User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Thưa quý bạn, trong cuốn Cổ Học Tinh Hoa của hai cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân xuất bản tại Hà Nội năm 1926 có câu chuyện “Vợ răn chồng” như thế này:

Án Tử (tức Án Anh, tên tự là Án Bình Trọng.-ĐD) là tướng quốc nước Tề trong thời Đông Chu liệt quốc. Một hôm, Án Tử đi công việc, có tên đánh xe ngồi phía đằng trước. Vợ tên đánh xe dòm trộm, thấy chồng ngồi dưới cây lọng, tay cầm dây cương, mặt vác lên có vẻ dương dương tự đắc.
Lúc chồng về nhà, người vợ toan bỏ ra đi. Chồng hỏi: “Sao nàng lại đi?”. Người vợ nói: “ Ông Án Tử thân hình gầy còm, thấp bé, làm quan tướng quốc nước Tề danh tiếng lừng lẫy khắp thiên hạ. Vậy mà thiếp thấy ông ấy vẫn rất ư khiêm tốn, làm như mình chẳng bằng ai. Còn như chàng đây, cao lớn đẫy đà, chỉ là một gã đánh xe tầm thường, hèn hạ, thế mà lại ra vẻ nghênh ngang, kiêu ngạo được làm người đánh xe cho quan tướng quốc, tưởng như không ai bằng mình. Thiếp lấy làm hổ thẹn lắm, không sống với chàng được nữa, xin phép chàng cho thiếp ra đi”.

Tên đánh xe xin lỗi vợ, hứa sẽ sửa chữa rồi từ đấy trở thành nhũn nhặn, không nghênh ngang nữa. Quan tướng quốc để ý thấy thế lấy làm ngạc nhiên lắm, hỏi, hắn kể lại sự thực. Ngài khen, giỏi, vợ ngươi đã là người giỏi, biết khuyên răn chồng mà ngươi cũng giỏi, biết nghe lời khuyên của vợ. Ngài bèn cất nhắc hắn lên làm một chức quan. Quả nhiên, làm quan hắn được tiếng rất tốt”.

Thưa quý bạn, nhà văn Lâm Ngữ Đường nói rằng đàn ông chỉ là đứa trẻ con lớn lên nên dù ở tuổi nào cũng vẫn có thể mắc sai lầm. Còn Thành Cát Tư Hãn thì nói làm đàn ông khó lắm, phải biết mình là cái gì đó để người mẹ hay người vợ tha thứ.
Đoàn Dự tôi không dám nói như vậy, bởi vì tôi là đàn ông, phải bênh vực đàn ông, nhưng tôi nhận thấy (rút kinh nghiệm của bản thân tôi) ở tuổi nào cũng vẫn có thể có khuyết điểm. Lúc còn nhỏ thì nhờ mẹ dạy dỗ (tôi mồ côi cha từ lúc 8 tuổi nên ít được nghe lời cha dạy, chỉ có mẹ thôi), lúc lớn thì nhờ… có vợ đóng góp ý kiến! May mắn cho người nào có vợ góp ý chứ vợ ù lì chẳng biết gì cả chưa chắc đã là điều tốt. Người ta nói “vợ dại không hại bằng đũa vênh”, tôi thấy đũa vênh thì đổi lấy đôi đũa khác, còn vợ dại thì ráng mà chịu, đâu có đổi lấy vợ khác được.

Gần đây, ở trong nước có nhà văn Lê Hoàng là một đạo diễn điện ảnh rất nổi tiếng. Ông ta có cách viết cũng như cách ăn nói hết sức thông minh, dí dỏm, tinh nghịch, nhưng cũng không kém phần sâu sắc mang tính xây dựng nên thường được mời làm giám khảo trong các game shows nghe nói hàng tỉ đồng trong mỗi chương trình. Lê Hoàng cũng viết cho nhiều tờ báo nữa và thường được độc giả gửi thư về nhờ “gỡ rối tơ lòng” trong chuyện gia đình, nhất là trong chuyện vợ chồng. Bây giờ xin mời quý bạn thưởng thức vài chuyện nho nhỏ vui vui với lối viết đặc biệt của đạo diễn Lê Hoàng cho đầu óc đỡ căng thẳng, có khi lại rút được kinh nghiệm nào đó cũng chưa biết chừng, chứ cứ đọc những tin đánh nhau, giết nhau, Trung Quốc, IS v.v… rất …mệt. Xin mời quý bạn coi.

