User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
3. Văn Nghệ Quân đội Việt Nam Cộng Hòa
 
Tôi có cảm tưởng Văn Nghệ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vẫn thường được liên tưởng hay đồng nghĩa với sản phẩm của Tổng Cục Chiến tranh Chính trị, nghĩa là văn thơ nhạc tuyên truyền. Hầu hết tác giả Miền Nam, danh tiếng hay không, đều phải nhập ngũ nếu thuộc lứa tuổi nhất định nào đó, nhưng có một lằn ranh phân biệt vị trí của họ, ngoài hay trong Văn Nghệ. Bước qua lằn ranh ấy là tiến sang địa chỉ khác thuộc một ngôi làng khác. Làng Văn Nghệ gồm các Quan ĐiểmSáng TạoThế Kỷ 20VănBách KhoaVăn Nghệ vv. Làng Văn Nghệ Quân Đội gồm các Tiền TuyếnChiến Sĩ Cộng Hòa vv…và báo chí địa phương của mỗi binh chủng.
 
Bởi thế, sự phân biệt và cách biệt giữa Văn Nghệ và Văn Nghệ Quân Đội có thể đã tồn tại đến nỗi nhà thơ/Thư ký Tòa soạn Viên Linh phải bàn tới trên Khởi Hành, tờ báo thuộc Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội ngay vào những tháng năm đầu tiên của tờ báo:
 
[…]Những dòng trên đây được trích ra để gửi tới một người làm thơ hiện đang phục vụ trong Quân Ngũ. Trong kỳ họp Tòa Soạn Khởi Hành, một anh trong Bộ Biên Tập dơ cao tờ báo lên nói rằng: có anh X nói, với những tên tuổi gạo cội như thế này, sợ các anh em làm Văn nghệ QĐ không dám gửi bài tới. Tôi cho ý kiến ấy sẽ được trả lời ngược lại bằng sự đông đảo tham dự của những cây bút QĐ. Hãy đào xới tâm hồn anh, anh sẽ thấy anh có thực sự cần viết hay không…” [Viên Linh, Nhật ký văn nghệ 1969- THỨ NĂM 22-5″, Khởi Hành số 6, trang 4, ngày 5.6.1969]
 
Sự e ngại thua sút tài năng lẽ ra rất bình thường, trong hay ngoài quân đội. Tôi có cảm tưởng khác. Ở đây, có thể vì Khởi Hành là một tờ báo quân đội nên “một anh trong Bộ Biên Tập” muốn giảm khinh về tiêu chuẩn nghệ thuật chăng? Hai văn nghệ sĩ “gạo cội”–Họa sĩ Tạ Tỵ và nhà văn/dịch giả Mặc Đỗ–cống hiến hai quan điểm khác.
 
3.1 Mặc cảm kaki? Mặc Đỗ
 
Dấu vết của mấy chữ “Văn nghệ Quân đội” hay “nhà văn quân đội” còn lưu lại trong bài thuyết trình dài 28 trang của họa sỹ/Trung tá Tâm lý chiến Tạ Tỵ trước Đại Hội Chiến tranh Chính trị, 1969. Theo tôi, đây là một bản báo cáo chi tiết thì đúng hơn từ một tiếng nói vừa có thẩm quyền trong lãnh vực chuyên môn (hội họa) vừa của một sĩ quan cao cấp ngành Tâm lý chiến. Khởi Hành số 5 thu ngắn và đăng lại:
 
khoihanh1
Tạ Tỵ, “Văn nghệ Quân đội”, Khởi Hành số 5 - Tài liệu của Lưu Đức & Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc
 
Có lẽ ông là người đầu tiên sử dụng công khai hai chữ “mặc cảm” trong một cuộc hội họp:
 
[…] Thứ nữa, vấn đề mặc cảm cũng là một trở ngại lớn lao cho người sáng tác. Sự phổ biến văn nghệ trong quân đội dù dưới hình thức nào cũng vẫn bị hạn chế. Chính vì sự hạn chế đó, người sáng tác cảm thấy suy nghĩ của mình bị thu hẹp và giá trị tác phẩm suy giảm so với sự góp mặt trên văn đàn dân sự. Đó là sự thật, ít ai phủ nhận vì nó như thế và đương như thế… [Tạ Tỵ, “Văn nghệ Quân đội”, Khởi Hành số 5, ngày 29.5.1969]
 
Gần 2 tháng sau, thay vì phân tích về tình trạng cũng như điều kiện sáng tác của người lính như Tạ Tỵ, nhà văn/dịch giả Mặc Đỗ đặt câu hỏi trực tiếp với toàn quân. Theo quan sát của một nhà văn ngoài-quân đội, “mặc cảm” ấy được định danh thành “mặc cảm kaki”:
 
macdo
Mặc Đỗ, “Mặc cảm kaki?”, Khởi Hành số 12, ngày 17.7.1969 - Tài liệu của Lưu Đức & Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc
 
Những hình ảnh các tướng lãnh đi thị sát-cho dù thị sát những mặt trận ngay hay sau trận đánh–hay những mệnh phụ đầu tóc quá to, quần áo quá đẹp đi thăm thương binh, không nói lên được gì hết đối với đông đảo những người biết thông cảm với người lính, vì họ có thấy đâu cái phần đẹp, đáng yêu kia […] Mào đầu lê thê như vậy rồi, tôi muốn dành phần kết thúc để hỏi thật các bạn văn nghệ sĩ quân đội: Phải chăng các bạn mang mặc cảm, tôi tạm gọi là mặc cảm kaki? […] Bao nhiêu năm chống giữ miền Nam này những người lính mũ xanh, mũ đỏ, mũ nâu chắc chắn đã tạo nên biết bao nhiêu tài liệu chỉ chờ được khai thác. Nói đâu xa, ngay các bạnn (sic)–những người “xếp bút nghiên” –cũng là những người lính đáng yêu. Các bạn còn ngại hay các bạn để dành? [Mặc Đỗ, “Mặc cảm kaki?”, sđd]
 
“Người lính đáng yêu” không phản ứng sau khi Tạ Tỵ thuyết trình. “Những mệnh phụ đầu tóc quá to, quần áo quá đẹp” cũng không phản ứng sau khi Mặc Đỗ khen (hay chê?), nhưng “Mặc cảm kaki?” nhận phản bác từ vài nhà văn quân đội. Thí dụ như cảm nghĩ từ chuẩn úy Lê Văn Chính (bút hiệu Sương Biên Thùy). Tay viết quân đội có hạng này kết luận:
 
[…] Vậy nên, đúng như Ông đã nói đã thắc mắc: ‘Các bạn còn ngại hay các bạn để dành.’ Vâng cả hai đấy Ông ạ. Chúng tôi còn ngại và chúng tôi còn để dành. [Sương Biên Thùy, “Chuẩn úy Lê Văn Chính thương xác với nhà văn Mặc Đỗ về Mặc cảm Kaki”, Khởi Hành số 15, thứ năm ngày 7.8.1969]
Một câu trả lời gọn ghẽ cho sự thách đố của Mặc Đỗ. Sương Biên Thùy đổi bút hiệu sang Lê Mai Lĩnh sau khi nhập cư Hoa Kỳ khoảng tháng giêng, 1994. Không còn gì “để ngại” song song với quá nhiều “để dành.” Nếu không lầm, tôi đã có dịp hân hạnh hầu chuyện ông qua điện thoại tại Tòa soạn Khởi Hành. Và nghĩ thầm, bây giờ chúng ta có Văn học & Văn nghệ Miền Nam quyện với Văn nghệ Quân đội thành Văn nghệ Lưu vong. Văn nghệ Quân Đội phản ảnh tâm tình người lính một cách đa diện vì ngoài Văn học, còn có Âm nhạc, Điện ảnh.
 
Dân Sài gòn không thể quên Thiếu tá Không quân/ca sĩ Sĩ Phú (10). Vào quãng 1984, tôi được may mắn nghe ông hát trong buổi họp mặt riêng tại California. Dù ông mặc một bộ complet đen, tôi không thể tách rời hình ảnh trước mặt với bộ đồ bay khi ông trình diễn tại Câu lạc bộ Sĩ Quan Huỳnh Hữu Bạc, Tân Sơn Nhứt.
 
quangcao
Quảng cáo “Câu lạc bộ Sĩ quan Huỳnh Hữu Bạc, Tân Sơn Nhứt”, Khởi Hành
 
Ông mang Sài gòn, cả hoa đăng cả tan tác, về một đêm nơi đất trích ngậm ngùi.
 
Lòng say dốc nốt chén say
Bỗng dưng tôi nhớ một ngày cùng ai…(Trần Huyền Trân)
 
Ngoài Sĩ Phú, lính Miền Nam còn có Trung tá Liên đoàn 81 Biệt Kích Dù Vũ Xuân Thông diễn vai chính trong Người tình không chân dung. Một trường hợp nổi bật khác của Văn Nghệ Quân Đội là thí dụ nhà thơ Hà Huyền Chi. Ông xuất thân Thiếu tá Nhẩy dù, sau được chuyển về phục vụ tại Cục Tâm lý chiến. Hà Huyền Chi có thể được xem như quân nhân cấp bậc cao kiêm hàng loạt chức vụ lớn (Phụ tá Trưởng Phòng Điện ảnh, Đạo diễn/Nha Điện Ảnh/Bộ Thông Tin, Trưởng Phòng Ấn họa/Cục Tâm lý chiến), nhưng bị giao nhiều vai phụ về Lính nhất. Tuy vậy, ông đoạt kỷ lục khi viết lời cho Lệ Đá, nhạc Trần Trịnh, dù không hề có kiến thức căn bản về nhạc lý.
 
