
Nhà văn Triều Hoa Đại tên thật Đỗ Xuân Nho, người Nam Định, trưởng thành tại miền Trung và Nam Việt Nam. Viết trước 1975, nhà thơ, nhà báo, gần đây chuyên phỏng vấn những người viết. Đã đã in hai thi phẩm, 2 cuốn phỏng vấn và đang thực hiện cuốn thứ ba.
Đất nước loạn lạc hơn một triệu người từ miền Bắc đã phải khăn gói quả mướp bỏ cả mồ mả tổ tiên, sản nghiệp bồng bế nhau leo tàu há mồm vào Nam trên tay may ra chỉ kịp mang thep một một ít bó rau muống và một sợi dây thừng (từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau, tay kia cầm sợi đây để bắt con cầy), gia đình chúng tôi cũng nằm trong số những người khốn khổ ấy, tàu há mồn cập bãi biển Thanh Bình Đà Nẵng vào một đêm tăm tối, một đêm không trăng! (miền Trung nước Việt). Lạ nước, lạ cái chẳng biết mô, tê, răng, rứa là cái chi chi, đang lo âu không biết mai này tương lai rồi sẽ ra sao thì đùng một cái lại thêm một nỗi lo âu khác ập đến đó là: Ngôn Ngữ.
Trẻ nhỏ như chúng tôi thì không sao chỉ một thời gian ngắn rong chơi cùng những trẻ nhỏ khác cùng trang lứa thì chúng tôi “cảm thông” nhau nhanh chóng cái ngôn ngữ khó nghe kia, nhưng chỉ khổ cho những người lớn tuổi như Cậu, Mợ tôi cùng với những người ngang tuổi thì thậi là khó khăn vô cùng vì là lần đầu tiên là phải nghe một thứ tiếng nói mà giọng phát âm sao mà “khó hiểu, khó nghe”, sao mà nó “nặng chình chịch” đến thế, hơn nữa nếp sống cùng phong tục hai miền Bắc, Trung hoàn toàn xa lạ. Chúng tôi bọn trẻ con lúc bấy giờ nghiễm nhiên bỗng trở thành “thông dịch viên” cho người lớn mỗi khi Bắc, Trung “giao lưu văn hoá”, mỗi khi Bắc, Trung “tay cầm nắm tay”.
Từ những không quen và chưa quen lúc ban đầu bọn nhóc con chúng tôi dần dà bạn bè đầy đàn, đầy đống sau những giờ học ở trường chúng tôi nhủ nhau đi đá bóng, đi bơi lộ ở sông Hàn, những khi có những trận đá banh lớn chúng tôi nhủ nhau đi coi cọp. Lớn thêm một chút nữa chúng tôi đã bắt đầu biết yêu, tập viết những lá thư tình để gửi về “người em yêu dấu” (nhưng thật sự chẳng có ma nào), chúng tôi tập tành viết văn, làm thơ và những áng văn “nhả ngọc phun châu ấy” gom lại thành từng ”đống” và gửi về thủ đô văn hoá Sài Ghềnh và hồi hộp đợi chờ thơ văn của mình được đăng tải, chúng tôi bắt đầu lập nhóm, lập hội văn, thơ cùng sinh hoạt với nhau có rất đông “văn, thi hào” trẻ tuổi nhưng tài thì chưa cao tham dự.
Tôi quen biết nhiều người trong số đó có như Lê Ngọc Châu (Luân Hoán), Nguyễn Văn Nuối (Lam Hồ), Tôn Thất Chơn Tu (Chu Tân), Hạc Thành Hoa, Vương Thanh, Thành Tôn v.v.. và ..v..v..
Khi đã quen biết nhau rồi tôi mới “ngộ” ra là giữa Lê Ngọc Châu và tôi có nhiều cái giống nhau và cũng có những thứ khác nhau chẳng hạn như:
Thời Trung Học, chúng tôi cùng học một trường nhưng khác lớp, khác ban, cùng sinh hoạt thơ, văn này nọ nhưng nhưng khác nhóm, và hình như Luân Hoán không ở một trong một nhóm nào cụ thể.
