Cách nay gần 15 năm, như là từ những năm đầu của thiên-niên-kỷ 2000, có một hiện tượng làm người Việt ở hải ngoại lưu ý: hiện tượng DVD với giá rất rẻ, chỉ hai đô-la mỗi cái mà thôi. Ban đầu ta hời hợt, nghĩ rằng đó chỉ là các phim ảnh sao chép lại, nhòe nhoẹt, nên mới có giá rẻ như vậy. Nhưng rồi ta thử coi vài DVD, thấy rằng chất lượng rất tốt, hình ảnh và âm thanh rõ ràng, đáng được cất giữ.
Suy ra đó là do cạnh tranh với các DVD từ trong nước đưa vào, sản xuất với giá thành rẻ thì bán ra cũng rẻ. Rẻ do giá thành, đó là sự thực đối với các nhà sản xuất tư nhân ở trong nước đưa vào thị trường người Việt hải ngoại. Nhưng có trường hợp, sản phẩm được đưa vào với giá rẻ như vậy là do mục đích tuyên truyền của chính quyền Việt Nam muốn tác động vào người hải ngoại với các hình ảnh mở mang thịnh vượng ở trong nước. Mục đích thứ hai chắc cũng của chính quyền Việt Nam là quảng cáo cho du lịch về thăm lại quê hương, để nguồn ngoại tệ đưa vào nước dồi dào. Còn các tư nhân quay phim ảnh có tính cách cá nhân, có thể họ muốn làm thương mại với công việc khá dễ dàng: tự mình quay phim, làm thành các DVD giá trị với các hình ảnh quê hương đa dạng (giàu đẹp hay nghèo buồn) và con người sống động (cuộc sống muôn màu) ở Việt Nam, đem bán ra hải ngoại với lợi nhuận thu hoạch chắc chắn là phải có, dù với giá bán chỉ hai đô-la.
Cũng có thể là sản phẩm phim ảnh do tư nhân nữa, đó là quảng cáo (nếu dùng từ ngữ thường nghe bây giờ là tiếp thị) cho các nhà hàng ăn uống tại các thành phố ở Việt Nam: giới thiệu đến Việt kiều các món ăn đặc sắc, có khi thật lạ với các món thú rừng và đồng quê; với khung cảnh nhà hàng bên bờ sông quê hương hay tại các thành phố thơ mộng trong các bài hát trước 1975; với văn nghệ dân tộc hay kích động không thua gì ở hải ngoại; với chủ nhân nhà hàng chính là các ca sĩ một thời danh tiếng. Nhà hàng của các ca sĩ Giao Linh, Lam Trường, Bảo Quốc, của người chị gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (nơi đã được Tổng Thống Bush đến ăn trưa khi ông đến Sài Gòn năm 2006), phải chăng đã được tiếp thị bằng phim ảnh DVD, hay do tình cờ người quay phim đưa cơ sở họ vào sản phẩm quay phong cảnh của mình để đem bán ở thị trường hải ngoại, không quảng cáo cho ai.
Và có khi ngoài mục đích tiếp thị cho nhà hàng, ngoài mục đích tuyên truyền chính trị do nhà nước, còn có những DVD giá trị do công trình học thuật muốn quay những sản phẩm phim ảnh về quang cảnh địa lý đất nước, về di tích lịch sử, về khảo cổ, về nhân văn, về khoa học địa chất (như Thăng Long xưa được khai quật thấy dấu tích ba tầng thời gian làm thành ba ngấn đất phân biệt lúc thời là thành Ðại La, thời nhà Lý và thời nhà Trần - như di vật văn hóa Ðông Sơn, văn hóa Óc Eo, văn hóa Sa Huỳnh - như hình ảnh quý hiếm về con rạch xưa còn thấy phơi trên mặt bùn cả một mảnh giấy rớt xuống, khi chưa đắp thành đại lộ Nguyễn Huệ Sài Gòn bây giờ. Cũng vậy, có những DVD giá trị do người quay phim muốn làm một tác phẩm cho riêng mình, muốn kể lại những kỷ niệm về một nơi chốn thời thơ ấu, hoặc kể lại cuộc tái ngộ khi từ một nơi xa xăm trở về quê nhà, mà dĩ nhiên kèm theo hình ảnh của chính mình như là một khuôn mặt thấp thoáng hiện diện để làm cho DVD không lậm quá về cái tôi của mình (bởi vì sản phẩm kỷ niệm riêng tư này sẽ nhờ phổ biến do những nhà sản xuất chuyên nghiệp, kỷ niệm nếu có tính chất cá nhân quá thì ít ai muốn tìm biết bằng sự tìm biết cái gì chung của đất nước không chỉ riêng ai).
Như DVD kỷ niệm của một học sinh Trường Phổ Thông Trung Học Phan Bội Châu (hình như ở Ðà Nẵng) sau hai mươi năm định cư hải ngoại trở về thăm trường cũ bạn xưa (Nội nhắc lại trường cũ với cái bảng đề tên trường như vậy cũng đã cho ta biết đó là học sinh Trung học sau 1975, chưa phải xa xăm hơn nữa thuộc học sinh Trung học trước 1975, vì thời ấy chưa có biệt danh Trường Trung Học Phổ Thông mà chỉ có biệt danh Trường Trung Học Ðệ Nhất Cấp hay Trung Học Ðệ Nhị Cấp). Hai mươi năm đã là xa, mà đối với thế hệ xa trường trước 1975 thì vẫn còn gần, nghĩa là kỷ niệm này không thuộc về thời điểm giáo dục chưa ở dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa. Và như DVD kỷ niệm cá nhân khác: kỷ niệm của một nữ sinh lên Sài Gòn trọ học, kể lại lúc còn bé ở miền quê Trảng Bàng đã biết các giai đoạn làm bánh tráng phơi sương (phơi bánh nướng lúc mười giờ đêm, phơi trên lá cây đã đượm sương khuya cho phía dưới bánh, và phía trên bánh thì sương đang xuống, chỉ mười phút là đủ ẩm cho bánh có độ mềm mà giòn, làm nên đặc sản "bánh tráng phơi sương Trảng Bàng".
Hoặc như DVD kỷ niệm của người Hạ sĩ quan trường Huấn Luyện Quân Sự Ðồng Ðế gần Nha Trang, trở về quay lại triền núi xưa làm nơi huấn luyện "đu dây tử thần" (từ đỉnh núi vùn vụt xuống chân núi bằng cách nắm sợi dây chạy trên một ròng-rọc, với tốc độ chóng mặt). Ðây không phải kỷ niệm về chiến tranh như vẫn thường nghe, mà là kỷ niệm về một nơi chốn mình đã thụ huấn, nhiều kỷ niệm với bạn bè cùng khóa khi tập đi di hành khổ cực ven sườn núi nhiều đá lởm chởm (nay đã trở thành xa lộ kéo dài thêm ra cho đường bờ biển từ Nha Trang đi về hướng Bắc). Hoặc như DVD kỷ niệm cá nhân của một người từ nước Úc trở về quê hương Thủ Dầu Một, đứng bên một giòng sông nhỏ mà nay mới biết bên kia sông là địa phận Củ Chi, nơi có các đường hầm chi chít bí mật dưới đất thuộc chiến khu D thời chiến tranh Việt Nam. Anh từ Úc về quê Thủ Dầu Một rồi lại đi thăm thú gần khắp miền Tây, ra ngoài miền Trung, thỉnh thoảng lại cho xuất hiện chính mình ở trong ký sự phim ảnh, một hình thức đóng phim nhẹ nhàng, lộ diện chút ít nên vẫn mang tính ký sự đất nước chung cho mọi người.
