Thân Thế và Sự Nghiệp của George Washington (1732 – 1799)
(TC: The American Nation, tr. 106)

Dường như Washington sinh ra để trở thành một vị lãnh đạo có công lao lớn nhất dẫn dắt Cuộc Chiến Cách Mạng Châu Mỹ tới thành công. Ông thực sự xứng đáng được mọi người Hoa Kỳ gọi là “Cha của Ðất Nước” – “Father of His Country”.
Ông sinh ngày 22.2.1732 trong một gia đình trồng trọt thuốc lá giàu có ở Westmoreland, Virginia. Cha mẹ ông sở hữu chừng 10 ngàn mẫu và khoảng 50 nô lệ. Ông đối xử với các nô lệ rất tử tế và lịch sự, và không bao giờ đặt vấn đề ông có quyền sở hữu nô lệ. Ông không theo học chính thức trường lớp nhiều, nhưng có thầy dạy kèm (tutors), đặc biệt dạy ông về Công dân giáo dục. Ông siêng năng và rất kỷ luật.
Ông có một thân thể rất tráng kiện như cha ông: cao 6 feet và cân nặng 200 pounds. Giống như các bạn đồng lứa, ông rất ngưỡng mộ các vị anh hùng của thời Cộng Hòa La Mã tỉ như Cato the Young, nổi tiếng về tính thật thà và tận tụy với công vụ.
Ông không thích môn Văn nhưng giỏi Toán. Từ nhỏ đã có khiếu về khảo sát địa hình (survey). Năm 1749, ông làm trắc địa viên (surveyor) cho công ty Culpeper.
Năm 1752, ông gia nhập dân quân Virginia. Ông được phái tới Ohio River Valley ở Đông Pennsylvanyia để tấn công một lực lượng nhỏ của Pháp để khởi sự Cuộc Chiến Pháp và Thổ Dân (French & Indian War) và trở thành Tư Lệnh của dân quân Virginia (1755- 58). Cuối 1758, ông từ nhiệm nghĩa vụ này vì: là một dân Mỹ Châu, ông sẽ không thể thăng tiến trong quân đội Anh Quốc mặc dầu ông dũng cảm và có tài quân sự.
Ông chuyển sang sự nghiệp chính trị bằng cách nhận một ghế trong Hạ Viện của nhóm Burgesses (Ðại Biểu Thị Xã, 1759- 74), làm thẩm phán tòa hòa giải (1760- 74), quản lý sở đất Virginia của ông ở Mount Venon, và cưới bà Martha Dandrid ngày 6.1.1759.
Khi cuộc Cách Mạng Châu Mỹ sắp bùng nổ trong giữa những năm 1770, ông đắc cử vào Quốc Hội Lục Ðịa Kỳ I (1774 – 75). Ngày 15.6.1775, Quốc Hội Lục Ðịa Kỳ II bổ nhiệm ông là Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Lục Ðịa. Ông nắm quyền chỉ huy vào ngày 3.7.1775. Ông đã xây dựng từ những binh đoàn kém huấn luyện và thiếu trang bị thành những đơn vị có kỷ luật và tác chiến tốt, và bảo vệ được Boston (1776). Tuy nhiên ông suýt bị tiêu tan sự nghiệp vì thất trận ở Long Island.
Sau những thành công trong các trận ở Trenton và Princeton, ông gỡ được một chút tín nhiệm. Ông tránh khỏi được một toan tính bãi nhiệm ông. Trong các năm 1777- 78, ông rút các đơn vị về thủ ở Valley Forge. Nhờ kết đồng minh với Pháp (1778) và Tây Ban Nha (1779), lực lượng của ông chiếm được Yorktown (1781). Khi hòa bình ký kết (1783), ông từ chức trở về trang trại ở Mount Vernon.
