User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Mai Chửng sinh năm 1940 tại Bình Định Việt Nam, mất tại Dallas, Hoa Kỳ năm 2001, là một nhà điêu khắc tài năng vào hàng đầu của Mỹ Thuật Miền Nam VN trước 1975. Anh vốn là học trò của nhà điêu khắc người Pháp gốc Việt Lê Ngọc Huệ (Bernard Hue) vào niên khoá 1961-1962 của trường CĐMT Huế.

dieu khac mai chung1

Dấu ấn nghệ thuật điêu khắc của Mai Chửng

Dẫu sao, dù nhiều hay ít, những gì thầy Huệ truyền lại cho Mai Chửng cũng là hành trang vào nghiệp rất hữu ích. Sau khi ra trường, Mai Chửng đã trở thành một nhà điêu khắc trẻ tiềm năng cho một tầm vóc nghệ sĩ lớn khi anh nhận công trình điêu khắc đầu tiên và khổng lồ bằng chất liệu đồng lá hàn ghép mang tên Bông Lúa Con Gái do Ngân Hàng Thương Mại cổ phần Sài Gòn đặt hàng để dựng tại trung tâm thành phố Long Xuyên vào năm 1970.

Với một nhà điêu khắc trẻ Việt Nam, 30 tuổi, chưa từng trải qua những công trình lớn ngoài trời là cả một thử thách vô cùng lớn đối với không chỉ cho Mai Chửng mà cho cả giới điêu khắc gia dày dạn tuổi nghề ở Việt Nam vào thời điểm những năm 70 trở về trước nếu không muốn nói là chưa từng có cho đến cả hiện nay.

dieu khac mai chung6
Tượng đồng và đất nung của Mai Chửng mang phong cách trừu tượng biểu hiện

Với 18 mét cao và bằng đồng hàn, nó đòi hỏi một khả năng kỹ thuật làm cốt chịu lực sao cho tượng đứng vững trước mọi thời tiết và cường lực của gió bão, kế đến là tầm nhìn cho mọi góc độ và khoảng cách xa gần sao cho tượng được nhìn ngắm cân đối và nổi bật được ý tưởng và nghệ thuật mà tác giả gửi gắm, phô diễn.

Ðể được như thế, Mai Chửng đã chuẩn bị một bản thiết kế hoàn hảo cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật với sự trợ giúp của một nhà điêu khắc, một người bạn thân rất tài năng - Dương Văn Hùng và một nhóm thợ hàn giàu kinh nghiệm để tiến hành công việc ngay tại công trường, nơi dựng tượng.

Tượng Bông Lúa Con Gái đứng sừng sững giữa đất trời Long Xuyên như một biểu tượng của nền văn hoá vùng đồng bằng sông Cửu Long, một dáng đứng đầy gợi cảm cả mỹ học lẫn hình tượng của một sức sống đang vươn lên một cách tự tin và tràn đầy sinh lực như một cô gái vào tuổi mơn mởn thanh xuân.

Và ngay sau sự thành công gây choáng váng này, năm 1971, Mai Chửng lại nhận tiếp 2 công trình điêu khắc cho một thương xá hiện đại của Sài Gòn, thương xá Crystal Palace, tên tiếng Việt là Tam Ða, một tác phẩm kiến trúc của Kiến Trúc Sư khôi nguyên La Mã, ông Ngô Viết Thụ.

