User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

VietLuan

(Bìa báo Xuân Việt Luận Úc Châu 2018 và bài tản mạn của nhà văn Nhật Tiến)

Hơn 50 năm trời đã trôi qua, tuy không phải là xa lắm nhưng cũng có thể gọi được là xưa. Vào cái thời ấy, tức khoảng thời gian của những năm tiếp cận của hai thập niên 40 và 50, thế hệ chúng tôi đã từng được trải qua những mùa xuân có nhiều điều đáng ghi nhớ. Vui vẻ, hồn nhiên, háo hức và tràn đầy những kỷ niệm khó phai mờ.

Niên học 1948-1949, tôi là một học sinh lớp Nhất ở trường Nguyễn Du, ở phố hàng Vôi nên còn gọi là trường Hàng Vôi, Hà Nội. Thầy dạy tôi năm đó là thầy Quỳnh, một ông thầy nghiêm khắc, ít cười nhưng yêu thương, lo lắng cho học trò hết mực.  Hồi ấy hãy còn duy trì kỳ thi Tốt nghiệp bậc Tiểu Học dành cho học trò lớp Nhất. Nhà thầy Quỳnh ở mãi ngoại ô gần khu Bạc Mai, nhưng khi gần tới kỳ thi, thầy bắt học trò đi học sớm thêm một giờ để luyện 2 môn Toán và Luận.

Ðã gần tới mùa hè, trời nóng như đổ lửa, thầy phải đạp xe đi dạy từ lúc hơn 12 giờ. Tới trường, các lớp chiều còn vắng hoe, vậy mà riêng lớp của thầy, bọn học trò gần 50 đứa đã cặm cụi ngồi làm bài, soạn bài, mọi người đều im phăng phắc. Chỉ còn nghe tiếng ve sầu kêu rộn rã ngoài khung cửa sổ mang cái nôn nao, háo hức của những tháng hè nhưng đồng thời cũng tràn đầy những cảm giác lo lắng hồi hộp vì kỳ thi sắp tới. Cuốn 280 Bài Tính Ðố của thầy Nguyễn Văn Tòng, cuốn sách quy tụ những bài toán Số học luyện thi từ dễ đến khó, bọn chúng tôi đã giải gần hết. Còn môn Luận thì khỏi nói, thầy Quỳnh tập trung vào những đề tài bình giải các câu ca dao, tục ngữ như: “Hữu chí cánh thành”, “Học thầy không tầy học bạn”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”..v..v.. để cho bọn học trò tuy còn lau nhau nhưng quen thuộc với lối hành văn biện luận, bình giải.

Công khó của thầy Quỳnh quả đã không phí uổng. Năm đó, đề thi môn văn khá hóc búa:

“Bình giải câu: Quân tử cầu ở mình, Tiểu nhân cầu ở người”, học trò các trường rớt la liệt, thế mà lớp của Thầy Quỳnh chỉ rớt có bốn đứa! Ðây là một thành tích vẻ vang do nỗ lực của cả thầy lẫn trò, nhất là thầy, vì ông luôn luôn mang cái tâm trạng lo lắng của một bà mẹ sắp sửa phải đẩy đàn con vào cuộc đời mà lòng vẫn áy náy sợ chúng chưa đủ lông đủ cánh. Vì thế, dù mệt mỏi, tốn sức bao nhiêu, thầy cũng không ngần ngại, miễn sao khi lũ học trò ra khỏi tầm tay của mình, đứa nào cũng phải có một căn bản vững vàng như thầy mong mỏi.

Nhưng kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất của tôi trong năm học này là Buổi Văn Nghệ Tất Niên do bọn chúng tôi có sáng kiến tổ chức nhân dịp đón Xuân về. Khi chúng tôi nêu sáng kiến này để xin phép thầy Quỳnh, thầy đã hoan hỉ bằng lòng ngay. Lại dặn rằng phải đưa cho thầy coi bảng ghi các tiết mục trước 10 ngày để thầy góp ý.

Ui, chương trình buổi tổ chức được mấy tên đầu sỏ trong lớp “vẽ” ra  đủ thứ hết. Có chào cờ, mặc niệm, có diễn văn Chúc Xuân các Thầy, có Sớ Táo Quân, có kịch vui lại thêm các màn đồng ca, đơn ca xen kẽ nữa. Thầy Quỳnh chấp thuận hết và ra lệnh chỉ được tổ chức riêng trong lớp học, có mời đại diện các lớp khác nhưng không mời các phụ huynh. Quan khách, ngoài thầy Quỳnh sẽ còn có thêm Thầy Hiệu Trưởng với hai thầy khác cũng dạy lớp Nhất trong năm học đó mà thôi.