Dù mang tính chất sản phẩm làm ra để bán, hoặc quảng cáo tiếp thị thương mại, dù kín đáo mang tính kỷ niệm cá nhân, dù mang tính tuyên truyền chính trị, nhưng công khó của những người đi quay phim ảnh (có khi phải lặn lội trong mùa nước lụt, có khi đi đến những nơi hoang dã xa lạ, có khi trèo đèo, có khi ra các hải đảo cách biệt đất liền); công chụp bắt được những khía cạnh chỉ xảy ra ngàn năm một thuở; công đãi lọc thâu hình từ tâm hồn nghệ sĩ mà không phải ai cũng có được năng khiếu trời cho; công bố trí đạo diễn cho khán giả dễ tiếp cận; công sưu tầm để thực hiện từ sách vở ra thành hiện thực cụ thể của phim ảnh... Tất cả đã cung cấp cho ta những đoạn phim ảnh quý hiếm.
Ví dụ, với mục đích quay phim ký sự để làm sản phẩm đem đi bán tìm lợi nhuận, chỉ mục đích vậy mà lại cung cấp cho ta những đoạn phim ảnh quý và cảm động về đời sống một gia đình đơn độc (làm "chúa đảo" không ai tranh) trên đảo Hòn Nồm trong biển cách biệt đất liền ở ngoài xa Mũi Cà Mau. Ví dụ với mục đích tiếp thị quảng cáo nhà hàng ăn ở Sài Gòn cho Việt Kiều về thăm quê hương, chỉ mục đích vậy mà đã cung cấp cho ta những đoạn ký sự phim ảnh lạ về cô "vũ nữ múa lửa" Phương Mai, khách có thể đốt thuốc từ miệng ngậm lửa của Phương Mai. Ví dụ với mục đích tuyên truyền cho ta thấy dấu vết bom đạn trút xuống Cổ Thành Quảng Trị với trường Bồ Ðề hai tầng đầy dấu đại liên và những dấu bom đào thành hố khổng lồ gần ngã ba sông đi vào Ðộng Phong Nha ở Quảng Bình, mà từ DVD đó ta cũng sưu tầm được những đoạn phim ảnh quý hiếm về Quảng-Bình-Quan trong hệ thống Lũy Thầy dài mười tám cây số từ núi đâm ra biển (làm tiền đồn cho quân Nguyễn phía Nam chống với quân Trịnh phía Bắc gần suốt hai trăm năm nội chiến.)
Một ví dụ về DVD có tính chính trị nữa, như hai mươi tập "Mêkông ký sự" hình như để cải chính là "Sông Mekong không sợ bị nghẽn mạch", cải chính những báo động từ các cuốn sách của nhà văn Ngô Thế Vinh, và từ vài bài báo cũng báo động của các chuyên viên khoa học như Phạm Phan Long, Nguyễn Hữu Chung... Cải chính bằng các ký sự đi tìm những nguồn nước của Mekong không chỉ từ Trung Hoa mà còn từ mưa mùa vẫn hàng năm trút xuống làm thành các con sông từ tả ngạn hữu ngạn. Ðây là một vấn đề địa lý trong khu vực bạt ngàn rừng núi hiểm trở xa xôi, xin kể lại những ghi nhận ấy, không dám thẩm quyền nói đúng hay sai: DVD cho biết sông lớn Serepok, Xê San và Xê Công, lấy nước ở Tây Nguyên, rồi thành sông từ Kampuchia đổ vào Mekong gần thành phố Stung Streng; sông lớn Nậm-U của Lào lấy nước từ cánh đồng Mường Thanh gần Ðiện Biên Phủ, rồi Nậm-U đổ vào Mekong gần Thủ đô Luang Prabang; sông Xê Bang Hieng lấy nước từ Hướng Hóa-Lao Bảo-Khe Sanh, rồi Xê Bang Hieng lại đổ vào Mekong gần thành phố Savannakhek của Lào; và rừng núi trùng trùng điệp điệp (âm thầm dự trữ nước mưa) trải dài dầy đặc từ ba nước Lào-Thái Lan-Miến Ðiện có thể cũng góp phần làm nguồn cho Mekong chảy qua sáu nước ven bờ.
Nhưng nay có tình trạng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long bị nhiễm mặn trầm trọng: đó là do những con đập lớn ở thượng nguồn; do Lào cũng xây đập ở giòng chính Mekong; do lấy nước quá nhiều dành cho đồng ruộng Thái Lan? Hay là do nước biển dâng cao bởi sự ấm nóng dần lên của địa cầu; do ảnh hưởg El Nino gây hạn hán ở Ðông Nam Á? Bên cạnh chủ ý đi tìm nguồn nước đa dạng của sông Mekong, ta sưu tầm cũng khá nhiều tài liệu quý hiếm từ hai mươi tập ký sự phim ảnh này; như những đoạn quay phim từ trực thăng toàn cảnh cầu Mỹ Thuận; toàn cảnh sông Hậu Giang chỗ bến phà Cần Thơ; toàn cảnh sông Tiền Giang từ bến phà Mỹ Tho qua Bến Tre (thấy rõ Cồn Phụng song song với Cồn Thới Sơn, nơi bố trí đại pháo của quân Quang Trung nã vào các chiến thuyền của quân Thái Lan trong trận Rạch Gầm- Xoài Mút xảy ra ở thế kỷ thứ mười tám).
Ðến đây, ta cũng cần phân biệt những ký sự phim ảnh quý mà không hiếm, và chỉ quý hiếm ta mới đề cập đến trong bài này. Ví dụ một đoạn thành nguyên vẹn của Vạn Lý Trường Thành nơi các du khách du lịch thường được mời đến viếng thăm, nơi có trưng bày câu thơ của Mao Trạch Ðông "Bất đáo trường thành phi hảo hán", thì đoạn thành đó quý mà không hiếm như đọan thành nhìn từ xe lửa khi đi ngang Nội Mông hoang vu. Hiếm có ghi trong phim ảnh vì đoạn thành này trên núi chớn chở cheo leo cao ngất, ít khi khách du lịch bén mảng; nhất là khi trăng khuya lên cao thì thật ứng với lời than thở của người thiếu phụ có chồng đi trấn đóng trên trường thành heo hút qua thơ của Vương Xương Linh đời Ðường trong bài Biên Tái:
Tỳ bà khởi vũ oán tân thanh
Tòng thị quan san cựu biệt tình
Lưu loạn biên sầu khinh bất tận
Cao cao thu nguyệt chiếu trường thành.
