Để có dịp thăm quê nội ở Huế và quê ngoại ở Hội An, tôi đã sắp xếp và rủ các bạn cùng đi, tuy nhiên tôi bay về Đà nẵng trước một ngày để có thể thăm bà con hai bên nội ngoại trước khi đi chung với các bạn như đã hẹn trước của tour Đà Nẵng - Hội An- Huế- Quảng Trị- Động Thiên Đường.
Buổi sáng sớm máy bay từ Sàigòn đáp xuống phi trường Đà Nẵng thật đúng giờ, trời lành lạnh nhưng lòng thấy ấm áp vô cùng khi được các anh chị em họ đứng đợi đầy đủ ở phòng đợi ở sân bay mà không hề ngờ tới, cứ tưởng chỉ có hai người em con chú tới đón thôi. Ríu rít một lúc thì đón xe về nhà cất hành lý và đi dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật ngay để kịp cho chuyến đi chơi suốt ngày như đã bàn tính.
Có lẽ chuyến đi này luôn gặp may mắn, nên thay vì đón taxi, cô cháu đã mượn được xe lẫn “tài xế” sẵn sàng chở các dì và mẹ đi suốt ngày. Bởi thế được thong thả cho chương trình một ngày ở Đà Nẵng và Hội An, trước tiên sẽ ghé thăm Ngũ Hành Sơn, một thắng cảnh nổi tiếng ở Đà Nẵng mà chắc chắn khách du lịch nào cũng phải ghé thăm, gồm có 5 ngọn núi là Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa. Lần này, không hiểu sao Ngũ Hành Sơn không có số lượng khách du lịch nhiều - có lẽ mới vừa qua Tết âm lịch chăng? – có nhiều thay đổi về các cảnh trí và đặc biệt hơn là đã có thang máy lên tới đỉnh, bởi thế khách cũng giảm bớt mệt mỏi khi không cần phải leo lên những bậc thang cao ngất trên núi. Vì đã đi nơi này vài ba lần những năm trước nên không thấy có gì mới lạ hay thay đổi, chỉ khi đứng trên đồi cao nhìn rừng núi chập chùng hay ghé làng mỹ nghệ Non Nước, nơi chạm trổ các tảng đá thành đủ hình dáng lớn nhỏ… bỗng dưng thoáng chút chạnh lòng khi nhớ đến người cha thân yêu đã từng cùng nhau về lúc ba vừa chớm bệnh gần mươi năm trước… Đi ngang qua bãi biển Đà Nẵng, chỉ tấp vào chụp vài tấm hình vì hôm nay trời se lạnh, bãi biển chỉ lác đác vài bóng người dù nước biển trong xanh và sóng êm... Viếng thăm và thắp nhang mộ ông bà ngoại và các cậu dì đã mãn phần từ lâu ở ngoại ô thành phố để có những tấm hình về “trình” cho mẹ vui, rồi thẳng tiến về phố cổ Hội An cách thành phố Đà Nẵng chỉ khoảng 30 phút lái xe.
Nhờ cô cháu là thổ địa nơi này nên chúng tôi được đến thăm viếng những nơi đáng đến. Nhưng trước tiên là phải “đổ nhiên liệu” cho bao tử đã chứ, để có sức đi đến khuya. Quán bán bánh quai vạc hấp và chiên là chỗ ngừng đầu tiên mà cô cháu giới thiệu, quả là hấp dẫn và ngon vô cùng khi nhìn thấy quá trình nhồi nắn bột ngay tại chỗ cho nên chúng tôi đã gọi thêm không ngừng nghỉ đến nỗi cô cháu phải lên tiếng cản ”dành bụng để lát nữa ăn cơm gà nữa dì ạ”… Thôi đành ngưng vậy sau khi gọi đến 6 dĩa bánh to tướng với 9 người ăn!... Vào trung tâm thành phố Hội An, tìm được chỗ đậu xe khá gần vì lúc này chỉ mới 3giờ chiều, chúng tôi bắt đầu dạo bộ vào phố cổ… Những quán ăn cao lầu, mì quảng đều đông thực khách, nhất là du khách ngoại quốc, xem ra họ cầm đũa cũng thành thạo. Người bắt đầu đông dần vì hôm nay là rằm tháng giêng, đèn điện sẽ tắt hết khi hoàng hôn xuống và toàn thành phố sẽ thắp lồng đèn, có thả đèn hoa đăng trên sông và có cả hát bài chòi nữa. Chúng tôi bắt đầu bước đến chùa Cầu, nơi có tượng hai con khỉ và hai con chó ngồi canh giữ mỗi đầu cầu. Chẳng khác chi mấy năm trước, chụp vài tấm hình kỷ niệm rồi rời ngay vì người bắt đầu đông nghẹt trên cầu và vì văng vẳng đâu đây “coi chừng đông quá sụp cầu đó, không biết mỗi năm cầu có được trùng tu không nữa!” Nghe cũng hơi ớn!
