Không phải hoa, không phải bánh kem hay bình rượu quí.
Không nhắn gửi, trao nhận bình thường.
Chỉ là rất bất ngờ, tôi đọc được bài viết này trong ngày sinh của tôi, chạy qua timeline trong buổi trưa mất ngủ.
Bài viết về thơ Hoàng Lộc của cô giáo dạy văn tôi chưa từng được gặp ở Hải Phòng xa xuôi!
Chỉ biết tạ ơn một tấm lòng thương thơ và xin được coi bài viết như một món quà sinh nhật đẹp cho tôi mà tác giả không hề nhắn lời trao tặng…
Trân trọng,
8-11-2018
Hoàng Lộc
Tản Mạn Về Thơ Hoàng Lộc
Hoàng Lộc là nhà thơ VNCH đầu tiên tôi được đọc. Năm đó tôi 30 tuổi, một người bạn gửi tặng bài thơ "Về Hội An Uống Rượu Đợi Người" chỉ đơn giản nó được viết đúng năm tôi chào đời. Đó là một trong những món quà sinh nhật đặc biệt nhất mà tôi được nhận.
Hoàng Lộc viết nhiều chủ đề nhưng có lẽ thành tựu nhất của ông thuộc mảng thơ tình. Giai nhân trong thơ ông đủ lứa tuổi. Từ giai nhân học trò tới giai nhân bà ngoại, bà nội. Nhưng may thay, (rủi thay, ác thay), những bài thơ sâu đằm nhất, thi tứ lạ lùng lại là thơ về những thiếu phụ đang ấm êm gia thất song vẫn là trinh nữ trong thơ:
em dẫu chồng con vẫn hoài thiếu nữ
ta tóc màu phai lòng cứ tình nhân
vầng trăng đang tròn bỗng thành hai nửa
nửa đứng đầu sông, nửa chìm cuối sông
em đã chồng con mà chưa thiếu phụ
ta tóc bạc còn phơ phất hào hoa
chẳng lẽ vì ta dặm ngàn lữ thứ
để em rưng rưng một cõi quê nhà?
(Cuối Bãi Trần Gian)
Thơ Hoàng Lộc không có những cung bậc da diết đau đớn. Dù được yêu hay tình phụ, khi nào câu thơ cũng nhẹ bẫng, giản dị tới đỉnh cao của nghệ thuật dùng từ, đôi khi trớt quớt, dân dã nhưng giống như một thứ rượu được chưng cất, hạ thổ, ủ kỹ cả trăm năm, qua bao bể dâu tao loạn, nên trong văn vắt. Thơ ông làm ta mê mà không để ta cuồng, khiến ta say mà không cho ta loạn. Thứ thơ tình tự tôn, rành mạch, yêu thì nói yêu, thương thì bày tỏ thương, ghen tuông thì bộc bạch ghen tuông nhưng là một thứ tình đầy tự tôn tự trọng, biết mình biết người, chỉ đứng bên ngoài, xa xa mà ngó rồi thả thơ về trời, giữ cho giai nhân cửa nhà yên ấm. Chỉ khiến họ thấy được yêu, thấy mình rất đẹp, dù chỉ đẹp trong mắt thi nhân, để họ có cớ yêu đời. Đó là thứ thơ tốt Đời mà đẹp Đạo. Đạo Tình. Đạo Nghĩa.
mây tứ xứ của gió trời tám hướng
một đời còn vỗ mãi những cơn giông
người đã đến như một loài gió chướng
mưa cuối đời ta ướt bãi tình không!...
(Mưa Cuối Đời Thơ)
Trong thơ Hoàng Lộc, giai nhân được trọng vọng, được yêu vì. Nhưng cũng có khi, là một giống phượng hoàng ngu, phượng hoàng tuyệt tích, đến nỗi thi nhân phải giận hờn:
ta từng coi khinh những giống chim ngu
gặp nhánh cây nào cũng sà cánh đậu
những thứ dây leo bu tường bám giậu...
(thà chịu đời vất vưởng có hơn không?)
Hoàng Lộc có một biệt tài, chỉ từ một bàn tay, một tấm hình, một câu nói vu vơ cũng khiến ông nảy tứ thơ, mà thường bất ngờ độc đáo, để rồi đọc lên, bất kỳ thiếu phụ nào cũng thấy bóng hình mình ở trong, cũng có thể lạm nhận câu thơ, bài thơ là viết riêng cho mình, bởi chỉ mình mới ở cảnh ngộ đó, cảm xúc đó. Có thể vô tình ý tứ trùng khít với câu chuyện riêng tư của ta, tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ có thể rất giống với người đàn ông trong mộng của ta. Thơ tình vốn là cảm xúc cực kỳ riêng tư, mà ai cũng có thể tìm thấy mình, là thứ thơ của bậc thi sĩ tài hoa. Bao nhiêu cô gái, bao nhiêu thiếu phụ đã rung động bởi những câu thơ:
anh xa biệt kinh thành từ dạo ấy
từng nhớ hiu hiu Thượng Tứ rồi buồn
khi em lớn lên và đi tới Huế
có ngậm ngùi đã quen biết anh không?
