
Đọc thơ Phạm Hiền Mây, tôi nghĩ giới thưởng ngoạn đã và sẽ có hai nhận xét:
Một, xem thơ Phạm Hiền Mây là một hiện tượng tài hoa trong đông đảo thi sĩ Việt Nam. Sự tài hoa nằm ở chỗ, viết nhiều, xuất bản liên tục và chủ yếu, thơ của Mây giàu có tính nghệ thuật thi ca.
Hai là thơ của Mây đẹp. Đẹp nhờ tác phẩm của song thân cô ấy, qua các ảnh chụp người nữ sĩ làm thơ, được chính cô chưng khá nhiều trên facebook lâu nay.
Tôi có thoáng nghe chuyện nhiều ông thần mê sắc, xúm vào ngợi ca hương thơ thay vì tụng sắc của tác giả. Người ta nghi lối "ngụy trang che giấu" rất chiến thuật kiểu quân trường. Trong những người này, đi đầu có tôi không khỏi bị ngờ vực, bởi tôi đã chơi vần vè để thực hiện ý đồ ve gái? Không dại gì minh oan nhưng nói cho ngay thật, cá nhân tôi không có mưu toan như vậy. Làm ít câu vè thay vài dòng comments với tôi là thói quen; thuần túy khi gặp thơ đọc được, hiểu được, thông cảm được, thì ba hoa ăn theo trong lúc khan hiếm ý tưởng, cạn đề tài, vậy thôi, dừng ở đó. Sự ngưỡng mộ chia sẻ này tôi đã gởi đến nhiều người bất kể phái đẹp hay phái mạnh.
Viết về thơ Phạm Hiền Mây qua các thi phẩm đã ấn hành, có khá nhiều cây bút rực rỡ thành danh, cụ thể như: Đặng Tiến, Khánh Trường, Du Tử Lê, Nguyễn Vy Khanh, Cao Thoại Châu, Nam Dao, Trần Vấn Lệ, Đào Hiếu... . Những vị có uy tín trong làng chữ nghĩa, văn học như nhà giáo, Nguyễn Thị Dư Khánh, Nguyễn Văn Hòa… .
Nhờ lười đọc, tôi có thêm một may mắn là hầu như chưa đọc tất cả những bài viết trên, ngoài những đề bài. Ngay đến thơ của Phạm Hiền Mây, thú thật, tôi chỉ mới đọc trọn vẹn chừng hai mươi, ba mươi bài, trong số thơ gần như mỗi ngày mỗi có, được phổ biến trên sân sinh hoạt chung, gọi là căn nhà FB. Một thời gian sau, khi thơ đã lên dạng sách, thi sĩ có gởi cho tôi các thi phẩm từ nhà xuất bản Nhân Ảnh ấn hành tại Hoa Kỳ. Nhận được sách tôi mau lẹ cảm ơn, nhưng trong lòng còn nặng một lời xin lỗi. Sao vậy? Vì tôi vẫn chưa đọc kỹ thơ của người nữ có sắc; chưa hiểu được tâm sự của người em gái, con người dưng, gửi gắm qua thơ. Gọi là em gái ở đây cho ấm áp thân tình, và hữu lý khi vịn vào sự giàu có năm tháng sống của tôi nhiều hơn, không vì một lý do gì khác. Phân trần vốn không cần thiết và vô duyên nhưng tính tôi vốn rườm ra vô ích như vậy, không muốn bỏ.
Người bị đem thơ mình ra đọc, ba hoa nói này nói nọ, hẳn sẽ bớt bực mình nếu biết chút ít về người không ai biểu lắm lời đó, nên tôi không bỏ lỡ cơ hội, khoe về "cái tôi" vốn rất vĩ đại của mỗi người trong tất cả chúng ta.
Tôi là người làm thơ lâu năm, thuộc dạng "thâm niên tư vụ", dở hay tùy bạn đọc. Có điều chắc chắn đã đủ để tự xưng là một Thợ Thơ thứ thiệt. Những người làm thơ chắc chắn chưa ai có gan dạ tự xưng như vậy. Tôi đánh giá chính xác mình, không phải lập dị, không cố tình chơi nổi. Các bạn đọc cũng có thể ngẫm ra được, nếu có ghé mắt đến tên gọi tôi.