Bất bình với những Ðiều Khoản về Liên Hiệp Chế (Confederacy) 1781, ông đóng vai trò chính trong nỗ lực bảo vệ chấp nhận Hiến Pháp Hiệp Chủng Quốc và được Quốc Hội nhất loạt bầu làm vị Tổng Thống đầu tiên. Ông làm lễ nhậm chức Tổng Thống vào ngày 30 Tháng 4, 1789. Tin tưởng mãnh liệt vào một chính quyền trung ương mạnh, ông thành lập ngành tư pháp liên bang (1789) và một ngân hàng quốc gia (1791). Năm 1792, ông lại được Quốc Hội nhất loạt bầu làm Tổng Thống nhiệm kỳ hai.
Trong nhiệm kỳ hai, nhìn thấy đã có nhiều dấu hiệu chia rẽ đảng phái, TT Washington đã đưa ra lời tiên đoán rằng “đất nước sau này chắc chắn sẽ rơi vào nạn chia rẽ đảng phái rất trầm trọng” và trong bài diễn văn từ giã cuối nhiệm kỳ hai vào tháng 9, 1796, ông phát biểu sẽ không nhận đề cử làm Tổng Thống cho nhiệm kỳ ba và ông biện bác cho một quốc gia đoàn kết hơn là chia rẽ bởi các đảng phái, bởi các chính sách kinh tế, hay đối ngoại. Hết nhiệm kỳ hai, ông trở lại Mount Vernon vui thú điền viên.
Với đức tính liêm khiết, lòng kiên nhẫn, trái tim yêu công lý, và tinh thần trách nhiệm cao, ông là một vị lãnh đạo vĩ đại và rất xứng đáng với danh hiệu “Cha của Ðất Nước”. Ông qua đời ngày 14.12.1799.
Nhưng Cuộc Chiến Cách Mạng giành độc lập thành công hẳn nhiên còn nhờ tới những bài luận thuyết nẩy lửa của những nhân vật tài ba viết làm bùng lên khí thế đấu tranh rất mãnh liệt và kiên cường của đông đảo quần chúng.
Ảnh Hưởng của Bản Tham Luận “Common Sense” của Thomas Paine (1737- 1809)
Thomas Paine sinh trưởng ở Anh và là một nhà văn cấp tiến, một khuôn mặt lãnh đạo của Cuộc cách Mạng Mỹ Châu. Ông di cư sang Mỹ Châu năm 1774. Hơn 150 ngàn ấn bản tham luận (pamplet) Common Sense (Ý Thức Chung) rất có ảnh hưởng của ông được bán ra năm 1776 thúc đẩy các thuộc địa tuyên bố hoàn toàn độc lập. Ông gọi Anh Hoàng George III là “Bạo Chúa” (Royal Brute) và nói với những người còn e ngại, sợ sệt: “Một chính quyền của chính chúng ta là quyền tự nhiên của chúng ta” (A government of our own is our natural right”).
Ông nhấn mạnh: “Hỡi nhân loại yêu quý! Chúng ta dám chống không phải chỉ với sự bạo ngược mà chống ngay cả tên bạo ngược nữa” (O! ye that love mankind! Ye that dare oppose not only tyrany but the tyrant itself!).
Bản Common Sense ảnh hưởng mạnh trong Quốc Hội. Tháng 3, 1776, Quốc Hội phái các tầu võ trang chống thương thuyền Anh; cho mở các cửa cảng châu Mỹ cho tầu ngoại quốc vào; thúc đẩy các đại hội tỉnh hình thành hiến pháp và chính quyền tiểu bang. Ngày 7.6.1976, Richard Lee đưa ra bản quyết nghị của đại hội Virginia như sau:
Quyết Nghị: Rằng các thuộc địa thống nhất là và có quyền là những tiểu bang tự do và độc lập; rằng các thuộc địa xóa bỏ hết mọi liên thuộc với Vương Quốc Anh; và rằng mối liên lạc chính trị giữa các thuộc địa và Anh Quốc thì và phải là hoàn toàn giải tán.
Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ
Ðể chính thức tuyên bố cắt đứt mọi dính líu và lệ thuộc vào mẫu quốc, Quốc Hội Lục Ðịa thành lập một nhóm gồm năm nhân vật: Thomas Jefferson, Benjamin Flanklin, John Adam, Roger Sherman, và Robert Livingston với nhiệm vụ soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập. Thomas Jefferson được coi như là soạn thảo viên chính vì ông là một luật gia có văn tài và thông minh. Sau đó ông được cử làm Thống Ðốc bang VA (1779- 81) và bầu làm Tổng Thống hai nhiệm kỳ (1801 – 1809).

Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập (Declaration of Independence) được ký kết ngày 4 tháng 7 năm 1776 là một văn kiện đánh dấu kỷ nguyên mới của nhân loại trong thế kỷ 18 nói lên tiếng nói đoạn tuyệt với chế độ quân chủ để xây dựng một chính thể mới gọi là chính thể cộng hòa (the republic) với nội dung quyền hành của đất nước là của toàn dân. Ý niệm này xuất phát từ những tư tưởng trong các luận thuyết của các triết gia điển hình là Jean Jacque Rousseau (Pháp) viết cuốn “Nguồn Gốc của Sự Bất Bình Ðẳng của Con Người (Origin of Inequality of Man, 1755).
Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ vang dội khắp thế giới. Ðặc biệt là ở Pháp, Cuộc Cách Mạng 1789 đã đưa ra bản tuyên ngôn tương tự gọi là Tuyên Ngôn của Pháp Quốc về Quyền của Con Người (French Declaration of the Rights of Man).
Nội dung Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ như sau:
Chúng tôi coi những sự thật sau đây là hiển nhiên rằng mọi người sinh ra là bình đẳng, rằng Tạo Hóa ban cho họ một số quyền bất khả chuyển nhượng, rằng trong những quyền đó có quyền Sống, quyền Tự Do, và quyền theo đuổi Hạnh Phúc. Rằng để bảo đảm những quyền này, Chính Quyền phải được xây dựng bởi luật pháp và quyền hạn chính đáng của chính quyền phải xuất phát từ sự đồng ý của những người dân. Rằng bất cứ khi nào bất cứ một hình thức chính quyền trở nên phá hoại đối với những cứu cánh này thì người dân có quyền thay đổi hay hủy bỏ chính quyền đó, và thiết lập chính quyền mới. ...
Ngoài những lực lượng kiên cường và các bài viết hùng hồn, cuộc chiến giành độc lập cho Mỹ Châu còn dựa vào sự góp sức hết lòng của phụ nữ Hoa Kỳ. Họ đã toàn bộ đứng lên làm những công tác nâng cao tinh thần binh sĩ lúc đó đang xuống thấp và phải lui về tái bố trí ở Valley Forge.
Lòng Ái Quốc của Các Bà trong Cuộc Cách Mạng Mỹ Châu
Thật ra không phải tất cả mọi người đều hưởng ứng ngay phong trào cách mạng. Trái lại còn khá nhiều phân tử trung thành với mẫu quốc gọi là “bảo hoàng” (loyalists) vì tâm lý sợ hãi thế lực còn mạnh của Anh Quốc và vả lại họ chưa ý thức được thế nào là hạnh phúc, là tự do, và bình đẳng bởi vì họ đã quá quen với những nếp sống cũ: phục tùng và chịu đựng. Ngay cả đối với mười ba tiểu bang bỏ phiếu biểu quyết cho bản Tuyên ngôn Ðộc Lập, cũng chỉ có chín đại biểu bỏ phiếu thuận; còn hai đại biểu bỏ phiếu chống là Pennsylvania và South Carolina và hai đại biểu lưng chừng là Delaware và New York.
