User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.                                    

Cây mai. Hoa vàng rực, sáu cánh to dày như đóa hồng tiểu muội. Cành lá xum xuê, hương ngan ngát theo gió lan tỏa không gian, giữa góc rừng hoang sơ. Cây mai non như nàng con gái chớm dậy thì, được che chở bởi những chàng trai mạnh mẽ là đám cây rừng cao vút trời mây. Cây hoa đẹp thế này mà vẫn tồn tại ngạo nghễ trong thế giới riêng, giữa muôn loài cây cỏ. Lạ! Anh quay sang hỏi người bạn dân tộc thiểu số:

- Ở đây người ta không thích cây hoa này? Sao không ai đem về trồng trước nhà cho đẹp. Hoa xuân mà.

Anh ta trợn đôi mắt to sửng sốt như vừa nghe một điều phạm thượng tới…Yàng (trời).

- Sao không thích?...Nhưng cái hoa này của rừng, của bản, của chung mọi người. Già làng không cho ai lấy. Lâu rồi có cái người kinh lên đây định nhổ trộm, bị dân bản đuổi chạy mất rồi…

Anh ngẩn ngơ. Đột nhiên ý định muốn chiếm hữu cây maibùng lên trong tâm.

Làm cai đồn điền cao su đã lâu, chưa bao giờ anh vào rừng già thăm thú. Rừng thẳm đại ngàn thâm u huyền bí, đầy rẫy hiểm nguy rình rập có gì hay mà thăm? Thế nhưng hôm nay tiết xuân ấm áp, lòng người phơi phới, tự dưng anh muốn thăm rừng. Lại tự dưng thèm cây mai này mới khổ!

Anh nghĩ rối cả lòng. Muốn bứng cây mai về làm của riêng cũng chẳng có chỗ đâu mà trồng. Bỏ quê nghèo ngoài Bắc vào Nam làm phu đồn điền đã lâu, coi đây là nhà, chẳng còn chỗ trú ngụ nào khác ngoài quê mẹ xa xôi ngàn dặm. Bứng trộm cây mai rồi tha lôi về Bắc sao? Có mà dở hơi. Vậy thà cứ để cây hoa trong rừng vào ngắm cho gần. Còn nếu đào trộm đem về lán trại trồng thì chán sống rồi. Người dân tộc tuy hiền lành chất phác, nhưng tuân thủ tuyệt đối luật lệ của bản làng và không tha thứ cho kẻ trộm của rừng. 

Anh như mộng du, hồn để bên gốc mai. Anh bị nàng mai mê muội đến ngẩn ngơ, ngày nào cũng vào rừng ngắm cây mai cho đến khi cánh hoa cuối cùng rụng rơi theo gió vô tình.

Xuân cũng như hạ. Thu cũng như đông. Ngày nghỉ anh vào rừng thăm cây mai. Giữa tháng Chạp tỉ mẩn lặt lá cho cây rộ hoa. Khi không còn hoa thì nhìn cành, nhìn cội…

Thời gian trôi. Thân cây hằn dấu phong trần bốn mùa sương gió, gân guốc trầm mặc. Cũng như anh bạc phai màu tóc, lưng cõng tuổi đời. Từ anh thanh niên trở thành ông lão. Ông làm cái nhà sàn bên bìa rừng để ngày ngày vào thăm cây mai như thăm người thân. Ông đốn hết những cây tạp chung quanh để mai chiếm ngự riêng một khoảng không gian rộng.

O0O

Mùa xuân năm nay H’Ana Mnga Săm Gơr vừa tròn 16 tuổi. Cái tên này của nó đặc biệt được già làng đặt cho. Tiếng người kinh gọi là “Cây Hoa Mai”. Bởi nó sinh đúng vào mùa cây hoa trong rừng nở rộ. Cũng bởi gia đình Ana Mnga ở nếp nhà sàn ven rừng này đã mấy thế hệ. Từ ông đến (A Ma (cha) nó luôn yêu quí chăm sóc cây hoa như của riêng nhà mình, nên luôn tiện già làng giao việc chăm giữ cội hoa rất quí này.

