User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
timnhauphamduyphm
 
I. Phạm Duy Trong Mắt Của Nhạc Sĩ Và Nhà Nghiên Cứu
 
Nhạc sĩ Quốc Bảo từng bày tỏ lòng ngưỡng phục của mình đối với nhạc sĩ Phạm Duy: Những khi cần có cảm xúc về ngũ cung Việt, tôi hay nghe Tìm Nhau của Phạm Duy. Ông viết bài này mười năm, trước khi tôi có mặt trên đời, và đến giờ, hơn nửa đời người, tôi vẫn phục - vừa về kỹ thuật tác khúc vừa về phần lời. Và người mẹ của tôi, mỗi lần nghe đến câu, tìm nhau như thiếu phụ tìm mộ bia, là bà lại khóc.
 
Còn GS.TS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa âm nhạc cổ truyền, người bạn rất thân của nhạc sĩ Phạm Duy thì từng nhận xét: từ trước đến giờ, tôi chỉ thấy Mai Văn Bộ, Lê Thương và Phạm Duy là đặt lời nhạc đẹp nhứt.
 
******
II. Ca Khúc Tìm Nhau
 
II. 1. Tìm Nhau Như Chim Mộng Tìm Người Mơ
 
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ
Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh tố nữ
Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ
Tìm sâu trong muôn thuở
Tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu
 
Trong lời một này, tôi đếm được cả thảy bảy lần, Phạm Duy cho điệp lại hai chữ “tìm nhau”, là nhan đề của ca khúc. Biện pháp tu từ điệp ngữ, thường được sử dụng khi tác giả muốn làm nổi bật, nhấn mạnh cảm xúc nào đó, nội dung nào đó, hình ảnh nào đó. Trong nhạc phẩm này là hình ảnh, là cảm xúc đi “tìm nhau”.
 
Bổ nghĩa cho động từ “tìm” này, là các từ chỉ nơi chốn như tìm trong, tìm qua, tìm trên, tìm sâu, tìm sau, nghĩa là, tìm ở mọi nơi có thể, miễn sao, tìm được nhau, thì mới thôi.
 
Ai tìm ai? Thì chắc chắn rồi, người tìm người. Và cả đôi bên, chớ không riêng gì một phía, đôi bên cùng đi tìm nhau.
 
Và tôi cũng nhận thấy, chữ cuối của các câu đều là các nguyên âm đơn: nở / mơ / nhớ; gió / tỏ; lũ / thu; đổ / cổ. Thảo nào mà ca từ, à không, phải nâng niu mà gọi là các câu thơ mới đúng, rất vần, rất vận, tiếng hát, vì thế, nghe rất xuôi, rất êm tai.
 
Người đi tìm người ở những nơi đâu, hay nói cho đúng hơn, họ đi tìm nhau ở những chốn nào? Họ tìm nhau khi hoa đương nở. Họ tìm nhau trong cơn gió lạnh. Họ tìm nhau trong đêm khô nứt và cả trong mưa lũ triền miên. Họ tìm nhau khi nắng đổ. Họ tìm nhau khi trăng tỏ. Họ tìm nhau như chim mộng đi tìm người mơ.
 
Họ tìm nhau trong câu thơ cổ. Họ tìm nhau qua tranh tố nữ, Họ tìm nhau trên môi đương ca câu thương nhớ.
 
Họ tìm nhau sâu trong muôn thuở. Họ tìm nhau sau lưng bốn mùa. Và họ tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu.
 
Miên man, không ngừng, không dứt, từ nơi này qua nơi kia, từ chốn này qua chốn nọ, có khi ngọt ngào, cũng lắm lúc gian nan, nhưng họ nào ngại ngần chi, họ cứ miệt mài như thế, không ngừng kiếm tìm nhau, suốt đời, suốt kiếp, khôn nguôi.
 
Tìm, cho đến khi nào gặp nhau mới thôi.
Tìm, như ngàn xưa, như lâu ơi là lâu, đi tìm mãi mãi!
 
******
II. 2. Gặp Nhau Trong Kinh Cầu Một Hồi Chuông
 
Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời.
Người ơi
Gặp nhau hãy nép hơi im trong hương mới
Gặp nhau trong nhân tình đầy bác ái
Ơi người
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông
 
Ở khổ nhạc thứ hai này, cũng thế, “gặp nhau” được điệp lại ở mỗi đầu câu nhằm nhấn mạnh ý, rồi đôi chúng ta cũng sẽ đến lúc gặp được nhau, sau những tha thiết và dốc lòng đi “tìm nhau” ấy.
 