Cuộc chiến ban đầu gây nhiều tổn thất cho thuộc địa vì quân số ít và trang bị thiếu thốn. Tin về quân Anh đã chiếm Chaleston, South Carolina, truyền tới Philadelphia trong tháng Năm, 1780, chính quyền và các thương gia lập tức tìm mọi cách gây quỹ yểm trợ cuộc chiến và nâng tinh thần của binh đội. Bỗng có một cuộc vận động không ai ngờ được là các bà ở Phila lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đứng ra lập hội nhằm kêu gọi tất cả các thuộc địa yểm trợ cuộc chiến. Cuộc vận động bắt đầu từ ngày 10.6.1780 và người có sáng kiến lập hội này là bà Esther de Berdt Reed 33 tuổi và là một người yêu nước kiên cường viết một bài vận động tâm lý có nhan đề là “Tâm Tình của một Phụ Nữ Mỹ” (The Sentiments of An American Woman) và trở thành chủ tịch của Hội Của Quý Bà (Ladies Association).
Trong bản “Tâm Tình”, bà Berdt xác định rằng phụ nữ Mỹ phải cương quyết làm nhiều hơn là hứa suông (barren wishes). Bà nêu lên sự nghiệp vĩ đại của vị nữ anh hùng Joan of Arc của Pháp (1412 – 1431), người nữ nông dân nghèo đã đứng lên hô hào giải phóng nước Pháp khỏi Anh Quốc. Bà hô hào phụ nữ Mỹ nên từ bỏ “các món trang sức tầm thường” (vain ornaments) và dành món tiền mua sắm quần áo lòe loẹt hay làm tóc kiểu để mua quà tặng cho binh sĩ gọi là “quà của Quý Bà” (the offering of the Ladies).
Lời kêu gọi này được đáp ứng ngay lập tức. Ba ngày sau khi bài “Tâm Tình của Một Phụ Nữ” xuất hiện, ba mươi sáu bà ở Philadelphia hội lại để quyết định làm thế nào tiến hành những đề xuất của bà Berdt. Những quyết nghị của họ in trong một phụ chương của bài Những Tâm Tình đăng tải trên báo Pennsylvania Zazette ngày 21.6.1780. Bản kế hoạch có nhan đề “Những ý kiến, liên quan tới cách gửi tới các binh sĩ Mỹ, các món quà của các phụ nữ Mỹ” và bản kế hoạch không đề nghị gì hơn là động viên toàn bộ nữ giới. Những đóng góp sẽ được nhận từ bất cứ một phụ nữ nào với bất kỳ số lượng nào. Môt “Nữ Thủ Quỹ” sẽ được chỉ định trong mỗi quận kiểm tra thu góp tiền bạc, ghi cẩn thận tất cả những khoản tiền thu. Kiểm tra những công việc của những nữ thủ quỹ quận sẽ là phu nhân của Thống Ðốc trong chức vụ “Nữ Tổng Thủ Quỹ”. Nhất loạt, tất cả các món quyên góp sẽ được gửi cho Martha Washington (phu nhân của George Washington) để tặng binh sĩ.
Công tác quyên góp được tiến hành ngay. Thành phố Phila chia thành mười khu, mỗi khu có hai tới năm bà phụ trách. Từng cặp vận động viên như vậy đi đến từng nhà quyên góp không trừ một ai. Nhóm vận động viên bao gồm đủ thành phần xã hội. Vào đầu tháng Bảy, số tiền lạc quyên lên tới ba trăm ngàn đô la thuộc địa ($300, 000. dollars thuộc địa). Trong tháng Bảy, báo chí khắp nơi tái đăng bài “Những Tâm Tình” kèm theo kế hoạch chi tiết về lạc quyên.
Các bà ở Trenton, New Jersey, là nhóm đầu tiên theo gương Philadelphia. Họ cũng cho đăng tải bài kêu gọi lấy tên là “Tâm Tình của Các Bà ở New Jersey”. Trung tuần tháng Bẩy, New Jersey chuyển số tiền khởi thủy $15,500. cho George Washington. Ở Maryland, hội các bà gửi $16,000. mới chỉ quyên góp ở thành phố Annapolis thôi. Chủ bút báo Pennsylvania Packet viết một bài đặc biệt gửi cho cư dân Matyland: “Phụ nữ ở mọi nơi trên hoàn cầu đang mắc nợ các phụ nữ ở Mỹ Châu vì họ đã tỏ ra rằng nữ giới có khả năng làm công đức chính trị cao nhất.” (the women of every part of the globe are under obligations to those of America for having shown that females are capable of the highest political virtue).