Đã là một thợ thơ, tôi có thể hiểu được ít nhiều sự hay dở của thi ca, Nhưng trước đây tôi có quan niệm: người làm thơ không nên nhận xét về thơ người khác, hạn chế đọc thơ người khác cũng là điều nên làm. Mãi đến năm 2010, tôi bỗng gặp hứng thú bất ngờ đọc và viết về những Phan Duy Nhân, Hoàng Lộc, Thái Tú Hạp, Thành Tôn... cùng một số nhà thơ khác. Tám năm sau, 2018, tôi lại tiếp tục vẽ vời thêm nhiều chân dung thơ khác nữa. Có vẻ như hai tập Theo Gót Thơ chưa trình làng đủ những gương mặt thơ tôi yêu thích. Phạm Hiền Mây có thể là một khởi đầu cho tôi tiếp tục theo gót thi ca. Sự khởi đầu hy vọng không phải là một tình cờ.
Cũng xin thưa ngay, những gì sẽ viết tiếp theo đây không phải là một viên gạch lót đường, dẫn đến trọn vẹn một thi phẩm nào khác của Phạm Hiền Mây. Dù tôi vẫn viết nghiêm chỉnh trong những đồng cảm tìm gặp sau khi chỉ đọc đôi ba bài. Sự hạn chế này khó nói lên tính cách tiêu biểu của một nhà thơ vốn có sức viết mạnh và đã có một gia tài tác phẩm đang đứng vững trong làng chơi thơ. Tôi luôn chú trọng đến cái đẹp, nói đến cái đẹp. Dành một ít thời giờ viết lếu láo trong chân tình cũng là cách cảm ơn quý nhất gởi đến người tin mến tặng sách, đơn giản chỉ là vậy.
Thưa với bạn, gần đây tôi đang dựa vào bốn chữ "Thơ Tân Hình Thức" đang lẫy lừng phát triển theo trào lưu, để nhại ra cái tên Thơ Tân Nội Dung. Đây chỉ là cách tự mình nói chơi, không phải mơ mộng chủ trương. Tuy nhiên việc "tân nội dung" vốn có thật, từ rất xưa. Điều khó khăn này có vẻ tôi chưa làm được nhưng thi sĩ Phạm Hiền Mây đã rất nhuần tay. Mời đọc bài thơ có tên Đi Ở:
anh ở trời hồng anh đi trời tím
giữa trưa mà nắng xám rất màu đông
giữa phố mà hiu hắt tiếng như không
tàn khô lá bốn mùa giăng ngõ vắng
tàn khô lá vỡ giòn khung cửa trắng
ở đi anh vương vấn cội xương nằm
cánh hoa yêu lưu luyến chuyện trăng rằm
rằng chốn ấy bồng lai từng tiên cảnh
rằng chốn ấy chẳng bao giờ ảo ảnh
chẳng mòn chờ mỏi đợi ánh mơ khuya
ở đi anh con sáo mộng buồn kia
ngày chớm hết nhịp cầu đêm chưa nối
ngày chớm hết đêm rụt rè ôm tối
gió qua bờ sóng đãi phút bình yên
bóng em ngồi trong thiêm thiếp niềm riêng
nghe giọng sáo hót tơi bời đi ở
nghe giọng sáo ở đi đời dang dở
lãng quên thành quách bụi cát hồi sinh
hỏi nhau tình xưa ấy có bình minh
hay sớm nước đã chiều trôi lòng lịm
đã lặng lẽ buồn chưa hoàng hôn phím
nẻo vội sầu
đi ở
khói vào mây… .
Ghi nhận trước nhất, thơ thuộc dạng thuần chất vần điệu quen thuộc. Những người viết thơ mới, thường đánh giá thơ này là thơ cũ rích, nặng lời hơn chút nữa là cùn mòn, lỗi thời.
