Không hiểu sao khi nghiền ngẫm tinh hoa trong thơ Túy Hà, người đọc vẫn thấy lẻ loi trong không gian tương ngộ trước mấy câu thơ “Ảo mộng phù vân trăm nhánh rẽ/ Biết mà sao vẫn quặn lòng đau”. Đứng giữa hoang phế đường đời trăm ngàn lối nhỏ phải chọn để bước qua truông, những hư ảo vẫn biết rằng nhiều phen quấn quýt trong cuộc sống. Bên cạnh những hư thực cuộc đời như tiểu mộng, cứ vướng vất đơm hoa nguyệt khuyết chung quanh ảnh tượng của những khúc tình ca! Bất cứ người nhìn mộng như thực, thì muôn kiếp sinh tồn đều chìm đắm trong họa phẩm tượng trưng, cứ chau mình trong nguyệt khuyết mà vướng vất sương rơi… Có lẽ, thi nhân không thoát khỏi ảnh tượng đó, mà vét hết nỗi lòng chiêm nghiệm phù vân trong nỗi hoài niệm. Biết vậy, nhưng vẫn “Tiếng thở dài sâu lời thơ gọi/ Vọng từ xa thẳm bến giang đầu”… Sao lại là thơ gọi, khi những ảo khúc tình ca cứ thăm thẳm chìm ngập trong ngũ tạng người thơ? …
Nhìn vào quá trình vịn bước vào thơ, Túy Hà quả thật trang trải huyết hoa tinh vân dầy đặc trên vòm trời quang đẩu. Tình khúc trong thơ Túy Hà, thắm đẳm sương khói ảo diệu như sáo diều văng vẳng từ triền đê xa… như từ thiên sơn vạn dặm, trước bát canh hoa thiên lý xứ người lệ rơi trên bát canh đời mà “Dàn hoa thiên lý Mẹ thường/ Cho con bóng mát suốt đường con đi”.
Trên bước đường nhập thể vào duyên nghiệp thi ca, những tình cảm trung chính vời vợi phát xuất tận trái tim, giúp người thưởng ngoạn ngẫm nghĩ được sự hóa thân hùng vĩ của thơ. Thơ Túy Hà của bước nhập định được như thế, giúp dòng thơ Ông trang trải một sức sống chân thành trong mọi sự rung động trước hư không của thời gian.
Không còn phân vân gì trước tâm thức của nhà thơ, bởi thơ Túy Hà có làm rơi nắng quạnh, hoặc hiện hình trên lá hoa tàn rụng nát nhàu thời gian, hoặc trong sắc vàng của sợi nắng quạnh hiu. Thì sự rung động chân phương của người hành giả, dù diện bích trước đôi bờ nhật nguyệt vô duyên thì chắc rằng tâm vô định của thi nhân vẫn mình ta đứng giữa hành thiền vẫn đau… Vậy phải chăng người vác khúc tình thơ, dù có đi loanh quanh trên vạn nẻo đường thiên lý, trái tim vẫn hiễn hiện chất người. Phải đây là bước du hành của một kiếp cô quạnh của người làm thơ?
Dòng thơ Túy Hà tuôn chảy như một góc quạnh sơn khê, đầy rẫy sự cô độc như ảnh ảo lẫn trong nhang khói ta bà. Chắc có lẽ, cũng chính vì vậy những tình khúc thơ Túy Hà có sắc thái riêng biệt, vừa cô quạnh mông lung nhưng thoáng chốc cũng ngộ nhận thật gần gũi đời thường.
Nét thật của thơ và sự rung cảm chân thành phát xuất thành thơ, khiến người thưởng ngoạn như bước trên một thảm cỏ hoa nhung gấm êm dịu hơi sương. Bởi những tiết tấu mà Ông khó chọn gam màu phát thảo một chân dung/ đành bối rối kiếp nhân sinh cháy vội/ khoác hình hài bóng vỡ động hồn đêm/ dung nham cháy/ chảy tràn vào thế tục/ từ đó là sinh ly tử biệt… (lưỡng tính).