Hai tác phẩm này, Mai Chửng thực hiện tại hành lang của thương xá này, gồm có một phù điêu nổi có kích thước khoảng 2m x 2m, bằng chất liệu đồng lá được kết dính bằng kỹ thuật hàn với chủ đề Chiến Tranh và Hoà Bình, bức phù điêu này có sự góp công của Điêu Khắc Gia Dương Văn Hùng và thợ hàn Nguyễn Văn Cừ. Riêng pho tượng bằng thạch cao trắng, cao khoảng 2m, đường kính 1m20, có tên là Chị Em, được đặt ngay cạnh cầu thang dẫn lên các tầng trên của thương xá này là tác phẩm hoàn toàn của Mai Chửng.

dieu khac mai chung
Mai Chửng thời trẻ tại xưởng điêu khắc ở Sài Gòn trước 1975

Sau loạt tượng dành cho ngoài trời và nơi công cộng ấy, Mai Chửng có Cái Mầm, một pho tượng rất đặc sắc được sáng tác và triển lãm vào cuối năm 1974 tại Gallery La Dolce Vita, Sài Gòn. Pho tượng này được thấy lần đầu ở Việt Nam khi tác giả của nó đã kết nối bởi hàng trăm vỏ đạn loại dành cho súng trường hoặc tiểu liên, một loại chất liệu bằng đồng chỉ có trong một đất nước thời chiến tranh như Việt Nam lúc bấy giờ. Pho tượng này có độ cao khoảng 1m50, một cấu trúc tạo hình vừa hiện đại vừa mang một ý tưởng nghệ thuật rất riêng, rất cá tính, một dự báo cho một hiện tượng điêu khắc mang tầm thế giới trong một tương lai không xa. Và Cái Mầm đã chinh phục ngay một người khách ngoại quốc trong ngày khai mạc cuộc triển lãm, ông chính là vị Ðại Sứ nước Pháp tại Sài Gòn với giá 1,000,000 đồng bạc VNCH (tương đương 15 lượng vàng lúc bấy giờ).

Tuy nhiên, điều không may cứ liên tục đổ ập xuống nhà nghệ sĩ điêu khắc tài ba bậc nhất của Miền Nam này từ việc 2 công trình điêu khắc tại thương xá Tam Ða năm 1971 đã bị đập bỏ bởi ông Kiến Trúc Sư Ng Ng Nh. khi ông này được giao trang trí lại khu thương xá và chính ông thay thế 2 tác phẩm điêu khắc của Mai Chửng bằng các tượng do chính nhà kts này làm, sau đó lại đến Bông Lúa ở Long Xuyên cũng bị kéo đổ và phá hủy bởi bọn nổi dậy tại địa phương sau ngày 30-4-75 và cuối cùng đến Cái Mầm, chịu chung số phận tiêu tan vì Gallery La Dolce Vita bị Quân Giải Phóng chiếm đóng vào ngày 30-4-75 trong khi ông Ðại Sứ Pháp chưa kịp mang đi.

Ðó là những gì tiêu biểu nhất về tài năng điêu khắc của Mai Chửng và số phận đen tối phải gánh chịu một cách oan nghiệt.

dieu khac mai chung5
Bông Lúa Con Gái bằng đồng, cao 18 mét, tại Long Xuyên trước 1975 và bị giựt sập vào ngày 30-4-1975

Mai Chửng, ảnh hưởng và khai mở con đường điêu khắc riêng

Ảnh hưởng

Trong phần chuyên môn hơn, tôi muốn bình luận về nghệ thuật điêu khắc của Mai Chửng đứng ở đâu giữa một bậc thầy điêu khắc tầm thế giới và người thầy trực tiếp của anh, ông Lê Ngọc Huệ?

Như đã có đề cập kể trên, vốn là học trò trực tiếp của thầy Huệ, và cũng như Mai Chửng đã nói trong một video do Lê Vũ, giám đốc công ty truyền thông Kicon ở vùng Little Sài Gòn thực hiện về việc anh chọn theo thầy Huệ ra Huế học vì thích cái cách làm điêu khắc hiện đại của một nhà điêu khắc từ Pháp về mà trước đó không hề có ở các ông thầy dạy điêu khắc ở trong nước và cũng theo anh, Henri Moore, Constantin Brancusi là những nhà điêu khắc hiện đại bậc thầy rất đáng học hỏi. Do đó, trong các tác phẩm điêu khắc của Mai Chửng có bóng dáng phong cách của Lê Ngọc Huệ, Henri Moore, hay của…?

