User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Sáng Saigon
 
Hãy nghe kia cô gái Saigon nói
‘Tiếng nước tôi’ thánh thót giọng thân yêu
Đi sau lưng tôi mơ mộng rất nhiều
Cô đâu biết trời trên cao xanh ngắt
 
Đường cô đi là những đầy hoa rắc
Của người dân hay người lính Cộng Hoà
Tôi vội chào sĩ quan nọ đi qua
Ka-ki láng như lòng trai sáng láng
 
Tôi mê say bởi mắt chàng chói rạng
Một niềm tin mãnh liệt ở tương lai
Tôi xin chào lần nữa người ngày mai
Người hiện tại đang giữ gìn đất nước…
Quách Thoại [1929-1957]
 
vanquang
Văn Quang, nét vẽ Phan Ngọc Diên, tháng 3. 2000
 
Tôi quen nhà văn Văn Quang tình cờ vào năm 1995 qua một việc buồn phiền của ông. Từ đó, một cách thật chậm chạp, chúng tôi trở nên thân hơn. Khoảng năm 2014, ông nhờ người giao cho tôi một USB chứa tác phẩm đã xuất bản trước 1975 gồm Chân trời tímNgười yêu của lính, Ngã tư hoàng hôn cùng vô số bài vở, hình ảnh khác. Cạnh đó, ông còn lưu lại bản thảo 2 truyện dài, dưới 200 trang mỗi truyện, và một tuyển tập dở dang gồm 4 truyện ngắn.
 
Sau chót, ông kèm tuyển tập dự thảo, “bút ký-phóng sự”, đã có lời tựa, chọn lọc từ 300-600 bài trong loạt Lẩm Cẩm Sài gòn Thiên hạ sự, 2001-2009. Khoảng mươi năm sau, theo tôi, tuyển tập này được xét lại một lần cuối rồi xuất bản cùng với một số bài khác đã xuất hiện sau 2009. Đó là Sài gòn-Người muôn năm cũ, Nhà xuất bản Tiếng Quê hương, 2020, chỉ 2 năm trước khi ông qua đời (1).
 
Từ năm 2017 tới 2020, ông gửi trực tiếp, hay qua một người quen, thêm nhiều bài khác. Ông cho phép tôi sử dụng và trích dẫn số tài liệu thượng dẫn. Chúng sẽ xuất hiện, về một trong những nhà văn quân đội danh tiếng nhất thuộc Văn Học Miền Nam. Tôi cũng xin cảm ơn bà quả phụ Văn Quang (“chị Kim Ngân”).
 
Tôi được tin ông lìa trần kèm tấm ảnh từ nhà thơ Nguyễn Quốc Thái-người cuối của Nhóm Trình Bầy, chìm xuống đáy sầu muộn bên Văn Quang nằm bình thản mắt khép trong áo khăn nhà Phật. Sau đó, lại nhận tin nhắn từ họa sĩ Phan Ngọc Diên, người vẽ tranh bìa cho một số tác phẩm Miền Nam, thêm logo cho cả Nhà Xuất bản Kim Anh lẫn Đại Ngã. Mỗi lúc ông có dịp thăm Sài gòn, Văn Quang thường thuật lại với sự quý trọng. Tôi chọn bức chân dung của ông vì Văn Quang tỏ ý yêu thích lắm.
 
Rốt cuộc, tôi chỉ có thể nghĩ tới Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam với bao huy hoàng lẫn truân chuyên. Cuộc “nói chuyện” với Văn Quang, bắt đầu từ năm 2004 đến nay chưa kịp kết thúc, chưa kịp phổ biến thì ông qua đời. Bên này đại dương, “một tiếng em” đại diện cho một thời quốc gia có tên Việt Nam Cộng Hòa, có Sài gòn, có Văn học Miền Nam, có Văn nghệ Quân đội, có Duy Trác, có Sĩ Phú, có Trần Thiện Thanh, có Thanh Nga, có Hùng Cường…
 
Lòng ơi hoài vọng bao giờ nói
Thăm thẳm trùng dương một tiếng em…
[Đinh Hùng, Một tiếng em]
 
Với tôi, Văn Quang luôn luôn là nhà văn Trung tá Văn Quang. Tác phong Lính trong hoạt động và trong Văn hiển hiện trong từng bức thư, trong từng cuộc nói chuyện qua điện thoại, khiến ông “nói được và được nói” [chữ của ông] nỗi niềm tâm sự đôi khi không thể ngỏ cùng ai, đến nỗi tôi không thể hình dung Văn Quang nào khác ngoài bộ quân phục kaki và chiếc lon trung tá.
 
Bởi thế, nhân Ngày 30 Tháng 4, bên cạnh phần sơ lược về tiểu sử người lính/nhà văn Văn Quang, Văn Nghệ Quân Đội, và tạp chí Khởi Hành-Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội—nơi ông góp mặt trước và sau 1975—tôi cũng muốn sử dụng trường hợp của ông, của Văn Nghệ Quân Đội Việt Nam Cộng hòa thay lời giải thích dành cho câu hỏi:

Tại sao người lính Miền Nam chiến đấu và tiếp tục chiến đấu? Bằng cả khẩu súng trước 1975 hay ngòi bút sau 1975?

Thắc mắc đó càng có ý nghĩa khi hình ảnh của họ không đẹp đẽ chút nào, thậm chí mọi rợ như “con quỷ khát máu, một lũ ăn thịt người” (chữ của nhà văn/ xã luận gia/ thương phế binh Miền Nam Phùng Nguyễn) trong tác phẩm của ít nhất hơn một nhà văn Miền Bắc danh giá.
 
1. “Đúc Khuôn Tội Ác,” Phùng Nguyễn
 
Trong bài “Đúc Khuôn Tội Ác”, người lính Miền Nam /nhà văn/xã luận gia Phùng Nguyễn (2) trích Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái hầu chứng minh sự tuyên truyền nham hiểm của người lãnh đạo Miền Bắc theo chủ nghĩa Cộng sản. Quá khứ chiến binh rồi thương phế binh cho ông đủ thẩm quyền về điều muốn trình bày. Tôi xin mạn phép độc giả được trích một đoạn dài của Phùng Nguyễn:

Để chiến thắng, người ta không ngần ngại áp dụng những thủ đoạn vô luân vô đạo. […] Giới lãnh đạo của phe chiến thắng trong cuộc nội chiến Bắc Nam vừa qua, gồm thành phần chóp bu của đảng CSVN, chiếm giải quán quân trong lãnh vực này. Trong chiến tranh Việt Nam và rất lâu sau đó, họ đã giúp biến người dân người lính miền Nam thành những con quỷ khát máu, một lũ ăn thịt người trong mắt người dân và bộ đội miền Bắc […] Nhà văn Trần Doãn Nho, tù cải tạo cho đến 1981, kể lại kinh nghiệm của ông về hiện tượng này trong lần viếng thăm thủ đô Hà Nội trong bài ký “Lô sơn yên tỏa” mà người viết trích dẫn dưới đây. Bắt đầu trích:

Hồng im lặng uống hết cốc nước. […] Hồng hỏi tôi:

– Ở quê mình, người ta theo ngụy nhiều không chú?

– Nhiều. Hầu hết đều là ngụy.

– Sao lại hầu hết. Nhân dân ta mà theo ngụy được à. Chỉ có bọn Thiệu chứ. Cháu nghe nói bọn ngụy tàn ác lắm, sao lại có kẻ theo chúng nhỉ. Mà chú, sao ngụy lại ăn thịt người vậy chú?

Tôi quay nhìn Hồng:

– Ai nói với cháu vậy?

– Cháu biết.

– Như chú cũng ngụy mà chú có ăn thịt người đâu. […] Hà Nội vào trưa, một buổi trưa hè. Đó là năm 1983…” Hết trích […]

Tôi đã nói về đề tài “lính ngụy ăn thịt người” một vài lần, nhưng chưa hề thấy đủ. Bởi vì chưa hề đủ! Đã có không ít người, vì những lý do mà họ nghĩ rằng cao cả, chỉ muốn quay lưng lại, tảng lờ, chối bỏ sự hiện diện của những nọc độc văn hóa đang luân lưu trong huyết quản dân tộc với luận điệu quen thuộc “Hãy chôn chặt chương sách sử xấu xa này và cùng hướng về tương lai.” Ừ thì chôn. Nhưng chôn ở đâu? Trong những cuốn sách của những cây bút thế giá đang tiếp tục bày bán đầy dẫy ở các hàng sách hoặc nằm nghiêm trang trong các thư viện trên cả nước, hoặc trong chồng sách giáo khoa được mang ra giảng dạy ở các cấp trung và tiểu học hàng ngày? Hoặc trên hệ thống Internet, nơi những nọc độc văn hóa được ngụy trang như là dữ kiện lịch sử sẽ xuất hiện trên màn hình máy vi tính của người đọc chỉ sau vài cú nhấn trên bàn phím?

