User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tho TVL 768x565
 
Xin giới thiệu đến các bạn gần xa tập thơ có cùng tựa đề tôi đã được hân hạnh trao tay từ BTV khả ái, đa tài Nguyễn Thiên Nga tại tư gia. Và tác giả tập thơ chính là Thi Sĩ Trần Vấn Lệ, người tôi chưa từng gặp mặt mà đã nhận kha khá tác phẩm của ông, nếu tính chỉ riêng Thiên Nga trao cho thì có lẽ đã tầm #10 tập. Mười tập thơ chứa đựng biết bao tâm sự, biết bao tình cảm chất chứa trong tâm hồn người trai xa quê từ tuổi trung niên nay đã chìm trong bóng Hoàng Hôn của cuộc đời. Để từ chỗ đứng ấy ông lại trải lòng mình với “Mấy Câu Thơ Còn Sót”, chỉ mấy câu thôi nhưng… đừng vội tin. Mấy Câu là bao nhiêu câu? Chắc chắn trên một nhưng là mấy thì… khó đoán lắm. Tôi đã một lần “Lạc Giữa Đường Trăng” với tập Thơ “Từ Khi Em Là Nguyệt”, lần này, không khéo lại sẽ lạc giữa mênh mông màu Hoàng Hôn với màu vàng của nắng úa, màu tím phớt phía trời xa… Ôi, nói là “còn sót” mà tập thơ đã có những 144 bài thơ, cộng bài Tựa và Bạt, sách đã có 229 trang, kèm một số phụ bản đều là tác phẩm nghệ thuật vĩnh cửu của những tác giả danh tiếng trên thế giới, có cả tác giả VN. Tôi muốn giới thiệu: bìa sách vừa đẹp, vừa lạ… 
 
Còn về nội dung ư? Tôi biết nói sao đây, khi mà sau khi đọc hết tập sách, tôi như lạc vào thế giới của những bài thơ vừa trữ trình, vừa như tâm sự của cả đời người với những thăng trầm thời cuộc, của những tổn thương mất mát…, sự mất mát không thể bù đắp khi đó là Tình Yêu, Tuổi Trẻ, những thâm tình mà bất cứ ai đã trót mang kiếp người thì không thể lãng quên… những thứ đã bị mất đi theo quy luật của tạo hoá, mà thủ phạm chính là Thời Gian- Cái Bóng Hoàng Hôn của đời người. Xin mời lướt qua đôi dòng trong bài:
 
Nắng Hoàng Hôn Còn Sót Mấy Câu Thơ - Trang 90
 
“Sương không nhiều…
Sáng không bình mình, buồn chút chút, bao nhiêu?
 
Trưa nắng lên. Ngày xuống về chiều.
Lòng như thể mặt hồ không sóng. Ngày qua ngày, 
này tiếp tiếp theo…
Ba mươi lăm năm, tôi đời viễn xứ, 
Ngó lên trời: Mây trắng cứ trôi.
Người thêm tuổi. Ít nhiều đau đớn.
Ai hôm nay không có lúc ngậm cười…
Rồi tất cả sẽ là quá khứ
Có thể chiều nay, mai, mốt, không chừng…
Nhang không cắm được trên mồ cha mẹ
Thì tạ từ thôi vậy cõi người dưng. 
Mưa có đọng giọt nào trên mắt
thì lau đi cho sáng hoàng hôn. 
Chim về tổ, buổi chiều không hót
Nắng hoàng hôn còn sót mấy câu thơ…
 
Tất cả những tình cảm ấy bàng bạc trong thơ, trong nỗi ngậm ngùi, rơi rớt trong từng câu thơ tưởng như lạc nhịp nhưng thật sự là dấu chấm than. và đôi khi kèm thêm dấu hỏi?, cả “than” và “hỏi” song hành.?. Vậy ai là người tháo gỡ, theo tôi, có lẽ cũng chỉ là tác giả mà thôi. Hãy cùng thử tìm hiểu qua “vài trang thơ”, vâng, chỉ vài trang với tổng số 144 bài thơ đầy tâm sự.
 
