User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

leda

Nhạc và Thơ là hai món quà quý báu mà Thượng Ðế đã sai các Thiên Thần tặng cho loài người để làm cuộc sống vô thường chốn trần gian trở nên đa dạng và vui tươi. Triết gia kiêm sử gia Hoa Kỳ Thomas Carlyle (1795 – 1881) viết “Nhạc Là Tiếng Nói Của Thiên Thần”.

Trong thần thoại Hy Lạp cổ xưa có 9 vị Nữ Thần gọi là Muses, con của Thần Zeus và Mnemosyne, nữ thần của trí nhớ. Chín Nữ Thần này coi về các nghệ thuật và là bầy tôi của Thần Apollo, vị Thi Thần tạo ánh sáng và sự sống. Nữ Thần thánh ca (sacred song) là Polyhymnia và Nữ Thần vũ đồng ca (choral dancing) là Terpsichore.

Nhạc và Thơ có một mối tương quan rất mật thiết, đó là, nếu bài thơ có chất nhạc và ngược lại, khúc ca có chất thơ thì những khúc ca hay bài thơ đó sẽ hay hơn. Tại sao vậy? Bởi vì, tâm trí con người nói chung nhậy cảm với những câu nói có tính triết lý hay hàm chứa một tư tưởng. Khúc ca nào có mang những lời có tính triết lý hay tư tưởng sẽ đi vào tâm tư tình cảm của thính giả sâu xa hơn. Cũng thế, bài thơ nào mà âm điệu diễn ra nghe như một khúc ca thì người nghe sẽ thấy thú vị nhiều hơn.

Triết lý và tư tưởng thường được gói ghém trong thơ, vì thế các nhạc sĩ thường tìm kiếm những bài thơ có hồn để phổ nhạc. Những bài ca như thế thường được nhiều người ưa thích, do đó, nhiều nhà thơ rất muốn thơ của mình được phổ nhạc. Thơ phổ nhạc hiện nay đã trở thành một phong trào vì thế mối giao lưu giữa nhạc sĩ và nhà thơ trở nên khắng khít hơn. Trong thời gian gần đây và hiện nay có khá nhiều bài thơ được phổ nhạc, tuy nhiên, rất ít bài được thính giả ái mộ. Có một vài nhạc sĩ được nhiều người biết đến vì có ca khúc viết từ những bài thơ truyền cảm, như bài “Lệ Ðá”: thơ của Hà Huyền Chi và nhạc của Trần Trịnh. 

Ðá và nước vốn vô tri, nhưng nhà thơ đã nhân cách hóa để tạo những ấn tượng:

Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương

Có lẽ cũng trong những ẩn dụ đó, nhà thơ Hà Huyền Chi đã phác họa lên một vài hình ảnh tang thương của cuộc sống khiến cho trơ như đá mà đá cũng phải nhỏ lệ. Câu thơ mang màu sắc tư tưởng đó quả đã gây ít nhiều ấn tượng mạnh trong tâm trí người đọc. 

Lệ Ðá
Nhạc: Trần Trịnh
Lời: Hà Huyền Chi
1.
Hỏi đá xanh rêu... bao nhiêu tuổi đời
Hỏi gió phiêu du... qua bao đỉnh trời
Hỏi những đêm sau... đèn vàng héo hắt
Ái ân... bây giờ là nước mắt
Cuối hồn một... thoáng nhớ mong manh
Thuở ấy tôi như... con chim lạc đàn
Xoải cánh cô đơn... bay trong chiều vàng
Và ước mơ sao... trời đừng bão tố
Ðể yêu thương... càng nhiều gắn bó
Tháng ngày là... men say nguồn thơ

Điệp Khúc

Chắt chiu... kỷ niệm... dĩ vãng
Em nhớ gì... không em ơi

Mầu áo thiên thanh... thơ ngây ngày nào
Chìm khuất trong mưa... mưa bay rạt rào
Ðọc lá thư xưa... một trời luyến tiếc
Nhớ môi em... và màu mắt biếc
Suối hẹn hò... trăng xanh đầu non

Lệ Ðá 2

Tượng đá kiên trinh... ru con đời đời
Là nét đan thanh... nêu cao tình người
Là ánh chiêu dương... đẩy lùi bóng tối
Tháng năm xa ... trùng trùng sóng gối
Ngóng nhìn từ... bát ngát chân mây

Bài hát ca dao ... theo tôi vào đời
Và giữ cho tim... tôi xanh nụ cười
Nào biết trong em... còn nhiều trống vắng
Trái yêu đương ... chỉ là trái đắng
Gã tật nguyền ... buông trôi niềm tin

Ðiệp khúc

Tình yêu... đã vỗ... cánh rồi
Là hoa... rót mật... cho đời
Chắt chiu... kỷ niệm... dĩ vãng
Em nhớ gì... không em ơi
Tượng đá kiên trinh... ôm con đợi chồng
Nhạc lá thu mưa... hay chân ngựa hồng
Lệ đá tuôn rơi... dòng dòng nối tiếp
Ngóng chinh phu... đời đời kiếp kiếp
Suối vọng tìm... trăng xanh đầu non