Một ví dụ quý hiếm trong ký sự phim ảnh là di tích Ngọc Môn Quan (Yu Men Guan) nay chỉ còn là vài cụm gạch lở mòn chơ vơ trong sa mạc hoang vắng, ít có người lặn lội đến quay phim ảnh, vì vậy ta thấy hiếm quý để sưu tầm hơn là cửa ải còn nguyên vẹn Gia Dục Quan (Jia Yu Guan) mà Tạp chí National Geographic Magazine chụp hình ghi chú là cửa ải cuối cùng về phía Tây của Vạn Lý Trường Thành (Ghi chú trên làm cho người viết bài này có lần lẫn lộn đó là Ngọc Môn Quan, vì hình chụp Gia Dục Quan trùng tu nguyên vẹn lại đi kèm với câu thơ của Vương Chí Hoán đời Ðường viết về cửa ải Yu Men Guan: "Beyond here spring winds won’t blow-Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan". Nhưng các ví dụ hiếm quý kể trên thuộc địa sử Trung Quốc, bài này xin chỉ giới hạn những chụp bắt hiếm quý bằng phim ảnh về địa sử đất nước mình mà thôi, và các ký sự phim ảnh ấy đều nhắc nhở ta nhớ một đoạn thơ từ lâu ta mường tượng mơ hồ về quang cảnh, đến nay thì hiện rõ cụ thể. Chẳng hạn, đây là một gợi nhớ về lịch sử cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng:
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên. (Trích: Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Ðình Toái)
Chương trình giáo dục bậc Tiểu học Việt Nam cách nay hơn sáu mươi năm đều bắt học sinh học thuộc lòng bài thơ này, nhờ vậy mà đến nay có nhiều người còn nhớ bài thơ, nhất là bốn câu thơ hoành tráng với chân trời ráng đỏ làm nền cho đoàn kỵ mã của Hai Bà Trưng rầm rộ hành quân về hướng Long Biên, đánh đuổi quân xâm lược, trả thù cho chồng và giải phóng đất nước. Bà cất quân từ rừng núi phía Tây Hà Nội bây giờ, tức là vùng Việt Trì, nơi hợp lưu của ba giòng sông lớn đều bắt nguồn từ Vân Nam là sông Hồng (phía thượng lưu có tên là Sông Thao), Sông Ðà và Sông Lô. Chỗ hợp lưu này bát ngát, nước chảy mạnh nhưng nhờ sông mở rộng nên nhìn trong ký sự phim ảnh ta thấy lững lờ chỗ qua đền Bạch Hạc trên bờ cao, nơi thờ Hai Bà Trưng. Ngã Ba sông với chân trời trùng điệp núi vùng Việt Bắc, phong thủy nơi này như vậy là "sơn triều thủy tụ" nên ngày xưa đã được chọn làm Thủ đô nước Văn Lang. Sông Ðà được nói đến trong thơ Tản Ðà: (Nước gợn sông Ðà con cá nhảy/Mây trùm non Tản cái diều bay) và bất hủ hóa với bản nhạc Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy. Thời kháng chiến chống Pháp có bản nhạc Du Kích Sông Thao của Ðỗ Nhuận với câu mở đầu bài hát "nặng nề và oai nghiêm" (nhận xét của Phạm Duy). Con sông thứ ba hợp lưu ở Việt Trì là Sông Lô, và con sông này cũng đã được bất hủ hóa qua bản nhạc Trường Ca Sông Lô của Văn Cao với câu mở đầu "vô địch về dài hơi" (nhận xét cũng của Phạm Duy):
"Hồng Hà chơi vơi giòng nước trên nguồn về khơi
Sông Thao ngoài bến Việt Trì có những chàng áo nâu về
Say mê giòng nước ôi tràn trề (Ðỗ Nhuận)
"Sông Lô! Sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu (Văn Cao)
Như vậy, thuật phong thủy đã nói đúng: Việt Trì quả là nơi hội tụ của sông núi, của dấu tích lịch sử, của nhạc và thơ lừng lẫy. Chưa có dịp đi du lịch tới Việt Trì, ta nên tìm thấy địa điểm này qua ký sự phim ảnh.
Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp Chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng Tư ngày Tám nhớ về hội Dâu. (Ca dao)
Ðình chùa, đền miếu, di tích lịch sử, chốn văn hóa lâu đời cũng đã ba bốn ngàn năm như ở ngoài Bắc Bộ, tất nhiên là rất dồi dào, lắm nơi còn rất ngoạn mục; như Chùa Hương với đường suối đi vào quá thơ mộng; như chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây; như Vịnh Hạ Long rực rỡ với đoàn thuyền rượt đuổi đánh bắt đàn cá khi mặt trời đang lên trong thơ Huy Cận, hay hư cấu thành quần đảo chiến khu trong phim Indochine của Pháp; như vùng núi vôi nước ngầm đào sâu thành Ðộng Tam Cốc rất thần tiên ở tỉnh Ninh Bình (nơi có Thủ đô Hoa Lư dưới triều nhà Ðinh; nơi có một chỏm núi đá vôi ghi dấu chỗ tử trận của Trung Úy Bernard De Lattre trong cuộc chiến tranh 1945- 1954 – người chọn đi chiến trường Ðông Dương thay vì có thể tìm cách ở an toàn tại Paris vì là con trai duy nhất của một Ðại Tướng Pháp lừng lẫy trong Ðệ nhị Thế Chiến.)
Nhưng những Chùa Hương, Vịnh Hạ Long, Ðộng Tam Cốc, không thiếu gì tài liệu hay phim ảnh đề cập đến. Chùa Dâu còn có tên là chùa Pháp Vân ở Bắc Ninh cũng không là nơi xa lạ, nhưng bởi cái tên Dâu và Pháp Vân làm một đôi người có cảm nghĩ sai lầm khi mới thoạt nghe: đâu có phải chùa trồng nhiều cây dâu và đâu có phải Pháp Vân là tên một nhà sư xây dựng chùa. Dâu là tên bộ lạc đầu tiên đinh cư ở Bắc Ninh cách nay ba bốn ngàn năm (bộ lạc này chắc cũng là chi nhánh của đại gia đình Bách Việt di cư xuống từ Vân Nam), còn Pháp Vân là thần Mây cùng với thần Sấm (Pháp Lôi) và thần Chớp (Pháp Ðiện) và thần Mưa (Pháp Vũ) là bốn vị thần làm nên trời đất trong tín ngưỡng của người Việt Cổ. Vậy người Việt xưa đã nghĩ về một vũ trụ quan được sáng tạo bởi các vị thần toàn năng. Nhưng còn cái lạ nữa thì nơi đây lại là Trung tâm Phật giáo đầu tiên ở nước ta với các nhà sư danh tiếng từ Trung Á, từ Ấn Ðộ và Trung Hoa đến truyền giáo đạo Phật, như Khâu Ðà La, Tỳ Ni Ða Lưu Chi. Từ xa xôi đến truyền giáo vì thời ấy (Thế kỷ thứ hai) vùng này đã là trung tâm chính trị Luy Lâu do nhà Hán dựng nên để cai trị người Việt Cổ. Vũ Trụ Quan của Việt Cổ hòa quyện với Vũ Trụ Luận Vô Thủy Vô Chung của Phật Giáo, không có gì mâu thuẫn nhau vì người Việt có tinh thần hoà đồng mọi quan niệm triết lý. Ngôi chùa Pháp Vân hiện diện từ thế kỷ đầu Công Nguyên, giữa thế kỷ thứ bảy được chúa Trịnh trùng tu, thời kháng chiến 1945 thì bị chiến tranh phá hủy, chùa thấy trong DVD với tháp lớn ở giữa chắc mới trùng tu vài chục năn trở lại đây.
