User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

vemotcaybutnu

Những cây bút nữ bất kỳ là ai, có danh hay chưa tạo được chỗ đứng trong văn học của nước mình, theo tôi đều là những cây bút đặc biệt. Họ có những cái nhìn khác với người viết thuộc tính phái khác. Sâu sắc về mặt tình cảm, nhẹ nhàng trong câu văn, lắm khi có những nhận xét tế nhị bất ngờ làm ngạc nhiên người đọc.

Nhà văn nam, kể cả người nghiêng nhiều về mặt thi ca, có khuynh hướng bộc lộ nhiều về mặt lý trí, Phan Khôi trong bài tình già chẳng hạn, trong khi đó người viết nữ, ngay cả những bài phê bình, nhận định văn học, ta cũng thấy chan chứa nhiều điều tình cảm. Ba bài nhận định của ba người phê bình nữ Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Cao Thị Hồng trong tập Vàng Trên Biển Đá Đen lấp lánh những tình cảm hơn là các suy luận cần nhiều lý trí, nhức đầu.  Đó là cái điều trời cho riêng phái nữ chăng? Cái phong tư trời xếp đặt để nam phái có điều để so bì ganh tỵ chăng?

Trong cái chấp nhận tiên thiên đó, tôi đọc tập truyện ngắn Vàng Trên Biển Đá Đen của Elena Pucillo Trương. Và tôi thấy rõ hơn tình cảm của người phụ nữ. Ở đây không phải là tình cảm gái trai yêu đương mà là tình cảm của người với người, một cảm thức của con người bằng cái máy tính trước mặt và tấm lòng thương cảm tương thông trước nỗi bất hạnh, nhứt là nỗi bất hạnh của người phụ nữ.

Xin sẽ không làm việc phân tích để giới thiệu nhà văn nữ nầy với người đọc. Việc đó đã có ba cây bút nữ nói trên và biết bao nhiêu người khác nữa trong và ngoài tạp chí Quán Văn, những người khá nổi tiếng đương dạy văn học ở ba miền Bắc Trung Nam, lo việc nầy.

Từ trước đến giờ tôi thường tránh né sự việc nói chuyện bên ngoài tác phẩm khi luận về một tác giả, như kiểu đi tìm tiểu sử thiệt chính xác về ngày sanh tháng đẻ, về dòng dõi, thời đại và cả lý do sáng tác. Tôi đọc tác phẩm và luôn luôn coi tác phẩm là một vật thể kỳ bí để nhìn nó, suy nghĩ về nó rồi giới thiệu với độc giả mong giúp người đọc sau mình hiểu tác phẩm hơn – ít ra là hiểu theo cách nào đó mà người giới thiệu còn để lại chút ít ý tưởng bằng bài viết của mình sau khi độc giả buông bài vừa đọc xuống. Tôi  không đi theo trường phái dòng dõi, huyết thống, cũng không đi theo trường phái xã hội hay bất kỳ triết thuyết nào đó dầu được  theo dõi bởi số đông hay được thổi phồng lên tận mây xanh vào hàng siêu việt. Tôi coi tác phẩm là vật hiện diện tự thân, nó sau khi ra đời, đã có mặt và tách rời khỏi người tạo ra nó, đã đứng ở giữa chợ đời văn học, dính dáng với tác giả chỉ vì cái ID của nó. Nếu chẳng may nó chẳng có ID như những tác phẩm vô danh tràn đầy trong nền văn học Việt Nam hay tác phẩm có tên người viết nhưng  chẳng ai biết tiểu sử ông/bà ấy cũng chẳng thể đoán định được chính xác ông/bà ấy sống vào thời nào. Và tôi có bổn phận phải tìm hiểu chính nó và chỉ chính nó mà thôi, bằng cách đọc và ghi lại những cảm tưởng của mình.

Đọc quyển Vàng Trên Biển Đá Đen, truyện nầy, rồi đọc truyện kia, chắc hẳn nhiều người như tôi, thỉnh thoảng lật lại cái bìa để kiểm chứng lại coi bài viết nầy văn phong nọ phải chăng của một người ngoại quốc. Kiểm chứng lại vì tôi thấy như là cây bút của người Việt Nam thuần túy. Câu chuyện Việt Nam, bối cảnh Việt Nam, nỗi đau  thương Việt Nam, Những éo le tình tiết Việt Nam. Tấm lòng của tác giả tràn đầy xúc cảm Việt Nam. Và nhứt là văn phong Việt, thuần Việt.

Viết đến đây tôi nhớ đến cặp sinh vật huyền thoại, một đàng không mắt mà chân cứng đá mềm, một đàng có mắt rất sáng để chỉ đường phải đi để tránh những nguy hiểm. Và cặp vợ chồng tri kỷ Elena Pucillo – Trương Văn Dân đã ở trong trường hợp đó. Nếu không có những bản dịch đầy chất văn chương được gọt giũa với tình nồng và sự thông hiểu tâm hồn nhau tường tận bằng mấy chục năm yêu thương vợ chồng thì chúng ta không có bản tấu khúc rất Việt Nam Vàng Trên Biển Đá Đen của một người phụ nữ đến từ xa xôi của trời Âu nước Ý.

