Cuối cùng mẹ tôi cũng nhắm mắt ra đi sau cha tôi đúng một tháng; nhưng lại cùng một ngày. Cha tôi được bảy mươi hai tuổi; mẹ tôi sáu mươi tám. Theo ý nguyện của cha mẹ chúng tôi; thì đám tang của cha và mẹ đều diễn ra trong đơn giản, nhẹ nhàng nhưng trang trọng với đầy đủ nghi thức của người Thiên Chúa Gíao. Hai ngôi mộ nằm kế bên nhau trong nghĩa trang của giáo xứ Gò Vấp.
Anh Hai tôi quyết định hằng năm sẽ làm đám giỗ cho cha mẹ cùng một ngày; vừa tiện cho chúng tôi nhưng đồng thời cũng muốn cha mẹ được ấm lòng, bởi vì anh chị em tôi cũng như mọi người trong bà con họ hàng đều nhận xét rằng: cha mẹ tôi là một "cặp đôi hoàn hảo", có thể nói tình yêu của hai người là trên cả tuyệt vời. Anh chị em chúng tôi chấm cho cha điểm bảy, mẹ điểm tám và hạnh phúc của gia đình tôi được điểm chín...
Sau đám tang của mẹ; gia đình anh và em trai cũng như chị gái của tôi thì ai cũng phải lo về nhà nấy, chỉ còn lại mình tôi trong căn nhà bỗng dưng trống trải lạnh lẽo này... Tôi bắt đầu làm cái việc mà cha và mẹ đã "gởi gắm" cho riêng tôi. Cha mẹ tôi chỉ có bốn người con: hai trai và hai gái; mà tôi lại là con gái út nhưng vẫn còn độc thân vì chưa thể kiếm được "phân nửa của mình", tôi ở với cha mẹ; phải chăng vì vậy nên tôi luôn gần gũi và được cha mẹ tin cậy mà "trao gởi" nỗi lòng riêng?
Những ngày cuối đời của cha tôi; tôi luôn bắt gặp trong ánh mắt của cha một nỗi buồn mà cha không thể nói nên lời, hay là cha tôi không muốn nói ra?. Cha tôi luôn nắm chặt bàn tay mẹ với sự vuốt ve trìu mến nhưng không kém phần ray rứt.
Trong những ngày bịnh nặng, cha đã căn dặn riêng với tôi:
- Cho đến bao giờ mẹ con mất; con hãy mở ngăn tủ nhỏ của cha để lấy ra trong đó một thứ mà cha đã cất giữ từ rất lâu, sau đó con đem ra mộ của mẹ mà đốt... nhớ là chỉ một mình con biết điều này mà thôi, vì đây là điều bí mật của mẹ.
Đầu tiên là tôi làm theo lời dặn dò của cha...
Tôi hồi hộp ghê lắm và tay tôi run run khi cầm chiếc chìa khóa của ngăn tủ nhỏ của cha để mở ra và lấy trong đó một vật mà cha tôi đã giữ rất kỹ; mà theo cha là lâu đến mấy chục năm.
Ngăn tủ nhỏ của cha tôi... không có gì ngoài hai lá thư, một chiếc khăn mouchoise đàn ông và tấm hình của một sĩ quan, trên ve áo có hai gắn hai hoa mai; người này đang đứng dựa vào một khẩu súng pháo. Tôi lật phía sau tấm ảnh thấy đề: Pleiku - Hàm Rồng - tháng 10 năm 1973 và giòng chữ phía dưới: "Yêu em nhiều. Đừng quên anh".
Tấm ảnh này dù đã trải qua mấy chục năm nhưng vẫn còn sắc nét lắm, người thanh niên trong ảnh rất đẹp trai nhưng... thật là lạ vì lại có nét hao hao như những tấm hình của cha tôi thời còn trai trẻ?. Tôi cố nhìn thật kỹ để xem đó có phải là cha tôi không? Chắc chắn là không rồi vì ngày xưa cha tôi đâu phải là sĩ quan; mà chỉ là một anh lính thôi. Vậy thì người này là ai?
