lí thì luật pháp cũng có những điều khoản tương tự trong xã hội truyền thống xưa. Cho nên người đàn bà dân dã chống đối lễ giáo thì đồng thời cũng chống đối lại luật pháp:
Đánh tôi thì tôi xin thưa,
Tính tôi hoa nguyệt, chẳng chừa được đâu.
Tính quen chừa chẳng được đâu,
Lệ làng, làng bắt mấy trâu mặc làng.
Dầu mà nọc sắt roi song,
Đem lên tận phủ, vẫn một lòng thương anh.
Anh về cho em về theo,
Tiền cưới mặc họ, tiền cheo mặc làng.
Anh về cho em về theo,
Thầy mẹ có hỏi, nói cheo nộp rồi.
Em là con gái Phủ Từ,
Lộn chồng, trả của, theo sư chùa Viềng.
Đói ăn thịt chó nấu riềng,
Bán rau mảnh bát lấy tiền nộp cheo.
Dù còn thiếu thốn bao nhiêu,
Xin làng đừng có cắm nêu ruộng chùa.
Về phương diện chống đối lễ giáo áp đặt thì lí luận của người đàn bà dân dã, dựa trên thực tế, là người con gái không có lí do gì để giữ gìn trinh tiết. Theo ý kiến của họ thì việc đòi hỏi con gái giữ gìn trinh tiết chỉ có mục đích bảo toàn danh dự cho cha mẹ mà thôi. Thực tế thì con gái lớn lên tự nhiên có tình cảm yêu đương và quan hệ sinh lí. Do đó
Lố lăng cũng chẳng hao mòn,
Tiết trinh cũng chẳng sơn son thếp vàng.
Hoa thơm bán một đồng mười,
Hoa tàn, nhị rữa bán đôi lạng vàng.
Má khoe con má chính chuyên,
Chính chuyên với má, nó liền với trai.
Má ơi! Con má hư rồi,
Má đừng trang điểm, phấn giồi, uổng công.
Một lãnh vực trinh tiết khác, mà người ta hay dùng từ “chính chuyên”, là những người đàn bà goá chồng, theo lễ giáo truyền thống, bị đòi hỏi là phải để tang chồng 3 năm trước khi được quyền tái giá. Nếu người đàn bà, trong gia đình danh giá quan lại Nho học, chịu ở goá suốt đời nuôi con thành tài thì thường được vua ban khen là “Tiết hạnh khả phong” [phẩm hạnh đáng khen]. Người đàn bà dân dã kịch liệt phản đối lễ giáo này.
Không những người đàn bà thôn quê khẳng quyết quyền quyết định tiếp tục tái giá của những quả phụ - bất kì lúc nào, ngay cả chỉ 3 ngày sau khi chồng mất, đừng nói chi là 3 năm – mà còn khẳng định quyền tự do quan hệ sinh lý.
Ai ơi! Đợi mấy tôi cùng,
Tôi còn đốt mã cho chồng tôi đây.
Chồng tôi mới được ba ngày,
Ai ơi! Có đợi tôi rày hay không?
Vai mang bức tượng thờ chồng,
Thấy trai nhan sắc, nước mắt hồng tuôn rơi.
_Anh thấy em, anh cũng muốn chào,
Sợ anh chồng cũ, hắn đứng bờ rào, hắn trông.
_Hắn trông thì mặc hắn trông,
Đã quyết một lòng, ta quyết lấy nhau.
Nói ra, sợ chị em cười,
Thân tôi ở goá đã mười mặt con.
Chữ “trinh” đáng giá nghìn vàng,
Từ anh chồng cũ đến chàng là năm.
Còn như yêu vụng, dấu thầm,
Họp chợ trên bụng đến trăm con người.
Hỡi thằng cu bé! Hỡi thằng cu lớn!
Cu Tí, Cu tị, cu Tì ơi!
Con dậy, con ăn, con ở với ông
Để mẹ đi lấy chồng, kiếm lấy em con.