I. “Gỡ rối tơ lòng” của Lê Hoàng

* Thân gửi anh Lê Hoàng,
Tôi đọc báo thấy rất nhiều người hỏi ý kiến anh vì chồng hay làm khổ vợ. Nhưng chả hiểu có ai ở hoàn cảnh giống tôi không, đó là chồng tôi là một người đàn ông bình thường, có bằng đại học nhưng không phải loại giỏi, thế nhưng bất cứ vấn đề gì trên đời anh ấy cũng đều có ý kiến, và theo lời anh, nếu thiên hạ biết nghe lời anh thì xã hội đã tiến bộ vượt bậc từ lâu rồi.
Nói chung, chả có vấn đề gì mà chồng tôi không phát biểu, sau đó kết luận rằng “chúng nó” rất dốt khi không theo ý anh, khiến tôi nhiều lúc vừa cáu, vừa mệt, vừa chán lại vừa buồn cười, nhưng cũng có lúc tôi giật mình tự hỏi hay ta lấy được thiên tài mà không biết. Vậy anh Lê Hoàng thấy sao? Tôi phải nói với chồng tôi thế nào cho anh ấy bớt thấy thiên hạ dốt?
Hoàng Nguyên (Hải Phòng)

* Đạo diễn Lê Hoàng trả lời:

Chị Hoàng Nguyên thân mến,
Đầu tiên xin nói với chị rằng trừ trường hợp đặc biệt, còn thì phần lớn phụ nữ lấy chồng vì tin rằng chồng mình thông minh. Tất nhiên thông minh có nhiều bậc, nhưng nói chung, đàn ông dù tự tin tới mấy cũng chỉ thông minh một hai vấn đề là cùng và dám nói ra điều ấy, còn trường hợp bất cứ chuyện gì cũng khẳng định mình hơn thiên hạ như chồng chị kể ra cũng khá hiếm. Rõ ràng sống với một người giỏi thì thú vị vô cùng. Nhưng sống với một người cái gì cũng giỏi và giỏi nhất là cái miệng, quả là mệt thật.
Trên thực tế, chả hiểu chồng chị giỏi tới đâu, nếu như anh ấy kiếm được nhiều tiền, lo cho vợ cho con đầy đủ và được mọi người quý nể thì anh ấy cứ việc phát biểu, tha hồ phát biểu, vợ con dù nhiều lúc chưa hiểu cũng cung kính lắng nghe.

Nhưng phần lớn cuộc đời không phải vậy, có phải không chị Hoàng Nguyên? Phần lớn phụ nữ cảm thấy bực bội và cáu gắt, chán nản, mỏi mệt khi chồng nói năng hào hùng, chê hết kẻ này tới kẻ khác, phê phán chung quanh không tiếc lời nhưng bản thân anh ta thì chả ra gì, lương ba cọc ba đồng, quần áo và mặt mũi đều nhàu nát như nhau. Căn bệnh này đặc biệt phổ biến ở các thành phố, nơi rất nhiều đàn ông tồn tại một cách mơ hồ, chỉ giỏi ngồi quán bia hoặc tiệm nhậu, thu thập đủ các chuyện, góp ý đủ các việc nhưng chả việc nào thực sự cần tới anh ta.
Những người đàn ông kiểu đó được gọi là “thầy đời”, nghĩa là luôn luôn cho mình thông minh hơn kẻ khác, nhưng chỉ thông minh về lý thuyết thôi chứ chả khi nào đi vào cụ thể, cũng chả khi nào bắt tay vào một việc gì. Thực ra, như tôi đã nói, những người chồng như thế bên trong rất tự ti. Họ hiểu mình chả làm được gì ra hồn nên phải cố “gồng” lên biểu diễn trước mặt vợ con, cố tỏ ra mình tài năng nhưng chỉ vì thời thế mà không được trọng dụng.