Rồi suốt cả tuần lễ trước ngày cả trường nghỉ Tết, bọn đầu têu ngót mười đứa chúng tôi lo chối chết, vừa soạn “diễn văn”, vừa tập kịch, tập hát. Tôi còn nhận làm Sớ Táo Quân nữa. Sáng sớm hôm khai mạc cả bọn còn chia nhau khuân cả chăn màn, thừng chão, đồ đạc ở nhà đi để căng màn làm sân khấu và trang trí cho nội dung các vở kịch. Gọi là Kịch cho xôm thôi, nhưng đó chỉ là loại Kịch lửa trại Hướng Ðạo, tức là lâu lâu đi cắm trại ngoài trời qua đêm thì chúng tôi đốt lửa trại, diễn kịch thi đua với nhau. Diễn kịch mà lại không bao giờ được sửa soạn trước, bởi vì kịch phải có nội dung theo chủ đề, mà chỉ sắp tới giờ khai mạc, các huynh trưởng điều hành mới ra chủ đề cho các vở kịch. Thí dụ như chủ đề đưa ra là “Làm việc thiện”, vậy nội dung của các vở kịch hôm đó chỉ được xoay quanh chuyện việc thiện mà thôi. Thế là các đội xúm lại bàn với nhau tìm một câu chuyện gì đó cho hợp với chủ đề rồi cắt cử các vai ra sân khấu, cứ đóng phứa đi, cốt sao diễn tả được chủ đề là xong. Kịch tuy thế mà rất vui, vui cả vì câu chuyện ngộ nghĩnh lẫn những cái ngô nghê, vụng về của diễn viên do lắm khi các cậu cứ đứng ngớ ra chờ nhau xem ai đến lượt phải nói. Nhưng chính nhờ thế mà các Hướng Ðạo Sinh thường tập được tính nhanh nhẹn, tháo vát và dạn dĩ trước đám đông.

Trở lại cái buổi tổ chức Văn Nghệ Tất Niên năm đó, sở dĩ tôi nhớ được dai dẳng mãi cho tới ngày nay, là vì hôm ấy có quá nhiều điều bất ngờ ra ngoài dự tính. Trước hết là “nội bộ” của lũ học trò lớp Nhất B chúng tôi. Ai đời sĩ số gần năm chục tên, thế mà tới hôm khai mạc, ngoài Ban tổ chức và thành phần có công tác trình diễn, còn lại bao nhiêu chúng nó chuồn ở nhà hết, không ai tới dự! Thế là chỉ trơ lại có hơn mười tên. Mà ngay cả đại diện các lớp khác dù đã được mời với nhiều lời căn dặn nhưng cũng chả thấy mống nào hiện diện.

Về mặt quan khách, vì thầy Quỳnh đã dặn không được mời phụ huynh, chỉ vui chơi nội bộ trong trường thôi, nên tính ra chỉ có ba thầy dạy ba lớp Nhất (A,B,C), thêm thầy Hiệu Trưởng nữa là bốn. Hôm ấy các thầy tới đông đủ hết, mà  lại tới đúng giờ nữa mới chết.  Nhìn khung cảnh vắng hoe của những hàng ghế kê trước sân khấu, chúng tôi vừa thấp thỏm như bị lửa đốt nơi bàn tọa, vừa thất vọng và xấu hổ với tất cả các thầy.

Thế rồi, theo lịch trình thì buổi lễ khai mạc lúc ba giờ mà quá ba rưỡi cả lớp vẫn trống trơn, cả bọn hoảng quá, lén tới gặp thầy Quỳnh xin hủy bỏ buổi diễn. Nhưng thầy đã quắc mắt lên:

– Sao lại hủy bỏ?

Rồi không cần chờ nghe chúng tôi nêu lý do, thầy ra lệnh:

– Khai mạc đi!

Thế là buổi tổ chức diễn ra đúng theo chương trình nhưng không khỏi có phần gượng gạo, tẻ nhạt vì không có sự hiện diện của đám đông. Tuy nhiên các thầy lại tỏ ra bình thản như chẳng có chuyện gì khác biệt xảy ra. Các thầy tham dự các tiết mục rất tận tình, cũng vỗ tay, cũng cũng ghé tai bàn tán với nhau biểu lộ sự chú tâm hết mình vào những tiết mục lần lượt trên sân khấu. Ðến khi bế mạc, thầy Hiệu trưởng cũng trịnh trọng đứng lên ngỏ lời cám ơn và khen ngợi tinh thần hoạt động hăng hái của chúng tôi, đã thế thầy lại còn hứa là qua năm tới, thầy sẽ bảo các lớp cùng họp nhau chung việc tổ chức cho toàn trường nữa!