Bởi thế, biên giới giữa quân đội, nghệ sĩ hay người dân giảm bớt qua tác phẩm thuộc văn nghệ sĩ (một thành phần nhập ngũ) và thái độ của nhà cầm quyền với văn nghệ. Ngày nay, khi “nhạc vàng” hoàn toàn chiếm thế thượng phong, tử thi đã yên nghỉ trong bờ rừng, bãi bể hay chiến hào đã trỗi dậy theo nhiều bài hát lính, cũng như đã trỗi dậy từ tạp chí, tác phẩm thuộc Miền Nam.
 
Trong phần này, tôi sẽ chú trọng đến một phần sinh hoạt về báo chí và văn chương của người lính trong Văn Nghệ Quân Đội VNCH mà tâm điểm là nhà văn/Trung tá Tâm lý chiến Văn Quang và tuần báo Khởi Hành trước 1975.
 
3.2 Báo chí Quân Đội
 
Trước 1975, dân chúng vẫn thường biết đến báo chí quân đội qua nhật báo Tiền TuyếnChiến sĩ Cộng Hòa hay Tiền Phong vv.
 
A. Nhật báo Tiền Tuyến-Tiếng nói của Quân Dân Miền Nam Tự Do:
 
Văn Quang cho biết khá đầy đủ về Tiền Tuyến qua một câu trả lời độc giả tuần báo Văn Nghệ, Úc. Tôi xin mạn phép được đăng lại và xin cảm ơn trước:
 
Nhật báo Tiền Tuyến được thành lập khoảng thời gian sau Tết Mậu Thân. Thời gian đó, một số nhật báo tư nhân ở Sài Gòn tạm thời đình bản. Để đáp ứng nhu cầu thông tin trong giai đoạn đặc biệt này, Phủ Tổng Thống đã ra lệnh cho quân đội được phép xuất bản một tờ nhật báo bán ra ngoài cho dân chúng. Lúc đầu, tôi và anh Hồng Dương cùng một vài anh trong Khối Kỹ Thuật được lệnh tham gia thành lập bộ biên tập. Một thời gian sau, tờ báo này được giao cho Cục TLC quản lý và sau cùng do Tổng Cục CTCT chịu trách nhiệm. Từ đó nhật báo Tiền Tuyến ra đời, qua nhiều giai đoạn, tòa soạn đặt ở những nhà thuê của tư nhân ngoài phố cũng như những nhật báo tư nhân khác. Nhưng cuối cùng rồi tòa soạn báo này được dọn vào khuôn viên Cục TLC, nằm sát Đài PTQĐ. Đáng kể nhất là một thời gian dài, anh Phạm Xuân Ninh tức nhà thơ Hà Thượng Nhân làm chủ nhiệm và anh Phan Lạc Phúc tức ký giả Lô Răng làm chủ bút với dàn biên tập viên và phóng viên chuyên nghiệp như các anh Hồng Dương, Nhất Giang, Huy Vân, Nguyễn Khắc Nhân… Nhật báo được in typo, có nhà in riêng và vẫn bán ra ngoài cho đến năm 1975.” [Văn Quang, Trả lời độc giả, “Giữa đài phát thanh Quân Đội và báo Tiền Tuyến có liên hệ với nhau như thế nào?”, ngày 8.6.2011, Tuần báo Văn Nghệ, Úc châu]
 
Độc giả có thể vào đọc hay đọc lại Tiền Tuyến tại Nhà Kho-Quán Ven Đường thuộc Chủ Quán Huỳnh Chiếu Đẳng, “do anh Võ Phi Hùng, cựu H.S. Petrus Ký (67-74) tặng từ microfilms Thư viện Đại học Cornell,”
 
http://ndclnh-mytho-usa.org/Nhat%20Bao%20Tien%20Tuyen.htm
 
Công lao Võ Phi Hùng thật không kể xiết. Ngoài Tiền Tuyến, độc giả có thể đọc những nhật báo lớn nhất Sài Gòn đương thời cũng do ông tặng.
 
tientuyen
Quảng cáo Nhật báo Tiền Tuyến (trên tờ Nghệ Thuật?)
 
B. Bán nguyệt san Chiến sĩ Cộng Hòa (hậu thân của tờ Phụng Sự và Quân Đội) vốn do Văn Quang, Tô Kiều Ngân, Lý Quảng, Viêm Hồng, Tường Linh, Huy Vân…phụ trách và biên tập, 36 trang khổ nhỏ. Cục Tâm lý chiến phát hành 200.000 số một kỳ, dành cho 1 triệu binh sĩ nên trung bình 1 tiểu đội được phát 1 tờ mỗi kỳ.
 
C. Tuần báo Thông Tin Chiến Sĩ, khổ lớn, 8 trang, được phát hành tiếp theo, phụ giúp Chiến sĩ Cộng hòa chuyển tin tức trong quân đội và chính phủ tới anh em quân nhân.
 
D. Nguyệt san Tiền Phong, dành cho Sĩ quan Quân Lực VNCH, 136 trang. Số 1 phát hành vào tháng 7. 1965.[Theo Linh Mục André Gélinas, “An Exhaustive List of all Serials, Journals and Magazines currently being Published in Vietnam,” CORMOSEA Newsletter, Số 7, 1973-1974, Đại học Yale ấn hành.]
 
Tiền TuyếnChiến Sĩ Cộng HòaThông Tin Chiến Sĩ và Tiền Phong đều do Cục Tâm lý chiến, Tổng Cục Chiến tranh Chính trị quản trị và ấn hành. Từ 1969 tới 1972, một tuần báo khác xuất hiện, tuy không thuộc Tổng Cục Chiến tranh Chính trị hay Cục Tâm lý chiến, nhưng sẽ được nhớ tới như một tờ báo văn học nghệ thuật đáng kể thuộc quân đội và Văn Học Miền Nam. Đó là tuần san Khởi Hành do nhạc sĩ Anh Việt/Đại tá Cục trưởng Cục Quân Cụ sáng lập. Ông giao nhiệm vụ Thư ký Tòa soạn cho nhà thơ Viên Linh. Càng đặc biệt hơn, đó cũng là tạp chí duy nhất từ Miền Nam được xuất bản cùng tên sau 1975 tại hải ngoại đã trao một trong 3 giải văn chương cho một nhà văn quân đội.
 
3.3 Hội Văn-Nghệ-Sĩ Quân-Đội Việt Nam Cộng hòavà tuần báo Khởi Hành-Sài gòn
 
Tuy được coi như “Tiếng nói của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội,” Khởi Hành được nhớ đến như một tạp chí văn học nghệ thuật không khác Sáng TạoThế Kỷ 20Hiện ĐạiVănVấn ĐềVăn Nghệ vv. qua nỗ lực của Đại tá Anh Việt Trần Văn Trọng và nhà thơ Viên Linh.
 
3.3.1 Đại Tá Cục trưởng Cục Quân Cụ Anh Việt Trần Văn Trọng, Chủ nhiệm/Sáng lập Tạp chí Khởi Hành
 
Đại tá/Nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng, Cục trưởng Cục Quân Cụ, sáng lập, chi phí và điều hành nguyệt san/tuần san/giai phẩm Khởi Hành-Hội Văn nghệ sĩ Quân đội qua 3 chặng. Nhà thơ Viên Linh điều hành Tuần san Khởi HànhRa ngày thứ nămtrong chặng dài nhất của nó, khoảng 3 năm hơn.
 
“3 chặng” và “chặng dài nhất”? Từ trước tới nay, Khởi Hành vẫn được coi như chỉ có 156 số, bắt đầu và kết thúc với Thư ký Tòa soạn Viên Linh. Tôi có đủ tài liệu và nhân chứng để kết luận rằng 165 số Khởi Hành gồm 3 chặng qua 3 người khác nhau phụ trách phần bài vở.
 
Về Chặng 1, tôi có 2 tờ–số 3, tháng 9.1968 và số 4, tháng 10. 1968 do anh Lưu Đức sao lại gửi tặng–để xác định phần tổ chức cũng như nhân sự. Trong mục giới thiệu sách báo mới của tạp chí Bách Khoa, tôi thấy lác đác sự có mặt của vài số khác.
 
khoihanh2
Khởi Hành-“Nguyệt san của Hội Văn nghệ sĩ Quân đội” Số 4, trang 2, tháng 10.1968, khổ 21cm x 28 cm, 80 trang Chủ nhiệm: Đại tá Trần Văn Trọng, KBC 4736 & Bài vở: Đại úy Tô Kiều Ngân, KBC 3168 - Tài liệu Lưu Đức & Nguyễn Tà Cúc
 
Như vậy, Chặng 1- nguyệt san Khởi Hành với Đại úy Tô Kiều Ngân và họa sĩ Hiếu Đệ bắt đầu vào tháng 7.1968 và chấm dứt vào tháng 2.1969. Chặng này gồm 8 số, theo Anh Việt Trần Văn Trọng và Viên Linh, dẫn tới Chặng 2.
 
Chặng 2 đánh dấu nguyệt san Khởi Hành trở thành “Tuần báo Văn học Nghệ thuật-Ra ngày thứ năm” do Thư ký Tòa soạn Viên Linh đảm nhậm. Số ra mắt xuất hiện vào ngày 1 tháng 5. 1969 kéo dài tới ngày 8 tháng 6.1972, tổng cộng 156 số. Ông được coi như người làm báo tài năng nhất Miền Nam dù làm báo văn học (Nghệ Thuật, Thời Tập), báo chính trị (Diễn Đàn-thế chỗ nhà văn/dịch giả Mặc Đỗ) hoặc báo lính (Khởi HànhTiền Tuyến).
 