Ngã rẽ cuộc đời bắt đầu sau Trung Học phổ thông tôi từ giã thành phố tuổi thơ để vào thủ đô Sài Gòn tiếp tục “dùi mài kinh sử”, còn Luân Hoán thì chàng ta lang thang ở Huế có lẽ vì chàng thấy và mê gái Huế chăng? (học trò xứ Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành” và rồi sau này trở thành công chức và tùng sự tại Toà Thị Chính Đà Nẵng. Trong thi phẩm: Chết Trong Lòng Người in năm 1966 anh có lưu dấu sự việc này qua một bài thơ mà gần đây ở trong tập: Đường Chữ Sau Lưng, Luân Hoán đã có nhắc lại và cho rằng:” Có khi thơ đến từ sự việc liên quan mật thiết đến bản thân qua bài (Đi Làm Công Chức – trang 92-93).
“… thôi vĩnh biệt tóc mai
vĩnh biệt râu
vĩnh biệt áo rằn ri
vĩnh biệt quần ống túm
vĩnh biệt hết các em
anh đi làm công chức
hỡi gương
dạy cho ta cách chải đầu
dạy cho ta làm quen vẫn cặp kính trắng
chọn giúp ta bộ quần áo dáng ông thày
chọn giúp ta đôi giày làm chân trí thức
tập ta đi
tập ta biết cúi đầu
tập ta nói
tập ta nghe
tập ta ngoan ngoãn
Tập ta trung thành
Tập ta trong sạch
Còn những gì
Ta xin tập hết
cảm ơn gương soi
ta đã có tác phong
ta đã thành công chức
hơn anh em ta, không thu bạn bè ta
cuối tháng lãnh lương
ta là một phần của chính phủ
cảm ơn, cảm ơn”
(Đi Làm Công Chức – trang 92-93).
Đất nước mỗi ngày một tang thương vì chiến tranh chúng tôi chẳng ai bảo ai đều “chui” vào “lò” luyện thép: Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức để rồi mỗi sáng mỗi chiều nghêu ngao ca khúc ”Đường trường xa muôn gió câu bay chập chờn… “ Đôi chân có lê la khắp bốn vùng chiến thuật nhưng với những “đứa” như chúng tôi có chút máu văn nghệ trong người thì ở lính cũng chỉ là bắt đầu một cuộc chơi mới mà thôi vậy thì có gì mà than với vãn, đi lính như đi chơi, cũng hành quân, cũng bắn súng bèng bèng nhưng thực ra nhưng tiếng bèng bèng từ nòng súng phát ra cũng chỉ như là tiếng tán tỉnh của yêu thương một nàng Tôn nữ nào đó, một dáng dấp của một cô bé Tây Hồ Trần Thị.. trong sân trường xanh um bóng phượng với tiếng ve gọi hè… Cuộc chơi (nếu gọi là thế) thì thật là thi vị biết chừng nào? Nhưng con người ai cũng có số phận riêng của đời mình là bởi ngẫm cho cùng đôi giày, đôi dép, cái quần xì líp còn có số nữa là. Và vì cái số cho nên nhà thơ Luân Hoán đã không “Trụ” được lâu chàng đã phải giã từ “vũ khí” để trở về “Thắp hương cho bàn chân trái”.
Chúng tôi “xa” nhau kể từ dạo ấy nhưng vẫn theo dõi bước chân chàng đi qua, đi lại trong văn thơ. Ngày ngày “thắp hương cho bàn chân trái” Luân Hoán bắt đầu quay về nghề công chức cũ có nghĩa là chàng ta sẽ “sáng cắp ô đi, tối cắp về” và đã chuyển sang ngành thuần chất kế toán tại ngân hàng Việt Nam Thương Tín, từ đây “chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo việc đếm tiền”. (tha hồ mà đếm tiền của thiên hạ). Chàng ngày ngày, tháng tháng sống “chung” với những con số khô khan, bạn bè đều tưởng một đời tài hoa, một thời vùng vẫy từ nay khép lại “thôi thế là thôi đành thế nhé” nhưng không bạn bè đã sai, mọi người quen biết đều không đúng Luân Hoán đâu dễ dàng buông bút như thế, chàng lại bắt đầu làm thơ nhiều hơn và còn nhiều hơn trước nữa Luân Hoán không thể bỏ Thơ mà đi và Thơ cũng chẳng khi nào phụ chàng để giận hờn mà không ở lại..
