
(ca dao)
Trong một lần cứu trợ thương phế binh VNCH, do Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn tổ chức (2014), nhà thơ Nguyễn Duy có gửi thư mời Tô Thùy Yên, nhưng ông không về được, chỉ gửi bài thơ Ta Về, như một chút tình đồng cảm. Bài thơ đã được đem đấu giá (không rõ được bao nhiêu tiền) để đóng góp ít nhiều vào quỹ. Điều ấy chứng tỏ ông thương người ở lại xiết bao.
Và trong một bài thơ dài (không nhớ tên), ông đã dùng 3 chữ “phận rau răm” để nói về thân phận mình. Tôi thấy không chữ nào nói lên được tình cảnh chua xót của hàng chục ngàn thương phế binh bị bỏ lại bên đời bằng ba chữ ấy, nên tôi xin mượn để đặt tên cho bài viết này.
Vì sợ chết, sợ thương tật và nhiều thứ sợ khác nữa, so với họ, tôi chỉ là một thằng hèn, (trốn lính đến những 15 năm), nên không xứng đáng để nói và viết về họ. Tôi không như một nhà văn cùng xứ, lấy cả một đoạn văn dài của Phan Nhật Nam đem vào truyện của mình, bảo rằng không đi lính, không biết lính thua trận như thế nào, nên phải mượn ký của người khác, chứ không phải đạo văn. (có được sự đồng ý).
Tuy nhiên, là một sinh vật cùng một phận người, cùng chung tiếng nói và nhất là cùng sống chung một thời quỷ ám, trước nỗi đau của họ tôi cũng cảm thấy xót xa như ông Tô vậy.
Trước 1975, họ trở về trên đôi nạng gỗ hay chiếc xe lăn, mất mát quá nhiều, nhưng dưới mắt của đồng bào miền Nam, họ vẫn được trân trọng gọi là “bại tướng cụt chân”, vẫn được nhận trợ cấp hàng tháng của chính phủ, và được một số ưu tiên trong sinh hoạt đời thường.
Nhưng sau 1975, dưới cái nhìn của những người thắng cuộc, họ không còn là công dân cho dù là hạng bét, họ trở thành rác rưởi thua cả đĩ điếm. Muốn dọn sạch, nhưng không thể đưa họ vào trại cải tạo, cũng không thể ném họ vào vùng kinh tế mới. Đành phải để họ lê lết mảnh hình hài thiếu chân thiếu tay theo cái kiểu dành cho những con chó con con mèo chờ chết.
Những năm ấy, những người lành lặn, đủ cả chân tay, sống được đã là một chuyện khó tin, huống chi là những người thua thiệt nhiều bề như họ. Vậy mà họ vẫn sống, không phải bằng chống nạng cày bừa vì ruộng đâu mà cày, cũng không là con buôn vì chân đâu mà chạy chợ trên buôn chợ dưới, chân đâu trốn thuế vụ. Họ cũng không hạ mình đi ăn xin khắp hang cùng ngõ hẻm. Họ sống được là nhờ củ khoai không chỉ bẻ làm đôi mà phải bẻ đến làm tám của vợ con, bè bạn, chòm xóm… những người cùng phận rau răm như họ.
Những kẻ thắng cuộc sau khi “đốt” và “hốt” đã dần dần giàu lên. Đổi mới cho dù trở lại như cũ, vẫn là đổi mới, và khuôn mặt chế độ đã bắt đầu trở nên sáng sủa. Tiếc thay hay giận thay, cái đám thương phế binh què cụt ấy lại như một vết chàm xấu xí cứ phơi ra trước thế giới cái điều mà lịch sử viết bằng máu khẳng định rằng, chính cuộc chiến vừa qua là anh em cùng một mẹ giết nhau và thằng anh đã đánh cho thằng em tơi bời hoa lá tối tăm mặt mũi què cụt chân tay như vậy đó.
Cái vết chàm đáng nguyền rủa ấy ngày càng đen đúa xấu xí, khi có những kẻ thiện nguyện như các cha của Dòng Chúa Cứu Thế và những tình nguyện viên lặn lội tận những miền quê xa hút, tận rừng núi quạnh hiu, góp nhặt những mảnh hình hài gần như không còn nhận ra họ là người nữa để trợ giúp chút ít tiền (100 đô), cho họ ăn một bữa cơm có chút cá chút thịt và uống một cốc bia để thấy những ngày cuối đời không đến nỗi lạnh lắm.
