User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

bachdanggiang

Nói đến hận thù qua thi ca Việt Nam, chúng ta không thể quên những áng thơ văn đầy thù hận và căm hờn trong lịch sử của dân tộc ta từ thời lập quốc cho đến ngày hôm nay.

Qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, vv… nhiều vị vua, nguyên soái, tướng lãnh đã thảo ra những bài hịch, hay những bài thơ đầy căm hờn thù hận để cổ xuý lòng ái quốc chống lại quân thù muốn lăm le xâm lấn đất nước ta. Thêm vào đó, ta còn thấy rất nhiều thi nhân đã sáng tác những bài thơ đầy hận thù và uất ức lúc thấy cảnh quốc phá gia vong, hay lúc họ đang nằm trong ngục tù nhìn quê hương đang đắm chìm trong khói lửa mịt mù khiến lòng càng uất nghẹn. 

Trong lịch sử nước ta ai cũng biết rằng, sau khi Hai Bà Trưng vì cô thế phải trầm mình xuống sông Hát Giang để tuẫn tiết, toàn dân đều vô cùng xúc động đến nghẹn ngào. Để ca ngợi và ghi lại những chiến tích oai hùng của hai Bà lúc đang còn sống, trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư trước đây có một bài thơ lục bát trong đó tư tưởng hận thù được nêu lên qua mấy vần thơ sau:

Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.

Nhưng trong bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt, sự thù hận chỉ tiềm tàng trong từng lời, từng ý, từng câu mà thôi chứ sự hận thù chưa được xiển dương một cách công khai lúc Lý Thường Kiệt đứng trước ba quân bên dòng sông Như Nguyệt cất cao giọng đọc bài thơ, đã trở thành bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Nội dung bài thơ như muốn cảnh cáo cho quân thù biết rằng chủ quyền giang sơn gấm vóc của nước ta là bất khả xâm phạm, nếu quân thù có ý đồ xâm lược sẽ bị quân dân ta vùng lên chống trả để bảo vệ đến giọt máu cuối cùng:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

(Lý Thường Kiệt)

Bản dịch:

(Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành địa phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời).

Để cảnh cáo nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã tung ra bản Tuyên ngôn độc lập nói trên với những lời văn mà sự hận thù chưa được bộc lộ nhưng lại tiềm tàng trong từng câu từng chữ như đã nói trên. Trái lại trong bài Hịch của Hưng Đạo Đại Vương chống quân Nguyên, ta thấy rõ sự hận thù xuất hiện trong từng chữ từng câu qua một đoạn văn ngắn.

Đúng là Trần Hưng Đạo rất tức tối, uất ức, giận giữ khi thấy quê hương bị giặc thù đem quân xâm chiếm. Ông lo nghĩ đến quên ăn, giận giữ đến phải vỗ gối nửa đêm trường vì còn thao thức, tức tối đến ruột đau như cắt, uất ức đến nỗi nước mắt đầm đìa qua đoạn văn sau đây trong bài Hịch:

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan uống máu quân thù, dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.

Nếu ta thấy sự hận thù bộc lộ rõ ràng qua đoạn văn trên trong bài Hịch của Trần Hưng Đạo thì trong bài thơ Cảm Hoài của Đặng Dung, ta thấy cũng có sự hận thù xuất hiện nhưng chỉ lướt nhẹ qua thôi khi tác giả ngậm ngùi nói về thân phận của cuộc đời mình:

“Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long tuyền đới nguyệt ma”.

(Đặng Dung)

(Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày).

(Phan Kế Bính dịch)

Tuy nhiên trong nhiều áng văn thơ khác, ta thấy sự hận thù lại xuất hiện một cách rõ rệt tuy không bằng sự thù hận trong đoạn văn ở bài hịch của Trần Hưng Đạo: bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Qua áng văn lịch sử tuyệt tác của Ông tổ ngành Chiến Tranh Chính Trị này, ta thấy Nguyễn Trãi đã đưa vào bài Bình Ngô Đại Cáo nhiều đoạn thơ tỏ ra căm giận tột bực vì giặc thù “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội, dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Vì thế tác giả “Ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống”.