Luân Hoán làm thơ không bao giờ biết mệt mỏi có lẽ ngay từ từ trong huyết quản đã có dòng máu tổ tiên truyền tiếp và cũng chính vì chàng làm thơ và “Ghiền” thơ cho nên chúng ta có thể nói: Luân Hoán là Thơ và Thơ là Luân Hoán, thơ chàng chất ngất giọng đa tình, chất ngất bao khổ luỵ của một kiếp nhân sinh: “đổi đời ta đạp xích lô”, thơ Luân Hoán chứa chan bao yêu thương cuộc đời, đa tình và khổ luỵ nó cũng như đã ngấm sâu khó lòng tẩy xoá, khó ai mà “Cải tạo” được những nét tài hoa ở nơi Chàng!
Nhớ năm hết tuổi mười ba
Cái lòng đã muốn lân la cái tình
(NNCN).
Luân Hoán không những chỉ sống cho riêng mình mà lắm khi, nhiều lúc ông cũng thiết tha để sống cùng và sống cho tha thân giữa một thời đại đảo điên, nhưng dù gì chăng nữa cái chất thi sĩ ở nơi ông chẳng lúc nào, không bao giờ nhạt nhoà:
Đổi đời ta đạp xích lô
Chở em đôi bận đâm vơ vẩn buồn
(ĐNVĐĐ)
Thơ Luân Hoán tràn ngập những hình ảnh thân thương, bất kỳ chỗ nào, nơi đâu có bước chân của ông ông đều ghi lại rành rọt, chi ly từ cảnh những người lính khi qua đò Rạch Miễu với sông nước Tiền Giang mênh mông trời biển:
Bậu qua phà Rạch Miễu
Qua lẽo đẽo theo sau
Tiền Giang sông Cửu rộng
Cứ xem mình của nhau
(CƠĐDTT...)
Ông đa tình lắm lắm, ông mượn hình ảnh của người lính (mà người lính ấy có lẽ lại chính là ông) để mà bảo rằng: Qua đây dù bận quân hành nhưng có xá gì chút đường xa mà chẳng vì người đẹp để mà “lẽo đẽo theo sau”. Đấy, theo tôi cái “lẽo đẽo” theo sau chỉ là cái “vớ vẩn” nhưng là cái vớ vẩn thật đáng yêu mà đã gọi là đáng yêu thì sao nó “Sướng” rên một bên mé đì hiu quá vậy, cái “vớ vẩn” ấy dễ gì đã có mấy ai làm được như cái anh chàng Thi Sĩ này, người ta qua phà thì mắc mớ chi đến mình mà lại “lẽo đẽo theo sau” và thật là “vô Dziên” ai quen biết chi mà đã vội nhận vơ là” “cứ xem mình của nhau”.
Đọc thơ Luân Hoán, người ta Mê thơ ông và người ta Yêu thơ ông bởi vì không ai mà không “thương” cái anh chàng Thi Sĩ đa tình này, một kiểu đa tình khó bề mà ai cũng làm được:
Người tôi yêu, ở Lầu Đèn
Cay cao lá rậm ánh trăng khó vào
Trèo rào, tôi lén dán thơ
Mạch tình dẫn những đường sao đi về
(CHGĐ)
Đạt đến cái trình độ đa tình như thế thì chỉ có Luân Hoán mà thôi, thi sĩ muốn biến mình thành những giọt nước để chỉ chảy lòng vòng theo gót hồng của người đẹp thì thật là quá quắt, và quả tuyệt vời:
Xăn quần, em thả gót hồng
Nghịch cho nước chạy lòng vòng quanh chân
Lòng tôi trong nước lần quần
Mom men tìm lỗ chân lông bám vào
(CHGĐ)
Tuyệt! xưa nay ít có người nào làm thơ như ông, bất cứ chuyện gì trên cõi đời này qua mắt ông, qua ngòi bút của ông và qua trái Tim của ông đều trước sau cũng trở thành vật đáng yêu, đáng trân quý.