Ta sẽ được gặp nhau ở đâu? Người ơi, ta sẽ gặp nhau ở trong hơi thở của cuộc đời này. Khi gặp nhau, nhớ, hãy nép hơi im nghe hương mới. Người ơi, ta sẽ gặp nhau trong nhân tình đầy bác ái đó người. Ta sẽ gặp nhau giữa lúc tiếng kinh cầu ngang điểm một hồi chuông.
 
Những từ ơi / người ơi; mới / hương mới, nghe mới dịu dàng và tha thiết làm sao. Đoạn nhạc, à không, đoạn thơ chớ, không chỉ dịu dàng, tha thiết, mà dường như, ta còn nghe trong đó những kêu gọi bao dung, những kêu gọi thứ tha, những kêu gọi thương yêu.
 
Và kêu gọi một vững tin vào lời kinh mà ta đang dâng lên khẩn cầu lòng xót thương từ thượng đế!
 
******
II. 3. Tìm Nhau Khi Nhân Loại Được Trùng Tu
 
Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu
Tìm nhau trong thống khổ
Tìm nghe câu than thở
Tìm nhau như góa phụ tìm mộ bia
Tìm đâu môi em đỏ
Tìm đâu mây trong mắt
Tìm cho ra mái tóc ngây thơ đó
Tìm xem trong kinh sử
Tìm tương lai sáng tỏ
Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu
 
Qua lời tiếp theo này, Phạm Duy đã đặt ra những tình huống giả định, rồi việc tìm nhau, sẽ hết sức khó khăn, vất vả, gian truân. Chúng ta có thể phải đi tìm nhau trong bom lửa, trong mưa bão. Chúng ta có thể phải đi tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu. Chúng ta cũng có thể phải đi tìm nhau trong nỗi thống khổ khôn cùng. Và trong cuộc tìm nhau ấy, chúng ta có thể phải nghe không biết bao nhiêu là lời than thở, chung quanh có, tự lòng mình có, như góa phụ đi tìm mộ bia chồng giữa chiến trường còn vương mùi tử khí.
 
Vì những mộ bia, không một dòng tên, tuổi.
 
Việc tìm nhau giờ đây không còn ngọt ngào, không còn dễ dàng nữa. Tìm nhau, có thể, sẽ phải diễn ra trong những loạn lạc, những đổ nát, những mất mát, những sầu khổ, thương tâm.
 
Liệu tìm được không, nhau? Tìm đâu để gặp lại môi em đỏ? Tìm đâu để thấy lại mây trong mắt? Và tìm đâu, cho ra mái tóc thuở ngày thơ?
 
Anh sẽ đi tìm đọc, xem trong những dòng kinh kệ, những dòng lịch sử, nơi đó, có chép gì không, có nhắc gì không về tương lai sáng tỏ của quê hương ta. Và rồi cuối cùng, anh cũng đọc được rằng, chúng ta sẽ nhất định tìm lại được nhau, sẽ nhất định tìm thấy nhau.
 
Tìm thấy nhau khi nhân loại được trùng tu!
 
******
II. 4. Gặp Nhau Đôi Tâm Hồn Được Nghỉ Ngơi
 
Gặp nhau trong vinh dự của đời người
Người ơi
Gặp nhau dưới đức tin bao la phơi phới
Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới
Ơi người
Gặp nhau đôi tâm hồn được nghỉ ngơi
 
Chắc chắn, rồi ta sẽ gặp nhau trong vinh dự của đời người. Chắc chắn, rồi ta sẽ gặp nhau, bởi vì, ta đã biết nuôi dưỡng niềm tin, ta đã biết bền vững giữ đức tin, một đức tin bao la, phơi phới. Dù phải trải qua không biết bao nhiêu là cơ cầu, khó khăn, lao đao, nghiệt ngã, khổ ải của trần gian, thì lúc gặp nhau, sẽ chính là lúc được đền bù. Đền bù gì, em biết không.
 
Đôi tâm hồn được nghỉ ngơi!
 
