"Em Phượng! Anh không hẹn cùng em nhưng một ngày kia cánh chim bao giờ cũng quay về tổ cũ... Học ngoan đi em Phượng... chúng ta mới vừa đến ngưỡng cửa của cuộc đời. Anh hy vọng rằng mai sau nếu có giông tố anh đã trở về nhà để cùng qua với em"
Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh viết cuốn Đời Phi Công, chín lá thư tưởng là tình yêu đôi lứa nhưng ẩn sau là tình yêu đất nước, khuyến khích thanh niên tòng quân vô binh chủng Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, hay các tân sĩ quan Võ Bị Đà Lạt Trừ Bị Thủ Đức thuyên chuyển qua "Hào hoa nhất lính Không Quân".
Gia đình tôi có hai lính Không Quân nên quyến luyến binh chủng Không Quân. Năm 1955, từ Saigon anh Hai đăng lính Không Quân cấp bực Binh Nhì, đi học ở Salon de Provence miền Nam nước Pháp nơi Thiếu Úy Nguyễn Xuân Vinh vừa vặn mãn khóa trở lại quê nhà. Quí Binh Nhì học ôn Sử-Địa/Toán-Lý-Hóa 6 năm Trung Học (tương đương Tú Tài I), thi cuối khóa hết sức gắt gao: 16 điểm gửi học lớp Cao Đẳng, 12 điểm học lớp Sơ Đẳng, 10 điểm Tây cúi rạp người mời Binh Nhì về nhà bò, vì lái hay sửa máy bay là nắm trong tay sinh mạng và tài sản cực kỳ to lớn.
1957 anh Hai học xong về Saigon quà cho em là búp bê Bella-mắt nhắm mắt mở. Mỗi ngày anh phóng vVespa đi làm phi trường Biên Hòa, một hôm mang về cuốn Đời Phi Công. Mới vô lớp Đệ Thất Trưng Vương niên khoá 1959-1960, tóc bum bê mực tím đổ đầy vạt áo trắng tôi đọc dần dần cũng biết bên kia vỹ tuyến 17 là "màu hoe vàng của đồng lúa chín, mùi cốm thơm xanh như hương thơm mái tóc, và ánh mắt ngây thơ..."
Nhưng không hiểu lắm nhớ thương trải suốt nửa mảnh tinh cầu chàng phi công gửi cho cô Phượng, anh là... "hiệp sĩ không trung, là gió sông hồ kết hợp và em vẫn là người em gái của ngày xưa. Anh đã xa em bởi lẽ tình trai còn nặng nhiều vì sông núi..." Hiệp sĩ này nếu không đu dây như Tarzan cũng bay vù vù như Aladin và Cây Đèn Thần?
Năm 1945, nữ sinh Trưng Vương Hà Nội rời trường chạy tản cư tơi tả, sau 1954 có chị bị đuổi học, ai may còn được học thì một năm chỉ được mua ba mét vải, cơm độn cũng không đủ ăn, tuổi mười bảy mười tám bị cái án "tam khoan" thiến hết nguồn hạnh phúc "khoan yêu-khoan lấy-khoan đẻ", khe khẽ hát nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn bị bố mẹ lừ mắt bắt im kẻo bị kiểm điểm. Thương các chị để đâu cho hết!
Cùng thời, nữ sinh Trưng Vương miền Nam khác xa lơ xa lắc: áo dài áo ngắn điệu đà ăn hàng như thuồng luồng ba ba tay phải bánh cuốn đu đủ bò khô tay trái bánh bò chuối nướng thỉnh thoảng giả vờ "em ngồi bên song cửa" nhưng léng phéng em rút ngay song cửa anh đứng tựa tường hoa mau mau chuồn mất.