Bây giờ ngẫm lại mới thấy đó là tác phong của những bậc thầy, những nhà giáo dục lão luyện với những tâm hồn bao dung, rộng lượng và đầy thiết tha với sự nghiệp giáo dục con trẻ.

Khi quan khách ra về hết, thầy Quỳnh còn nán ở lại với chúng tôi, trò chuyện về nội dung của buổi diễn và sau cùng thầy còn nhắc nhở: “Phải nên nhớ rằng ở đời không phải chuyện gì cũng suôn sẻ theo như mình dự tính. Nhưng cái gì đã tính làm rồi thì hãy quyết tâm làm cho đến cùng, không nên nản chí, bỏ cuộc nửa chừng”. Lời của thầy khiến cả đám cảm động muốn phát khóc. Dĩ nhiên, bao nhiêu nỗi bàng hoàng, lo sợ lúc trước giờ khai mạc đều tan biến hết chỉ để lại trong đầu chúng tôi một dấu ấn không bao giờ phai và tấm lòng của các thầy đối với chúng tôi tôi vẫn không hề quên mặc dù đã hơn năm chục năm trời trôi qua.

Khi đã lên Trung Học thì mỗi mùa Xuân lại mang đến cho tôi những nỗi niềm rung động khác. Vui nhất là bầu không khí sáng tác văn nghệ trong đám học sinh vào những ngày cận Tết. Thuở ấy lũ chúng tôi chưa ai qua hết bậc Trung Học Ðệ Nhị Cấp vì vẫn còn ở trong lứa mười lăm, mười sáu nhưng lòng yêu báo chí văn nghệ thì thật ồn ào, sôi nổi. Ngày ấy, nhạc sĩ Cung Tiến đã soạn nhạc, dĩ nhiên là chưa có những Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa…nhưng anh chàng Hướng đạo sinh trong Thiếu đoàn Bạch Ðằng ấy đã viết bài hát cho toàn Ðạo chúng tôi làm bài hát chính thức.

Theo tổ chức Hướng Ðạo hồi ấy, cứ 4 Ðoàn thì họp hành một Ðạo. Ðạo của chúng tôi có tên là Ðạo Ðồng Nhân, lấy địa danh của làng Ðồng Nhân (nay nằm ở phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), nơi có đền thờ Hai Bà Trưng mà chúng tôi hay tụ họp ở bãi cỏ sân trước. Bốn đoàn trong Ðạo Ðồng Nhân là Bạch Ðằng, Chí Linh, Ngô Quyền và Bình Than. Cung Tiến là Thiếu sinh Bạch Ðằng. Tôi ở Thiếu đoàn Bình Than.

Nhưng mỗi lần họp Ðạo là chúng tôi đồng ca bài do Cung Tiến sáng tác:

Sóng réo ầm vang
Sóng cuốn Ðằng Giang
Bạch Ðằng chung vai ta cùng tiến bước
Ðây Chí Linh: Bao phen lừng danh,
Trong khó khăn bên nhau liều thân: Bình Than…..

********

Thời ấy có lẽ chỉ một mình Cung Tiến có khiếu về âm nhạc. Còn hầu hết chúng tôi thì lại sính làm thơ, viết văn hơn. Trong đám học trò thời ấy, tuy chưa anh nào bước qua tuổi mười bảy, mười tám nhưng nhiều người đã có thơ, có văn, có truyện in trên báo hay thậm chí, in cả thành sách. Tôi nhớ đến anh chàng học cùng lớp Nhất với tôi, lớp của thầy Quỳnh tên là Nguyễn Ðức Cầu, chuyên lái chiếc xe đạp mà tay lái (guidon) gãy mất một bên chỉ còn một bên và chơi đàn Banjo rất giỏi. Vậy mà khi lên tới lớp Đệ Lục (năm thứ Hai bậc Trung Học) Cầu đã có bút hiệu là Hùng Phong, đã viết một phóng sự lấy tên là Con Cò Mày Ði Ăn Ðêm đăng dài nhiều kỳ trên tờ nhật báo Liên Hiệp của ông Soubrier Văn Tuyên ở Hà Nội. Nội dung của loạt phóng sự này viết về những đường dây buôn lậu từ hậu phương vào thành, mà cho tới bây giờ tôi cũng thực sự chưa hiểu cậu học sinh mười sáu tuổi này đã liều mạng cỡ nào mà chọn một đề tài đầy khó khăn nhưng lại rất hay ho ấy. Nhưng chỉ biết loạt phóng sự của Cầu đã được độc giả rất hoan nghênh.

