Nhan đề “Sắc Hoa Màu Nhớ,” nhạc phẩm do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác hồi năm 1956, gợi ý tới một tình khúc du dương, lả lướt nhiều hơn là một bản “nhạc lính.” Nhưng thật sự đây chính là một bản “nhạc lính” 100 phần trăm của Nguyễn Văn Đông, dưới bút hiệu Vì Dân.

Nhạc phẩm “Sắc Hoa Màu Nhớ” của Nguyễn Văn Đông. (Hình: Tài liệu)
Người nhạc sĩ quân đội đa tài này, trước hết, vẫn là một người lính tác chiến thứ thiệt sau khi tốt nghiệp Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu hồi năm 1952, lúc mới 19 tuổi. Vì thế, thật chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi toàn thể bản nhạc “Sắc Hoa Màu Nhớ” toát ra tâm tình yêu thương đất nước, quê hương giữa mùa chinh chiến xen lẫn với tình yêu lứa đôi của một chàng trai lính chiến đang độ tuổi xuân thì.
Với lời nhạc như thơ trong giai điệu Tango Habanera du dương hết biết, cùng với ca từ trang trọng và chính xác, tác giả đã vẽ nên một khung trời đầy hoa mộng của một người chiến binh xa nhà đang vui theo nhịp bước quân hành mà lòng vẫn nhớ về người em gái nhỏ quê nhà năm xưa, cho dù mối tình thơ ngây ngày nào nay đã dở dang từ lúc chàng trai “tiễn em chiếu năm ấy” trong “sắc tươi màu pháo vui.” Rõ ràng là chàng trai thuộc loại người “yêu màu gợi niềm thủy chung,” trong đó có màu hoa phượng thắm như máu con tim của thuở học trò còn buồn vu vơ, thức bao đêm làm thơ rồi đợi chờ.
Dường như chàng trai lính chiến trong nhạc phẩm không bao giờ có thể xa rời cảnh “phượng rơi rơi trong lòng tôi” với niềm hoài vọng một ngày về thăm chốn cũ ngập tràn bao kỷ niệm xa xưa “để nhìn trời gió mưa, sắc hoa hồng mênh mông,” vì đó chính là sắc hoa màu nhớ của chàng trai thuộc loại lính yêu núi sông, yêu cả giai nhân và là người lính chung tình, cho dù giai nhân ấy giờ đây đã vun vút trời mây…
Dù Hè đã qua đi và Thu sang rồi, nhưng sắc màu của hoa phượng vẫn là một cái gì đó gợi nhiều nhớ nhung, lưu luyến trong lòng người lính trẻ trong một mùa Thu yêu đương mà cũng là một mùa Thu luyến nhớ, bởi vì em đã lên xe hoa rồi, tình thơ ngây từ đây nát tan để lại đằng sau trời tiếc: “Hoa phượng rơi đón mùa Thu tới/ Màu lưu luyến nhớ quá Thu ơi/ Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi/ Xác tươi màu pháo vui tiễn em chiều năm ấy.”
Có một lần, vào lúc dừng bước quân hành, anh đã ghé về thăm chốn cũ, nơi từ dạo ấy em cất bước ra đi, và anh chỉ thấy những ánh sao hôm lấp lánh trên trời, như màu xác pháo nhà ai năm nào. Em có biết chăng, giữa một chiều gió mưa, anh vẫn chỉ thấy đó đây những xác hoa hồng vương vấn bước chân em: “Xưa từ khu chiến về thăm xóm/ Ngàn xác pháo lấp ánh sao hôm/ Chiều hành quân nay qua lối xưa/ Giữa một chiều gió mưa xác hoa hồng mênh mông.”
Dù cuộc đời quân nhân đây đó, anh vẫn cứ mãi yêu sắc màu gợi niềm thủy chung của mối tình đầu dang dở. Khi những cánh phượng hồng vẫn còn rơi thì lòng anh vẫn hoài vọng về người em nơi chốn cũ, như thể em vẫn còn ở nơi đó, đời đời chẳng hề nhạt phai: “Đời tôi quân nhân, chút tình duyên gởi núi sông/ Yêu màu gợi niềm thủy chung/ Nhưng rồi vẫn nhớ một trời, vẫn nhớ đời đời/ Phượng rơi rơi trong lòng tôi.”
Mỗi lần nhìn những cánh phượng rơi tả tơi để nhường chỗ cho mùa Thu lá đỏ trở về, nối tiếp sắc màu nhung nhớ của mùa Hè năm xưa, anh lại càng nhớ em da diết, em ơi! Và dường như khúc nhạc lòng nào của anh cũng ngập tràn những hoài niệm nhớ nhung của mùa hoa phượng năm nào: “Thu vừa sang sắc hồng tô lối/ Tình Thu thắm thiết quá Thu ơi/ Nhìn màu hoa xưa tan tác rơi/ Nhớ muôn vàn nhớ ơi!/ Hát trong màu hoa nhớ.”

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và những nhạc phẩm đã xuất bản trên bìa một nhạc phẩm. (Hình: Tài liệu)
Rồi anh lại lên đường, băng mình vào sương gió để sống trọn kiếp trai hùng. Thế nhưng màu hoa năm cũ vẫn sống mãi trong lòng anh, chiều Thu nay rồi chiều Thu sau cũng vậy thôi, sắc hoa hồng mênh mang vẫn nghìn năm không nhạt phai trong cõi lòng anh. Lỡ yêu rồi, làm sao quên được em ơi: “Tôi lại đi giữa trời sương gió/ Màu hoa thắm vẫn sống trong tôi/ Chiều Thu sau không qua lối xưa để nhìn trời gió mưa/ Sắc hoa hồng mênh mông.”