Đệ Nhị, sân trường Trưng Vương 1965 Cẩm Hằng, Kim Chung, Vĩnh Tường
Chúng tôi cũng hát Hòn Vọng Phu
"Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn
Vui ca lên rồi đi tiễn binh ngoài ngàn"
Vui ca lên rồi đi tiễn binh ngoài ngàn"
nhưng không sầu đau vì cô giáo Dương Nguyệt Lãng cũng dạy
"Trời hồng hồng sáng trong trong ngàn Phượng rung nắng ngoài song"
Nhất là có Đời Phi Công cũng tràn đầy hoa Phượng, nắng gió cùng hy vọng.
... "Viết thư này anh đã ở xa em muôn vạn trùng dương. Em cũng như tất cả những người thân tình, cũng như tất cả những người dân Việt chắc hẳn phải đồng ý rằng nước nhà cần có đủ mọi ngành quân lực. Đường đời muôn vạn nẻo anh đã chọn lấy một hướng, dù gian nan muôn trùng anh cũng sẽ mỉm cười dấn bước."
Khi Đời Phi Công in tới lần thứ sáu, biết Toàn Phong chính là Trung Tá Tư Lệnh Không Quân 28 tuổi thì các cô mơ màng con cá vàng tưởng mình là Phượng. Chàng hiệp sĩ không trung Nguyễn Xuân Vinh không ngờ là nữ sinh soi bóng trong từng trang giấy.
..."Anh biết trả lời sao được vì có bao giờ anh hỏi vì sao em đẹp. Sao ánh mắt em trong như ánh pha lê để anh thấy nhớ nhung ở khắp bốn phương trời. Và sao tên em lại là Phượng"
Nữ sinh Đệ Thất Đệ Lục mang máng hiểu rằng có một đất nước để yêu nên tối tối chăm chỉ học bài không chờ mẹ nhắc.
Nữ sinh Đệ Ngũ đang chạy ầm ầm thình lình khép tà áo trắng giả bộ dịu dàng nhỡ hiệp sĩ không trung từ trên cây nhảy xuống nghiêng mình... "Biết bao giờ các anh mới có thể mỉm cười bình thản giới thiệu mình: Thưa tôi là phi công của đất nước"
Nữ sinh Đệ Tứ mừng có tin vui... "Phượng, Anh đã tới Marseille từ chiều hôm qua sau suốt một ngày và một đêm lênh đênh trên mặt sóng"
Nữ sinh Đệ Tam len lén tô chút son cho ngọt môi kẻo lỡ cung đường,.. "Em Phượng! Giông tố bao giờ cũng đến giữa cuộc đời. Mang thân làm cánh chim, ai ra đi cũng hẹn có ngày trở về tổ ấm. Thân phi công có bao giờ dám lỡ một cung đường!"
Nữ sinh Đệ Nhị tưởng mình là Phượng kiếp trước kiếp này và cả kiếp sau... "Dù cho dĩ vãng đã tàn phai đi như xa muôn kiếp, anh sẽ nhìn em say đắm như thầm hẹn"
Nữ sinh Đệ Nhất liều lĩnh yêu người... "Mang tấm thân đùa với nguy hiểm, bình thản cho cuộc đời trôi trong ghế lái rồi nói với thiên hạ tôi là một phi công không tên tuổi, tháng ngày trôi theo mây trời"
Về sau mới biết tác giả giã từ Hà Nội năm 1952 đi Pháp học mang theo màu hoa Phượng, Hải Phòng quê hương.
Đời Phi Công nổi tiếng đến nỗi năm 1961 Le Journal d'extrême-orient giới thiệu và báo Denver Post dịch một phần nhan đề The Eagle's Wing-Cánh Đại Bàng. Năm 1962, Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh xin giải ngũ để đi Mỹ học hoàn tất giấc mơ không gian.