Vì sẽ trở lại Hội An trong chuyến đi tour với nhóm bạn nên tôi chỉ đi dạo quanh phố chứ không đi vào thăm các khu nhà cổ hay các hội quán của người Hoa. Khi màn đêm vừa buông xuống, lồng đèn thắp sáng rộ cả phố nhìn lung linh, lấp lánh thật vui mắt. Mấy gánh hàng ăn đêm bày dọc đường bắt đầu đông khách, nào là bắp nướng, khoai nấu, nào là những xâu thịt, mực khô, trứng vịt lộn v.v…ô kìa những món chè đây rồi, xin mời bạn cùng tôi “kéo ghế” nha! Các loại chè sao nhìn ngon quá, hãy thử từng món một xem sao, chà chè đậu ván khoái khẩu đây, thơm quá, chè hột sen bùi ngậy, chén đậu hũ nước gừng mịn nhuyễn tan trong miệng v.v… được tận tình thưởng thức. Cô cháu tròn mắt “vậy rồi làm sao thử cơm gà, dì ơi!” Nheo mắt tôi đáp “không sao, đi một vòng sẽ tiêu hết con à” “À, lại thả đèn hoa đăng đi”, cô em họ nhắc “chị nhớ nguyện thầm điều gì nghe”. Biết nguyện điều chi đây, thôi cứ thả hoa đăng trôi trên sông, ánh nến trong những chiếc đèn xếp bằng giấy từ từ trôi ra xa trên sông như những cánh hoa bắt đầu tràn mặt sông trông thơ mộng xen lẫn vẻ huyền ảo như ở nơi tiên cảnh! Nhìn những chiếc đèn thong thả làm tròn nhiệm vụ mua vui cho người và làm đẹp thêm quang cảnh thành phố về đêm, hình như hồn mình cũng cảm thấy nhẹ nhàng, lâng lâng! Ghé đến xem bài chòi, một hình thức như hát lô tô, nhưng thật sự không nghe rõ được tiếng hát và không hiểu luật chơi thế nào, chỉ thấy thỉnh thoảng có người đưa số, có người cắm cờ chi chi đó trên chòi, cũng hay hay và vui mắt, vui tai. Lạ một điều là dù đông đảo người qua lại nhưng tư thái mọi người vẫn an nhàn, thong thả dạo phố chứ không có cái nhộn nhịp, hối hả hay chen lấn chi cả! Dạo phố mãi cũng bắt đầu mệt, người đông quá rồi, bèn quyết định quay về lại Đà Nẵng. Cô cháu rủ ăn cơm gà, rồi hãy về Đà Nẵng dạo phố đêm và xem cảnh cầu quay, cầu rồng… vì đến 9 giờ tối rồng mới phun nước, phun lửa. Thế là cả nhà đồng ý ngay! Tối đó một giấc ngủ thật ngon và êm ái “thưởng” cho tôi sau một ngày đi ăn chơi không ngừng nghỉ.
Hôm sau, nhập chung với nhóm bạn vừa bay đến, chúng tôi bắt đầu cho chuyến du lịch 5 ngày.
Hôm nay trời nắng nóng chứ không mát lạnh như hôm qua, may quá chùa Linh Ứng, nơi du lịch đầu tiên trong ngày, nằm ở trên đồi cao, gió thổi khá mát mẻ, có tượng Phật Bà Quan Âm được đúc rất lớn và cao ngất ngưởng nhìn ra biển, nhóm bạn là tín đồ Phật giáo nên hình ảnh trước tượng Phật và chùa đã được các bạn bấm lia lịa cũng như vào cúng Phật… Đi lang thang ngắm nhìn cảnh vật mới thấy được lòng tín ngưỡng, mộ đạo của người thăm viếng vẫn còn rất cao!
