
Mảnh Da Vàng Và Những Dòng Chữ Khác Lạ - Phong Thu
Thông thường, người viết hồi ký bắt đầu bằng câu chuyện đời mình với những lời tự sự, Chu Lynh có lối viết rất lạ, khác thường. Ông bắt đầu bằng lời tạ ơn của một Mảnh Da Vàng bé nhỏ chấp nhận số mệnh:
“Xin dâng lời cảm tạ Thượng Ðế đã gieo hạt giống tình yêu và đau khổ lên mảnh đời hèn mọn của tôi”.
Sau ngày 30.4.1975, ông cùng với hàng triệu Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hoà chịu đựng cuộc sống khổ nhục trong các trại tù khắc nghiệt từ Bắc vào Nam.
Đọc hồi ký của Chu Lynh, đôi khi tôi phải đọc lại hai ba lần mỗi đoạn văn để tìm hiểu những ẩn ý, tư tưởng mang tính triết học trong văn phong của ông. Nó rất ngắn, đôi lúc quá cô đọng như những thước phim của ông dàn dựng trong Vietnam Film Club.
Những câu văn cô đọng cứ gây cho tôi sự tò mò để đọc tiếp những trang sách đẫm nước mắt của ông. Đọc thật chậm để hình dung ra hoàn cảnh bi thảm của những mảnh da vàng bị đầy đọa trong ngục tù. Đọc để nghiền ngẫm những nhức nhối, đau đớn triền miên của một những người lính thất trận đã mất quê hương, riêng ông thì mất luôn cả gia đình.
Về ngày lịch sử 30.4.1975, Chu Lynh viết: “Quân cộng sản chưa xuất hiện trên đường phố, nhưng hình ảnh của họ đã ở trong lòng mọi người từ lúc nào. Không tiếng súng, nhưng lòng người rúng động đến tận gốc rễ. Bầu trời hỗn hợp màu vàng xen với màu xám, như một phần của ánh mặt trời, và một phần của uất khí con người vừa vỡ ra….”
Bước vào cửa ngỏ thiên đường, ông viết “Tôi đã bước vào thiên đường cộng sản qua cánh cửa hẹp trại giam Chơn Thành, với những con người in trên da mặt từng nét hận thù…”
Người tù Chu Lynh đã viết: “Nhìn bạn bè lớp lớp đi lại mà thấy xa nhau gần kề. Không hiểu sao, tôi lại quyến luyến cái khung cảnh trại giam này. Sát nách thành phố đang trăn trở lột bỏ chiếc áo cũ, trại giam Thành Ông Năm là thế giới riêng biệt kỳ lạ quy tụ lửa đỏ, nước mắt, sự man rợ và tiếng cười thỏa chí….”
Đoạn văn làm tôi suy gẫm: “Mỗi lần thay đổi là thêm vết hằn lên đời tù. Dĩ vãng tuy là chiếc bóng mờ, nó vẫn không biến mất, vẫn liên quan đến hiện tại, khi là ám ảnh, khi thành nuối tiếc, nó thúc đẩy hiện tại đi những bước chân tưởng mới lạ, có khi lại trở về con đường cũ…” Chu Lynh viết hay như thế đó.
Một khoảnh khắc riêng tư của Chu Lynh: “Tôi muốn ngồi một mình nhìn trăng tròn trĩnh lọt vào giữa hai cành cây, thử xem trí óc mình đi hoang đến tận nơi nào. Bỗng buồn cay mắt và nhớ lạ lùng. Mà còn gì để nhớ nữa? Có lẽ, nhớ rằng, mình đã mất tất cả, và bây giờ như có một tấm khăn choàng đen phủ trùm lên đời mình. Nỗi buồn xót xa nầy cũng thân thiết với kiếp tù đày, cõng nhau đi giữa hoang vắng mênh mông không biết sẽ về đâu….”
Về thứ chủ nghĩa cộng sản xa lạ và đáng sợ, Chu Lynh nhận xét:
“Ngồi trên tấm ván mục làm giường bệnh, tôi miên man nghĩ về người cộng sản. Chủ thuyết này có gì xa lạ, nhưng bước đi của nó táo bạo, dẫm nát không thương tiếc mọi chướng ngại, tập họp được nhiều tín đồ, xuất quân thì không bao giờ lùi bước.
Nó tạo ra kỳ tích không xã hội nào trước đây làm nổi, nó đóng lại lịch sử và mở ra những trang mới. Nó làm cho con người hiểu định mạng có thể bị phá vỡ. Nó tập trung nhãn quan con người về một khối lửa quyền năng có thể tiêu diệt hay tái sinh một dân tộc. Thì ra Thánh Kinh đã loan báo về con người cộng sản: “Con cái thế gian khôn ngoan hơn con cái sự sáng”.
Bức tranh xã hội Việt Nam sau năm 1975 là hình ảnh một thứ địa ngục trần gian đầy thú hoang, nhà tù, và chiếm đoạt. Và Chu Lynh, mảnh da vàng tả tơi đã từ cõi chết trở về làm lại cuộc đời trên quê hương thứ hai.
Những năm tháng sống tại Hoa Kỳ, ký ức của ông như dòng thủy triều ẩn hiện những thăng trầm của đời mình. Lòng ông dậy sóng. Chính điều nầy đã khiến ông dấn thân vào con đường sản xuất phim tài liệu.
Hôm nay, tôi lại hân hạnh đọc những dòng chữ chứa chan niềm tâm sự của một mảnh da vàng Việt Nam đầy chua cay và nước mắt. Dưới ngòi bút sắc bén của Chu Lynh, là những trang hồi ký hấp dẫn và sống động.
