User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Lần đầu tôi gặp ca sĩ Mai Hương năm 1986 khi chị từ Orange County lên San Jose thu âm hai ca khúc “Xác Em Nay Ở Phương Nào” “Mùa Thu Đến Rồi Đó Em.” Đứng trong phòng thu âm của anh Lê Bảo, nghe danh ca hát nhạc phẩm của mình mà lòng thích thú. Thu âm xong chị nói rằng bản “Xác Em” buồn quá và bản “Mùa Thu” ý tưởng là lạ.
 danhcamaihuong1
Nhạc sĩ Trần Chí Phúc đệm đàn cho danh ca Mai Hương hát. (Hình: Trần Chí Phúc cung cấp)
 
Sau khi cuốn băng cassette “Sài Gòn Em Ở Đó,” gồm 10 ca khúc Trần Chí Phúc phát hành năm 1986, thì bản “Xác Em Nay Ở Phương Nào,” với tiếng hát Mai Hương, được công chúng dần dần biết tới. Chị là người hát đầu tiên và diễn tả ca khúc này truyền cảm nhất. Đài Little Saigon Radio ở Orange County rất mặn mà với các chương trình về thuyền nhân và trại tị nạn, thường phát thanh bài hát này mỗi buổi sáng.
 
Năm 1987 tôi theo nhà văn Đào Văn Bình từ San Jose xuống Orange County ra mắt cuốn “Những Sự Thật Không Thể Chối Bỏ” tại quán Phở Ngon trên đường Bolsa. Ca sĩ Mai Hương có đến và tôi đệm guitar cho chị hát bản “Xác Em Nay Ở Phương Nào.” Bức hình chụp cảnh đó trở thành kỷ niệm quý giá vì sau mấy chục năm nhìn lại thấy mình trẻ trung.
 
Năm 1992, khi thực hiện cuốn “Chiều San Francisco,” tôi mời chị Mai Hương thu âm bản “Đóa Hoa Mùa Vu Lan” tại phòng thu của anh Phạm Ngọc Sơn ở Oakland. Bản này nhạc sĩ Đặng Xuân Thìn hòa âm với bốn vĩ cầm và một dương cầm thật là hợp với tiếng hát Mai Hương. Lúc thu âm xong chị nói rằng cái lời kết “Đóa hoa mùa Vu Lan nở ngát trong tim tình yêu của mẹ” làm chị nhớ tới mẹ của chị quá.
 
Rất nhiều lần, ca sĩ Mai Hương, lúc thì một mình, lúc thì cùng Quỳnh Giao, Kim Tước, từ Orange County lên San Jose trình diễn trong các chương trình nhạc có âm hưởng tiền chiến, thí dụ như chủ đề nhạc Phạm Đình Chương và Văn Phụng… Ban tam ca này hát bè quyện vào nhau là những tiết mục đặc biệt dành cho khán giả Thung Lũng Hoa Vàng do nhạc sĩ Lê Huy thực hiện.
 
Tôi nhớ có một lần theo bạn trong ban nhạc chơi cho đám cưới của con trai Mai Hương. Mấy ca sĩ trong ban nhạc tỏ ra “khớp” khi trình diễn vì hôm đó có rất nhiều ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng tham dự. Hình ảnh nhạc sĩ Phạm Đình Chương, chú ruột Mai Hương, đứng trên sân khấu, tay cầm ly rượu vừa nói và hát, trông thật sảng khoái.
 
Năm 2012 tôi ra mắt cuốn sách “Một Thoáng 26 Năm” tại Viện Việt Học, Westminster, vào một chiều Chủ Nhật. Buổi sáng tôi điện thoại mời chị Mai Hương dự và nghĩ rằng mình mời hơi trễ nhưng không dè hai vợ chồng chị đến. Thật là cảm động, chị nói rằng lần sau có tổ chức cái gì thì nên mời sớm.
 
Tháng Bảy, 2014, trong tang lễ ca sĩ Quỳnh Giao, Mai Hương nói lời tiễn biệt bạn và chị khóc nhiều hơn là nói. Đó là lần cuối cùng tôi thấy chị cho đến khi chị ra đi ngày 29 Tháng Mười Một vừa qua, hưởng thọ 79 tuổi.
 
