NS Lam Phương ngày còn trẻ
Trong đôi mắt người nhạc sĩ nhạy cảm, bỗng thấp thoáng đâu đó một bóng hồng chấp chới. Ngăn kéo quá khứ bỗng mở ra, đoá Cẩm Chướng màu hường bị tôi chạm phải, khiến NS Lam Phương tuôn dòng tâm sự. Cái giọng miền Nam chân chất trải hết cả cõi lòng.
– Hồi đó chú qua Paris (1980) tính chơi mấy tháng rồi về, không ngờ “đụng bả” nên ở đó luôn, rồi mở vũ trường Baccara. (“Bả” ở đây ám chỉ người đẹp Việt Nam Cẩm Hường nức tiếng Paris). Hồi đó bên Paris đâu có vũ trường dành cho người VN, vũ trường Baccara là vũ trường đầu tiên chú mở. Chú lấy tên Baccara vì ở VN chú đã mở một cái trước 1975 cũng lấy tên Baccara, vào khoảng năm một ngàn chín trăm năm mươi mấy. Chú về Mỹ năm 1990, qua Pháp lại 1995, về ở luôn tới bây giờ. Thời gian ở với cô Cẩm Hường tuy không dài bằng ở với cô Túy Hồng nhưng thấm đậm tình cảm hơn, tuy sau nhưng nồng nàn hơn.
Tôi chớp mắt nhìn nỗi xúc động hằn trên mặt ông.
– Vì hạnh phúc nên chú sáng tác nhiều nhạc vui trong thời gian này phải không?
Ông gật đầu,
– Chú có khoảng trên 40 bài nhạc vui, trong mấy tập nhạc kia kìa.
Ông chỉ tôi mấy ngăn kéo để nhạc và tôi bắt đầu khám phá kho tàng sách, đĩa nhạc của ông. Tôi ngạc nhiên,
– Chú có nhiều băng nhạc quá nhỉ?
– Tất cả các CD đó đều do các ca sĩ hát nhạc chú gởi tặng. Không phải tự khen, nói cháu nghe thôi, có thể nói chú là người có nhiều CD được nhiều ca sĩ hát nhất.
NS Lam Phương và MC Nguyễn Ngọc Ngạn. Paris 1993
Tôi cũng tin điều đó, vì sau 75 trong nước phong trào hát nhạc Boléro lên cao, mà nhạc Lam Phương rất được ưa chuộng. Ðó là chưa kể trước 75 con số còn cao hơn nữa, vì chú Ngọc Chánh của ban nhạc Shotguns đã xác định điều này trong bài phỏng vấn lâu rồi. Chú Ngọc Chánh kể:
– Ngày xưa NS Lam Phương có tiền lắm. Anh ấy tự in nhạc rồi đưa cho tôi phát hành và lo ca sĩ, thu băng nhạc; số doanh thu lúc nào cũng cao ngất ngưởng vì bán rất chạy. Có tiền nhưng anh ấy đối xử tốt với các anh chị em nghệ sĩ và bạn bè.
Tôi nói những điều này cho Lam Phương nghe, ông gật đầu.
– Trong lòng chú, chú tự hào là đời mình không ai ghét chú; ganh thì có nhưng ghét thì không, vì mình có làm gì cho họ ghét đâu. Bây giờ cũng vậy, buồn lắm. Tối ngày ở nhà, buồn thì ăn, ăn rồi lên giường nằm ngủ, hay ra vườn nhìn trời, ngó đất, có hại ai đâu.
Tôi cảm hoài.
– Nên chú sáng tác bài Một Mình?
– Ừ, năm 1990, bài đó làm bên Pháp, xong rồi chú bỏ về Mỹ.
Ông bỗng cười lớn, vừa khôi hài vừa pha chút cay đắng
– Sau đó bị stroke, bà nào cũng rút hết.
– Cháu có đọc trên mạng nói sau khi chú bị stroke có người thương chú tình nguyện chăm sóc chú mà?
– Chăm sóc hoài, mà không có tiền công trả, nên bả… đi luôn.
– Chú tếu thiệt, mà chú giờ khoẻ mạnh vui vẻ chắc là nhờ không có bà nào làm phiền.
– Ừ, chẳng có bệnh gì ngoại trừ tật nhớ dai. Mượn tiền ai thì chú quên, còn ai mượn thì chú nhớ lắm đó.
– Cháu nghĩ, tuy không có người phối ngẫu bên cạnh, chú có vợ chồng cô em gái chăm sóc tận tình, ngoài ra còn có khán thính giả bốn phương ái mộ, thương mến chú nữa, biết bao nhiêu là tình yêu mến chú.
– Cái đó rất cần, tuy chú còn buồn nhưng bao nhiêu năm qua rồi, cũng quen.
Tôi đổi đề tài để kéo ông ra nỗi buồn cô đơn.
– Chú ở Pháp lâu chắc giỏi tiếng Pháp lắm hở?