Chính vì vậy, mà lần nào tổ chức, họ cũng bị ngăn chặn, trù yểm, hạch sách, và mới đây, dường như những linh mục tận tụy khôn khéo giỏi luồn lách đã bị chuyển đi.
Nhưng những người thuộc phận rau răm, đâu chỉ có vài chục ngàn thương phế binh, mà còn có cả nhiều chục ngàn những người bị lùa đi cải tạo nhưng không đủ 3 năm, thường được gọi đùa một cách cay đắng là rớt H.O.
Và còn đó những người bị ném vào những vùng ma thiêng nước độc, những vùng khỉ ho cò gáy, “sống chết mặc bây” gọi là kinh tế mới.
Còn nữa, những người bị cướp mất đất như ở Thủ Thiêm hay vườn rau Lộc Hưng, những cô giáo gói trong bọc nylon để được kéo qua sông khi trời lụt, những em bé trên vùng cao trần truồng trong mùa rét như những con thú hoang…
Miền Nam bây giờ đâu chỉ có một triệu người buồn mà rất nhiều triệu người như thế đó. Mai đây, sẽ còn nhiều thêm khi giá điện nước tăng, giá xăng lùi một bước để tiến ba bước.
Những người từng tuyên bố không cho Cộng sản vào Sài Gòn ăn phở, những người thề đánh CS đến giọt máu cuối cùng nhưng đã bỏ chạy trước giờ thứ 25. Những người ấy chỉ tiếc 7 tấn vàng bị bỏ lại chứ không hề tiếc và ân hận đã bỏ lại cả một miền Nam ngơ ngác vào tay những kẻ ác.
Nhưng rồi những ngày tháng khốn khó cũng qua đi. Bằng tự thân và nhờ đất đai miền Nam mầu mỡ, sông biển đầy cá tôm, người miền Nam cũng cố đứng dậy được trên đôi chân hay đôi nạng gỗ...
Thế mà, có những kẻ, chưa hề một ngày sống trên quê hương đau khổ, trở về nước như những kẻ xa lạ, lại chê ỏng chê eo. Rằng sao không thế này, rằng sao không thế kia.
Mới đây, có một người được gọi là nhà này nhà nọ, lại chê cái đám rau răm ở lại này sao không biết lợi dụng Tàu rủng rỉnh bạc tiền qua ăn chơi để bưng bê hầu hạ khỏi phải lội xuống bùn đầy đỉa, mà lại đi căm thù người anh em đại Hán(g).
Đâu có phải cứ (bị) sống trong cái chuồng CS đều là CS cả. Đâu có phải ai cũng giàu có ngất trời, đâu có phải ai cũng nhà lầu xe hơi. Sài Gòn, Nha Trang, Cần Thơ… ăn chơi, hàng quán mọc lên như nấm, tiếng dô dô át cả tiếng ô tô chạy. Nhưng đó là con cháu bè đảng của một triệu người vui (giờ rất nhiều triệu), từ đâu tới ai cũng biết, chứ đâu phải dân rau răm.
Tôi thành thực xin lỗi ông Tô, trộm nghĩ, không chỉ một chút rượu nồng mà cả thùng rượu đổ xuống chưa chắc đã giải oan cho cuộc bể dâu này. Ông về trời sau khi đã sống hết phận rau răm, như vậy là tốt rồi, mong linh hồn ông thanh thản.
Khuất Đẩu
30/5/2019
(Bài này được viết để tiễn ông trước khi thân xác sẽ hỏa thiêu vào ngày Mồng 1 tháng 6, tại Mỹ).
Đọc bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên
Khuất Đẩu
Tôi không dám có ý phê bình, chỉ muốn ghi lại một vài cảm xúc sau khi đọc bài thơ rất nổi tiếng Ta Về của thi sĩ Tô Thùy Yên, người vừa mới qua đời.
1. Hình ảnh một bóng trên đường lớn, trong bài Ta Về, rất giống với một vệt nâu giữa nền nhung trong bài thơ Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu.
