User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tukhucluuvong
 
Phạm Tương Như cảm đề thơ Dương Thượng Trúc

Bạn tôi, ca nhạc văn thi sĩ Dương Thượng Trúc, còn là một nhà truyền thông. Anh cộng tác với nhiều đài phát thanh. Rất nhiều chương trình văn học nghệ thuật nước nhà đã và đang được anh thực hiện, phát sóng nghe được toàn cầu.
 
Tôi vừa ái ngại vì khả năng viết lách của mình vừa vui khi được anh yêu cầu tôi ghi lại vài cảm nghĩ, sau khi đọc bản thảo Tù Khúc Lưu Vong của anh.
 
Tác giả “Tù Khúc Lưu Vong” phục vụ Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân, trấn thủ cao nguyên Pleiku.
 
Bởi yêu em nên chàng mơ làm thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ…
 
Bài thơ “Nhịp Đập Nhỏ Nhoi” viết tại Pleiku năm 1970:
 
“Bởi yêu em anh muốn làm tất cả.
Chỉ vì em và chỉ có em thôi.
Dẫu tim em có lạnh lùng băng giá.
Anh sẽ làm một nhịp đập nhỏ nhoi”.
 
Có lẽ người con gái sợ sớm chít khăn tang khi lấy chồng là lính Cọp Mũ Nâu!
 
“Đại Học Máu” của Hà Thúc Sinh, cùng chủ đề, năm nào đã lấy nhiều nước mắt của tôi. Vì trong trường này có nhiều sĩ quan trẻ là bạn cùng khóa hoặc cùng đơn vị với mình.
 
Trại tù Xuyên Mộc nhốt 520 sĩ quan, đa số cấp úy.
 
Các sĩ quan trẻ này phải gỡ lịch trên dưới 10 năm, đủ biết trình độ ”khó dạy”, có “nợ máu” với bộ đội Cộng sản dữ dội đến ngần nào.
 
Họ từng mặc áo rằn ri trong các binh chủng thiện chiến, từng ngồi ghế lái “đại bàng”, cánh sắt mang đầy đạn bom.
 
Họ từng là khắc tinh của bộ đội “đánh cho Trung quốc và Nga sô”, “sinh Bắc tử Nam” như lời Lê Duẩn tuyên bố.
 
Thơ Dương Thượng Trúc phải có cả ngàn bài. Nay anh cho ra mắt Tù Khúc Lưu Vong, đủ biết anh lưu tâm, gìn giữ kỷ niệm một thời cực kỳ khốn khó, sống chung và có thể chết cùng!
 
Tại trại tù Trảng Lớn, người sĩ quan trẻ nghe bài hát “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao. Anh đã than thở thành lời:
 
Mùa Xuân này đâu còn là xuân nữa
Khi khắp nơi tàn úa cánh mai vàng
Hạt bắp, củ khoai thay cơm từng bữa
Sau cuộc đổi đời, lịch sử sang trang
 
 
“Còn có mùa xuân với người thua cuộc
Hay chỉ là ảo vọng viển vông”
 
“Bỏ Phố Lên Rừng” có lẽ là bài thơ Xuân viết lúc người tù “Biệt Động Quân” vừa chuyển đến trại “khổ sai” Xuyên Mộc 520.
 
Dù trong cảnh đời tù tội, đói khổ. Người lính rừng một thời tay súng tay đàn vẫn còn chút hồn thơ lãng mạn.
 
“Hôm nay bỏ phố lên rừng
Núi đồi Xuyên Mộc đón mừng quân ta
Hàng cây rũ bóng la đà
Giai nhân đâu, chén quan hà tiễn đưa
 
Xuân ơi! Xuân sắp tàn chưa
Để ta dựng lại những mùa Xuân sau
Cho đời vơi bớt thương đau
Mùa Xuân Xuyên Mộc xanh màu cỏ hoa”
 
Ngày Xuân nhìn cánh én bay cho người tù chút hy vọng. Niềm tin tan mau với áo rách, đói cơm, lao động vất vả. Nỗi nhớ nhà triền miên ray rứt.
 