Chị Hoàng Nguyên thân mến,

Để chữa căn bệnh này của chồng chị rất khó, vì anh ấy không động tới ai, cũng không nói ai, chỉ phát biểu chung chung trên trời dưới biển, và anh ấy cũng chả làm gì, chả bắt tay vào công việc hay sự nghiệp nào để thất bại cho thiên hạ chê bai. Nhưng đúng là sống với một ông chồng như thế mãi rất chán, nó khiến chị bị ức chế, cáu kỉnh.

Nhưng làm thế nào bây giờ? Không có gì khó hơn việc chứng minh cho một kẻ thấy anh ta không thông minh như anh ta tưởng, đặc biệt là khi sự thông minh đó toàn diễn giải bằng miệng. Chỉ còn một cách thôi chị ạ, là đôi khi có dịp nào anh ấy phê phán một việc gì, chị vớ lấy và đề nghị anh đừng nói nữa, cũng đừng chê bai nữa, cứ thử làm xem.

Ví dụ như chồng chê một kẻ làm ăn thất bại thì chị khuyên chồng hãy thử làm xem sao, hãy bắt tay vào ngay ngày mai việc đó. Và để sự nghiệp thành công, chị phải hết lòng ủng hộ, phải tạo mọi điều kiện cho chồng được bắt đầu một cách thật tốt. Rồi nếu như sự nghiệp ấy thành công thì quá tốt, chị sẽ cảm thấy trước đây mình không đánh giá đúng chồng mình quả là cao kiến và vĩ đại. Còn nếu như chuyện ấy thất bại, anh ấy sẽ “tắt đài”, sẽ đỡ vỗ ngực khoe khoang về trí tuệ cũng như sự thông thái của mình.

Tất nhiên, Lê Hoàng biết điều này khá nguy hiểm, ví dụ như nhà có ít tiền dành dụm mà bảo chồng mở nhà hàng, sau đó thất bại thì toàn bộ số tiền biến mất, tuy chồng rút ra được bài học nhưng cả vợ cả con cũng phải trả giá quá đắt, thật tai họa vô cùng.

Nhưng làm thế nào bây giờ? Không thể chữa một bệnh nặng bằng một liều thuốc không cao. Nếu chị quả thực muốn thoát khỏi nhừng lời “dạy bảo” của chồng chắc không còn cách nào khác là phải tạo điều kiện cho chồng có khả năng thực hành và phát huy, nếu không, chị sẽ mãi mãi phải sống với một “vĩ nhân” mà không ai công nhận ngoại trừ chính anh ta!

Lê Hoàng

* Thân gửi anh Lê Hoàng,
Tôi biết rằng mẹ vợ luôn luôn là vấn đề của các cặp vợ chồng. Nhưng trong gia đình tôi, mẹ vợ có vẻ không xía vào chuyện gì cả, không có ỳ kiến gì công khai, nhưng tất cả mọi chuyện vợ tôi đều nghe lời mẹ một cách ngấm ngầm, một cách vô điều kiện nhưng khi chồng hỏi lại chối bay chối biến khiến tôi rất bực mình, có cảm giác gia đình không bao giờ độc lập hoàn toàn và vợ không bao giờ lớn. Theo anh Lê Hoàng, tôi phải làm thế nào bây giờ?
Tuấn Anh (Hà Nội)

dd 6122

* Đạo diễn Lê Hoàng trả lời:

Bạn Tuấn Anh thân rnến,
Xin đồng ý với Tuấn Anh về việc mẹ vợ luôn là vấn đề. Chẳng những thế, bố vợ, em vợ, anh vợ, chị vợ, hay nói chính xác hơn, tất cả những gì liên quan tới vợ đều là vấn đề trong cuộc sống của đàn ông chúng ta. Đừng hy vọng thoát khỏi điều này.

Lê Hoàng nói như vậy ngay từ đầu là mong anh xác định thái độ cho rõ, không có những hy vọng viển vông, những khát khao tự do thiếu cơ sở.

Tất nhiên, không thể phủ nhận, trong những gì liên quan tới vợ thì mẹ vợ luôn chiếm một vị trí to lớn, quan trọng, vẻ vang, và nặng nề. Đây là ta xét trên quan điểm đàn ông, còn nếu trên quan điểm đàn bà, những gì liên quan đến mẹ chồng cũng phức tạp không kém.