Ta hãy nghe đoạn văn sau đây của Nguyễn Trãi viết về sự căm giận giặc thù: 

“… … … … … … … … … … …
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
Lòng người đều căm giận,
Trời đất chẳng dung tha.
Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ:
Chí phục thù đã quyết,
Dẫu thức ngủ không quên.
Vừa khi cờ khởi nghĩa mới dấy lên,
Chính lúc thế giặc đương rất mạnh”.

(Nguyễn Trãi)

Nói chung, trong thi ca qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc ta, một số áng văn thơ đã cổ xúy và xiển dương sự hận thù và căm giận của một số tướng tá, nguyên soái hay vua chúa một cách rõ rệt và công khai như ta đã thấy. Nhiều đại thần, hay nhiều vị tướng cũng đã khuyến khích sự trả thù và rửa hận nhưng vì không muốn dệt thành thơ, viết thành văn mà chỉ nói đôi dòng nhắc nhở con cháu mà thôi. Đó là lý do tại sao khi Nguyễn Trãi khóc lóc lúc tiễn chân cha là Nguyễn Phi Khanh, bị quân Tàu bắt đưa về nước họ, đến tận ải Nam Quan, Nguyễn Phi Khanh đã quay đầu lại mà bảo con rằng: “Con hãy về đi, lo trả thù cho cha, rửa hận cho nước, chứ lẽo đẽo theo chân cha khóc lóc thời có được gì đâu”.

Ngoài những áng thơ văn có tính chất lịch sử nói trên, ta thấy sự hận thù cũng bàng bạc trong nhiều bài thơ của một số thi nhân. Rõ nét nhất là bài Nhớ Rừng của nhà thơ Thế Lữ trong Tự Lực Văn Đoàn mà những câu mở đầu đã làm cho ta thấy ngay sự căm hờn lúc mới đọc:

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trong ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm 
Nay sa cơ bị nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt thứ đồ chơi
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự”.

(Thế Lữ) 

Và cũng vì nằm trong ngục tù nên thường xuyên uất nghẹn. Uất nghẹn vì đói rét cực khổ, căm hờn vị bị ngược đãi thường xuyên. Đã thế đôi chân lại còn bị cùm đến chảy máu khiến thân xác nhức nhối suốt đêm ngày. Cuối cùng vì quá tức tưởi và căm hờn, người tù đành phải thét lên trong ngục tù tăm tối cho vợi bớt hờn căm, vợi bớt thương đau để rồi tiếng gào thét đó đã biến thành tiếng thét từ lương tâm thời đại:

“Từ Cổng Trời cùm sắt máu hoen chân
Trong uất nghẹn vẫn gào lên Tiếng Thét
Bao đòn thù trên thân tù đói rét
Chung màu da sao mãi gánh oan khiên?
 
Của đàn em thơ đói khát triền miên
Thân vàng vọt thành món hàng mua bán
Thế hệ trầm luân, sinh phong dần khô cạn 
Đời tương lai Em chống nạng về đâu?
 
Ba mươi hai năm, vẫn chỉ một màu
Đen tủi nhục bao trùm lên đất nước
Một bàn tay vẫn nguyên hình bạo ngược
Đang bịt mồm Công Lý, bóp quyền Dân.
 
Nhưng Hồn Thiêng Sông Núi tựa Linh Thần
Đang phù trợ cho người luôn vững chí.
Đang kết tụ từ nghìn năm hào khí
Hòa chung thành một Tiếng Thét hôm nay.

(Hoàng Phong Linh -Võ Đại Tôn - Trong bài “Tiếng Thét Từ Lương Tâm”)

Bài thơ “Tiếng Thét Từ Lương Tâm” của thi sĩ Hoàng Phong Linh viết để kính tặng Linh Mục Nguyễn Văn Lý và những Nhà Đấu Tranh Dân Chủ trong nước và thân tặng Tuổi Trẻ Việt Nam, xin được kết thúc bài “Hận thù qua thi ca Việt Nam” nơi đây.

Dương Viết Điền