Nhưng có điều những dạo gần đây những người yêu thích thơ ông bảo với tôi rằng: Sao dạo này trong thơ của ông (tôi cũng có để ý đến chuyện này) hình như ông hay đề cập đến sớm, muộn sẽ đi về một cõi khác, nhiều khi thư từ qua lại, meo nọ meo kia ông cũng hay la cà nói đến chuyện “nấp sau nải chuối ngắm mông con gà”, đọc thơ ông nhiều khi cũng quyện vào cái không khí nhuốm mùi “nhang khói” nhưng cứ mỗi lúc như thế hoặc cảm thấy như thế người ta lại thấy thơ ông hay hơn và tha thiết hơn với cuộc đời này.
Bạn nào không tin thì cứ việc mở Facabook ra mà xem không cần phải tinh ý lắm chúng ta cũng thấy Luân Hoán làm thơ ở mỗi một đề tài mà đề tài nào qua ngòi viết của ông cũng đều tinh xảo, đáng yêu. Người ta sống, ăn, ngủ, sinh hoạt, hít thở mỗi ngày, một đêm 24 giờ, Luân Hoán cũng không ngoại lệ nhưng cái khác giữa ông và mọi người ông Sống vì Thơ, cho Thơ, chính vì vậy mà ông dành 23 tiếng đồng hồ cho thơ, khi đang ăn ông cũng làm thơ, khi ngủ cũng làm thơ, chở ngồi chở vợ đi chợ ngồi chờ ở parking lot ông cũng làm thơ, chờ đèn xanh đèn đỏ cho xe chạy ông cũng làm thơ, những khi âu yếm vợ hiền ông cũng mần thơ, cái đề tài của thơ thì với ông không bao giờ cạn kiệt, từ củ khoai lang ăn sáng đến tô phở, tô bún, từ cái bàn, cái ghế cái gì ông cũng làm được mà lại làm hay, thật hay là đằng khác mà không dễ gì mấy ai bắt chước được như thế mới gọi là tài tình, như thế thì chỉ có Thi Sĩ Luân Hoán làm được mà thôi.
Luân Hoán là một nhà thơ có tình cái tình nồng nàn toả ra từ trái tim, ông không những sống riêng cho bản thân mà cho cả muôn người, ông sống và hít thở hạnh phúc gia đình, ông ôm ấp phà những thương yêu vào cái gia đình ấy từng giây từng phút, đây ta hay xem khi tiễn chân đứa cháu về quê ăn Tết chỉ một vài tuần, ấy thế mà lòng ông đã xốn xang lo lắng, lo từ lúc “gà chưa gáy sáng”, ông đã thức giấc trong khi mọi người còn đang mơ màng, để lo đủ thứ:
Chuẩn bị khuya nay lên đường
Lần đầu bay một chặng đường rất xa
Cháu cùng mẹ về quê nhà
Ăn một cái Tết đậm đà Việt Nam
Sẽ thay nội chúc bình an
Đến bà ngoại tuổi rồng vàng hồn nhiên’
(6g02 AM 12-01-2020 -14/ 2020- nôn nao đêm).
Ở trong ông, nơi ấy toả ra một tình yêu thương tràn đầy ấm áp, ông vẽ ra một bức tranh lớn của một tấm lòng biển cả mênh mang.