*
Bài ca “Lệ Ðá” bỗng trở nên một “favorite”, một ưa chuộng, của thời đại đem tên tuổi nhà thơ Hà Huyền Chi tới đông đảo quần chúng. Nhưng, nếu bài thơ không được nhạc sĩ Trần Trịnh phổ với điệu nhạc Slow Rock đang thịnh hành thời đó, không được hát với những giọng ca truyền cảm, và không có những tay chơi nhạc tinh thông thì bài thơ “Lệ Ðá” cũng chỉ được một số nhỏ người biết đến mà thôi.

Những nhận định trên cho phép kết luận rằng đa số thính giả thích nghe nhạc hơn thơ và ca nhạc quả chiếm một địa vị rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.

Ca nhạc có tác dụng như thuốc kích thích làm cho người nghe thấy thoải mái và hứng thú, đặc biệt là những ca khúc của tình yêu đã xuất hiện từ thuở thật xa xưa và vẫn có lẽ không bao giờ dứt.

Mới đây các nhà khảo cổ Anh quốc đã tìm thấy nhiều bài thơ dân gian trong những hầm mộ cổ ở Ai Cập vào khoảng 1539 – 1075 Trước Tây Lịch. Phần lớn là những bài do lao công thời đó làm để tỏ tình yêu. Ðây là phần trích một bài được nhà thơ M.V. Fox dịch ra Anh ngữ:

The Flower Song

To hear your voice is pomegranate wine to me
I draw life from hearing it
Could I see you with every glance
It would be better for me
Than to eat or to drink

Ca Khúc Của Hoa

Nghe tiếng em: say như uống rượu lựu đào
Anh vào đời: lời em rót ngọt ngào
Ðược nhìn em từng khóe mắt liếc
Ðủ làm anh chẳng thiết đến uống ăn

(Hải Bằng.HDB chuyển ngữ)
*
Thơ Phổ Nhạc

Ở Tây Phương, trước thế kỷ thứ 19, phần lớn những bản Nhạc Hòa Tấu (Instrumental) được viết ra không có lời và chỉ dành cho các cuộc khiêu vũ hoàng gia hay dân gian ngoại trừ những bài nhạc ngắn có lời trong Kinh Thánh. 

Mãi tới cuối thế kỷ 19, những bài hát có lời gọi là ca khúc (song) mới thịnh hành và các nhạc sĩ phải chú trọng thêm về phần lời (lyrics) sao cho tình ý thâm thúy và những nốt nhạc chọn lọc diễn tả, cả hai đều phải được hoàn hảo. 

Từ đó, các nhạc sĩ đi tìm kiếm các bài thơ hay để soạn nhạc cho nhiều người đón nhận hơn.

Thật vậy, nếu Thơ kén chọn người thưởng thức thì Ca Nhạc luôn luôn có sẵn một số đông đảo người đón nghe. Chưa kể đến tiếng ca, một đám rước chỉ có vài cái trống và kèn cũng đủ thu hút nhiều người. Tại sao? Bởi vì âm thanh của những nhạc khí dễ kích động và thu hút sự chú ý của con người. 

Mấy ai từng ở đồng bằng Việt, làm sao quên tiếng sáo chiều quê?

Cổ nhân Phương Ðông từ ngàn xưa đã nhận ra chân lý này.

Trung Hoa, từ Ðời Hán Vũ Ðế (thế kỷ thứ 2 Trước Tây Lịch), Thẩm Ước đã áp dụng âm thanh học vào thi văn mở đường cho chất nhạc thấm nhập vào thơ. Nhưng chính Khổng Phu Tử là người đã nâng Nhạc lên hàng quốc sách để giáo hóa con người. Tại sao vậy? Cũng bởi vì cái chân lý là ca nhạc có tác dụng làm dịu tâm hồn và làm cho con người gần gũi với nhau hơn. Ở Ấn Ðộ, người ta dùng nhạc để huấn luyện ngay cả các loài rắn độc.

Theo lời của nhà biên giáo dục kiêm sử gia Hoa Kỳ William Durant (1885 – 1981) viết trong cuốn Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa (Nguyễn Hiến Lê dịch) thì:

Khổng Tử mê nhạc tới nỗi sau này có lần ở Tề nghe nhạc thiều, thích quá, suốt ba tháng không ăn thịt. Ông dạy học từ khi mới 20 tuổi, dùng ngay nhà ông làm trường học. Ông thường nói “Tư cách con người ta phát ra nhờ “Thi”; ý chí vững vàng nhờ “Lễ”; và đức hạnh vững vàng được là nhờ “Nhạc”. 