Trước hết, Mai Chửng chắc chắn đã học được rất cơ bản về cách làm điêu khắc mới và kiến thức của mỹ thuật hiện đại từ thầy ruột của mình. Ðấy là điểm xuất phát cho các tác phẩm đầu tay của Mai Chửng sau khi ra trường. Ít ra thì trong vai trò phụ việc cho thầy Huệ sáng tác và thực hiện 15 tượng lớn ngoài trời với chủ đề 15 Mầu nhiệm Mân Côi tại khuôn viên nhà thờ La Vang - Quảng Trị vào năm 1961-1963, anh cũng học được kỹ năng thực hiện các tác phẩm điêu khắc hiện đại to lớn ngoài trời mang đậm tư tưởng và phong cách nghệ thuật lập thể – biểu hiện. Trong hình đính kèm, Mai Chửng ngồi trong xưởng với những tượng đầu tay làm về con người chỉ là những khối đơn giản, ít chi tiết nhưng đậm tính biểu hiện cho một hình tượng con người đơn độc, uẩn khúc và chịu đựng. Và cả trong mảng tượng về đàn bà, Mai Chửng cũng cho thấy anh nghiêng về vẻ đẹp của những đường cong, mềm mại và dục cảm. Ðiều này, hoàn toàn ngược lại vẻ đẹp của sự gãy khúc, của những nét hằn sâu, của khối lập phân, vẻ đẹp của tư tưởng trong con đường điêu khắc của thầy Huệ..

dieu khac mai chung4
Cái Mầm, một tác phẩm điêu khắc bằng cách kết hợp vỏ đạn mang phong cách rất riêng của Mai Chửng được triển lãm lần đầu năm 1974-1975 tại La Dolce Vita Gallery, Sài Gòn và bị mất tích sau ngày 30-4-75.

Thử lý giải điều khác biệt này, tôi nhận thấy có sự khác nhau về tâm hồn, có thể tôi sai, ông Huệ là người có nội tâm và đức tin Thiên Chúa, nhiều lý tính trong xây dựng tác phẩm để diễn đạt được đầy đủ ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đi thông điệp quan trọng như chúng ta xem 15 Sự Mầu nhiệm Mân Côi gồm có 5 Sự Vui, 5 Sự Thương và 5 Sự Mừng hay Thông điệp hoà bình cho Việt Nam trong tác phẩm Trụ Cột Hoà Bình mà Lê Ngọc Huệ đã nhận được Huy chương Bạc trong cuộc triển lãm Quốc tế Mỹ thuật Sài Gòn lần 1 năm 1962. Và, Mai Chửng, như anh đã bộc bạch trong video nêu trên, anh không quan tâm thời cuộc, tới chính trị, không dự kiến những điều to lớn, trực cảm và ngẫu hứng là chính, vì thế tượng của Mai Chửng khá lãng mạn, nặng tình cảm và đôi khi bềnh bồng, lãng đãng, rất trừu tượng. Chúng ta hãy xem loạt tượng của anh về phụ nữ và những tượng đồng đã được triển lãm chung với các bạn đồng thời tại gallery Vĩnh Lợi Sài Gòn năm 2001, những tác phẩm cuối đời của Mai Chửng.

Rõ ràng, điêu khắc Mai Chửng rất gần với Henry Moore trong cả phong cách lẫn tinh thần.

Về phong cách, Mai Chửng đi theo con đường trừu tượng hoá cho điêu khắc, loại bỏ sự mô tả, chỉ giữ lại một vài chi tiết tối cần thiết để gợi ý và tượng trưng cho chủ đề. Lối điêu khắc này chọn vẻ đẹp của mảng và khối, nhịp điệu của ánh sáng và bóng tối, mềm mại, ngọt ngào và bềnh bồng là Cái Ðẹp riêng mà Henry Moore đã đi trước anh cả hơn nửa thế kỷ.

dieu khac mai chung7
Một số tượng đất nung Mai Chửng thực hiện tại Dallas theo phong cách trừu tượng chưa từng phổ biến.

