
Quê hương và tình yêu xưa nay vẫn là những đề tài lớn cho mọi giai tầng và lứa tuổi trong xã hội. Riêng đối với thi nhân Việt Nam, đây là nguồn thơ vô tận. Người ta làm thơ có lẽ vì nhiều nguyên nhân và động cơ khác nhau; có người làm thơ vì xúc cảnh sinh tình muốn mượn thơ để góp phần tô điểm thêm cho đời sống; người khác làm thơ như một nhu cầu. Với thành phần nầy, họ làm thơ như để đáp lại một tiếng gọi thiêng liêng nào đó tuy rất mơ hồ nhưng rất thôi thúc và có sức cuốn hút mãnh liệt. Có người xem thơ như một cứu cánh, một người bạn chân tình không bao giờ phản bội. Thơ đối với họ như một chiếc phao giữa biển đời mịt mùng sóng vỗ, như một bàn tay để vịn mà ngoi lên như Phùng Quán đã từng nói “Những lúc ngã lòng, vịn câu thơ đứng dậy”. Với ho,̣ thơ là duyên nợ một đời, chỉ có thể trả xong khi nhắm mắt xuôi tay. Với họ, một ngày còn thở là một ngày còn phụng sự nàng Thơ. Nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân đã viết “Thơ là một nghiệp, không phải một nghề”. Hơn ai hết, thi nhân thừa hiểu và nhận chân được cái nguyên lý rất quái ác nhưng cũng rất căn bản nầy. Thơ không đem lại cho họ vật chất đủ để nuôi sống bản thân và gia đình, họ phải dùng một ngành nghề nào khác để mưu sinh và để họ còn được tiếp tục làm thơ. Người làm thơ, như con tằm đến phút cuối đời vẫn quặn người nhả ra những sợi tơ cho người dệt vải, lắm khi như cội mai già giữa trời đại hạn, thiếu phân bón, thiếu nước nhưng vẫn cố hút dăm ba giọt sương hiếm hoi để nở cho đời vài đóa hoa xuân. Xưa nay trên thế giới không thiếu gì những nhà thơ nổi tiếng đã sống và chết trong đói lạnh. Nếu người làm thơ trở nên vinh thân phì da nhờ thơ thì thơ chắc không còn chất thơ nữa.
Vườn thơ Việt Nam hải ngoại vừa có thêm một đóa-hoa-thơ-hương-sắc mà người trổ ra nó là Hoàng Trùng Dương, một thi nhân xứ Quảng- lại cũng xứ Quảng! Có lẽ vùng đất còn vương lệ Huyền Trân Công Chúa nầy đã được Tạo Hóa chọn để mang đến cho đời món-quà-thơ vô giá của Người. Và chắc vì thế mà từ xứ Quảng, mỗi giọt nước, mỗi hòn sỏi, mỗi viên đá, mỗi chiếc lá, mỗi ngọn cây là một lời thơ. Gần như người xứ Quảng nào cũng là thi nhân tuy khả năng sáng tạo và tác động có phần khác nhau. Hoàng Trùng Dương, một người xứ Quảng cũng không vượt ra ngoài thông lệ ấy. Với anh, thơ là nghiệp, không phải nghề. Sanh ra trên quê nghèo đất Quảng, một miền đất với dãy đầy tai ương bất hạnh, kinh qua những giờ phút đau thương của quốc gia dân tộc, tim đã dập dồn hay thắt nghẹn với hạnh phúc và khổ đau trong tình yêu, anh có thừa chất liệu để viết nên những vần thơ tuy đơn sơ nhưng rất cảm xúc, phản ảnh trung thực những rung động từ tận cùng sâu thẳm của con tim. Rất nhiều bài thơ trong thi tập “Kiếp Lưu Vong” của anh đã được viết theo thể lục bát. Có lẽ vì yêu thích thơ lục bát nên anh đã chọn thể loại này như một phương tiện để chuyên chở tâm tình và tư tưởng của mình. Anh mở đầu tập thơ bằng một bài lục bát với những câu thơ nhẹ nhàng nhưng mênh mang nỗi buồn viễn xứ:
“Người đi cạn chén quan hà
Giọt buồn đọng lại nhạt nhòa lệ dâng
Lưu vong đã mấy mùa Xuân