Bản chất của mẹ vợ chắc chắn không bao giờ xấu. Ngược lại còn rất tốt đẹp. Đa số mẹ vợ đã, đang và sẽ sẵn sàng hy sinh vì con vì cháu, phần lớn mẹ vợ trong xã hội đang ngày đêm quần quật rửa bát, quét nhà, trông cháu, nấu cơm, chăm sóc chó mèo và canh kẻ trộm cho vợ chồng con gái. Rất ít các mẹ vợ được no đủ, được béo khỏe, được ngồi ung dung ăn cơm tiệm hoặc tung tăng du lịch bốn phương.
Nói như vậy không ý gì khác để anh ghi nhớ thành tích và công lao của mẹ vợ trước khi có những đòi hỏi cao hơn hoặc khắt khe hơn.

Về khoa học, mẹ vợ sinh ra vợ. Mà vợ, như anh đã quá rõ, vụng về, khờ khạo, tuy xinh đẹp nhưng ngốc nghếch, dễ bị trai đẹp và cả trai chưa đẹp lừa. Rất ít khi vợ là phụ nữ hiên ngang mạnh mẽ, giỏi võ, giỏi thể thao, biết đua xe, biết leo trèo.

Cho nên việc mẹ vợ phải canh vợ suốt đời không ngừng nghỉ cũng là chuyện dĩ nhiên. Trên thực tế, ngay cả khi mẹ cẩn thận như thế, vợ cũng vẫn bị mắc sai lầm, vẫn nhầm lẫn đủ thứ.

Nhiều đàn ông hời hợt cứ tưởng mẹ vợ thích góp ý, thích chỉ huy trong gia đình con rể. Thật là nhầm lẫn. Mẹ vợ cũng đâu muốn bận vào người. Mẹ vợ nào cũng thích ngay phút này đây được đi khiêu vũ, đi mát-xa, tung tăng với bạn bè ở các chùa hoặc du lịch Thái Lan xem voi, du lịch Ấn Độ xem khỉ, hoặc du lịch Pháp xem gà.

Sở dĩ mẹ vợ không dứt ra được, không bỏ đi được vì trên thế gian vẫn còn những người con vụng về, khờ khạo, buông ra là tan cửa nát nhà.

Tuy nhiên, Lê Hoàng cũng có chút thông cảm với anh khi mà bất cứ chuyện gì vợ cũng nghe lời mẹ.
Với tư cách là một người chồng, một người đàn ông, anh muốn tự mình và gia đình mình được tồn tại một cách độc lập.

Khát khao đó cũng chả có gì sai. Đã thế, chắc chắn anh còn được bạn bè xúi giục. Cứ theo lời đám bạn bè ấy, gia đình họ, vợ con họ đều do chính họ làm chủ, họ phải là lãnh đạo tối cao, không có chuyện mẹ vợ làm chủ hoặc mẹ vợ thao túng.

Tuấn Anh ơi, sao anh lại tin? Lê Hoàng hiểu rằng mỗi gia đình có một mẹ vợ khác nhau và mẹ vợ ấy điều khiển con cái một cách khác nhau chứ làm gì có sự buông lỏng quản lý trong lãnh vực này.

Anh nói rằng vợ mình cái gì cũng nghe mẹ, nhưng lại không đưa ra được dẫn chứng là vì nghe mẹ nên đã có sự tan vỡ hoặc có sự thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần. Điều đó chứng tỏ mẹ vợ chưa hề đưa ra những ý kiến sai lầm có tính hệ thống hay tính chiến lược.

Nói cách khác, anh không đưa ra so sánh cụ thể giữa nghe lời mẹ vợ và không nghe lời mẹ vợ, không nêu bật sự khác nhau một cách thuyết phục của việc không nghe, nhằm chứng minh cho thái độ ấm ức của mình, thế thì anh lấy đâu ra quyền phản kháng?
Anh nên hạnh phúc, nên cảm thấy mình may mắn vì dù sao vợ còn nghe lời mẹ chứ không phải nghe lời hàng xóm, đó là một sự việc tưởng đơn giản nhưng thực ra là khá lớn lao.

