User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Cũng đã khá lâu mới có dịp cùng người bạn đời ngồi bên nhau thưởng thức trọn vẹn một đêm nhạc "Tình khúc vượt thời gian" trong Live Show của ca sĩ Ý Lan tại Việt Nam. Đêm nhạc được chắt chiu, chọn lọc từ những nhạc phẩm bất hủ của hai cố nhạc sĩ Phạm Duy và Phạm Đình Chương.
(Xin nói thêm một chút, tôi là người "nghiền" giọng hát Thái Thanh với giòng nhạc tình của Phạm Duy, giống như Khánh Ly với nhạc Trịnh và Lệ Thu với những tình khúc không tên của Vũ Thành An... Thế nhưng, tôi yêu nhạc Phạm Duy nhưng không yêu con người của Phạm Duy. Tôi cũng mê nhạc Trịnh nhưng không phải tất cả).

Đêm nhạc gồm 2 phần. Những tình khúc bất hủ của Phạm Duy: Tình ca, Em lễ chùa này, Đưa em tìm động hoa vàng (thơ Phạm Thiên Thư), Kiếp nào có yêu nhau, Đừng bỏ em một mình (thơ Hoài Trinh), Chuyện tình buồn (thơ Phạm Văn Bình), Ngậm ngùi (thơ Huy Cận), Cây đàn bỏ quên, Thuyền viễn xứ (thơ Huyền Chi), Nghìn trùng xa cách.
Phần 2, gồm những tình khúc vượt thời gian của Phạm Đình Chương: Đôi mắt người Sơn Tây, Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Xóm đêm, Nửa hồn thương đau.

Tiếng hát của Ý Lan mở đầu với nhạc phẩm "Tình ca" của Phạm Duy đã làm khán phòng trở nên ấm cúng với bao hoài niệm của một thời đã qua, mỗi người như được sống lại với chính mình dù chỉ là khoảnh khắc, dù chỉ rất mong manh, chóng vánh...

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi

Riêng tôi thấy mình rất hạnh phúc khi được thả hồn qua từng câu hát, từng giai điệu mượt mà quen thuộc khiến tôi thấy thỏa lòng như vừa tìm lại được vật gì đó mà mình đã đánh mất từ bao năm qua. Thú thật, giọng hát của Ý Lan không thể "phiêu" hơn, cũng chẳng "ma mị" hơn trong cách luyến láy, nhả chữ như giọng hát Thái Thanh.

Tôi nhớ, trong một chương trình ca nhạc của Đài truyền hình Sài Gòn khoảng năm 73 – 74 gì đó, nghe ca sĩ Thanh Lan trong phần giới thiệu về Thái Thanh có câu: "một giọng ca hai mươi năm chưa có người thay thế..." Quả thật, đến nay cũng chưa có ai thay thế được giọng hát cao vút, mượt mà như của bà. Tuy nhiên, nếu đem so sánh giọng hát của Ý Lan (con gái của ca sĩ Thái Thanh) với bà, thì Ý Lan... nghe cũng được.

Ngày xưa, người ta ngồi bên nhau hát tình ca của Phạm Duy để tỏ tình, để yêu thương. Ngày nay, người ta ngồi bên nhau hát lại khúc tình xưa để nhớ về một hình bóng cũ, và khi hát lên những bài tình ca bất hủ của người nhạc sĩ một thời vang bóng đã ra đi, đã để lại khoảng trống trong đời sống âm nhạc Việt, chắc chắn chúng ta không thể tránh khỏi những giây phút chạnh lòng.

Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn khôn nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai

Chẳng biết Phạm Duy có chịu ảnh hưởng gì với thuyết dịch chuyển hay không, nhưng rõ ràng cuộc đời ông là những chuyến đi kéo dài đến bất tận, dù muốn dù không thì ông đã đi cả trong không gian lẫn thời gian, ông phiêu du trong văn học, trong quốc văn giáo khoa thư, trong thơ Hoàng Cầm. "Hoàng Cầm dạy cho tôi tình yêu quê hương đất nước. Tôi còn học được ở Hoàng Cầm một tinh thần vững vàng, dù cuộc đời người thi sĩ ấy nhiều lắm những trắc trở và khổ cực". Phạm Duy tâm sự.

Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong

Được biết ngày xưa, Phạm Duy cũng đã từng theo học hội họa với họa sĩ bậc thầy Tô Ngọc Vân, ông ngồi cùng lớp với Bùi Xuân Phái, Võ Lăng... Tuy nhiên, một điều đặc biệt là chỉ có âm nhạc là mãi mãi có thể giữ chân ông, một con người tài hoa mà cũng bất kham và cũng rất đời. Trong hồi ký của ông có đoạn viết: "Thế là năm 17 tuổi tôi bỏ nhà ra đi. Sau khi bỏ nhà ra đi làm một cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ, không ngờ đó là cuộc phiêu lưu đầy lý thú".

Phiêu lưu đã dắt ông đi về phía xa xăm, đến những ngôi làng nhỏ xa xôi hẻo lánh, đưa ông ghé bến sông quê với con đò chiều. Phiêu lưu cũng đưa ông đến những đồng lúa nương dâu, mái ngói rêu phong, tiếng gà gáy gọi trưa hè yên ả... mà nếu cứ là một chàng "bạch diện thư sinh" chốn Hà Thành thì chẳng bao giờ ông biết đến, chẳng bao giờ ông có những trải nghiệm vui buồn trăn trở như hôm nay.

Nhiều người cho rằng, âm nhạc của Phạm Duy giống như một bức tranh, có đồng quê, có bến sông xưa con đò cũ, có giếng nước sân đình, có mái ngói xô nghiêng, có nỗi nhọc nhằn của bà mẹ quê, có nụ cười như mùa thu tỏa nắng của cô thôn nữ trong một buổi chiều phai nắng, có tiếng rục mõ gọi trâu về ngoài đê điều im vắng... chẳng những thế, ông còn rất mặn mòi với làn điệu dân ca Bắc bộ, điệu Nam ai Nam bình xứ Huế để rồi từ đó, những bài hát về làng quê của ông dễ cảm, dễ hát như tiếng hát ru của bà, của chị cứ mênh mang tít tắp nơi cánh đồng xa đến tận cuối chân mây.

Cuộc phiêu lưu ấy rất thú vị, rất ngọt ngào và sâu lắng, để rồi từ đó tôi yêu em, để rồi từ đó ta yêu nhau... và nhân gian lại có thêm một thiên tình sử.

Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên...

Nhạc sĩ Phạm Duy là người rất thích phổ thơ, ông đã phổ nhạc từ những bài thơ của Hoài Trinh, Phạm Văn Bình, Huyền Chi, Nguyễn Tất Nhiên... Trong cuộc hôn phối giữa thi ca và âm nhạc ông đã chắp cánh cho những bài thơ bay cao bay xa và trường tồn, vĩnh cửu trong tâm hồn của nhiều thế hệ, dù trải qua bao cuộc binh biến với những đau thương mất mát.

Phạm Duy bao giờ cũng yêu nỗi dịu ngọt trong thơ Huy Cận, yêu cái lãng đãng pha chút thiền, chút triết lý nhân sinh của Thi sĩ Phạm Thiên Thư. Nhạc phẩm "Em lễ chùa này" được phổ từ bài thơ "Thoáng hương qua" của thiền sư Phạm Thiên Thư. Đó là một câu chuyện tình buồn man mác, của một chú tiểu và cô thiếu nữ đương độ trăng tròn mà ông được chứng kiến khi còn là thiền sư trong ngôi chùa cổ.

