User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

ThanhNga

Hoàng Thị Thanh Nga dùng tên thật làm bút hiệu viết văn xuôi. Làm thơ ký bút hiệu Hoàng Thị Nguyệt Khuyết. Trước 1975 còn có bút hiệu Lam Hà. Hiện định cư tại tiểu bang Georgia. Là thành viên Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ

Thanh Nga viết rất đều tay. Năm 2007 Thanh Nga sang định cư tại Georgia, Hoa Kỳ đến nay đã in ấn ba tác phẩm:

Tuyển tập thi văn Hoa Nở Muộn (2012). Truyện dài Mây Ngang Trời (2013), và tuyển tập văn thơ Đường Chân Trời Xa Lắc.

Tôi quen HTTN qua sự giới thiệu của bạn thân, bạn văn sinh sống tại Atlanta, GA. Tôi đọc văn HTTN trên báo Trẻ Magazine, Rạng Đông trước khi diện kiến Cô. Năm 2012 HTTN gửi tặng tôi  tuyển tập văn thơ “Hoa Nở Muộn”. Thanh Nga tánh tình ngay thẳng, bộc trực. Cô khiêm nhường nhưng biết mình có khả năng viết và sở hữu nhan sắc lâu phai nên giữ sự tự tin. Thời Đệ Nhất Cấp ở Trung Học Trưng Vương, Thanh Nga có thơ và tùy bút đăng trên Bán Nguyệt San Tuổi Hoa của Linh Mục Chân Tín. (Lúc đó tôi đang là phi công trong Tân Sơn Nhất, thích làm thơ học trò và viết vài truyện ngắn tình học trò thanh khiết, cao thượng trên giấy tập. Thỉnh thoảng tôi đến Tòa Soạn Báo Tuổi Hoa trên đường Kỳ Đồng để giao bản thảo. Tôi rất tâm đắc chủ trương của báo với các bài viết về tuổi trẻ, trẻ bụi đời của Duyên Anh, tranh Vi Vi Võ Hùng Kiệt…)

Có thể gọi HTTN là Nhà văn hơn là nhà thơ. Không phải vì thơ HTTN không hay. Tôi có cảm tưởng HTTN nghĩ ra cốt truyện trong đầu, ghi bố cục cần thiết. Khi ngồi trước máy vi tính thì mạch văn tuôn trào thành dòng chảy cho đến cuối truyện ngắn. Mạch thơ của Cô tuy súc tích, lãng mạn… Rất tiếc Cô không viết nhiều.

Mai Thảo cho rằng người đeo nghiệp văn chương phài là người giàu - giàu chữ nghĩa. Hoàng Thị Thanh Nga giàu chữ nghĩa, cô thuộc nhiều thơ, thành ngữ, ca dao… thậm chí tiếng lóng dân gian. Có khác chăng là cách Cô chen chúng vào câu văn, có khi thêm tiếp vĩ ngữ tạo dí dỏm, khiến người đọc vui đọc. Rất nhiều truyện ngắn của Thanh Nga là tự truyện. Truyện Cô học trò 17 tuổi xinh đẹp, có nhiều thanh niên trồng cây si. Bỗng nhiên lấy chồng “đại”. Đến năm 22 tuổi đã 3 con, chồng đi tù cải tạo. Người đàn bà trẻ, có nhan sắc phải lăn lóc làm đủ thứ ngành nghề trong một xã hội nhiễu nhương đầy bất trắc. Có lúc phải gửi bớt con về bên Nội cho đỡ miệng ăn…. Cũng chính người đàn bà cô quạnh một thân, ở vậy lo cho các con cho đến lúc trưởng thành. Khoảng đời dài bốn thập niên với nhiều buồn, ít vui. Niềm vui lớn nhất của tác giả là các con… Khi các con khôn lớn, có đời sống và suy nghĩ riêng. Người đàn bà trở nên đơn độc, tâm tư chất ngất nỗi niềm. Tất cả được tác giả Hoàng Thị Thanh Nga bộc bạch thành bức tranh xã hội, nét vẽ cuộc đời trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, gia đình ly tán, bôn ba nơi xứ người!

