User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ttnm

Chân dung Y Sĩ Trung Úy Nghiêm Sỹ Tuấn qua nét họa của Y Sĩ Đại Úy Lê Văn Công, Virginia, USA 2018 [size 16 x 20’’, acrylic on canvas]

Tối hôm qua tôi mới đọc xong những bài viết của Bác Sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn, cùng những chia sẻ tâm tình từ những bạn đồng môn của ông. Như một độc giả thuộc thế hệ sau hoàn toàn không biết gì về ông, tôi xin ghi lại ít dòng cảm tưởng về người đã khuất qua những trang viết của chính ông và của bằng hữu.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi: Bác Sĩ NST là một nhà Nho của thế kỷ 20 với áo dài thâm đen vào dịp Tết Quý Mão (1963) trong khi thanh niên Sài Gòn thời ấy chỉ mặc sơ-mi và quần tây, trịnh trọng hơn thì khoác thêm chiếc “vét”.

Qua những bài viết thật quý mến của những người bạn chung trường, tôi được biết ông sinh ngày 7-2-1937 (tuổi Bính Tý) tại Nam Định, Bắc Việt. Lúc nhỏ do chiến tranh không thể đến trường, ông được thân phụ dạy học ở nhà. Mãi đến năm 14 tuổi ông mới chính thức đi học. Ông đã học ở Trung Học Nguyễn Trãi rồi chuyển sang Chu Văn An và sau đó thi đậu vào Đại Học Y khoa. Ông rất thông minh, siêng học, và học giỏi, chỉ trong vòng 14 năm ông đã học xong toàn bộ chương trình để trở thành Bác Sĩ Y khoa. Trong những năm ấy, cứ hai năm ông tự học một ngoại ngữ, ngoài tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, ông đã biết thêm 5 thứ tiếng: Hán, Anh, Pháp, Đức và La-tinh.

Là người có vóc dáng nhỏ bé với khuôn mặt lãnh đạm, đôi mắt thông minh, vầng trán gồ cao bướng bỉnh, dáng đi rất thẳng, mái tóc xõa xuống trông thật cô liêu. Sống sơ sài giản dị. Giọng nói trầm tĩnh, nhưng rất ít nói. Đó là một người sống có lý tưởng, kỷ luật, nhiều tài năng, sống hết mình và làm việc hết mình. Ngoài giờ học, ông ham mê văn chương, đọc sách và âm nhạc.

Trong gia đình, Bác Sĩ là người con chí hiếu qua việc chọn lựa ngành học ông đã làm theo ý nguyện của mẹ. Ngoài xã hội, nếu không thân cận thì dễ nghĩ đây là một người lãnh đạm, khó gần. Nhưng khi đã hiểu ông thì sẽ thấy mến phục một mẫu người quân tử Đông Phương. Đặc biệt, ông cư xử một cách thẳng thắn, không thiên vị và không phê bình một người vắng mặt nào cho tôi hình ảnh của một vị Thánh. Bác Sĩ luôn bao dung, rộng rãi với những quân nhân thuộc cấp. Dù gia cảnh không khá giả nhưng Bác Sĩ đã dùng phần lớn tiền lương của mình để giúp đỡ cho những anh em này. Ngay đến vật dụng “thân thiết” như chiếc máy ảnh, ông cũng tặng lại cho người đàn em đã ra đi. Bởi thế, khi Bác Sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn hy sinh mọi người cảm thấy hụt hẫng và rất thương tiếc, điển hình như câu chuyện một binh sĩ Dù, chỉ mới biết Bác Sĩ trong hơn mười tháng trời, đã đến mộ ông khóc lóc thảm thiết như mất một người thân ruột thịt, được Dược Sĩ Vũ Văn Tùng ghi lại.

Là Bác Sĩ nhưng chữ viết của ông rất đẹp. Ông giỏi văn chương, hội họa lẫn âm nhạc. Ông được học vĩ cầm từ nhỏ và có lần được trình diễn cùng các bạn tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, Sài Gòn. Thích nghe nhạc giao hưởng của Beethoven, Von Karajan conductor. Bác Sĩ đọc rất nhiều sách: sách tiếng Việt, sách Hán, sách tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, và đã được các bạn ông nhắc đến khi nói về tủ sách ở nhà ông.