Số tiền quyên góp đã được dùng để làm gì? Kế hoạch sử dụng tiền quyên góp của các bà rất khác với kế hoạch của vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội, George Washington. Ông muốn làm các áo sơ mi cho binh sĩ hơn bất cứ các món quà nào khác. Nhưng bà Esther Reed báo cáo rằng không những vải rất khó kiếm mà hơn nữa Pennsylvania đang có kế hoạch gửi hai ngàn áo sơ mi cho binh sĩ và hàng đã được chở từ Pháp qua nhiều rồi. Bà thêm rằng một số người đưa ý kiến là đổi hết số tiền ra dollar nặng và tặng cho binh sĩ mỗi người hai đồng để tùy nghi sử dụng. Tuy nhiên, bà viết thêm cho vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội, George Washington, rằng nếu binh sĩ còn cần sơ mi thì Hội Các bà sẽ dành một khoản tiền để thực hiện.
Washington trả lời đại ý rằng: tặng tiền có thể sẽ tạo cho binh sĩ phạm ký luật nếu họ uống rượu. Nếu quý bà muốn sử dụng tiền tặng giữ làm phước đó tốt đẹp, thì nên mua sơ mi tặng cho binh sĩ. Rút cục các bà thực hiện đúng ý Washington. Bất hạnh thay, công việc chưa thực hiện xong thì bà Esther de Berdt qua đời vì bịnh kiết lỵ (1780) và công việc điều hành hội trao cho bà Sarah Flanklin Bache (con gái của Benjamin Flanklin) đảm nhiệm. Cho tới đầu tháng 12 thì đã hoàn tất hơn 2000 sơ mi có in tên của một bà đã lập gia đình hay chưa lập gia đình may tấm áo đó. Cuối tháng 12, số sơ mi được trao cho viên Tổng Quân Nhu ở Philadelphia.
Một người dân Philadelphia giấu tên viết: “Tôi thú nhận rằng chúng tôi đã tiến hành công việc một cách nghiêm trang và với lý do cao quý. Chúng tôi hy sinh từng giờ phút mà chúng tôi có thể dành ra từ những công việc nhà cho công ích. Chúng tôi quên tất cả những mệt nhọc vì sung sướng và hãnh diện là trong khi các binh sĩ chịu gian khổ và hiểm nguy trên chiến địa để bảo vệ chúng tôi thì chúng tôi ở nhà chỉ làm những lao động nhỏ thôi nhằm tạo những phút thoải mái và làm nhẹ đi những nỗi nhọc nhằn của họ.”
Tóm lại, Cuộc Chiến Cách Mạng Châu Mỹ mở đầu một kỷ nguyên mới của nhân loại, kỷ nguyên của Tự Do, Bình Ðẳng, và Tiến Bộ với một quốc gia mới, rất trẻ trung được khai sinh, đó là Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States of America). Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập minh định “Mọi người sinh ra bình đẳng” và “Quyền hạn của chính quyền phải xuất phát từ sợ đồng ý của người dân”. Ðó là những tư tưởng hoàn toàn mới mẻ và đầy hấp dẫn khi mà những hình thức và tập tục của chế độ quân chủ vẫn còn ngự trị trong tâm trí nhiều người.
Pháp là nước đầu tiên noi gương Hoa Kỳ tiến hành Cuộc Cách Mạng Pháp 1789 nhằm triệt hạ chế độ quân chủ của Louis XVI và nhân ngày lễ Ðộc Lập của Hoa Kỳ thứ 100, nước Pháp tặng Mỹ Quốc bức Tượng Nữ Thần Tự Do hiện đặt trong cảng New York.
Hoa Kỳ vẫn phải tự cho mình trách nhiệm bảo vệ và phát huy những lý tưởng nêu trong bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập trên mô hình toàn cầu trong ý niệm về Một Nền Trật Tự Thế Giới Mới (A New World Order).
William B. Hoàng