Hỡi thằng cu lớn! Hỡi thằng cu bé!
Cu Tí, Cu Tị, Cu Tỉ, Cu Tì ơi!
Con dậy, con ăn, con ở với bà,
Để mẹ đi kiếm một và con thêm.
Bố con chết đi, trong bụng mẹ đây, nó vẫn còn thèm,
Mẹ xem quẻ bói, vẫn còn đàn em trong bụng này.
Con ra gọi chú vào đây,
Để mẹ giao cái cơ nghiệp này, mẹ bước đi.
Con ơi ở lại với bà,
Mẹ đi chịu đực, tháng ba mẹ về.
Mẹ về, mẹ chẳng về không,
Mẹ mang một ruột thằng hong [?] mẹ về.
Con ơi ở lại với bà,
Má đi làm mắm tháng ba má về.
Má về có mắm con ăn,
Có khô con nướng, có em con bồng.
Hình như cảm thấy sự khẳng quyết này còn chưa đủ, người đàn bà ở vùng thôn quê còn muốn “dằn mặt” giới đàn ông - thường được ưu đãi bởi lễ giáo cổ truyền - bằng cách xác định là không những mình có quyền tái giá mà còn có thể lấy bao nhiêu chồng cũng được.
Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng,
Mà duyên chưa lợt, má hồng chưa phai.
Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng,
Yêu ai thì bế, thì bồng trên tay.
Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng,
Yêu ai là bế là bồng trên tay.
Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng,
Lấy ai thì lấy, tơ hồng nào xe.
Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng,
Đẹp duyên thì lấy, tơ hồng nào xe.
Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng,
Hễ ai có bạc thì bồng lên trên.
Lúc khó thì chẳng ai màng,
Lúc lên quan cả chán vàn người yêu.
Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng,
Hễ ai có bạc thì bồng trên tay.
Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng,
Đẹp duyên thì lấy, chẳng ông tơ hồng nào xe.
Chơi cho thủng trống, long bồng,
Rồi ra ta sẽ lấy chồng lập nghiêm.
Chơi cho thủng trống long chiêng,
Rồi ra ta sẽ lập nghiêm lấy chồng.
Ba chồng ở ngọn sông Thao,
Ba chồng ở thành Lạng,
Về Hà Nội đóng cửa làm cao chưa chồng.
Chơi cho thủng trống, long bồng,
Rồi sau ta sẽ lấy chồng lập nghiêm.
Chơi cho thủng trống, long chiêng,
Rồi ra ta sẽ lập nghiêm, lấy chồng.
Chơi cho thủng trống, long bồng,
Rồi ra ta sẽ lấy chồng lập nghiêm.
Em tuy là gái năm con,
Chồng em rộng lượng, em còn chơi xuân.
Dĩ nhiên là trong thực tế, không thấy có hiện tượng này xảy ra. Mặc dầu vậy, lí luận của người đàn bà dân dã bênh vực lập trường tự do tái giá bất kì lúc nào và tự do lấy bao nhiêu chồng tuỳ tiện là:
Lẳng lơ cũng chẳng có mòn,
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để đời.
Lẳng lơ cũng chẳng có mòn,
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để dành.
Lẳng lơ cũng chẳng hao mòn,
Chính chuyên cũng chẳng sơn son thếp vàng.
Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn,
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.
Lẳng lơ, chết cũng ra ma,
Chính chuyên, chết cũng khiêng ra ngoài đồng.
Lẳng lơ, chết cũng ra ma.
Lẳng lơ đi võng đòn cong,
Chính chuyên đứng ở đường dòng mà coi.
Lẳng lơ mới có con bồng,
Chính chuyên như chị, nằm không cả đời.
Lẳng lơ, con bế con bồng,
Chính chuyên, ai dễ cõng chồng đến cho.
Chính chuyên, chết cũng ra ma,
Lẳng lơ, chết cũng đem ra ngoài đồng.
Chính chuyên, chết phải đi không,
Lẳng lơ chết có tiếng cồng, tiếng chiêng.
