
Tập thơ "Giấc Mơ Đời" là tập thơ thứ hai của nhà thơ Bùi Thanh Tiên. Xuất bản năm 2002. Gần một trăm bài thơ. Hơn một trăm trang giấy. Bùi Thanh Tiên đã trải rộng tình cảm trong lòng mình ra với thiên nhiên, với quê hương đất nước, dâng hiến tình yêu cho đời và cho đạo v.v...
"Giấc Mơ Đời" được hoàn thành hầu như để góp thêm một bông hoa trong vườn hoa văn học nghệ thuật tại hải ngoại và đồng thời cũng là một món quà tinh thần mà nhà thơ muốn trao tặng cho người đang cùng chung một nhịp đập với trái tim của mình, đang cùng sánh vai trên con đường rực rỡ hoa Đời, thênh thang hương Đạo.
Tình yêu nam nữ là một thứ tình yêu có từ vạn kiếp và luôn là một đề tài bất diệt trong vườn hoa văn học nghệ thuật của bất cứ quốc gia nào. Tình yêu nam nữ xuất hiện trong văn, trong thơ, trong nhạc và ngay cả trong các tác phẩm hội họa và điêu khắc cũng như vũ và kịch v.v...
Riêng trong lãnh vực thi ca thì từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, tình yêu luôn gợi hứng cho các nhà thơ. Hình như tình yêu không có tuổi tác, chừng nào trái tim con người còn đập thì con người còn yêu. Có lẽ thật vậy. Chỉ nhìn lại trong lịch sử thi ca nước Việt chúng ta đã thấy rõ điều này. Có lẽ vì thế nên một nhà văn nào đó đã từng nói rằng: "Thơ trữ tình có thể coi như tổng hợp, như tuyệt đỉnh của thơ, mà chính thơ là tuyệt đỉnh của tiếng nói loài người!".
Nhà thơ Bùi Thanh Tiên cũng không ra ngoài cái thông lệ đó. Trẻ thì không còn trẻ lắm. Mà già thì chưa già hẳn. Mà trẻ hay già thì có nghĩa gì đâu khi trái tim nhà thơ vẫn còn dạt dào trào dâng những vần điệu lai láng trữ tình... Tình cho ngoại cảnh, tình cho nội tâm, tình cho người, nhất là người bạn đời...
*
Thoạt tiên là tình yêu thiên nhiên. Dưới mắt nhà thơ thì cỏ cây hoa lá, gió trăng sông núi v.v... luôn luôn là những đề tài gợi hứng. Vầng Trăng đêm tỏ ra quyến rũ đến say đắm lòng người khiến nhà thơ phải đặt bút viết:
"Đôi lần biền biệt dưới vũng trăng
Bao phen say giấc chốn cung hằng
Đêm sương mời đón hương dạ lý
Lầu vắng chỉ còn ta với trăng..." (Ta Và Trăng)
Rồi đến tình yêu quê hương đất nước. Tình cố quận luôn trào dâng trong niềm thương nỗi nhớ của người xa xứ:
"Xao xác vạc đêm nghe xót đau
Có vầng trăng lẻ... úa hôm nào
Xa xôi vẫn đượm tình quê cũ
Sống kiếp tha hương, lá héo màu!" (Nhớ Cố Hương)
Rời xa ngoại cảnh để trở về với nội tâm, lòng nhà thơ dâng lên một thứ tình cảm gia đình tha thiết. Hình bóng từ mẫu luôn ghi khắc sâu trong tâm khảm người con, nhất là trong những trường hợp có sự chia cách âm dương đôi ngả. Nhà thơ ghi lại những dòng cảm hứng khi nhớ Mẹ, một người Mẹ "ngàn năm vẫn tuyệt vời". Lời thơ tuy mộc mạc nhưng rất chân thành:
"Tết về nhớ Mẹ quá, Mẹ ơi!