Đủ Rồi Cho Một bài Thơ - Trang 9
 
Tâm sự buồn hầu như là chất liệu chính trong thơ Trần Vấn Lệ. Nỗi buồn cô quạnh, khi nói cùng trăng, chỉ với trăng thôi:
 
“… Ngàn ngàn năm trăng không có áo
Nói đi trăng trăng đã lạnh dường nào?
Khi không mà ai đã cầm dao
Cắt mặt trăng, cắt lòng tôi hai nửa?
 
Kết thúc bài thơ là thơ Hàn Mạc Tử:
“Đêm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa… thương… đứt ruột…“
 
Nhưng đâu chỉ với trăng, mà còn với cả nước non, với Đà Lạt nơi một thời gắn bó, cái thời tuổi trẻ với bao ước mơ, hoài bão, với những mối tình “nhẹ tựa mây qua mà đâu dễ gì phai nhạt”, với tình quê hương thân tộc, với mẹ cha bè bạn nhất là những chiến binh một thời huynh đệ…
 
Thật không thể nào nói hết và trọn vẹn những thứ vô hình mà trói buột tâm hồn con người, nhất là người đa cảm, lẫn đa đoan. Thôi thì, xin trích dẫn một số câu thơ, bài thơ mà tôi tâm đắc và ít nhiều cũng chứng minh những điều tôi đang nói.
 
Hành Phương Tây - Trang 12
 
“…
Ta với ngươi hề không thở than. Có hơi nào sót 
chẳng hơi tàn? Ba năm đường nhỏ lòng ngơ ngác, 
chí cả khác nào cọng khói tan. 
 
Ba năm Mẹ già chừ ra sao? Ba năm đâu phải mới 
đây nào. Dốc tiền mua thẻ nhang ngồi đốt, Mạ với 
Ba hề đang ở đâu?
 
Ta với ngươi hề mai chia xa… Trời Tây không có 
một hiên nhà.Trời Nam di điểu mờ trong nắng… 
Mình cũng là loài di điểu, kia. 
 
Trời ơi trời ơi ta và ngươi, dang tay như Chúa ngó
lên trời, Ai đưa tay khép giùm con mắt, đừng thấy quê 
nhà nữa. Biển khơi.”
 
Bạn Bè Không Thấy Trên Khung Máy
    Một Khoảnh Sân Đầy Những Mảnh Trăng - Trang 24.
 
“…
Hai Thế Kỷ, Trời. Hai Thế Kỷ
Vàng bay mấy lá… chẳng bao nhiêu. 
Hoa trôi, nước chảy, sông không ngược 
Ngày vẫn bình minh tới xế chiều…
 
Gõ máy đã xong bài Tứ Tuyệt
in ra, cầm kéo cắt, phân… vân…
nghĩa là: Từng Mảnh Thơ Từng Mảnh
phất quạt không ngờ… những miếng Trăng. 
 
Tôi thật sự nghiêng mình trước những ý thơ quá siêu tuyệt. Và còn nữa, trong bài:
 
Ngày Của Mẹ Ngày Của Hoa Hồng
      Ngày Của Cha Ngày Hoa Hồng Rực Rỡ - Trang 26.
 
Với hàm ý sâu xa, về hai đấng sinh thành, thi sĩ chỉ thêm mỗi từ “rực rỡ” đã nâng tầm bài thơ lên tầng “không thước đo- không tranh cãi”:
 
“…
Tôi tự tin: Tình Mẹ Cha là Mối Tình Lãng Mạn,
Biển có bờ, Lòng Dạ Biển Mênh Mông.
Ngày Của Mẹ- Ngày Của Hoa Hồng.
Ngày Của Cha- Ngày Hoa Hồng Rực Rỡ.“
 
Với tâm hồn đa cảm thêm xíu lãng mạn, nhưng quả tình thi sĩ chẳng lạc lối quê, với Phan Thiết ấy quê nhà và với Em… thuở còn xanh tóc.
 