Tôi săm soi hai lá thư, một lá còn rất mới là của cha tôi viết cho tôi, còn lá thư kia thì cũ mèm, nó đã bị sờn mép giấy, nét chữ trên bì thư... chính là nét chữ viết sau tấm ảnh. Đầu tiên tôi mở lá thư của cha tôi ra để đọc; chữ viết của cha tôi run rẩy vì tay cha đã bị yếu đi trong những ngày cuối đời.
Thư của cha tôi viết:
"Con gái thân yêu của cha; hôm nay cha mệt hơn những ngày qua nhiều lắm, cha nghĩ rằng có lẽ cũng không còn được mấy ngày nữa là cha sẽ vĩnh viễn rời xa mẹ và các con.
Cha viết lá thư này cho con để nhờ con làm giùm cho cha một việc; mà đã từ rất lâu cha muốn làm với mẹ nhưng lại không thể vì lòng cha cứ ngại ngần... và luôn áy náy.
Con ơi; bao giờ mẹ con mất, con hãy đem lá thư cùng chiếc khăn mouchoise và bức ảnh của người đàn ông này đến đốt bên mộ của mẹ, nói với mẹ là cha xin trả lại mẹ; mong mẹ hãy tha lỗi cho cha. Đây là người đàn ông mà mẹ con đã yêu với tất cả trái tim, là mối tình đầu của mẹ. Trước ngày đám cưới của cha mẹ, Cha đã lén lấy và cất giấu nó mấy chục năm nay, mẹ đã tìm kiếm nó khắp nơi ở trong nhà và đã khóc vì mất nó. Mấy lần cha đã định đốt tấm hình với lá thư cũng như chiếc khăn tay này đi cho thành tro bụi để nó không còn lưu lại một tí gì...; nhưng không hiểu sao cha lại không thể... phải chăng vì cha không nỡ và không có can đảm?... đã vậy thỉnh thoảng cha lại còn lén mẹ đem chiếc khăn này ra phơi nắng... như là muốn thay mẹ để gìn giữ nó; bởi vì chiếc khăn tay này đã thấm rất nhiều nước mắt của mẹ, mà cha thì rất yêu mẹ con, và cha muốn được là người lau nước mắt cho mẹ... nhưng con à; thật là hiếm khi cha được làm điều đó vì... mẹ con rất ít khi khóc trước mặt cha.
Dù mẹ con không nói rõ cho cha biết vì sao hai người họ xa nhau, nhưng đọc lá thư của người ấy gởi cho mẹ thì cha cũng hiểu được và cha đã xót xa thông cảm cho mẹ và người ấy. Nhưng sau khi về làm vợ cha thì Mẹ con đã làm rất tròn bổn phận của một người vợ và người mẹ; không có chỗ nào để cha có thể phiền trách... chỉ có một điều luôn làm cho lòng cha đau đớn... là hình như ở đâu đó trong trái tim của mẹ con vẫn để dành một ngăn kín riêng cho người ấy; cha đã cảm nhận được điều này ngay từ sau ngày cưới mẹ; dù mẹ con chưa bao giờ tỏ ra cho cha thấy... Con ơi; cha có cảm giác rằng chưa bao giờ cha chạm được vào cái ngăn thầm kín của trái tim mẹ... dù mẹ rất tuyệt vời đối với cha và các con, nhưng nhiều lúc cha thấy mẹ con lặng lẽ buồn riêng. Con có để ý là mẹ thường ngồi trầm tư một mình để nghe hoài những bản nhạc như "Green, green, grass of home, Before the Next Teardrop Falls, Tennessee Waltz..."... và một vài bản nhạc khác nữa, đó là những bản nhạc đã từng là một thời gắn liền ngày xưa của mẹ với người ấy; nhưng không hề có cha ở trong khoảng thời gian đó... con ơi; có lẽ mẹ con luôn nhớ về những kỷ niệm của mẹ với người Trung úy pháo binh kia...