Nhìn hoa tuyết rụng lâng lâng gợn sầu” (Kiếp Lưu Vong, tr. 3)
Giọt buồn đọng lại nhạt nhòa lệ dâng
Lưu vong đã mấy mùa Xuân
Nhìn hoa tuyết rụng lâng lâng gợn sầu” (Kiếp Lưu Vong, tr. 3)
Tình quê hương lai láng rạt rào lúc nào cũng sẵn sàng làm thi nhân rơi lệ:
“Hợp tan, tan hợp trong đời
Ta đi để giọt sầu rơi trên đèo” (Trên đỉnh đèo Hải Vân, tr.8)
Ta đi để giọt sầu rơi trên đèo” (Trên đỉnh đèo Hải Vân, tr.8)
Vận nước điêu linh với chế độ vô cùng khắc nghiệt đã làm biết bao người phải nát ruột tan lòng bỏ nước ra đi. Nhưng cho dù đã đến được bến bờ tự do, mộng đã thành, thân đã yên, lòng kẻ ra đi vẫn hoài vọng về người ở lại:
“Mộng xưa nay đã thành hình
Thương muôn dân vẫn điêu linh quê nhà” (Lên non, tr.12)
Thương muôn dân vẫn điêu linh quê nhà” (Lên non, tr.12)
Những thiệt thòi mất mát của tuổi trẻ trong chiến tranh cũng được thi nhân đề cập đến:
“Ngày xanh tắt hẳn nụ cười
Tuổi xanh quằn quại tơi bời phong ba” (Dạ Sầu, tr.14)
Tuổi xanh quằn quại tơi bời phong ba” (Dạ Sầu, tr.14)
Trong chiến tranh đã thế, sau chiến tranh càng thê thảm hơn. Chỉ trong hai câu sáu tám ngắn ngủi sau đây anh đã nói lên được cảnh não lòng của quê hương sau năm bảy mươi lăm:
“Chỉ còn những cuộc chia ly
Người đi cải tạo, người đi nghìn trùng” (Về Thành, tr.18)
Người đi cải tạo, người đi nghìn trùng” (Về Thành, tr.18)
Để rồi trên bước đường lưu vong, thi nhân sống với những tháng ngày ray rứt trong nỗi nhớ thương lúc nào cũng như gai nhọn đâm sâu trên từng tế bào:
“Nhớ thương gặm nát hồn thơ
Dòng thời gian vẫn hững hờ trôi qua” (Về Nguồn, tr.42)
Dòng thời gian vẫn hững hờ trôi qua” (Về Nguồn, tr.42)

Hình ảnh quê hương xứ Quảng với dòng sông Thu một thời thơ mộng và bóng núi xanh lam được anh ghi lại:
“Tôi yêu sông nước Thu Bồn
Yêu đồng lúa chín xóm thôn gặt về”
Yêu đồng lúa chín xóm thôn gặt về”
....
“Tôi yêu rặng núi xa mờ
Trường sơn hùng vĩ trơ trơ cuối trời” (Yêu quê, tr.98)
Trường sơn hùng vĩ trơ trơ cuối trời” (Yêu quê, tr.98)
Rồi khói lửa chiến tranh tràn tới và dòng sông Thu một thời thơ mộng trở nên:
“Đây sông Thu nhuộm máu đào
Nhớ về đất mẹ nghẹn ngào thở than
Còn đâu những chuyến đò ngang
Chèo đưa dưới ánh trăng vàng lung linh” (Điêu Linh, tr.68)
Nhớ về đất mẹ nghẹn ngào thở than
Còn đâu những chuyến đò ngang
Chèo đưa dưới ánh trăng vàng lung linh” (Điêu Linh, tr.68)

Thi nhân không chỉ yêu hình ảnh của nơi anh đã sinh ra mà cả những vùng đất miền Nam khác. Tình yêu ấy đã thể hiện qua những câu:
“Miền Nam rợp bóng dừa xanh
Sông ngòi uốn khúc chảy quanh xóm làng” (Đất đẹp miền Nam, tr.72)
Sông ngòi uốn khúc chảy quanh xóm làng” (Đất đẹp miền Nam, tr.72)
Rời quê hương ra đi lòng tan nát bao nhiêu thì khi quay về thăm lại lòng thi nhân càng bồi hồi xao xuyến bấy nhiêu:
“Bảy năm lưu lạc xứ người
Ta về thăm lại khung trời thân thương
Việt Nam ơi! Vạn dặm đường
Xa người ta vẫn tơ vương suốt đời” (Ngày Về, tr.78)
Ta về thăm lại khung trời thân thương
Việt Nam ơi! Vạn dặm đường
Xa người ta vẫn tơ vương suốt đời” (Ngày Về, tr.78)
Có lẽ không có những câu thơ nào diễn tả nỗi lòng khách ly hương một cách cô động và cảm xúc như bốn câu trên.