Xanh Quá Em Ơi Biển Với Trời - Trang 28
 
“…
Hồi tối trăng sao đều lặn hết
Mình em duy nhất Nguyệt Lâm Viên
Anh cùng em lạc về Phan Thiết
lên tháp Hời em chớp mắt duyên…
 
Đôi khi đi lạc trong mơ mộng
nhìn thấy thơ bay thật tuyệt vời
cũng tại em thôi con suối tóc
mượt mà hoa tím lục bình trôi…
 
Cũng tại em thôi con suối tóc
Mượt mà hoa tím lục bình trôi
Phù sa gió chải cây dừa nước
Xanh quá em ơi biển với trời…“
 
Phan Thiết là nơi “chôn nhau cắt rốn”, nhưng Đà Lạt là nơi Thi Sĩ trưởng thành, lập thân lập nghiệp. Nơi đã cho ông những kỷ niệm của thời tuổi trẻ, của những lưu luyến, nhớ thương nhất là tình cảm với trường, với lớp với những cô học trò của ngôi trường Bùi Thị Xuân một thời gắn bó.
 
Dalat Xưa Sau- Trang 185
 
Đà Lạt bây giờ cũng giống xưa
Thấy đâu người của thuở-bao-giờ.
Mây bay cứ ngỡ đầu ta bạc
Bè bạn đi thăm… Những Nấm Mồ.
 
Những nấm mồ xanh, xanh Nước Non
Xanh xao tuổi trẻ các em còn
Nhớ sao khói lửa thời chinh chiến
Đã rụi tàn trong nỗi xót thương.
 
Ai qua trường cũ cây khuynh diệp
Lá rụng chiều nao chắc lạnh lùng?
Và lá cờ bay.  Đời đổi khác,
Một màu ngói vẫn nắng rưng rưng…
 
Nhiều khi ta muốn ta đừng nói
Đừng hỏi thăm ai nữa chỗ về
Buồn đã sẻ chia, còn chút nhớ,
Là lòng ta đó, xé ta đi.
 
****
Bài thơ gói gọn trong bốn khổ thơ, và:
 
Bốn khổ thơ là những tiếng lòng
Vẫn là Đà Lạt nỗi thương mong
Như mây vẫn cứ trên trời rộng
Ngẩng mặt nhìn mây thấy bạc đầu.
 
Một ý thơ khiến người suy nghĩ:
“Nhớ sao khói lửa thời chinh chiến
Đã rụi tàn trong nỗi xót thương.”
Chinh chiến đã tàn sao chẳng vui?
 
Bâng khuâng nỗi nhớ thương trường cũ
Nhớ cây khuynh diệp nhớ chăng trò?
Gió chiều lạnh buốt mà lòng nhớ
“Một màu ngói vẫn nắng rưng rưng…”
 
“Nhiều khi ta muốn ta đừng nói
Đừng hỏi thăm ai nữa chỗ về
Buồn đã sẻ chia, còn chút nhớ,
Là lòng ta đó, xé ta đi.”
 
Là nói vậy thôi làm sao xé
“Xé lòng, xé nhớ” rải suối sông
Theo sông theo suối rồi ra biển
Không khéo Nhớ tràn khắp đại dương. 
 
Có lẽ, lòng chưa thoả nên mới có thêm mơ ước: 
 
Kiếp Sau Xin Chớ Làm Người
   Làm Cây Khuynh Diệp Trường Bùi Thị Xuân – Trang 128
 
Hàng cây khuynh diệp của tôi ơi.
Tôi đứng đây, đâu?  Ở cuối trời?
Tôi nhớ về đâu?  Đầu đất nước…
Này đây là biển, nọ nương dâu…
Tôi thương, tôi nhớ ngôi trường nữ,
Nhớ hàng khuynh diệp, chỉ vài cây
mà sao thăm thẳm đường muôn dặm
Tôi mất đâu rồi tuổi-thuở-trai?
Tôi chẳng còn ai bè bạn nữa,
Em học trò xinh xắn “Thầy ơi”,
Thưa Thầy:… “Em, một Thuyền Nhân, nhé,
gặp lại Thầy, thương quá cõi đời.”.
 