Trong số những người tin vào huyền thoại “lính ngụy ăn thịt người” có thể kể đến Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái, những nhà văn có tiếng tăm của Việt Nam[…] Vậy mà, ở vào những năm đầu thế kỷ 21, hơn một phần tư thế kỷ sau khi cuộc nội chiến kết thúc, họ tiếp tục sử dụng huyền thoại “ăn thịt người” khi cần phải mô tả tội ác của “lính ngụy” trong tác phẩm của mình […] Vào tháng 11 năm 2002, tôi có cơ hội đọc Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh trên mạng talawas. Tôi theo dõi Đi tìm nhân vật một cách thích thú, cho đến gần hết chương 6. Cũng trong năm 2002, tôi có dịp đọc Cõi người rung chuông tận thế  của Hồ Anh Thái. Vào lúc bấy giờ, hình như ông là chủ tịch Hội Nhà văn thủ đô Hà Nội. Ở một trang nào đó cũng nằm trong chương 6, tôi ngừng đọc. Nơi tôi đã dừng lại ở hai tác phẩm, có một điểm rất chung[…]

Đoạn kế tiếp là một xung đột đầy kịch tính, phục vụ cùng một mục đích: diễn tả sự tàn bạo của chiến tranh […] Bất kể có đồng ý với cách hành xử của người lính hay không, tôi ghi nhận nỗ lực của Tạ Duy Anh trong việc chuyên chở khá thành công điều xem chừng như một nghịch lý: những tư duy nhân bản có khi được thể hiện dưới những dạng tàn bạo nhất. Đoạn này chấm dứt như sau:  “Hai ngày sau bọn địch phản công. Cả trung đội mình bị băm nát. Thằng Thiết bị đạn găm đầy mình, vừa đưa tay ấn ruột vào, vừa bóp cò. Bọn nguỵ ào lên như lũ quỷ, quyết bắt sống thằng Thiết. Như sau này anh em trinh sát kể lại, chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội. Nó đã hy sinh như một người anh hùng trên chiến trận.”

Dưới đây là đoạn trong chương 6 của Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc:

Hùng lao người bơi xuôi theo dòng suối tương đối cạn, xa hẳn chỗ Hoa đang nấp. Lũ thám báo văng tục chạy men bờ đuổi theo. Có những chỗ suối cạn không bơi được, Hùng phải chạy. Bốn tên thám báo nhảy chồm chồm trên những tảng đá giữa lòng suối, rồi quây được Hùng vào giữa. Anh quật ngã một thằng. Nó cắm đầu xuống nước, không thấy động đậy gì. Nhưng những thằng kia đã xúm lại. Chỉ một lát sau, chúng đã lôi xềnh xệch Hùng lên bờ. Thân thể anh bầm dập đẫm máu. Chúng đấm đá túi bụi để lấy cung cho tới khi anh ngất đi. Anh tỉnh lại, chúng đánh tiếp. Hoa hiểu vì sao chúng không dùng đến súng. Chúng cũng không muốn gây ra tiếng nổ ở vùng rừng này. Cuối cùng, điều Hoa không ngờ đã tới. Cô chỉ nghĩ rằng bọn thám báo sẽ lôi Hùng đi làm tù binh để tiếp tục lấy khẩu cung. Nhưng thằng cầm con dao găm của anh đã cúi xuống rạch một đường thành thạo trên bụng Hùng. Anh quằn quại hét lên một tiếng rùng rợn. Ở trên cao, Hoa nghiến chặt răng gần như ngất đi. Hai thằng kia đè chặt chân tay Hùng cho thằng mổ bụng moi tim gan ra. Chúng nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ. Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn.

Tạ Duy Anh là nhà văn có tay nghề cao[…] Không giống như những đoạn văn khác, Tạ Duy Anh xây dựng đoạn “lính ngụy ăn thịt người” một cách thoải mái và tự tin, tôi có thể hình dung. Ông không hề ngay cả trong một sát na hoài nghi điều mình viết xuống. Bởi vì “lính nguỵ ăn thịt người” là điều có thật, cũng thật như mặt trời sẽ mọc ở hướng Đông vào mỗi buổi sáng. Ông không phải hư cấu, và ông yên tâm vô cùng.

Riêng về trường hợp Hồ Anh Thái, không có gì khó khăn để nhận ra đoạn văn của tác giả này chỉ là  một sao chép vụng về  từ một điều đã nghe/đọc/nhặt từ một hay nhiều nơi nào khác. “Thám báo ngụy” và “ăn thịt người” là những cụm từ cũ mèm, sáo mòn được dùng đi dùng lại không biết bao nhiêu lần bởi những cây viết trước ông. Hơn thế nữa, khả năng “hư cấu” nghèo nàn của ông khiến câu chuyện càng trở nên khó tin. Ông không nhìn ra cái chi tiết “Chúng (lính thám báo) nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ” đang chửi nhau chan chát với “Hoa hiểu vì sao chúng không dùng đến súng. Chúng cũng không muốn gây ra tiếng nổ ở vùng rừng này.” […] Ông không hề biết gì về khoảng cách và tốc độ mà khói và mùi thịt cháy khét, thịt rừng hay thịt… người, có thể đạt đến!

Trong khi tay nghề cao thấp khác nhau, cả hai nhà văn đều cùng chia sẻ một điều: niềm tin tuyệt đối vào chuyện lính ngụy thật sự ăn thịt người. Tất nhiên Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái không phải là những nhà văn duy nhất sử dụng huyền thoại này để diễn tả tội ác của người lính miền Nam. Tôi tin rằng còn có nhiều tác phẩm với những tình huống tương tự. Và tôi cũng tin như đinh đóng cột là tất cả các tác giả chuyên trị  “lính ngụy ăn thịt người” không có ai chứng kiến tận mắt cái tội ác ghê rợn này. Nhưng tất cả đều thuộc nằm lòng, đều hăng hái nói về, hăng hái viết về, và sẵn sàng làm chứng cho sự hiện hữu của một tội ác như thế. Không chút đắn đo!

Tại sao? Quyền lực nào đã khiến cho họ, một cách mù quáng, biến cái tội ác ghê rợn này thành một tín điều bất khả tư nghị và vất qua một bên lý trí và chức năng sáng tạo của mình để chỉ sử dụng một cách máy móc một khuôn mẫu mòn nhẵn để cực tả “tội ác” tưởng tượng của người lính miền Nam? Cái khuôn đến từ đâu, do ai đúc ra, và trong tình huống nào. Câu hỏi hóc búa, nhức nhối, đầy dằn vặt. Và trong nhiều năm, tôi không có câu trả lời.” [Phùng Nguyễn, “Đúc Khuôn Tội Ác”]

Dù không đi lính, lần nào đọc tới vụ nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ, tôi cũng có thể đoán lính “thám báo”–chúng ta đang nói tới “lính thám báo” ở đây–không dại gì “nổi lửa” (chữ “nổi” diễn tả một đám lửa làm hiệu tấn công chẳng hạn, như trong truyện kiếm hiệp chứ không như trường hợp thượng dẫn) hoặc nướng thịt (bất cứ thịt gì) đúng như Phùng Nguyễn nhận xét. Ngược lại, tôi có thể trả lời thắc mắc của ông “Cái khuôn đến từ đâu, do ai đúc ra, và trong tình huống nào” dù tôi đoán ông đã biết.
 
Khi người lính Miền Nam bị “ác quỷ hóa” thì sự thúc đẩy người lính Miền Bắc tiêu diệt người lính Miền Nam sẽ có hiệu quả tối đa. Ai đọc những đoạn trên mà không tàn sát-trước-khi-bị-ăn thịt? Tàn sát như một thứ người máy vì khả năng xét đoán đã bị tước đi bằng những hình ảnh kinh hoàng. Không những kinh hoàng mà còn ghê rợn, như hình ảnh “Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn“, nghĩa là ăn thịt người tùy …cấp bậc có tính toán chia chác hẳn hoi [dù sự bịa đặt đã quá rõ qua 2 chữ “chắc là” (Sao lại chắc là?!)]. Sự chia chác theo cấp bậc ấy của người lính Miền Nam nếu gia tăng nỗi phẫn nộ sẽ đồng thời đẩy cuộc chiến tranh xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa vào vùng an toàn của “chính nghĩa” cho người Cộng sản Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.
 
