User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

DTL

Trong bài này, tôi muốn ghi lại những thành quả tích cực mà chánh quyền và nhân dân ở miền Nam đã đạt được trong mấy năm sau khi hòa bình được lập lại vào năm 1954.

Xin lần lượt trình bày tóm lược như sau đây.

I – Bối cảnh tổng quát ở miền Nam sau năm 1954.

Vào ngày 20 tháng Bảy năm 1954, Hiệp Định Genève được ký kết quy định việc chấm dứt cuộc chiến tranh tại Đông Dương 1946 – 1954 và kéo theo sự phân chia nước Việt nam thành hai miền Nam/Bắc với vĩ tuyến 17 nơi con sông Bến Hải được dùng làm ranh giới. Miền Bắc do người cộng sản cai trị. Miền Nam thuộc quyền của chánh phủ quốc gia.

Tại miền Nam, thì một trong những công việc nặng nhọc nhất đối với chánh quyền là phải lo tiếp nhận và định cư cho cả triệu đồng bào di cư từ miền Bắc vào. Thứ đến là việc tiếp quản những vùng do Việt minh cộng sản để lại trước khi họ tập kết ra miền Bắc – điển hình như Liên Khu V gồm có các tỉnh ở miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Hay một số khu vực thuộc Miền Tây Nam Bộ như Cà Mau, rừng U Minh v.v…

Đồng thời chánh quyền cũng phải tìm cách ổn định tình hình chính trị nội bộ bằng cách dàn xếp những sự mâu thuẫn bất đồng giữa chính quyền trung ương với các phe nhóm chính trị và lực lượng võ trang của các giáo phái và tổ chức Bình Xuyên.

Và may mắn làm sao, chỉ sau dăm ba năm xã hội miền Nam đã tương đối đi vào nền nếp an ninh trật tự và người dân khắp nơi có sự tin tưởng để bắt đầu công cuộc tái thiết và lần hồi xây dựng được một cuộc sống an lành sung túc thịnh vượng.

Nói chung, thì nhờ sự trợ giúp tích cực của các quốc gia dân chủ Âu Mỹ và đặc biệt là nhờ khỏan viện trợ dồi dào của chánh phủ và nhân dân nước Mỹ, mà nền kinh tế của miền Nam đã hồi phục rất mau lẹ, giá cả thị trường luôn ổn định, công ăn việc làm thật dễ kiếm v.v… Nhờ đó mà một cách tương đối dân chúng đã có được một cuộc sống ấm no, con cái có cơ hội được đi học hành thỏai mái, người bệnh tật được chăm sóc y tế chu đáo và các tín đồ được tự do hành đạo tùy theo tín ngưỡng riêng của mỗi người v.v…

II – Công cuộc tái thiết và xây dựng tại miền Nam.

Dưới đây, ta sẽ lần lượt ghi lại những nét chính yếu của việc tái thiết và xây dựng quốc gia về mọi mặt trong khỏang thời gian 6 – 7 năm khi hòa bình được lập lại tại miền Nam bắt đầu vào giữa năm 1954.

A – Xây dựng cơ cấu chánh quyền trung ương và địa phương.

Vào năm 1956, bản Hiến Pháp đầu tiên của chánh quyền quốc gia đã được ban hành, đó là cơ sở pháp l‎y căn bản để làm nền móng xây dựng thể chế dân chủ cho nền Cộng Hòa non trẻ của Việt Nam. Và rồi lần hồi các cơ chế chính trị, hành chánh và tư pháp đã được kiện tòan để hòan thiện lề lối sinh họat dân chủ cho quốc gia từ cấp trung ương đến các cấp địa phương ở tỉnh, huyện và xã.

