User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
chunhatbuon
 
I. Szomorú Vasárnap - Gloomy Sunday (1933)
 
Chủ Nhật Buồn, bản gốc tiếng Hungary là Szomorú Vasárnap, tiếng Anh là Gloomy Sunday, còn được biết đến bằng một tên gọi khác là Bài Ca Tự Sát Hungary.
 
Đây là một bản nhạc nổi tiếng, được sáng tác bởi nhạc sĩ dương cầm người Hungary tên Rezső Seress vào năm 1933, để diễn tả tâm trạng thất tình của mình.
 
Nhưng Seress đã không ngờ rằng bài hát của ông, bị kết tội, là nguyên nhân làm cho hàng trăm người tự tử. Vì thế, nó được mệnh danh là Bài Hát Chết Chóc. Phạm Duy đã viết lời tiếng Việt cho ca khúc này và cũng lấy tên Chủ Nhật Buồn.
 
Lời bài hát ban đầu là: vége a világnak - the world is ending - thế giới đang kết thúc, nói về nỗi tuyệt vọng do chiến tranh gây ra, bài hát kết thúc bằng một lời cầu nguyện về tội lỗi của con người.
 
Sau đó, thi sĩ László Jávor đã viết lại lời cho bài hát và đặt tên cho nó là Szomorú Vasárnap - Sad Sunday, trong đó nhân vật chính muốn tự tử sau cái chết của người yêu.
 
Cuối cùng, thì lời bài hát thứ hai lại trở nên phổ biến hơn, trong khi lời bài hát đầu tiên, bị dần lãng quên. Bài hát được thu âm lần đầu tiên bằng tiếng Hungary bởi Pál Kalmár vào năm 1935.
 
Chủ Nhật Buồn lần đầu tiên được thu âm bằng tiếng Anh, bởi Hal Kemp vào năm 1936, với lời nhạc của Sam M. Lewis, và được thu âm lại trong cùng năm bởi Paul Robeson, với lời nhạc viết lại bởi Desmond Carter. Nó trở nên nổi tiếng khắp những nơi nói tiếng Anh, sau khi phiên bản của Billie Holiday được phát hành vào năm 1941.
 
Lời bài hát của Lewis có đề cập đến tự tử và hãng thu âm đã mô tả nó là Bài Ca Tự Sát Hungary - Hungarian Suicide Song. Tin đồn thời ấy, cho rằng, nhiều người đã tự tử khi nghe bài hát này, đặc biệt là người Hungary!
 
******
II. Szomorú Vasárnap - Rezső Seress
 
Một chiều cuối năm 1932, dưới bầu trời Paris ảm đạm, mưa nặng hạt và lạnh lẽo, nhạc sĩ dương cầm Rezső Seress ngồi chơi đàn dương cầm bên cửa sổ. Một giai điệu chợt xuất hiện trong đầu ông và nửa tiếng sau, ca khúc Szomorú Vasárnap ra đời.
 
Ca khúc mô tả tâm trạng đau khổ của một người thất tình, ngồi một mình, nghe hơi mưa và đợi chờ, không nguôi ngoai. Để rồi kết thúc là chủ nhật nào, tôi im hơi, đến với tôi thì muộn rồi.
 
Ca khúc ban đầu bị các hãng thu băng từ chối vì nhạc và lời quá buồn thảm. Phải mất nhiều tháng sau, Seress mới tìm được một hãng băng đĩa nhận lời mua bài hát đó và sau đó, phát hành tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.
 
Chủ Nhật Buồn
(Lời Việt: Phạm Duy)
 
Chủ nhật buồn, đi lê thê, cầm một vòng hoa, đê mê
Bước chân về, với gian nhà, với trái tim, còn nặng nề
Xót xa gì, oán thương gì, đã biết nuôi, hương chia ly
Trót say mê, đã yêu thì, dẫu vô duyên, còn nặng thề
Ngồi một mình, nghe hơi mưa, mặc lệ tràn, câu thiên thu
Gió hiên ngoài, nhắc một loài, dế giun hoài, ru thương ru
Ru hỡi
Ru hời
Chủ nhật buồn, tôi im hơi, vì đợi chờ, không nguôi ngoai
Bước chân người, nhớ thương tôi, đến với tôi, thì muộn rồi
Trước quan tài, khói hương mờ, bốc lên như, vạn ngàn lời
Dẫu qua đời, mắt tôi cười, vẫn đăm đăm, nhìn về người
Hồn lìa rồi, nhưng em ơi, tình còn nồng, đôi con ngươi
Nhắc cho ai, biết cuối đời, có một người, yêu không thôi
Ơi hỡi
Ơi người!
 
******
III. Nhắc Cho Ai, Biết Cuối Đời, Có Một Người, Yêu Không Thôi
 
III. 1. Trót Say Mê, Đã Yêu Thì, Dẫu Vô Duyên, Còn Nặng Thề
 
Đó là một ngày Chủ Nhật, một ngày Chủ Nhật rất buồn.
 