Về Chặng 3, tôi không rõ lắm, chỉ biết Giai phẩm Khởi Hành Mùa Xuân Quý Sửu (1973) xuất hiện hơn nửa năm sau khi Viên Linh từ giã bạn đọc và Anh Việt Trần Văn Trọng thông báo tạm đóng cửa vào số 156. Theo anh K., một cựu sĩ quan hải quân, giai phẩm Mùa Xuân 1973 đánh dấu Chặng 3/Khởi Hành số cuối với nhà văn Dương Trữ La lo phần nội dung. Giữa số 156 với số này hình như đã không có số nào. Đại tá Cục trưởng Cục Tâm lý chiến Cao Tiêu, chịu trách nhiệm tổng quát phần báo chí quân đội, cũng nhớ mang máng như vậy khi tôi hỏi.
 
Tổng chi, Khởi Hành xuất bản được khoảng trên dưới 170 số, hay 165 số căn cứ theo các chặng có thể xác định được với Tô Kiều Ngân-Chặng 1/8 số, Viên Linh-Chặng 2/156 số và Dương Trữ La-Chặng 3/1 số.
 
Phần tôi, tôi chỉ cần Chặng 2 vì, không những dài hơn hẳn 2 chặng kia, Viên Linh còn quy tụ được hầu hết văn nghệ sĩ thành danh trong và ngoài quân đội. Từ “Nguyệt san của Hội Văn nghệ sĩ Quân đội” và “Tiếng nói của Hội Văn-Nghệ-Sĩ Quân-Đội”, Viên Linh đã đổi thành “Tuần báo Văn học Nghệ Thuật-Ra ngày thứ năm”. Mấy chữ “Văn học Nghệ thuật” trên bìa là một cố ý của Viên Linh. “Ra ngày thứ năm” là một cố ý khác.
 
3.3.2 Từ “Nguyệt san của Hội Văn-Nghệ-Sĩ Quân-Đội” sang “Tuần báo văn học nghệ thuật-Ra ngày thứ Năm.”
 
Viên Linh thay đổi hầu như toàn bộ nhân sự, điều hành và đổi thành khổ lớn (30 x 43, 16 trang). Ông thuật lại như sau vào tháng 8, năm 2009, khi nhà thơ Phan Nhiên Hạo phỏng vấn:
 
[…] Năm 1966 trong khi đang làm thư ký tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, tờ nhật báo duy nhất của quân đội, tôi được Đại tá Trần Văn Trọng liên lạc, mời về làm báo cho Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội. Lúc ấy tôi mới biết tờ Khởi Hành từng hiện diện, nhưng ra được tám số thì đình bản, và chỉ lưu hành trong giới nhà binh. Anh em trong Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội từng biết tôi qua tờ Tuần báo Nghệ Thuật (1966-1968), nên mới có quyết định mời tôi về để phục hồi tờ Khởi Hành, với chủ trương mới: báo phải bán ngoài thị trường…” [Viên Linh trả lời Phan Nhiên Hạo, “Làm báo văn nghệ ở Miền Nam trước tháng 4. 1975”, ngày 22. 8. 2009. https://litviet.wordpress.com/]
 
Trong 100 số đầu, Viên Linh dung hòa được nhu cầu khám phá một số cây bút kaki mới, tuy vẫn mời được sự cộng tác thường xuyên của tác giả hàng đầu dù trong hay ngoài quân đội như Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Tuệ Sỹ, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền vv.
 
Nhà văn/phóng viên chiến trường Dương Nghiễm Mậu góp phần đặc biệt không những bằng truyện mà còn qua vài bài chính luận về tình trạng chiến sỹ trong cuộc chiến chống Cộng sản. Những bài chính luận này cùng nhiều bài phóng sự chiến trường tại nơi khác và tác phẩm của một nhân chứng (Địa ngục có thật, 1969), đủ để lập thành một nghiên cứu về thái độ của ông nói riêng và của quân nhân nói chung. Họ ý thức được hoàn cảnh chật vật của một nước nhược tiểu bị Khối Cộng sản vây khổn mà Tư bản không là lối thoát.
 
Một thành công quan trọng của Khởi Hành xây dựng trên những loạt phỏng vấn giới tác giả, giới giáo dục và giới độc giả (trẻ) kèm hình vẽ chân dung tác giả của CHÓE Nguyễn Hải Chí hay biếm họa CHÓE. Ông mời được Nguyễn Hiến Lê, Tam Ích, Mặc Đỗ, Thanh Lãng, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyên Sa, giáo sư Ngô Trọng Anh (Phụ tá Kế Hoạch cho Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh) vv góp mặt trong loạt phỏng vấn về văn hóa hay/và giáo dục.
 
Bên cạnh tác giả thành danh, ông giới thiệu nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (Chiến tranh và tôi), nhà phê bình Cao Huy Khanh, đặt họa danh và tạo cơ hội cho nhà biếm họa CHÓE sử dụng tài năng. CHÓE cũng là người duy nhất có thể tái xuất hiện chính thức trên nhiều tờ báo và các cuộc triển lãm tại Sài gòn sau 1975 dù căn cước văn nghệ, nhất là căn cước quân đội, trước 1975 đã khiến ông bị giam và mất việc nhiều năm.
 
khoihanh3
Một biếm họa của CHÓE trên Khởi Hành-Sài Gòn, 1971
 
Tôi phải dành vài giòng tại đây để xác định một điều cho công bằng. Sau 1975, tiểu sử CHÓE, xuất hiện trong sách phát hành tại hải ngoại của một vài tác giả xuất thân từ Miền Nam, đều không nhắc tới bước đầu tại tuần báo Diễn Đàn [11], thậm chí khuyết hẳn Viên Linh khỏi xuất xứ biệt danh CHÓE. Đề cập tới sự kiện này, tôi không ám chỉ các tác giả đó có ác ý vì rất có thể họ không biết, không thuộc giới văn học, hay không quen thuộc với sinh hoạt văn học chính trị mà làng báo Sài gòn thì quá rộng. Tôi chỉ muốn nêu một điều ngược lại.
 
Đó là mọi bài báo tại Sài Gòn sau 1975, cả Viên Linh lẫn Diễn Đàn đều đã được nhắc đến rõ ràng, lập đi lập lại từ Lưu Trọng Văn, Trần Hữu Dũng tới Lý Trực Dũng hay Lê Thiếu Nhơn:
 
chichoe
“Đem bức tranh đầu tiên tới tòa báo Diễn Đàn, nhà văn Viên Linh bảo: ‘Cậu tên Chí, lấy hiệu Chóe cho vui’, Theo Chóe, chóe là tiếng kêu nhỏ của những con vật bé nhỏ như chuột kêu…chí chóe…”- Lưu Trọng Văn, “Chí & Chóe“, Sài gòn, ngày 3. 8. 1995
 
Năm 2000, CHÓE gửi một bức thư cho Viên Linh, xác định vị trí của Khởi Hành trong đời vẽ của ông. CHÓE nhắn lời cho phép tôi phổ biến sau khi ông đọc được hay nghe được về nhiều bài phê bình&nghiên cứu Văn học Miền Nam của tôi trên Khởi Hành-Hoa Kỳ:
 
khoihanhchoe
Khởi Hành cũng là bước khởi hành của riêng tôi-Đời tôi là đúng hơn…” - CHÓE Nguyễn Hải Chí gửi Viên Linh, Sài gòn, ngày 21.8.2000
 
Hầu hết các nhà văn và nhà thơ nữ cũng góp mặt, trừ Nhã Ca. Tần Vy là khuôn mặt thơ nổi bật. So với thơ, tôi thích đọc loạt “Âm bản” của Thanh Tâm Tuyền hơn: một thi sĩ không ngừng nghĩ về thơ trong sự khốn đốn–và tự trọng–của hắn dù bế tắc. Đúng thế, sự tự trọng. Làm thơ chứ không phải sản xuất thơ. Số lượng chưa chắc đã bảo đảm được phẩm chất. Chỉ có thi sĩ mới áp dụng được sự tự trọng đó. Mai Thảo cho thấy tạp ghi không khác gì văn. Ký giả Lô Răng (Phan Lạc Phúc) cũng có mặt trong mục “Người và Việc” (hay “Người và Vật”) nhưng sự di chuyển từ Tiền Tuyến sang Khởi Hành có lần trúc trắc. Viết truyện đã khó, viết tạp ghi còn khó hơn. Ngoài Ký giả Lô Răng, Nguyễn Kim Phượng cũng xuất hiện nhiều trên cùng một mục. Khởi Hành trở thành tuần báo văn học nghệ thuật duy nhất lúc bấy giờ, so với các nguyệt san văn học khác.
 
Sự phát biểu tự do–thí dụ như bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn lên bìa Khởi Hành số 34– của một tập hợp gồm nhiều giới chứng minh mối liên lạc giữa chính thể cầm quyền bởi quân đội và tập thể phục vụ cũng như xã hội mà chính thể này có bổn phận bảo vệ và phụng sự.
 
khoihanh4
“…Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt/Xin giã từ đời vũ khí, huy chương/ Xin trở về như một cuộc hoàn lương/Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết…”  Nguyễn Bắc Sơn, “Tiệc tẩy trần của những người sống sót” - Bìa Khởi Hành số 34, thứ năm 18.12.1969 - Tài liệu của Lưu Đức & Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc
 
Nội dung thượng dẫn được Viên Linh chuyển tải qua tài trình bày nghệ thuật không thể tìm thấy tại các tờ báo khác, dù khổ nhỏ như báo văn nghệ hay khổ lớn như nhật báo.
 