Tình yêu giữa chú tiểu và cô bé Phật tử như những bông hoa vừa chớm nở sau sân chùa, một thứ tình cảm thanh tao mà sâu lắng của hai tâm hồn cùng chung một cảm xúc. Họ gặp nhau, quen nhau rồi yêu nhau để từ đó cuộc đời này lại có thêm một câu chuyện tình. Theo Phạm Thiên Thư thì đó là câu chuyện có thật, ông đã chứng kiến và xúc động nên viết thành bài thơ "Thoáng hương qua". Sau này, Phạm Duy phổ thành nhạc phẩm "Em lễ chùa này" và ca khúc đã đi vào lòng người cho mãi đến bây giờ.

Trong số những bản nhạc phổ thơ của Phạm Duy có thơ của Huy Cận (Ngậm ngùi), thơ Xuân Diệu (Mộ khúc), thơ Hữu Loan (Áo anh sứt chỉ đường tà), thơ Huyền Chi (Thuyền viễn xứ). Nhưng bài thơ tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu tiên được ông phổ thành ca khúc từ năm 1945 là bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư: "Tôi xem đó như bài hát phổ thơ thành công đầu tay do mình viết trong cuộc đời làm âm nhạc của mình".

Phạm Duy cũng thường hay nhắc đến một bài khác nữa cũng của Lưu Trọng Lư đã được ông phổ nhạc, đến nay vẫn còn làm rung động bao trái tim của những người yêu nhạc: đó là bài Vần thơ sầu rụng (nhạc phẩm Hoa rụng ven sông) với những câu có thể đã ứng với với nỗi buồn khi ông rời xa nhân thế. "Còn đâu em ơi! Còn đâu bước chân người, mơ trên đường chiều rơi?"

Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời!
Giờ đây em ơi cơn mộng tan rồi!
Lòng anh tan hoang thôi vỗ tình ơi
Ngày như theo sông bóng xế tàn rơi...

Chúng ta có thể tạm kết luận, Tiếng Việt và tâm hồn Việt như suối nguồn, như một kho báu đã nuôi dưỡng tâm hồn nhạc sĩ Phạm Duy. Tiếng nước tôi đã đi cùng ông qua một thập kỷ đường đời, đã cùng ông trải qua những tự tình dân tộc.

Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi

Vâng! Sẽ vẫn mãi là tiếng lòng tôi của những người con dân đất Việt, vẫn mãi là những câu hát lời ru, là những điệu hò mênh mang bên mái tranh nơi làng quê hay trong tiếng sáo diều vi vu ngoài bãi vắng lúc chiều về.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã về với cõi riêng của mình sau ngày tháng rong chơi tận cuối trời, ông đã "trả hết về người, chuyện cũ đẹp ngời... chuyện vắn chuyện dài..." để thênh thang về cõi vô thường... "đường ta đi trời đất yên vui, rừng vắng ban mai..."

Đôi Mắt Người Sơn Tây – Phạm Đình Chương

Chẳng biết từ bao giờ, và vì đâu mà các bạn tôi vẫn gọi bạn Đinh Thị Lý với cái biệt danh "Đôi mắt người Sơn Tây". Thú thật, tôi chưa bao giờ để ý hoặc diễm phúc đựơc ngắm nhìn thật lâu một đôi mắt người Sơn Tây nào cả, nhưng trong suy nghĩ của tôi, đôi mắt ấy phải chăng là một đôi mắt thánh thiện mà u uẩn, tha thiết mà sâu lắng, dịu dàng mà cháy bỏng... một đôi mắt có sức quyến rũ lan tỏa, làm người đối diện phải bối rối. Rồi đây, thế nào mà tôi chẳng mê mải khám phá điều bí ẩn đến tuyệt vời đó.