***
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ra tại Sài Gòn, nguyên quán ở Quận Trảng Bàng, Tây Ninh, Ông sinh trưởng trong một gia đình điền chủ và theo học bậc trung học tại trường Huỳnh Khương Ninh ở Sài Gòn.
Khoảng năm 1946, song thân ông bị Việt Minh bắt giam vì là điền chủ. Thời đó có một Đại Úy người Pháp, tên là Vieux, đã nhận ông làm dưỡng tử và gởi ông vào học ở Trường Thiếu Sinh Quân Đông Dương (École d’Enfants de Troupe) ở Vũng Tàu khi ông lên 14 tuổi. Năm 19 tuổi, ông tốt nghiệp Trường Thiếu Sinh Quân và nhận chứng chỉ tốt nghiệp tương đương với văn bằng Tú Tài bán phần (Tú Tài I) thời bấy giờ.
Năm 1951, Nguyễn Văn Đông trở thành một Sĩ Quan trong Quân Đội Quốc Gia. Trải qua thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, ông trở thành một Sĩ Quan trung cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với cấp bậc sau cùng trước biến cố ngày 30 Tháng Tư, 1975, là Đại Tá.
Sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Văn Đông rất phong phú. Ông từng là trưởng Đoàn Văn Nghệ Vì Dân, trưởng Ban Ca Nhạc Tiếng Thời Gian của đài Phát Thanh Sài Gòn, Giám Đốc các hãng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca. Ngoài “Chiều Mưa Biên Giới,” các sáng tác thuộc loại “nhạc lính” của Nguyễn Văn Đông còn có nhạc phẩm “Phiên Gác Đêm Xuân,” “Sắc Hoa Màu Nhớ,” “Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp”…
Các bút danh khác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là Vì Dân, Phượng Linh, Phương Hà, Đông Phương Tử, Thùy Linh, Hoàng Long Nguyên (trước 1975) và Anh Nguyên (sau 1975).
Dưới bút danh Phượng Linh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn sáng tác nhiều bản nhạc tình cảm rất có giá trị, trong đó có “Xin Đừng Trách Anh,” “Khi Đã Yêu,” “Thầm Kín,” “Niềm Đau Dĩ Vãng,” “Nhớ Một Chiều Xuân”…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tại nhà ở Việt Nam. (Hình: Tài liệu)
Với bút danh Phượng Linh và Đông Phương Tử, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng còn viết nhạc nền cho trên 50 vở tuồng cải lương nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam, như “Nửa Đời Hương Phấn,” “Đoạn Tuyệt,” “Tiếng Hạc Trong Trăng,” “Mưa Rừng”…
Sau khi Sài Gòn rơi vào tay Cộng Sản, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã bị đưa đi “học tập cải tạo” ngoài Bắc suốt 10 năm, và chỉ được trở về đoàn tụ với gia đình sau khi sức khỏe đã suy sụp nặng nề. Người nhạc sĩ tài hoa và đa dạng của miền Nam Việt Nam mất ngày 26 Tháng Hai, 2018, tại Sài Gòn, hưởng thọ 85 tuổi.
Nhạc phẩm “Sắc Hoa Màu Nhớ” của Nguyễn Văn Đông
Hoa phượng rơi đón mùa Thu tới
Màu lưu luyến nhớ quá Thu ơi!
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi
Xác tươi màu pháo vui tiễn em chiều năm ấy.
Màu lưu luyến nhớ quá Thu ơi!
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi
Xác tươi màu pháo vui tiễn em chiều năm ấy.
Xưa từ khu chiến về thăm xóm
Ngàn xác pháo lấp ánh sao hôm
Chiều hành quân nay qua lối xưa
Giữa một chiều gió mưa xác hoa hồng mênh mông.
Ngàn xác pháo lấp ánh sao hôm
Chiều hành quân nay qua lối xưa
Giữa một chiều gió mưa xác hoa hồng mênh mông.
Đ.K.:
Đời tôi quân nhân, chút tình duyên gởi núi sông,
Yêu màu gợi niềm thủy chung.
Nhưng rồi vẫn nhớ một trời, vẫn nhớ đời đời,
Phượng rơi rơi trong lòng tôi.
Yêu màu gợi niềm thủy chung.
Nhưng rồi vẫn nhớ một trời, vẫn nhớ đời đời,
Phượng rơi rơi trong lòng tôi.
Thu vừa sang sắc hồng tô lối
Tình Thu thắm thiết quá Thu ơi!
Nhìn màu hoa xưa tan tác rơi
Nhớ muôn vàn nhớ ơi!
Hát trong màu hoa nhớ.
Tình Thu thắm thiết quá Thu ơi!
Nhìn màu hoa xưa tan tác rơi
Nhớ muôn vàn nhớ ơi!
Hát trong màu hoa nhớ.
Tôi lại đi giữa trời sương gió
Màu hoa thắm vẫn sống trong tôi
Chiều Thu sau không qua lối xưa để nhìn trời gió mưa
Sắc hoa hồng mênh mông.
Màu hoa thắm vẫn sống trong tôi
Chiều Thu sau không qua lối xưa để nhìn trời gió mưa
Sắc hoa hồng mênh mông.
Vann Phan