Trước khi Khởi Hành bước tới số 100, Đại hội Kỳ II Hội Văn Nghệ sĩ Quân Đội diễn ra vào 2 ngày 25 & 26, tháng 2. 1971, dẫn đến vài bất ngờ cả cho Hội lẫn cho tờ báo. Sự thành công rực rỡ của tạp chí này không thuyết phục được một số hội viên tham dự. Một trong những lý do chính vẫn xoay về vấn đề cũ: báo của Hội Văn Nghệ sĩ Quân Đội nhưng không đủ “Mùi kaki” (mượn chữ Đại tá Chủ nhiệm):
[…] Tờ Khởi Hành đã được nói đến rất nhiều trong Đại hội. Từ việc tổ chức đến việc biên soạn. Phần lớn nó đã bị đả kích: nhiều bộ mặt quen thuộc nhiều nhà văn ở ngoài không phát hiện được những cây bút mới; những người ở xa nhiều người không được trả tiền bài; không gửi đều báo biếu cho hội viên. Đại tá chủ nhiệm và người trông coi phải tường trình tình hình con số sau những vấn nạn trên. Một câu hỏi: vì sao Ủy viên Báo chí Hội lại không làm tờ KH? Đại tá Trọng trình bày rằng Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh lúc đầu có đưa một dự án, nhưng vì dự án này cần tư nhân hùn vốn nên Hội không thể làm được…” [“Tường thuật Đại hội Kỳ II Hội Văn Nghệ sĩ Quân đội”, Khởi Hành số 93, bìa trước, ngày 25.2.1971]
 
Đại tá Trần Văn Trọng tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Văn Nghệ sĩ Quân Đội. Chuẩn úy Dương Hùng Cường–một người chưa bao giờ giữ nhiệm vụ Chủ bút hay Thư ký Tòa soạn tại bất cứ một tạp chí văn học nghệ thuật nào bên cạnh tài văn chỉ mới ở mức trung bình–được bầu làm Ủy viên Báo chí, có nghĩa có thể sẽ nắm giữ một trách nhiệm quan trọng trong tờ Khởi Hành.
 
Đến lượt Viên Linh lên tiếng và lên tiếng bằng nửa trang “Nhật ký văn nghệ”. Tôi trích gần như hết bài nhắm dễ so sánh với đề nghị của Chủ bút tương lai Dương Hùng Cường, cũng được trích tiếp theo rất đầy đủ. Viên Linh đã lên tiếng trả lời những người “đả kích” qua một trong những bài tranh luận về văn nghệ đẹp nhất, không cho chính ông, mà cho bốn chữ “văn học nghệ thuật” trên bìa tờ Khởi Hành dù thuộc một hội quân đội:
 
vienlinhchoe
Viên Linh qua nét vẽ Nguyễn Hải Chí (CHÓE)
1.
 
Khởi Hành đang sửa soạn làm một số đặc biệt: SỐ 100. Đây sẽ là số báo quan trọng, ghi dấu đệ tam chu niên ngày Bộ Biên Tập hiện nay bắt đầu làm tờ báo; ghi dấu ba năm ngày trên diễn đàn này, các nhà văn nhà thơ tên tuổi hiện đại lần lượt dành cho chúng tôi sự hợp tác quí báu […]
 
2.
 
Trong hai ngày Đại Hội Văn Nghệ Sĩ QĐ, trước những ý kiến, những thắc mắc về tờ báo, toàn thể Bộ Biên Tập hiện nay không một ai lên tiếng, trừ Đại Tá chủ nhiệm. Lý do dản (sic) dị có lẽ là thế này: tờ báo chỉ là một phần nhỏ trong các sinh hoạt của Hội. Cái quan trọng là kiện toàn tổ chức Hội, phát triển khả năng đường hướng Hội, trong khi tờ báo chi là một trong phần toàn sinh họat đó.
 
“Vả chăng Bộ Biên Tập HK (sic) không hề do Đại Hội bàu lên, từ biên tập viên cho tới Thư ký tòa soạn. Các anh Đặng Trần Huân, Nguyễn Hữu Thông, Dương Trữ La không phải Ủy Viên, mà chỉ là Hội Viên lúc đó, Cho nên nếu có điều gì phải trình bày chúng tôi trình bày với Chủ Nhiệm Chủ Bút, hay rộng hơn, Ban Chấp Hành là cơ quan bầu ra Bộ Biên Tập. Chính TKTS tờ báo, hôm Đại Hội còn phải ngạc nhiên trước tiết lộ của anh Hy Văn, Ủy viên Thường Vụ: Là KH khi quyết định ra hàng tuần, chỉ có một số vốn “3 số là hết tiền!” Nếu điều đó được thông báo trước, hắn đã có sự từ chối. Lúc đó, khoảng tháng 3 năm 1969, ông Chủ Nhiệm cho hay: “Nếu mỗi số lỗ vài ba ngàn, tờ báo có thể ra được 6 tháng tức là 24 số.” Tính nhẩm, phải đinh ninh Hội có hai triệu. Nhưng làm tới số 8, chúng tôi hết vốn. Hỏi ra, vốn có… non ba trăm ngàn. Đứng trước một sự đã rồi, chúng tôi lao vào cuộc chạy đua rất ít hy vọng. Từ số 9 bộ mặt tờ báo hoàn toản thay đồi. Mời thêm những cây bút uy tín trong giáo giới để lấy độc giả SVHS, mở các cuộc phỏng vấn liên tiếp để gây tiếng vang. Phải thành thật thú nhận: Chính những tên tuổi trong đợt nỗ lực này đã cứu sống tờ báo, bên cạnh sự kiên gan của Chủ Nhiệm và ban Quản Trị.
 
“3.
 
Trong diễn văn đọc trước Đại Hội, Đại Tá Trần Văn Trọng nhấn mạnh: tờ báo này không hề được ai trợ giúp bất cứ một thứ gì. Nó tự lực từ số không. Những điều này chúng tôi vốn không bao giờ nghĩa (sic) và sẽ viết lên mặt báo cả, mặc dù nếu viết ra sẽ tránh được nhiều ngộ nhận. (Ví dụ trong một phiên họp của Hội Chủ Báo VN, có ý kiến không cho tờ KH được cấp bông giấy như các báo vì cho KH là báo nhà nước, trong khi nhà nước không cấp cho nó lấy một cái cliche. Ví dụ một Hội Nhà Văn nọ quyết định ra báo, thảo luận rằng sẽ xin chinh phụ trợ cấp như trợ cấp cho… KH. Đọc những dòng này quí vị sẽ thấy quí vị đang đi xin con số không.)
 
“4.
 
[…] Nhưng, để sửa soạn cho K H số 100, số báo ghi dấu một quãng đường dài đã vượt, số báo kỷ niệm với các nhà văn thơ tên tuổi hiện đại, mà không muốn viết ở đấy những điều chỉ có tính cách nội bộ, những dòng này mới xuất hiện nơi đây.
 
5.
 
Giờ đây tại Saigon KH là tờ tuần báo văn học nghệ thuật duy nhất. Văn Học Nghệ Thuật, bốn chữ ấy không phục vụ cho ai, dù với tư cách gì. Văn Học Nghệ Thuật, chọn tiêu đề đó in dưới măng xét Khởi Hành tự xác định : nó không phải nội san của Hội VNSQĐ, nó không phải cơ quan ngôn luận bảo vệ cho Hội VNSQD, như cơ quan ngôn luận của một Đảng chính trị; mà rõ ràng nó chỉ là một tờ báo văn học nghệ thuật do Hội VNSQĐ chủ trương […] Nó do Hội V.N.S.Q.Đ. chủ trương, chủ trương dùng tờ báo làm Văn Học Nghệ thuật chớ không chủ trương dùng tờ báo phục vụ cho Hội, hay chỉ cho những quân nhân ở trong Hội.
 
Vả chăng, nếu KH lên tiếng cho Hội hay phục vụ Hội, là tuân theo tinh thần các Tuyên ngôn (Đại Hội kỳ 1) và Quyết Nghị (Đại Hội kỳ II) chớ không phải nó chỉ đề đăng bài của Hội Viên, như một ý kiến nêu lên bên lề Đại Hội vừa rồi, cũng như trong một số thư từ gửi về trước đó.
 
Một diễn đàn văn học nghệ thuật luôn Iuôn ao ước phát biểu ý kiến của mọi khuynh huớng, luôn luôn ao ước mở rộng tầm phổ biến chớ không phải để lui về chấp hành nội qui, một điều có lợi cho anh em Hội viên, nhưng không ích gì cho đa số độc giả, cũng như cho chủ trương văn học nghệ thuật…” [Viên Linh, “Nhật ký văn nghệ”, Khởi Hành số 94, thứ năm ngày 4.3.1971]
 
Độc giả sẽ hiểu rõ lý do Viên Linh mong muốn một diễn đàn Văn học Nghệ thuật phải được văn nghệ sĩ quân đội chọn lựa và duy trì khi, gần hai tháng sau, “SỐ 100” đánh dấu quyết định “Chuyển Hướng” của Đại tá Chủ nhiệm.
 