Lễ và Nhạc là hai phương tiện giáo hóa quan trọng nhất mà Khổng Tử đề xuất ra cho nhà cầm quyền trị quốc.

Ông nêu lên:

Nhà cầm quyền phải dạy cho dân biết Lễ là cách cư xử giữa con người với nhau; không vậy thì nước suy. Lễ nghi dần dần làm thay đổi ít nhất là cái bề ngoài của của con người: bậc hiền nhân hóa ra thanh nhã hơn, và chúng nhân thành con người văn minh. Lễ nghi là con đê ngăn những sự tàn ác quá độ. Kẻ nào cho những con đê cũ là vô ích mà phá bỏ đi thì sẽ bị tai họa vì lụt lội.

Về Nhạc, ông nêu lên: Lễ là để an lòng người; Nhạc là để hòa lòng người. Ông nói:

Không nên dạy những hạng người tầm thường những môn học cao nhất, nhưng Nhạc thì phải dạy cho mọi người. Khi người ta thấy hiểu được Nhạc để dưỡng tâm trí thì đức nhã nhặn và thành thực sẽ phát triển dễ dàng và người ta thấy rất vui thích ... Cách hay nhất để cải thiện phong tục là xét cho kỹ những bản nhạc trong nước. Nhạc dễ làm cho người ta khoan dung và sự chính trực gần với Lễ.

Cổ nhân quả có những nhận định rất thâm thúy về Nhạc và chúng ta cũng đã hiểu ở đâu có ca nhạc là ở đó có đông người quy tụ dễ dàng. Nhạc quan trọng trong cuộc sống như vây nên mọi người cũng cần có một số hiểu biết sơ qua về lịch sử âm nhạc để tự mình làm cho cuộc sống của chính mình tươi trẻ hơn.
*
Ca nhạc đầu tiên đến với con người với những tiếng trống bập bùng trong những trăng đêm múa hát của các bộ lạc bán khai rồi dần dần tiến lên với nhiều nhạc khí khác. 

Ở nước ta, vào thời đại các Vua Hùng, trên 51 trống đồng tìm thấy ở Ðông Sơn có khắc 93 tấm hình người nhảy múa. Các tấm hình cho thấy các điệu múa liên quan đến đời sống nông nghiệp; có điệu Múa Cầu Mùa, điệu Múa Giã Gạo (bằng chày), Múa Hóa Trang, v.v. 

Các nhạc khi xưa của người Việt gồm có: khèn, sáo trúc ngang và dọc, tỳ bà, hồ, trống cơm, phách, đàn nhị, tam tập lục, đàn nguyệt, đàn đáy, v.v. Có hai loại nhạc là Nhạc Cung Ðình bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc và Nhạc Dân Gian với những bài ca đồng dao, hát ra, hò. Ở Bắc Việt có hát Trống Quân, hát Quan Họ; ở Nam và Trung Việt có câu Hò và Lý.

Ðây xin trích hai bài dân ca:

Bài Cò Lả (đồng bằng Bắc Việt)

Con cò, cò bay lả, lả, lả bay la
Bay từ, từ cửa Phủ, bay ra, ra cánh đồng
Tình tính tang, tang tính tình
Duyên tình rằng, duyên tình ơi
Rằng có nhớ, nhớ hay không?
Rằng có nhớ, nhớ hay chăng?

Cây Trúc Xinh (Quan Họ Bắc Ninh)

Cây trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc
Qua lới nọ như bờ ao. 
Chị hai xinh tang tình là chị hai
Ðứng, đứng nơi nào qua lới như cũng xinh
Ðứng, đứng nơi nào qua lới như cũng xinh
*
Ở Hoa Kỳ, phong trào đưa Thơ vào Ca Nhạc rất thịnh hành. Nhiều quảng cáo trên các mạng (websites) như “Turn your life poem into a song” – “Hãy biến bài thơ đời bạn thành một ca khúc” hay “Có nhạc sĩ nhận biến ngay bài thơ của bạn thành ca khúc không cần phải chờ đợi”. 

Thơ của Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Donald Rumsfeld, đã được Bryant Kong phổ nhạc.

Các nhà thơ Việt hải ngoại trong những thập niên vừa qua cũng rất hăng hái trong phong trào thơ phổ nhạc đặc biệt với các nhà thơ nữ. Tuy nhiên số người hâm mộ thì chưa được đông đảo.

Thơ phổ nhạc dù sao cũng là một nguồn vui mới cho gia đình trong những ngày họp mặt, vì thế bà Hamilton Adair hiện cư ngụ ở bang Virginia, dù đã tuổi gần chín chục và không có ý định xuất bản thơ, đã bất chợt tìm ra một niềm vui mới và có ích cho việc giữ sức khỏe lúc tuổi cao, là gõ trên phím đàn những ca khúc phổ từ thơ của bà bởi Gwyneth Walker, một nhà chuyên dệt thơ thành nhạc. 

Hải Bằng.HDB