Ghi nhận thứ hai, thơ có nội dung mới. Mới chỗ nào? Mới ở chỗ nội dung thật đơn giản, không đưa ra một vấn đề gì to lớn, không cho thơ mang một mục đích, thông điệp nào, không dựa vào chất liệu thời sự bài viết để dễ phổ biến rộng, mau nổi danh. Mới ở chỗ thơ ấm áp chất thơ với những bâng khuâng, buồn buồn, nhớ nhớ, lâng lâng… . Sự rung cảm nhớ thương được hơi thơ kéo lui kéo tới, kéo đến khi dứt rồi mà vẫn còn mơ hồ vang vọng thanh âm, giống như chúng ta đang lắng lòng nghe tiếng chuông chùa trong một không gian tịch mịch, giữa một thời gian thả lỏng tâm hồn. Cảm nhận này của tôi chắc sẽ khác với bạn, đương nhiên là thế. Nhưng nếu may mắn có nhiều người đồng điệu, cùng nhận ra tương tự, thì sự thành công của Phạm Hiền Mây rõ ràng càng cao hơn.
Người bình thơ theo tôi suy luận, thường dẫn dắt người đọc khác theo nhận xét của riêng mình. Những nhận xét này có hoặc không có chung tâm trạng của tác giả. Tôi hiểu sai ý của Phạm Hiền Mây là điều thường tình. Qua những chữ nghĩa tác giả đã thành thơ, tôi có thể nghĩ sâu xa hơn hoặc nông cạn hơn. Ngay ở người viết, khi tạm hoàn tất một bài viết, đọc lại còn có thể sẽ nghĩ khác đi với những gì đã viết. Do đó với tôi, một bài thơ gọi là đã xong, luôn ở giai đoạn tạm hoàn thành. Vì lẽ này, nhiều nhà thơ khi tái bản thi phẩm, thường hay có nhiều sửa đổi, nhuận sắc lại.
Ghi nhận thứ ba, thơ Phạm Hiền Mây mới, rất mới ở kỹ thuật viết, ở sự điêu luyện sử dụng ngôn từ. Chọn chữ, bố trí chữ sống chung với nhau là cả một nghệ thuật, làm cho câu thơ có sắc diện như một nhan sắc, được điểm trang tinh tế, sống động. Sự tài hoa của Phạm Hiền Mây đa phần nằm ở điểm xuất sắc này. Tôi muốn lẩm cẩm chuyển dịch bài thơ trên qua lối viết thô kệch, quê mùa hơn, để làm nổi bật cái hay của bài thơ… , chuyện tưởng dễ làm mà đã không làm nổi. Thì ra sửa một bài thơ dở thành một bài đọc được dễ hơn là làm ngược lại. Vì có làm báo, tôi khá quen với việc nhuận sắc thơ. Nhưng với thơ Phạm Hiền Mây đành phải bỏ cuộc, ngay trong việc làm cho thơ dở đi. Cách duy nhất vẫn chỉ là khen Mây, khen theo kiểu quê quê thế này:
Phạm Hiền Mây rất tới trong việc họa cảnh chia ly. Nhẹ nhàng, tinh tế vừa phải… , làm hiện rõ tâm trạng của người ở lại, người tiễn đưa. Yêu thương vô cùng nhưng đớn đau đằm thắm. Thiên nhiên, ngoại cảnh đã kề vai gánh bớt một phần nào ưu phiền. Sự chia cách giữa đôi nhân tình rõ nét trong từng dòng, nhưng sự tan vỡ gần như mơ hồ. Dù biết không nên áp dụng kiểu viết giảng văn để nêu ra những nét khéo tay của tác giả, tôi nghĩ cũng nên trưng ít ví dụ cụ thể:
a - "trời hồng" chỉ ra không gian đọng thời gian đang say mê âu yếm mặn nồng, "trời tím" sắc diện của người vẫn đang yêu hết lòng, nhưng ngoại giới đã thức tỉnh, nội tâm đã có chút gì phôi pha bội bạc, theo quan niệm đã có từ lâu.
b - màu vàng nồng nàn của nắng trưa, thời điểm rực rỡ của cuộc tình đã theo chân người ra đi, chuyển sang màu ảm đạm hơn. Ở đây tác giả vẫn dùng nội tâm để nhìn ra màu sắc ấy là màu xám. "Nắng xám" đúng là một cách dùng chữ tuyệt vời. Tiếp liền theo hai chữ "màu đông"cũng hoàn hảo không kém. Một người yếu lãng mạn, không nằm lòng thuật ngữ thi ca, rất dễ sử dụng chữ mùa đông thay chữ "màu đông".