Rồi phải kể tới Vũ Mai Anh, học trò lớp Đệ Ngũ Chu văn An, trong cặp-táp, bản thảo tiểu thuyết còn dầy hơn là những trang vở học trò. Tác phẩm đầu tay của Vũ Mai Anh năm ấy (năm 1951 – Vũ Mai Anh còn học lớp Ðệ Ngũ) là cuốn Duyên Kiếp, đang được đăng từng kỳ trên tuần báo Hồ Gươm của Bác Sĩ Bùi Cẩm Chương, rồi cuốn Phũ Phàng, một tiểu thuyết diễm tình dầy gần 200 trang lại được nhà xuất bản Chính Ký ở phố Sinh Từ in thành sách.

Cũng trong khoảng thời gian đó, giới văn nghệ học sinh còn bàn tán sôi nổi về những cây bút vẫn còn đang ngồi ghế học trò, thậm chí ngồi cùng lớp với nhau. Như cậu học trò lớp Ðệ Tam với bút hiệu Hiệp Nhân được thầy Nguyễn Uyển Diễm, giáo sư môn Văn khen ngợi hết lời và đem giới thiệu với học trò trong tất cả các lớp thầy đang dạy, về cuốn truyện dài Linh Hồn Ngọc của anh sáng tác. Vào mùa hè, một cậu học sinh khác, Lê Ninh đứng ra chủ trương giai phẩm Lửa Lựu, nội dung tập trung nhiều bài sáng tác của giới cầm bút học trò.

Phải nói, vào thời kỳ đó, sinh hoạt văn nghệ giới trẻ rất sôi nổi với những tên tuổi như Mọc Ðình Nhân, tác giả tập thơ Hương Mùa Loạn; Nguyễn Quốc Trinh, Hoàng Phụng Tỵ ra chung tập thơ Ươm Ðẹp; Thế Phong, Song Hồ, Dương Vy Long, Huy Sơn, Kiều Liên Sơn, Hồ My, Tạ Vũ..v…v… có thơ in trên các báo như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hồ Gươm, Thời Tập, Tia Sáng, Giang Sơn, Liên Hiệp (ở Hà Nội) hay Thẩm Mỹ, Mùa Lúa Mới, Nhân Loại (ở Sài Gòn). Ðặc biệt nhất là anh Nguyễn Nam Tê, một thanh niên nghèo, vừa đạp xích lô kiếm sống vừa làm thơ để rồi xuất bản được thi tập Tin Về Ðất Bắc, gây sôi nổi một thời.

Trong khung cảnh viết lách náo nhiệt đó, mỗi khi mùa Xuân tới, đám chúng tôi còn hoạt động sôi nổi hơn. Trời thì mùa đông rét mướt đấy nhưng ý Xuân lại tuôn ra ào ào ngậu sị cả lên: nào khai bút, nào xuất hành, nào Chúa Xuân, hoa Xuân, bướm Xuân, vườn Xuân…. cái gì cũng cố gài tiếng “Xuân” vào cho hợp tình, hợp cảnh. Lại vì muốn thức khuya nên còn kéo nhau ra tiệm uống cà phê. Nhưng vì  lâu lâu mới có tiền đi tiệm một lần nên bị cà phê nó hành cho trắng mắt, thức đến bốn, năm giờ sáng mà vẫn còn tỉnh như sáo sậu dù đã viết xong bài. Ai cũng mong có bài được in trên báo Tết và cái bầu không khí văn nghệ như càng thêm nôn nao, háo hức thêm khi chúng tôi đón chờ từng tờ báo Xuân xuất hiện trên các sạp báo hay trong các tiệm sách với những tấm hình bìa in mầu sắc rực rỡ mang đầy hương vị của mùa Xuân.