Chuyện kể, ngẩn ngơ, ngày hội ngộ.
Hình em: Khuynh diệp lá đong đưa…
Bao nhiêu năm nhỉ mình xa cách?
Gió lạnh… Hình như gió buổi trưa…
*
Bạn thấy: bài thơ tôi đứt đoạn,
“Đoạn Trường” vô tận hóa vô thanh…
Thầy Trò chạm mặt câu chào hỏi,
Trong gió… Em còn vạt áo xanh.
 
Ôi đó… dễ thương, khuynh diệp biếc
nhành cong, chim đậu tiếng xa xưa.
Trong tôi, bỗng giọt trời xanh ngắt…
“Em nhỉ,  đời như một giấc mơ”?
***
Giá đời như thể một giấc mơ 
Có lẽ Thi Nhân mộng đã thành. 
 
Nếu mộng đã thành thì đâu hối tiếc…
 
Nhưng chuyện đời nào ai biết được? Đã vậy chuyện của tâm tư, của lòng người mãi hoài trăn trở và dẫu đã từng là “người lính đa tình”, dẫu là nhà thơ nhiều chữ nghĩa, thơ đầy trong túi thì cũng có những khi “chậm xíu, chỉ xíu thôi” đã trở thành nỗi tiếc nuối khôn nguôi, để thương, để nhớ “từng hoàng hôn”. 
 
Nụ Hoa Hồng Anh Chưa Tặng Em - Trang 148
 
Người con gái nào cũng thích cầm hoa, nâng, hôn… Nụ hoa ấy nồng hương từ người con trai hái…
 
Thường chuyện tình trai gái khởi đầu từ hương – hoa, từ cây bưởi sum suê đến ruộng cà xanh biếc, tầm xuân báo sự thiệt: người ta đi lấy chồng…
 
Người ta đi sang sông… hoa hồng ôm trước ngực. Chắc người ta thao thức đêm hoa chúc động phòng…
 
Hương hoa từ mênh mông tụ tầng tầng cánh xếp. Người ta là người đẹp  thở ra từng cánh bung…
 
Người ta thành vợ chồng, không tin… mà trước mặt ngọn đèn chong đã tắt. Sáng mai mặt trời lên.
*
Anh nói gì với em?  Mình, bàn tay chưa nắm… Thơ: chữ và dấu chấm lấm tấm phấn thông vàng…
 
Em, người đẹp đoan trang Đà Lạt ngàn thông biếc… Tự nhiên mình biền biệt, coi như là tự nhiên…
 
Chuyện tình là nhân duyên của hoa và của mộng. Em mãi là sự sống của anh và của Thơ.
 
Chiều của anh: Rừng mờ.
 
Đêm của em: Đèn phố.
 
Mờ mờ và tỏ tỏ đời bay sương bay mưa…
 
Nụ hoa hồng anh chưa tặng em lau giọt lệ, lau từng ngày bóng xế, lau từng hoàng hôn, thương.
 
- Ui trời. Tâm sự này thiệt là khó hiểu.
 
Người con gái nào cũng thích cầm hoa, nâng, hôn…Nụ hoa ấy nồng hương từ người con trai hái…
 
Thường chuyện tình trai gái khởi đầu từ hương – hoa, từ cây bưởi sum suê đến ruộng cà xanh biếc…“
 
Khúc này thật đúng tâm lý, lãng mạng và rất dễ thương…. Cớ gì:
 
“tầm xuân báo sự thiệt:  người ta đi lấy chồng… Chắc người ta thao thức đêm hoa chúc động phòng… Người ta thành vợ chồng, không tin… “ cũng không được. 
 
Để chi bây giờ vừa nhớ vừa tiếc vừa thương mình, thương người mà biết tỏ cùng ai?
 
Anh nói gì với em?  Mình, bàn tay chưa nắm… Thơ: chữ và dấu chấm lấm tấm phấn thông vàng…
Chuyện tình là nhân duyên của hoa và của mộng. Em mãi là sự sống của anh và của Thơ.
Nụ hoa hồng anh chưa tặng em lau giọt lệ, lau từng ngày bóng xế, lau từng hoàng hôn, thương.”
 