Bước đôi chân xuống đường không chủ đích, đi như là đi thôi, chẳng đến đâu, chẳng về đâu.
 
Không đích tới, nên đôi chân mới nặng nề và con đường phía trước mới lê thê làm sao.
 
Trên tay, là một vòng hoa. Vòng hoa cưới hay vòng hoa tang? Không biết. Và cũng chẳng biết của ai, chẳng biết vì sao lại cầm. Đầu óc đặc sệt những hình ảnh không rõ ràng, chúng nhập nhòe, xô vào nhau, tan vào nhau, chồng chất lên nhau, như chìm đắm vào cơn mê dài, không lối thoát.
 
Giờ thì bước chân đang quay về, với gian nhà vắng, với trái tim đau, nặng nề lắm nỗi.
 
Xót xa ư? Xót xa gì? Oán thương ư? Oán thương gì? Có phải những xót xa và oán thương này ập đến, cũng vì bởi, trái tim từ đây đã biết nuôi - nuôi hương chia ly?
 
Thì đành phải vậy thôi, tại mình lỡ trót say mê, tại mình lỡ trót yêu đương, nên dẫu cuộc tình không duyên không nợ, thì vẫn mãi nặng trong tim, lời thề nguyền hẹn ước, đã trót đắm say trao nhau hôm nào!
 
******
III. 2. Ngồi Một Mình, Nghe Hơi Mưa, Mặc Lệ Tràn, Câu Thiên Thu
 
Ngồi một mình. Là đang ngồi một mình thôi, nghe ngoài trời, cơn mưa kéo tới, nghe hơi mưa, lành lạnh, nghe hơi đất xông lên mùi tử thi ẩm ướt, mặc cho lệ tuôn tràn, nghe câu ca vang lên đâu đây, lời thiên thu vĩnh biệt.
Gió. Gió từ ngoài hiên lùa vào, hòa cùng tiếng dế giun, cất lên lời ru, ngủ yên này, huyệt tối. Chúng ru hoài. Chúng ru mãi.
 
Tiếng ru như tiếng khóc, chẳng chịu ngừng, chẳng chịu ngưng!
 
******
III. 3. Dẫu Qua Đời, Mắt Tôi Cười, Vẫn Đăm Đăm, Nhìn Về Người
 
Quả là một Chủ Nhật rất buồn, một Chủ Nhật quá buồn, đối với tôi. Trong căn nhà trống vắng, gian phòng trống vắng, tôi lặng lẽ đợi chờ.
 
Đợi chờ gì ư, tôi cũng không biết nữa. Đợi là đợi thôi. Đợi như một thói quen, bao lâu nay, vẫn thế. Lòng tôi chẳng phút nguôi ngoai. Chúng như những sợi dây đàn, ngày mỗi căng thêm vì nỗi đợi chờ vô vọng.
 
Có thể, sẽ một ngày, bước chân người giẫm lên hàng sỏi trắng rồi dừng trước hiên nhà. Vì người nhớ thương tôi? Và người đến với tôi?
 
E đã muộn rồi, người thương!
 
******
III. 4. Dẫu Qua Đời, Mắt Tôi Cười, Vẫn Đăm Đăm, Nhìn Về Người
 
Đã muộn rồi. Trước quan tài tôi, khói hương mờ mịt, khói hương hay sương chiều sũng ướt, trong nhà, ngoài nhà, bốc lên như vạn ngàn lời chưa từng một lần có dịp thốt lên.
 
Đôi mắt tôi trong di ảnh nhoẻn cười, mà người, sao lại khóc?
 
Tôi đăm đăm nhìn người, còn người, sao cứ gục xuống mãi trước bàn thờ khói hương không ngừng nghi ngút!
 
******
III. 5. Hồn Lìa Rồi, Nhưng Em Ơi, Tinh Còn Nồng, Đôi Con Ngươi
 
Hồn lìa rồi, nhưng người ơi, tình tôi vẫn xiết bao nồng nàn, chưa một phút giây nào nguôi, còn in sâu trong đáy mắt.
 
Như nhắc cho em biết rằng, như nhắc cho anh biết rằng, cho đến phút cuối của cuộc đời, có một người, là tôi, yêu anh, yêu em, mãi mãi.
 
Nghĩa là, hồn tan rồi, nhưng tình yêu đã từng giữa đôi ta, thì không bao giờ mất!
 
******
IV. Chủ Nhật Buồn - Bài Ca Tự Sát Hungary
 
Khi ca khúc được tung ra thị trường, bắt đầu xuất hiện những chuyện kỳ lạ. Tại Berlin, một thanh niên sau khi nghe ca khúc, đã phàn nàn với bạn bè rằng, anh ta bị ám ảnh bởi giai điệu và ca từ của nó. Anh ta rơi vào trạng thái trầm cảm mà không sao thoát ra được. Cuối cùng anh ta dùng súng bắn vào đầu tự vẫn.
 
Vài ngày sau, cũng tại Berlin, người ta phát hiện một cô gái treo cổ tự tử và dưới chân cô là tờ nhạc Szomorú Vasárnap. Báo chí bắt đầu loan tin về hiện tượng này, và liên tiếp các vụ án tương tự, xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới như Hungary, Pháp, Mỹ.
 