Do đó, tiêu diệt người lính Miền Nam còn đồng nghĩa với dương danh chính nghĩa, một chính nghĩa không chỉ cho người Cộng sản Miền Bắc mà còn cho nhân loại. Song song với “ác quỷ hóa” người lính Miền Nam, “những nọc độc văn hóa được ngụy trang như là dữ kiện lịch sử” (mượn lời Phùng Nguyễn) bởi thế sẽ được lập lại, khai triển ròng rã theo thời gian, khiến có người Miền Bắc như nhà văn Bảo Ninh, dù thiện chí đến đâu, cũng không tránh khỏi câu hỏi: Tại sao anh (người lính Miền Nam) chiến đấu?
 
Tôi muốn đưa thí dụ bằng chính Bảo Ninh, chân dung niềm kiêu hãnh chan hòa tính nhân văn Văn chương Miền Bắc. Độc giả đã đọc Tạ Duy Anh và Hồ Anh Thái diễn tả người lính Miền Nam điên cuồng say máu đến nỗi ăn thịt người lính Miền Bắc. Giờ đây, độc giả sẽ có dịp chứng kiến cựu quân nhân Bảo Ninh xuất hiện rạng rỡ cùng khúc “ai ca” khải hoàn (mượn tên Chiến tranh ai ca, bản dịch tiếng Hoa của Nỗi buồn chiến tranh). Ông yêu chuộng “chủ nghĩa hòa bình”, “đức hiếu sinh”, “lần đến hòa giải, hòa hợp” vv. Chiến thắng nhưng không hiếu chiến, ông còn đưa người lính Miền Nam, dù không hiểu tại sao họ đối đầu với ông trên chiến trường, vào sáng tác, vào Bảo Ninh, Tác phẩm chọn lọc, một tuyển tập truyện ngắn do Nhà xuất bản Phụ Nữ xuất bản vào năm 2011:

[…]Nhân vật chính của Bảo Ninh là lính trận ở cả hai phía […] Đọc Bảo Ninh, sẽ nhận ra thông điệp của nhà văn về chủ nghĩa hòa bình, về đức hiếu sinh, về tình cha nghĩa mẹ cao dày, về nỗ lực khắc khoải, điềm tĩnh vượt lên quá khứ đau thương và hận thù, lần đến hòa giải, hòa hợp. Chủ đề ấy, qua chữ nghĩa tinh tế, văn phong sầu buồn, đưa Bảo Ninh đến với người đọc, giúp họ trân trọng giá trị to lớn của hòa bình trên thế gian này…. [Nguyễn Văn Thuấn, “Truyện ngắn về chiến tranh của Bảo Ninh“]

Cùng năm đó, Bảo Ninh nhận xét tỉ mỉ về nhà văn/Trung úy Thủy quân lục chiến Cao Xuân Huy nhân cuộc gặp gỡ của 2 người tại Hà Nội, kèm câu hỏi cổ điển: Tại sao anh chiến đấu? Hỡi người lính Miền Nam?
 
2. Tại sao anh chiến đấu? Câu hỏi của Bảo Ninh và Hồi đáp (từ mùa hè 1972) của Dương Nghiễm Mậu
 
Năm 2021–nhân Tháng ba gãy súng, hồi ký của Cao Xuân Huy, được dịch và xuất bản tại Pháp– Mạng Diễn Đàn, Pháp, đăng lại bài viết của Bảo Ninh từ 10 năm trước với sự cho phép của ông. Ông hết sức thắc mắc về sự kiện quân nhân cấp dưới Quân Lực VNCH liều thân chống trả, ngay vào lúc tuyệt vọng nhất trong khi hồi ký của Cao Xuân Huy cho thấy cấp lãnh đạo của họ rất thảm hại và hèn nhát:
 
baoninh
Bảo Ninh qua nét vẽ Đinh Cường
 
Lấy trên bìa sau Nỗi buồn chiến tranh (Nhà Xuất bản Hồng Lĩnh tái bản, 1992, Hoa Kỳ)

[…] Đọc tác phẩm của nhà văn Cao Xuân Huy, thú thực, tôi luôn nhìn thấy lại trước mắt mình cảnh tượng quân sĩ đôi bên giao tranh quyết liệt vào những thời khắc cuối cùng của cuộc chiến, ở Lăng Cha Cả, ở cửa số 5 sân bay Tân Sơn Nhất, ở Bộ Tổng Tham mưu. Về phía quân ta, đồng đội của mình thì cố nhiên tôi hiểu, không hiểu hết nhưng hiểu. Đây là tôi muốn nói về phía đồng đội của Huy.

Vào thời khắc cuối cùng ấy, khi ông Minh đã đầu hàng, khi đám Thiệu Kỳ Khiêm với bầy đoàn tướng tá, lũ ăn trên ngồi trốc béo trục béo tròn hưởng lộc chiến tranh đã cao chạy xa bay, còn lính tráng tốt đen thì đã quăng súng tan hàng, nhưng rất nhiều sĩ quan cấp thấp, thiếu uý, trung uý lại nhất định kháng cự đến cùng, để tiếp tục bị giết, bị thương, bị bắt. Tại sao? Có nhiều sự giải thích, đều đúng, nhưng không giúp tôi quên hẳn đi được cái bi kịch đau xót, thảm thương và điên rồ đó.

Họ là ai, những thiếu uý, trung uý ấy. Đọc và gặp Cao Xuân Huy, tôi nghĩ họ là lớp thanh niên có số phận đặc biệt bi kịch. Theo một nghĩa nào đó, họ đứng giữa hai làn đạn. Xong tú tài, vào trường võ bị rồi ra trận, Cao Xuân Huy và hầu hết các sĩ quan trẻ bạn hữu của anh (trong Tháng Ba Gãy Súng) chọn binh chủng “ lính bốn chữ ’ hạng nhất dữ dắn. Tại sao ? Anh chẳng thù hận gì những người anh phải quyết liệt đối đầu. Thù gì chứ, ông già tôi, các em tôi, họ hàng, đồng hương tôi cả mà – anh bảo vậy. Còn cái chính thể mà anh phải đưa thân, thậm chí xả thân bảo vệ, thì anh đâu có ưa gì. Không ưa, là nói nhẹ, trong tác phẩm của anh cái chính thể đó, đặc sệt xấu xa tồi bại phản trắc. Vậy thì tại sao ?…

[Bảo Ninh, “Nhớ về nhà văn Cao Xuân Huy”, “Bài viết năm 2011, tác giả cho phép Diễn Đàn đăng lại.”14/12/2021, Mạng Diễn đàn, https://www.diendan.org/sang-tac/nho-ve-nha-van-cao-xuan-huy]
 
Để trả lời Bảo Ninh, căn cứ trên một số tài liệu có thể kiểm chứng được, thứ nhất, không chỉ “những thiếu uý, trung uý”, rất nhiều sĩ quan cấp cao cũng có người không đầu hàng “để tiếp tục bị giết, bị thương, bị bắt”. “Họ là ai?” Nhà thơ Đỗ Quý Toàn, sau này làm chủ nhiệm&chủ bút nhật báo Người Việt và tạp chí Thế Kỷ 21 (Hoa Kỳ), có bài thơ hồi ức rất dài về người bạn đồng môn Chu Văn An: Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc, Lữ Đoàn Trưởng Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến. Ông mất tích trên bờ biển Đà Nẵng cùng với Lữ đoàn phó.
 
[…] Nguyễn Xuân Phúc bạn ta
đúng thật nòi hào sảng
bữa đó ngồi ngắm trăng
bên dòng sông Thạch Hãn
tiếng súng im hai bờ
rượu trào thơ lai láng
nửa đêm sương mù trời
rồi gió thổi sương trôi
đêm – trái đất an lành
quê hương sao thầm lặng. [Đỗ Quý Toàn]
 
Người lính Miền Nam, chiếc khiên che đỡ tự do trước “làn đạn” từ xe tăng cùng súng đạn Nga-Xô, Trung Cộng nhập cảng vào Miền Bắc, biết thừa sẽ trở thành Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao (Nguyễn Du) khi cạn vũ khí từ đồng minh Hoa Kỳ. Bảo Ninh loay hoay dài giòng lê thê như thế không lẽ chỉ để tự bào chữa cho quá khứ chĩa súng AK-47/Made in the Soviet Union nhắm tiêu diệt tự do, dân vô tội Miền Nam và Trung úy Cao Xuân Huy?
 
Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt
bên bờ lau sậy này
bây giờ anh ở đâu?
bây giờ anh ở đâu?
còn trên đời này xông pha đèo cao dốc thẳm
hay đã về bên kia phương trời miên viễn chiêm bao
trên đầu anh cái nón sắt ngày nào ấp ủ
mộng mơ của anh
mộng mơ của một con người…
bây giờ, bây giờ trong cái nón sắt của anh để lại bên bờ lau sậy này
chỉ có một con ễnh ương mượn vũng nước mưa đọng trong đó làm hồ trong cái nón sắt của anh
[Hoàng Trọng & Dạ ChungNgười tình không chân dung – Nhạc phim Người tình không chân dung, 1971]
 
Thứ hai, tuy “Chính thể đặc sệt xấu xa tồi bại phản trắc” và “bầy đoàn tướng tá, lũ ăn trên ngồi trốc béo trục béo tròn hưởng lộc chiến tranh” (theo Bảo Ninh) đã lùi vào quá khứ, tại sao vẫn còn tình trạng tham nhũng mút mùa lệ thủy đẫm máu hòa bình của một số nhân vật cao cấp thuộc chính thể đương thời, như Văn Quang nhiều lần đề cập đến trong Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên hạ sự, hay trong ngay tác phẩm của người Miền Bắc lẫn người Miền Nam sau 1975?
 
Thứ ba, không chỉ bị lũng đoạn bằng tham nhũng và lạm quyền, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa còn bị ảnh hưởng trực tiếp bằng cuộc vận động tuyên truyền rất quy mô của Đảng và Khối Cộng sản. Từ 1954 tới 1975, “chính thể” Cộng sản võ trang bằng súng đạn Nga Xô và Trung Cộng, tin tưởng vào cuộc xâm chiếm Miền Nam đến nỗi “xương trắng Trường Sơn” (chữ của nhà văn hồi chánh Xuân Vũ). Họ giăng các đoàn binh vận, gài các nhóm nằm vùng nhắm giáng những đòn chí tử vào nền dân chủ còn chập chững của Việt Nam Cộng Hòa. Họ được sự tán trợ của “thành phần thứ ba” và số ít không phân biệt được nền tự do hạn chế của một chính thể trong chiến tranh với chính sách độc tài đảng trị của Đảng Cộng sản.
 
Trong khi đó, Việt Nam Cộng Hòa vẫn bảo đảm được tự do dù giới hạn. Các ký giả vẫn có thể “xách bị đi ăn mày” biểu tình trước ống kính ngoại quốc. Hơn 200 luật sư (nếu đúng như thế) họp đoàn xin bào chữa cho nhật báo Sóng Thần khi tờ báo này bị Chính phủ truy tố.
 
Sau 1975, ngay sau khi Đảng Cộng sản chiến thắng, họ sẽ chỉ có báo chí nhà nước và Tòa án Nhân Dân. Năm 1988, Luật sư Mario Stasi [Pháp quốc] bị chính phủ Việt Nam từ chối khi đề nghị được bào chữa cho một nhóm nhà văn và thường dân (3) bị Tòa Án Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh vu cáo để có cớ kết án nặng nề.
 
luatsumario
 
Một phần bức thư của Luật sư Mario Stasi, Paris, Pháp quốc, gửi Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Phan Hiền, Hà nội, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Ngày 4/5/1988)
 
Theo Trung tá Không Quân Trần Tam Tiệp (người tiền nhiệm của tôi), Chính phủ Cộng sản bắt giam các nhà văn như Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thủy, Dương Hùng Cường, luật sư Duy Trác và sĩ quan Không quân Trần Ngọc Tự cùng cô Nguyễn Thị Nhạn (nhân viên Bưu điện) khi đường dây cứu trợ nhân danh Văn Bút bại lộ. Nhận “cứu trợ” nhân đạo chứ không phải chống chính phủ, nhưng họ vẫn bị tuyên án từ 4 tới 9 năm tù. Đó là lý do tại sao, ngay từ đầu, vì lý do bảo mật, Trần Tam Tiệp giữ Ủy Ban này cho đến khi bệnh nặng (1978-1995). Ông không giao tài liệu cho bất cứ Chủ tịch nào, kể cả Minh Đức Hoài Trinh hay Trần Thanh Hiệp.
 
Nhiều nhân viên nằm vùng hay cảm tình viên Cộng sản, trụ ngay trong báo quân đội như Tiền Tuyến hoặc báo tranh đấu chống tham nhũng như Sóng Thần, sẽ lộ mặt. Ký giả Lô Răng (Trung tá Phan Lạc Phúc), Chủ bút Tiền Tuyến, thuật lại sự thật phũ phàng trong bút ký Bè bạn gần xa, 2000. Sau khi khỏi tù, ông được T,. người xếp Typo cũ của Tiền Tuyến, đến thăm. Ông T. hiện làm việc tại báo Sài gòn Giải Phóng, sắp được thăng chức “Trưởng Phòng” nhờ người bố tập kết từ Bắc dàn xếp. Mang ơn cưu mang trước 1975, ông T. đề nghị “Hay là ông thầy viết lại Tạp Ghi cho tụi em đi?” Phải từ chối, nhưng Phan Lạc Phúc không tránh khỏi thắc mắc: “Ngày ấy nếu chú mày cho nổ một phát mìn hay vài quả lựu đạn là cả tòa soạn đi đoong.” Và tự mỉa: “Cả tin quá, ngây thơ quá, tình cảm quá. Thua là phải.” Hay tự trách “Văn nghệ quá nên mới thua chỏng gọng.” [4]
 
Bộ trưởng Tư pháp Trương Như Tảng, Chính phủ Mặt Trận Giải Phóng, vượt biển. Mọi tiếng nói bất mãn, nhiều hành động phản đối từ nhóm người Miền Nam từng có cảm tình hay phục vụ cho Đảng Cộng sản đã im bặt.
 
Người thuộc Đảng Cộng sản cũng không khá hơn bao nhiêu. Đại tá/nhà văn Nguyên Ngọc, từng theo quân chiếm đánh Việt Nam Cộng Hòa; hay nhà thơ Ý Nhi, người làm việc cho Nhà Xuất bản ma Giải Phóng [5] nay có dịp nếm mùa trái đắng của cây Cộng sản. Hai tác giả được Văn đoàn độc lập Việt Nam-Văn Việt [6] trao giải đã bị hành hung hay không thể nhận giải [7]. Văn Việt được sáng lập bằng một số văn nghệ sĩ như Nguyên Ngọc và Ý Nhi.
 
Tuy vậy, mỗi năm, vào Ngày 30 Tháng 4, từ gần nửa thế kỷ nay, chúng ta vẫn nghe những thắc mắc, những phát biểu tương tự như Bảo Ninh. Lối phát biểu này bơi lội trong giòng sông tuyên truyền của Cộng sản, một thứ Chất độc da cam/Agent Orange/ Made in North Vietnam. Đúng như Phùng Nguyễn tiên liệu từ 2015, “những nọc độc văn hóa được ngụy trang như là dữ kiện lịch sử” càng rậm rạp theo năm tháng.
 
Để chứng minh kiểu tuyên truyền hiện diện tương tự, như trong đoạn thượng dẫn của nhà văn Bảo Ninh, đã bị phản bác ngay từ trước 1975, tôi sẽ trích dẫn nhà văn Miền Nam/phóng viên chiến trường Dương Nghiễm Mậu rồi nhận xét của người lính/phóng viên Đoàn Kế Tường cách đây đúng nửa thế kỷ. Như Cao Xuân Huy, họ thuộc chiến tuyến đối đầu với Bảo Ninh và đồng đội. Điều mà họ bảo vệ không phải “chính thể”, chủ nghĩa hay cấp lãnh đạo như Bảo Ninh tưởng lầm, mà những quyền căn bản của con người, gồm quyền tự do suy nghĩ và sáng tác trong và ngoài Văn Nghệ Quân Đội.
 