Nụ Hoa Hồng Anh Chưa Tặng Em
Là chưa kịp tặng bởi còn phân vân
Hay là yêu đã lỡ làng? Sang ngang từ lúc người chưa gặp người?
 
Chuyện này lỗi tại tầm xuân, báo chi cái chuyện người ta lấy chồng? Bây giờ cầm mãi đoá hồng mà anh đâu đã nắm bàn tay em? 
 
Lại một bài thơ nhắc đến Bóng Chiều- Bóng Hoàng Hôn đã không che mờ tình cảm quê hương…
 
Tháng Mười Một Thưa Thớt
  Thời Gian Đọng Bóng Chiều - Trang 126.
 
“Cầm hai chữ Tổ Quốc đưa lên môi, cắn đi.  Đời không có nghĩa chi… khi không còn Tổ Quốc.
Tôi làm sao phơi bày trên giấy lòng tôi nhỉ? Cái thời em bé tí… thì tôi xa muôn trùng.
 
Năm mươi năm Núi Sông, nhiều cánh rừng tàn tạ. Vậy mà còn thấy lá… Lá Mùa Thu Quỳnh Dao.
 
Em à, ai cũng đau khi nhắc lại quá khứ. Không ai sửa Lịch Sử mà yên với lương tâm.
 
Bài thơ tôi tím bầm. Hồ Xuân Hương gợn sóng. Ở Kontum đất động. Biển trào lên Cửu Long…
 
Thơ tôi, đấy, hai dòng của con mắt em chảy… Tản Đà từng nói… thấy: Nước Đi Không Về Non.
 
Tượng Chinh Phụ đã mòn. Người Chinh Phu đã chết. Tôi đi, coi như biệt. Đà Lạt nát Đồi Cù…
 
Em ơi buồn-thiên-thu. Tháng Mười Một thưa thớt thời-gian-đọng-bóng-chiều…
 
Và rồi, dù có làm bao nhiêu thơ, Thi Sĩ vẫn hầu như chưa thấy đủ:
 
Có Giọt Lệ Nào Không Biển Sông- Trang 103
 
Cali nắng mãi,  nắng dài lâu… gặp mặt, bạn bè than một câu: “Nắng quá đến hoa vừa hé nụ, mùi hương mới thoáng đã bay đâu…”.
 
Ai buồn? Ai cũng buồn theo nắng.  Buồn giống buồn mưa, buồn tuyết, băng… Bè bạn tuổi cao đều nói thế, thanh niên thì cứ vẫn Thanh Xuân.
 
Nắng quá… nhẹ tênh quần áo mặc, như là không thể có mùa Đông. Cà phê hiên sáng thường đông khách, bè bạn nhìn nhau… nói trống không.
 
Còn có gì đâu mà “bận” nhỉ? Giang sơn nhẹ gánh tự bao giờ. Năm mươi năm đủ lòng đau đớn, nay lúc nhạt nhòa thêm nắng mưa.
 
Nay lúc…ngó xe, đường lúc nhúc, ngó người… nhớ những nụ cười tươi. Những cô thiếu nữ tròn tay nắng, lòng thuở Xuân Thì… mãi mãi vui.
*
Tôi dựng Tháp Thơ từng chút nắng… ngói trời tôi nhặt ở không gian… xây lên thần tượng ngồi tôi ngắm… mùa chuyển Thu chăng lá đã vàng…
 
Nhớ Bích Khê có hai câu đẹp: “Chao ôi vàng rơi cây ngô đồng / buồn vương buồn vương Thu mênh mông”. Lòng tôi bát ngát buồn xa xứ, có giọt lệ nào không biển sông?
 
Vậy là… “tức cảnh sinh tình”- thêm bài thơ nữa, bài thơ của lời tình tự “ngàn năm”.
 
Thương Hoài Ngàn Năm - Trang 92
 
Anh dẫn em vào nghĩa trang
nhìn đi… những thảm cỏ vàng như nhung.
Những tấm bia không dính bùn,
người ta làm sạch cho hồng bình minh…
 
Em ơi đừng có giật mình,
một mai mình chết… không mênh mông này.
Mình chỉ là có là cây,
người ta nhúm lửa tro bay về trời…
 
Chúng mình lúc đó muôn nơi,
có khi lúc đó nụ cười của ai…
Cõi đời luôn đổi luôn thay
chỉ Non Nước vẫn từng ngày muôn năm.
 