(Trong Giấc Lưu Vong)
Có ai ngậm ngùi không? Có ai đi tìm dấu tích cố nhân qua thơ Hoàng Lộc? Có ai từng đi tìm cửa Thượng Tứ để chạm tay vào bức tường thành, biết đâu, bàn tay mình đặt vào đúng bàn tay người ấy, năm xưa?
Thơ Hoàng Lộc rất đời, đời thực đến mức có những câu thơ thế này:
ơi anh yêu và ghen đến chết
em tránh đâu những bữa vợ chồng
(Cuối Bãi Trần Gian)
nhưng tuyệt đối không nên cảm nhận xét đoán bằng con mắt dung tục, tầm thường. Thơ tình của ông thuộc về cõi phong lưu tài tử, vì yêu đời mà có thơ và vì có thơ càng mến cuộc đời. Nên đừng nhọc lòng tự vấn, Nàng Thơ của ông là ai. Nàng Thơ của ông là cuộc đời này, là những người nữ dịu dàng, hiền thục, chu toàn, đảm đang, hiểu đạo nghĩa, yêu thơ và thương chồng, biết lặng im thu xếp ngổn ngang của lòng để cuối đường đời viết trọn chữ Nhân.
nương tử của tôi đang ở trong lồng
tiếng hót ru con (ru tình lặng lẽ)
nương tử ơi hời nỗi niềm thơ dại
nhận biết riêng mình là vợ câu thơ…"
(Nương Tử)
là vợ câu thơ. Tình thâm nghĩa trọng. Thương đến thế và yêu cũng chỉ đến thế! Thế gian mấy ai hiểu những đa đoan, trắc ẩn trong lòng những người đàn bà phân thân sống hai cuộc đời, hai thân phận, hai tâm trạng, hai bổn phận. Mà khi nào cũng phải tròn vai. Làm vợ, làm mẹ thì đàn bà nhiều người từng trải. Nhưng làm vợ câu thơ, làm vợ những mối tình trong veo không bao giờ có đêm tân hôn, mới khắc khoải, thấm thía, xót xa đến dường nào!
Hoàng Lộc đang sống, mà ông tự nhận là "lưu vong" ở nơi cách đất tổ đúng 12 tiếng đồng hồ tính theo múi giờ, nhưng tâm hồn ông chưa một phút lưu vong. Lúc nào cũng canh cánh về quê hương, nơi có những thế hệ giai nhân trong thơ ông hiện hữu, khi "nơi em ở gió mùa đông bắc thổi", khi "sân nhà người vạn thọ đã vàng bông", khi "chiều mưa rất nhớ - cố không nhớ mà rớt quê nhà những giọt chung....".
Nói về nhà thơ, chi bằng hãy yên lặng mà đọc thơ. Vì nói bao nhiêu mới đủ..
Ngón Út Bàn Tay
em có bàn tay năm ngón thon dài
anh chỉ ngập ngừng xin em ngón út
con mắt cuối đời vàng hoe mộng ước
có lẽ yên lòng khép giữa thiên thu?
cây hồn anh – thôi lá rách cành hư
năm bảy trái tình chưa xanh đã rụng
qua thời đất chai tới mùa nước úng
tiếng chim hoài yên lặng một đời cây
năm ngón thon dài hiền dịu bàn tay
ngón út cho anh đợi ngày vuốt mắt
ngày dẫu thảnh thơi đi về cõi khác
biết tay em có một ngón đang buồn
từng vô tâm với lắm thứ-không-còn
sao nỡ thấy đau với điều có được?
mấy lóng nhỏ từ ngón tay nhỏ nhất
lại bất ngờ ân oán với đời anh...
Có cô bé đọc thơ Hoàng Lộc, hỏi mình, Tại sao lại chỉ là Ngón út bàn tay? Sao không là cả bàn tay?
Cô bé ngốc.
Cả hai bàn tay của giai nhân còn để chăm sóc Cha Mẹ, chồng con, vun vén cho tổ ấm. Phận đàn bà đã được cưới gả vào nhà người, thì có gì còn là riêng của ta nữa đâu. Cả thân thể, cả cuộc đời của ta đã dành bao dung người, tận tụy với người. Có ngón tay áp út cũng đã đeo chiếc nhẫn nhắc nhớ rằng ta đã bị buộc vào vòng kim cô. Nên Người Thơ chỉ dám xin, mà là ngập ngừng xin, một ngón út thôi, tức là phần thân thể nhỏ bé nhất, khiêm tốn nhất của giai nhân, không làm ảnh hưởng tới ai, không hao hụt tình chồng vợ của ai, cũng không lạm vào bổn phận của ai. Chỉ xin ba lóng tay nhỏ nhất. Không phải để đặt lên môi. Không phải để ru từng ngón xuân nồng. Mà là "ngón út cho anh đợi ngày vuốt mắt". Đọc câu thơ này, ai không rung động, có lẽ, cả đời không cần chạm tới một bài thơ nào nữa.
Thảo Dân