Rõ ràng trong gia đình anh, giữa mẹ vợ và vợ đã hình thành một mối quan hệ khôn khéo, tinh vi. Mẹ vợ có chỉ đạo nhưng lại hình như chẳng chỉ đạo gì cả, còn vợ nghe lời mẹ nhưng lại ra vẻ rất quyết đoán khiến anh chả biết đâu mà lần, chả biết đâu mà đối phó nên có cảm giác hình bóng mẹ vợ luôn luôn lơ lửng trên đầu. Nhưng anh nên biết đó là cảm giác chung của mỗi người chồng hiện nay, và để tồn tại, chúng ta chỉ còn cách coi đấy là một niềm vui, một niềm sung sướng ngập tràn. Cho nên anh đừng có buồn phiền khi vợ nghe lời mẹ vợ. Anh phải thấy điều đó là tự nhiên, là chân lý. Anh phải tiến tới, chính mình cũng nghe lời và cảm thấy hạnh phúc khi có được mẹ vợ để nghe lời.
Chúc anh lạc quan, yêu đời
Lê Hoàng

II. Thư của người bố gửi con gái: “Bố sẽ sớm quay về bên con”

* Con gái yêu của bố, hôm nay là ngày con tròn năm tuổi và cũng đã hai năm kể từ ngày bố rời xa con. Hôm đó bố đứng từ xa, nhìn con tươi cười trong buổi sinh nhật ba tuổi.

Bố viết thư cho con với một tâm trạng rất nặng nề vì nhớ con, vì bị giằng xé lương tâm do những lỗi lầm bố đã gây ra. Bố không nhớ đây là lá thư thứ bao nhiêu mà bố đã viết cho con. Dù bố biết con sẽ không bao giờ đọc và hiểu được, nhưng bố vẫn cứ viết, viết để dối lòng mình rằng bố vẫn đang được nói chuyện với con, bố vẫn đang ở bên con.

Giấc mơ đêm qua của bố thật đặc biệt. Trong giấc mơ, bố được thấy con, được ở bên con dài hơn, cũng đúng thôi, vì hôm nay là kỷ niệm ngày con chào đời.

dd 6123

Con gái của bố, bố đã quyết định đi đến một nơi thật xa, gạt bỏ hết những gì còn vương vấn để làm lại từ đầu. Bố sẽ làm bất cứ việc gì để có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Hiện giờ bố đã có một công việc, tuy không tốt lắm nhưng bố không mong muốn gì hơn tại thời điểm này.
Những lúc tình cờ nhìn thấy một đứa bé là lúc nỗi nhớ con lại dâng trào trong bố. Trước ngày ra đi, bố đã không cầm được nước mắt khi bố và con ngồi ăn kem. Lúc đó con nói với bố: “Bố ơi, bố đừng khóc. Mẹ bảo khóc là rất xấu có đúng không bố?”. Từ ngày xa con, đêm nào bố cũng rất nhớ con, rồi nước mắt bố lại chảy.
Bố không thể quên những ngày còn ở bên con. Cứ buổi chiều tối khi ăn cơm xong, con lại bắt bố bế rồi dắt con đi chơi, đi hóng mát. Mẹ bảo chỉ được đi 30 – 40 phút thôi rồi về, nhưng con nhất định không chịu về nên hôm nào bố cũng bị mẹ mắng. Những hôm bố đi làm về muộn, mẹ dọn cơm cho bố ăn, con ngồi vào lòng bố, mẹ bảo con đi ra để bố còn ăn cơm, nhưng con nhất định không. Rồi bố xúc cho con từng thìa cơm, mẹ hỏi có ngon không? Con nhìn mẹ nói cơm của bố ngon hơn cháo và sữa của mẹ. Rồi những buổi chiều bố đưa con đi mua búp bê công chúa vì con rất thích. Dù biết mua về là sẽ bị mẹ con mắng, nhưng bố vẫn mua cho con. Nhìn con cầm búp bê ngắm nghía thích thú, bố cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của bố, nhưng bố đã không biết trân trọng, giữ gìn.