Đừng mơ em nhé chỗ nằm,
mà hôm nay thấy trăng Rằm thì vui…
Anh yêu em, hứa trọn đời:
Hôn Em Ngón Út Chân Người Mình Yêu.
*
Có một hôm. Có một chiều.
có hai người nắm tay vào nghĩa trang…
Tóc mai xanh biếc rồi vàng,
câu ca dao nhớ, mắt nàng rưng rưng… 
 
Nghĩa trang vào đó làm chi
Trời ơi sợ lắm đường đi dẫu hồng.
 
Không mênh mông cũng thênh thang
Tro bay về chốn vô cùng biết đâu?
 
Khúc sau nói đúng chuyện đời:
 
Mặc cho vật đổi sao dời
“chỉ Non Nước vẫn từng ngày muôn năm.”
 
“Đừng mơ em nhé chỗ nằm,
mà hôm nay thấy trăng Rằm thì vui…
Anh yêu em, hứa trọn đời:
Hôn Em Ngón Út Chân Người Mình Yêu.”
 
Mơ chi cái chỗ để nằm
Đã đành hạt bụi giữa trời mà bay…
Nàng vui chắc bởi trăng Rằm
Nhận lời ai hứa… thì thầm dễ thương. 
 
Cũng không thể không “tiếc nuối” khi “lỡ chậm một lần: 
 
Một Lần Tỏ Tình Vụng Dại Người Ta Đi Mất Đâu Rồi - Trang 88
 
Một lần tỏ tình vụng dại, ai chìa má trái vậy ta?  Một lần đứng trước khóm hoa thấy hoa nở. Và, cúi xuống.
 
Chiều nay, mặt trời lặn muộn thấy bầy chim sẻ bay về cứ tưởng mình còn ở quê…bụi tre gió rì rào thổi.
 
Một ngày tôi ngồi bên suối chờ hoài không thấy Tây Thi có lẽ nàng đã bỏ đi khi mà tôi chưa nói hết?
 
Cái câu gì đó, không biết… bây giờ nhớ lại, nói nha… Ôi trời, trời đất bao la… trăng ngà… nửa ai giấu mất?
Tôi vào Chùa hỏi Phật… chỉ thấy trầm hương ngán nghê. Nhớ Hàn Mạc Tử không dè có hai câu thơ thật thảm:
 
“Trầm ngán nghê bay trong lãnh cung
Hương thơm bối rối ngọt vô cùng.”
 
Phải chi má em đừng hồng bữa chiều tỏ tình vụng dại? Hôm nay ngày mai mãi mãi ngày nào cũng Valentine…
 
*
Người đó là ai vậy ai?  Đường Westminster nối dài phố xá… những tên đường nghe quá lạ hình như tên Mễ Tây Cơ?
 
Ờ thôi người đó là Thơ mỗi ngày tôi ngồi cắn chữ giận ai cắn trăng hai nửa… “Vầng trăng ai xẻ làm đôi?  Nửa in gối chiếc… nửa soi dặm trường.”.
 
Giận mà cứ nghĩ mình thương.
Hỡi ơi lòng thương biết mấy.
Con suối vì sao cứ chảy về đâu người ơi đại dương…
 
Thú thật tôi lại thấy vui, vì vui nên hay “ghẹo” những bài thơ tỏ tình của Thi Sĩ, gọi là “có chút vui vui” cho đời bớt thảm. Nhưng mà… hình như không thành công. Tỷ như bài này: 
 
“Một lần tỏ tình vụng dại, ai chìa má trái vậy ta?  Một lần đứng trước khóm hoa thấy hoa nở.  Và, cúi xuống.”
Không hề vụng dại chút nào. Mà đây hình như “manh động”, “má trái người ta chìa ra…”, “cúi xuống” mần chi vậy chớ?
 