Trước khi vào phần 2 của đêm nhạc, ca sĩ Ý Lan có "mời quý vị cùng Ý Lan đi lùi lại với kỷ niệm rất đau của nhạc sĩ Phạm Đình Chương", Ý Lan cứ nhấn nhá chữ rất đau khiến người bạn bên cạnh thắc mắc, kỷ niệm chỉ là vui hay buồn chứ sao lại rất đau! Tuy nhiên, tất cả đều có nguyên nhân của nó**

"Đôi Mắt Người Sơn Tây" là bài thơ của Quang Dũng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc. Cả hai người là đồng hương Sơn Tây với nhau, cả hai đều cùng mất đi "hồng nhan tri kỷ", và nỗi đau đã cùng đồng điệu với hai con người tài hoa lận đận này, để rồi đôi mắt ấy cứ ám ảnh... đến thiên thu. Và tận cùng nỗi đau đó là "Nửa hồn thương đau".
(Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đi hát với tên Hoài Bắc, thành viên chính trong ban hợp ca Thăng Long, ban nhạc đình đám nhất cả nước lúc ấy, bởi các thành viên của nhóm nhạc đều là những ngôi sao đương thời như: vợ chồng ca sĩ Thái Hằng - Phạm Duy, ca sĩ Thái Thanh, vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc...).

Sau khi biết mình bị phản bội, Phạm Đình Chương rất đau khổ và không còn tâm trí để biểu diễn với ban hợp ca nữa mà lui về trong bóng tối viết những tình ca buồn như để trút nỗi lòng, để tâm sự với chính mình trong gương. Một loạt bài hát mang tâm trạng như thế ra đời: "Người đi qua đời tôi", "Đêm cuối cùng", "Khi cuộc tình đã chết", "Thuở ban đầu", "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển"...

Một mình trong căn nhà kỷ niệm, nhìn qua màn mưa trắng xóa, nhớ về những ngày tháng hạnh phúc giờ đã trôi theo giòng nước. Một người vẫn còn đây, người còn lại đã rời xa nơi này. Nỗi đau bị phụ bạc cứ gặm nhấm tâm hồn ông đến không thể chịu đựng thêm nữa, ông dự định quyên sinh để từ giã cõi đời này, nơi đã đem đến cho ông quá nhiều nỗi bất hạnh.

Chính trong đêm giông tố cuộc đời, và sự giằng xé giữa sự sống và cái chết, Phạm Đình Chương đã nhập hồn vào thơ Thanh Tâm Tuyền và chỉ trong một đêm rã rời, tan tác ấy, ông đã viết xong tuyệt phẩm "Nửa hồn thương đau" như một cuộc chia tay bất ngờ và không thể oan trái hơn với người bạn đời mà ông đã hết lòng yêu thương. Tuy nhiên, trong ca khúc "Nửa hồn thương đau", hầu như chẳng ai tìm thấy một ca từ nào mang tâm trạng thù hận, nguyền rủa hay kết án, mà chỉ là những câu hỏi rơi rụng rồi vỡ vụn nơi miền ký ức của những xa xăm. Tôi nghĩ rằng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết ca khúc này để tự ru nỗi buồn đau trong cõi tình, như để trân trọng một vết thương lòng đã khiến ông gục ngã mà nhiều năm sau vẫn chưa thể gượng dậy được.

Bài hát ấy, mỗi khi được Thái Thanh, em gái ông hát lên đã khiến người nghe không khỏi rơi lệ, khắc khoải, cảm thương cho một cuộc tình không trọn vẹn, một định mệnh nghiệt ngã của người nhạc sĩ tài hoa, chung tình với trái tim tan nát.

Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
Anh ở đâu?
Em ở đâu?
Có chăng mưa sầu buồn hoen mắt sâu.

Nghe nói rằng, khi nghe được giai điệu cùng những ca từ của "Nửa hồn thương đau" Người xưa của Phạm Đình Chương đã vội gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Nếu ai đã từng nghe "Đôi mắt người Sơn Tây" sẽ đồng cảm và hiểu được sức chịu đựng của con người là hữu hạn. Khi đắm mình trong những giai điệu của Phạm Đình Chương, tôi thực sự thương cảm và thấu hiểu nỗi cay đắng trong sâu tận tâm hồn của hai con người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc phận này. Bởi bản thân người viết cũng đã trải qua cái "thú đau thương" ấy khi tình đầu tan vỡ. Vết thương đó tuy đã lành nhưng vẫn để lại một vết sẹo dĩ vãng mà không có cách nào gột rửa hay xóa bỏ được, cho dù năm tháng đã trôi qua và phủ lên một lớp bụi thời gian, thế nhưng, nó cũng chỉ làm mờ đi mà thôi.