Một ở câu đầu, một ở câu cuối. Như mở ra và đóng lại một vở kịch dài mà thời gian là lịch sử như một cuộc đảo điên/ sắt thép kinh hoàng va chạm nhau.
Vệt nâu của con ngựa mệt nhoài ngã gục trên cỏ sau khi rượt theo con tàu và cái bóng của gã tù lưu xứ sau 10 năm chết dấp, giống nhau ở chỗ, cả hai đều mong manh, đều rất bé nhỏ. Cả hai đều thua cuộc.
Con ngựa, chỉ để lại một chấm nâu, giống như lão ngư ông sau hơn 80 ngày một mình trên biển cả, chỉ đem về một bộ xương cá kiếm. Đó là một cuộc thua hết sức bi tráng, nhưng rất đáng tự hào chứ không bi phẫn.
Cuộc thua của người tù thì không được như vậy, thua rất đắng cay, rất đáng xấu hổ. Nói một cách Nam bộ, là thua vô duyên, thua lãng xẹt.
2. Năm 1956, bài thơ của chàng trai 18 tuổi ra đời, trong bối cảnh: một nước Việt Nam bị chia đôi. Non 1 triệu người miền Bắc di cư vào Nam. Và, chính cái điều dự cảm, sẽ có một cuộc chiến tương tàn sắp xảy ra, một cuộc chiến phi lý ngu xuẩn dài đến nỗi, tàu chạy mau mà qua rất lâu, đã khiến cho cái nhìn của chàng về thân phận con người tuy đẹp nhưng rất tuyệt vọng.
Như Trần Dần ở bên kia nửa nước, tai nghe thét gào đến nhẫy óc “nhất định thắng” mà chân bước đi giữa lòng Hà Nội, vẫn “không thấy phố, không thấy nhà / chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.
Thế rồi, hơn 30 năm sau, dù đã thua muối mặt, dù đã mười năm sạm mặt soi khe nước, ông lại nghe ra có điều gì như niềm hy vọng. Bởi vì, từ con đường nhỏ bước ra đường lớn, ông thấy thấp thoáng ở cuối đường hãy còn khung trời cũ với cây cỏ cũ, con dế vẫn là con dế cũ… và như thế, so với địa ngục chín tầng vừa trải qua, đó chính là thiên đường.
3. Chữ “về” ở đây, tuy không bịn rịn như “về”* trong ca dao, nhưng vẫn là tiếng gọi thầm trong tận cùng sâu kín suốt mười năm đá cũng ngậm ngùi. Mười năm là bao nhiêu đêm? Và bao nhiêu chữ “về” hiện ra trong những giấc mơ? Nhiều, rất nhiều. Không chỉ trong đêm mà cả trong ngày. Không chỉ những khi mệt quá cái đôi chân này, mà cả những khi chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.
Cho nên, hai tiếng “ta về” như một tiếng thì thầm (được nhắc lại 17 lần), tưởng rất khẽ, thực ra là tiếng reo vang động khắp núi rừng, khắp truông cùng phá…
Và, bởi vì thời gian còn lại rất hữu hạn, nên ông đành phải dừng lại. Nếu không, ông còn gọi mãi “ta về”.
4. Sau mỗi tiếng “ta về” là những ước mơ, những dự tính:
Ta về như bóng ma hờn tủi
Ta về dẫu phải đi chân đất
Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Ta về như lá rơi về cội
5. Cũng được nhắc lại đến những mười lần, là hai tiếng “mười năm”. Đó là khung thời gian khủng khiếp mà người tù lưu xứ không thể nào quên được. Nó chính là nơi chín tầng địa ngục hiển hiện không ở cõi nào khác, mà ở chính cõi đời này, ở giữa trại tù.
Đau đớn thay, đó là cái khung thời gian quý như vàng để một người có thể làm nên những gì đáng làm nhất, cho mình và cho đời. Như thi sĩ, việc phải làm, là làm thơ. Nhưng ai cho phép anh làm. Chỉ có thể góp nhặt những ý những từ trong đêm tối, rồi giấu kín trong tâm thức như điệp viên giấu chất độc trong kẽ răng. Chỉ rơi ra một đôi chữ như “ta về” hay “mười năm” là đủ để tiêu đời.