Cội hoa như bậc vương hậu kiêu sa ngự giữa đám “thần dân” trong khoảng rừng mai bát ngát, sinh sôi dày đặc qua năm tháng. Rừng mai này được coi như của cải và niềm kiêu hãnh của dân bản. Cũng là sự thèm muốn của người Kinh. Hoặc chúng nó nhổ trộm đem về nhà trồng riêng, hoặc đem xuống thành bán được nhiều tiền. Nên việc giữ gìn rừng mai, nhất là cây mai “vương hậu” rất gian nan vất vả. Có đêm A Ma nó không thể ngủ yên khi nghe chó sủa râm ran hay ngỗng kêu quàng quạc dưới sàn. Bởi gần đến ngày Tết của người Kinh rồi.

Từ thời A Ma nó đến nay bản làng tiếp xúc nhiều với người miền xuôi, ánh sáng văn minh soi rọi vào bản làng. Người ta đã biết đi trạm xá khám bịnh thay vì chỉ cầu khấn thần linh hay đổ tội cho nhà này nhà kia có con ma rừng làm hại. Trẻ con được đi học cái chữ, biết nhiều hơn cái mà người già trong bản không biết. Ana Mnga đang học cấp ba trường tỉnh, sướng cái bụng hơn nhiều đứa trong bản bằng tuổi nó phải địu con lên nương lên rẫy. Hồi năm trước Ana Mnga 15 tuổi, thằng Y- Arol đón nó bên suối bảo “mày bắt tao làm chồng đi, tao nói A Ma tao không lấy trâu lấy bạc nhà mày”. Ana Mnga bẻ cành cây quất vào vai nó “tao còn đi học, tao học giỏi về trạm xá làm, lấy cái bịnh ra cho người trong buôn, tao không bắt mày đâu” (*). Cái thằng tiu nghỉu, buồn bã bỏ đi.

Còn vài ngày nữa là Tết. Phong tục Tết Nguyên Đán của người Kinh, thời nay đồng bào người Ê Đê bắt chước làm theo. Bởi thời gian này trùng hợp lúc dân bản ngưng việc nương rẫy. Nhà nào thóc cũng đầy bồ, mọi người được nghỉ ngơi chuẩn bị cho vụ mùa năm tới. Cũng là lúc chuẩn bị cúng tế tạ ơn Thần linh cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa mới mưa thuận gió hòa, lúa thóc lại đầy kho.

Ana Mnga lấy những ống giang trên gác bếp xuống lau rửa để mai A Mi (mẹ) nấu xôi ngũ sắc và cơm lam. A Mi bắt chước người Kinh gói bánh tét thịt mỡ. Đổi gùi măng khô lấy bình củ kiệu  dưa món, hai thứ này ăn với bánh tét ngon lắm. A Mi ra chợ tỉnh mua bánh kẹo mứt xanh đỏ. Trong góc sàn mấy bình rượu cần xếp ngay ngắn chờ tới Tết tiếp khách người trong tộc, cả người trong buôn tới thăm cũng mời. Trên ránh bếp còn có cả thịt trâu sấy, thịt nai khô, cá nướng… Nhiều thứ ngon để dành ăn hết tháng, bởi sau khi ăn Tết người Kinh thì tiếp theo vào tháng 3 dân bản lại chuẩn bị lễ hội cúng bến nước, là lễ cúng Tổ tiên, cúng Yàng cầu mưa… Già làng còn tổ chức những trò chơi độc đáo kết hợp của nhiều tộc người thiểu số cho dân bản vui chơi mấy ngày, như đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đi cầu tre qua suối, bịt mắt bắt ngan, leo cột mỡ... Rồi cả hát giao duyên nữa, để trai gái trong buôn có dịp nói cái tình với nhau.

Năm nay Ana Mnga sẽ không ra hội trong buôn chơi, vì nó còn chờ Phong. “Thằng” anh Phong lớn hơn nó một tuổi nhưng học hơn ba lớp. Buổi văn nghệ Tất niên hồi năm trước trong trường, Ana Mnga được lớp cử lên hát đơn ca, nó hát bài Cao Nguyên Lang Biang, Phong đệm đàn Guitar.Giọng sơn nữ vútcao mạnh khỏe như cây rừng gió núi hòa cùng tiếng đàn réo rắt, được tán thưởng bằng tràng pháo tay vang dội của cả trường. Sau buổi ấy Phong đến hỏi nó học lớp nào…

Phong dạy nó gọi bằng anh, xưng tên, đừng nói “mày tao” hay “thằng, nó” nghe không tốt, nhưng Ana Mnga hay quên cứ gọi “mày”, Phong giận không nói chuyện nữa làm bụng nó buồn lắm.