Vì bố muốn con có cuộc sống đầy đủ, vì bố muốn gia đình nhỏ của mình khấm khá, vì bố muốn chứng minh cho ông bà ngoại và bạn bè của mẹ con biết rằng bố không phải là người kém cỏi, không phải là người bất tài, vô dụng nên bố đã bỏ công việc hiện tại và lao vào làm ăn. Bố đã bất chấp tất cả, lúc đó trong đầu bố chỉ còn biết làm và làm, bất chấp mạo hiểm, bất chấp sự khuyên ngăn của mọi người. Với vòng luẩn quẩn, bố thiếu tỉnh táo và đã đẩy ông bà ngoại, mẹ con vào cảnh khốn cùng. Khi bố nhận ra thì mọi việc đã đi quá xa rồi, bố không có khả năng khắc phục hậu quả. Gia đình nhỏ bé của mình đã tan biến từ đây.

Bố đã gây ra nhiều lầm lỗi với ông bà ngoại và mẹ con. Bố không còn mặt mũi nào để đối diện với ông bà và mẹ con nữa. Ông bà ngoại và mẹ con đã cho bố sự yên bình nhưng bố không những không biết nhận mà còn phá hủy nó.

Con gái yêu của bố! Những gì mà bố gây ra quá lớn, bố không cầu mong sự tha thứ của ông bà và mẹ con vì bố biết mọi người không ai có thể chấp nhận và tha thứ được. Trong thâm tâm bố, bố vẫn luôn hy vọng rằng một ngày nào đó, ông bà và mẹ con sẽ tha thứ cho bố, để bố được quay về với con gái và để biến giấc mơ này thành hiện thực. Bố sẽ làm việc chăm chỉ, thay đổi lại cách sống để ông bà và mẹ con cho bố một cơ hội được quay về.

Đã tròn hai năm bố không được gặp con gái rồi, bố nhớ con từng ngày, từng đêm. Bố không biết uống bia, rượu, nhưng bố đã uống, uống để vơi đi nỗi nhớ con. Rượu và bia cũng không thể nào làm nỗi nhớ con trong bố vơi đi được, mà còn làm tăng thêm. Rồi bố nhận ra, chỉ có công việc, công việc sẽ giúp bố không nhớ về con nhiều nữa, công việc sẽ giúp bố có thể dành dụm tiền để trả bớt gánh nặng nợ nần cho mẹ và ông bà con. Bố hứa với con gái, bố sẽ không làm con gái sau này lớn lên phải xấu hổ về bố. Nếu bố không làm được điều này thì có lẽ bố cũng không nên tồn tại trên đời nữa.

Ở nơi xa và sinh nhật con tròn 5 tuổi, bố không có gì làm quà để gửi cho con. Từ đáy lòng mình, bố luôn cầu chúc cho con gái mạnh khỏe, học giỏi, chăm ngoan và nghe lời mẹ, vâng lời ông bà. Bố xin ông trời che chở cho con giúp bố trong thời gian bố phải xa con.

Nếu có ai đó hỏi bố rằng trên đời này điều gì quan trọng nhất đối với anh? Bố sẽ trả lời đó là con gái bố. Anh yêu thương ai nhất? Bố sẽ trả lời người đó là con gái bố. Ai có thể khiến anh hy sinh tính mạng để bảo vệ, bố sẽ trả lời rằng người đó chính là con gái bố.

Có hai cái giá mà bố đang phải trả quá đắt về những lầm lỗi của mình, đó là không được ở bên con và lương tâm bị giày xé. Vì con, bố sẽ thay đổi. Vì con, bố sẽ làm tất cả. Bởi đơn giản là cuộc đời bố không thể thiếu vắng con được. Bố yêu và nhớ con gái nhiều lắm. Trong tim bố bây giờ không còn chỗ trống để cho bất kỳ hình ảnh của ai đó khác ngoài con gái bố và bố sẽ sớm quay về với con.
TT

* Mẹ con tôi khốn khổ vì tính sĩ diện của anh
Tôi là vợ của người viếtBố sẽ sớm quay về bên con”. Hôm nay tôi quyết định nói ra hết sự thật về tác giả của bài viết để mọi người biết rõ về anh ta.
Gửi người chồng yêu quý!

