User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Làm công việc điểm sách một thời gian, tôi ít nhiều tìm ra được một số "thuật".

Tại sao phải có thuật?

Chỉ đơn giản vì không phải lúc nào đọc văn cũng tràn đầy cảm nghĩ, không phải lúc nào đọc thơ cũng dạt dào cảm xúc.

Đó là những lúc đáng… chán nhất, vì tôi phải đối diện với 2 câu hỏi:

Một, cuốn sách này có hay không? 

Hai, có lẽ sách hay, chỉ có mình… dở nên không thấy ra cái hay của sách?

Mà thường thì, mình dở… thật!

Nhất là về thơ! Tôi không có khiếu vần điệu đủ để  làm thơ dễ dàng như "móc đồ trong túi" như rất nhiều người Việt; dễ dàng đến mức họ gọi là "mần thơ" như mần vịt, mần gà, mần những việc lặt vặt trong nhà, không cần ra công, vận sức.

***

Bây giờ, có trên tay tuyển tập thơ "Cát Bụi Lưu Vong", áp dụng thuật gì đây?

Thuật đầu tiên: Tìm đề tài nào tầm thường nhất để coi tác giả viết ra sao.

Xuân!

Xuân là đề tài ngàn lẻ một lần, hầu như nhà thơ nào của gia-đình-chúng-ta cũng có, nên rất khó tránh lập lại ý tưởng, hình ảnh, chữ dùng…

Nhưng, tôi bị hút ngay vì bốn câu thơ của Túy Hà:

Đâu chỉ là có Xuân tươi
Mà còn Xuân héo của người ly hương
Mùa Xuân tình ngại ý vương
Khai tâm khai bút khai đường trống không

Hai chữ "Xuân héo" trớ trêu nhưng rất đúng với thân phận kẻ lưu vong. Người lữ khách có ngàn điều muốn nói nhưng lại chẳng biết nói gì, chẳng khác nào con đường vắng vẻ, có cả ngàn chi tiết nhưng vẫn cho cảm giác trống vắng. Nhưng, biết đâu, mùa Xuân sẽ mang sự đổi thay nào đó, như lộc non nhú lên từ những nhánh cây khô bên vệ đường và làm nên chút sự đổi thay.

Hình ảnh và ý nghĩa mới lạ trong bài "Xuân Nhật", khiến tôi tò mò, lần qua những giòng thơ tiếp.

***

Thuật thứ hai – Chú ý tới lời tâm sự của tác giả để đối chiếu với thơ của họ.

Bởi, ai có câu hỏi người đó mới trăn trở tìm lời giải đáp. Mà, thơ không phải là cách thể hiện rõ nhất những trăn trở hay sao?

Túy Hà tâm sự:

"Vẫn tiếp tục ngả nghiêng cùng chữ nghĩa những mong tìm lại chính mình".

Thơ Túy Hà có rất nhiều chữ diễn tả nỗi trăn trở này.

Tôi tìm thấy khá nhiều chữ có dạng câu hỏi: hay là/ tự hỏi/ làm sao/ nếu như/ điều gì/… rải rác trong các bài thơ.

Phận người hay là phận ta
Bên trời kiêu bạc cũng là như nhau

(Thân Phận)

Vấn tâm là tự hỏi lòng
Núi xương hóa đá mấy vòng tử sinh

(Phận Người)

Biết khó xa cõi hồng trần
Làm sao phiêu hốt dự phần thiên thu

(Phận Người)

Biết nói làm sao cho lời như thật
Phải sống làm sao giữa đời điêu ngoa
 
(Trăng Huyền Hoặc Đá Sỏi Mòn)
 
Nếu như ta biết phân biệt rạch ròi
Thiện ác trắng đen âm dương đã định
Thì trái tim ta sẽ mãi yêu đời

(Buồn Vui Cũng Ở Từ Tâm)

Tự vấn là hành động mà chỉ người từng trải đời (và mỏi đời) mới có.

Như Thúy Kiều, lúc mới bước chân vào đời, khi buồn thì chỉ biết buồn.

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu!

Nhưng sau khi ba chìm bảy nổi, Kiều mới bắt đầu tự vấn về thân phận mình.

Lỡ từ lạc bước bước ra,
Cái thân liệu những từ nhà liệu đi.
Đầu xanh đã tội tình chi?
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

Nhiều đoạn thơ cho thấy Túy Hà có rất nhiều lần tự vấn.

Và, có lúc cũng tìm được giải đáp?

Cám ơn ngày tháng phong ba
Cho ta hiểu được chính tà là đâu
Đã qua bao cuộc bể dâu
Quê hương vẫn giữ được câu tự tình

(Song Hành)

Tình Yêu là niềm đau, nhưng chính niềm đau ấy giúp người thơ tìm ra chính mình.

Điều gì giữ kín trong thơ
Cho đò lạc bến cho bờ ngẩn ngơ
Tình người là thực hay mơ
Cớ gì nhện mãi giăng tơ miệt mài
 
Ta là hình chữ trời trồng
Người là bóng chữ còn trông phương nào
Ý thường sắc bất ba đào
Vũ vô kiềm tỏa anh hào sa chân
Ấy là mình tự gieo vần
Là thương là ghét cũng trần ai riêng

(Bóng Chữ Nằm Nghiêng)

Tôi thật thích câu "Ấy là mình tự gieo vần". Ta thường chỉ nói "gieo họa". Còn người thơ… thơ hơn, gọi đó là "gieo vần": gieo bằng thì được bằng… an, gieo trắc thì gặp trắc… trở?