Hôm trước Ana Mnga khoe Phong trang giấy nó vẽ cây hoa “vương hậu” trong rừng, Phong nói nó vẽ đẹp, đầu nó tưởng tượng giỏi, làm gì có cây hoa thật mà đẹp vậy. Phong đâu biết nó vào rừng ngồi mấy ngày mới vẽ được, cũng chưa giống nhiều. Nó hẹn Phong tới Tết vào buôn nó dắt đi coi cây hoa.

Hôm nay Tết rồi. Ana Mnga mặc chiếc áo mới may có nhiều hoa rực rỡ,  xà rông dệt bằng sợi bông màu đen sọc đỏ. Nhìn nó tươi đẹp như giò lan trong rừng. Ở nhà ở bản nó mới mặc xà rông, đi học nó mặc quần tây áo sơ mi như người Kinh. Sẽ không ai biết nó là dân tộc thiểu số, nếu không nhìn vào đôi mắt to tròn với hàng mi cong, đẹp man dại như núi rừng hoang sơ.

Mọi người trong nhà cũng như khách viếng thăm, sau khi ăn uống no say kéo nhau đi hội hết. Ana Mnga sốt ruột ngó mông qua cửa sổ, không dám ngồi bệt xuống sàn sợ nhăn nếp áo váy. Mặt trời lên cao rồi sao chưa thấy… thằng Phong? Nó hẹn  hôm nay đến mà…

Đang đứng bần thần trong góc nhà, chợt nghe tiếng chạy huỳnh huỵch lên thang rồi cái đầu thằng Y-Moon thò vào gấp gáp, “có cái người Kinh tới tìm mày kìa” rồi chạy mất. Ana Mnga vội nhảy ba bước ra thang, đúng là Phong đến. Nó vui mừng chạy ào xuống nắm tay Phong kéo lên sàn.

Ana Mnga đem ché rượu cần và thịt nai khô ra mời, Phong dợm từ chối, Ana nói ngay “đây là tục của người sắc tộc Ê Đê, anh Phong phải ăn uống chút cho may mắn nhà này suốt năm, bởi là do gia chủ dư dả đầy tràn khách mới no cái bụng…”

Xong bữa tiệc khai xuân, hai đứa dắt nhau ra rừng. Còn cách một khoảng chân khá xa đã thấy vàng ngát một vùng. Sắc hoa mai rực rỡ, lắt lay theo gió như ngàn cánh bướm dập dìu bay lượn. Phong xuýt xoa chạy nhanh đến.

Cội mai rừng dễ đến hơn trăm năm tuổi. Gốc sù sì. To bẳng thân người lớn, cao hơn cái đầu đàn ông chút, bỗng tách ra hai nhánh nằm ngang song song như hai cánh tay bưng lễ vật tạ Thần linh, bởi đầu nhánh tỏa nhiều cành dày đặc hoa vàng, tựa mâm xôi. Hình như cây hoa chỉ phát triển chiều ngang theo bề dày thời gian. Cây hoa hấp thụ khí rừng khoáng đạt, lại được bàn tay chăm sóc của cha Ana bao năm nay, cắt tỉa gọn gàng bắt chước theo “thế” cây cảnh của người Kinh, nên hoa rừng mà giống hoa vườn, đẹp như trong tranh. Và quí!

Hai đứa ngồi dưới gốc cây phồng ngực hít hà hương mai, nhặt cánh hoa rơi nâng niu trên tay ngắm nghía. H’Ana Mnga kể:

- Anh Phong không biết đâu, ông cố của Mnga là người Kinh, vì thương cái hoa này mà ở rừng với bản thượng luôn. Mấy năm trước có đoàn cán bộ vào đây, chúng nó muốn mua cây này bằng nhiều bạc, dân bản không ưng. Mua không được nó lại bảo đất rừng là của nhà nước, thằng bí thư tỉnh đòi lấy rừng mai này qui hoạch gì đó. Dân bản biết cái bụng nó nói láo để đào cây mai già về cho thằng cán bộ lớn. Cả buôn làng từ người già đến trẻ nhỏ cầm “sạc lai” (**) vây quanh cây hoa như cái tường xây gạch, không cho đụng vào. Trong đám cán bộ, thằng này nói cái thằng kia,  “mình cứ dạt họ ra rồi cho xe xúc vào đào, sợ gì? Đất nhà dân dưới phố mình còn lấy được huống chi là đất rừng?” Thằng kia lắc đầu “không được, người dân tộc không dễ để mình làm ngang đâu, thôi về báo cáo với thủ trưởng vậy”. Từ đó đến nay, mấy cái người nó không vào buôn nữa.