Bạn tôi gửi cho tôi đường link và tôi đã đọc hết những gì anh đã viết. Đúng ra tôi không viết mấy dòng này để gửi cho anh, nhưng vì tôi quá ức chế. Nếu tôi không nói rõ nguyên nhân thì mọi người sẽ chửi vào mặt tôi là độc ác, tàn nhẫn và chia cắt tình cảm bố con anh. Cái gì cũng có giá và có nguyên nhân của nó, không tự dưng tôi lại đối xử với anh như vậy?

Trước khi cưới nhau, tôi đã nói rõ quan điểm của tôi là không chấp nhận và tha thứ nếu anh vi phạm vào các nguyên tắc: Không nói dối, không rượu chè nghiện ngập, không cờ bạc, không gái gú. Anh đã thề sống thề chết là không bao giờ vi phạm, nhưng thực tế thì sao? Khi lấy anh, tôi biết anh không phải là người khá giả, gia đình anh cũng vậy nhưng tôi vẫn quyết định lấy anh trong sự ủng hộ của gia đình, họ hàng nhà tôi. Có ai bắt anh phải có cái này cái khác không? Có ai cần tiền bạc của anh không? Vậy mà anh luôn khoe khoang có cái này có cái kia, nhưng thực chất anh có cái gì?

Vì anh không muốn ở rể nên bố mẹ tôi đã cho một mảnh đất để tôi và anh yên tâm làm ăn, lúc nào có tiền thì xây. Tôi bảo anh là xây luôn vì lúc đó tôi có tiền riêng đủ để xây, nhưng anh không nghe, bảo tôi chịu khó thêm một thời gian nữa rồi anh tự kiếm tiền xây nhà. Lúc đó tôi rất phục và rất thương anh. Anh nói đúng, chỉ sau một năm anh đã kiếm đủ tiền để xây được căn nhà khang trang. Lúc đó tôi rất hạnh phúc. Cuộc sống gia đình tôi cũng chỉ cần có vậy thôi, tôi mỹ mãn lắm rồi. Tại sao anh lại dở chứng ra như vậy?

Anh bảo tôi vì tương lai của con, vì anh muốn tôi và con được sung sướng trong khi mẹ con tôi có khổ đâu, anh muốn nghỉ việc để ra kinh doanh bên ngoài. Tiền lương của tôi và của anh không những chi tiêu thoải mái mà hằng tháng còn tích lũy được một ít. Tôi đã khuyên anh, nói hết những gì cần nói với anh. Gia đình hai bên cũng đã khuyên can nhưng anh có để ý không? Anh có coi ai ra gì không? Tôi và gia đình không đồng ý, anh đã thuyết phục rồi nói dối đủ kiểu. Vì thương và tin anh nên tôi đã đưa hết tiền cho anh đầu tư dự án này dự án khác. Không những vậy anh còn bắt tôi đi vay, chạy tiền để anh tiếp tục làm ăn. Cuối cùng thì sao? Anh thu lại được cái gì hay mất trắng hết? Vì anh, tôi vay tiền của bạn bè. Vì anh, bố mẹ tôi phải rút hết tiền tiết kiệm ra để giúp anh làm ăn. Kết quả anh dành cho tôi và bố mẹ tôi là một đống nợ. Bạn bè và họ hàng chửi tôi với bố mẹ tôi là quá ngu nên mới tin lời anh.

Chuyện xấu xảy ra, tôi đã bắt anh phải dừng lại khi chưa quá muộn. Anh cố tình không nghe tôi và tiếp tục nói dối tôi: “Anh không thể từ bỏ được, nếu bỏ bây giờ là mất trắng hết”. Anh lại tiếp tục cho tôi thêm quả đắng nữa. Nợ nần khắp nơi, ai gặp cũng chỉ để đòi nợ. Anh thử nghĩ xem, tôi và gia đình tôi còn sống được nữa hay không?

Tôi và gia đình tôi có chê bai hay khinh bỉ gì anh không hay anh chỉ sĩ diện hão huyền? Anh biết tôi không chấp nhận được anh là vì sao không? Chính vì cái tính sĩ diện, sự dối trá, quanh co và bảo thủ của anh đấy. Mở miệng ra, anh nói anh thương con bé nên mới làm như vậy. Anh thương nó hay anh đang cướp đi cuộc sống đầy đủ của nó? Anh thương hay giết nó? Anh lấy tiền của tôi để đi mua hết thứ này thứ khác cho con bé trong khi tôi đã nói rất nhiều lần với anh là không được chiều nó như vậy. Tôi nói với anh không khác gì nước đổ lá khoai. Anh giỏi sao không bỏ tiền ra mà mua cho nó lại lấy tiền của tôi? Anh làm được gì cho mẹ con tôi hay anh chỉ phá?