Đọc văn Hoàng Thị Thanh Nga, chúng ta không thấy những hận thù kẻ đã gieo rắc khổ đau cho gia đình, hàng xóm, đồng bào của Cô. Dù trong hoàn cảnh cực kỳ vất vả, mệt mỏi thể xác, đau đớn trong tâm hồn, Cô vẫn nhận ra cái nghịch lý tức cười, cái ngổ ngáo của sự việc và cười khan một mình, hay cười ra nước mắt. Phải chăng tính vị tha, khoan dung này giúp Cô vượt qua những khó khăn tưởng như bế tắc trong đời sống và giữ cho mình nét nhìn nhan sắc tươi mát ngỡ là trời ban cho… HTTN không nghĩ mình là nhà văn. Mục đích chính của các truyện ngắn là lời gửi gấm chân thành từ lòng thương yêu con vô bờ bến của Cô. HTTN mong các con đọc và hiểu tình cảm cũng như tình cảnh gia đình sau tháng Tư năm 1975 của một người Mẹ, lấy sự an vui của các con làm lẽ sống cao cả nhất cho chính mình. Chúng ta hãy nghe HTTN tâm sự:

“Những chuyện đời, chuyện tình trong tập sách không chỉ là chuyện. Là kỷ niệm. Là hồi ức một thời của một đời người. Là tiếng lòng tâm tình, giãi bày trên trang giấy những nỗi niềm khép kín, đơn độc. Đi gần cuối cuộc đời tôi mới ngộ ra một điều. Cuộc đời như chiếc vòng tròn, khuyết một góc, khập khễnh lăn qua đường dài. Lăn qua những con dốc thăng trầm. Chậm chạp đón nhận biết bao điều không trọn vẹn. Trải qua cay đắng xót xa, lẫn ngọt ngào hoa mộng…

Tôi viết như nghiệp dĩ cưu mang, để các con hiểu được tấm lòng yêu thương vô bờ của tôi và nỗi tiếc nuối day dứt vô cùng trong quãng đời thơ ấu cơ cực, thiếu thốn sự gần gũi, vuốt ve của tôi cho các con. Viết để tưởng nhớ người Mẹ vô vàn kính yêu. Suốt đời sống cho con, cháu. Cuối đời phải sống trong hoàn cảnh xã hội sau 1975 vô cùng buồn bã, thống khổ.

Viết cho những ước mơ, hoài bão từ sâu thẳm tâm hồn…”

Tôi đọc những truyện ngắn “Chim Sa Xuống Đất”, "Chiếc Giày Trên Sàn Nhảy CLB Huỳnh Hữu Bạc’, “Tình Có Như Không” là những truyện tình với phi công Không Quân thật dí dỏm, ứng biến dễ thương mà thần kỳ, vô ý nhưng bí hiểm… Rất “con gái nói có là không”, ”nhứt quỉ, nhì ma thứ ba học trò”. Chừng như tôi đang dựng xe, chờ ai đó trước cổng trường Gia Long hay Trưng Vương khung cửa mùa Thu năm nào!

Miên Trầm Du có những nhận xét như sau:

“Điều cảm nhận đầu tiên là sức cuốn hút trong những dòng văn của HTTN. Thấp thoáng đâu đó là sự tiếc nuối những điều không trọn trong quá khứ, với cuộc đời, với tình riêng… Cách diễn đạt của Thanh Nga dí dỏm mà sâu lắng, ẩn chứa nỗi buồn…như những lời thì thầm lặng lẽ. Những nỗi sầu man mác, những hạnh phúc mong manh bất chợt. Có khi là sự pha trộn giữa niềm vui thật hồn nhiên và nỗi buồn thật thấm thía. Mạch văn HTTN lôi cuốn, tràn ngập cảm xúc và đầy quyến rũ.