Seress rất kinh ngạc và ông không tin vào điều này. Nhưng khi người ta thống kê được hàng trăm vụ tự tử khắp thế giới có liên quan đến ca khúc, thì Seress bắt đầu hoảng sợ.
 
Lệnh cấm lưu hành ca khúc đã được nhiều nước đưa ra. Nhưng càng cấm thì ca khúc càng nổi tiếng và danh sách những nạn nhân ngày càng dài thêm, ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, màu da. Đồng thời, có tới mười lăm quốc gia đâm đơn kiện tác giả Seress, buộc tội ông có liên quan đến những cái chết đó.
 
Cơn sốt về ca khúc lên đến đỉnh điểm vào năm 1936. Bất chấp lệnh cấm, bản copy của bài hát được bày bán khắp nơi trên đường phố Paris.
 
Nhạc sĩ Seress sau đó đã cố gắng thu hồi bài hát của mình nhưng không thành công. Sau khi Thế Chiến II chấm dứt, ông trở lại làm nhạc nhưng không có tác phẩm nào mang tính thần chết như thế nữa.
 
Năm 1968, ông mất vì tự tử!
 
******
V. Vì Sao Szomorú Vasárnap Của Rezső Seress Lại Ảnh Hưởng Tiêu Cực Đến Người Nghe
 
Các nhà nghiên cứu cho biết âm nhạc, điện ảnh, trò chơi, có thể tác động đến tâm lý của con người, nhưng không phải là quyết định.
 
Thời kỳ đó, Mỹ và châu Âu đang trong giai đoạn phát triển công nghiệp, thì chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, xã hội bị khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp gia tăng, kèm theo hậu quả của chiến tranh là chết chóc và thương vong.
 
Sự khủng hoảng xã hội sâu rộng này được thể hiện rõ nét với sự lên ngôi của học thuyết hiện sinh. Điều này tác động mạnh lên tâm lý của dân chúng và đẩy nhiều người trong số họ rơi vào trạng thái mất phương hướng, trầm cảm, thất vọng trong cuộc sống.
 
Trong bối cảnh đó, chỉ cần thêm một tác động nhỏ từ bên ngoài như âm nhạc, phim ảnh, có nội dung buồn thảm là có thể đẩy họ đến một quyết định tiêu cực.
 
Bài hát rất ảm đạm này chính là giọt nước làm tràn ly. Thêm vào nữa là sự cộng hưởng của dư luận qua những thêu dệt, đã tạo nên "mốt tự tử" của thời kỳ đó.
 
Các nhà tâm lý học cho rằng hiện tượng tự tử này là do bối cảnh xã hội khủng hoảng, tác động mạnh lên tâm lý con người. Và bản thân bài hát này, cũng như cái chết của tác giả, chỉ là một biểu hiện bề mặt của cuộc khủng hoảng đó.
 
Thực tế cho thấy, sau chiến tranh thế giới thứ hai, không còn hiện tượng tự tử vì bài hát nữa.
 
Lệnh cấm bài hát này cũng đã bị bãi bỏ từ lâu!
 
******
VI. Phạm Duy, Người Đưa Hồn Việt Vào Các Ca Khúc Ngoại Quốc
 
Trong khoảng trên dưới hai ngàn ca khúc, cả phổ biến lẫn chưa phổ biến của nhạc sĩ Phạm Duy, có đến gần một phần năm trong số ấy, là các ca khúc nước ngoài, được Phạm Duy đặt lời Việt.
 
Những ca khúc được soạn lại bằng lời Việt này, tôi không chắc, nội dung của nó, có gần với nguyên tác hay không, tôi chỉ biết, khi hát lên, nó rất mượt mà, rất “ăn” với nhạc, không sượng, không khô, không cứng, và chúng rất được giới trẻ miền Nam, vào những thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ XX, yêu thích.
 
Không chỉ vậy, sự góp mặt của các ca khúc nhạc ngoại lời Việt, cũng đã làm cho nền tân nhạc tại miền Nam trước 75, trở nên khởi sắc, vàng son một thời, bởi sự đa dạng và phong phú của nó.
 
Các ca khúc được Phạm Duy chuyển lời Việt bao gồm nhiều thể loại, nhạc phim, nhạc khiêu vũ, nhạc nhẹ, dân ca, và cả bán cổ điển. Đến bây giờ, các ông các bà ở hàng năm mươi đổ lên, còn trong nước hay đã ở ngoài nước, vẫn thuộc, và vẫn hát rất hay, rất có hồn, các ca khúc nhạc ngoại lời Việt này.
 
Và một trong những ca khúc ngoại quốc mà Phạm Duy ưng ý nhứt khi chuyển sang lời Việt, đó chính là ca khúc Chủ Nhật Buồn mà tôi vừa giới thiệu đến các bạn!
 
Sài Gòn 25.05.2025
Phạm Hiền Mây
Nguồn: Fb Phạm Hiền Mây