Anh bỏ ngay mấy trò ngó nghiêng ở cổng trường học của con tôi đi. Anh thương con bé thì cầm tiền về để tôi trả nợ đi. Tôi đã nhiều lần định tha thứ, cho anh về để anh làm lại nhưng vì những gì anh gây ra với tôi và bố mẹ tôi quá lớn nên tôi không thể. Nếu anh còn có lòng tự trọng và thương con thật thì làm ơn cầm 3 tỉ về đây để tôi trả nợ, rồi tôi cho anh quay về. Nếu không thì tự anh lo cho cuộc đời anh đi, để mẹ con tôi được yên.

Vấn đề duy nhất mà tôi xin anh: Anh về ký vào đơn để tôi ra tòa làm thủ tục ly hôn. Tôi chờ hết ngày 30 tháng 6 mà anh không về ký đơn thì sẽ đơn phương ly hôn với anh vì tôi còn phải ổn định cuộc sống mới. Bố mẹ tôi cũng bảo tôi trả lại anh số tiền anh đã bỏ ra để xây nhà. Xin lỗi anh nhé, số tiền mà anh bỏ chỉ bằng 1/3 số tiền mà anh đã lấy đi của tôi và của bố mẹ tôi thôi nên không bao giờ có chuyện như bố mẹ tôi nói.

Hằng tháng anh cũng không nên gửi mấy đồng bạc cho tôi làm gì, tôi không nhận đâu. Những đồng tiền đấy tôi đã gửi lại hết cho mẹ anh rồi. Vài lời cuối cùng tôi gửi anh, anh nhớ và sống cho tử tế: bỏ tính sĩ diện, tinh vi và dối trá đấy đi rồi về ký đơn cho tôi.

Đây là toàn bộ sự thật, để tôi xem khi biết sự thật này có độc giả nào chấp nhận được con người anh không. Nào là “Con gái bố sau này lớn lên bố sẽ cho con theo nghề của bố”. Nào là “Con sẽ phải trở thành một nữ phóng viên, một nữ biên tập viên truyền hình, một MC, một nghệ sĩ chơi đàn piano…” Nó cũng đang giống anh ở cái suốt ngày nhảy múa hát ca rồi đấy. Còn những tính nết khác thì gia đình nhà tôi còn có phúc nên nó vẫn không giống anh.
Nga

* Vài ý kiến của độc giả trên Facebook
Đọc bài viết này, tôi thấy chị Nga nhắc đến “tiền” khá nhiều, đúng là đồng tiền làm lỗi đạo phu thê! Đành rằng làm ăn thất bại là lỗi của anh chồng, nhưng chị Nga cũng có lỗi khi đã vay mượn đưa tiền cho chồng làm ăn.

– Chị thật độc ác, ngay cách nói cũng thấy chị rất coi thường chồng, chồng chị đã sai khi hay sĩ diện nhưng tôi thấy anh vẫn là người tốt, sau này nếu chị lấy người khác chị sẽ phải hối hận vì rất, rất nhiều người còn tệ hơn.

– Khi người ta tức bực thì nói những lời nặng nề. Về quan điểm của mình, tôi hết sức ủng hộ chị Nga. Dù là đàn ông nhưng mình thấy là lo được cho người phụ nữ của mình là điều tốt, nếu không lo được thì đừng gây rắc rối…

– Bà vợ này ghê gớm quá! Làm ăn thì ai biết trước được thế nào.
– Bó tay với bà vợ này!
– Tôi không biết sự thực ra sao nhưng linh cảm rằng bà Nga (tác giả bài viết) sống rất chảnh. Bà giỏi như thế sao lúc chồng kinh doanh bà không góp ý kiến, nếu thấy trái là bắt ngừng liền.

– Người ta nói: đằng sau người đàn ông thất bại, luôn luôn có người đàn bà ăn hại!

 

Đoàn Dự ghi chép