Có thể nói bằng chính niềm tin và nghị lực phi thường của người phụ nữ. Vừa viết văn, làm thơ, vừa phải vật lộn với mưu sinh… Tác giả đến với văn thơ bằng tấm lòng, bằng tâm hồn đa cảm thi nhân, thiên lương của người dâng hiến… Đọc HTTN ta sẽ phải thực sự khâm phục ý chí vượt qua những gian truân, trở ngại trong đời thật của tác giả”

Đọc HTTN mà không đề cập đến thơ Hoàng Thị Nguyệt Khuyết (Vầng Trăng Đời Tròn, khuyết một góc như tưởng tượng của tác giả) là một thiếu sót. Ta hãy nghe Nàng Nguyệt Khuyết tâm sự trong bài Tạ Tình:

“Đời em là một dòng sầu. Chiều thu tóc đã phai màu khói sương. Tình trần thôi muốn tơ vương. Như là một giấc mộng thường, thế thôi. Dẫu là “con gái của trời”. Truân chuyên suốt kiếp đầy vơi nỗi lòng”.

Bài “Hồng Nhan Tri Kỷ” theo thể thơ tự do phải chăng cũng chỉ là “bùa thiêng yễm” của “Hồng nhan đa truân:

“Nửa thế kỷ/ Ta ôm đời cô độc/ Mảnh nhân duyên đã trót lỡ làng/ Tuổi thanh xuân trôi vụt dốc thời gian/

Tìm tri kỷ/ Như dã tràng xe cát… Bỗng người đến nên cuộc đời rất lạ…. Nhuộm tím lòng tri kỷ hồng nhan/ Dẫu có yêu vô vàn/ Cũng chỉ để uống say một chén tình vô vọng/ Và em lại trở về cô độc/ Như trăm năm vương mắc một lời nguyền”.

Sau đây là trích dẫn lời tâm tình của Nhà văn Tường Lam viết về tác giả Hoàng Thị Thanh Nga:

“Với tấm lòng của người cầm bút, tôi nhởn nhơ, bình tâm đọc… với sự đồng cảm cùng tác giả. Tôi thường chia sẻ với bạn bè. Mỗi người nên ngồi xuống, viết những câu chuyện đời mình, ta sẽ đọc những cuốn sách nhiều trang. HTTN cầm bút, nhân vật chính với số phận bồng bềnh như mây, và nỗi cơ cực gian truân kiếp người trong bối cảnh xã hội đổi thay.

Từ ngày Quốc Hận 30 tháng 4, 1975 tác giả đưa ta về ngày Quốc Hận 20/07/1954. Những ngày bé thơ của nhân vật, một Mẹ một con làm chuyến di cư từ Bắc vào Nam như triệu người khác. Và triệu người dân Việt Nam Cộng Hòa bỏ xứ ra đi, từ chối “độc lập - Tự do - hạnh phúc… đỏ của Cộng sản”

Tác giả tô lên trang giấy một thời lầm than của ba thế hệ trải qua bao cay đắng, muộn phiền, đói nghèo trong thiên đường ”xã hội chủ nghĩa” bằng gam màu tối nhưng rành rành nét vẽ, mạch lạc, dễ hiểu, không trừu tượng. Tác giả diễn đạt nhân vật cõng trên lưng nỗi cơ cực, đói nghèo, khốn khổ. Mấy lần quỵ xuống tưởng chừng không thể gượng dậy nổi.

Dù xuất hiện trễ muộn, nhưng văn phong nhẹ nhàng, lối hành văn uyên bác, không trùng dấu chân người. Đôi lúc dùng từ hơi ngổ ngáo, ngang tàng. Bố cục độc đoán, khiến độc giả phải ngưng để suy nghĩ, hay bắt đầu đoạn văn theo cách riêng của mình.

Đọc xong tác phẩm, chúng ta có quyền hy vọng HTTN sẽ cho ra mắt nhiều tác phẩm giá trị khác nữa…” Tường Lam

Bài thơ “Hai Nửa Vầng Trăng” của tác giả HTTN được Dương Thượng Trúc phổ thành ca khúc cùng tựa với tiếng hát tuyền cảm của ca sĩ                          

Hai Nửa Vầng Trăng- HTTN-DTT-

 

Phạm Tương Như

20/11/2018

Muốn có sách của tác giả Hoàng Thị Thanh Nga, vui lòng liên lạc số điện thoại:

617-389-1165  Hoặc email theo địa chỉ: thanhnga 4530@ yahoo.com