Ghé lại Ngũ Hành Sơn và làng đá mỹ nghệ Non Nước, các bạn tôi lại trầm trồ trước khung cảnh hùng vĩ của núi đồi và nghệ thuật điêu khắc của dân xứ này. Những hang động thiên nhiên, những bức tượng đá được khắc rất mỹ thuật sắp xếp quanh đó và có đến ba ngôi chùa xây dựng nơi đây đã tăng thêm nét độc đáo của vùng địa linh này. Vì trời quá nóng, dù có thang máy để đi lên đi xuống nhưng muốn vào các động của ngọn núi Ngũ Hành này cũng phải leo lên leo xuống cả trăm bậc thang ngoằn ngoèo, khúc khuỷu nên chúng tôi chỉ vào động Huyền Không xem sơ cho biết rồi chỉ chăm chú chụp hình phong cảnh quanh vùng mà thôi…
Thăm Hội An lần này vì phải đi theo đoàn, nên ghé lại mỗi nơi chút ít ở các hội quán người Hoa hay các căn nhà cổ và chùa, cũng như quanh quẩn ở chùa Cầu để thả hoa đăng và nếm thử các món đặc sản như cao lầu, mì quảng, chè bắp… chỉ cần dạo phố Hội An trên con đường chính thì cũng thấy rõ nét kiến trúc cổ kính được kết hợp của các nền văn hóa khác nhau qua các thời kỳ của một thương cảng quốc tế được bảo tồn kỹ lưỡng, đúng là thành phố cổ đáng tự hào.
Ghé Huế, quê nội của tôi mà đã lâu lắm rồi chưa trở về, có lẽ vì thế nên Huế … hờn, cho trời mưa lâm râm suốt ngày, không đi đâu được. Theo chương trình thì được đi thăm chợ, quanh thành nội và các lăng vua cả buổi, nhưng vì mưa ướt át quá đành thuê xe chở quanh thành, chùa Thiên Mụ và ghé lăng vua Khải Định mà thôi. Vì ở mỗi nơi không lâu nên thật tình là cảm xúc chưa kịp dâng tràn, chỉ một chút bâng khuâng, nhớ nhung vương vấn lòng….
Buổi tối được ngồi đò trên sông Hương nghe điệu ca Huế, hòa mình vào lãng mạn thơ mộng với những bài ca, lối đối đáp thông minh dí dỏm với những câu hò của các nghệ sĩ biểu diễn khiến khán giả vỗ tay và ồ lên liên tục tán thưởng.
Sáng hôm sau bắt đầu hướng về Quảng Trị thăm Đức Mẹ La Vang, nơi thánh địa và hành hương quan trọng của tín đồ Công Giáo… Những câu kinh vang lên trước đền thờ Đức Mẹ của những nhóm khác nhau, được mọi người trong đoàn dù có đạo hay không cũng cùng đứng lại thành tâm hiệp thông cầu nguyện.
Đi đến động Thiên Đường ở Quảng Bình, một hang động thạch nhũ được xem là hoàng cung trong lòng đất, nghe nói là do một người dân địa phương khám phá đầu tiên nhưng tiếc thay tên ông đã không được ghi nhận để đặt tên cho động này. Động có nhiều thạch nhũ và măng đá kỳ ảo, đường vào bên trong động khá bằng phẳng nhưng có lẽ chỉ được phép đi một đoạn mà thôi (vì hang động này vẫn còn được khai phá thêm) nên tôi chưa thấy hết cái đẹp thiên nhiên của nó…
Một chuyến đi nhiều ngày nhưng chỉ là “dạo cảnh xem hoa” nên chưa biết hết các thắng cảnh ở những nơi đi qua. Tuy nhiên, có một nơi làm tôi xúc động đến lặng người, đó là khi được chở đến con sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 tại Quảng Trị. Tôi sinh ra tại nơi này, nhưng chỉ sống vài năm rồi ra đi, bởi thế vừa bồi hồi nhớ lại quãng đời ấu thơ, vừa tò mò muốn biết vĩ tuyến 17 ra sao và ở nơi nào trên phần đất Quảng Trị. Nhìn chiếc cầu Hiền Lương bắc qua sông, chỉ cần 5phút đi bộ là đã qua hết cầu, vậy mà đây lại là một chiếc cầu lịch sử cho cuộc nội chiến kéo dài 20 năm. Hôm đó, trời âm u, hơi se lạnh… hình như hơi lạnh cũng thấm vào lòng người phương xa về thăm lại quê nhà và cảnh vật đã tạo một nỗi buồn không biết diễn tả ra sao khi nhìn thấy lằn vạch chia đôi trên cầu, màu sơn vàng của Bắc, màu xanh là Nam, một bên lá cờ bay phất phới trên cột cờ cao to, một bên chỉ còn lại chân cột với tấm bia nhỏ ghi hàng chữ lạnh lùng “địa điểm cột cờ chính quyền Sài Gòn”…
Cảm giác hụt hẫng và xót xa dâng cao khi người hướng dẫn viên du lịch - một cháu gái tuổi đời còn rất nhỏ - đã thao thao kể lại lịch sử của vĩ tuyến 17 theo cái nhìn của... ai đó! Chỉ biết lắc đầu cười buồn… Chuyến du lịch kết thúc mà lòng vướng mắc một chút lấn cấn gì đó không vui!
Hồ Diệu Thảo