“Một ngày tôi ngồi bên suối chờ hoài không thấy Tây Thi có lẽ nàng đã bỏ đi khi mà tôi chưa nói hết?
 
Cái câu gì đó, không biết… bây giờ nhớ lại, nói nha… Ôi trời, trời đất bao la… trăng ngà… nửa ai giấu mất?”
 
Nếu Nàng ấy là Tây Thi, là tự ví mình Phạm Lãi, cũng hàng võ tướng danh gia, ai biểu nói điều “lấp lửng”? Muốn gì thì nói luôn đi, giờ nói vẫn cứ ỡm ờ: đi tìm nửa trăng… ai giấu?
 
Lại còn vào Chùa hỏi Phật, quả thật là chuyện trái ngang, Phật đang bận Tu, làm sao Phật biết? Chuyện Tình đang cầu trọn ước đem thơ Mạc Tử vô chi, biết thảm mà vẫn cứ dùng?
 
“Ờ thôi người đó là Thơ mỗi ngày tôi ngồi cắn chữ giận ai cắn trăng hai nửa… “Vầng trăng ai xẻ làm đôi?  Nửa in gối chiếc… nửa soi dặm trường.”.”
 
Giận vậy kể đúng Thi Nhân, hiền lành chỉ chơi với chữ, cắn trăng, trăng ở trên cao… Kể như chuyện đã hoá lành, trăng nguyên và răng không mẻ. 
 
Giận mà cứ nghĩ mình thương.
Hỡi ơi lòng thương biết mấy.
Con suối vì sao cứ chảy về đâu người ơi đại dương…”
 
Vụ này chắc tìm hỏi suối. 
Hoặc là hỏi chính dại dương…
 
Trở Trời Trời Trở Hôm Nay- Trang 74
 
Trở trời? Trời trở hôm nay?
Tôi mở cửa sáng, gió bay vào nhà…
Ối chà. Lạnh khác hôm qua,
Mùa Thu đã. tới, thật à? Dễ thương…
 
Phải người… Tôi ghé môi hôn.
Phải hoa… Tôi chắc bồn chồn, nao nao…
Ba tháng không mưa. Lẽ nào?
Mùa Thu mong đợi, xin chào mùa Thu.
 
Tôi cần thơ Lục Bát ư?
Diễn Nôm chơi vậy, ai cười… đi thôi.
Sáng nay, quả thật bồi hồi:
Áo tôi hở ngực, Thu ngồi trên vai…
 
Ngó ra sân, thấy: một, vài,
ba chiếc lá rụng màu phai Xuân hồng.
Một vuông vườn chẳng mênh mông
sao tôi bỗng thấy biển sông hiện hình?
 
Quê Hương ơi. Quê Hương mình.
Mùa Thu thật nhé, cái tình Thiên Thu.
Gió nhẹ mà sao vi vu…
Tôi nhẹ chân bước về từ chiêm bao?
*
Sáng nay, tôi mở cửa, chào
Mùa Thu Mới, tôi nghẹn ngào… khi không.
Phải chi thấy má em hồng,
Phải chi thấy áo em bồng bềnh bay…
 
Còn nhiều, nhiều lắm những bài thơ đậm tình quê, một nghệ thuật dẫn dắt thượng thừa: mượn câu chuyện thời thơ dại để tâm sự “nỗi lòng người xa xứ, lòng bâng khuâng lắng đọng những câu thơ hoài vọng cố hương: 
 
Nước Xanh Trong
Nắng Chảy Nước Xuôi Dòng- Trang 212.
 
Tôi rất thích nghệ thuật dùng từ của tác giả: “Nắng Chảy Nước Xuôi Dòng”, có gì đó khiến dạ nao nao, nhất là câu cuối bài:
 
“Lát, tôi sẽ đi mua con tem tứ xứ dán phong bì gửi về
thăm Cố Hương.” 
 
Cặp từ “con tem tứ xứ- thăm Cố Hương” một đối lập khiến người đọc chợt rưng rưng.
 
Xin giới thiệu với quý vị trọn vẹn bài thơ:
 
“Ba hôm nay ngày bữa nào cũng nắng. Lạnh vẫn là cái lạnh của mùa          
Đông. Nước xanh trong, nắng chảy, nước xuôi dòng. Nắng và nước chắc đi tìm mùa Hạ?
 