Ủy viên Báo Chí kiêm Chủ bút Dương Hùng Cường trình bày Dự Thảo Báo chí, chính thức hóa ý định thay đổi mục tiêu của Khởi Hành và thay đổi nhân sự Ban Biên tập. Phần thứ nhất Dự Thảo đề nghị tái cấu trúc Hội nhằm gia tăng mối liên lạc giữa chi nhánh địa phương và Sài gòn cùng cách tạo dựng thêm công việc làm ăn cho hội viên:
 
-…] Xin anh Hội Trưởng can thiệp với những cơ quan quân sự, dành mọi sự dễ dàng cho các hội viên Hội Văn Nghệ Sĩ Quân đội được theo các vụ hành quân để làm phóng sự. Thẻ phóng viên của Hội phải được quyền ưu tiên về di chuyển bằng đường hàng không cũng như hàng hải. Chúng tôi sẽ cố gắng thành lập một nhóm phóng viên chiến trường với một thành phần hạn chế chọn lọc trong tất cả quân binh chủng và gửi thư mời.
 
Xin anh Hội Trưởng cấp phát một thẻ đặc biệt của Hội, có thể thay thế những sự vụ lịnh của các đơn vị. Thẻ này sẽ được xếp vào loại ưu tiên ba về di chuyển, sau nhu cầu hành quân và di tản thương bệnh binh […] Những người được cấp thẻ này, chúng tôi sẽ cố chọn lựa trong số những phóng viên chiến trường đáng tin cậy […]
 
Xin anh Hội trưởng gửi một văn thư về các Chi hội địa phương, yêu cầu những nơi này báo cáo về tình hình báo chí và những khó khăn gặp phải khi hành nghề. Rồi tùy theo tình hình khó khăn của từng địa phương, chúng ta sẽ họp lại tìm một giải pháp để giải quyết vấn đề…
 
Chúng tôi sẽ liên lạc với các hãng Thông Tấn tại thủ đô để đề nghị dùng hội viên của Hội ta ở chức vụ thông tín viên địa phương […] chúng tôi sẽ khuyến cáo họ nên dùng người của Hội ta để làm Thông tín viên địa phương […] Chúng tôi sẽ lo việc đòi tiền thù lao cho anh em, ấn định giá cả của từng tin được đăng một cột, hai cột cho tới tám cột. Tiền thù lao sẽ được gửi thẳng tới anh em…”[Dương Hùng Cường, “Dự thảo Báo chí của Hội Văn Nghệ Sĩ Q.Đ.”, Khởi Hành số 100, trang 15, ngày 15.4.1971]
Độc giả có thể thắc mắc về thứ ngôn ngữ quân phiệt như “khuyến cáo họ nên dùng người của Hội ta”, “ấn định giá cả” vv. ngoài những chuyện không tưởng như đề nghị Hội cấp sự vụ lệnh ưu tiên ba, cung cấp phương tiện di chuyển kể cả bằng đường hàng không, hàng hải cho hội viên và phóng viên của Hội. Bản dự thảo đề nghị rất rõ ràng “cho các hội viên Hội Văn Nghệ Sĩ Quân đội được theo các vụ hành quân để làm phóng sự […] Chúng tôi sẽ cố gắng thành lập một nhóm phóng viên chiến trường với một thành phần hạn chế chọn lọc trong tất cả quân binh chủng…thẻ đặc biệt của Hội, có thể thay thế những sự vụ lịnh của các đơn vị.
 
Những đề nghị đó bầy tỏ sự am hiểu rất hạn chế của người soạn thảo về cách đào tạo cũng như phân phối phóng viên và chuyên viên chiến trường.
 
Trung Tá Văn Quang, cựu Trưởng Ban Biên Tập tờ Chiến sĩ Cộng Hòa và nguyên Giám đốc Đài Phát Thanh Quân Đội, cho biết việc lấy tin được tổ chức rất kỹ lưỡng, sau khi quân nhân được huấn luyện, theo hình thức một nhóm gồm nhiều lãnh vực chuyên môn:
 
Một ê-kíp phóng viên Quân Ðội thường có đủ mặt: phóng viên nhiếp ảnh, phóng viên quay phim truyền hình, phóng viên báo chí, phóng viên phát thanh. Anh nào có cấp bậc lớn hơn làm trưởng toán, bất kể anh ở chuyên môn nào….” [Văn Quang, Sài gòn Người muôn năm cũ, trang 141]
 
Rồi tuân theo các cấp chỉ huy trực tiếp tại trung ương hay địa phương:
 
-“[…] Lần đó, tôi xin sự vụ lệnh đi miền Trung, chiều 28 Tết tôi leo lên xe lửa ra Đà Nẵng […] Bây giờ lại bị tái ngũ làm lính ở xa chắc chắn rất buồn và nhớ Sài Gòn lắm nên tôi cố xin cho Thanh Nam có thời gian thảnh thơi hơn. Tướng Đỗ Cao Trí rất “hắc búa” nhưng cũng rất “chịu chơi”. Ông điện thoại ngay cho Trung Tâm Huấn Luyện chỉ thị cho Thượng sĩ Trần Đại Việt (tên thật của Thanh Nam) trình diện tư lệnh quân đoàn […] Đang lái xe jeep giữa lưng chừng đèo, chúng tôi thấy một đồn lính mờ mờ trên đỉnh đèo. Tôi nói với Thanh Nam: – Lên thử xem đồn trên đính đèo kia ra sao, họ sống như thế nào. Thế là tôi cho xe chạy từ từ trên con đường dốc độc đạo leo lên đỉnh đồi mất chừng hai mươi phút mới đến nơi […] Anh lính gọi ngay cho “sếp” trưởng đồn. Gặp ông này tôi chìa tờ Sự Vụ Lệnh ra, xin phép anh Trưởng Đồn cho vào thăm đơn vị. Anh Trưởng đồn hơi đứng tuổi, rất niềm nở đưa chúng tôi vào doanh trại…”[Văn Quang,”Chuyện xưa đi làm phóng sự Tết ở đỉnh đèo Hải Vân”, Ngày cuối năm Bính Thân]
 
Sự thắc mắc ấy sẽ được giải thích bằng một lý do đơn giản do chính Dương Hùng Cường cung cấp. Ông muốn “biến tuần báo Khởi Hành thành một tuần báo có chủ đề chính trị rõ rệt như Tuần Báo Diều Hâu” (sđd).
 
dieuhau
Hình bìa Tuần báo Diều Hâu “Tiếng nói uất nghẹn của những người góp máu” số 54, ngày 21.5.1971
Xuất hiện trên Thế Giới Nghệ sĩ số 68, trang 17, ngày 27.5.2016. Chủ trương: Trần Quốc Bảo, Westminster, California (cùng ấn bản với Việt Tide, Chủ nhiệm & Chủ bút Ông Thụy Như Ngọc)
 
Tuần báo Diều Hâu do Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh cùng Thiếu tá Phạm Huấn sáng lập và chủ trương. Tờ báo này có một chỗ đứng đặc biệt vì được hai sĩ quan cao cấp ngành Tâm lý chiến cùng vài thân hữu góp vốn xuất bản. Họ chủ trương cho công bố những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lính, nhất là tệ nạn tham những. Tuy vậy, Diều Hâu vẫn thuộc loại báo tư nhân, không thuộc báo quân đội, vì Nguyễn Đạt Thịnh và Phạm Huấn đều không thể đứng tên làm chủ. Theo luật lệ Báo Chí đương thời, quân nhân không được phép làm chủ bất cứ loại báo nào, nghĩa là không được đứng tên trên “măng-sét”, trừ phi nội san hay hiệp hội (theo tôi biết về riêng 2 trường hợp này).
 
Theo Thiếu tá Phạm Huấn, Diều Hâu tồn tại được trên hai năm (khoảng tháng 5.1970 tới tháng 9.1972). Tương tự như vài tờ báo hay tạp chí khác, Diều Hâu tự đình bản sau khi không tìm đủ 10 triệu nộp ký quỹ theo sắc luật mới của chính phủ. Theo bìa sau cuốn One Day in Hanoi [Một ngày tại Hà-nội, Diều Hâu xuất bản, 1973-Tái bản tại Hoa Kỳ, 1983], ông là “Chủ bút/Eitor-in-Chief”.
 
thubut
Thủ bút Thiếu tá/phóng viên chiến trường Phạm Huấn, 1998 Chủ tịch Hội Phóng viên Chiến trường 1972-1975. Một ngày tại Hà-nội, 1973, Sài gòn/ One Day in Hanoi, 1983, Hoa Kỳ
 
Cũng theo Phạm Huấn, chính thế mạnh-người Lính của Diều Hâu đã trở thành thế yếu khi đa số độc giả quân nhân không đủ khả năng góp vốn 10 triệu ký quỹ giúp ban biên tập theo Luật Báo Chí mới của chính phủ. Dù vậy, tờ báo có thể coi như một thí dụ đại diện cho quyền tự do tư tưởng và phát biểu, một điều tuyệt đối không thể xẩy ra tại Miền Bắc.
 
Khác với Diều HâuKhởi Hành xuất bản được, theo tôi, do Đại tá Chủ nhiệm cung cấp tài chánh. Nhờ Bộ Biên tập và Ban Quản Trị, Khởi Hành vượt con số 8 thử thách, tiến gần tới số 100. Bởi thế, Dương Hùng Cường, một người ngoại cuộc, không quen thuộc tình trạng khó khăn vây bủa nên đã đề nghị “khai thác” bằng cách toan tính… đóng xập nó trước.
 