... Dừng chân bên suối trưa tuần tiễu
Vục nước trong lành đầy ống bương
... Khỏa mây, núi dựng vơi tầm mắt
Khát gió đồng xanh, ngựa rảo chân
... Lá reo hay tiếng ai thầm nhắc
Xao xuyến rừng ban trắng cánh hoa! (Thơ Lương Sĩ Cầm)
Ðây là bài thơ kháng chiến thời chống Pháp, đậm nét miền Thượng Du Việt Bắc với nhà sàn thở khói, bản thôn trên sườn núi bậc thang, hoa ban nở trắng, thung lũng hẹp thoáng bóng gà gô băng qua... nhiều nét tả cảnh hơn dấu vết sinh hoạt chiến khu. Một điều hình như ít thấy trong thơ kháng chiến ở Việt Bắc: hiếm khi có thơ về hoa ban rải rác trong các thôn bản. Cây ban cũng cao nhưng thấp và mảnh khảnh hơn cây so đũa, bông cũng nở trắng lắc lư trong gió như bông so đũa. Trong thơ kháng chiến thời chống Pháp ở Việt Bắc, ta thường gặp bông sim tím, bông chuối đỏ, bông mai rừng... Hoa ban trắng, khá đẹp ở chốn núi rừng, có thể tượng trưng cho gái miền sơn cước đẹp mà đơn sơ: nơi thôn bản còn gì để nhớ để thương hơn, vậy mà điểm qua nhiều bài thơ kháng chiến, ta ít thấy có bài thơ nào nói đến hoa ban. "Sơn Nữ Ca" của nhạc sĩ Trần Hoàn cũng không lấy ẩn dụ hoa ban trắng. Phải chăng nó không có công dụng gì nên ít người nhớ.
Thật khác với bông điên điển ở Miền Nam tuy mọc hoang bên các mương, hoặc theo đường ranh của các bờ ruộng tụ nước, nhưng được hái nấu canh chua ăn khá ngon khi mùa khô không còn thứ rau gì xanh tốt. Nhờ vậy mà bông điên điển vàng thỉnh thoảng cũng là nguồn cảm hứng thơ: mẹ hoặc người em gái nấu cho nồi canh chua với cá rô và bông điên điển, đãi chiến sĩ hành quân đi qua làng. Nhớ thời trước khoảng thập niên 1950 của thế kỷ hai mươi, bộ tiểu thuyết phiêu lưu "Bông Hoa Rừng" của tác giả Trường Xuân lấy bối cảnh ở vùng Thượng Du Việt Bắc, chắc đây chính là hoa ban trắng được tác giả lấy làm tượng trưng. Vận dụng trí nhớ về văn thơ để đừng bỏ quên hoa ban, nhưng mà ít quá, vậy ta sẽ nhờ ký sự phim ảnh để thấy cụ thể loài hoa đẹp mà ít ai đoái hoài; hoa ban trắng vẫn đang hiện diện trên các nẻo đường mòn dẫn vào thôn bản thuộc hai tỉnh Sơn La-Lai Châu.
Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy (Trích: Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều)
Tập thơ "Tiếng oán than trong cung cấm" đã được quy định để học trong chương trình lớp "Ðệ Ngũ" (lớp Tám) bậc Trung học trước năm 1975. Học sinh nào học đến lớp này đều nhớ nằm lòng hai câu thơ đặc Hán Tự mà dễ hiểu trên, do rất đặc sắc về phương diện tả cảnh. Nó dễ tiếp nhận vì có chen vào hai từ ngữ thuần Việt là đứng và ngồi. Tạm dịch: "Bến đò xưa bên cầu sông nước chảy/Nắng chiều tắt trên quán gió mùa thu". Chỉ với tác phẩm này, Nguyễn Gia Thiều đã thành ra bất tử. Chương trình giáo dục hiện nay không cho học sinh tiếp nhận quá sớm tác phẩm đậm dấu thời phong kiến vua chúa, nhưng tác giả Nguyễn Gia Thiều (1741- 1798) mới được lập đền thờ rất quy mô tráng lệ do hậu duệ đời thứ 29 là ông Nguyễn Gia Thùy chăm sóc (Tổ dòng họ là cụ Nguyễn Gia Bằng). Ðền thờ tại Bắc Ninh, trên cổng ghi hàng chữ lớn "Ðế Trụ Tứ Môn" (nghĩa là đã bao đời làm trụ cột cho các triều vua Nguyễn). Cùng với đền thờ thi sĩ Tản Ðà cũng mới xây bên bờ sông Ðà ở huyện Ba Vì với bia đá vinh danh: "Tản Sơn hùng vĩ Danh thiên cổ/ Ðà Thủy triều lưu Ðức vạn niên" (Núi Tản cao ngất lưu danh ngàn đời/ Nước sông Ðà chảy ghi đức vạn năm), do cháu đời thứ tư của Tản Ðà là ông Nguyễn Quốc Vượng chăm sóc. Thời Pháp thuộc với đường xe lửa Xuyên Việt nối liền Bắc Nam, thi sĩ Tản Ðà du hành thường xuyên trên con đường sắt này, có lần đi tới Long Xuyên Rạch Giá, và hình như ông ước nguyện nếu về sau có mất thì được chôn bên cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa để còn mãi mãi nghe tiếng xe lửa chở giấc mơ vào Nam ra Bắc. Ông có một bài thơ ngắn tóm tắt bút hiệu Tản Ðà: "Ba Vì ở trước mặt/ Hắc Giang bên cạnh nhà/ Tản Ðà". Bây giờ thì thi sĩ vĩnh viễn nằm bên bờ sông Ðà, không thể nghe tiếng xe lửa Nam-Bắc ngày nào, nhưng có thể tiếng hát "Thuyền Viễn Xứ" mãi ru cho ông giấc mơ ngàn đời phiêu lưu:
Chiều nay sương khói lên khơi
Lũ thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng pha ráng trời
Sóng Ðà Giang thuyền qua xứ người. (Thơ của nữ sĩ Huyền Chi; Phạm Duy phổ nhạc)
Ký sự phim ảnh sẽ làm ta thấy rõ uy nghi của "Ðế Trụ Tứ Môn" trước phần mộ của Nguyễn Gia Thiều, và bia đá tôn nghiêm vinh danh Tản Ðà bên giòng sông Ðà.