Không bao giờ ngờ hơn nửa thế kỷ sau, 4 giờ chiều ngày 19/7/2022 tôi được đứng trong phòng làm việc của ông, uy nghiêm lá cờ hai quê hương Việt-Mỹ ông tôn thờ phục vụ. Học trò Chu Văn An, Pétrus Ký, Michigan... đầu tóc muối tiêu quây quần cầm tay thầy tóc trắng, bàn tay đã "hợp soạn với bác học Đức và giáo sư Mỹ về lý thuyết thu hồi phi thuyền không gian vào bầu khí quyển để hạ cánh an toàn"
Không bao giờ ngờ, tôi đọc cho ông nghe thuộc lòng tinh khôi như trang giấy
... "Phượng! Anh đã tới miền hoa hồng muôn thuở nhưng không phải tới để ngắt một cành hoa mà tới chỉ vì kiếp đời trôi giạt... Ôi, đời phi công tươi đẹp. Mây đường trường trôi mải miết. Ánh tinh cầu ẩn hiện những đêm trăng mờ..."
Phiến Đan, người vợ tấm mẳn kém ông gần 30 tuổi gá nghĩa năm 2009 sau khi hiền thê của ông qua đời. Phút cuối đời, chiến sĩ vẫn lụy giai nhân "Sát lại gần anh cho ấm, cho anh cầm lấy bàn tay ân cần..." Phiến Đan âu yếm từng muỗng sữa từng viên thuốc sắp xếp chu toàn cho đồng nghiệp NASA, chiến hữu các binh chủng và học trò xa gần đến thăm ông. Căn nhà Costa Mesa xinh đẹp đầy hoa thoắt biến thành khung trời Saigon. Nguyễn Tường Tâm nghiêm trang "Cảm ơn Phiến Đan, tổ quốc ghi công"

Photo Nguyễn Tường Tâm 19/7/2022
Định mệnh nước Việt đầy tân khổ "không đánh giặc thì đánh nhau" khiến cuộc đời dân Việt cũng éo le không kém. Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh sanh năm 1930 ở Yên Bái, sau nhà thơ Quang Dũng-đôi mắt người Sơn Tây (1921-1988) chỉ chín năm, nhưng ở miền Nam đôi mắt người Yên Bái không u uẩn mà hướng tới một định mệnh siêu việt: khoa học gia không gian NASA áp dụng "Công Thức Du Hành Vũ Trụ của Vinh-Vinh's Universal Entry Equations" đưa phi thuyền bay tới mặt trăng... "khi bay trở về bầu khí quyền nếu góc bay của phi thuyền gần thẳng góc với bề mặt trái đất thì tốc độ cực kỳ lớn của phi thuyền sẽ tạo lực ma sát cực kỳ lớn với bầu khí quyển khiến phi thuyền có thể bốc cháy khi lọt vào bầu khí quyển..."

Một trăm năm sau biết có một Nguyễn Xuân Vinh như thế! Trường Trưng Vương một trăm năm sau biết có hay không? Giờ nam nữ học chung chemise trắng jupe xanh quần xanh giống trường Tàu cấm hát hiệu đoàn ca
Trưng Nữ Vương! Nước non còn đó
Giống Lạc Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông!
Giống Lạc Hồng quyết kiên lòng bồi đền non sông!
Chúng tôi cầm tay ông lần nữa. Chẳng bao lâu nữa chiếc ghế trong phòng làm việc sẽ trống trơn đợi chờ vô vọng chủ nhân.
Ngày 23/7/2022, 2:39 phút, phi công Nguyễn Xuân Vinh bay phi vụ cuối cùng vào không gian vô tận.
Di sản ông để lại, ước tính hơn 1.000 kỹ sư hàng không vũ trụ theo học ông giờ vẫn đang nối tiếp "phong cách lịch lãm và cách tiếp cận độc đáo của ông đối với cơ học bay vào vũ trụ", nhưng NASA không tính nổi tình yêu đất nước ông trao cho thế hệ Saigon.

Đường ngược đường xuôi… Nhớ nhau vì chuyện đầu môi
Tạm biệt một nơi… Thấy nhau ở cuối chân trời...
Tạm biệt một nơi… Thấy nhau ở cuối chân trời...
Nữ Sinh Trưng Vương Saigon tạm biệt ông.
Vĩnh biệt trường Trưng Vương ngày ấy.
Vĩnh biệt trường Trưng Vương ngày ấy.
Trần Thị Vĩnh Tường
California Aug. 2022
California Aug. 2022