Tôi có nhiều dịp được anh Dân và chị Elena  tiếp chuyện. Chị ít nói, trầm ngâm thì nhiều, đó là vấn đề ngôn ngữ, nhưng khi chị nói thì chữ dùng ít mà chính xác, lại líu lo rất vui. Tôi hiểu trở ngại chút xíu ngôn ngữ của nhà chồng, nhưng chị có tấm lòng của người vợ yêu quê hương nhiều đau khổ của chồng nên chị nói ra bằng tác phẩm. When we speak, we are afraid our words will not be heard or welcomed. But when we are silent, we are still afraid, so it is better to speak. (Audre Lorde). Và Elena đã nói lên bằng bao nhiêu bài văn của mình. Tất cả đều được chào đón nồng nhiệt.

Một nhà văn nữ nào đó có nói ‘thiên tài thì có tức thời, liền ngay, còn tài năng thì cần phải có thời gian để hình thành”. Với tôi, cái thời gian để hình thành đó quá ngắn trong trường hợp Elena Pucillo Truong. Nó không cần thiết phải kiểm nghiệm bằng thời gian mà kéo dài chi cho vô ích!

Và tôi mỉm cười vui: Vào thời đại toàn cầu hóa, chúng ta có một nhà văn Việt đặc biệt: Elena Pucillo Truong cũng như chúng ta có biết bao nhiêu cô dâu ngoại quốc theo phong tục Việt Nam một cách thuần,thục, biết nấu canh kho cá theo kiểu Việt Nam.

Nói theo Khổng Tử xưa: Bất diệc lạc hồ? Thế chẳng vui sao?

Nguyễn Văn Sâm
(Tháng Tám 2018)

elena

Mỗi lần về Sài Gòn thăm bà con, bạn bè, tôi thường đi uống cà phê với nhóm bạn Quán Văn. Trong số đó, bao giờ cũng có một cô người Âu, tóc bạch kim, rất đẹp. Cô tên Elena. Lúc đầu, tôi nghĩ đó là một du khách, đi chung với nhóm người Việt cho vui rồi sẽ rời Việt Nam, sau mới biết, cô là người Ý, có chồng, (người ngồi bên cạnh) là ông Trương Văn Dân. Cô ta sống với chồng ở Sài Gòn bao năm nay, thỉnh thoảng mới về Ý thăm gia đình. Đáng ra anh chàng Trương Văn Dân sống với vợ ở Ý mới phải lẽ, bởi Việt Nam là nước đang phát triển, tiện nghi không được đầy đủ, thực phẩm không an toàn, xã hội xô bồ… Vậy mà cô vẫn bình thản, vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Đôi uyên ương sống trong một chung cư của giới bình dân, buổi sáng ra trước sân uống cà phê, điểm tâm, cô Elena, líu lo chuyện trò với các ông, bà hàng xóm.

Cô như là người vợ Việt Nam bên anh chồng yêu thương vợ hết mình. Họ sống với nhau trong thời gian không tính bằng tháng, bằng năm mà họ gắn bó nhau gần nữa thế kỷ, từ năm 1971, khi cậu sinh viên Trương Văn Dân qua Ý du học, họ gặp nhau và “dính” với nhau như đôi sam cho đến bây giờ. Đó là hiện tượng lạ, khiến tôi tò mò, rất nhiều thắc mắc. Vì sao hai người Âu, Á thành vợ chồng trong bao nhiêu năm mà tình yêu ngày càng gắn bó?” Và tôi suy luận, theo kiểu của một người Á Đông, rằng họ sống với nhau lâu bền vì một trong ba nguyên nhân sau: “Tiếng sét ái tình” Hợp nhãn” và “Duyên nợ”

*1- Tiếng sét ái tình: Hai người, nam, nữ lần đầu gặp nhau đã thấy chới với, như say, thần trí rung động. Thế là yêu nhau. Nguyên nhân như thế nầy. Mỗi người có một tầng số sinh lý riêng, giống như ADN của mỗi người. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là cái enten phát ra tín hiệu vừa tiếp nhận tầng số giao động từ ngoài vào. Khi gặp một giao động cùng tầng số thì chúng tác động mạnh đến tâm sinh lý của cả hai người. Giống như ta chỉnh radio hay TV sao cho tầng số của máy trùng với tầng số của đài phát sóng, tầng số cộng hưởng đó sẽ cho ta âm thanh hoặc hình ảnh mà ta cần. Xa nhau thì nhớ là vậy. Khi người vợ hay chồng ở xa gặp chuyện không may, người phối ngẫu sẽ bồn chồn, lo lắng hoặc người con tử trận sẽ về báo mộng cho mẹ biết ngay. Đó gọi là “Thần giao cách cảm”. Nam nữ đến với nhau vì tiếng sét ái tình ít khi để ý đến những yếu tố khác như dung nhan, giai cấp, màu da, tôn giáo, cả đến ngôn ngữ.