Một nhà sinh được ba vua
Vua còn vua mất vua thua chạy dài. (Ca dao)
Ba vua từ một nhà, từ một thế hệ cha mẹ (không phải từ một triều đại) là vua Kiến Phúc (chỉ làm vua được một năm thì mất vì mắc bệnh), vua Hàm Nghi (cũng chỉ làm vua được một năm thì tổ chức kháng Pháp, chạy lánh nạn, sau bị Pháp bắt đày đi hải đảo xa), vua Ðồng Khánh (là anh cả nhưng lên ngôi sau hai em; và vua Ðồng Khánh là thân phụ của vua Khải Ðịnh, ông nội của vua Bảo Ðại). Còn vua Gia Long sáng lập triều Nguyễn có phải là tổ phụ cùng một nhánh không? Cùng dòng tộc họ Nguyễn nhưng không cùng một nhánh, vì dòng vua bắt đầu từ Gia Long rồi Minh Mạng rồi Thiệu Trị rồi đến vua Tự Ðức là hết, vì vua Tự Ðức không có con trai hay con gái để nối ngôi. Vua Tự Ðức truyền ngôi cho một người con nuôi (dĩ nhiên con nuôi đó cũng từ một nhánh hoàng tộc nhà Nguyễn), đó là vua Dục Ðức. Vua Dục Ðức lên ngôi được ba ngày thì bị hạ ngục vì đã sửa đổi hay lược bỏ điều gì đó trong di chiếu truyền ngôi của vua Tự Ðức, bị bỏ đói đến chết và vùi chôn chỗ đất hoang trong một ngôi chùa. Chỗ đất chôn cất nhà vua xấu số này về sau là khu lăng mộ của những ông vua yêu nước từng bị Pháp bắt đi lưu đày là Thành Thái và Duy Tân, vì vua Dục Ðức chính là tổ phụ của họ. Lăng mộ của các vua Thiệu Trị, Tự Ðức, Ðồng Khánh, Khải Ðịnh đều quy mô, không lúc nào vắng khách viếng thăm, chụp ảnh quay phim, nên không phải là ký sự quý hiếm ta cần truy cập.
Phim ảnh ít khi ghi nhận Lăng mộ vua Gia Long và Minh Mạng, vì hai vị vua đầu Triều Nguyễn đều chọn nơi an nghỉ ngàn thu ở đầu nguồn của sông Hương, cảnh quang hoành tráng nhưng hoang vắng, gần dưới chân dãy Trường Sơn đi về hướng A- Shao và A-Lưới mà một thời chiến tranh còn âm vang, gần chỗ hợp lưu của sông Tả Trạch và Hữu Trạch làm thành con sông Hương chảy qua kinh thành Huế. Ký sự phim ảnh quý hiếm trên không quên ghi nhận mộ địa chôn cất Gia Long và Minh Mạng, mộ thì sờ sờ nằm đó với rêu phong ngày tháng, nhưng chắc chắn là hình hài các vua được chôn cất ở một nơi nào khác, để giữ bí mật chỗ mộ táng cho đế nghiệp con cháu không bị âm mưu hoán đổi theo thuật phong thủy, hoặc để không bị kẻ thù đào mồ trả thù (ví dụ vua Gia Long đã lấy sọ đầu của Vua Quang Trung làm chỗ đi tiểu, ngược lại cũng có truyền thuyết cha của vua Gia Long bị quân Tây Sơn cắt đầu liệng bỏ mất tích trong giòng sông Hương). Các vua yêu nước sau bao nhiêu năm lưu đày ở hải đảo xa xôi thuộc Pháp trên Ấn Ðộ Dương, người thì mất tại Sài Gòn (vua Thành Thái), người thì chết do rớt máy bay tại Miền Trung Phi Châu khi đang là đại úy phi công quân đội Pháp (vua Duy Tân), nhưng rồi đều về an nghỉ nơi an nghỉ của vua tổ phụ trị vì chỉ có ba ngày (vua Dục Ðức). Ký sự phim ảnh khu lăng mộ này và khu lăng mộ Gia Long, Minh Mạng, quả là hiếm quý vì không mấy tiện đường cho người Việt hải ngoại trở về du lịch quê hương, trừ những người có quê quán gần đầu nguồn giòng Hương Giang.
Chẳng biết trong lòng ghé những ai
Thềm son từ dạo gót vân hài
Hỡi ôi! người chỉ là du khách
Giây phút dừng chân Vọng Hải Ðài. (Thơ Phạm Hầu trong bài Vọng Hải Ðài)
Nếu vọng hải đài không viết hoa thì có nghĩa một nơi xây thật cao nhìn ra biển, nhiều nơi trên thế giới đều có vài địa điểm như vậy. Nếu Vọng Hải Ðài viết hoa thì ở tại Ngũ Hành Sơn Quảng Nam, cạnh chùa Linh Ứng, nhưng không phải là một đài mà là một tấm bia do vua Minh Mạng đời Thứ Mười Tám dựng lên trong những ngày vua ngự nơi đây ngoạn cảnh Ngũ Hành Sơn và vọng biển. Ngũ Hành Sơn là năm cụm núi đá lớn, người xưa đặt tên như vậy, lấy ý từ vũ trụ quan Kinh Dịch của Siêu Hình Học Trung Hoa: quan niệm trời đất hình thành do năm chất Thủy Hỏa Thổ Kim Mộc. Nhưng đất này xưa của người Chàm, dĩ nhiên họ trú ngụ lâu đời hơn người Việt, dĩ nhiên họ cũng thấy và đặt tên năm cụm núi này trước ta. Có thể suy diễn là do ấn tượng ở vị trí đứng nhìn quần thể sơn thạch mà người Việt đặt tên hàm chứa triết lý khác họ. Ta đứng trong đất liền mà nhìn khu vực này khi thoạt tiên di cư vào đất nhượng địa, nghĩa là từ đèo Hải Vân đi vào. Còn người Chàm cách nay hai ba ngàn năm từ các hải đảo Indonesia và Phi Luật Tân đổ bộ lên, và thoạt tiên khi đến hải phận Quảng Nam từ ngoài khơi nhìn vào thấy các cụm núi chơ vơ và mỏng giống như những mảnh trứng khổng lồ bị bể ra nằm rải rác trên bờ biển. Từ đó họ đặt truyền thuyết tại sao có năm cụm núi đá này, và truyền thuyết chắc cũng được chiếu dọi từ hình ảnh con chim thần Garuda trong thần thoại Ấn Ðộ (Thần Ưng cũng là biểu tượng của hãng Hàng Không Indonesia). Và truyền thuyết năm cụm núi đá đó như sau: Nữ thần Naga tặng ẩn sĩ nơi đây một quả trứng thần, và thần Kim Quy tặng ông một cái móng để đề phòng sự quấy phá của ma quái biển Ðông. Sau một đêm, quả trứng bỗng trở nên to lớn dị thường rồi vỡ ra: một thiếu nữ xinh đẹp bước ra, và cùng ẩn sĩ đi cứu nhân độ thế. Những mảnh trứng vỡ còn để lại đó, chính là Ngũ Hành Sơn.
Ối trời ơi là Phan Thiết, Phan Thiết
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi
Ta đến nơi, nàng ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ. (Hàn Mặc Tử trong bài Phan Thiết, Phan Thiết)
Nằm giữa Phan Thiết và Mũi Né là một vùng đồi thấp, trên đó có Lầu Ông Hoàng trên ngọn đồi cao nhất, từ đó nhìn xuống những đồi thấp hơn là khu tháp Chàm Poshanu xây dựng cách nay hơn ngàn năm. Từ Mũi Né nhìn về hướng Nam phía Phan Thiết, thấy rõ quần thể gồm Lầu Ông Hoàng và hai tháp Chàm nhỏ đó in hình trên chân trời và chạy lài lài xuống theo thế địa hình từ đồi cao đến đồi thấp, trông rất ngoạn mục. Nếu từ Lầu Ông Hoàng nhìn xuống bên kia bờ biển là Phan Thiết dưới xa xa, thấy rõ giòng sông uốn khúc chảy qua thành phố. "Nàng ấy" trong bài thơ là Mộng Cầm, tên một người tình thỉnh thoảng hiện diện trong thơ Hàn Mặc Tử. Tháp Chàm ở đây cũng như Tháp Chàm Polomé không đồ sộ lắm và đều ở trên đồi thấp, riêng tháp Polomé còn ở kề cạnh dân cư như lẫn vào thôn xóm người Chàm, địa điểm gần Phan Rang. Vì vậy những ký sự phim ảnh dành cho các nới ấy thành quý hiếm, ta nên truy cập để biết. Vả lại Tháp Chàm Polomé vẫn còn nằm trong ký ức những người Chàm vì đó là vùng vương quốc cuối cùng trước khi mất tên nước Champa, gắn liền với vụ Công Chúa Ngọc Khoa (con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên) gả cho vua Polomé, từ đó nàng đã thăm dò thực lực của nước Champa (lúc ấy đã thu nhỏ thành vương quốc Panduranga gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận bây giờ).