Người ta cho rằng, nhạc phẩm "Đôi mắt người Sơn Tây" giai điệu rất khó hát và cái thần của bài hát càng khó diễn đạt hơn... nói đến đây, chúng ta lại nhớ giọng ca của Duy Trác, Tuấn Ngọc, Thái Thanh... những giọng hát đã thổi hồn cho "Đôi mắt người Sơn Tây", để rồi cho đến tận bây giờ, người mộ điệu vẫn chưa thể nào quên được những tiếng hát ấy.

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương còn là người phổ thơ rất tuyệt vời. Chính ông đã chắp cánh cho nhiều bài thơ bay cao và phiêu du trong thế giới của giai điệu... rồi đáp xuống dịu êm với đong đầy cảm xúc trong lòng người mộ điệu. Tuy nhiên, có một điều mà không phải ai cũng biết về Phạm Đình Chương.

Sau những ngày tháng chìm ngập trong cơn muộn phiền, gánh chịu những tang tóc của một hạnh phúc đã đổ vỡ nên ông trở thành một con người khác, sống khép kín và kiệm lời. Bởi ông đã trải qua bước ngoặc đầy oan nghiệt của cuộc đời, uống cạn ly rượu đắng khi tình yêu bị phản bội. Có nhiều người ví von Phạm Đình Chương như một con chim nhỏ, cất tiếng hót ai oán, bi thương nhưng rất tuyệt diệu. Cũng chính trong cơn đau cùng cực ấy, Phạm Đình Chương đã cất lên tiếng lòng khi bị những chiếc gai nhọn cào xước lồng ngực, và trái tim vẫn còn tươm máu.

Có lẽ hạnh phúc là điều gì đó không có thật trong cuộc đời này, bởi hạnh phúc chỉ có trong những giấc mơ. Nhưng thôi, chúng ta hãy cứ nghe lại giai điệu buồn thương của bài hát "Nửa hồn thương đau" hay những nỗi u uẩn chiều lưu lạc trong "Đôi mắt người Sơn Tây" để cảm thông cho một cuộc tình đã mất. Bao giờ tôi gặp em lần nữa... Còn có bao giờ em nhớ ta. Đó là những khắc khoải, những lận đận của một tình yêu chưa bao giờ trọn vẹn, của tôi, của bạn, của tất cả những tín đồ tình yêu hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Biết đâu, nhờ lòng chia sẻ chân thành mà đôi mắt ngưởi Sơn Tây, sẽ thôi buồn viễn xứ khôn khuây...

 

Đêm nhạc "Tình khúc vượt thời gian" được khép lại với nhạc phẩm "nghìn trùng xa cách" qua tiếng hát nức nở của Ý Lan, cô đã quỳ xuống và có lúc nghẹn lời khi hát câu:

Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười...

không gian như chùng xuống một màu thương nhớ về hai người nghệ sĩ tài hoa đã vĩnh viễn về nơi cuối trời...

Chiều nay, trên bến muôn phương,
có thuyền viễn xứ, nhổ neo lên đường.


Sài Gòn đêm tháng tư
Phan Văn Thanh Chs Văn Đức

** Vì giới hạn của bài viết, vì là chuyện riêng tư cũng như không muốn "khơi đống tro tàn làm chi đau thêm" nên bài viết chỉ mang tính chia sẻ, thương cảm cho một tài hoa lận đận. Riêng tôi, Phạm Đình Chương tuy không phải tượng đài nhưng là một nhân cách lớn...