User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

dangtho

(Hình bìa tập thơ Mẹ Trong Dáng Thơ)

Có thể là một sự tình cờ hoặc cũng có thể là từ cái duyên văn nghệ đã thôi thúc tôi được thưởng thức một nhạc phẩm hoàn toàn xa lạ, lạ từ tiết tấu, lạ đến ca từ. Kể cả cái nhan đề cũng lạ: “Huế Nhớ O”.

Một bài thơ đã được nhạc sĩ Anh Bằng hoá thân thành khúc ca chấp cánh bay bổng theo hồn Huế rộn ràng trong từng nốt nhạc. Thú thật, lần đầu tiên tôi được nghe Tâm Đoan và Đặng Thế Luân hát bài này, như có cõi Huế đang chảy dạt dào trong lồng ngực một thứ âm vang thánh thót, cheo leo tựa tiếng ve gọi nắng cho trắng áo sân trường!

Và cũng chính từ tiếng véo von lạ lẫm đó đã dẫn tôi đến một cảm giác thật lãng đãng, chập chờn. Như người khách lạ một lần đến Huế, bước lạc vào Núi Ngự quanh co, chợt nghe có tiếng suối reo róc rách từ phía bên kia khe đá vọng về!

Từ dòng thanh âm luyến láy của suối len lỏi theo những ca từ đầy chất Huế, chất thơ đã tạo cho tiếng ve càng réo rắt, xôn xao trên những tàng phượng vỹ xum xuê mù lá biếc, che bóng sông Hương thơ mộng chảy vào trái tim của cố đô cổ kính, mang theo những cung bậc của một thời tình lãng mạn, mà cõi Huế còn miên man cùng một giấc thơ.

Cũng từ Huế thơ ấy đã sản sinh ra không biết bao nhiêu là thi nhân, tài tử. Và trong cõi mênh mông đó, có một người thơ nữ đã thật sự làm tôi giật mình, chới với vì những nét thơ thật riêng, thật lạ của O. Đến ngay cả bút danh cũng rất thơ, rất mộng: “Dáng Thơ”.

Chiều ni nghe Huế buồn chi lạ
Dáng nhỏ mô rồi o ơi o!
Rèm hoa tóc rũ trăng mời gọi
Chừ vắng bóng rồi o ở mô?
 
Bữa tê o thoáng qua Thành Nội
Hai tà áo trắng quyện ngây ngô
Lá me quấn quýt đôi hài nhỏ
Vô tình ánh mắt nhốt tim tôi
 
Bài thơ o ép còn vương vấn
Bồ kết hương nồng quyện tóc mây
Nón lá o che nghiêng chiều tím
Răng chừ o đã ở nơi mô?
 
Xưa theo gót đỏ mòn quên lối
O thả tóc thề vuớng hồn tôi
Bây chừ một gã ngu ngơ đợi
Huế nhớ o rồi o biết không?
 
Sông hương nước chảy về cửa Thuận
O còn nhớ đến bến Vân Lâu?
Hàng cau xanh mướt dây trầu cuộn
Vẫn đợi o về.. Huế nhớ o!

(Huế Nhớ O. Thơ Dáng Thơ. Nhạc Anh Bằng).

Một cõi Huế bàng bạc theo nước sông Hương chảy qua cửa Thuận, chảy về bến Vân Lâu mang theo bóng dáng e ấp của người tình nhỏ, mà chiếc nón bài thơ che chưa giáp những nét thẹn thùng. Ôi, tình yêu lãng mạn đến thế là cùng! Cái lãng mạn kín đáo của Huế, của O. Tôi thích nhất hai từ “O ép”. Rất Huế. Rất tượng hình đến nỗi đã làm cho chữ nghĩa như có linh hồn! “Bài thơ o ép còn vương vấn. Bồ kết hương nồng quyện tóc mây”.(Dáng Thơ)

Mỗi lần tôi có dịp được gọi ai đó tiếng “O”, lòng bỗng nhiên rung động, cuống quýt lạ lùng, như thuở còn: “Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” (Huy Cận), để len lén nhìn đôi tà áo tung tăng theo chiếc nón lá che nghiêng, mà thấy cả Huế mơ theo từng dấu chân in lên lối cỏ sân trường.

O đi mô mà vội,
Bỏ nắng ngã sau lưng?
Đôi tà vương cuống quýt,
Nghiêng chiếc nón bài thơ.

(Nón Bài Thơ)

Đọc Dáng Thơ là đọc chiếc bóng của thơ, đọc sự o ép của tâm hồn để che giấu nỗi vương vấn, thổn thức, nghẹn ngào. Thấp thoáng như bóng đêm ẩn mình trong giọt lệ nhỏ xuống cung thương lỡ nhịp chia lìa.

Anh có thấy nửa nụ cười chợt tắt
Khi phím đàn bỏ nhịp lỡ cung thương
Còn một nửa giấu sau ngàn giọt lệ
Khóc trong đêm chờ thao thức giao mùa

(Khúc Rẽ)

Nhưng sự lãng mạn của O-Huế chưa dừng ở chỗ đó. Dù có kín đáo che đậy tới dường nào, thì có lúc trái tim cũng giục giã những nỗi khát khao được ôm sát, bám chặt vào người tình, dù chỉ một lần, như suối nguồn khao khát những cơn mưa, mặc cho cuộc đời chông chênh sóng nổi!