Đã bảy xuân qua vắng Mẹ rồi" (Tết Về Nhớ Mẹ)
"Mẹ cười thật hiền và nhân hậu
Làm sao đền đáp nghĩa thâm sâu
Ngày Vu lan tới, cài hoa trắng
Nhớ Mẹ mênh mang - gợi ý sầu" (Ngàn Năm Mẹ Vẫn Tuyệt Vời)
Tình yêu nam nữ trong thơ Bùi Thanh Tiên khi thì nở đẹp, rực rỡ như hoa hướng dương đón ánh mặt trời:
"Có lần em hẹn đến thăm tôi
Trăng sáng long lanh hai đứa ngồi
Nhìn anh, em hé răng ngà ngọc
Chất ngất say hồn môi gắn môi" (Ngà Ngọc)
Khi thì tan tác chia ly, như những giọt nắng vương theo bước chân tình nhân đi khuất xa, để lại trong lòng người những vết hằn đau đớn:
"Hôm mình ướt trũng cơn mưa
Làn môi em ấm, đong đưa gợi tình
Giờ đây một bóng, một hình
Đường hoa em bước, riêng mình anh đau" (Giọt Nắng Bước Chân Theo)
Người ta quan niệm thời gian là một loại linh dược để dần dần hàn gắn các vết thương lòng. Vết thương quá khứ của nhà thơ cũng vì thế được xoa dịu và vơi đi với tháng ngày:
"Trong tim còn lại ước nguyền
Tàn hoa sương đọng, ưu phiền ngổn ngang
Nỗi đau dù có dịu dàng
Tơ duyên không trọn, dần tàn hương xưa..." (Nỗi Đau Dịu Dàng)
Bóng đêm dù dày đặc biết mấy rồi cũng phải qua đi. Vầng dương lại rực rỡ mọc ở phương Đông. Hoa tình yêu lại nở. Hương tình lại ngan ngát dâng cao khiến nhà thơ trở lại yêu đời và yêu... người:
"Ừ thôi, duyên nợ ba sinh
Dù cho bão táp, thuyền tình vẫn qua
Dù cho dằng dặc phong ba
Tình ta vẫn nở... nụ hoa yêu đời" (Hoa Yêu)
Tuyết trắng mênh mang trên bầu trời Ba Lê, hay Tuyết trắng thênh thang trên vùng núi đồi Virginia Mỹ Quốc cũng vẫn chẳng bao giờ khiến nhà thơ lạnh lẽo, buốt giá khi mà trong lòng mình ngọn lửa tình đang bùng lên dữ dội:
"Đã lâu rồi hồn anh êm trống vắng
Tuyết bỗng rơi từng đợt dâng theo nắng
Tuyết phủ đầy trên mặt trên tóc, môi
Đem muôn trùng ấm lại trái tim côi" (Mai Tuyết)
Sánh bước trên đường đời đi giữa vùng "Đất Của Tình Nhân", vùng "Virginia is For Lovers" đôi tâm hồn cảm thấy như có lời hứa hẹn tự nguyện trói buộc nhau mãi trong một vòng chung thủy mặn nồng:
"Yêu đương một nỗi đi về
Mưa hồng cúi mặt
Lặng tê cõi lòng
Vòng tay ân ái mặn nồng
Trói nhau bằng nghĩa
Bằng vòng thủy chung..." (Vòng Thủy Chung)
*
Đã từ lâu lắm rồi có một nhà thơ nào đó từng nói đại ý rằng: "Thi ca sẽ là tôn giáo cuối cùng trên mặt địa cầu này khi mà tất cả nhân loại không còn giữ lại được cho họ một niềm tin nào ở nơi tôn giáo mà chúng ta đang có".
Bùi Thanh Tiên đến với thi ca có vẻ khác. Nhà thơ vừa gởi gấm trọn vẹn tình yêu của mình với thi ca lại vẫn triệt để đặt lòng tin vô bờ bến vào tôn giáo mà mình đang có, đang theo, đó là Phật Giáo. Tình Đạo nở ra như những bông sen ngát hương tinh khiết.
Trước hết nhà thơ cảm nhận được cái chân lý rằng cuộc sống là giả tạm, là vô thường và "cái ta" cũng không phải là cái tồn tại mãi mãi:
"Giàu sang. Rồi cũng phai tàn
Công danh. Rồi cũng võ vàng qua mau" (Bên Mái Hiên Chùa)
Nhà thơ cảm nhận được rằng Đạo Phật rất gần gũi với thi ca vì cả hai hầu như cùng có một cái nhìn tương tự như nhau về cuộc đời. Cả hai đều nhìn đời như một sự kiện "như thị, như thị":
"Thiên kinh tỏa sáng con đường
Kiếp người vô ngã, vô thường, mong manh
Nương theo đuốc huệ tu hành
Cành hoa nhân ái kết thành... từ tâm..." (Cành Hoa Nhân Ái)
"Từ mang kiếp sống vô thường
Bình minh sương tạnh, hừng dương chói lòa ...