Khuynh hướng sáng tác của những người làm văn nghệ trẻ ở thời kỳ đó, ngoài sự ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước, cũng còn mang nhiều dấu ấn của các vấn đề xã hội, vì tuy còn ở trong ngưỡng cửa của học đường nhưng họ cũng đã biết  suy tư về các hoàn cảnh sống lầm than, nghèo khó, những cuộc đời bị đối xử bất công, những phận người chìm đắm trong tủi nhục, cùng quẫn.  Có thể lấy vài ví dụ, như Vũ Hùng, một học sinh lớp Đệ Ngũ, lấy bút hiệu Tạ Vũ. Hùng mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống nhờ bà dì ở góc Phố Mới, ngay đầu Ô Quan Chưởng Hà Nội bây giờ. Có lúc Hùng lại xin vào tá túc ở khu nuôi trẻ bụi đời trong ngôi chùa Tàu, gần phố Sinh Từ Hà Nội. Do hoàn cảnh phải chen chúc với đám mồ côi, anh đã viết những dòng thơ như sau:

Ánh đèn không soi mái phố
Linh hồn dắt díu về đây
Chăn đâu cho đầy giấc ngủ!
Nôn nao cơm lưng dạ dầy!

Thao thức nằm nhìn bóng tối
Nghẹn ngào khóc dưới cửa ô
Ðêm mơ thấy đời đổi mới
Sáng ra buồn hơn bao giờ….

Hơn 50 năm trời không gặp lại, nhưng tôi được biết từ sau năm 1954 còn ở lại miền Bắc, Tạ Vũ vẫn tiếp tục làm thơ. Và anh vẫn làm thơ cho đến tận bây giờ. Ðã có một thời, anh nổi tiếng ở miền Bắc là một thi sĩ của những công nhân trong ngành khuân vác.

Sâu sắc, già giặn hơn Tạ Vũ của những năm 1952-53 thì có Song Nhất Nữ với bài Cửa Ô cũng rất được chúng tôi truyền tụng trong thời kỳ ấy:

Cửa Ô

(Gửi năm Cửa Ô Hà Nội)

Màu sắc u huyền,
Ðất trời nghiêng ngửa,
Ðô thành bừng lửa.
Ngoại ô này lành lạnh sống trong đêm…

Ánh đèn le lói
Chìm đắm triền miên
Nơi đây son phấn,
Nơi đây kim tiền,
Nơi đây trụy lạc,
Nơi đây nghèo hèn
Ðêm về những giấc mơ điên
Ðêm về ngùn ngụt túi phiền lầm than
Ðêm về vàng bệch đèn tàn
Ðêm về điên loạn cung đàn xót xa

Cửa Ô xa…
Ði trong bê tha…
Ði trong xênh phách
Ði trong đói rách
Ði trong lệ nhòa
Thất thểu… la cà…
Bóng ma… bóng ma…

Ðâu đây vàng ngọc lụa là,
Cửa ô… ngõ hẻm… a ha! Cuộc đời!

Song Nhất Nữ

Một nhà thơ khác cũng rất nổi tiếng trong giới bạn bè non trẻ chúng tôi là Nguyễn Thị Hồ My (sau đổi thành Hồ My). Ðó chẳng phải là một nữ thi sĩ mỹ miều nào mà chỉ là bút hiệu của một chàng thư sinh cũng đang mài đũng quần ở bậc Trung Học. Cái sự tuy là nam nhi mà lại ưa lấy bút hiệu phái nữ hình như là một cái mốt của đám cầm bút tuổi học trò chúng tôi ở thời kỳ đó, như Song Nhất Nữ là bút hiệu của anh Ðặng Bá Ngư (nay anh đã không còn nữa) hay Nguyễn Thị Yếm Thắm là bút hiệu của Nguyễn Yên Tri, một anh chàng học trò cùng lớp, cùng trường với tôi từ khi còn ở bậc Tiểu Học. Xin nhắc lại một bài thơ của Hồ My sáng tác năm 1953, in trên báo Tia Sáng ở Hà Nội, có những câu:

Ðêm nay dưới ánh đèn le lói
Bóng mẹ già, vợ dại, con thơ,
Ðang bơ vơ
Ðang thao thức
Ðang rạo rực
Ðang mong chờ
Nóng lòng mong kẻ bên bờ đường khuya.
Tiếng guốc kéo lê thê
lóc cóc
lách cách
Như nửa tỉnh nửa mê
Ðau thương lên bước bên hè
Ðêm dài, phố vắng, đường khuya một mình