Lẳng lơ, chết có bánh giầy,
Chính chuyên, chết chả được đầy mâm xôi.
Lạy Trời, lạy Phật, lạy vua,
Cho tôi sức khoẻ tôi xua con ruồi.
Lẳng lơ, con bế, con bồng,
Chính chuyên, ai dễ cõng chồng đến cho.
Chính chuyên cũng một anh chồng,
Lẳng lơ cũng chẳng nằm không đêm nào.
Một đêm tám chín trai vào,
Tôi chẳng phải để anh nào ra không.
Lí luận có lúc còn chêm thêm chút hài hước, châm biếm:
Thối tai, hôi nách rình rình,
Chẳng ai hỏi đến, cậy mình chính chuyên.
Chồng em như thể cóc già,
Vợ anh ở nhà như thể con trai.
Làm tờ đánh đổi, anh ơi.
Một lãnh vực cấm kị khác của lễ giáo Nho giáo là người đàn bà đã có chồng mà vẫn có quan hệ sinh lí với chồng người khác. Lễ giáo Nho giáo áp đặt những phạm trù luân lí về quan hệ sinh lí vi phạm bản tính tự do và độc lập của người đàn bà dân dã cũng như hỗ trợ một cách bất công sự áp chế của giới đàn ông, đã thúc đẩy họ vượt lằn mức luân lí, đạo đức có thể chấp nhận được không những chỉ bởi xã hội Việt Nam mà, theo nhận xét phần nào chủ quan của tác giả, còn bởi đại đa số các quốc gia khác trên thế giới.
Sáng ngày ra đứng cửa đông,
Xem một quẻ bói lộn chồng được chăng.
Ông thầy gieo quẻ nói rằng:
“Lộn thì lộn được nhưng năng phải đòn.”
-Mồ cha đứa có sợ đòn,
Miễn rằng lấy được chồng giòn thì thôi.
-Của chua ai thấy chả thèm,
Em cho chị mượn chồng em vài ngày.
-Chồng em đâu phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm.
Măng non nấu với gà đồng,
Chơi nhau một trận xem chồng về ai.
Chồng về chị cả hay chị hai,
Chơi cho trận nữa, về ai thì về.
Măng non nấu với gà đồng,
Chơi nhau một trận, xem chồng về ai!
Già gan, cướp được chồng người,
Non gan, hết vía, rụng rời tay chân.
Nói ra té lẽ anh bày,
Em thương chồng hai mươi chín bữa, để một ngày thương anh.
Hai ta ăn một quả hồng,
Giấu cha, giấu mẹ, giấu chồng mà ăn.
Hai tay cầm hai quả hồng,
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần giai.
Nằm bên, vuốt bụng thở dài,
Thương chồng thì ít, nhớ giai thì nhiều.
Vắng Hôm thì đã có Mai,
Chồng thì đi vắng, đãi ai ở nhà.
Có chồng thời mặc có chồng,
Ở đây vắng vẻ, tơ hồng cứ xe.
Vắng sao Hôm, có sao Mai,
Vắng chàng, thiếp đã có trai ở nhà.
Chồng đi thì có chồng nhà,
Hơi đâu mà đợi chồng xa trở về.
Có chồng càng dễ chơi ngang,
Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai.
_Hỡi cô mặc yếm quá tầm,
Chồng cô đi lính, cô nằm với ai?
Cô nằm, cô đẻ thằng bé con trai,
Chồng về, chồng hỏi: con ai thế này?
-Con tôi đi kiếm về đây,
Có cho nó gọi bằng thầy thì cho.
_Ớ cô đội nón ba tầm,
Chồng cô đi lính, cô nằm với ai.
Chín tháng cô đẻ con trai,
Chồng về chồng hỏi: Con ai thế này?
_Con tôi đi kiếm về đây,
Có cho nó gọi bằng thầy thì cho.
Không cho tôi mang xuống đò,
Ai xin thằng bé, tôi cho đây này.