Đường về cõi tịnh đầy hoa
Đạo vàng khai lối, nở ra sen hồng" (Cõi Thinh Không)
Tất cả đều chỉ là "sắc, không", hợp rồi lại tan, có rồi lại không, như những bọt nước theo dòng chảy xuôi liên tục trên sông, như những con thuyền ghé chung một bến rồi lại chèo đi tan tác:
"Hồng trần hai chữ: sắc, không
Tuồng như dòng nước trên sông hững hờ..." (Hồng Trần)
"Sinh ly, tan hợp vẫy chào
Bài thơ khúc nhạc, ngàn sau... vọng lời
Thuyền chưa ghé bến sông đời
Có không, không có: một thời hợp tan" (Bến Sông Đời)
Nhà thơ cảm nhận được lời dạy của Đức Phật: "Ta là chủ nhân của nghiệp... Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy". Con người tìm về quỳ trước Phật đài đốt lên một nén hương để mong xua tan đi những oan khiên trong kiếp này và nhất là những lầm lỡ u mê trong kiếp trước:
"Lệ tình chưa dứt mối hương phai
Nặng gánh oan khiên chuỗi tháng ngày
Bến mê nghiệp chướng chưa tròn kiếp
Đốt nén tâm hương trước Phật đài" (Cõi Tạm)
Mong có cơ hội "chuyển nghiệp", mang về một sự an tịnh cho tâm hồn bên sắc hoa ưu đàm rực nở:
"Nghiệp đã không còn, thân hết mang
Hoa ưu đàm nở nhuốm sắc vàng
Từ cõi thinh không, tâm quán tịnh
Duyên lành vô lượng, ánh dương ban..." (Nghiệp Không Còn)
Mong thoát khỏi cái vòng luân hồi quanh quẩn tử sinh, sinh tử đầy những khổ đau, những trầm luân:
"Ngươi đi, xa kiếp luân hồi
Người còn ở lại, biết đời đắng cay
Hết đêm rong ruổi, đến ngày
Hết vòng sanh tử, lại bày trầm luân!..." (Ai Buồn Hơn Ai)
Nhà thơ luôn muốn tìm về với nguồn Đạo. Tìm về dưới mái hiên Chùa. Mái Chùa cong vút với những đường nét kiến trúc độc đáo thanh thoát như một biểu tượng che chở cho con người, mang lại niềm an lạc, xoa dịu nỗi đau nhân thế sau những thăng trầm của cuộc sống:
"Nguồn vui bên mái hiên chùa
Nắng lên. Mưa tạnh. Bướm đùa bên hoa
Đường đời dừng bước bôn ba
Miền thong dong ấy, chiều tà sương trong" (Bên Mái Hiên Chùa)
Trong màu áo lam, quỳ trước Phật đài, tiếng chuông Chùa như hòa lẫn với tiếng kinh cầu và mang lại niềm tin vững chắc trong lòng người. Tư tưởng Phật giáo đã thể hiện một cách hồn nhiên và dung dị trong khắp các mặt của nếp sống tâm linh:
"Một buổi hoàng hôn chốn cửa thiền
Tiếng chuông chùa gọi giấc cô miên
Áo lam thanh thoát, quỳ chân Phật
Với tiếng cầu kinh, trọn ước nguyền!" (Ước Nguyền)
Tìm về với Đạo để được giải thoát khỏi cái màn đêm tăm tối, cái si mê, cái "vô minh" trong lòng người:
"Vô minh ơi, hãy dừng chân!
Từ bi hạnh ngộ, bỏ dần si mê
Sen hồng nở rộ bốn bề
Hành thiền khuya sớm, trở về Chân Như" (Bến Nhân Từ)
Nương theo ánh Đạo vàng con người tìm về với ánh dương rực rỡ của trí tuệ, của giác ngộ, tìm về con đường chân chính.Thấy lòng mình vui theo nụ cười bất diệt và giải thoát của Đức Phật:
"Quay về chánh đạo sáng ngời
Cười vui cõi phúc, xa rời u minh
Từ nay Phật ở tâm mình
Hồ sen im nắng, diệu linh đạo vàng..." (Nụ Trầm Hương)
Con đường tu "thân" thật quả chính là con đường tu "tâm":
"Giữ thân an tịnh mọi miền
Tâm từ bi mở, cửa thiền lộ khai
Huệ tâm, huệ nhãn đổi thay
Bồ Đề chứng ngộ, rồi mai đắc thành..." (Thiện Duyên)
*
Đạo Phật thường được coi như đã đến với cuộc đời bằng tình yêu. Bởi thế nên khi Bùi Thanh Tiên đang sống với tình yêu thì cũng chính là lúc nhà thơ gặp Đạo, trao hết tâm hồn mình vào Đạo. Tình Đời và tình Đạo như gắn bó với nhau thành một tổng thể. Cái tổng thể này hòa nhập với Thi Ca để dâng hiến cho người yêu thơ những vần điệu lai láng trữ tình và đầy hương sắc trong vườn thơ văn học và nghệ thuật hải ngoại.
Tâm Minh Ngô Tằng Giao (Virginia,USA, tháng 7 năm 2002)