Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Vừa mới mừng Năm Mới, giờ Phục Sinh lại đến… Thời gian trôi đi nhanh quá, nên  càng lớn tuổi, hình như trí nhớ lại càng muốn quay về quá khứ để hoài niệm, để nhớ nhung và mơ ước… Với tôi, ngày lễ Phục Sinh ở quê nhà lúc tuổi nhỏ không sao mà quên được!

Là gia đình Công Giáo, ba má đều rất sùng đạo cho nên lúc anh em chúng tôi còn nhỏ mỗi lần Giáng Sinh hay Phục Sinh đến là… buồn lắm, bởi vì ngán ngẫm với những nghi thức lê thê trong các buổi lễ mừng kính Chúa mà mình bị bắt buộc phải tham dự.

Giáng Sinh thì tương đối còn đỡ.. ngán vì chỉ có một lễ nửa đêm, lại còn có quà Noel nữa nên cũng “bù” được cho việc phải dự Thánh lễ gần hai tiếng đồng hồ. Còn lễ Phục Sinh, eo ôi… chuẩn bị lê thê cả tuần trước ngày lễ Phục Sinh, được gọi là Tuần Thánh, nào là ăn chay kiêng thịt,  nào là lễ Tro, lễ Lá, Lễ Rửa Chân, Bữa Tiệc Ly, Hôn Chân Chúa v.v… Đây là những tên gọi do chúng tôi đặt ra cho dễ nhớ dựa vào các nghi thức cử hành Thánh lễ chứ không phải là tên chính thức mà Giáo Hội đưa ra.

Hãy thử tưởng tượng, với lũ nhóc khoảng trên dưới 10 tuổi mà phải đi theo ba mẹ tham dự những nghi thức dài lê thê và chỉ hiểu lỏm bỏm ý nghĩa thì có chán không chứ, dù chúng tôi Chúa Nhật nào cũng phải đi học giáo lý trước khi dự Thánh Lễ do ba bắt buộc, thế nhưng nghe tai này thì lọt qua tai kia rồi bay đi mất chứ nào có nhớ được bao nhiêu những giáo điều khô khan của Hội Thánh!  Mãi đến khi qua bên này, được làm việc tại trường Công Giáo mới hiểu được rõ ý nghĩa của ngày lễ Phục Sinh.

Khi bắt đầu có trí khôn  thì lần đầu tiên nhớ đến là đi dự lễ Tro, “bị quẹt’ vết lọ nghẹ trên trán, chẳng hiểu là có ý nghĩa chi, chỉ biết là sau đó len lén chùi khi trở về chỗ ngồi vì thấy “nhớp” quá, thế là tối đó khi về nhà “được” ba thuyết giảng một hồi, nên những năm sau để vết tro cho đến khi về đến nhà, và lạ một điều là còn hãnh diện khi người đi đường nhìn mình nữa chứ, như là hình thức để báo cho biết  “tui là người Công Giáo đang trong Tuần Thánh đó nghen”.

Lễ Lá thì hầu như đứa con nít nào cũng thích lúc được nhận lá (chứ không phải dự lễ), thường là lá dừa, có nhiều người khéo tay đã xếp ra hình những con châu chấu, và những con gì nữa không nhớ được nhưng rất xinh xắn, ngay cả những hình ziczac rất ngộ nghĩnh nữa. Tôi thì không khéo tay nhưng cũng bắt chước xếp được những hình dáng đơn giản, nên cũng vui lắm và lúc nào cũng trịnh trọng đem về nhà để trên bàn thờ.

Lễ Rửa Chân cho các môn đệ cũng là một hình ảnh lạ đối với lũ con nít chúng tôi  thời bấy giờ, khi thấy Cha xứ - một người "quyền cao chức trọng" - mà lại khom người rửa chân cho 12 người được tuyển chọn trong giáo xứ. Một cụ thể của đức tính khiêm nhường mà có lẽ không cần đến lời giải thích!

Lúc xếp hàng để Hôn Chân Chúa là lúc mà đám con nít tỉnh ngủ nhất, bởi vì sau khi hôn chân Chúa, quay sang bên phải hay bên trái bàn thờ là có một bao to tướng bắp rang để mời mọi người. Tôi còn nhớ lần đầu tiên vì ngại ngùng, nhút nhát, sau khi kính cẩn hôn chân Chúa, tôi quay xuống chỗ ngồi thì thấy ông anh và đám bạn, đứa nào cũng cầm một nắm to bắp rang nhai ngồm ngoàm bên ngoài nhà thờ, tôi lườm ”đi dự lễ  không được phép ăn!” Mấy đứa xì lớn ”nhà thờ cho phép hôm nay chứ bộ, không thấy ai cũng ăn sao” Đám trẻ ăn xong nắm bắp rang lại tiếp tục xếp hàng lên hôn chân Chúa tiếp, không rõ là thương cảnh Chúa chịu nạn hay là để bốc thêm bắp rang? Thế là tôi cũng theo chân chúng nó lên tiếp hôn chân Chúa và dĩ nhiên là lần này không “chê” bắp rang nữa rồi!!!