Vấn đề đào tạo nhân sự cho guồng máy chính quyền cũng như cho quân đội được chú trọng đặc biệt – với sự tăng cường việc huấn luyện sĩ quan, hạ sĩ quan để làm nòng cốt cho một quân đội thống nhất – cũng như mở những trường huấn luyện viên chức cao cấp và trung cấp trong các lãnh vực giáo dục, kinh tế, y tế, hành chánh v.v… Cụ thể như về quân sự thì có Trường Võ Bị Đà lạt, Liên Trường Sĩ Quan Thủ Đức, Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang … Về dân sự, thì có Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, các Viện Đại Học ở Sài gòn, Huế, Đà lạt v.v…

Điều đáng ghi nhớ nhất trong lãnh vực này là : Tuy về mặt chính trị Việt nam đã dứt khóat dành lại được chủ quyền độc lập cho đất nước mình rồi, nhưng vẫn tiếp thu những tiến bộ của thế giới văn minh hiện đại, cụ thể như vẫn sử dụng những định chế xã hội đã được thiết lập từ lâu dưới thời thuộc địa của Pháp – miễn là những định chế đó không đi ngược lại với chủ quyền tối thượng của dân tộc. Cụ thể như hệ thống các Tòa Thượng Thẩm, Sơ Thẩm, Tòa Án Hành Chánh, Tham Chính Viện hay chương trình giảng dậy trong các trường Đại học, Trung học, kể cả một số văn bản luật pháp v.v…, thì vẫn được tiếp tục sử dụng bình thường ngay từ những năm 1949 – 50 khi bắt đầu được chuyển giao cho chánh quyền quốc gia do Quốc Trưởng Bảo Đại đứng ra lãnh đạo. Nhờ vậy, mà xã hội tránh bớt được những xáo trộn không cần thiết.

Về mặt đối ngọai, Việt Nam Cộng Hòa đã thiết lập được mối liên lạc thân hữu với hầu hết các quốc gia trong Khối Dân Chủ Tự Do khác biệt hẳn với Khối Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Đó là một sự kiện tiêu biểu của tình trạng phân chia giữa các dân tộc trên thế giới do cuộc chiến tranh lạnh gây ra.

B – Phát triển kinh tế.

Sau những năm chiến tranh lọan lạc, người dân lại trở về nơi thôn xóm hay đô thị và phấn khởi cùng nhau chung sức trong việc kinh doanh làm ăn nhằm xây dựng lại nền kinh tế gia đình cũng như của tập thể xã hội. Nhờ chính sách tự do kinh doanh, nên các sáng kiến cá nhân của giới doanh nghiệp có được nhiều thuận lợi để khai triển áp dụng trong những vụ đầu tư sản xuất cũng như thương mại.

Đặc biệt phải kể đến những dự án có quy mô thật rộng lớn nhằm khai hoang, phát triển nông nghiệp do chánh quyền bỏ rất nhiều vốn liếng và công sức ra để tạo công ăn việc làm cho giới nông dân. Điển hình như khu dinh điền Cái Sắn ở Long Xuyên, Rạch Giá hay tại các vùng rừng núi ở miền Cao nguyên Trung Phần v.v…

Về mặt công kỹ nghệ cũng vậy, rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất mới đua nhau được thiết lập nhằm chế biến các sản phẩm tiêu dùng cho thị trường nội địa mỗi ngày càng mở rộng thêm. Điển hình như tại Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều nhà máy sản xuất với máy móc thiết bị hiện đại. Các lọai tiểu thủ công nghệ cũng được khuyến khích để thu hút thêm số nhân công thặng dư từ khu vực nông nghiệp.

Về thương mại, thì sự phát triển lại càng rầm rộ hơn cả về lọai kinh doanh buôn bán nhỏ, cả về lọai buôn bán lớn, nhất là ngành xuất nhập cảng. Đặc biệt, phải kể đến mục được gọi là chương trình “Viện trợ thương mại hóa” (Aide commercialisée) do Cơ quan Viện trợ Mỹ điều hành để tài trợ các vụ nhập cảng hàng hóa từ nước ngòai bằng cách phía Mỹ cấp dollar để giúp giới nhập cảng có ngọai tệ thanh tóan cho nơi cung ứng hàng hóa. Và đổi lại nhà nhập cảng chỉ phải hòan trả lại bằng tiền đồng Việt nam – số tiền này được xung vào Quỹ Đối Giá (Fonds de contrepartie). Đó là cách thức viện trợ của chánh phủ Mỹ nhằm giúp cho chánh phủ Việt nam có thêm tài nguyên để sử dụng vào các khỏan chi tiêu trong khuôn khổ của ngân sách quốc gia.

C – Đặc tính của nền kinh tế hỗn hợp gồm cả Đầu tư của Nhà nước và Đầu tư của Tư nhân (Économie mixte).