Khai mở

Mai Chửng hay bất cứ một nghệ sĩ thuộc những quốc gia chậm phát triển, không ai không học hỏi từ những bậc thầy cùng bộ môn nghệ thuật của mình. Và cũng không ai trong số họ, những tài năng lớn, không nghĩ tới việc tìm ra con đường sáng tạo mang bản sắc của riêng mình.

Ảnh hưởng từ các nhà tiền bối hoặc từ các nền văn hoá đặc sắc khác trên địa cầu là phương cách tạo nên những sáng tạo mới mà chúng ta có thể coi đó như một định luật tự nhiên, là cái cần thiết, ngay cả các thiên tài như Monet, Picasso, Van Gogh,… cũng vĩ đại nhờ vào biết nắm bắt sự tuyệt vời của định luật này khi các nghệ sĩ này thấy được cái đặc sắc trong nghệ thuật Nhật Bản, Phi Châu và nghệ thuật Inca của người Nam Mỹ bản địa.

Trở lại với Mai Chửng, tuy anh đã tự nhận mình không suy tính nhiều, mọi thứ đều để nó đến một cách tự nhiên, có thể đến từ vô thức nhưng tôi không nghĩ vậy. Kết quả giá trị sáng tạo điêu khắc mà anh mang lại một cách đầy thuyết phục và hiếm hoi như thế không thể không có những chọn lựa thông minh bởi một cái đầu lớn, chỉ khác là sự tính toán ấy nó hiệu quả tới mức làm cho tính lãng mạn, mộng mị luôn là bộ mặt chính của điêu khắc Mai Chửng

dieu khac mai chung3
Gia đình Mai Chửng đoàn tụ mấy ngày cuối năm, Mùa Giáng Sinh 1995. Từ phải, hàng đứng: Mai Anh, Bội Nghi, Phú Nga; hàng ngồi: Nguyễn Vĩnh Đức và vợ chồng Mai Chửng. [Album gia đình Mai Chửng]

Nếu không nỗ lực tìm cho mình một phong cách riêng thì Mai Chửng đã không có Cái Mầm, một tác phẩm điêu khắc hoàn toàn tách ra khỏi dòng của những Bông Lúa hay Chiến tranh và Hoà Bình cả về hình thức lẫn thủ pháp. Cái Mầm là một sáng tạo rất riêng, rất mới và rất trí tuệ. Một thứ trí -tuệ-lãng-mạn.
Chọn vỏ đạn làm chất liệu cho Cái Mầm thật tuyệt diệu, chỉ có một cái đầu xuất chúng, Mai Chửng, mới nhận ra sự tiềm ẩn ý nghĩa hết sức hệ trọng mà những cái vỏ đạn bị vứt bỏ sau khi một phần của nó đã tham gia dữ dội vào một cuộc bắn giết để được hoá thân thành một niềm hy vọng cho sự sống, cho một tương lai bừng nở thay cho sự hủy diệt đang diễn ra trên đất nước mình.

Rất tiếc, sự khai mở cho con đường điêu khắc riêng của Mai Chửng có số phận như Cái Mầm, lại phải chết non, chết ngay khi nó mới đang là cái mầm.

dieu khac mai chung2
Sinh hoạt Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam; từ trái: Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Mai Chửng, Hồ Thành Đức. [tư liệu Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam]

 

Trịnh Cung

Bolsa, Jan. 30-2019

Ghi chú: Trong số hình về các tác phẩm của MC, tôi có post một số tác phẩm được MC làm bằng đất nung, cỡ nhỏ chưa từng được phổ biến vào những năm từ 1997-2000, tại Dallas-Texas. Riêng tư liệu này do gia đình MC gửi cho TC để viết bài sau khi anh qua đời năm 2001 tại Dallas, Texas. Và đây cũng là bài viết thực hiện được sau 18 năm chậm trễ như một lời xin lỗi chị Phương Lan và các cháu.