2.1 Tại sao người cộng sản không có được sự phải chăng?Nhà văn/Phóng viên chiến trường Miền Nam Dương Nghiễm Mậu, Mùa hạ, 1972
 
duongnghiemmau
“Tại sao anh chiến đấu? Câu hỏi ấy đã được trả lời. Để lựa chọn giữa tự do và cộng sản người miền Nam lựa chọn tự do…”
Dương Nghiễm Mậu qua nét vẽ Nguyễn Hải Chí (CHÓE)
 
Theo ông, “người miền Nam lựa chọn tự do” bằng cách tự vệ qua “thái độ chiến đấu của người chiến sỹ” dù phải trả một cái giá quá đắt kể cả cái giá Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi [Vương Hàn] sau nhiều chiến dịch tấn công khốc liệt dồn dập từ Mậu Thân 68 tới Mùa hè 1972, nghĩa là ngay khi ông viết bài này:

[…] 30 năm một cuộc chiến, những đứa trẻ ra đời ngày đất nước chia đôi nay đã nhập ngũ và ở ngoài mặt trận. Và lời kêu gọi chiến đấu mười năm hai mươi năm, chiến đấu tới người Việt cuối cùng của Hồ Chí Minh vẫn như một lời nguyền sắt máu âm vang trùng điệp, ma quái […] Anh Xuân Vũ, đó là một nhà văn […] Anh đã ra Hà nội tập kết […] sau anh trở về Nam, năm trước anh bỏ hàng ngũ cộng sản […] Nhìn cuộc chiến đang ác liệt, tôi hỏi anh Xuân Vũ: nếu được nói với những người cộng sản thì điều gì nên nói? Anh Xuân Vũ nói: để nói với người thanh niên miền Bắc, tôi chỉ có hai điều để nói, trước nhất là mong họ nên hoài nghi những điều mà đảng và chính phủ nói với họ, đặt câu hỏi với họ vì chính anh đã kinh qua một kinh nghiệm, thực tế miền Nam khác với những điều mà guồng máy nói, dân chúng miền Nam có thể không hoàn toàn hài lòng về xã hội miền Nam nhưng chắc chắn họ không thích cộng sản. Điều thứ hai nữa người quốc gia miền Nam rất phải chăng.

Mùa xuân Mậu Thân năm 1968 trong khi những người lính miền Nam lo trở về sum họp ăn Tết với gia đình trong thời gian hưu chiến thì những người cộng sản cầm chắc súng trong tay từ rừng núi trở về, họ có mặt và nổ súng trong hấu hết các thị trấn. Người Cộng sản đã tưởng trận tổng công kích tổng khởi nghĩa này sẽ giúp họ nắm quyền thống trị, dân chúng sẽ xuống đường hoan hô, quân đội miền Nam sẽ tan rã. Nhưng không, điều ấy ở ngoài ước tính của người cộng sản. Cộng quân có mặt ở chỗ nào thì dân bỏ chạy khỏi chỗ ấy. Quân đội không tan rã. Những người lính trở lại ngay đơn vị cầm súng không chút bịt rịn. Tại sao anh chiến đấu ? Câu hỏi ấy đã được trả lời. Để lựa chọn giữa tự do và cộng sản người miền Nam lựa chọn tự do nhưng họ không mong muốn người khác cũng phải lựa chọn như mình và họ mong muốn người cộng sản cũng có một thái độ như thế, đừng dùng bạo lực khống chế họ.

Nếu người cộng sản từ bỏ bạo lực, người miền Nam chắc chắn vui hơn ai hết để những người từ mặt trận trở về, vui với hạnh phúc nhỏ bé trong gia đình của họ. Sự phải chăng của người miền Nam ở ngay thái độ chiến đấu của người chiến sỹ. Tại sao người cộng sản không có được sự phải chăng? Bao nhiêu đau thương của cuộc chiến 20 năm không đủ cho một phút chạnh lòng, ngậm ngùi với những sống chết tức tưởi? Vui bao nhiêu cho một thành công mong manh nào đó với nỗi thống khổ của cả khối dân tộc? Người cộng sản còn muốn đất nước ta được thử nghiệm thêm bao nhiêu vũ khí tối tân giết người hữu hiệu thêm nữa? Trong nỗi thảm khốc của chiến cuộc chúng ta không có chút đau lòng nào sao?

Hàng trăm ngàn dân chúng lũ lượt bồng bế nhau chạy khỏi những vùng mà cộng quân có mặt, họ ra đi trong khó khăn, nhưng nỗi kinh hoàng ở lại còn lớn lao hơn nhiều. Những ra đi ấy nói lên lần nữa: Chúng tôi không chấp nhận Cộng sản. Chúng tôi mong ước hòa bình, mong ước được sống nhưng chúng tôi không chấp nhận cộng sản, chúng tôi chấp nhận chiến đấu bởi vì chúng tôi không thể còn có lựa chọn nào khác để được sống như mình muốn.

“Trong cảnh huống đó tôi lên tiếng.” [Dương Nghiễm Mậu, “Một lời cho cuộc chiến”, Khởi Hành số 152, trang bìa, trang 16, ngày 11.5.1972]
 
Sau đó không lâu, từ trại tạm cư Hòa Khánh, Đà Nẵng, dành cho dân tỵ nạn Quảng Trị, ông giúp chúng ta hình dung nỗi kinh hoàng của dân chúng trước viễn tượng rơi vào vòng kiểm soát của Cộng sản:

-[…] Sau đó ông ta giới thiệu là một người thuộc làng Gia hải, một làng phần lớn sống bằng nghề chài lưới tại Cửa Việt, tôi ngạc nhiên khi biết dân chúng tại làng này đã cùng nhau xuống thuyền đi về phía Nam bằng những chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé của họ. Điều mà người này muốn nhờ tôi là: tranh đấu cho họ được ở lại Đà Nẵng sinh sống, họ chỉ cần giúp đỡ lương thực một tháng đầu rồi sẽ tự túc bằng nghề đánh cá của mình. Sau đó ông ta cho tôi thấy, dân chúng tại Gia Hải đưa được vào Đà Nẵng 150 chiếc thuyền, chuyến ra đi của họ hết sức gian khổ, trước hết khi ra khỏi Cửa Việt họ đã bị cộng quân ngăn cản, súng đã nổ vào đoàn thuyền, một số dân chúng đã không ra đi được vì những làn đạn này, nhiều người đã bị thương và chết trong chuyến ra đi, trước hết họ tới được cửa Thuận an. Sau đó rời Thuận an vào trong bãi biển Đa phước…

[…] tôi cũng đã được nghe câu chuyện thương tâm của một người mẹ kể lại cái chết của con mình trên chuyến đi Nam, đứa con của bà đã chết trên chiếc thuyền của gia đình trong khi vượt biên vào cửa Thuận. Tôi mường tượng thấy cảnh tượng bi hùng của chuyến ra đi, cảnh tượng giống như những người dân miền Bắc trong vụ Trà lý, những người đã chọn để được sống tự do hoặc là chết… Gần hai mươi năm sau, cảnh tượng đó lại tái diễn một lần nữa.

danbocs
“dân chúng đã ra đi khi bom đạn và người cộng sản đến…”
Dương Nghiễm Mậu, Những ngày dài trên quê hương-Bút ký chiến trường, trang 12

[…] Đại Tá Hoà, người tôi gặp lúc cầm một đoàn (sic) là vị Tỉnh Trưởng Quảng trị. Ông mới về làm tỉnh trưởng được ba tháng, nay ông đã ở Đà Nẵng với những người tỵ nạn. Trông ông thấy phảng phất một vẻ buồn. Dân số Quảng trị có hơn ba trăm ngàn, con số còn bị kẹt lại khoảng 50 ngàn, tôi thấy số dân chúng ra đi thật lớn lao và thực sự là một mối lo không nhỏ của chính phủ, và nó cũng là con số đau đầu với chính người cộng sản khi tới chiếm Quảng trị.

Họ phải nói thế nào với quốc tế và điều họ vẫn nói: dân chúng ủng hộ họ và về chiêu bài giải phóng vẫn không ngớt được nói đến. Không, dân chúng đã ra đi khi bom đạn và người cộng sản đến. Không có dân, đất đai còn có nghĩa gì nữa?”

[Dương Nghiễm Mậu, “Quảng Trị đất đợi về”, tháng 6.1972, Những ngày dài trên quê hương-Bút ký chiến trường, trang 16-19, 25-26, Nhà Xuất bản Văn Nghệ Dân tộc- “Ấn hành Hai Chục Ngàn quyển để tặng các chiến sĩ“, Sài gòn, 1972]
 
Dương Nghiễm Mậu giả định “Nếu người cộng sản từ bỏ bạo lực…” và tự hỏi “Không có dân, đất đai còn có nghĩa gì nữa?” Đặt chân tới Mỹ Chánh gần một tháng sau, người lính/phóng viên Đoàn Kế Tường quả quyết, “Không” cho câu hỏi thứ nhất và “Có” cho câu hỏi thứ hai.
 