Theo truyền thuyết thì sức mạnh của vương quốc nằm ở "cây krêk", cây thần hộ mạng cho lãnh thổ Panduranga. Ngọc Khoa làm gián điệp biết điều bí mật này và báo tin cho cha. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đem quân xâm lấn, đốn ngả cây ấy, vậy là Champa hoàn toàn không còn nữa (cuối thế kỷ mười bảy). Dân chúng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Châu Ðốc thường kể nhau nghe câu chuyện mất nước vì cây ngả chảy máu có vẻ hoang đường đó; thường kể hơn là chuyện Huyền Trân Công Chúa thời nhà Trần gả cho vua Chế Mân, vì vụ này thuộc về một thời quá xa xôi, chỉ có lịch sử cùng thơ văn Việt Nam thì thường hay nhắc nhở... Còn Lầu Ông Hoàng, nơi Hàn Mắc Tử hẹn hò với Mộng Cầm thì bây giờ chỉ còn nền nhà điêu tàn, trên đó có một công sự xây kiên cố như lô-cốt thời chiến tranh trước 1975. Một tài liệu có lẽ không chính xác lắm nói chính tại Lầu Ông Hoàng lúc xưa cũng là khu mộ địa, sau một ngày mắc mưa tại đây mà Hàn Mặc Tử bị vướng bệnh phong cùi. Bây giờ khu Tháp Chàm Poshanu và Lầu Ông Hoàng đều đã được sửa sang có bờ tường vây bọc, có những bảng chỉ dẫn cho du khách biết di tích cổ và di tích văn học, lại ở gần Mũi Né là bãi tắm biển cát trắng nằm ven rừng dừa, tất cả bổ sung cho nhau thành khu du lịch dã ngoại vừa tầm một buổi đi từ Sài Gòn.
Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ
Em nằm xõa tóc đợi chờ ai? (Không rõ tác giả)
Ðó là hai câu thơ tả ngoạn mục quang cảnh có Trường Huấn Luyện Hạ Sĩ Quan Ðồng Ðế trong tỉnh Khánh Hòa. "Em nằm xõa tóc" thật tương ứng với Núi Cô Tiên nếu từ bãi biển Hòn Chồng nhìn về phía Bắc để thấy ngọn núi khá cao và dài trên biển, giống như một thiếu nữ đang nằm đợi chờ ai. Còn người lính đứng theo thế nghỉ quân sự, biểu tượng cho Trung Tâm Huấn Luyện quân đội trước 1975 (nay là Trường Ðào Tạo Sĩ Quan Chỉ Huy Kỹ Thuật). Chỉ ở vị trí từ biển mà nhìn thì mới ứng với hình ảnh người thiếu nữ đang nằm, còn nếu ở vị trí tại trường nhìn núi Cô Tiên thì chỉ thấy đó là ngọn núi đứng chắn ngang phía sau, không có ấn tượng cao chớn chở. Chỉ người đã từng được huấn luyện ở đây, nay trở về thăm lại thì mới làm ký sự phim ảnh cho ta thấy hai vị trí đứng nhìn núi Cô Tiên, cũng như mới biết đâu mà ghi hình ảnh núi Ðường Ðệ ngày trước làm chỗ huấn luyện "đu dây tử thần". Sở dĩ phim ảnh ghi nơi này được ta coi như qúy hiếm, ngoài câu thơ tả cảnh ngoạn mục như trên, còn vì lý do ta hay gặp trong các DVD về hình ảnh Trường Sĩ Quan Ðà Lạt, hay Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang; và thơ văn thường nhắc Trường Bộ Binh Thủ Ðức; chỉ một đôi khi nhắc tới Trường Ðồng Ðế. "Anh đứng ngàn năm" không hẳn chỉ về người lính thụ huấn quân sự tại đây, vì từ ngữ ngàn năm nói về cái gì trường cửu hơn con người, chắc là bãi nền trên đó có trường huấn luyện. Công sự xây dựng hay tên đặt do con người có thể biến đổi theo lịch sử thăng trầm, nhưng thiên nhiên thì ngàn đời vẫn vậy.
Gạo Cần Ðước, nước Ðồng Nai
Ai về xin nhớ cho ai theo cùng (Ca dao)
Lửa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần. (Không rõ tác giả)
Cần Ðước và Nhật Tảo có liên hệ đến hai giòng sông Vàm Cỏ Ðông và Vàm Cỏ Tây, cả hai giòng chảy suốt chiều dài qua tỉnh Long An, chảy ngang những cây cầu mà ta thường qua khi đi về miền Tây: cầu Bến Lức (Vàm Cỏ Ðông) và cầu Tân An (Vàm Cỏ Tây). Hai giòng sông nước khá xanh vì ít phù sa, trừ mùa nước nổi nước tràn ngập từ Tiền Giang đổ qua Ðồng Tháp Mười rồi dồn về hai giòng sông, chúng gặp nhau tại Cần Ðước, tại đây có bến phà đi sang Gò Công, và giòng hợp lưu đổ ra biển phía Cần Giờ. Gạo Cần Ðước nổi tiếng thơm ngon nên mới có câu ca dao như vậy. Các loại gạo nổi tiếng mang tên Gạo Nàng Hương, Gạo Nàng Thơm, xuất xứ từ Cần Ðước. Bến phà qua Gò Công tại đây cũng mênh mông vì là nơi hợp lưu hai giòng sông, mai này sẽ có cầu dự trù bắc qua đồ sộ gần bằng cầu Mỹ Thuận. Nơi hợp lưu này còn có cái tên lạ là Ngã ba Bần Quỳ; vì hai bên bờ cây bần ngã rạp như quỳ xuống nhưng lá cành vẫn xanh tươi mãi; như tương ứng với sự tưởng nhớ thành tích của ông Mai Bá Hương đã đục thuyền giặc và đã hy sinh tại Ngã ba Bần Quỳ (không rõ giặc Xiêm thời Tây Sơn hay giặc Pháp thời Trương Ðịnh lập chiến khu ở đôi bờ Vàm Cỏ).