c - "tàn khô lá vỡ giòn khung cửa trắng" giới thiệu cùng chúng ta vị trí đứng vọng nhìn của người đưa tiễn. Đó chính là một ô cửa mở rộng, trống vắng, chịu đựng khoảng bao la trắng toát trước mặt. Mông lung vô cùng tận. Không gian này làm nổi bật sự cô đơn. Và cùng chịu bi thương với người tiễn đưa, không ai khác hơn những chiếc lá trong tình trạng úa mục, sẵn sàng hóa thân, tan biến giữa cuộc sống.
d - câu tiếp theo "ở đi anh vương vấn cội xương nằm", giàu chất thơ nhưng có phần tối nghĩa, có thể chỉ riêng với sự chậm tưởng tượng, kém hình dung của tôi. Thơ hay nhiều khi cần bí hiểm, nhiều người quan niệm như vậy. Nhưng với Phạm Hiền Mây, tôi tin cô không làm như vậy. Và thơ cũng thật gần với hội họa, nên không cần giải thích. Tệ hại, tôi khó bỏ cái tối dạ nên cố chấp thử đưa ra một giải thích vớ vẩn: Ở đây, Phạm Hiền Mây đã khéo léo dùng "điển tích" (dùng từ này hình như bị sai) người đàn bà hiện diện trên đời bởi nhờ cái xương sườn của người đàn ông, đấng tạo hoá đã dùng để làm nên. "Cội xương" là hồn vía của người yểu điệu thục nữ, vốn thường cùng người tình thăng hoa trong chăn gối. Dấu vết ăn nằm linh hiển là cõi kỷ niệm sâu sắc khi một mình nhìn ngắm lại. Tôi, có lẽ hoàn toàn đoán trật lất hình ảnh này trong ý tưởng được thành chữ của Phạm Hiền Mây.
e - Kỹ thuật lặp lại hai chữ ở đầu một số câu cũng tạo nên nhiều thi vị, uyển chuyển khéo léo của dòng thơ cốt ý bày tỏ tấm lòng.
Nói không tới đâu về chuyện làm thơ. Thật tình, gần như khi viết thơ, không ai nghĩ hoặc lệ thuộc vào nhiều chi tiết linh tinh. Chữ dùng sẽ theo thi hứng. Thi hứng sẽ tùy mức độ ý tình trong lòng mà phát hiện, mà hiện diện một cách tự nhiên, trơn tru gọn nhẹ. Thơ mà, tối kỵ đẽo gọt vụng về. Sự chỉnh sửa sẽ có sau khi ngừng viết, đọc lại. Không thiếu trường hợp ý định trước khi viết khác hẳn với câu chữ đã thành bài. Và sự thay đổi ngẫu nhiên, có thể hoàn toàn mới cũng rất thường xảy ra. Tôi tin Phạm Hiền Mây từng rơi vào khoảnh khắc tuyệt diệu này, Đây chính là điểm hạnh phúc của người sáng tác.
Đọc một bài thơ, sự rung cảm, chia sẻ tự nhiên đến nhanh hơn chuyện lẩm cẩm viết linh tinh như thế này. Nhưng đã lỡ viết ra cảm nhận, phải lãnh hậu quả nhãn tiền: luôn luôn thấy chưa đủ, chưa đạt và tệ hại hơn nữa, là thấy rõ sự hời hợt, nông cạn hiểu biết của mình. Có thể nói, không soi gương cũng thấy dị òm với tác giả thơ, với những người bình điểm thơ chuyên nghiệp và với tất cả những người đọc trong sáng bình thường khác.