******

Kỷ niệm về những ngày xưa, về những mùa Xuân xưa thì có biết bao nhiêu điều có thể viết ra. Tuy nhiên, cái rõ nét nhất mà tôi nhìn thấy là sự khác biệt sâu xa giữa đám học trò Hà Nội ngày xưa với những cô cậu học trò Hà Nội bây giờ. Hình như tuổi trẻ Hà Nội bây giờ ít rung cảm về đời sống xã hội chung quanh và hầu như họ không biết phẫn nộ. Ðất nước, trước mắt họ đã diễn ra biết bao nhiêu điều ngang trái, bất công, nhưng văn chương của thế hệ trẻ Hà Nội bây giờ như đã ngoảnh mặt làm ngơ. Thì dĩ nhiên là họ bị chế độ Công an kìm kẹp không cho viết, không cho in. Nhưng ai cấm nổi họ việc phổ biến tác phẩm của mình trên Internet?

Vào một đêm của thời điểm năm 2000 khi về thăm quê, tôi nằm ở giữa lòng Hà Nội. Ðêm đêm tôi được nghe thấy tiếng rao hàng cất lên trong các ngõ hẻm. Vào ngày đông lạnh giá, tiếng rao với cái giọng sà sã như cố ngoi lên từ một làn hơi đã sắp tàn lụi, đập vào cái tĩnh lặng của nửa khuya về sáng, nghe ai oán không khác gì tiếng vạc kêu đêm. Những tiếng rao này đã ám ảnh giấc ngủ của tôi y như tiếng guốc kéo lê trên hè phố mà Hồ My đã diễn tả cách đây một nửa thế kỷ.

Nghĩa là vẫn còn có những cuộc sống lầm than ngay giữa lòng Hà Nội dù trên 50 năm trời cách biệt đã trôi qua! Ðó là chưa kể tới những cảnh huống đau lòng khác mà xưa nay chưa từng bao giờ có, như việc bán máu trở thành một phương tiện kiếm sống, bán thân xác cho đàn ông Ðài Loan, Trung Quốc dưới danh nghĩa đi làm dâu xứ người và trong lòng của những thành phố sa hoa rực rỡ, có những kẻ đốt tiền bằng cả năm lương của người lao động để mua một trận cười.

Như thế, những hình ảnh vẽ ra trong thơ của Song Nhất Nữ: Cửa Ô xa… Có nhiều bóng ma… Ði trong bê tha… Ði trong xênh phách - Ði trong đói rách - Ði trong lệ nhòa - Thất thểu… la cà… Bóng ma… bóng ma… nào có khác gì hình ảnh của những con người thất thểu đi trong bóng đêm của các thành phố Việt Nam bây giờ. Họ ngủ dưới gầm cầu. Họ chen chúc nhau dưới những mái hiên. Họ lang thang vất vưởng trên những đống rác cao ngút đầu để xăm xoi đào bới. Hà Nội bước vào những năm đầu thiên niên kỷ 21 mà vẫn còn nhiều bất công, nhiều chênh lệch, nhiều hoàn cảnh xót xa, não lòng, hơn cả 50 năm về trước.

Tôi không hiểu tuổi trẻ Hà Nội bây giờ có ươm những giấc mơ làm đẹp xã hội như những tuổi trẻ Hà Nội thời 50 năm trước hay không? Họ bị chèn ép để không còn sáng tác được hay lòng họ đã lạnh tanh trước những biến đổi phũ phàng của thời kỳ kinh tế thị trường, hay vì cả hai? Nhưng dù là bất cứ lý do nào thì nhân dịp cuối năm, khi mở lại những trang sách cũ, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại những con người của một thời đã qua.

Thành phố ngày xưa bây giờ đã có biết bao nhiêu thay đổi. Hồ Gươm với làn nước trong xanh và Tháp Rùa rêu phủ hẳn đã chứng kiến biết bao nhiêu vật đổi sao dời. Năm mươi năm tưởng là dài nhưng cũng chỉ là một khoảnh khắc của lịch sử. Tôi mong mỏi thế hệ trẻ bây giờ đừng bao giờ lạnh tanh trước những nỗi bất công của đời sống, trước những hoàn cảnh thống khổ của con người, bởi vì thế hệ chúng tôi, năm mươi năm trước, vốn cũng mang nhiều xót xa, buồn bã nhưng bao giờ cũng ngước lên nhìn cuộc đời với ánh mắt tin tưởng. Chúng tôi tin ở đất nước, tin ở con người, và dù trong hoàn cảnh khó khăn nào thì cũng vẫn  tìm đủ mọi phương cách để vươn lên.

Ước mong rằng tuổi trẻ bây giờ cũng thế!

Nhật Tiến