2.2 Họ phải giữ dân ở lại dù chỉ là cái xác không hồn– Người lính/phóng viên Miền Nam Đoàn Kế Tường, Mùa hạ, 1972
 
Đoàn Kế Tường trở lại quãng đường Mỹ Chánh, Quảng Trị vào ngày 29.6.1972 sau khi quân đội Việt Nam Cộng hòa tái chiếm được một phần những tỉnh đầu giới tuyến:

-[…] Tôi đã chờ trong ấm ức, từng bản tin chiến sự, từng chuyến theo chân hành quân các đơn vị nhảy (sic) Dù, TQLC tôi hy vọng được về gần gũi quê hương mà tôi đã bỏ đi. Sau hơn hai tháng trời chui rúc trong các khu tạm cư khốn khổ. Ngày 29-6-72 hàng trăm ngàn trái tim người dân Quảng Trị đã cùng hòa điệu nhịp nhàng trong niềm ước mơ hiện hình được trở về quê hương theo chân đoàn quân áo hoa anh dũng […] Tôi theo họ. Phải về nhìn lại đoạn đường như một tì vết ô nhục, bạo tàn mà ngày bỏ đi biết bao nhiêu đồng bào trong đó có cả bạn bè và tình nhân mình đã nằm xuống ngủ yên.

Đoạn đường với dẫy đầy bất trắc, đạn trọng pháo của Bắc quân rải đều đặn hai bên, tiếng đạn đã trở thành quen thuộc trong trí nhớ hãi hùng. Cầu Bến Đá gãy gục, vài ba quả mìn chống chiến xa nằm chênh hênh bên bờ cỏ ngụy trạng đã khô. Vài đám dân gầy gò hốc hác bồng bế nhau chạy về nhìn thấy người chiến binh mà trào nước mắt[…]

Tôi đã bật khóc thành tiếng, tiếng khóc uất nghẹn căm hờn không thể thoát ra cổ họng. Ngày 1-5-72 một trong những chiếc xe khốn nạn đã đưa tôi đến đây với hàng chục ngàn đồng bào khác đã nhận lãnh những đầu đạn của Bắc quân bắn phủ đầu. Tôi đã bỏ chạy trên xác anh em bà con mình mà không dám ngoảnh mặt nhìn lại. Bây giờ trở về đoạn đường máu thấm mạch đất cố tình tìm lại trên những đống xương nhầy nhụa trắng hếu này một khuôn mặt quen thuộc cũng là một điều khó khăn. Một mái tóc nằm bên một cái sọ và một chiếc áo dài màu tím phủ nắm xương tàn. Từ một cánh cửa gảy (sic) lìa của một chiếc xe cứu thương vài cánh tay đưa ra tội nghiệp. Trên một chiếc băng ca người lính xấu số đã thật sự chết hai lần nằm với nắng mưa suốt hai tháng trời. Tôi lay mình trong đoàn xe ngộp mùi tử khí sình thúi như một chứng nhân cho một cuộc thảm sát vĩ đại của người Việt cho người Việt. Một bà mẹ chết gục trên thành xe hai tay còn ôm chặt xác con. Trên một chiếc xe khác ngổn ngang một đống xương gần hai chục người đã cùng chết một lần. Tôi muốn ngộp đi vì không khí cô đọc (sic) mùi tử thi dày đặc, quay mặt chạy xuống bãi cát bên vệ đường, bãi cát Hải Lăng là một rừng xác người khô héo bên những đồ đạc họ đã mang theo trên bước đường chạy loạn. Rải rác đó đây xác lính Bắc quân hai tay ghì chặt bá súng AK cũng xương trắng, đầu lâu cạnh những nạn nhân của họ.

danbocs1
“hàng chục ngàn đồng bào khác đã nhận lãnh những đầu đạn của Bắc quân bắn phủ đầu…”
Đoàn Kế Tường, Những ngày dài trên quê hương-Bút ký chiến trường, trang 37

Ngày mai, những người dân Quảng Trị khi trở về ngang đây tìm lại một quê hương đã điêu tàn chắc chắn họ không tránh khỏi ngậm ngùi bởi một phần đời của mình đã để lại đó. Một đoạn đường ô nhục nhất trong lịch sử của dân tộc hiếu hòa. Có lời lẽ nào có thể bào chữa nổi những hành động bạo tàn của Bắc quân với vũ khi tối tân trên tay họ nhắm vào đám dân lành vô tội. Có bao nhiêu người đã nằm xuống ở đó, chắc chắn không dưới vài ngàn, tướng Giáp và những người chủ trương cuộc chiến tranh này nghĩ gì về cuộc thảm sát đồng bào Quảng Trị do quân đội của họ gây nên. Những hình ảnh về đoạn đường máu này có phải là những chiến thắng thiết thực nhất của những người cộng sản không?

“Đoạn đường Mỹ Chánh-Quảng Trị với hàng ngàn oan hồn rên siết chắc chắn sẽ là niềm đau vĩ đại cho cả dân tộc hai miền Nam Bắc. Đành rằng mặt thật của bất cứ một cuộc chiến tranh nào là tàn phá nhưng không có nghĩa phải đem sự tàn phá của bom đạn vô tri được xử dụng bởi những bàn tay thô bạo đổ lên đầu đám người khốn khổ, hiền hòa đang cố chạy thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của chiến tranh ngoại trừ một cuộc chiến diệt chủng. Tôi nghĩ không thể nào là một cuộc xung đột tình cờ được, bởi lẽ ngay khi tiếng súng đầu tiên thoát nòng từ bàn tay của một tên lính Bắc quân nào đó bắn thẳng vào đoàn xe này đã có sự hiện diện của tôi tại chỗ. Không một người dân nào trên xe có lấy một tấc sắt để kháng cự và họ đã chạy bừa vào bãi cát mênh mông như đàn ong vỡ tổ. Đạn đại pháo và bắn thẳng của quân bộ chiến miền Bắc thi nhau đốn ngã rừng người. Họ phải giữ dân ở lại dù chỉ là cái xác không hồn. Một cuộc tàn sát có tính toán và được ra lệnh hẳn hoi đã diễn ra thật man rợ mà sau hai tháng những ai may mắn như tôi được nhìn lại không khỏi phải úp mặt trong lòng bàn tay.

Mãi mãi đoạn đường Mỹ Chánh-Quảng Trị đã trở thành một tì vết tủi nhục cho dân tộc không có gì xóa tẩy được. Liệu nấm mồ tập thể to lớn đó với khung cảnh bi thảm này có đủ để thức tỉnh những kẻ đang chơi trò chém giết để thỏa mãn quyền lợi và tham vọng mà hàn gắn được niềm thù hận anh em suốt mấy chục năm dài.

[Đoàn Kế Tường, “Mỹ Chánh, Quảng Trị,-Chặng đường ngút ngàn tử khí”, Những ngày dài trên quê hương-Bút ký chiến trường, trang 38-42, Nhà Xuất bản Văn Nghệ Dân tộc- “Ấn hành Hai Chục Ngàn quyển để tặng các chiến sĩ“, Sài gòn, 1972]
 
Đoàn Kế Tường không chỉ ghi chép như một phóng viên. “Trong cảnh huống” của một nhân chứng, ông đã “lên tiếng” một cách hiệu quả, đến nỗi, mỗi lần nhớ tới Quảng Trị, ngoài những hình ảnh riêng, không bao giờ tôi quên được. Tôi còn liên tưởng tới nhiều “đoạn đường ô nhục” khác, vì cũng như Đoàn Kế Tường, tôi đã có dịp thấy tận mắt tuy không thể so sánh bằng.
 
[…] Chạng vạng
trừng mắt ngó thinh không im ắng
bên kia sông
thây vùi ló mặt
gọi  hồn oan uổng lặc lìa
chó tru
Linh hồn nào
chưa chịu đầu thai
lén lút ở lại
chờn vờn trên đầu cây ngọn cỏ
rình người bước rầm rập
rầm rập
trong  thành quách cổ
[Nguyễn Tà CúcCổ thành, 1972]
 
Cho tới khi qua đời, mùi tử khí và những hình ảnh ấy không bao giờ rời bỏ ký ức. Tiếng chó tru hoảng bên thây vùi ló mặt tiếp tục vọng lại 10 năm 20 năm 30 năm 40 năm sau…
 
Nhiều đoạn đường hiền lành, con ngõ thơ mộng, mảnh vườn êm đềm, cảnh chùa trầm mặc, ngôi thờ Chúa tôn nghiêm đều có lần trúng đạn hay phơi xác dân lành.
 
nhathotinlanh
Nhà thờ Tin Lành, Mậu Thân 1968
 
Trong A House in Hue của Omar Eby (Herald Press, Pennsylvania, Hoa Kỳ, 1968), trang 48 – thuật lại kinh nghiệm nhân chứng của June Sauder, thuộc Hiệp Hội Phụng sự Tin Lành/ Vietnam Christian Service
 
Chỉ ba năm sau mùa hè tàn nhẫn ấy, đến phiên tôi chứng kiến cảnh lính Cộng sản nã súng vào đoàn người đưa thuyền tàu ra khơi Thái Bình Dương vào ngày 30 tháng 4. Cũng như ba năm trước, những cỗ đại pháo của lính Cộng sản đặt trên bờ biển vừa chiếm được đã rưới lên, nhắm tới người dân Miền Nam trên xà lan, trên thuyền, trên tàu dân sự. Không phản công, các chiến hạm Hoa Kỳ vừa tiến hành việc vớt người lên tàu vừa chậm chạp rời bờ duyên hải. Nhưng lính Cộng sản vẫn bắn. Nhà văn /nhà báo Chu Tử và nhiều người khác nữa trúng đạn, tử thương. Tháng 4.1975, một người chạy thoát năm 1954, sống sót sau cuộc ám sát tháng 4. 1966, đã nằm lại với sóng biển ngày ngày trăng sao đêm đêm.
 