Phong gật gù lắng nghe, rồi trách:

- Anh đã bảo em không được gọi người ta bằng “thằng” bằng “nó”, sao cứ nói vậy?

- Tại Ana… quên hoài.

Phong nói sang chuyện khác:

-  Em có thích học lên đại học không?

Ana Mnga tần ngần:

- Không biết nữa, Ana muốn học nhiều nhưng sợ A Ma không có bạc cho học. Nhưng Ana muốn cố theo đến hết cấp ba, rồi học nghề y tá đỡ cho cái đàn bà đẻ. Anh Phong biết không, con H’Ê-Wamới 16 tuổi đẻ con, bị chết cả hai đứa đấy, đau cái bụng lắm!

- Vậy Ana Mnga ráng học để làm y tá, còn anh cũng ráng học làm bác sĩ, khi nào học xong anh vào buôn cưới Ana nghe.

Ana Mnga sửng sốt như không tin lời ấy Phong vừa nói, nghi hoặc:

- Anh Phong nói thật cái bụng hay nói láo Ana?

- Thật mà. Ana Mnga muốn anh thề không?

- Muốn chứ. Vậy mình thề dưới gốc cây hoa này nghe.

Hai đứa thành kính quỳ dưới gốc hoa mai thề nguyện. Đứa nào nói láo sẽ bị Thần linh và Thần cây trừng phạt.

Thề xong ngồi xuống, Phong nói:

- Người Kinh có tục lệ Tết người lớn phải lì xì người nhỏ lấy hên. Lì xì là cho quà hoặc cho tiền. Vậy em đưa tay đây và nhắm mắt lại anh lì xì cho.

Ana Mnga nhắm mắt hồi hộp nghĩ, không biết anh Phong cho nó cái gì đây, gói to hay nhỏ? Vậy năm mới này nó sẽ “hên” nhiều…

Không có gì! Chỉ thấy Phong nắm chặt tay nó rồi bất chợt đặt một nụ hôn lên môi. Nụ hôn nồng nàn đầu tiên trong đời làm nó rúng động, cảm giác ngây ngất lan tỏa toàn thân. Nụ hôn tình yêu Phong “lì xì” ngày đầu năm mới. Nó ôm đầu Phong ghì xuống. Hai đứa không còn nghe gió rừng rì rào và hoa mai đang cười…

***

Ana Mnga giờ làm việc trong trạm xá buôn, công việc hộ sinh đúng ước nguyện của cô. A Ma nói, “mày bắt chồng đi, trai trong bản thiếu gì không coi được thằng nào sao? Mày… già rồi, bắt chồng còn có cái con để nó đi nương đi rẫy kiếm lúa về ăn, hay đi học rồi về làm giúp dân bản như mày. Già mà không có con buồn cái bụng lắm!”

Anh Phong cũng đang làm bác sĩ ngoài bịnh viện tỉnh. Không nghe anh nói đến việc vào buôn cưới cô, dù cả hai đứa vẫn gặp nhau thường xuyên, mối tình vẫn thắm thiết nồng nàn. Ana chỉ chờ anh Phong cưới, cô sẽ không “bắt” ai cả. Mười năm rồi. Mỗi lần mai rừng nở hai đứa ngồi dưới gốc cây nói lại lời thề hẹn cũ. Năm nào cũng nói. Nói hẹn mãi. Nhưng không nghe anh Phong nói cưới! Bụng Ana buồn lắm!