Tôi xin mượn lời của tác giả đề kết thúc bài viết: “Mùa xuân chưa đến, nhưng trên cảnh vật nầy, như đang có một điệu nhạc thánh thót chạm nhẹ từng lá cây, quyến luyến tà áo trên đường, hớn hở len vào trái tim mình. Ô hay, nào phải điệu nhạc hội ngộ giữa trời và đất hay của thành phố dập dìu rung lên cái nhịp sống yêu dấu ngày nào. Chỉ là cảm thức bất chợt sáng lên từ những kỷ niệm xa xưa…”.
Mảnh Da Vàng dù tả tơi, rách nát, vẫn là mảnh da vàng chan chứa ân tình, mở ra cho chúng ta niềm hy vọng, niềm tin yêu một ngày mai quê hương Việt Nam sẽ tươi sáng hơn.
Đọc Mảnh Da Vàng để tìm thấy bóng dáng của chúng ta ẩn hiện trên từng trang sách của tác giả Chu Lynh.
Phong Thu
Maryland 10/06/2021
******************
Đọc "Mảnh Da Vàng" Của Chu Lynh - Cao Nguyên
Mảnh Da Vàng. Chỉ cần ngắm qua ba chữ này đủ thấy lòng bồi hồi tưởng nhớ biết bao hình ảnh thương đau. Thương bởi những những người cùng chung nguồn cội dù xa hay gần đều chung huyết thống Âu Lạc. Đau vì vận nước không may luôn phải chịu cảnh chiến tranh, thân tình quyến thuộc phải phân ly.
Mảnh Da Vàng là từng mảnh đời trong hiện hữu hay đã rời xa, vẫn mãi còn gắn kết bên nhau.
Chính từ tâm thức này mà Chu Lynh đã viết liên tục qua suốt hành trình anh đi từ quê hương ra hải ngoại.
Đây không chỉ là một tác phẩm văn học chuyển lưu những nét đẹp quê hương, từ phong cảnh đến bản sắc dân tộc, mà còn là một tác phẩm sử học nhân bản của Việt Nam được ghi nhận lại từ một công dân Việt Nam đã sống qua giai đoạn lịch sử bi thương của đất nước trong chiến tranh và hòa bình.
Từ một khối da vàng chủng tộc thương yêu, do hậu quả của chiến tranh và bạo lực đàn áp phải đành đoạn phân ly thành từng mảnh da vàng. Có nỗi đau nào hơn thế nữa!
Tác giả ”Mảnh Da Vàng” đã ghi lại trung thực những gì mình đã trải qua giai đoạn lịch sử bi thương của Đất và Người trên quê hương Việt Nam. Anh cũng là người kết hợp với những thân hữu thành lập “VietNam Film Club” liên tục thực hiện những phim tài liệu suốt dòng sử Việt bi thương đó.
Xin được giới thiệu tác phẩm “Mảnh Da Vàng” với lòng cảm mến.
Cao Nguyên
**************
ChuLynh, Người Lính Ngày Ấy Và Bây Giờ - Trịnh Bình An
Người Lính trong chiến tranh, chiến đấu để bảo vệ miền Nam.
Người Lính trong các trại tập trung, nạn nhân của hận thù và đày ải.
Người Lính trong căn nhà tranh vách đất, từng dòng mực tím trên những trang giấy nâu rẻ tiền ghi lại lời chứng cho lịch sử.
Có thể nào nói về quá khứ của kẻ chiến bại?
Trên miền đất mới, Người Lính trải qua những tháng ngày mới. Ngày trong lành, đêm an bình. Xuân bừng hoa, Hạ lóng lánh, Thu êm ả, Đông ấm áp. Nhưng ngần ấy niềm vui không lấp đầy nỗi trống vắng trong tâm. Quá khứ như giấc mộng không tan, đâu đây có một lời nhắn: “Người Lính hãy tìm vũ khí để chiến đấu cho cuộc chiến mới?”
Người Lính lại cầm lên cây viết, nhưng lần này, viết xuống những dòng chữ cho một kịch bản phim tài liệu, “Hồn Việt”. Phải phơi bày Sự thật, phải chứng thực Lịch sử. Quá khứ bị đánh tráo là quá khứ gian dối, chỉ có quá khứ của những dữ kiện, dù thắng hay thua, quá khứ mới đem lại bình an cho con người và đất nước.
Có thể nào nói về một tương lai mờ mịt?
Đất nước hùng mạnh này đã giúp cho Người Lính viết lên những dòng chữ, tái tạo trên màn hình muôn sắc mầu về những hình ảnh và âm thanh của quá khứ. Từ “Hồn Việt” đến “Hồn Tử Sĩ”, Người Lính tiếp tục đi. Âm vang tiếng gọi mãi thôi thúc là của các đồng đội trong nghĩa trang hay của hồn thiêng sông núi?
Con đường tìm kiếm Sự Thật khiến Người Lính sáng tỏ một điều: “Dân Tộc là trường tồn”, chẳng có thế lực ma quỷ nào có thể định mãi tương lai cho cả một dân tộc.
Người Lính cùng đi với “Mảnh Da Vàng” trĩu nặng trên vai. Cả dân tộc cũng đang đi, dù xiềng xích vây quanh, dù phía trước mịt mờ.
Tất cả đều là những “Mảnh Da Vàng” của một dân tộc khao khát Tự Do. Người Lính đang có Tự Do, dân tộc anh rồi cũng có Tự Do, một khi muôn nhà cùng cất bước.
Trịnh Bình An