Trong vài lần điện thoại hỏi thăm về ca nhạc, chị kể cho nghe vài kỷ niệm về đài phát thanh Sài Gòn. Chẳng hạn như khi quân đội VNCH tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị năm 1972 thì bài hát “Cờ Bay” ra đời và ban hợp ca trong đó có Mai Hương tập ngay và trình diễn trên làn sóng điện cho kịp tình hình chiến sự. Tôi nghe vậy rất hào hứng và muốn gặp để phỏng vấn, viết về sự nghiệp ca hát của chị cũng như các sinh hoạt văn nghệ của đài phát thanh Sài Gòn thời đó. Tôi nói rằng viết về ca sĩ Mai Hương nhưng trong đó có cả lịch sử, thời cuộc của một xã hội miền Nam Việt Nam mà ca nhạc trên đài phát thanh góp phần diễn tả. Tiếc rằng sau đó việc không thành với lý do chị nhận lời tôi thì không thể từ chối một số ký giả khác.
 
Thời trước năm 1975, đài phát thanh Sài Gòn có cả hàng triệu người nghe trên toàn lãnh thổ từ Mũi Cà Mau cho đến sông Bến Hải tỉnh Quảng Trị. Tiếng hát Mai Hương lúc thì đơn ca, lúc thì hợp ca, với các nhạc phẩm giá trị nghệ thuật chủ đề quê hương lẫn chiến cuộc được bao thính giả thưởng thức qua làn sóng điện. Thời đó tiếng hát nguyên sơ, tiếng đàn mộc mạc và trình diễn một lần (live) cho nên nghe rất sống động, khác với thời này âm thanh đã được chỉnh sửa, thu đi thu lại nhiều lần.
 
Danh ca Mai Hương đọc được nhạc và xướng âm, một khả năng mà ít ca sĩ Việt Nam có được. Do đó, giọng ca chị chuẩn và tập hát rất mau, thích ứng với nhu cầu ca nhạc của đài phát thanh trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh.
 
Chị hát bè rất nhuyễn mà đơn ca cũng hay – đây là nét đặc biệt của ca sĩ Mai Hương. Giọng chị cao, êm ái, đọc lời với giọng Hà Nội nhẹ nhàng – một loại giọng nói càng hiếm đi ở vùng đất đó hiện giờ.
 danhcamaihuong
Nữ danh ca Mai Hương. (Hình chụp từ màn hình đài SET TV)
 
Khi qua Mỹ năm 1975 cho đến cuối đời, Mai Hương thu băng khoảng 10 CD gồm nhiều ca khúc mang âm hưởng tiền chiến như các nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn Từ Linh, Văn Cao, Phạm Duy…
 
Nhưng muốn kể đầy đủ sự nghiệp ca hát của danh ca Mai Hương thì phải có một nửa nằm ở chương trình phát thanh đài Sài Gòn với cả hàng chục triệu thính giả từng nghe trước năm 1975.
 
Có ai vẽ được một đường chim bay, có ai ghi được hình ảnh của một ngàn năm trước, có ai thu âm được những tiếng hát, tiếng đàn trên đài phát thanh Sài Gòn thập niên 1960 và đầu thập niên 1970?
Giữa năm 2020, trong tang lễ em gái mình là Bạch Tuyết, ca sĩ Mai Hương với mái tóc bạc trắng trông thật đặc biệt. Nó toát ra vẻ chân thật, tự tin và thoải mái theo luật tự nhiên rằng ai rồi cũng phải già. Nhưng tiếng hát của Mai Hương vẫn còn đó, được ghi lại và vang mãi với thời gian.
 
Giã biệt danh ca Mai Hương, tiếng hát thanh cao, gợi kỷ niệm êm mơ về một thuở thanh bình quê hương. Cảm ơn chị đã hát “Xác Em Nay Ở Phương Nào” thật truyền cảm – bài hát đau thương vượt biển của thuyền nhân Việt Nam. (Đ.D.)
 
Trần Chí Phúc
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/