Tôi thương cha tôi quá, nước mắt của tôi chảy xuống lá thư làm cho nhiều chữ bị nhòe. Tôi trăn qua trở lại nhìn kỹ chiếc khăn mouchoise; đó là một chiếc khăn được dệt bằng một loại lụa mềm mại, nền của nó màu xám, bốn cạnh của chiếc khăn được viền những sọc nhỏ chạy dài với hai màu xám đậm và nhạt, đây là một chiếc khăn mouchoise thật đẹp, quí phái và mặc dù đã trải qua bao nhiêu năm tháng nhưng nó vẫn còn khá mới. Tôi mở lá thư của người trong tấm ảnh ra, thư viết đầy một tờ giấy học trò, nhiều chữ đã nhạt nhòa, có vài nơi bị hoen ố bởi nước mắt; có lẽ là của mẹ.
"Em yêu dấu;
Chúng mình đã hẹn với nhau rồi mà sao em không đến? anh đã chờ đợi em mòn mỏi suốt ba ngày nay, sáng sớm ngày mai anh phải đi vì không thể nào trì hoãn thêm được nữa; nếu chậm trễ phải ở lại thì anh sẽ chết; tại sao thì chắc em cũng biết rõ.
Anh rất lo lắng cho em; anh lo đến nổi tim anh đôi khi muốn ngừng đập, và lắm khi anh như bị nghẹt thở... anh chỉ sợ... em yêu dấu của anh ơi... anh chỉ sợ nếu chúng mình không còn có thể gặp nhau thì anh sẽ sống ra sao và như thế nào đây? Còn em nữa, anh nghĩ đến những khi em khóc vì buồn; vì lo lắng hay giận hờn; thì làm sao anh có thể lau nước mắt cho em khi anh không được ở bên cạnh em? mà em là người rất hay khóc trên vai anh.
Lời cuối trước khi rời xa căn cứ Hàm Rồng ở thành phố Pleiku này; anh muốn nói với em rằng anh mãi mãi yêu em và luôn chờ đợi em. Bằng cách này hay cách khác em hãy cố gắng đến với anh; anh vẫn hy vọng chúng mình sẽ được gặp nhau, sống bên nhau dài lâu như chúng mình từng mong ước; và em ơi... anh hy vọng rằng chỉ có một mình anh sẽ là người thấm khô những giọt lệ trên mắt em, chỉ có anh mà thôi; không ai khác ngoài anh; em nhé. Anh phải đi gấp nên chỉ gởi lại cho em chiếc khăn mouchoise này của anh; đây là chiếc khăn tay luôn nằm trong túi áo của anh và nó chỉ dành riêng để lau nước mắt cho em mỗi lần em khóc vì giận hờn anh. Những khi buồn nhớ anh và khóc thì em hãy thay anh mà tự lau nước mắt của mình, nhớ giữ thật kỹ chiếc khăn mouchoise này của anh; em nhé. Anh sẽ chờ đợi em cho đến bao giờ chúng mình được gặp lại nhau.
Đừng bao giờ quên anh; và anh cũng thế: không bao giờ quên em. Anh phải nhờ người đến nhà em để gởi em lá thư này vì anh không thể gặp được em, gấp lắm rồi..."
Tôi ngồi bần thần rất lâu trước hai lá thư của hai người đàn ông yêu một người đàn bà là mẹ tôi. Tình yêu mãnh liệt của "họ" làm cho tôi cảm động nên không dám có ý nghĩ phiền trách mẹ tôi. Bởi vì mẹ tôi thật tuyệt vời trong cách cư xử với cha cũng như sự chăm sóc chu đáo của mẹ đối với gia đình: cha và anh em chúng tôi. Vậy thì điều làm cha tôi luôn canh cánh bên lòng về "ngăn riêng trong trái tim mẹ" là gì? và tại sao ngày đó mẹ lại không đến chỗ hẹn với người ấy?