[…] KHAI THÁC TỜ TUẦN BÁO KHỞI HÀNH

Như chúng tôi đã trình bài (sic), thì cần phải có 1 sự mạo hiểm, trở về khởi điểm, nghĩa là tạm ngưng hoạt động để rồi tái xuất bản. Ý kiến của chúng tôi không được Ban Chấp Hành tán thành […] Chúng tôi cũng phải đồng ý […] Lần hội thảo trước, sau khi giải tán, chúng tôi có tiếp xúc riêng với hai anh Ủy viên Thơ và Ủy viên Văn của Hội. Anh Diên Nghị và anh Thảo Trường cũng không kiếm được một giải pháp nào […] Ý định của chúng tôi là muốn giảm bớt phần văn học, nghệ thuật của tờ báo để tờ báo đỡ nặng rồi dần dần biến tuần báo Khởi Hành thành một tuần báo có chủ đề chính trị rõ rệt như Tuần Báo Diều Hâu […] Hội của chúng ta lập ra với tất cả đường lối, phương châm đều hướng về quân đội, vậy tờ báo của chúng ta có mang tính chất Diều Hâu; đó cũng là phản ảnh trung thực của những chiến sĩ cầm súng.
 
Chúng tôi đặt ra hai vấn đề:
 
- Nuôi sống tờ báo.
 
- Cải tổ biên tập để hợp với tên gọi của Hội.
 
Như trên, chúng tôi đã trình bày, ý của chúng tôi là muốn biến tuần báo Khởi Hành thành một tờ báo như tuần báo Diều Hâu, để dành lấy một số độc giả quân nhân […] Chúng tôi đã dự định, sau số 100, sẽ tổ chức một buổi hội thảo thu hẹp giữa chúng tôi và các anh Viên Linh, Dương Trử (sic) La, anh Huỳnh Văn Mạnh v.v…để bàn về những vấn đề trị sự và biên tập…” [Dương Hùng Cường, “Dự thảo Báo chí của Hội Văn Nghệ sĩ Quân Đội”, Khởi Hành số 100, trang 15, ngày 15.4.1971]
 
Trước hết, khi Dương Hùng Cường dùng hai chữ “khai thác” nhắm “biến tuần báo Khởi Hành thành một tuần báo có chủ đề chính trị”, có lẽ ông đã vi phạm “Điều 6, Chương I-Danh hiệu, Mục đích và hoạt động” của hội:
 
Điều 6. Hội Văn nghệ sĩ Quân Đội chỉ hoạt động trong phạm vi văn hóa tuyệt đối không nhân danh Hội để tham gia vào những biến động chính trị….
 
Sau nữa, dù có thực sự dấn vào “biến động chính trị” hay không, khi đòi “Cải tổ biên tập”, ông đã muốn “chỉnh lý” Thư ký Tòa soạn Viên Linh cùng ban biên tập do Ban Chấp Hành cùng Viên Linh quyết định: nhà văn Dương Trữ La, nhà văn Hoàng Ngọc Liên, nhà văn Đặng Trần Huân, nhà phê bình Cao Huy Khanh, Nguyễn Nhật Duật, họa sĩ CHÓE, họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật, họa sĩ Lưu Huỳnh Truyền vv. Trước đó, ông đã muốn “đảo chánh” Viên Linh mà không thành khi muốn “tạm ngưng hoạt động để rồi tái xuất bản”.
 
Như đã thấy, Dự Thảo này thất bại vì Ban Chấp Hành Hội “không tán thành”. “Không tán thành” là những chữ rất lịch sự nếu kể tới cấp bậc–suy ra kiến thức về quân pháp–của các thành viên trong Ban Chấp Hành. Ủy viên Thơ/Trung Tá Diên Nghị và Ủy viên Văn/Đại Úy Thảo Trường cũng không có giải pháp nào khác như Dương Hùng Cường thú nhận.
 
Chưa đầy 10 số sau đó, Viên Linh cho biết rõ ràng trong mục “Giữa Tòa soạn và Bạn đọc”:
 
HỒ NGẠC NGỮ (Blao): “[…] Dự án đó của anh UV báo chí không thực hiện trong tờ KH…” [Viên Linh, “Giữa Tòa soạn và Bạn đọc”, Khởi Hành số 109, trang 15, ngày 17.6.1971]
 
Như được báo trước, số 101 đánh dấu “Bộ Biên tập thường xuyên mới”. Gọi là mới, nhưng ngoài những người đã có tên trong ban Trị Sự hay trong “Bộ Biên Tập Thường Xuyên” trước (được trả lương), chỉ thêm các Ủy viên như Ủy viên Âm nhạc, Ủy viên Hội Họa…những người tình nguyện thuộc Ban Chấp Hành và không thể có quyết định về biên tập (thuộc phần Báo chí của Hội).
 
Ủy viên Báo Chí Dương Hùng Cường được cộng vào với chức “Chủ bút”. Viên Linh phải thay đổi cách trình bày bìa với duy nhất tên Chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng. Dù vậy, Dương Hùng Cường không truất được bốn chữ “văn học nghệ thuật” hay không thêm được “Hội Văn-Nghệ-Sĩ Quân-Đội” vào bìa, thậm chí không được lên bìa cùng chủ nhiệm. Viên Linh vẫn được Hội giao phần vụ Thư ký Tòa soạn như trước. Nghĩa là, đúng như Viên Linh xác nhận, trước sau ông không có bổn phận báo cáo với ai, trừ Đại tá Chủ nhiệm và Ban Chấp Hành.
 
Tựu chung, nội dung vẫn không thay đổi. Khởi Hành không biến thành Diều Hâu, vẫn là một con công như cũ. Diều hâu có cái đẹp nhưng mỗi loài chim có cái đẹp riêng của nó. Khởi Hành vẫn tiếp tục chọn lựa bài vở theo tiêu chuẩn của Thư ký Tòa soạn, vô hiệu hóa chức vụ “Chủ bút” của Dương Hùng Cường. Trên thực tế, chức vụ “Chủ bút” của Dương Hùng Cương hữu danh vô thực. Viên Linh còn phản ứng bằng cách không giữ hoàn toàn cách trình bày bìa đã dùng từ số 1 đến số 99. Hơn thế nữa, từ số 101, có lúc mấy chữ “tuần báo văn học nghệ thuật ra ngày thứ năm”, thay thế tên ông, chễm chệ choán nửa trên bên phải, đúng 1/8 bìa báo, bằng khoản chữ Khởi Hành như một cách trả lời đề nghị “giảm bớt phần văn học, nghệ thuật” của Dương Hùng Cường:
 
khoihanh5
Khởi Hành, “Tuần báo Văn Học Nghệ Thuật-Ra ngày thứ năm”, 1972 - Tài liệu Lưu Đức & Viên Linh & Nguyễn Tà Cúc
 
Thời đó, song song với Khởi Hành, Viên Linh còn giữ phần Thư Ký Tòa soạn Nhật báo Tiền Tuyến do Thiếu Tá Chủ nhiệm Lê Đình Thạch chứng nhận vào ngày 1.1.1969, KBC 4778. Lê Đình Thạch thuộc “Bộ Biên tập thường xuyên” của Khởi Hành. Dù cấp bực thuộc hàng hạ sĩ quan, Viên Linh từng được Chủ nhiệm Trung tá Phạm Xuân Ninh và Chủ bút Trung tá Phan Lạc Phúc ủy quyền điều hành Tiền Tuyến thời hai vị này công du tại Đài Bắc trong khi Tiền Tuyến không thiếu anh hào như Đại úy Thanh Tâm Tuyền. Trung tá Phạm Xuân Ninh xác nhận sự kiện đó khi ông gặp tôi trong buổi ra mắt sách tại San Jose.
 
Bởi thế, Viên Linh cùng Bộ Biên tập và Ban Quản trị đã gây dựng được tới số 100 thì không dễ gì bị “đảo chánh” hay “chỉnh lý” nhân danh tập thể quân đội hay quân phiệt, dù nhỏ dù lớn. Ông có thể thua phiếu Dương Hùng Cường, nhưng vẫn quyết định một nửa số mạng của Khởi Hành. Người kia là Đại tá Chủ nhiệm.
 
Theo tôi, Ban Chấp Hành Hội Văn Nghệ sĩ Quân Đội bác bỏ bản Dự Thảo của Ủy viên Báo chí Dương Hùng Cường giản dị chỉ vì không đủ tài chánh, nhân sự và, trong vài trường hợp, không đủ khả năng hay thẩm quyền, còn vi phạm cả nền luật pháp lẫn quân pháp hiện hữu. Ai sẽ có khả năng thẩm định, chọn lựa thông tín viên địa phương hay xa hơn, phóng viên chiến trường là thí dụ cụ thể thứ nhất. Ai sẽ chịu trách nhiệm tài chánh để gánh vác Khởi Hành là thí dụ cụ thể thứ hai. Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội chỉ đại diện khoảng 300-hơn 500 hội viên trong khi Quân Lực VNCH lúc ấy phải khoảng gần 1 triệu lính. Hội viên không đóng niên liễm. Hội không có quyền hành và không được chính phủ trợ cấp. Hội hoạt động được nhờ sự đóng góp công sức và tài chánh một cách hoàn toàn tình nguyện của hội viên hay cảm tình viên. Trên hết thẩy và đây là lý do chính, theo tôi: Ban Chấp Hành và Ban Quản Trị biết rõ hơn ai hết không ai có thể thay thế nổi Viên Linh. Tôi còn có cảm tưởng, có thể không đúng, nhưng Dương Hùng Cường đã làm một số nhân chứng–mà tôi có dịp hầu chuyện–trong và ngoài quân đội không hài lòng với lối xử sự có vẻ “quân phiệt” với một tạp chí đang muốn chứng tỏ Văn Nghệ Quân Đội và Văn Học Nghệ Thuật là một.
 