Có mẹ mà chẳng có thầy,
Lấy ai may áo cho mày, cu ơi!
Nếu có bị thách thức về thái độ muốn nhanh chóng tái lập yêu đương, thì người đàn bà dân dã đã có sẵn câu trả lời đáp ứng đúng theo tâm lí háo sắc của giới đàn ông.
Chồng chết chưa kịp làm tuần,
Mở rương lấy lụa may quần cho trai.
-Ba mươi bốn độ chôn chồng,
Còn toan trang điểm má hồng, chôn ai?
-Chôn ai, đây chẳng nề hà,
Có muốn tí tửng, thử và ba keo!
Hơn nữa người đàn bà dân dã còn đánh vào điểm yếu của những người đàn ông, thường là các tử sĩ Nho học hay phê bình tiết hạnh của người đàn bà. Điểm yếu đó là khả năng cung cấp tài chánh cho người vợ:
Tội gì mà chính với chuyên,
Một đêm là chín quan tiền, ai cho.
Có chồng thì mặc có chồng,
Còn đi chơi trộm, kiếm đồng mua rau.
Có chồng thì mặc có chồng,
Phải đi chơi trộm, kiếm đồng mua rau.
Căm căm cụi cụi cho hư,
Cả năm đến cuối tháng chẳng dư đồng nào.
Sao bằng tuồng đĩ chúng tao,
Có yếm thêu đào, có váy lĩnh thâm.
Chính chuyên, lấy chồng thợ giác,
Đĩ rạc lấy chồng quận công.
Nói như thế chỉ để cho “hả giận” vì người đàn bà đã bị áp chế quá nhiều và quá lâu, nhưng họ cũng ý thức rất rõ ràng là:
Con sâu bỏ rầu nồi canh,
Một người làm đĩ, xấu danh đàn bà.
Và nếu thực sự người đàn bà có hành vi sinh lý với người khác như một ngành nghề thì họ biết rằng:
Lúc đêm sương, sương lạnh trăng mờ,
Canh tàn, rượu tỉnh, lúc bấy giờ em nghĩ thương thân,
Em tiếc thay trong giá, trắng ngần,
Nỡ gieo mình vào đám phong trần mà chơi.
Chốn hang sâu, lẫn quất hương trời,
Non xanh nước biếc dễ ai người biết cho.
Con chim khôn đã mắc phải đò,
Vui gì cái kiếp giang hồ, hỡi chị em ơi!
Tính đốt tay đã quá xuân rồi,
Đầu xanh mấy nỗi da mồi, tóc sương.
Kiếp hồng nhan, nghĩ đến mà thương,
Tài tình chi lắm để mang nợ đời,
Trông non sông mà thẹn với Trời.
Khi vui, em vui gượng; khi cười, em cười suông.
Ruột con tằm trăm mối tơ vương.
Không những ý thức được là hành nghề gái giang hồ không đem lại cho họ một tương lai xán lạn mà người đàn bà dân dã còn biết rõ những câu thúc khắc nghiệt của việc dan díu với chồng người khác:
Áo người mặc đoạn cởi ra,
Chồng người ấp mượn, canh ba lại hoàn.
Chồng người mượn chẳng được đâu,
Mượn tối hôm trước, hôm sau người đòi.
Người đòi, người chả đòi không,
Chém cha con đĩ cướp chồng trả tao.
Thay quần đổi áo thì xinh,
Thay chồng đổi vợ, kẻ khinh người cười.
Chồng chung vợ chạ.
Chồng đôi, vợ ba.
Hễ chung thì chạ.
Chưa chồng đi dọc, đi ngang,
Có chồng rồi, cứ thẳng đàng mà đi.
Gái khôn tránh khỏi đò đưa,
Trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta.
Hồ Xuân Hương cũng không thích thú gì chuyện chung chồng với người khác:
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
Năm thì mười hoạ hay chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không.
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.