Lỡ lên ngựa đành ra roi luôn, tôi xin phép trích thêm một đôi bài lục bát. Phạm Hiền Mây đang nổi danh về thể loại thơ dân tộc này. Tôi nhớ tác giả đã in một tập dày toàn thơ 6/8. Tập thơ gây tiếng vang lớn lắm. Có người không ngại cho đây là thi phẩm độc đáo đầu tiên trong kho thơ Việt Nam. Hồi đó, tôi muốn nhắc về quá khứ chung của thi ca, đưa ra những Hoài Khanh, Hoài Thương... để làm bằng. May thay đã kịp lặng im và bây giờ cũng nên biết im lặng.
Bàn về lục bát, ý kiến lâu nay của nhiều người, tôi xin lặp lại, “lục bát một thể thơ dễ làm khó hay". Bởi nó là anh em ruột thịt của ca dao vần vè. Cái kỳ vỹ của lục bát là không có sự cũ rích cùn mòn, với điều kiện bài thơ đạt được tính chất tinh túy thần kỳ của nó. Tôi có nhận xét ba trợn hơn: bất cứ người làm thơ lục bát nào, nếu có tâm yêu mến, viết nhiều thể loại này, trước sau cũng gặp được một vài cặp thơ xuất thần, hay ho rất mực.
Chính vì nghĩ thế, tôi viết thật nhiều lục bát để cầu may. Phạm Hiền Mây không cần đợi sự may rủi ấy. Bài lục bát nào của nhà thơ, cũng trên mức trung bình, theo nhận định chủ quan của tôi. Dĩ nhiên tôi không đủ đẳng cấp để chấm, không ai cho tôi cái quyền này, nhưng thích thơ, nhất là thơ lục bát, tôi tự thấy mình có chút chút quyết định nên đọc hay không, dù chỉ đọc vài câu, và chỉ cần đọc vài câu. Đánh giá của đám đông về lục bát, Phạm Hiền Mây luôn được điểm cao, như vậy cũng đủ để tin tưởng sự tài hoa có thật. Dẫn chứng có ngay sau đây, (chỉ trích dẫn không ăn theo gì thêm):
bài 1 (của phần trích):
ngày tàn đêm tận vẫn luôn
chỉ yêu anh mới mãi muôn niên tình
muôn niên vậy đó chúng mình
một đôi trong cõi bóng hình thực mơ
một đôi dệt mộng giăng tơ
vàng thiên lý chốn em thơ nên rằm
chỉ yêu anh trận mới đằm
thắm vào nhau cuộc ăn nằm gió trăng
thắm vào nhau mớ áo khăn
đêm xuân thì giấc khôn ngăn ướt đầm
nước dâng bể cả lòng trầm
chỉ yêu anh sóng âm thầm thắt se
chỉ yêu anh mới suối khe
róc ra róc rách chảy nghe nỗi niềm
mù lên quanh quẩn đi tìm
bóng khuya bãi đợi im lìm nhớ nhung
bóng khuya mất hút không trung
chỉ yêu anh mới hoài chung thủy bờ
như hoài dòng thủy chung chờ
thân sông lá cội xuống mờ mịt buông
chỉ yêu anh mới em nguồn
cuối trời tuôn gửi dấu buồn chân mây… .
(Dấu Buồn Chân Mây)
bài 2:
người rồi như thể cánh chim
để đầu sông nhớ im lìm cuối sông
dòng sông rất mực thinh không
rất lòng lá trút mênh mông sóng triều
rất lòng gió mục căng diều
người rồi như thể bóng chiều tịch liêu
để hồn nhớ bước du phiêu
một lần qua bến bờ yêu tình cờ
một lần qua cỏ hoa chờ
buồn lên rưng rức bất ngờ biệt ly
người rồi như thể thiên di
để non nằm nhớ nước đi chẳng về
để em nằm nhớ anh tề
nghêu ngao câu hát trăng thề ngất ngây
hát câu hò hẹn cùng mây
người rồi như thể sầu xây lũy thành
người rồi như thể mơ đành
để chiêm bao giấc treo nhành nhớ mong
mưa nghiêng xô cánh buồm giong
thuyền neo bãi cạn sợ rong rêu chìm
để mai anh chẳng phải tìm
em tiền kiếp
cố cựu tim
người rồi.