 Người hứng nắng tô hồng hồng hai má, chào người
 dưng đi ngược tưởng người thân. Đường dẫu xa có 
 hoa nở nên gần? Chim vui vẻ hót vang lời âu yếm…
 
 Đời có dịp không cần chi tiết kiệm, tôi ngỏ lời với
 con bướm bay ngang. Rất ít khi mình thấy được 
bướm vàng… Tôi nghĩ đó là nàng Tiên đang múa…
 
Tôi nhớ thơ Chế Vũ: “Tôi yêu nàng Chiêm Nữ trên
đá múa như hoa… “. Phan Rang chừ quá xa, những 
ngọn tháp chắc vẫn mượt mà hoa cỏ cũ? 
 
Nắng rực rỡ… Nhớ quá đi, Cà Đú… Nhớ cả rừng Cà
Tót gió vi vu… Cỏ và hoa nắng vàng như mơ. Thời 
nhỏ dại tôi thương người áo đỏ. 
*
Chừ áo đỏ, áo vàng, áo tím… Nắng đang choàng
 kỷ niệm bâng khuâng. Tôi đang gần, gần lắm cuối
năm, có nên nói với ai rất âm thầm không nhỉ?
 
Đường phố đây không đường vạn lý, những số 
nhà đều số của người ta. Áo đỏ xưa bay nắng gió
chan hoà… Hơi thở nhẹ đủ thay lời tình tự…
Lát, tôi sẽ đi mua con tem tứ xứ dán phong bì gửi về
thăm Cố Hương.
 
****
Tôi nhớ trong bài “YYYYYYYYYYYYYYYYY” (tôi gọi vui 17Y- chắc ý nhớ người Yêu sang sông khi vừa 17tuổi), Ông đã dẫn lời của Lâm Ngữ Đường:
 
“Lâm Ngữ Đường nói:  Chữ, ghép lại thì thành Câu, ghép nhiều câu thành Đoạn, ghép nhiều Đoạn thành Chương… ghép tất cả Yêu Thương thì thành ra cuốn Sách.
 
Làm Văn Chương một Mạch… nhưng làm sao rút Sách về thành Chương thành Đoạn, về thành Câu, về một chữ thôi… là chữ M, em ạ.
 
Em nhớ điều đó, nhá. Nhưng… còn nhưng, mới lạ: Rút đến không chữ nào. Văn Chương để ngàn sau là Văn Chương Vô Tự.”
 
Tôi thật sự, cũng rất muốn làm sao “rút sách về chỉ còn “một chữ” mà khó quá, và là chữ gì đây? Thôi, lỡ khó, thì mình chọn điều “thiệt khó”, sẽ rút đến “không chữ nào”. Là Văn Chương Vô Tự nên cũng… hết ý luôn. 
 
Bài viết của tôi cũng vì vậy, xin chấm dứt ở đây. Chớ không thì làm sao nói hết, bởi có câu: tam sao thất bản, thi sĩ viết biết bao là thơ, có khi cũng đến mấy mươi nghìn, BTV chọn lựa, cố công mấy đi nữa cũng viết được 144- 150 bài/ quyển, đến người đọc là tôi, chưa nói được mươi bài. (Có khi tôi “diễn ý” chữ “tam sao thất bản” khiên cưỡng chút, mong đại xá). 
 
Trước khi dừng viết, như thông thường vẫn vậy, tôi xin kính gửi lời cám ơn và chúc sức khoẻ Thầy Trần Vấn Lệ, thân ái cám ơn và chúc sức khỏe BTV Nguyễn Thiên Nga. Mong sự “cộng tác” của nhị vị thật bền lâu để trên thi đàn có thêm nhiều tác phẩm mới. Xin cám ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết còn nhiều thiếu sót, vụng về, nói như là chưa nói, cố “với” mà “với” hoài không tới.
 
Thai Ly
Nguồn: https://t-van.net/thaily-nang-hoang-hon-con-sot-may-cau-tho/