Cũng như tại các quốc gia dân chủ tự do trên thế giới, chính quyền tại miền Nam vẫn duy trì và tôn trọng quyền tư hữu về ruộng đất cũng như về các lọai tài sản khác. Và luôn luôn khuyến khích việc tự do kinh doanh để cho giới doanh nhân có được mọi cơ hội thuận lợi trong việc phát huy sáng kiến tổ chức và điều hành những công ty xí nghiệp của mình.

Tuy nhiên, vì vào thời đó vốn liếng của tư nhân chưa có được bao nhiêu, cho nên họ không thể bỏ vốn đầu tư vào các doanh nghiệp tầm cỡ lớn hoặc ít có khả năng đem lại lợi nhuận chắc chắn. Do đó mà đích thân nhà nước phải đứng ra bỏ vốn đầu tư vào những công ty xí nghiệp có khả năng đáp ứng nhu cầu thiết thực của công chúng. Cụ thể như những công ty về điện, nước, về nhà ở như Doanh Lý Kiến Thiết, Gia Cư Liêm Giá Cuộc, về chuyên chở công cộng như Công Quản Xe Bus Sài gòn, về chuyên chở hàng không như Air Vietnam, về chuyên chở đường xe lửa như Hỏa Xa Việt nam, như Mỏ Than Nông Sơn, Nhà Máy Xi măng Hà Tiên v. v…

Những công ty, xí nghiệp này cũng thường được thiết lập ở nhiều quốc gia bên Âu Mỹ, điển hình như tại Pháp, thì người ta gọi đó là “những công lập sở có tính cách thương mại và kỹ nghệ” (établissements publics à caractère commercial et industriel).

Dĩ nhiên, khi nào giới doanh nghiệp tư nhân có đủ vốn liếng và kỹ năng chuyên môn để tham gia đầu tư vào các lãnh vực này, thì nhà nước sẵn sàng nhường lại cho các doanh gia đó đứng ra kinh doanh khai thác các ngành ấy. Đó là thể thức thường gặp tại nhiều quốc gia ngày nay mà được gọi là “tư nhân hóa” các doanh nghiệp vậy (privatisation).

D – Phát triển văn hóa, giáo dục và y tế.

Phải ghi nhận rằng trong thời gian này, chánh quyền đã có những cố gắng rất lớn lao trong việc xây dựng thêm nhiều cơ sở giáo dục cũng như y tế ở khắp các địa phương, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Số học sinh các cấp tiểu học, trung học đã gia tăng thật đáng kể. Và số sinh viên đại học cũng mỗi ngày một đông đảo hơn trước rất nhiều.

Về y tế, đặc biệt có Chương Trình Diệt Trừ Sốt Rét đã giúp đem lại một môi trường lành mạnh cho các vùng vốn xưa kia bị ô nhiễm vì muỗi mòng và đủ các lọai ký sinh trùng độc hại.

Nhưng điều khác biệt hẳn với chế độ độc tài toàn trị của đảng cộng sản ở miền Bắc, đó là tại miền Nam khu vực Xã hội Dân sự được tự do phát triển để góp phần mở mang về các mặt giáo dục, y tế cũng như văn hóa tinh thần. Điển hình là các tổ chức tư nhân như Hội Hướng Đạo, Hội Hồng Thập Tự, Hội Văn Hóa Bình Dân, Hội Thanh Niên Thiện Chí và vô vàn vô số những nhóm, những đòan thể tự nguyện xuất phát từ các tổ chức tôn giáo v.v…, thì tất cả những tổ chức phi chính phủ đó (NGO = Non-Governemental Organisations) đều được nhà nước khuyến khích hỗ trợ để họat động nhằm đem lại những lợi ích cụ thể và thiết thực cho từng cộng đồng địa phương.

Với bàu không khí thông thóang cởi mở như thế đó, mọi tầng lớp dân chúng được mặc sức khai triển những sáng kiến và tài năng của mỗi cá nhân cũng như của từng tập thể – để góp phần tô điểm cho xã hội mỗi ngày thêm tươi vui khởi sắc trong tinh thần nhân bản hòa ái và liên đới tương trợ lẫn nhau. Đó chính là sự tiếp nối cái nền nếp văn hóa đạo đức truyền thống mà cha ông chúng ta đã bao nhiêu đời dày công vun đắp xây dựng lên.

Đoàn Thanh Liêm