Như hạt cát trong biển đời sóng nổi
Như suối nguồn khao khát những cơn mưa
Những bước đường như con thuyền chao đảo
Nhưng em hoài bám chặt ước mơ xưa

(Hãy Giữ Ước Mơ)

Tôi cũng rất đồng cảm với Dáng Thơ và có lần cũng thảng thốt trong giấc mơ tôi: 

“Em chở khẳm hồn tôi trong mắt.
Đắm thuyền mới biết đáy sông sâu”. (Hư Vô)

Tình yêu là như thế đó, cứ như muốn bám chặt vào những cái gì đã mất, vịn vào chiếc bóng đã xa, dù là gió bão chập chùng, cuồng xô sóng nổi vẫn mong thuyền tình được đắm xuống đáy sông em!

Nhưng cũng đâu được gì, càng nắm chặt vào cõi không, bàn tay càng trống trải, khi bến đò xưa đã vắng bóng người, lối tình nhân phủ kín dấu rong rêu.

Từ anh theo bến lạ
Hai ngã rẽ chia đôi
Con đò ngang bỏ dỡ
Cuối ngạn phủ rong rêu…

(Từ Anh Đi)

Và mùa Huế xum xuê với những tàng me làm vướng víu tà áo thơ ngây ngày nào bỗng nhiên tàn úa, nắng có còn vàng cũng chỉ để man mác mùa thu. Góp nhặt bao nhiêu chiếc lá để ướp lại ngày xanh thì cũng tựa như nhặt chiếc bóng mình mong manh một cõi Huế u hoài…

Còn đây một chút vàng thu nhặt
Mang về ướp lại những ngày xanh
Ngày mai lá úa tan vào cõi
Vô thường cùng chiếc bóng mong manh.

(Băn Khoăn)

Thơ Dáng Thơ là Huế, là tà áo Vân Lâu, là hẹn hò cửa Thuận, là một thời tình đầy thơ mộng, là trăm năm một vầng trăng cổ tích: “Dường như là cổ tích. Đợi chờ từ trăm năm”. (Nguyệt Khuyết, Dáng Thơ), là mất mát chia lìa, đắng cay, nghiệt ngã cùng những ước mơ, chờ đợi những khoảnh khắc tương phùng. Nơi đó, có Mạ già tóc đã sương phai, bóng Cha còn ngồi bên song cửa, mà người thơ đã trải trái tim theo từng nét bút. Dòng thơ hiền hậu, đơn giản nhưng lãng mạn, trữ tình. U hoài mà chung thủy, sắt son. Về hình thức có chút phá cách khỏi những ước lệ, thi luật nhưng vẫn giữ nguyên vẹn được cảm xúc của mình. Đó là sự sáng tạo rất đáng trân trọng. Vì ngôn ngữ Việt vốn đã là thơ, thì dù có chạy đi đâu cũng không thể vuột khỏi trái tim mình! Như Dáng Thơ đã từng tâm sự:

“… là những bay bổng thoát ra khỏi sự kiềm chế của âm, thi luật. Nhưng khi chúng ta tạm rời xa những khắt khe của cuộc đời, thì sự việc sẽ được chấp nhận và được cảm thông hơn.

 Dù chỉ là một vết xước, dù là một câu thơ trật vần, dù là một nốt nhạc khó nghe, nhưng “Anh” ơi! đó là cảm xúc của một khoảnh khắc trong cuộc đời không thể nào tìm lại được”…

Và chính những cảm xúc đó đã tràn bờ, trái tim O Huế chảy miên man vào hồn Huế, mà ở nơi đó không chỉ là sự đổ vỡ, chia lìa của tình yêu nam nữ, hay những mộng mơ của thuở áo trắng sân trường. Mà còn là nơi để tác giả bơi trong đôi mắt Mạ cho những hạt mưa tấm mát một khúc sông đời, Mạ đã cho con dòng sữa ngọt ngào từ chính những giọt mồ hôi mặn mà của Mạ. Đôi bàn tay Mạ bé nhỏ mà lớn như thể cả bầu trời để che chở, bảo bọc đàn con. Mạ là quê hương, là Huế, là linh hồn và cũng chính là bài thơ mà Dáng Thơ viết cả đời còn chưa ráo mực!

Ôi, bàn tay sao nhỏ,
Mà bồng cả đời con!

(Mạ Là Trời Của Con)

Đôi mắt mạ long lanh
Giọt sầu như chực rớt
Nhìn hạt mưa mà nhớ
Mái tóc già điểm sương

(Nhớ Mạ)

Chùm thơ của Dáng Thơ là chiếc thuyền con chuyên chở một phận người qua dòng sông định mệnh, là lời yêu thương từ tâm thức gọi về. Ở đó có dòng sông Hương muôn đời vẫn chảy vào quá khứ, qua cửa Thuận, ghé bến Vân Lâu, mà nơi đâu cũng còn lãng đãng một Cõi Huế U Hoài Trong Dáng Thơ..

Hư Vô