Tới nay, Ngày 30 Tháng 4 vẫn được tô điểm thành chiến công hiển hách, mưu lược tuyệt vời của tướng Cộng sản, hào quang “chống Mỹ”, “giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước”. Mãi tới nay, vẫn còn những nhà văn cấp tiến, như nhà văn Bảo Ninh, không thể hiểu nổi tại sao người lính Miền Nam chiến đấu. Ngày 30 Tháng 4 (năm 1975) đã trở thành cái mốc trong trí nhớ người dân hai miền, vì đã không còn ngày 30 tháng 4 nào trong biên niên sử có thể thay thế hay so sánh nổi.
 
Nếu Bảo Ninh không đọc được lời lên tiếng của Dương Nghiễm Mậu hay bài tường thuật của Đoàn Kế Tường cũng dễ hiểu. Tác phẩm báo chí Miền Nam đã bị thiêu hủy, tịch thu, tiêu tan theo lệnh của chính thể Cộng sản sau 1975. Nếu được đọc, có thể một người lính như ông sẽ cảm thấy “cái bi kịch đau xót, thảm thương và điên rồ” ấy phải nhường chỗ cho sự “can trường”, “chính đáng” và “hiên ngang”, như sự tử trận của Đại tá Không quân Lưu Kim Cương vào năm 1968:
 
[…] Khi sống Kim Cương rất bướng bỉnh
Ông Phó Tổng thống không quen phỉnh
Nhưng ông công nhận “nó” can trường
” tìm cái chết thật chính đáng.
“Nó” đâu cần khóc, đâu cần than!
 đi tìm cái chết hiên ngang
Nghệ sĩ phải ca tụng cái chết đó
Để người sống ra công lót đường”…
[Đại Ba Đá, “Tôi đi ăn giỗ”, Khởi Hành số 6, trang 3]
 
chuantuonglkc
Cố Chuẩn tướng Lưu Kim Cương (1933-1968) - Tư lệnh Không đoàn 33 Chiến Thuật - Chỉ Huy Trưởng Yếu Khu & Khu vực Quân sự Tân Sơn Nhứt
Trích báo Chiến sĩ Cộng Hòa, Số 179 ngày 15.5.1968
Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [Đại tá Trần Ngọc Thống, Trung tá Hồ Đắc Huân & Trung úy Lê Đình Thụy (Nhà Xuất bản Hương Quê, 2011), trang 475
 
Trịnh Công Sơn tưởng niệm Lưu Kim Cương bằng Cho một người vừa nằm xuống [8], một bài hát vĩnh viễn ở lại trong lịch sử âm nhạc Miền Nam, dù nếu không lầm, hiếm khi được tác giả nhắc đến sau 1975. Trịnh Công Sơn, “nối vòng tay lớn” với người thắng trận như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trừ một người vừa nằm xuống. Thế giới mới, những hẹn hò từ naykhép lại (Như một lời chia tay) tuy vẫn còn rượu và hoan lạc, nhưng không dung thứ nỗi sầu quá khứ lung linh đầy dọa nạt hiện tại.
 
Nếu không tử trận, người lính Miền Nam sẽ bị giam như Văn Quang. Dương Nghiễm Mậu ra khỏi sau 14 tháng nhưng trả giá bằng nhiều năm im lặng. Đoàn Kế Tường chỉ dứt được món nợ trần thế sau khi qua đời, rũ bỏ được bút danh Đoàn Thạch Hãn [9]. Nhà tù trong hay ngoài vẫn là nhà tù. Họ đã biết trước phần nào sự trả thù của “chính thể” Miền Bắc dù không cách nào tưởng tượng nổi cường độ tàn khốc sau năm 1975.
 
Như thường lệ, tôi quan niệm toàn cảnh một nền văn học hay xã hội, nhất là trong giai đoạn chiến tranh, quan trọng hơn nhận xét của một cá nhân–dù đúng dù sai từ người lính Miền Bắc Bảo Ninh, người lính Miền Nam Dương Nghiễm Mậu hoặc Đoàn Kế Tường–nhất là khi nền văn học ấy bao gồm tác giả hiện diện cả trong thời chiến lẫn thời hậu chiến. Bởi thế, Văn nghệ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã hiện hữu trong một chính thể cho phép người lính tự do sáng tác, góp phần vào Văn học Miền Nam rồi Văn học Việt Nam, ngay cả sau khi thất trận và bị triệt hạ mọi đường sống sót.
 
Cuộc đời binh nghiệp, văn nghiệp của Trung tá/nhà văn Văn Quang, sự xuất hiện của ông trên tạp chí Khởi Hành-Sài gòn (1969-1972) thuộc Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội rồi Khởi Hành-Hoa Kỳ (1996-2018) cùng tiểu sử sơ lược của chúng, sẽ được sử dụng cho chủ đề này. Tôi hy vọng tài liệu thu thập được từ nhân chứng sẽ góp phần vào công việc nghiên cứu Văn nghệ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Thiếu nhân chứng, lịch sử tự nó không làm sáng tỏ được điều gì.
 
(Còn tiếp)
Nguyễn Tà Cúc
***
CHÚ THÍCH & PHỤ LỤC
1) Sài gòn-Người muôn năm cũ-tác phẩm cuối của nhà văn Văn Quang, Nhà xuất bản Tiếng Quê hương, bản 2020 (mà tôi có), chứa vài điểm cần xét lại. Nếu có rồi, tôi xin lỗi trước.
  • Đàn anh Khóa 4 hay đàn em Khóa 5?
Văn Quang tốt nghiệp Khóa 4 Cương Quyết, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức; khai giảng ngày 7.11.1953 và mãn khóa ngày 1.6.1954. Tôi lục được chi tiết về Khóa 4 trong Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [Đại tá Trần Ngọc Thống & Trung tá Hồ Đắc Huân & Trung úy Lê Đình Thụy, trang 297, Nhà Xuất bản Hương Quê, Hoa Kỳ, 2011] trong trang tiểu sử người bạn đồng khóa Thiếu tướng Bùi Thế Lân.
 
Văn Quang không “tốt nghiệp Khóa 5 Sĩ quan Thủ Đức” [trang 7, sđd]. Nhiều tướng lãnh thuộc Quân lực VNCH xuất thân cùng khóa với Văn Quang như chính ông cho biết, cũng trong Sài gòn-Người muôn năm cũ:

[…] Từ đó, chúng tôi ôn lại kỷ niệm xa gần với người bạn cùng khóa này. Điểm lại đại đội 3-khóa 4 Th Đức của chúng tôi lẽ sản xuất nhiều vị tướng nhất trong các khóa Sĩ Quan, kể cả hiện dịch và trừ bị. Từ tưng Hồ Trung Hậu rồi đến Ngô Quang Trưởng, Lê Quang Lưỡng…có lẽ tướng Lân là vị ra đi sau cùng.

Văn Quang, sđd, trang 432]
  • Râu (quai nón) ông nọ cắm nhầm cằm (nhẵn nhụi) ông kia: CHÓE hay Văn Quang?
Một bức ký họa của CHÓE xuất hiện (trang 24, sđd), ngay sau phần “Mục Lục”, không có chú thích bên dưới, bên cạnh bài viết về nhà văn Lê Xuyên, hiềm nỗi bài này không nhắc một chữ tới tên CHÓE:
 lexuyen
 
Phải chăng Nhà Xuất bản Tiếng Quê hương muốn cho độc giả thấy ký họa Văn Quang của CHÓE? Nếu không, vị trí bức họa lại không lời chú thích rất dễ gây hiểu lầm cho độc giả. Bộ râu quai nón xoắn nổi bật và hình ảnh cây cọ hay cây bút, có khi nhỏ lệ hay nhỏ mực, phóng từ con mắt “tai nghe mắt thấy”, tái hiện trong nhiều bức tự họa của CHÓE. Chính bức tự họa này đã được sử dụng trên bìa cuốn tiểu sử CHÓE do Tiếng Quê hương xuất bản.
 