Thực ra, như đã được chứng minh trong những bài “Chung thuỷ, Một Đặc tính về Tình Yêu của Người Đàn bà Việt Nam”2, “Tính Chuyên nhất trong Tình yêu của Người Đàn bà Dân dã Việt Nam”3, “Xả Thân là Bản tính Chính yếu của người Đàn bà Việt Nam”4, người phụ nữ thôn quê rất chuyên nhất trong vấn đề chung thuỷ với chồng và sẵn sàng gánh chịu nhiều hi sinh bản thân để lo cho chồng. Họ chỉ mong muốn có được một người chồng duy nhất và ước mong là người chồng cũng thương yêu và chung thuỷ với họ.
Người ta thích lấy nhiều chồng,
Tôi đây chỉ thích một ông thật bền.
Thật bền như tượng đồng đen,
Trăm năm quyết với cùng em một lòng.
Vậy tại sao lại có hiện tượng người đàn bà vùng thôn quê phát ngôn qua rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói lên sự phóng túng trong quan hệ sinh lí không những chỉ với người yêu mà cả với bất cứ người nào và với rất nhiều người, ngay cả với chồng của người khác.
Như đã được trình bày trong bài II là hiện tượng này chỉ có thể cắt nghĩa theo hai chiều hướng: Vì (1) có một số người đàn bà ở vùng thôn quê có đòi hỏi sinh lí mạnh khác những người bình thường, hoặc vì (2) sự bất mãn về sự áp đặt những phạm trù luân lí - có khả năng huỷ diệt bản chất tự do và độc lập của người đàn bà dân dã trong quan hệ yêu đương và sinh lí trong lúc người đàn ông thì hoàn toàn tự do “gái gú” - đã dẫn đưa đến cơn sóng thần đối kháng lại những độc đoán của giới đàn ông qua hằng trăm câu ca dao và tục ngữ.
Lối giải thích (1) không có cơ sở vững vàng vì quan sát thực tế hiện trường thôn quê trước 19755 không cho phép ta đưa ra kết luận là phụ nữ thôn quê lăng loàn hoặc lấy nhiều chồng hay lấy chồng người khác.
Để bênh vực cho lối giải thích (2), bài “Văn chương Bình dân như là Văn hoá Đối kháng, III”6 đã trình bày chi tiết những thói hư tật xấu của người đàn ông như rượu chè, gái, cờ bạc, nha phiến, những tật xấu mà người đàn bà nài nỉ, van lơn chồng từ bỏ, và ngay cả chống đối quyết liệt. Nhưng tất cả những nỗ lực của người đàn bà đều vô hiệu lực.
Đặc trưng cho những nài nỉ, van lơn, và chống đối này, đã có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ từng được minh hoạ trong bài “Văn chương Bình dân như là Văn hoá Đối kháng, III”6. Tiếp theo sau đây là một số ít trích dẫn liên hệ khác:
Anh ơi! Anh ở lại nhà,
Thôi đừng vui thú nguyệt hoa chơi bời.
Còn tiền kẻ rước, người mời,
Hết tiền, chẳng thấy một người nào ưa.
Nghĩa nhân mỏng dánh như cánh chuồn chuồn:
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.
Chàng ràng chi lắm bướm ơi!
Đậu đâu bướm đậu một nơi cho rồi.
Nhộn nhàng chi lắm bướm ơi!
Bướm đậu đâu, bướm đậu một nơi cho rồi.
Ăn sao cho được mà mời,
Thương sao cho được vợ người mà thương.
Hay chi chọc gái có chồng,
Cơm chan nước lạnh, mặn nồng vào đâu!
Đã thành gia thất thì thôi,
Đèo bòng chi lắm, tội trời ai mang.
Xưa nay thế thái nhân tình,
Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.
Mất trâu thì lại tậu trâu,
Những quân cướp vợ có giàu hơn ai.
Sông dài thì lắm đò ngang,
Anh nhiều nhân ngãi thì mang oán thù.