“Ta Giữ Riêng Ta Một Nỗi Sầu” là lời than thân trách phận không lối thoát:
 
“Ta biết cùng ai chia nỗi sầu
Một đời hoang phế những thương đau
Lần tay đếm lại mùa Xuân cũ
Mộng ước tìm đâu, biết tìm đâu
 
Ta giữ riêng ta một nỗi sầu
Để làm di sản kiếp mai sau
Đem vào huyệt lạnh niềm chua xót
Xoa dịu hồn ta những cơn đau”
 
“Di Sản Mai Sau” là nỗi sầu thì thật là bi thảm như “sợ hết nỗi buồn đời trống không”. Người tù, người thơ cám cảnh
 
“Xót xa nước chảy chân cầu”
 
để rồi
 
“Thoảng đâu cơn gió khua mành
Hương xưa vọng tiếng trên cành… sương rơi”
(Hương Xưa Vọng Tiếng)
 
Người lính Biệt Động cao nguyên biên phòng một chiều hành quân, dừng chân nơi Thánh Đường xóm đạo, bên tháp chuông với nỗi lòng tan hoang hiu hắt
 
“Quanh tường vôi hằn in dấu đạn
Khói súng còn vương vất đâu đây
Giọt lệ nào trên khóe mắt cay
 
Trước cảnh tang thương nơi thôn nghèo heo hút…
 
Tiếng ngân nga như lời than khóc
Bên tháp chuông đổ nát hoang tàn
Nỗi buồn dâng theo bóng chiều loang
Người lính trận gục đầu đếm bước”
(Người Lính Bên Tháp Chuông)
 
Năm 1980, nghĩa là chỉ một năm ở trại tù Xuyên Mộc. Người thơ lính sáng tác “Bài Ca Người Mất Trí” đủ biết nỗi chán chường của người tù không bản án, không tương lai chua xót đớn đau đến dường nào.
 
Bùi Giáng ở trại “người mất trí’ 3 năm. Kiệt Tấn ở tổng cộng 5 năm... Các Thi nhân thiên tài này có thật mất trí? Hay muốn thành người mất trí!
 
“Ta mơ thành một ngưới mất trí
Nghêu ngao ca hát giữa chợ đời…
Hồn nhiên như hoa lá cỏ cây
Mùa xuân sẽ muôn đời bất diệt…”
 
Cũng tại rừng già Xuyên Mộc, người vợ “đầu ấp tay gối” năm nào đến thăm ngưới lính tù lần cuối. Báo tin nàng sẽ đi lấy chồng khác…
 
Người lính nghẹn ngào nhưng đành an phận… rẽ thúy chia uyên. Ôi! Những bi hận khi hòa bình lập lại…
 
“Cảm ơn em đã thăm nuôi lần cuối
Dù kèm theo là lời nói buốt lòng
Tôi chẳng buồn và cũng chẳng hoài mong
Một Tô Thị giữa biển dâu thế cuộc…
 
Đừng em nhé, đừng cho dòng lệ ứa
Giọt lệ nào xoa dịu nỗi thương đau
Tôi và em đã lỡ một nhịp cầu
Có tiếc nuối cũng chỉ là kỷ niệm
 
Tôi ở chốn này trong vòng rào kẽm
Chôn lấp tuổi xuân nơi cánh rừng già
Xin thắp nén hương cho cuộc tình ta
Cám ơn em đã thăm nuôi lần cuối.”
(Nén Hương Cho Cuộc Tình)
 
Nhà văn Điệp Mỹ Linh từng nói rằng:
 
- “Dương Thương Trúc làm thơ dễ như trở bàn tay”.
 
Tôi cho rằng anh làm thơ dễ, nhanh và quen như gom chuyện đời quá khứ tích lũy, hiện tại đa đoan…
 
Bàn tay, khối óc, con tim đã quá quen thuộc công việc sáng tác văn học nghệ thuật. Anh như cánh đồng phì nhiêu đầy phù sa. Các hạt giống văn nghệ sẽ nẩy mầm tươi tốt.
 
Sau khi đến Mỹ, miền đất hứa của cơ hội. Tim óc văn nghệ của người lính đã chịu đựng nhiều nghịch cảnh, bùng phát mạnh như ngày nào tiến chiếm mục tiêu trên chiến trận.
 
Bài thơ “Chén Rượu Ngậm Ngùi” thật tuyệt vời, gồm 24 câu viết vào tháng 9/2010.
 