Cùng với Chủ Nhiệm: Phạm Đình Vy, Chủ Bút: Nguyễn Vĩnh Đức, Tổng Thư Ký: Trần Xuân Dũng, Quản Lý: Phạm Như Bách, Nghiêm Sỹ Tuấn giữ chức vụ Thư Ký của Nguyệt San Tình Thương (TT), cơ quan tranh đấu văn hóa xã hội của sinh viên Y Khoa, ngay từ số đầu tiên và đã đóng góp công sức để đưa tên tuổi của tờ báo này ra ngoài phạm vi của một trường Đại Học để được phát hành rộng rãi ở miền Nam thời ấy. Ngoài ra, ông còn đóng góp cho TT những biên khảo về y tế, giáo dục và xã hội, sáng tác thơ, truyện ngắn, truyện dịch… Truyện ngắn “Những Người Đi Tìm Mùa Xuân” là tác phẩm tâm đắc nhất của ông.

Là dân Y bị trưng tập, Bác Sĩ có quyền lựa chọn nơi bổ nhiệm ít nguy hiểm nhưng ông đã tình nguyện vào binh chủng Nhảy Dù mà theo Bác Sĩ Đặng Vũ Vương “là một thử thách ý chí cá nhân để chứng tỏ với bản thân khả năng phục vụ trong vai trò của một Quân Y Sĩ bình thường trong những tình cảnh và hoàn cảnh khác thường hoặc phi thường.”

Trong bút ký Y Sĩ Tiền Tuyến, Bác Sĩ Nhà Văn Trang Châu kể lại: “Tuấn là Y Sĩ Dù duy nhất bị thương hai lần, một lần ở Dakto, một lần ở Cao Lãnh… Khi Tuấn bình phục anh sẽ được theo học khóa giải phẫu một năm. Sau đó nghe nói Tuấn từ chối không theo khóa học giải phẫu vì yêu cầu của Tuấn là sau khi học xong phải cho Tuấn về lại bệnh viện Nhảy Dù Đỗ Vinh, điều mà Cục Quân Y không hứa. Thế là tập xong vật lý trị liệu, Tuấn lại “súng, xắc” trở về làm Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 6 Dù ở cấp Tiểu Đoàn.”

Theo Bác Sĩ Trần Đức Tường, Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù, “Bác Sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn tử trận tại 5 km phía Tây Khe Sanh khoảng tháng 4 năm 1968. Anh hy sinh khi đứng dưới hố cá nhân săn sóc vết thương cho một thương binh nằm cáng trên miệng hố. Anh chết khi cuộn băng còn cầm trên tay!”

Bác Sĩ Trần Đức Tường kể: Lúc ở Cà Lu tôi có gặp Nghiêm Sỹ Tuấn, lúc anh sắp sửa lên trực thăng vào trận địa. Tôi có hỏi anh: “Nhiếp nó sẵn sàng thay toa rồi. Sao không về?” Tuấn nhỏ nhẹ trả lời: “… Mình sống chết với Tiểu Đoàn, bỏ về trong trận lớn này không đành…” Qua lời kể của Bác Sĩ Trần Đức Tường, chúng ta đã thấy con người rất thật, rất tình nghĩa của ông, sống chết với anh em, không bỏ đồng đội.

Ông đã yên nghỉ đời đời khi Mùa Xuân thật sự của dân tộc vẫn còn xa tắp. Nhưng qua những bài viết và phong cách sống của Nghiêm Sỹ Tuấn, thì thông điệp dấn thân – hy sinh – quên mình của Ông vẫn còn đó. Và đó cũng chính là tấm gương sáng: Con Đường Sáng, cho các thế hệ sau tiếp bước Nghiêm Sỹ Tuấn Đi Tìm Mùa Xuân cho Dân Tộc.

Trần Thị Nguyệt Mai
28.12.2018 – 31.3.2019