Chim nhàn bắt cá lòng khơi,
Thấy anh chàng chấu nhiều nơi, em buồn.
Nhưng quá chán ngán vì thái độ không nhân nhượng, ngoan cố của người đàn ông, người phụ nữ dân dã đành xác nhận một thực tế đắng cay.
Cá rô, canh cải, nấu gừng,
Không ăn thì chớ, xin đừng mỉa mai.
Khuyên chàng đừng ở đơn sai,
Vắng mặt chàng sẽ yêu ai mặc lòng.
Đàn ông năm bảy lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.
Đàn ông một trăm lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.
Nước nóng đổ lọ bình vôi,
Tôi ngồi tôi nghĩ bố tôi tôi buồn.
Bố tôi dở dại, dở khôn,
Say mê cái l… bỏ mẹ con tôi.
Bầm về bầm gọi: con ơi!
Ra đây bầm bế đến chơi ngoài bà.
Bố con đi nguyệt về hoa,
Quên cửa quên nhà, chẳng nhớ đến con.
Tuy nhiên, cũng có người, như thiếu phụ đất sông Hương, núi Ngự, đã chọn lập trường kiên trì thủ tiết và đợi chờ.
Phụ hề sanh, mẫu hề dưỡng,
Đạo mạc trọng ư cương thường.
Thấy anh chàng ràng đôi ngã ba phương,
Em đây cứ ôm duyên thủ tiết giữa chốn sông Hương đợi chờ.
Nhưng một số lớn phụ nữ dân dã đã đối kháng mãnh liệt như đã được minh hoạ qua những dòng ca dao trích dẫn ở phần trên. Mặc dù vậy, thái độ của người đàn ông là vẫn ương ngạnh:
Cô kia khăn trắng tang ai?
Nhất tang cha mẹ, thứ hai tang chồng.
Tang chồng thì vất tang đi,
Tang cha, tang mẹ, ta thì tang chung.
Mang bầu tới quán rượu dâu,
Say hoa đắm nguyệt quên câu ân tình.
Đố ai nằm võng không đưa,
Ru con không hát, anh chừa nguyệt hoa.
Nói tóm lại, người đàn bà Việt Nam nói chung, dù thuộc gia đình trí thức Nho giáo hay thuộc vùng thôn quê, đều chống đối sự bạc bẽo trong tình yêu của người đàn ông. Con gái khuê các không có can đảm phát biểu quan điểm này, nhưng may mắn là có nữ sĩ cách mạng Hồ Xuân Hương có thể được xem như là đại diện cho nữ giới:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.
Hồ Xuân Hương còn rất khinh miệt hành vi của bọn đàn ông chỉ biết chăm chú đến thú tính của mình mà không quan tâm đến những mệt nhọc, vất vả của đàn bà. Nàng đã oán trách thân phận nghiệt ngã của đàn bà:
Hỡi chị em ơi có biết không?
Một bên con khóc một bên chồng.
Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.
Tất cả những là thu với vén,
Vội vàng nào những bống cùng bông.
Một bên con khóc một bên chồng.
Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng,
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.
Tất cả những là thu với vén,
Vội vàng nào những bống cùng bông.
Chồng con cái nợ là như thế,
Hỡi chị em ơi có biết không?
Hỡi chị em ơi có biết không?
Với tâm lí khinh miệt đàn ông, Hồ Xuân Hương còn chế giễu bọn sĩ tử Nho học là ngu dốt văn chương, cũng không khác gì những đứa trẻ dậy thì không biết đâu là hướng đi của tình ái.
Khéo léo đi đâu lũ ngẩn ngơ?
Lại đây cho chị dạy làm thơ.
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.
Cũng cùng một tâm trạng nhưng còn thêm tâm lí “trả thù”, ngoài những đối kháng áp bức bằng cách phát biểu, trong nhiều trường hợp, một cách quá trớn về tự do yêu đương và về quan hệ sinh lí mà trên thực tế không hề xảy ra; người đàn bà dân dã Việt Nam, có lẽ cũng vì quá ẩn ức và bất mãn, đã tỏ ra khinh miệt giới “tu mi nam tử” như:
Làm trai rửa bát, quét nhà,
Vợ gọi thì dạ, bẩm bà tôi đây.