– Hồi nhỏ chú học chương trình Pháp và thi Tú Tài Pháp mà.
– Vậy chú có thích nhạc Pháp và có chịu ảnh hưởng nhạc Pháp không? Vì cháu thấy sau 75, âm điệu nhạc của chú khác đi, không còn như cũ, tỉ như bài “Cho Em Quên Tuổi Ngọc” hoặc “Một Mình” chẳng hạn.
– Khi làm nhạc hay nghe nhạc đừng để nhạc ảnh hưởng. Chú viết cho mình trước, xong thấy ai hợp thì trao người đó hát. Lúc sáng tác, chú quên những gì chung quanh. Chú có nghe nhạc Pháp nhưng không để nó nhập tâm làm ảnh hưởng mình. Nhạc của chú không ảnh hưởng hay giống ai hết. Trước 75, chú viết nhạc có lai ngũ cung, cải lương. Sau này nhạc chú mới hơn và hoàn toàn khác, theo thời cuộc như hai bài cháu nêu tên đó.
Trịnh Thanh Thủy và NS Lam Phương
– Nhưng trước 75 cháu thấy bài “Biển Tình” không giống những ca khúc biệt ly khác của chú; buồn, nhưng lại có chất chứa hạnh phúc tình yêu đôi lứa trong ấy.
– Mỗi bài mỗi khác, tùy hoàn cảnh. Bài này buồn, nhưng là cái buồn man mác, nhẹ nhàng.
– “Mắt em u sầu là cả một trời thơ”, cháu nghe nói bài này chú viết cho cô Minh Hiếu, chắc mắt cô buồn lắm hở chú?
– Chú tưởng tượng thôi, tuy vui và hạnh phúc nhưng phải tạo cho nó buồn mới thơ mộng.
– Cháu thích cô Minh Hiếu hát bài này nhất, giống cô Túy Hồng hát nhạc chú rất hay, hình như cô sinh ra để hát nhạc của chú thôi. Những bài như “Phút Cuối”, “Trăm Nhớ Ngàn Thương”, “Thu Sầu”, cô diễn tả rất sát với cảm xúc và nội dung của bài hát.
– Tại chú là người tập cho cô ấy hát mà. Tuy nhiên tùy theo sự thẩm âm của mỗi người khác nhau, có người thích, có người không thích, và lối trình diễn hay hát nhạc thay đổi theo từng giai đoạn thời kỳ cháu à.
– Hồi còn nhỏ, cháu có xem kịch Sống của cô Túy Hồng, có phải mỗi vở kịch chú đều xem rồi viết nhạc cho từng vở phải không vì nhạc và kịch rất hoà hợp.
– Ngày xưa mỗi khi cô ấy nhận được một kịch bản của tác giả gởi tới, cô sửa lại cho hợp với vai của từng diễn viên trong đoàn và xem xét coi vở kịch có phù hợp với khán giả hay không. Nếu không cô đề nghị với tác giả sửa lại. Còn nhạc bản thì phần lớn cô lấy các nhạc bản của chú đã có sẵn chêm vào kịch. Cô coi đoạn nào hợp với kịch bản thì chêm vào cho hợp tình, hợp lý. Một bài nhạc cắt ra làm nhiều đoạn, đoạn nào hợp thì chêm vào.
Trong lúc lật tập nhạc, tôi khám phá một bài hát lạ “Cụ Già Và Con Chim Trường Luật”, tôi chưa từng nghe ai hát, liền hỏi. Ông bảo đây là một liên khúc dài viết theo lối kể chuyện. Tôi thấy có ba bốn trang nhạc mà những nhịp điệu trong đó đổi từ Lento, qua Valse, Pasodoble v.v… liên tục. Ông nói bài hát dài, thời gian trình diễn từ 20 phút tới nửa tiếng. Tôi lẩm bẩm đọc “Ðường Sài Gòn âm thầm chiều vắng…. đìu hiu… mây nhuộm màu tang…”. Tôi nhận ra bối cảnh và thời gian của bài hát dường như sau 75. Khi tôi hỏi, ông bảo ông có quen một cô bạn là sinh viên trường Luật, ông nhớ đến cô còn kẹt lại tại Sài Gòn nên ông viết bài này. Tôi cứ tiếc rẻ,
– Sao không có ai biết đến hay hát bài này, cháu rất muốn nghe liên khúc này.
Ông cười
– Có lẽ vì nó quá dài và khó hát. Chắc phải đợi sau khi chú chết…
Tôi đứng dậy chào ông ra về, lòng thầm cầu nguyện cho ông sống an lành và mạnh khoẻ mãi. Tôi tin như vậy vì chính ông đã chấp nhận số phận mình thì sự an lạc ắt phải đến. Có lẽ cái buồn đã có trong con người ông khi sáng tác nhạc, nên nó biến thành người bạn thân của ông từ rất lâu rồi.
Trịnh Thanh Thủy
California