Có lẽ để tặng bạn tù trong nhóm “Xuyên Mộc 520” nhân lần hội ngộ nơi xứ sở tạm dung. Xin cho tôi cùng ngậm ngùi với các bạn đồng trang lứa, cùng một thời lận đận bên nhà và nơi xứ người…
 
“Nghiêng chai dốc hết ra từng giọt
Ta uống đên này cho thật say
Vũ trụ cuồng quay, quên tuốt luốt
Quên luôn cả số kiếp lưu đày…

Đời của chúng mình, người lính chiến
Một thời ngang dọc, giữ quê hương
Giờ mang thân phận thằng lưu lạc
Nhìn lại non sông luống đoạn trường”
 
Người lính, người thơ đa tình cũng không thoát khỏi vòng tục lụy. Trái tim nghệ sĩ sẽ chìm trong bể yêu đương. “Vũng Lầy Của Chúng Ta” đầy trắc trở và nghịch cảnh. Bài thơ “Uống Cạn Môi Em Giọt Lệ Sầu” như một lời chia tay ướt đẫm tương tư…
 
“Buồn lắm em ơi! Nhớ rất nhiều
Gặp rồi có nói được bao nhiêu
Nhìn nhau mà thấy lòng xao xuyến
Ánh mắt gửi trao biết bao điều
 
Em muốn chúng mình quên nhau đi!
Nói mà sao lệ ướt vành mi?
Thật ra em dối lòng em đó.
Chỉ khổ nhau thêm chứ ích gì?
 
Hãy để mùa xuân nở ngát hương
Cho tình êm ả giấc miên trường
Cho đêm chỉ thấy toàn mộng đẹp
Cho đời trọn vẹn nghĩa yêu đương
 
Dù hai phương trời cách biệt nhau
Đừng buồn cho Tháng Bảy mưa ngâu
Anh xin hôn nhẹ bờ mi ướt
Uống cạn môi em giọt lệ sầu”
 
Thi sĩ Dương Thượng Trúc là một thành viên tài hoa của Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ. Nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân là cựu Chủ Tịch 3 nhiệm kỳ của Trung Tâm. Hai anh cũng là bạn tù một thời. Bài thơ “Khóc Bạn” viết tặng hương linh anh An Dân tử nạn giao thông.
 
Cũng là ngày TT/ VBNHK tham gia tổ chức ra mắt sách cho Nhà văn Lê Quang Sinh ở Dallas, nhân sinh nhật 90 tuổi của Ông
 
“Tôi viết cho anh lời thơ buồn
Nức nở trong lòng, lệ chẳng tuôn
Dường như lệ đã khô từ dạo
Gãy súng buông gươm, nuốt tủi hờn…
 
Tôi thắp lên đây một nén hương
Thay khúc bi ca nỗi đoạn trường
Chia tay lần cuối là miên viễn
Tiễn biệt hồn anh quy cố hương”
 
Đã là con người bầm dập với đời trai, với lịch sử, với tình yêu… Có lúc suy ngẫm về cuộc đời sao khỏi tự cười, tự chế diễu chính mình. Thi sĩ của chúng ta cũng không ngoại lệ. Hãy nghe chàng “Tự Trào”
 
“Ngũ thập niên tiền nhị thập tam
Tuổi đời xế bóng chẳng đành cam
Văn chương dăm chữ mà ham viết
Thi phú vài câu vẫn cố làm
Bước thấp bước cao chân tếu táo
Ly đầy ly cạn miệng tầm sàm
Thế mà cũng thọ lâu đấy nhỉ
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam*“
*(thơ Nguyễn Công Trứ)
 
Phạm Tương Như xin cảm tác tặng bạn
 
“Lần tay đếm tuổi bảy mươi ba
Tù Khúc Lưu Vong ý chẳng già
Thích đẹp làm sang quen thói viết
Cầu vui nghèo sát cứ ham ca
Cầm kỳ thi tửu sao nhiều chỗ
Chân thiện mỹ trung ấy một nhà
Sợ sống trăm năm phiền cháu chắt
Mỹ nhân, trà rượu cứ là đà…”
 
Hy vọng với những lời dẫn nhập đơn giản này đủ “khai phá” đường thơ đi. Để mùa Thu 2020 năm nay. Khi lá vàng rơi ngập lối trăng sương mờ, nhà thơ Dương Thượng Trúc và chúng ta được bồng bế trên tay đứa con tinh thần mới của anh.
 
Chân thành cám ơn Tác giả và quý độc giả, bạn bè đã vì chữ nghĩa Việt Nam, cùng chung sức gìn giữ và phát huy tiếng Mẹ đẻ khắp nơi trên Thế Giới…
 
Ngôn từ Việt… áng thơ văn.
Cửa tim hé mở thế nhân đón chờ”.

Phạm Tương Như
Houston, TX. 07/09/2020