Ngán nhất là ngắm 14 chặng đường Thánh Giá, vừa đọc kinh, vừa lê bước đến từng chặng đường mà Chúa đã đi qua khi vác Thánh Giá quanh khuôn viên nhà thờ để nhớ lại cảnh Chúa chịu chết trước khi Phục Sinh. Trời thì nắng nóng, người thì đông đúc, tiếng đọc kinh, tiếng hát ca kéo dài cả tiếng đồng hồ thì lũ trẻ chúng tôi làm sao mà không nản. Thế cho nên cả nhóm lẳng lặng, lấm lét đi tụt hậu, rời khỏi cha mẹ để túm lại gần nhau, vừa đi vừa ngó trời đất rồi thầm thì trò chuyện, hẹn gặp nhau vào buổi tối lễ Phục Sinh.

Thánh Lễ Phục Sinh tổ chức vào lúc nửa đêm với nghi thức dài và trang trọng  nên lũ trẻ chúng tôi không còn tập trung xem lễ mà bắt đầu ngủ gà ngủ gật… Bỗng dưng một tiếng trống thình thình vang lên thật lớn,  lời ca kèm tiếng nhạc vui tươi rộn ràng cất lên vinh danh Thiên Chúa, đã đánh thức chúng tôi…. Ồ xem kìa! bức màn che hình Chúa  được giật xuống,  ánh đèn bật sáng trưng cả nhà thờ, và bức hình Chúa từ từ bay lên cao! Cả đám trẻ nhỏ chúng tôi dụi mắt tỉnh người, há hốc nhìn không chớp mắt… Ôi chao đẹp quá! Chúa đã Phục Sinh và tiếng nhạc đón mừng được vang lên dồn dập. Hình ảnh này quá ấn tượng mà đến giờ này kể lại tôi vẫn còn hình dung được nguyên vẹn khung cảnh lúc đó ở nhà thờ quê tôi. Những năm sau, chúng tôi háo hức đi lễ chỉ là để chờ giây phút này, nhưng tiếc thay, không biết vì lý do gì, cảnh này đã không còn thực hiện nữa. Tiếc làm sao!

Nếu nhớ không lầm thì không như lễ Giáng Sinh được cả người ngoại đạo tham gia, lễ Phục Sinh ở quê nhà vào mấy chục năm về trước không tổ chức rầm rộ ngoài xã hội mà chỉ quanh quẩn trong giáo xứ, nên chỉ có người có đạo mới biết đến mà thôi. Khi qua xứ người, năm đầu tiên nhìn các cửa hàng bán những con thỏ, cái trứng chocolate mà ngạc nhiên vì không biết tại sao lại có trứng và thỏ trong mùa Phục Sinh.  Mãi đến khi  được người hàng xóm đem qua cho mấy cái trứng luộc được vẽ đủ màu sắc hình ảnh rực rỡ ở bên ngoài vỏ trứng, tôi đã ngập ngừng hỏi xem có ăn được không vì đẹp quá, giống như món đồ chơi, và đồng thời hỏi xem trứng có ý nghĩa gì trong mùa Phục Sinh mới rõ ra là vì sao lại thế!

Lễ Phục Sinh với các hình thức ăn chay, hãm mình lúc còn nhỏ là những điều bắt buộc khó hiểu, thế nhưng khi lớn lên vấp phải những lao đao, khốn khó của cuộc đời, tôi mới nghiệm ra rằng may mà mình có một niềm tin tôn giáo để hỗ trợ, để vượt qua!

Giờ này không biết ở bên nhà tổ chức mừng lễ Phục Sinh ra sao, chứ bên này đó là một lễ lớn và quan trọng không kém lễ Giáng Sinh và ý nghĩa về sự hy sinh, cứu độ và đức tính khiêm nhường hẳn là một bài học răn người quá giá trị mà biết đến bao giờ mọi người mới thấm nhuần được khi mà xã hội đầy dẫy sự bất công, tranh giành và nghèo đói. Cầu mong nhân ngày lễ Phục Sinh, chúng ta cũng được "phục sinh" để sống sao cho xứng đáng hơn - trước hết với chính bản thân mình - để từ đó có thể phục vụ cho tha nhân như lòng Chúa mong đợi!  

Hồ Diệu Thảo