Còn cái vụ "Anh hùng nan quá mỹ nhân quan" kể ra thì cũng thường tình. Làm tôi chợt nhớ tới anh chàng Philip trong truyện dài "Kiếp Người" - Of Human Bondage – của nhà văn W. Somerset Maugham.

"Sometimes he awoke in the morning and felt nothing; his soul leaped, for he thought he was free; he loved no longer; but in a little while, as he grew wide awake, the pain settled in his heart, and he knew that he was not cured yet.” (Dịch thoát: Sáng ra thấy nhẹ cả người – Ôi chao, có lẽ từ nay hết buồn - Ấy mà, sao cứ nghĩ luôn – Trái tim vẫn ứa lệ tuôn nghẹn ngào).

Không biết giờ đây – sau một quãng đường thơ – người thơ đã tìm lại được chính mình chưa?  Nhưng qua những vần thơ Túy Hà, tôi có dịp suy gẫm về  "cát bụi":

Là ta thân lạnh tâm nhược lão
Là người không bến vẫn sang sông
Là ta mệt lả đường trăm ngã
Là người lạc hướng giữa mênh mông

(Mê Lộ)

***

Túy Hà – Hà theo chữ Hán là giòng sông – Sông Say.

Sông say không phải vì rượu nặng
Mà say thế cuộc bất phân minh
Tuyển thơ không phải vì kiêu hãnh
Mà vì lưu luyến chút nghĩa tình

(Sông Say Thơ Tuyển)

Nhưng Hà cũng có nghĩa khác là chữ dùng để hỏi, như trong bài thơ "Hoàng Hạc Lâu" của Thôi Hiệu có câu "Nhật mộ hương quan hà xứ thị?"

Sông say sông biết về đâu?
Lưu vong cát bụi chìm sâu nỗi niềm…

Đó, nói rồi, tôi chỉ làm được thơ tới… đó.

Cho nên, nói như cổ nhân, trong 36 kế không thể không có kế bỏ chạy. Nhưng, trước khi cuốn gói cũng phải (bày đặt) dễ thương một chút.

Và đó là thuật thứ ba - Bỏ lửng để người khác giúp… điền vào chỗ trống.

Bởi chưng, dù lắm thuật đến đâu cũng không thể nào giới thiệu hết được thơ, huống hồ thơ Túy Hà. Do đó, xin mượn lời của tác giả Of Human Bondage:

“You see, it seems to me, one’s like a closed bud, and most of what one reads and does has no effect at all; but there are certain things that have a peculiar significance for one, and they open a petal; and the petals open one by one and at last the flower is there.”

(Tạm dịch: Bạn biết không, với tôi con người như một nụ hoa khép kín, và hầu như những gì hắn đọc và làm chẳng có tác dụng gì nhiều tới hắn; nhưng có một số điều nào đó lại đặc biệt có ý nghĩa với hắn. Những điều ấy mở ra một cánh hoa trong hắn. Và rồi, từng cánh hoa, từng cánh hoa mở ra. Cuối cùng… một đóa hoa hiển lộ.)

Cúc vàng nở giữa xanh rêu
Hồn nhiên trần trụi, gấm thêu mặc tình
Cho đời vui mặc phong trần
Cúc vàng lục bát nửa vầng trăng nghiêng

(Lục Bát Phong Trần – Túy Hà)

Trịnh Bình An

Mùa hoa Cúc 2018

Tiểu sử Túy Hà

Tên thật Hà Thanh Trần. Sinh năm ​​1946​ tại Thừa Thiên. Quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Viết, vẽ, làm báo dưới các bút hiệu: Cung Bảo Bình, Đoàn Thy Vân, Nguyên Hà. Sau 1975: Cựu tù không án (10 năm). Đương kim Chủ tịch Ban Chấp Hành Văn Bút Nam Hoa Kỳ.  Trông coi các tạp chí Thời Đại, Tin Văn và Trầm Hương.

Một số tác phẩm tiêu biểu: • Tình Gầy • Tình Yêu Lang Thang Và Chiến Tranh • Những Nẻo Đường Hành Hương • Rực Rỡ Đời Thường • Dấu Ấn Da Vàng • Dã Quỳ Vẫn Nở • Không Chỗ Gối Đầu • Những Mảnh Đời Biệt Xứ  • Cát Bụi Lưu Vong.

CD thơ nhạc: • Thơ Tình Của Túy • Vàng Lên Nỗi Nhớ.

Viết chung: • Lối Cũ Trong Tim • Yêu Em Muộn Màng.

Triển lãm hội họa: • Chân Dung Lính Và Tù.

Đang thực hiện: • Túy Hà Thi Văn Tuyển • Nguyệt Khuyết (CD thơ phổ nhạc).  

biatuyha1

Cát Bụi Lưu Vong

Văn Bút Nam Hoa Kỳ - 222 Trang - Ấn phí 15.0 USD

Liên lạc: Christina Tran

1315 St. Emanuel Street, Houston TX 77003, USA

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. – ĐT: (713) 419-3187

Website: Túy Hà Thư Quán - www.tuyhathuquan.com