Từ số 145, tên Viên Linh trở lại bìa, bìa trở lại cách trình bày như từ số 1 cùng một chi tiết quan trọng: địa chỉ tòa soạn lên ngay trên bìa.
 
TUẦN BÁO VĂN HỌC NGHỆ THUẬT RA NGÀY THỨ NĂM
TÒA SOẠN: 225-227 PHẠM NGŨ LÃO, SAIGON – ĐT : 25-863
CHỦ NHIỆM: ANH VIỆT TRẦN VĂN TRỌNG & LIÊN LẠC BÀI VỞ: VIÊN LINH
 
Chi tiết “địa chỉ tòa soạn lên ngay ngoài bìa”, có thể không quan trọng với độc giả, nhưng với Dương Hùng Cường hay những “ai-khác” (lời Đại tá Chủ nhiệm, nói với tôi), sự kiện này rất có ý nghĩa. Đó là dấu hiệu công khai cho thấy tuần báo Khởi Hành, ít nhất trong Chặng 2/ Thư ký Tòa soạn Viên Linh, không bao giờ nhận ngân quỹ từ chính phủ và sử dụng nhân sự của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội, trừ những người phụ trách công việc tại tòa soạn được Đại tá Chủ nhiệm tùy nghi trả lương. Có, Khởi Hành có đặt tòa soạn tại trụ sở Hội tại “72 Nguyễn Du, Sài gòn” vào Chặng 1 và Chặng 3 như tài liệu thượng dẫn cho thấy, nhưng không bao giờ cho Chặng 2.
 
nghidinh
“Trụ sở Hội Văn-Nghệ-Sĩ Quân-Đội đặt tại 72 đường Nguyễn Du Saigon” - Nghị định cho phép Hội Văn-Nghệ-Sĩ Quân-Đội thành lập, 1970
 
Sự kiện này càng rõ ràng hơn khi Chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng lập lại lời Thư ký Tòa soạn Viên Linh (số 94), cũng ngay trên bìa, số 145. Thật vậy, họ đã khởi đi từ nhiều “con số không”:
 
[…] Người đọc và người viết chúng ta đã nuôi dưỡng được không phải diễn đàn này, mà một sinh khí linh hoạt cho văn nghệ trên diễn đàn này–tuy là do Hội Văn nghệ Sĩ Quân Đội chủ trương (với bổn báo chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng làm Chủ Tịch Hội), nhưng đó là một chủ trương không nằm trong một khuôn khổ một đường lối cứng ngắc nào, mà ngược lại, tự do. Từ tự do, mọi quan niệm đã được phát biểu […] Chúng tôi công khai nói ở đây, tờ báo này không hề nhận một nguồn trợ cấp tài vật nào hết, nhưng nó vẫn sống […] Không có số độc giả yêu mến ba năm qua, KH đã chết. Chính là độc giả đã giữ tờ báo này […] Đấy là những lời tâm huyết của những người đã và đang làm tờ KH, với số vốn khởi đầu và bây giờ, trước sau chỉ có lối ba trăm ngàn đồng. Với báo thương mại, người ta khuếch đại số vốn. Với báo văn nghệ, chúng tôi nói sự thật, với hãnh diện.” [Bìa, Khởi Hành số 145, thứ năm ngày 23.3.1972-Năm thứ tư]
 
Kèm với bìa có địa chỉ tòa soạn và tên Viên Linh xuất hiện trở lại là một dấu hiệu khác: hội viên cũng phải mua báo từ số 147.
 
Khởi Hành đình bản vào số 156, thứ năm ngày 8 tháng 6 năm 1972.
 
Lý do nào khiến một tuần báo văn học nghệ thuật thành công như Khởi Hành-Sài gòn phải đình bản?
 
hinhanhnhavan
Từ trái sang phải: Đại tá/nhà thơ Cao Tiêu, Cục Trưởng Cục Tâm Lý Chiến, Quân Lực VNCH, Trung Tá/nhà thơ Hoàng Ngọc Liên, Tổng Thư ký Hội Văn Nghệ sĩ Quân Đội, thành viên “Bộ Biên Tập Thường Xuyên”, Khởi Hành-Sài gòn, Nguyễn Tà Cúc, Thư ký Tòa soạn Khởi Hành-Hoa Kỳ, Nhà thơ Viên Linh, Thư ký Tòa soạn Khởi Hành-Sài gòn &Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Khởi Hành-Hoa Kỳ - (Little Sài gòn, Thành phố Westminster, khoảng những năm 2000)
 
Tôi có thể nói ngay rằng sự đình bản ấy không liên quan đến Tổng Cục Chiến tranh Chính trị vì Khởi Hành không vi phạm luật lệ báo chí hay quân pháp. Trung tướng Tổng Cục Trưởng Trần Văn Trung đã không can dự vào chuyện nội bộ của một tờ báo quy tụ quá nhiều anh hào văn nghệ Sài gòn, sau khi được Đại tá Chủ nhiệm trình bày về cơ cấu tổ chức tự lực cánh sinh. Khởi Hành đủ sức cạnh tranh với các tạp chí văn học nghệ thuật ngoài quân đội như Văn, lại càng ngoài phạm vi của Tổng Cục về cả nhân sự lẫn tài chánh. Tôi đã có dịp liên lạc với Trung tướng Trần Văn Trung vào năm 1997 và vẫn còn giữ thư và phong bì của ông gửi cho tôi từ Pháp.
 
Nhiều “anh lính già” (mượn chữ của Văn Quang)-kiêm-độc giả Khởi Hành-Hoa Kỳ đã băn khoăn hỏi tôi về những tin đồn như Khởi Hành-Sài gòn từng bị kiểm duyệt, bị tịch thâu. Khó hiểu hơn nữa, Viên Linh còn dám đăng thơ chán-chường-cuộc-chiến của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn lên bìa mà không bị xung ra tiền tuyến (không phải nhật báo Tiền Tuyến). Tôi giải thích:
 
“Làm gì có chuyện tịch thâu kiểm duyệt phối hợp nghệ thuật bài của Binh Méo Cai Tròn [12] khi bài “phản chiến” của Đại tá Chủ nhiệm hiên ngang trên bìa với bốn chữ “Văn Nghệ Quân Đội” cũng hiên ngang không kém?!”
 
khoihanh6
“…mà văn nghệ sĩ chỉ tạo thú tiêu khiển cho người đời trong giây lát…để rồi khi tàn cuộc…còn lại gì đâu? Những danh từ ‘Tạo dựng đất nước’- ‘Cải tiến xã hội”-“Tranh đấu chống bất công’  v.v…chỉ là những tiếng gào tuyệt vọng của những người làm văn nghệ chân chính trong đại dương mênh mông.”
Chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng, Văn Nghệ Quân Đội “Thoáng qua” - Khởi Hành số 92, ngày 17.2.1971
 
Hoặc Dương Nghiễm Mậu chê đích danh Tướng không quân (tôi không viết nhầm chữ “Không” thành chữ “k” không hoa) Nguyễn Cao Kỳ:
 
Trở lại với lời tuyên bố của tướng Kỳ, tướng Kỳ là một người thích nói, tôi nghĩ ông thích nói, thích hoạt động hơn là suy nghĩ, vì thế tôi tin tướng Kỳ chẳng có mấy cơ hội đọc sách, nhất là về văn chương…” [Dương Nghiễm Mậu, “Tại sao không có một tác phẩm cho người chiến sỹ ngoài mặt trận, và vắng tiếng hát cho cuộc chiến này?” Khởi Hành số 85, ngày 24.12.1970, trang bìa trước và sau]
 
Các “bà lớn” cũng không được giảm khinh. Hết Mặc Đỗ phân vân:
 
[…] những mệnh phụ đầu tóc quá to, quần áo quá đẹp đi thăm thương binh, không nói lên được gì hết đối với đông đảo những người biết thông cảm với người lính…”[sđd]
 
lại tới Bình-nguyên Lộc nhận xét về chuyện “bà lớn” không đọc sách, y như Tướng Kỳ:
 
Cho tới chừng nào mà trong một bữa cơm đãi khách của ta mà một bà chủ nhà có phận sự điều khiển câu chuyện, bà ấy đá động đến một tác phẩm văn nghệ thì chừng ấy văn nghệ của ta mới lên được, chớ nếu họ chỉ biết tên có cô Thanh Nga mà không biết có họa sĩ Duy Thanh trên đời này thì đừng mong gì cả. Quý vị cứ thử điều tra kín đáo xem trong xã hội ta, có bao nhiêu bà lớn thuộc một bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan, có bao nhiêu bà lớn biết Bà Huyện Thanh Quan là ai, mặc dù mỗi ngày họ mỗi lái xe chạy trên con phố tên là phố Bà Huyện Thanh Quan. Quý vị sẽ kinh ngạc hết sức mà thấy rằng số người biết thật là quá ít…”[Bình-nguyên Lộc, “Bà lớn và văn nghệ”, Khởi Hành số 155, trang 10, ngày 1.6.1972]
 
Tôi phải mạn phép độc giả mở ngoặc ở đây, bằng không sẽ bị tưởng lầm “im lặng là hoàn toàn công nhận”. Trước hết, tôi hơi ngạc nhiên với lời bàn-Mặc Đỗ. Phụ nữ, nhất nhất các mệnh phụ, không “quần áo quá đẹp” thì coi sao đặng? Nghĩ mình phương diện quốc gia/Quan trên trông xuống người ta trông vào [Nguyễn Du]. “Đầu tóc quá to” thì không phải chỉ các mệnh phụ Miền Nam, mà cả thế giới thời đó rất thịnh hành kiểu tóc đánh bồng.
 