Ba đồng một chục đàn ông,
Ta bỏ vào lồng, ta xách ta chơi.
Cuốc kêu khắc khoải mùa hè,
Làm thân con gái phải nghe lời chồng.
Chồng mâm, chồng bát, chồng đĩa, chồng sành,
Chồng ở chẳng lành, chồng ra bờ tre.
Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt,
Chín đụn, mười con cũng lìa.
Gái chính chuyên lấy được chín chồng,
Vê viên bỏ lọ, gánh gồng đi chơi.
Không may, quang đứt, lọ rơi,
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.
Chính chuyên lấy được chín chồng,
Ba chồng thành lạng, ba chồng thành cao.
Ba chồng để ngọn sông Đào,
Trở về đóng cửa làm cao chưa chồng.
Không lấy cũng khuấy cho hôi,
Làm cho bể trách, bể nồi mà chơi.
Trở lại chủ đề tự do và độc lập trong lãnh vực tình yêu, hôn nhân, và quan hệ sinh lí, chúng ta thấy người đàn bà dân dã có lập trường là họ có toàn quyền quyết định trong những lãnh vực này. Điều này có nghĩa là con gái lớn lên được quyền tự quyết định yêu ai và khi đã yêu thì quan hệ sinh lí với người yêu là bình thường. Đi đến hôn nhân hay không cũng phải do những đối tượng liên hệ yêu nhau quyết định, chứ không tuỳ thuộc vào ông mai, bà mai và sự quyết định của cha mẹ. Sinh lí, trong quan điểm của người đàn bà dân dã, là một sinh hoạt tự nhiên và bình thường như bất cứ sinh hoạt thể chất nào khác như ăn uống, bài tiết, v.v…Sinh lí đối với người bình dân không hàm chứa những kiêng kị, ý nghĩa phản đạo đức, lễ giáo như đối với những người con gái khuê các.
Khi trình bày lập trường của phụ nữ dân dã về tự do quan hệ sinh lí giữa trai gái chưa lập gia đình, tác giả không có ý cổ vũ hay bài bác lập trường này mà chỉ đề nghị là nên có sự thảo luận giữa những nhà giáo dục, phụ huynh, và đại diện học sinh và sinh viên ngõ hầu đưa ra những đề cương thoả đáng cho một hệ thống giá trị Việt Nam ưu việt. Tác giả tán đồng việc hôn nhân phải do các đối tượng liên hệ quyết định và giáo dục sinh lí cần được đem vào chương trình giáo khoa học đường.
Những vấn đề như yêu đương và quan hệ sinh lí ngoài hôn nhân, việc lấy cả “trăm” chồng, và trác táng, như được phản ánh qua rất nhiều câu ca dao do phụ nữ thôn quê phát biểu, theo ý kiến của tác giả, không phải là lập trường của những phụ nữ này, vì (1) những hành vi mô tả tuy được nói lên, nhưng trong thực tế, không hề được thực hiện, và vì (2) sự phẫn uất được tạo ra do sự đàn áp của giới “mày râu” cho nên, nếu ẩn ức tâm lí không thể được giải toả bằng hành động, thì ít nhất cũng phải được nói ra, và nói quá sự thật, để phẫn uất phần nào được nguôi ngoai. Nói cách khác, Nho giáo đã quá ưu đãi nam giới và bạc đãi nữ giới, gây nên bất công xã hội. Tất cả những câu ca dao, tục ngữ phản ánh phụ nữ vùng quê đối kháng sự áp bức của nam giới chẳng qua chỉ là những tiếng gào thét đả phá bất công và đòi hỏi công bằng, niềm tin sắt đá của người Việt mà họ gọi là “đạo” của con người.
Công bằng là đạo người ta ở đời.