Phiên trực bịnh viện vừa kết thúc. Hôm nay là mùng Một Tết, không khí mùa Xuân đã ấm lên đôi chút dù vẫn còn vương vương giá lạnh cố hữu miền cao nguyên Đắk Lắk. Chút nữa về nhà chúc tuổi mới cha mẹ anh em, ăn bữa cơm gia đình xong, Phong sẽ “bay” ngay vào buôn tìm Ana Mnga. Phong yêu cô sơn nữ này nhưng chưa thuyết phục được gia đình. Có lần thưa với ba mẹ  chuyện vào buôn cưới Ana, ba chưa kịp có ý kiến đã đụng phải sự phản đối quyết liệt của mẹ.  Mẹ riết róng:

- Trời ơi!... Con là bác sĩ chớ đâu phải tầm thường. Ở đây con gái nhà quyền quí sang trọng thiếu gì, con không chọn được ai sao mà phải vào rừng lấy… mọi? Đem nó về đây để nó mặc váy cởi trần, vú vê lõng thõng đi trong nhà ai mà coi được. Con ơi là con!

Nghe mẹ nói lời chua cay quá đáng, Phong kêu lên thống thiết:

- Mẹ ơi là mẹ! Sao mẹ lại dùng từ vậy để nói người khác? Người dân tộc bây giờ cũng văn minh lắm, có ăn có học. Họ mặc quần áo như mình chứ đâu phải như mẹ thấy ở thế kỷ trước đóng khố cởi trần nữa. Mà con gái trong buôn ăn mặc kín đáo, chẳng giống mấy cô tỉnh thành bây giờ ra đường mặc đồ thiếu vải không như đi tắm biển, thì cũng trong suốt thấy hết mọi thứ trong người. Người dân tộc lại thật thà chân chất không se sua ăn diện son phấn, không nhìn vào nhà mình có của hay nghèo, không so sánh bì tỵ dễ sinh lòng phản bội. Mẹ thấy bên nào hơn?

Mẹ đuối lý nhưng vẫn cố chấp:

- Nói gì thì nói, mẹ nhất định không bằng lòng. Con bé Hồng con bác Tuân bạn ba, xinh đẹp như vậy sao con không ưng?

Phong chán nản không nói nữa! Bởi mẹ không biết cô ta là “hot girl”, cùng lúc “tìm hiểu” vài người con trai. Phong không thích “đua” kiểu này. Hơn nữa anh chỉ yêu Ana Mnga. 

 

Tia nắng Xuân mới ấm áp sau những ngày đông. Gió mơn man cành lá chở nắng dập dìu. Đường vào bản làng hoa dại nở tràn trong từng khe đá hốc cây. Hoa xuân tươi thắm khiến những tâm hồn phiền muộn bỗng vui hơn. Mùa Xuân mới đem lại sức sống mới, thay đổi mới. Phong tin vào quyết định quan trọng cho đời mình.

Cánh cửa nhà sàn khép hờ hững. Vắng lặng. Chắc mọi người đi chơi hội trong buôn hết. Cả Ana Mnga cũng đi? Có lẽ cô không nghĩ Phong vào hôm nay nên đi chơi rồi. Phong thoáng hụt hẫng vu vơ. Bước chân vô thức đi lần ra rừng mai. Những tàng mai vàng sáng trưng một góc trời. Cánh hoa mơn mởn thắm tươi. Cả một mùa Xuân hội tụ nơi đây…

Có bóng người ngồi dựa gốc cây thẫn thờ, như để hồn đi lạc vào cõi xa xăm. Ana Mnga Săm gơr. “Cây hoa mai” của Phong ngồi lặng lẽ, buồn như gió đông giá buốt tái tê khiến hoa không nở. Tựa mùa Xuân chưa đến. Ôi… Thương biết mấy!

Phong nhè nhẹ đến ngồi bên người yêu, nâng đầu cô dựa vào vai mình, thì thầm, anh sẽ vào đây, làm việc trong trạm xá để chữa bịnh cho người trong buôn. Anh sẽ dựng nhà sàn ở đây cùng em, mình cưới dù không có cha mẹ anh chủ hôn. Miễn già làng và cha má em bằng lòng. Anh giống ông cố của em, mê “cây hoa mai” vào ở với bản làng luôn...

H’Ana Mnga Săm Gơrngước nhìn Phong, khóe mắt long lanh hạnh phúc.

Trên cành, hoa mai xôn xao hòa điệp khúc mùa Xuân.

 

(*) Phong tục mẫu hệ của người sắc tộc Ê Đê. Con gái đi cưới con trai.
(**) sạc lai là vật dụng làm cỏ, lưỡi rất bén.

Hoàng Thị Thanh Nga 2015