(Người Rồi)
Trọn gói hai bài lục bát như trên, tôi trích nguyên cả lối trình bày câu chữ. Sở dĩ tôi có chú thích này, vì hầu như những tay chơi lục bát sau ca dao, sau Nguyễn Du, thường bố trí chữ viết theo một dạng hình thích hợp với tình ý của nội dung. Tôi từng cho đây là lối phân thây Sáu Tám. Cách tân này rất hay, chỉ có một chút bất tiện cho các bạn viết nhiều cần in, phải tốn rất nhiều trang. Bù lại, bên cạnh cái bất tiện dĩ nhiên là sự hữu dụng. Bởi chỉ cần hai lục bát đủ để thành một bài thơ, chỉ cần mươi bài đủ trình làng một thi phẩm. Tôi mừng Phạm Hiền Mây không triệt để khai thác cách dàn quân chữ như thế này. Mỗi bài thơ, tác giả thường chỉ cho phân thân một câu cuối bài.
Đó là hình thức, còn nội dung lục bát? Với Phạm Hiền Mây, thể loại nào người đẹp đã viết, tôi đều nhận ra chân tướng tình yêu lứa đôi một cách thuần túy. Trong đời thường, tác giả đã yêu ra sao không được rõ. Nhưng qua thơ, tôi cảm nhận mạch máu của trái tim người viết nối liền với mạch chữ dòng thơ. Sự sinh động thật hiền hòa, đằm thắm. Vui không quá ồn ào. Buồn không tận cùng nỗi bi quan. Đọc thơ Phạm Hiền Mây thấy lâng lâng chung cùng một nhịp bước, thấm thía cảm động. Đọc mà không muốn cũng không thể thay đổi một chữ dùng nào. Tật xấu cố hữu của tôi, gặp thơ Hiền Mây phải cáo chung. Xin lặp lại, Phạm Hiền Mây giỏi sắp xếp câu chữ, nhờ đó câu thơ mất đi tính "cùn mòn" vốn rất dễ dính phải khi viết với thể loại này. Lục Bát có sự ma mị quyến rũ ghê gớm, viết nó, ngòi bút thường bị dẫn đi vô tội vạ. Phạm Hiền Mây biết định được những điểm dừng cho mỗi một bài nên không sinh ra nhàm chán. Thiếu dí dỏm, hoang nghịch, lục bát của Mây vẫn được đánh giá mới lạ, có một phần tùy vào việc biết lưu giữ những câu dùng đời thường ngay bên cạnh những câu sắp chữ thật mới, ví như:
để mai anh chẳng phải tìm
em tiền kiếp
cố cựu tim
người rồi.
Mừng Phạm Hiền Mây có mặt trong nhóm thành công nuôi dưỡng thể thơ dân tộc tồn tại một cách "hoành tráng". "Dáng đứng" vần vè cho đến lúc này vẫn nghiêm chỉnh phát triển.
Theo gót thơ Hiền Mây quả là một thú vị. Chỉ tiếc tôi chưa đủ khả năng để thể hiện rõ nét những sung sướng này một cách bài bản văn hoa hơn. Bà xã tôi chợt ghé đến đọc câu vừa gõ, góp ý: "Theo gót thơ Phạm Hiền Mây là một thú vị. Theo nhan sắc người làm ra thơ Hiền Mây chắc thú vị gấp bội, sao anh không thử vói tay?”.
Tôi không giật mình, vì từ lâu rồi, tôi đã tự tin mình tu thành chánh quả trong cái Đạo Yêu Thơ. Những lẻ tẻ cận kề chỉ làm cho thơ đẹp hơn, thi vị hơn. Hãy xem như là một lẻo mép dễ thương. Suốt 424 trang của tập Theo Gót Thơ thứ nhất, tôi đã viết lén về thơ của mười tám tác giả. Bài này cũng kể như viết lén như thế. Nhờ đó, tôi sẽ không áy náy vì thiếu sót, nông cạn. Nhưng dù sao cũng nên gởi sẵn đây lời xin lỗi tác giả của thi phẩm UYÊN ƯƠNG.
Gắng lắm mới không múa rìu thêm mấy câu có vần nhằm kết thúc. Làm thơ nhiều thêm, Mây ơi.
Hà Khánh Quân
Tháng 05/2019
Nguồn: luanhoan.net