Tâm hồn thi nhân như cây sáo trúc mà ngọn gió và hơi thở tình yêu đã luồn vào để rung lên những tấu khúc ca ngợi tình yêu nồng nàn réo rắt:
“Tình yêu đã đặt lên ngôi
Làm sao nói hết những lời yêu đương”
Làm sao nói hết những lời yêu đương”
Và những thơ nây nóng bỏng của một cuộc tình:
“Em tôi tỏ vẻ ngượng ngùng
Vòng tay siết chặt trong vùng đam mê” (Tàn Tích, tr.44)
Vòng tay siết chặt trong vùng đam mê” (Tàn Tích, tr.44)
hay những nhớ thương da diết và tiếc nuối, trăn trở:
“Thương em nặng mối tình sâu
Nhớ em vò võ canh thâu một mình
Không duyên chẳng nợ ba sinh
Em nên khâm liệm cuộc tình đôi ta” (Tình Ta, tr.21)
Nhớ em vò võ canh thâu một mình
Không duyên chẳng nợ ba sinh
Em nên khâm liệm cuộc tình đôi ta” (Tình Ta, tr.21)
Còn gì đơn sơ và chân phương hơn hai câu sau, trong đó thi nhân đã dùng những chữ rất bình dị:
“Em ơi, lệ đã cạn dòng
Đời anh sao mãi long đong thế nầy
Trời buồn nên trời nhiều mây
Anh buồn nên viết thơ nầy cho em
Tương lai là một bóng đêm
Tình anh đã trót cho em hết rồi!” (Lời Cho Em, tr.63)
Đời anh sao mãi long đong thế nầy
Trời buồn nên trời nhiều mây
Anh buồn nên viết thơ nầy cho em
Tương lai là một bóng đêm
Tình anh đã trót cho em hết rồi!” (Lời Cho Em, tr.63)
Những từ như “sao mãi”, “thế nầy”, “nên”, “trót”, “hết rồi”, là những từ rất thông thường, được dùng đến nhiều trong văn nói. Dù vậy, chúng đã không làm cho những câu thơ trên mất chất thơ mà trái lại càng làm tăng thêm vẽ mộc mạc, chân tình. Tác giả đã khéo léo dùng toàn thanh bằng trong câu “Trời buồn nên trời nhiều mây”. Câu thơ tuy không theo quy luật căn bản của thơ lục bát nhưng tạo được một sắc thái đặc biệt, như để làm cho nỗi buồn đã thâm trầm lại càng trì nặng hơn.