Nỗi buồn trong từng thi phẩm Túy Hà, trang trải theo diện rộng man mác hầu như khắp vần thơ, từ bát canh Hoa Thiên Lý và Mẹ “Đã mấy mùa lý trổ bông/ Chờ ta về lại hay không nhớ gì/ Riêng ta thiên lý vẫn ghi/ Trong tim từ thuở biệt ly Mẹ hiền/ Biệt ly hai chữ ưu phiền/ Ngày đi tóc Mẹ còn đen mượt mà/ Bây giờ Mẹ đã biệt xa/ Tóc con sương điểm hải hà cách ngăn (Hoa Thiên Lý). Hoặc từ những ý tưởng về bằng hữu như “người đi theo gió ngàn mây/ tơ tằm chữ nghĩa cũng quay quắc buồn/ tiễn nhau chén rượu hoàng hôn/ nén nhang bái lạy đoạn hồn từ ly/ người đi ngàn dặm phân kỳ/ qua cầu cháo lú bước đi khóc cười/ cạn thêm chén đắng tiễn người/ hẹn mai sau gặp ở nơi vô cùng”(Tống Tửu Nguyễn Bắc Sơn).
Cũng có lúc, người ta nhận thấy những vần thơ tình nhân mà Túy Hà ghi lên thơ những lời hứa hẹn, thật giả hay vô hình hữu hình, thì chỉ có nhà thơ thông thấu cho thơ ẩn dụ lướt thướt hứa hẹn thôi “Nếu em là chuông gió/ Anh sẽ là phong linh/ Cứ bên nhau em nhé/ Giữa miên man cuộc tình/ Khi chuông rung gọi bạn/ Anh là gió vỗ về/ Đời vô tình hữu hạn/ Anh sợ gì bùa mê/ Nếu em là tâm bão/ Anh sẽ là thành ngăn/ Giữ em trong mộng ảo” (Gọi Hồn Chuông Gió)…
Tất cả những gì nhìn thấy trong tâm thức của thơ Túy Hà, hầu như Ông đã độc thoại trước gương soi. Những ảo ảnh của sương khói, tình yêu hay những lúc khoác vai hành giả nhìn cuộc đời như lẽ vô thường. Lãng đãng đó, ngậm ngùi đó trước phù vân trăm nhánh… khiến những lúc thơ tràn trong những chiều độc ẩm mà tà huy cứ quanh quẩn bên đời, rượu ngon chờ bạn… khiến có lúc sang sông lạc bến tro than ngậm ngùi.
Cái hay mà tri kỷ nhận ra, thơ Túy Hà lay láng tình người, cứ chờ đợi bên chén rượu vơi đầy, dù khách quá giang xưa vẫn chưa về, thấy rõ trong đoạn thơ:
Biển cuồng ca dậy sóng Hoàng Trường SaBạc kiếm phong trần thơ lạc vậnNhặt xác hoa rơi kết chữ thờiTừ thuở xuân thu hờn chiến quốcHào khí mây bay bốn phương trờiVó ngựa ngàn xưa chừng đã mỏiQua cầu nước đục ngược dòng trôiNhan sắc khứ hề bờ sương ảoKhách quá giang xưa vẫn chưa vềCô lái buồn trông non nước cũLão Trượng - Kinh Kha, ta - Tiệm LyCó phải khí hùng ngàn xưa dậyTheo mỗi đường gươm hoa lá sayChén rượu chia tay bờ vĩnh biệtĐẫm nước mắt đời men đắng cayLão trượng cười khan ngăn gió lộngGác chèo ngửa cổ cạn nguyên chaiTa nâng chén đắng ngang tầm mắtHứng giọt bi ai tự phạt mìnhThế thời đã thế không phải thếKhí hùng vẫn sống mặc thu phaiBinh thư không thuộc thành binh bạiKiếm cùn mãi mãi cũng có ngàySá gì sương trắng đầu điểm bạcDăm chén rượu suông giữa cơ hànNhật nguyệt dặn lòng luôn tỏa sángTâm ta tự tại tỏa minh đăngNgựa gục bên bờ sông nước lớnTa vẫn qua cầu mặc chông chênhNói thì nói vậy cho đỡ tủiVẫn nhớ đò xưa cô lái buồn.(Chiều Độc Ẩm)
Túy Hà của những ngày tháng trước 1975, đã xuất bản vài thi phẩm và ký sự. Nhưng trong giai đoạn ly hương, thơ Ông tự nhiên lớn hẳn từ phong cách và thi ngôn. Trong mươi năm ngựa hồ hí gió Bắc, tâm trạng thi nhân trước biến đổi vô thường dĩ nhiên có những bước ngoặt hư ảo kỳ thú trong thi ca… Phải chăng, ở đây rạng rỡ điểm son đậm nét riêng biệt trước thi ca thế giới
Ngô Nguyên Nghiễm
Thư trang Quang HạnhCuối thu quê nhà, Ất Mùi 2015