Nhân thể, tôi kèm đây ký họa Văn Quang qua nét vẽ CHÓE, thêm lời xác nhận, trên bìa sau cuốn Sài gòn-Cali 25 năm gặp lại [Nhà Xuất bản Tuổi Xanh, 2000, Irvine, California].
 
biasachvanquang
Một ký giả… tuần báo Khởi Hành ” hữu danh.
 
Trong lời Tựa “Văn Quang Viết và Sống” [sđd, trang 9-20], Nhà Xuất bản Tiếng Quê hương đăng lại bài “trả lời 3 câu hỏi do một ký giả nêu trên tuần báo Khởi Hành ở Hoa Kỳ” [sđd, trang 10-19], trên “báo Văn Nghệ tại Úc ngày 8-5-2005″, nghĩa là phần trích dẫn này không từ nguồn chính, nhưng quan trọng đến nỗi chiếm hầu hết nội dung lời Tựa.
 
Do đó, vì tiểu sử Văn Quang, hãy bổ túc cho đúng. Thứ nhất, Khởi Hành là một nguyệt san, không phải tuần báo. Thứ hai, tôi-Nguyễn Tà Cúc chính là nhà phê bình, không phải “ký giả” trong trường hợp này, đã phỏng vấn Văn Quang. Thứ ba, cuộc phỏng vấn thượng dẫn đã đăng nửa năm trước, trên tạp chí Khởi Hành Số 97 [trang 24-26, tháng 11.2004, Hoa Kỳ] với tiểu sử do ông cung cấp.
 phongvanvq
 
Cuộc phỏng vấn cũng mở đầu cuộc “nói chuyện”, do Văn Quang đề nghị giữa ông-một nhà văn trong nước và tôi-một người phê bình ngoài nước, trong suốt nhiều năm sau. Tôi sẽ cho phổ biến cuộc nói chuyện song song với bài viết về Văn Quang.
 
2) Phùng Nguyễn [1950-2015] nhập ngũ năm 1968, trở thành thương phế binh vào năm 1971 theo Ngô Thế Vinh, “Phùng Nguyễn như chưa hề giã biệt“:
 
Tiểu sử của ông được đăng tại đây, https://damau.org/author/phungnguyen
 
3) Luật sư Mario Stasi sáng lập Avocats Sans Frontières/Lawyers Without Borders vào năm 1991 cùng một số luật sư khác.
 
4) Ngoài Tiền Tuyến và Ký giả Lô Răng, nhật báo Sóng Thần cũng bị xâm nhập nặng qua lời chứng của Uyên Thao:

Anh Uyên Thao nhìn nhận là biết nhiều bọn cán bộ cộng sản trà trộn trong hàng ngũ người Quốc Gia, nhưng để nguyên. Trường hợp Vũ Hạnh ai cũng biết. Trường hợp Nguyễn Nguyên cũng vậy. Và năm 1980 khi anh đi học tập về gặp một số nhân viên báo Sóng Thần là những cấp chỉ huy ở quận năm. Bọn chúng nói với Uyên Thao là xin vào làm Sóng Thần để phá Sóng Thần

[Nguyễn Văn Lục, Tản mạn 18 giờ với nhà báo Uyên Thao- tác giả “Giấy bút lầm than”https://www.caidinh.com/trangluu/vanhocnghethuat/van/tanman18gio.htm]
 
5) Độc giả có thể biết thêm về Nhà Xuất bản Giải Phóng– và một số văn nghệ sĩ “cán bộ” như nhà thơ Ý Nhi đã phục vụ– qua bài phân tích của nhà phê bình Lại Nguyên Ân:

[…] Bạn đọc mới lớn lên vài chục năm nay có thể không biết cái nhãn “Nhà xuất bản GIẢI PHÓNG” từng gắn trên bìa những tác phẩm ra mắt lần đầu hồi giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1970, như “Chiếc lược ngà” (truyện ngắn) của Nguyễn Sáng /Nguyễn Quang Sáng/, “Gia đình má Bảy” (tiểu thuyết) của Phan Tứ /Lê Khâm/, “Đường phố dậy lửa” (tập kịch) của Nguyễn Vũ, “Hoa dừa” (tập thơ) của Lê Anh Xuân /Ca Lê Hiến/, “Lá reo” (tập thơ) của Cao Phương, “Người anh hùng Đồng Tháp” (thơ và trường ca) của Giang Nam, “Rừng U Minh” (tiểu thuyết) của Trần Hiếu Minh /Nguyễn Văn Bổng/, “Bài ca khởi nghĩa” (thơ) của Hưởng Triều /Trần Bạch Đằng/, v.v…

Nhà xuất bản Giải phóng ấy là cơ quan của Hội văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng cơ quan này tất nhiên không đóng ở miền Nam mà đóng ngay ở Hà Nội.

Muốn biết rõ hơn về hoạt động cụ thể của cơ quan ấn loát chuyên xuất bản tác phẩm của những nhà văn thuộc “Văn nghệ giải phóng” thời kỳ 1960-1975, có lẽ bạn đọc ngày nay phải chờ hồi ký của những người từng làm việc tại cơ quan này như nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhà thơ Ý Nhi, các cán bộ biên tập khác như Bích Tiên, Thái Thành Đức Phổ, v.v…Có một điều hơi lạ đến mức khó giải thích là tất cả các giới tuyên huấn, văn hóa, nghệ thuật, khoa học xã hội, … cho đến nay hầu như đều nhất tề rủ nhau ‘quên’ cái đơn vị xuất bản cơ hữu một thời này!…

[Lại Nguyên Ân, Nhà Xuất bản Giải phóng đóng ở đâu”, https://www.sachhay.org/diem-sach/ChiTiet/2801/nha-xuat-ban-giai-phong-dong-o-dau, ngày 21.8.2014]
 
6) Nhà thơ Hoàng Hưng giới thiệu “Văn đoàn Độc lập Việt Nam” khi ông bàn đến Mạng Văn Việt:

Trang mạng Văn Việt là cơ quan chính thức của Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam mà chúng tôi thành lập từ tháng Ba năm 2014. Đến nay qua mấy năm vận hành, tôi thấy rất có hiệu quả và cái chúng tôi mừng nhất là nó tập hợp được ngày càng đông các tác giả về văn học trong và ngoài nước. Thí dụ số tác giả ở hải ngoại có mặt trên Văn Việt tôi thống kê tạm thời đã tới trên 150 tác giả, tức là chiếm một nửa các tác giả xuất hiện trên Văn Việt. Thế thì chứng tỏ điều chúng tôi đề ra từ đầu, tức là tạo ra không gian để cho các nhà văn không phân biệt quan điểm chính trị, nghệ thuật, mà chỉ có chung nhau một nguyện vọng xây dựng nền văn chương tiếng Việt tự do, nhân bản, không phân biệt trong, ngoài nước, chúng tôi cho rằng chúng tôi đã bước đầu thành công….

[Quốc Phương, “Nhà thơ Hoàng Hưng: ‘Văn Việt không chủ trương đối đầu”‘, https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47444683]
 
7) Tin tức về văn nghệ sĩ bị hành hung hoặc không thể nhận giải của Văn đoàn Độc lập Việt Nam trên Mạng RFA:
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/security-forces-pressure-prevents-literature-critic-from-receiving-awarded-prize-05052022090902.html
 
8) Cho một người nằm xuống, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly hát, https://www.youtube.com/watch?v=eUpxMlyiJQA
 
9) Hai bài sau đây giải thích về Đoàn Thạch Hãn, bút danh sau 1975 của Đoàn Kế Tường:
 
– Phạm Chu Sa, “Đoàn Kế Tường – Đoàn Thạch Hãn: Hai bút danh & một cuộc đời oan khiên” của trên Mạng Học Xá [Trần Văn Phê chủ trương], http://www.hocxa.com/VanHoc/TacGia-2/DoanKeTuong-DoanThachHan-HaiButDanhVaMotCuocDoiOanKhien_PhamChuSa.php
 
Hoặc:
 
– Đinh Quang Anh Thái, “Đoàn Kế Tường, Giữa chông chênh ‘Thiện- Ác'” [, trang 127-137, Nhà Xuất bản Người Việt, 2018]
 
 
Nguồn: https://damau.org/73767/nh-van-trung-t-tm-l-chien-van-quang-trn-hnh-trnh-cng-van-nghe-qun-doi-viet-nam-cong-ha-phan-i