Những cuộc tình tan vỡ đã cho thi nhân có cơ hội viết nên những câu lục bát phảng phất âm điệu ca dao:
“Cuộc tình trót đã dở dang
Thì thôi đổ vỡ mộng vàng đắp xây” (Sầu Đông, tr.84)
Thì thôi đổ vỡ mộng vàng đắp xây” (Sầu Đông, tr.84)
“Bọt trùng dương vẫn chưa tan
Tình ta sao vội chóng tàn vì ai” (Tình Hoang, tr.91)
Tình ta sao vội chóng tàn vì ai” (Tình Hoang, tr.91)
“Nhớ thương thốt chẳng nên lời
Trong cô đơn thấy biển khơi bốn bề” (Tưởng Vọng, tr.101)
Trong cô đơn thấy biển khơi bốn bề” (Tưởng Vọng, tr.101)
Về mặt kỹ thuật, thơ lục bát của Hoàng Trùng Dương đã cho thấy cố gắng vượt bực của tác giả trong cách gieo vần và luật bằng trắc. Nói đến thơ lục bát, chắc có người cho rằng đây là thể thơ dễ viết nhất. Điều ấy không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Thơ lục bát thoạt trông tuy đơn giản nhưng nếu vần luật không phân minh thì thơ sẽ chẳng ra thơ. Có nhiều thi sĩ rất thành công trong các thể loại thơ khác nhưng lại tỏ ra rất ái ngại với thể thơ lục bát. Trong hậu bán thế kỷ hai mươi, nhiều nhà thơ cố tạo ra một phong cách mới cho thơ lục bát nhưng kết quả như thế nào vẫn hãy còn rất mơ hồ. Không như những nhà thơ ấy, Hoàng Trùng Dương khép mình trong khuôn khổ của thơ lục bát thuần túy, với tiết tấu, vần điệu và quy luật căn bản. Có lẽ nhờ thế mà người đọc tiếp nhận thơ anh dễ dàng hơn vì nó gần gũi với đại đa số quần chúng. Ngoại trừ một vài câu lạc vận như:
“Mẹ cha tóc đã bạc màu
Ta thân tàn phế ăn mày nhân gian” (Dạ Sầu, tr.14)
Ta thân tàn phế ăn mày nhân gian” (Dạ Sầu, tr.14)
hay
“Ta theo dấu cọp về nguồn
Làm thân dã thú chở buồn theo sau
Từ đây miên viễn lưu đày
Sơn lâm vắng vẻ đêm ngày đi hoang” (Từ Ta, tr.94)
Làm thân dã thú chở buồn theo sau
Từ đây miên viễn lưu đày
Sơn lâm vắng vẻ đêm ngày đi hoang” (Từ Ta, tr.94)
và những câu không theo quy luật bằng trắc như (có lẽ tác giả cố tình nhấn mạnh động từ “bước” dù biết rằng chữ thứ hai của câu lục phải mang thanh bằng để động tác của người ra đi nổi bật hơn?):
“Chân bước đi dạ vấn vương” (Giã Từ, tr.28)
hầu hết những bài thơ lục bát của anh đều đúng luật bằng trắc và gieo vần rất chỉnh. Những bài mà vần thật hoàn chỉnh có thể kể ra như (“Giã Từ”, tr.28), “Mừng Vu Qui Của Con”(tr.124), “Đêm Về Sáng Trên Thác Niagara Falls” (tr.131). Những bài còn lại vần luật rất nghiêm túc cho dù đôi khi nhà thơ bị buộc phải dùng thông vận. Nói về chính vận thì ngay cả những tác phẩm để đời của những thi hào lừng danh cũng không tránh được có lúc lâm vào thế bi. Đọc “Đoạn Trường Tân Thanh” của đại thi hào Nguyễn Du, người đã được xem như là mẫu mực khôn thước của thể thơ lục bát, người ta vẫn thấy có những đoạn thơ mà vần không hoàn chỉnh như:
“Mấy lần cửa đóng then gài
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu”
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu”
Hay
“Tan sương đã thấy bóng người
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ”
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ”
...
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm”
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm”
Và
“Rằng nay trong tiết Thanh Minh
Mà sao hương khói vắng tanh thế nầy”
Mà sao hương khói vắng tanh thế nầy”
thì giữ được vần như Hoàng Trùng Dương trong tất cả những bài thơ lục bát của anh thật là một điều đáng phục.
Ngoại trừ những thiên tài “Xuất khẩu thành thi” hay những ai không biết thơ là gì, không một thi nhân đời thường nào có thể phủ nhận quá trình sáng tạo cam go khổ hạnh của một bài thơ hay. Thi nhân, như người mẹ, đã phải thai nghén những đứa con tinh thần của mình, truyền sức sống và tinh hoa cho chúng, cưu mang chúng cho đến ngày nở nhụy khai hoa. Thế đã yên đâu khi thơ “lọt lòng” lại phải sửa chữa, uốn nắn cho chúng được hoàn hảo. Đôi khi gặp những đứa con khó khăn, người cưu mang chúng không nhiều thì ít cũng sức cùng lực kiệt. Trong ý nghĩ đó, thi tập “Kiếp Lưu Vong” có thể được xem như là đứa con đầu lòng mà Hoàng Trùng Dương đã cưu mang nhiều năm qua. Công trình sáng tạo của anh đã mang đến cho đời một tác phẩm đẹp, và chắc chắn rằng với nền tảng sẵn có, những đứa con tinh thần của anh trong tương lai lại sẽ càng xinh xắn, kháu khỉnh hơn./.
Vũ Đình Trường