Còn Nhật Tảo cũng là sông Vàm Cỏ Ðông ở một khúc có địa danh Nhật Tảo, tại đây anh hùng Nguyễn Trung Trực lập thành tích đốt tàu Pháp mang tên L’Espérance, nay còn di tích mảnh ván tàu bọc đồng. Về sau ông lãnh đạo kháng chiến chống Pháp tại Kiên Giang và đảo Phú Quốc, bị Pháp lập kế bắt và xử chém tại Kiên Giang. Ta dễ nhận ra khu vực sông này vì có một cống thoát nước rất lớn trên đó có ghi hàng chữ Cống Nhật Tảo. Bến phà Mỹ Lợi ở Cần Ðước đi Gò Công mai này sẽ có cây cầu lớn gần chỗ hợp lưu hai sông Vàm Cỏ, đưa ta có dịp về thăm quê hương của bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Ðức); Nam Phương Hoàng Hậu (vợ vua Bảo Ðại), quê hương của một công thần Nhà Nguyễn nay còn dinh thự cổ với biệt danh "Nhà Hoàng Gia"; quê hương của nhà văn Hồ Biểu Chánh; quê hương của người dựng xây Nhà thờ Huyện Sỹ tại Sài Gòn; nơi mà người viết bài này (lúc học lớp Ðệ Thất năm 1952) có lần trú ngụ chỉ một ngày mà cảm tưởng mơ hồ đó là bờ biển hoang vắng làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết tình thấy cũng hay mà không ai nhắc đến bây giờ, cuốn "Rừng Thẳm Biển Khơi" của Ngọc Sơn.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Ðồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây. (Thơ Phan Văn Trị)
Ðồng Tháp Mười bao la bát ngát
Bưng sậy lên hoang
Mùa nắng đất khô cỏ cháy
Mùa mưa nước ngập lan tràn
Cò trắng ngàn năm bay chẳng dứt
Chân trời bốn mặt rộng thênh thang. (Thơ Nguyễn Bính)
Bến Nghé và Ðồng Nai ngút khói lửa tàn phá của quân Pháp trong thơ Phan Văn Trị nói về thời Pháp mới thôn tính ba tỉnh Miền Ðông Nam Bộ. Bến Nghé ở Sài Gòn và Ðồng Tháp Mười ở một tỉnh xa phía Tây Bắc gần Kampuchia tưởng như không có chung hệ thống thủy lưu, tưởng như không liên hệ về sông nước; mà thật ra từ Sài Gòn ta có thể đi lên đó mà không cần đường bộ. Ði hoàn toàn bằng đường nước, từ sông chuyển qua những kinh đào thẳng tắp vượt đồng trống mênh mông. Ký sự phim ảnh chụp từ máy bay xuống cho ta thấy con kinh Bến Nghé (qua cầu Khánh Hội) và con Kinh Tẽ (qua cầu Tân Thuận) lấy nước từ sông Sài Gòn, hợp lưu tại Cầu Chữ Y rồi lại rẽ ra thành kinh Tàu Hủ và Kinh Ðôi, rồi lại gặp nhau thành sông Bến Lức đi qua huyện Bình Chánh (có khu kinh tế mới Lê Minh Xuân); rồi nước sông Sài Gòn (bây giờ là nước sông Bến Lức) mải miết đi bằng kinh đào, bằng các con sông bé nhỏ của thiên nhiên; nhập vào sông Vàm Cỏ Ðông; miệt mài đi nữa bằng kinh đào nhập vào Vàm Cỏ Tây; tiếp tục với hai con kinh dài qua Ðồng Tháp Mười là Dương Văn Dương và Nguyễn Văn Tiếp (tên cũ: Kinh Tổng Ðốc Lộc); cuối cùng gặp gỡ Tiền Giang ở tỉnh Châu Ðốc (nay thuộc tỉnh An Giang).
Con kinh mang tên Tổng Ðốc hay con kinh mang tên Tỉnh Ủy (Nguyễn Văn Tiếp), và con kinh mang tên Ðồng Tiến (như được đặt trong thời kỳ có chính sách lập ấp chiến lược của Tổng Tống Ngô Ðình Diệm), hay con kinh mang tên một Thủ lãnh Bình Xuyên sau theo kháng chiến chống Pháp (Dương Văn Dương): Tất cả cho ta thấy một Ðồng Tháp Mười đã là không gian quần thảo của những lực lượng muốn kiểm soát và lực lượng muốn làm điểm tựa an toàn để trường kỳ chống cự. "Cò trắng ngàn năm bay chẳng dứt", khi Nguyễn Bính viết lời thơ này lúc đi kháng chiến chống Pháp trong Ðồng Tháp Mười, có lẽ lúc đó ông chưa biết Tràm Chim ở Ðồng Tháp Mười còn có giống chim hạc đầu đỏ cũng muôn xưa hiện diện trên Trái Ðất, nhưng có một thời chúng ngưng bay ngang Ðồng Tháp Mười vì tiếng súng chiến tranh. Bây giờ chúng quay lại để hy vọng cũng ngàn năm bay chẳng dứt trên bầu trời nơi đây. Tóm lại thì Ðồng tháp Mười hay các tỉnh miền Tây ngày đêm vẫn có những ghe thuyền thương hồ từ Lục Tỉnh chở những nông sản hay cá mắm đến Sài Gòn bằng đường sông nước, chẳng vậy mà nhà văn Bình Nguyên Lộc cảm thương những ghe chài thuở nào neo đậu ở Cầu Ông Lãnh, Bến Bình Ðông, Xóm Củi; chiều chiều có gã làm công hoặc chính là chủ ghe ra khoang thuyền gảy chiếc độc huyền và cất giọng nói thơ nhớ nhà, vì muốn gia đình sung túc mà đôi mùa trong năm phải sống kiếp thương hồ...
Tôi ở Hòn Khoai đi về Hòn Ðá Bạc
Tôi trương buồm chạy lạc tới Hòn Nhum
Thấy lão tiều đốn củi lum khum
Tôi hỏi ông lão chớ não nùng tại ai? (Cadao)
Ca dao vùng biển Phú Quốc thường nói đến Hòn, tức là những đảo nhỏ trong Vịnh Thái Lan phía Tây Cà Mau. Có những Hòn chơ vơ chỉ có một gia đình trú ngụ đã qua vài đời, như Hòn Nồm do ông Vương Văn Kiều đến định cư, sống bằng nghề chài lưới bắt cá đem vào đất liền bán, vậy mà ông có đến chín người con, con gái đầu lòng Ngọc Thắm bây giờ là "Chúa đảo" thế hệ thứ ba, bám giữ đảo theo lời trăng trối của ông nội. Những ngày mưa bão dữ dội, chồng và con lớn tắp vào một hòn nào đó trong biển bao la, thì là những lần Ngọc Thắm suốt đêm dài trằn trọc lo sợ. Người nào xin cưới Ngọc Thắm và chịu ở lại Hòn làm chúa đảo chắc chắn phải từ đất liền hay từ một đảo khác, chán cảnh đô hội đất liền hay buồn chuyện ngang trái, mới chịu từ bỏ tất cả để đến hòn đảo đơn độc này; và chắc chắn phải là người can đảm mới dám đảm trách sự nghiệp chài lưới đánh bắt ngoài biển sóng gió. Hoặc đã "phải lòng" Ngọc Thắm khi nàng theo cha vào đất liền buôn bán cá tôm đánh bắt được, vì ký sự phim ảnh cho thấy Ngọc Thắm dù là người hải đảo mà cũng khá mặn mòi xinh đẹp. Cha Ngọc Thắm có đến chín người con, trong đó ít nhất cũng phải có vài ngươì con trai, mà sao không ai nối nghiệp cha làm chúa đảo. Có thể vì Ngọc Thắm lớn nhất để có thể nghe lời trăng trối của ông nội phải giữ lấy đảo, các em ra đời sau thì ông nội đã mất.