Phần khác, tôi phải nhận Bình Nguyên Lộc nói đúng, dù có khắc nghiệt một chút. Đại đa số chị em bạn tôi không biết ông Duy Thanh là ai. Họ cũng không đọc nhiều. Nhưng hầu như tất cả, kể cả tôi, đều mê Thanh Nga.
 
Tuy vậy, tôi cố ý trích một đoạn trong bài Dương Nghiễm Mậu nhắm chứng minh loại tin Khởi Hành-Sài gòn có lần bị tịch thâu hay kiểm duyệt là tin vịt. Tạp chí này, cũng như nhiều tạp chí khác, đăng tin “vuốt râu hùm” như “Tướng Kỳ chẳng có mấy cơ hội đọc sách, nhất là về văn chương” mà không hề hấn nhờ tình trạng tương đối tự do lúc ấy. Tuy dưới trướng vắng quân, nhưng tướng quân như Tướng Kỳ trong thời chiến luôn có quyền hành. Ông đã không phản ứng.
khoihanh7
Thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ (mang tiếng chẳng có mấy cơ hội đọc sách, nhất là về văn chương) tiếp kiến Đại tá Anh Việt Trần Văn Trọng, Chủ nhiệm báo văn chương Khởi Hành
 
Tuy nhiên, để công bằng cho Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, tôi phải kể một kinh nghiệm cá nhân. Có lần tôi được dự một bữa ăn tối tại nhà một “bà lớn”, thân mẫu một cô bạn. Ông Kỳ đến muộn với bộ râu ghi-đông điển hình dân Không Quân. Khi nói chuyện với “các cô bé”, ông nhắc đến mấy nhà văn đương thời. Nếu Mai Thảo không được gọi là “văn chương”, chắc Dương Nghiễm Mậu cũng chẳng thể. Ông khuyên chúng tôi học ngoại ngữ, ít nhất một ngoại ngữ (Anh ngữ), phòng trường hợp các cô may mắn thành “bà lớn” thì biết tiếp chuyện các “bà lớn ngoại quốc”.
 
Chung quy, sở dĩ có những tin vịt về Khởi Hành vì thời chiến vẫn có những thứ huyền thoại nhân tạo, đôi khi không hẳn cố ý. Khoảng cách quá xa của cấp chỉ huy khiến loại công việc “vì đám đông nhưng không thể giải thích cho đám đông” là nguyên nhân khiến một việc tuy rất giản dị biến thành bí ẩn bất ngờ. Tôi sẽ viết về đoạn kết của Khởi Hành-Sài gòn trong một nghiên cứu đầy đủ hơn, đúc kết với tài liệu và nhân chứng như nhà văn Đặng Trần Huân. Ông cho tin tức thêm về Khởi Hành-Sài gòn, và kinh nghiệm của ông trong chương trình H.O. mà tôi muốn tìm hiểu vì liên quan đến một số văn nghệ sĩ bị cầm tù Miền Nam.
 

nguyentacucNhà văn/Thiếu tá Tâm lý chiến Đặng Trần Huân, trong Bộ Biên tập Khởi Hành– Sài gòn hàn huyên với Nguyễn Tà Cúc, Thư ký Tòa soạn Khởi Hành-Hoa Kỳ, California

Khởi Hành-Sài gòn Chặng 2/Viên Linh lưu lại sáng tác, các cuộc phỏng vấn từ văn hóa đến văn chương, cung cấp tài liệu về sinh hoạt sáng tác văn nghệ thời đó, trong hay ngoài giới kaki. Ngay cả mục “Thời sự Nghệ thuật” do Dương Trữ La phụ trách cũng đầy bất ngờ vì ông vốn là nhà văn nên sẵn có quan sát tinh tế hầu giúp việc chọn lọc tin tức thời sự. Đó là lý do ông sẽ đảm nhận Giai phẩm Khởi Hành/Chặng 3.
 
Nhân đây, tôi xin cảm ơn anh cựu sĩ quan Lưu Đức, người có tên trong phần tài liệu của Khởi Hành-Sài gòn. Sau 1975, không nệ khó khăn, bà thân mẫu và gia đình giữ được hầu như toàn bộ. Anh nhập cư Hoa Kỳ, Bộ Khởi Hành theo anh đến Tòa soạn Khởi Hành-Hoa kỳ đúng ngày 26 tháng 4. 2000. Anh tặng lại Viên Linh đoạn cho phép tôi sử dụng. Tôi bổ sung những số thiếu bằng cách mượn từ các đại học Hoa kỳ khi trở lại Penn State University năm 2008. Tết năm nay, anh gửi thêm 2 số Khởi Hành/Chặng 1. Không có anh, chắc chắn tôi sẽ không thể hoàn thành được phần nghiên cứu về Khởi Hành-Sài gòn một cách chính xác. Tôi có thể copy lại nguyên bộ tại đại học Hoa Kỳ, nhưng được chính mắt chính tay chạm vào những trang báo in cách đây hơn nửa thế kỷ là một nguồn sống giúp tôi hăng hái và thêm cảm hứng. Nhờ đó, tôi đã có 20 năm suy ngẫm về mấy vấn đề liên quan đến Khởi Hành-Sài gòn và, quan trọng hơn, tìm hiểu kịp thời khi nhiều nhân chứng còn tại thế, nhờ vào bộ báo vô giá mà anh trao tặng cách đây đúng 22 năm. Trân trọng cảm ơn anh và gia đình anh, một lần nữa.
 
(Còn tiếp)
Nguyễn Tà Cúc
 
Chú thích và Phụ lục:
 
10) Thiếu tá Không quân/Ca sĩ Sĩ Phú, https://www.youtube.com/watch?v=nh4C1UZVx4k
 
11) Tuần báo “Diễn Đàn-Ra ngày thứ bảy” là cơ quan ngôn luận của “Liên Minh Á châu Chống Cộng” với Chủ nhiệm Trần Như Thuần. Thoạt đầu, Hội nhờ người mời Mặc Đỗ điều hành. Ông thuật lại tự sự trong một bức thư cho tôi vào tháng chạp năm 2012, rằng đã mời họa sĩ Tuýt (Ngọc Dũng) vẽ biếm họa cho tờ báo. Sau một thời gian, tờ báo bị thất thu nặng. Trần Như Thuần báo cho Mặc Đỗ biết sẽ phải nhờ Viên Linh thay thế. Họa sĩ Tuýt và số nhân viên biên tập khác theo Mặc Đỗ ra đi. Chủ bút Viên Linh tình cờ tìm được họa sĩ Nguyễn Hải Chí, đặt tên, tạo được bước đầu của CHÓE. Từ đó, sau và trong khi xuất hiện trên Diễn Đàn và nhất là Khởi Hành, CHÓE cộng tác với nhiều báo khác như nhật báo Hòa BìnhSóng Thần vv. Tôi đã viết kỹ về CHÓE trong một bài đăng trên Khởi Hành, nhưng đoạn trên đây ít nhất có thể giải thích tại sao có bức thư “Đời tôi với Khởi Hành” CHÓE gửi cho Viên Linh.
 
12) Văn Quang, Quản Đốc Đài Phát thanh Quân Đội, giải thích về chương trình “Binh méo Cai tròn”:
[…] Chương trình “quân nhân học tập” đã được khai sinh ở Ðài Phát thanh Quân Ðội (ÐPTQÐ) từ những năm 67-68. Chương trình này do hai nghệ sĩ Phi Thoàn và Khả năng phụ trách và là một trong những chương trình “ăn khách” nhất của Ðài PT Quân Ðội, cũng như một số chương trình đặc biệt khác như Dạ Lan, Nghệ sỹ với chiến sỹ… Hầu hết anh em trong quân đội và gia đình họ rất thích nghe hai ông Binh méo và Cai tròn “tán dóc”. Dĩ nhiên là “tán dóc” trong một chủ đề đã được chọn lọc để phổ biến một đường lối, chủ trương nào đó của quân đội, tránh hình thức học tập khô khan. Nhờ vậy nó chuyên chở được hầu hết bài học mà người lính cần hiểu và hiểu sâu sắc hơn.
 
Ai là Binh méo, ai là Cai tròn?
 
Hai nhân vật chính của chương trình này, một người là Phi Thoàn đóng vai “Binh méo”, một người đóng vai “Cai tròn”. Nhìn bề ngoài lúc đó anh Phi Thoàn gầy gò nên cái biệt hiệu Binh Méo dành cho anh bên cạnh diễn viên Khả Năng, tướng người to cao nên được tặng biệt danh là “Cai Tròn” rất đúng điệu. Cũng có người ví hai anh như Laurel & Hardy trong những phim của vua hề Charlot. Binh Méo và Cai Tròn rất quen thuộc với các sân khấu kịch quân đội và người lính suốt nhiều năm qua. Thậm chí khi các anh đi diễn những “sô” ở các rạp hát, rạp chiếu bóng ngoài phạm vi quân ngũ cũng có nhiều nơi yêu cầu các anh diễn theo phong cách này đủ chứng tỏ ảnh hưởng của hai vai diễn này rất mạnh….
 
[Văn QuangLẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự , số 54, “Vĩnh biệt ‘Binh méo, Cai tròn’”]
 
Nguồn: https://damau.org/73832/nh-van-trung-t-tm-l-chien-van-quang-trn-hnh-trnh-cng-van-nghe-qun-doi-viet-nam-cong-ha-phan-ii