******
III. Gặp Nhau Trong Nhân Tình Đầy Bác Ái, Ơi Người
 
Phạm Duy viết Tìm Nhau vào năm 1956, khi mà ông vừa trải qua một “tai nạn” lớn của đời mình.
 
Từ trước đến nay, khi viết về tác giả, tác phẩm, tôi luôn tuân thủ theo một nguyên tắc tự mình đặt ra, đó là, chỉ viết cảm nhận về cái hay, cái đẹp của tác phẩm, cũng như viết cảm nhận về sự tài hoa và tài tình của tác giả ở mặt chữ nghĩa. Còn ngoài ra, những chuyện khác, nhất là về đời tư của họ, tôi tuyệt đối không lạm bàn và cũng không đưa vào trang.
 
Thứ nhứt là vì, danh dự một đời người, không phải là thứ để cho mình tùy tiện đem ra, lôi ra, thị phi. Thêm vào đó, chưa chắc, những tin tức truyền khẩu, chưa chắc những gì mà báo chí copy nhau, viết về họ, đã là những điều chính xác.
 
Thứ nhì là vì, ai trên đời mà chẳng có lúc sai? Ông bà xưa thường nói, bảy mươi chưa đui chưa què chớ khoe rằng tốt. Nghĩa là, ngay cả người sống đến bảy mươi tuổi kia, mà họ còn ý nhị, tế nhị, hiểu chuyện đời, để không dám khoe mình, tự nhận mình, là lành lặn, là tốt đẹp hơn người khác, huống hồ ta. Sự đời làm sao nói trước được. Những xui rủi, những trớ trêu, những éo le, nó có chừa ai đâu. Chỉ khi đến lúc nhắm mắt xuôi tay, thì may ra, mới có thể an tâm rằng, từ đây, chắc không còn mắc lỗi lầm gì nữa.
 
Chớ còn sống, còn thở, là đời mình còn phải đón nhận những điều xấu tốt, mà mình chẳng thể nào đoán ra, biết trước.
 
******
IV. Gặp Nhau Dưới Đức Tin Bao La Phơi Phới
 
Phạm Duy viết rất nhiều thể loại nhạc, nhạc quê hương, nhạc thiếu nhi, nhạc kháng chiến, rồi trường ca, thanh niên ca, quân ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tục ca, vỉa hè ca… , và đặc biệt là tình ca.
 
Loại nhạc nào, ông viết cũng hay, cũng xuất sắc, đến mức, hai phần ba thế kỷ qua, người Việt Nam từ Nam chí Bắc, từ trong nước ra tới ngoài nước, đều cho rằng, nhạc sĩ Phạm Duy là thiên tài âm nhạc, và các tác phẩm của ông, thì vô đối, nghĩa là, không có đối thủ.
 
Quay trở lại Tìm Nhau, tôi cho rằng, đây là một trong những tình khúc mà phần lời của nó đã được Phạm Duy viết rất đẹp, rất hay.
 
Tìm Nhau buồn nhưng tràn đầy niềm lạc quan. Tìm Nhau khổ đau nhưng tràn đầy niềm hy vọng!
 
******
V. Tìm Nhau Như Thiên Cổ Tìm Ngàn Thu
 
Không đợi đến nhà thơ Trần Dạ Từ phải thốt lên: “Nhạc sĩ Phạm Duy là một trong những nhà thơ vĩ đại nhứt của nền văn học nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại, mà đã từ lâu lắm rồi, khi biết đọc thơ, hiểu thơ, yêu thơ, làm thơ, thì trong tâm trí tôi, đã luôn cho rằng, Phạm Duy không chỉ là một nhạc sĩ, mà ông còn là một nhà thơ.”
 
Trừ đi những ca khúc mà ông phổ thơ của người khác, trừ đi những ca khúc quá đặc biệt như tục ca hay vỉa hè ca, thì gần hai ngàn ca khúc của ông cũng chính là gần hai ngàn bài thơ, mà nếu đem ra so sánh, tôi đoan chắc, ông là một trong những thi sĩ của thế kỷ hai mươi, có mặt ở top đầu.
 
Vì, có câu thơ nào hay hơn câu thơ này nữa:
 
Tìm Nhau, Như Thiên Cổ Tìm Ngàn Thu!
 
Sài Gòn 23.05.2025
Phạm Hiền Mây
Nguồn: Fb Phạm Hiền Mây