Tiếng gọi thiêng liêng từ người đã chết, tiếng gọi ngày đêm của trùng dương, tiếng gió ngàn đời thổi triền miên trên rặng dừa hải đảo đơn độc, phải chăng có sức thu hút siêu hình khiến Ngọc Thắm chịu hy sinh cho các em vào đất liền đi học và tìm sự nghiệp rồi giã từ luôn hòn Nồm để cho một mình gia đình người chị vĩnh viễn làm người của hải đảo. Người viết bài này có một dịp đi trong vùng duyên hải Cà Mau, buổi chiều lướt qua đảo Hòn Tre thấy mây vắt ngang trên đảo, nước xanh ngả tím đại dương viền bờ cát trắng vòng chung quanh, từ biển nhìn vào với ấn tượng đảo thật chơ vơ. Nhưng Hòn Tre đã là một đảo khá lớn với dân số làm thành một xã, còn Hòn Nồm rất đơn độc chỉ đủ dành cho một gia đình, quả là nhỏ bé giữa biển cả bao la. Có con nhiều, khi con trưởng thành, vấn đề cưới gả chúng là điều lo nghĩ khó khăn cho cha trót lập nghiệp trên hòn mà lúc còn trẻ muốn phiêu lưu, muốn sống đời tự do một mình một cõi, khi ấy chưa hề nghĩ đến. Con trai thì dễ hơn, có khi lại mừng vì đã có thế hệ nối tiếp nghề biển. Con trai nhiều thì sắp xếp cho đứa nào vào đất liền đi học, đứa nào có khả năng và chí thích nghề đánh cá chài lưới. Nhà chỉ có con gái thì câu ca dao "Ðến đây thì ở lại đây/ Chừng nào bén rễ xanh cây hãy về" phải là câu mời mọc với bao hứa hẹn ân cần mong có người ở rể nối nghiệp chúa đảo nhỏ nhoi trong Vịnh Thái Lan. Mà hiếm khi nào trai trẻ độc thân đến những hòn chơ vơ ngoài biển, họa hoằn là những kẻ phiêu lưu hay những nhà nghiên cứu đại dương, kẻ phiêu thì sẽ còn tiếp tục phiêu lưu, nhà nghiên cứu thì mãi còn gắn bó với những cơ sở, những trường đại học trong đất liền.
Thơm nào ngọt bằng thơm Tắc Cậu
Dưa nào đỏ bằng dưa hấu Mỹ Lâm
Chiếu Tà Niên anh trải cho em nằm
Phải lương duyên chồng vợ thì ngàn năm cũng chờ. (Ca dao)
Ta thường không phân biệt khóm (hay trái dứa) khác trái thơm như thế nào, nhưng người chuyên trồng thì biết rõ đất nào thích hợp cho trái khóm (vỏ ngoài có mắt nhỏ) và trái thơm (vỏ ngoài có mắt lớn). Người viết bài này có dịp đi dọc dài theo kinh Tà Niên từ Rạch Sỏi thông ra sông Cái Bé ở Rạch Giá, thường gặp những người quăng bùn từ dưới kinh lên bờ dọc hai bên lộ nhỏ để trồng trái thơm, vì có lẽ nơi đây thích hợp việc trồng trái thơm. Nước kinh Tà Niên mùa nắng, nước lợ nửa mặn nửa ngọt, vì cửa sông ra biển Rạch Giá rất gần ở đây. Phải chăng bùn ở nước lợ thích hợp trồng trái thơm. Sau 1975, con kinh này cũng là con đường thường có ghe vượt biên ra biển ở cửa sông Cái Bé, mặc dầu trên sông ra biển cũng có một hàng "đóng đáy" bắt cá giăng dài. Ngôi trường Vĩnh Hòa Hiệp ở trong khu chợ Tà Niên phía sau có những cây sao rất cao, buổi sáng phố chợ nhỏ vui khi tiếp nhận những học sinh các ngã đi qua bằng xuồng, vì xung quanh Tà Niên hội tụ vài con rạch cũng đầy nước trong mùa mưa. Kinh Tà Niên vào ban đêm khá ấm áp khi các ghe cá từ những hàng đáy đem về, thấy bên kia bờ kinh những hàng bần đom đóm đeo cùng khắp cành lá chớp sáng chớp tắt, và vài trai trẻ quây quần dưới đèn ngoài hàng hiên làm bữa rượu với tôm tươi luộc từ hải sản mới đánh bắt, và đêm khuya gần sáng thỉnh thoảng thấy vài người còn thức lựa tôm cá chuẩn bị cho ngày mai đem ra chợ.
Từ Tà Niên đi Tắc Cậu không xa, và Tắc Cậu là thị trấn sầm uất về nghề biển và nương rẫy trồng thơm quy mô. Ký sự phim ảnh cho ta hình dung phố xá Tắc Cậu thịnh vượng, đò chở học sinh qua lại với những tà áo trắng, với hàng quán đầy người, với các người làm nghề biển bận rộn khuân vác hải sản. Ða số dân ở đây là người Tiều Châu, nhưng đã lâu đời định cư với nhiều thế hệ đi qua nên hầu như mọi người dân đều nói tiếng Việt. Từ Tà Niên đi ngược ra Rạch Sỏi cũng không xa. Ðó là một thị trấn sầm uất đứng thứ ba sau Rạch Giá và Hà Tiên của toàn tỉnh Kiên Giang, nằm trên tuyến quốc lộ từ Sài Gòn xuống. Thời chiến tranh chống Pol Pot, thấy những đoàn xe Molotova với đại pháo màu xanh lá cây xâm nhập Kampuchia từ tuyến đường này. Từ Rạch Sỏi có bến ghe đò đi Miệt Thứ, Xẻo Quao, Xẻo Nhàu, ở Cà Mau. Những xẻo nhỏ và rạch thứ mấy đó cho ta hình dung vùng U Minh Hạ Cà Mau có nhiều công trình xẻ đất cho nước rửa phèn thoát ra Vịnh Thái Lan, đã có từ thời đi khai hoang mở cõi. Ký sự phim ảnh cho ta thấy con sông Trẹm tẽ ra những con kinh nhỏ mang tên rạch thứ 3 thứ 7 đi Xẻo Quao, thứ 8 thứ 9 thứ 10 đi tới biển, nhưng dọc dài bờ kinh vẫn thấy chòm xóm rải rác. Lại còn có rạch thứ 9 rưỡi hay xẻo để chỉ những giòng nước chưa đáng mang tên rạch, nhưng vẫn ngày đêm góp công rửa phèn và đẩy nước mặn đi bớt về vịnh biển. Cô gái miền sông nước Cửu Long về đây quả là vì tình yêu, đường sá cách trở bảy tám chục năm về trước nên đâu có cha mẹ nào muốn gả con đi xa, ngày nay nghe câu hát dân ca sao mà buồn:
Em yêu anh nên đành xa xứ
Xuôi ghe chèo Miệt Thứ Cà Mau
Ðêm đêm ra đứng hàng ba
Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn
Bông bần rụng trắng bờ sông
Lấy chồng xa xứ khó mong ngày về. (Trích trong ca-từ của Hà Phương)
Trần Văn Nam
City of Walnut, California