* 2- Hợp nhãn: Người nữ thường soi gương hơn người nam. Ngày nào cũng nghiêng ngó mặt mình trong gương soi, khi ra đường, thình lình thấy người nào đó như quen quen, như thân thiết, như gặp đâu đó rồi. Và thế là có cảm tình. Họ không biết rằng, gương mặt đó họ thường thấy trong gương soi, là gương mặt của chính mình. Cô hoa hậu, đẹp toàn diện, nhưng không phải mọi người đều thích. Phải “Hạp nhãn” mới được. Hai người không thể bỏ nhau thường có gương mặt giống nhau. Có điều lạ, là vợ chồng già thường tự điều chỉnh cho hai gương mặt từ từ giống nhau.

* 3- Duyên nợ: Duyên nợ đây không phải là chuyện ông Tơ, bà Nguyệt xe duyên cho hai người thành vợ chồng như trong truyền thuyết của người Tàu mà theo một giả thiết của một nhà văn thời Liên Xô (cộng sản Nga). Ông ta cho rằng. Khi vũ trụ giãn nở đến tối đa thì bắt đầu co lại. Vũ trụ co lại đến một điểm thì lại nở ra cho một chu kỳ mới. Mọi sự sẽ tuần tự diễn biến y như lần vũ trụ giãn nở trước đây. Các vì sao xuất hiện, rồi mặt trời thành hình, rồi cũng có quả đất, hỏa tinh, mặt trăng… Quả đất có núi non, sông hồ, cây cỏ, sinh vật, loài người… có nước Mỹ, nước Pháp, nước Ý và nước Việt Nam. Rồi thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ hai và (sắp) thế chiến thứ ba… Và, như đã xảy ra trước đây, nước Ý, có cô Elena và Việt Nam, có cậu Trương Văn Dân. Cậu từ Việt Nam mò qua nước Ý để gặp cô Elena. Cô cậu hẹn hò, yêu đương thắm thiết… chỉ là lặp lại chuyện họ đã làm trong lần vũ trụ giãn nở trước. Không sai một ly.

Bạn không tin? Có người, nhờ một thứ linh quang đặc biệt nhìn thấy những gì sắp (đã từng) xảy ra, tuy không chính xác lắm. Đó là ông Nostradamus và bà Baba Vanga. Nước ta có cụ trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Người Việt tin chuyện đó. Họ biết, họ có thể nhớ được kiếp trước, nhưng khi chết xuống âm phủ, bị cho ăn “Cháo lú” nên quên hết. Họ còn tin rằng vợ chồng sống với nhau là do “duyên nợ”, là từ kiếp trước. Nhiều người còn tin vào bói toán, tìm thầy bói (mù) để hỏi tương lai. Có người “linh cảm” được những gì sắp xảy ra cho mình. Tất cả những gì được viết ở phần trên là để lý giải câu hỏi “Vì đâu mà cô Elena, từ bỏ cuộc sống tiện nghi ở nước Ý, qua Việt Nam, sống với cậu Trương Văn Dân?” Chưa chắc, ba giả thiết trên, trúng được giả thiết nào. Chỉ còn cách hỏi thẳng đôi chim bồ câu Trương Văn Dân – Elena, họa may có được chút ánh sáng nào chăng? Hôm nào gặp lại tôi sẽ xin làm một cuộc phỏng vấn hai người:

* Xin Anh giới thiệu về bản thân và đôi dòng về Elena, trước đây và hiện nay. Lịch sử mối tình của Anh với Elena? Anh nghĩ gì về tình yêu của Elena đối với Anh? Tình của Anh Chị có giống như tình của hai người Việt Nam yêu nhau? Elena có viết một số tác phẩm và Anh dịch ra tiếng Việt. Nhận xét của Anh về những tác phẩm của Elena? (Trả lời)…

* Cô Elena, nghĩ gì về ông xã Trương Văn Dân, nghĩ gì về mối tình thơ mộng và bền vững của hai người? Sống ở Việt Nam, cô thấy thế nào? Có gì trở ngại? Có gì cô thích hợp được trong xã hội Việt Nam? Cô đoán xem bạn bè nghĩ gì về cô? Và cô nghĩ gì về họ? Cô có viết một số tác phẩm, được mọi người khen hay, bao giờ ra mắt sách? (Trả lời)…

Washington DC 20-8-2018

Phạm Thành Châu

*Ghi chép của Trương Văn Dân:

Kính thưa nhà văn Phạm Thành Châu:

Chắc khỏi phải chờ đến ngày gặp lại để phỏng vấn đâu anh. Hai câu hỏi của anh đã có tất cả câu trả lời, bàng bạc trong các bài viết trong Quán Văn số 58, có chuyên đề về nhà văn Elena Pucillo Truong. Kính mời anh đọc thêm bài “Khi tình yêu là hằng số cuộc đời” của TVD. Xin cảm ơn anh. Trân trọng.