Thật là ý nghĩa, công bằng lại là nền tảng, là cơ sở phát sinh của tất cả những hệ thống pháp lí nhân bản trên toàn cầu.
Nguyễn Văn Thái
Ngày 25 Tháng 01 Năm 2023
North Wales, PA 19454
Chú thích
1 Những học giả như Kim Định, Nguyễn Đăng Thục cho là người ta thường không hiểu Nho giáo chính thống [Tiên Tần] mà chỉ phê bình Nho giáo dựa trên sự hiểu biết của Tống nho. Đặc biệt là khi người ta đề cập đến câu: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu.” [Vua bảo bề tôi chết mà bề tôi không chết là bất trung; cha bảo con chết mà con không chết là bất hiếu]. LM Kim Định cho là câu nói này là do Tào Phi, con trưởng của Tào Tháo, nói. GS. Nguyễn Đăng Thục thì cho là câu nói này thuộc thời đại Tống nho.
Nhưng chắc chắn câu đó không phải của Nho giáo Tiên Tần (trước năm 206 trước Tây lịch). Trong sách Luận ngữ của Khổng Tử (551-479) có câu: “Vua phải ra vua, tôi phải ra tôi, cha phải ra cha, con phải ra con” (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử). Mạnh Tử (371-289) nói rõ hơn: “Vua coi bề tôi như chân tay, bề tôi sẽ coi vua như tâm phúc; vua coi bề tôi như chó ngựa, bề tôi sẽ coi vua như người đi đường; vua coi bề tôi như đất cỏ, bề tôi sẽ coi vua như giặc thù”. Và ông nói tiếp: “Chỉ nghe giết một người tên Trụ (tức Trụ Vương), có nghe nói giết vua bao giờ đâu”. Tuân Tử (298-238) tuyên bố: “Giết một tên vua tàn bạo có khác gì giết một tên phu xe độc ác”.
Phạm Ngọc Liên: https://www.sggp.org.vn/cau-quan-su-than-tu-than-bat-tu-bat-trung-phu-su-tu-vong-tu-bat-vong-bat-hieu-la-cua-ai-post129853.html
Nguyễn Văn Nghệ còn đưa ra giai thoại đối đáp giữa Đinh Nhật Thận và vua Tự Đức: https://nghiencuulichsu.com/2016/11/21/15525/ để chứng minh là vua Tự Đức đã khôi hài hoá câu nói trên bằng cách bảo Đinh Nhật Thận nhảy xuống sông Hương mà chết.
Vấn đề ở đây không phải là đối chiếu cái sai, cái đúng giữa Nho giáo Tiên Tần với Tống nho, mà là ảnh hưởng thực tế đã trở thành niềm tin và tập quán của đại đa số quần chúng Việt Nam.
2 Nguyễn văn Thái. “Chung thuỷ, Một Đặc tính về Tình Yêu của Người Đàn bà Việt Nam”, ngày 9 tháng 9 năm 2019. https://tiengnuisong.blogspot.com/
3_______________. “Tính Chuyên nhất trong Tình yêu của Người Đàn bà Dân dã Việt Nam”, ngày 10 tháng 9 năm 2019. https://tiengnuisong.blogspot.com/
4________________. “Xả Thân là Bản tính Chính yếu của người Đàn bà Việt Nam”, ngày 15 tháng 3 năm 2020. https://tiengnuisong.blogspot.com/
5 Tác giả không có cơ hội quan sát thực tế hiện trường nông thôn Việt Nam sau năm 1975 nên không thể phát biểu ý kiến.
6 _________________. “Văn chương Bình dân như là Văn hoá Đối kháng, III”, ngày 5 tháng 7 năm 2020. https://tiengnuisong.blogspot.com/
Nguồn: https://langhue.org/index.php/van-hoc/but-ky,-but-luan,-dich-thuat/22125-tieu-luan-ban-chat-nguoi-dan-ba-dan-da-qua-quan-niem-lua-doi-bai-3-nguyen-van-thai.html