Không đưa được cháu đi đến trường lòng ông phập phồng lo lắng dặn dò đủ thứ nào là:
Hôm nay không có nội
Đi phòng hờ sau lưng
Nhớ cẩn thận chân bước
Đến stop tạm dừng
Cháu đi trước ông theo sau nhưng bài học năm xưa ở quân trường thì ông vẫn còn nhớ nên luôn sẵn sàng “ứng chiến”:
Bà nội không sau gót
Nhưng thường trực có ông
Không tiếp sức bằng mắt
Luôn ứng chiến tấm lòng
Còn với người vợ đã đi sát với cuộc đời ông thì sao, đây chúng ta hãy xem cái anh chàng thi sĩ này sống ra sao trong những ngày vắng Nàng:
Qua chơi, giữ nhà giúp dâu
Cả ngày bó gối đối đầu tivi
nghĩ không ra nên làm chi
Ngó ra cửa kính người đi dưới đường
Nhà vắng phòng rộng càng buồn
Thỉnh thoảng dán mắt vách tường ưu tư
Vợ vắng nhà lòng ông cũng buồn teo như lá vàng giữa giá băng mùa lạnh, rồi ông nghĩ:
Nhiều lần em ở bên ta
Câu nói bất chợt rất là thi ca
Loại thơ không có xót xa
Nở vui từ cánh môi hoa em cười
Tiễn vợ đi (tiễn em về với mẹ/ anh nói bằng tiếng hôn/ không còn gì lâu hơn/ một trăm ngày xa cách) lòng ông cũng buồn trăm nỗi ngổn ngang nhưng miệng ông thì vẫn giục:
Đi chơi vui nhé, đi đi
Vài giờ bay đâu có gì là lâu
Hãy xem như về Việt Nam
Ăn tô mì Quảng bên đàng bụi bay
Thế thôi, giản dị là thế miệng ông thì nói vậy nhưng lòng ông thì không thế, “tiễn em về với mẹ/ anh nói bằng tiếng hôn…”
Mẹ Việt Nam đang chờ em bên ấy, hãy vui đừng vì ta mà bịn rịn, nhưng thực ra lòng ông còn bịn rịn, âu lo hơn cả người ông dặn dò “đưa nàng lòng rằng rặc buồn”.
dán lên môi những tiếng cười
giống như ta kể chuyện vui ấy mà
Rồi ông không quên móc ngoé, cò queo:
Một tuần nhung nhớ chia xa
Ta bù đầy đủ em nha, khi về…
Vợ ông chỉ đi thăm con một vài tuần, thăm nhà một đôi bữa ông cũng bồn chồn lo lắng, ông “báo cáo” những sinh hoạt hàng ngày với “Nàng” không thiếu một thứ gì, được làm vợ một nhà thơ, một thi sĩ như Luân Hoán theo tôi là một diễm phúc chị Lý có thấy vậy không?
Đã có rất nhiều người hỏi thi sĩ: Làm thơ dễ hay khó, câu trả lời thì cũng còn phải Tùy. Stefan Geogre trong bài “Ngôn Ngữ” bảo thế này:
Để nàng Thơ thẩn chập chờn
Tìm ngôn ngữ ở chập chờn mà thôi
Tìm ngôn ngữ đứng trong tôi
Nở bung thành ánh sáng ngời trước hiên
Cái hay của thơ là tìm ở trong đó những ngôn ngữ “chập chờn” bởi vì cũng vẫn chính Stefan Geogre thì:
Thôi còn chi nữa mà mong
Hễ không ngôn ngữ thì không có gì
Với tôi Luân Hoán là một người sử dụng ngôn ngữ một cách tuyệt vời cũng giống như Stefan Geogre người đã gọi những dòng chữ là: ”Trong yên lặng có ngôn ngữ trở về”
Vì thế nhiều khi chúng ta tự hỏi giữa chúng ta và cái ngôn ngữ ấy nó liên hệ như thế nào với nhau, nó trong sáng hay tối tăm hay nó chỉ là những mơ mơ, màng màng. Cũng vì thế mà khi chúng ta tìm đọc một nhà thơ và rồi chúng ta yêu thích nhà thơ ấy là bởi chính cái ngôn ngữ mà anh ta, chị ấy sử dụng đã như là một thứ “bùa mê, thuốc lú” làm cho chúng ta quên mất cái có, cái không của chính mình để chỉ còn một cách nhập hồn vào với thứ ngôn ngữ mà nhà thơ sử dụng:
Những gì còn lại trong đời
Đều tưng bừng nở trong lời thi nhân ( Stefan Geogre)
Luân Hoán là một nhà thơ đã sử dụng ngôn ngữ một cách tài, cái tài tình mà không dễ gì mấy ai có thể làm được. Tôi sinh hoạt cùng ông và rất nhiều bằng hữu khác, nhưng từ đã lâu nghiệm ra rằng trên cõi đời này nếu ai đó chưa đọc thơ Luân Hoán, nếu không đọc thơ Luân Hoán người nào đó, ai đó đã đánh mất đi già nửa cái thi vị của đời sống.
Triều Hoa Đại
2021