Cho nên, có thể nói mỗi chữ trong bài thơ này, không phải là mỗi giọt mồ hôi như của phu chữ Lê Đạt, mà là mỗi giọt máu, hay là những mảnh xương đã trở thành phế liệu góp nhặt trong suốt 10 năm, giờ đã khô, đã là một vệt nâu như xác con ngựa trên cánh đồng thuần một màu năm nọ.
Mười năm ấy đến đá cũng phải ngậm ngùi, huống chi là thi sĩ.
Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Một đời được mấy điều mong ước
Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Ta về như đứa con phung phá
6. Tuy gọi mười năm chết dấp, nhưng ông chỉ ngậm ngùi đau chứ không nguyền rủa, hận thù. Không hề nghe ông nhắc đến những cực hình, những tủi nhục mà người tù cải tạo phải chịu đựng như ở quần đảo Gulag. Cũng không nghe ông bóng gió ám chỉ ai. Dường như, dưới mắt ông, những ông những bà cán bộ cũng đã bị lưu đày. Giống như thân phận người lính của cả hai miền, cũng chỉ là cánh quạt. Quạt và quạt mãi, vậy thôi.
Nếu những ai gây ra tội ác (nhiều, nhiều lắm) thì ông mong:
Xin đừng bảo ông cao thượng, ông nhân ái, hay người mở đường cho hòa hợp hòa giải. Nỗi đau quá sâu, quá dài khiến ông vượt lên tất cả, không phải để thành thiền sư, thành Phật mà để “ta vẫn là ta”, tức vẫn “là thi sĩ”, mặc dù trong bài Tàu đêm, ông cảm thán:
Cho nên hãy cứ để những ai đó “tha lấy lỗi mình”. Việc tha tội không phải của ông. Việc của ông khi được “về” là, tạ ơn đời (trong đó có những ai hôm trước từng gây tội) và tạ ơn đất trời, trong đó có những bông hoa.
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Ngày xưa đã từng có một nhà nho “bái thạch vi huynh”, nghe cũng cao khiết lắm, nhưng vẫn có chút gì kiểu cách, ngạo mạn. Còn ông: cảm ơn hoa đã vì ta nở. Nghe thật nhún nhường, bằng hữu.
Đó chính là nét đẹp của người tù thi sĩ, cho dù bị cướp mất đi quá nửa trong mười năm, nhưng chỉ cần hoa đã vì ta nở là đã tìm lại được nửa kia, để “Ta vẫn là Ta”.
7. Bài thơ tuy dài nhưng không phải là bản án của chế độ như hồi ức của Solzhenitsyn, mà là những tiếng khóc khô không lệ, giống như thơ của Đỗ Phủ.
Đặng Tiến có một nhận xét rất sâu sắc, rằng thơ của Tô lang (Tô Thùy Yên), không thời gian, không tổ quốc. Tức là thơ không chỉ một thời mà của nhiều thời, không của một người mà của muôn người.
Chữ “ta” trong “ta về”, phải được hiểu là “chúng ta”, có tôi và cả triệu người buồn của miền Nam, cho dù không bị đưa vào trại cải tạo, nhưng bị nhốt trong những nhà tù không chấn song, cũng đã bị tẩy não không khác gì họ.
Điều bi thiết nhất, ác độc nhất mà chế độ toàn trị này gây nên, chính là “chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau”.
Vì là không thời gian, nên tôi mong 5 năm, 10 năm hay quá lắm là 20 năm, bài thơ Ta về sẽ được dạy trong các trường học, để khai giải bùa thiêng yểm, cho các thế hệ sau thấy được các thế hệ trước đã sống qua cơn mộng dữ như thế nào.
8. Trên cõi người bao la như đường lớn, ông chỉ là một chiếc bóng nhỏ. Nhưng trong nhóm khai phá Sáng Tạo, theo tôi, ông là cái bóng lớn. Vượt qua cả Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo. Bởi những con chữ của ông đơn giản, mộc mạc, những hình ảnh thuần Việt quê mùa và nhất là, hơn ai hết trong bọn họ, ông đã vượt qua chín tầng địa ngục.
Bài này xin vì ông mà viết. Như một bông hoa dại bên đường, xin vì ông mà nở.
28/5/2019
* mình về, ta chẳng cho về