Thật bất ngờ là trước ngày mẹ tôi qua đời, mẹ cũng đã cầm lấy tay tôi, trong mắt mẹ có hai giọt lệ chảy dài xuống đôi gò má nhăn nheo, mẹ cũng đã dặn dò trao gởi với tôi trong hơi thở yếu ớt:
- Bao giờ chôn cất mẹ bên cạnh cha con xong; con hãy mở ngăn tủ nhỏ của mẹ để lấy ra trong đó một cái hộp... mọi điều mẹ nhờ con làm... mẹ đã viết sẵn trong thư...
Vậy là cả cha và mẹ tôi đều có những điều thầm kín riêng để gởi gấm cho tôi. Tôi không vội làm theo lời cha là đem những thứ của mẹ mà cha đã cất giữ mấy mươi năm nay để đốt bên mộ mẹ; như là một lời xin lỗi của cha đối với mẹ vì tôi muốn biết về điều bí mật của mẹ trước khi làm theo ý cha. Tôi giữ lại mấy món đồ đó trong ngăn tủ của mình.
Đến lượt tôi làm theo lời trăn trối của mẹ, tâm trạng của tôi cũng hồi hộp nôn nao như khi mở tủ của cha.
Tôi run run đưa chìa khóa xỏ vào ngăn tủ nhỏ của mẹ để mở ra xem bên trong có những gì. Trong đó không có gì đặc biệt hay quí giá cả mà chỉ có một chiếc hộp sơn mài; loại hộp đựng nữ trang của các cô gái ngày xưa. Tôi hồi hộp mở nó ra... trong đó có bộ vòng đeo tay bảy chiếc bằng đồi mồi, một chiếc nhẫn và một cái lược cũng bằng đồi mồi, một gương soi có khung viền bằng đồi mồi. Phải chăng đây là những món quà của "người ấy" tặng mẹ tôi? điều đặc biệt là tất cả đều được làm bằng Đồi Mồi rất đẹp và sắc nét. Tôi tìm thấy dưới đáy hộp chỉ có vỏn vẹn năm lá thư; những lá thư này mẹ tôi viết đã từ lâu lắm rồi nhưng không gởi, nó đã ố vàng, ngoài ra còn có một lá thư mẹ viết cho tôi, nét chữ run lắm.
Tôi liền mở lá thư mẹ viết cho tôi và đọc:
"Con gái của mẹ.
Thế là cha con đã ra đi, mẹ cảm thấy cô đơn trống trải quá, có lẽ mẹ cũng không còn sống được lâu nữa đâu vì mẹ từng nguyện ước rằng: chừng nào cha con bỏ mẹ con mình thì mẹ cũng sẽ nhanh chóng theo cha, bởi vì mẹ không thể sống mà không có cha bên cạnh. Mẹ đã yêu cha vì chính con người của cha chứ không phải mẹ yêu cha qua một hình bóng khác. Mẹ biết điều này từ lâu lắm rồi; thế nhưng mẹ đã không chịu nói cho cha biết; đây chính là điều thiếu sót rất lớn của mẹ.
Mẹ tha thiết nhờ con một việc: sau khi chôn cất mẹ xong; con hãy về Huế và đến địa chỉ này (...) gặp người nhà của ông tên là (...) con nhờ người nhà của ông ấy chuyển cái hộp này đến tận tay cho ông ấy nhé, nói rằng cho mẹ được trả lại vì mẹ không muốn cất giữ nó nữa.
Cám ơn con."
Tôi không mở những lá thư trong hộp sơn mài của mẹ ra xem mặc dù lòng tôi rất muốn; bởi vì tôi hơi sợ... tôi sợ có một sự thật nào đó trong những lá thư mẹ viết cho "người ấy" và nó sẽ làm cho lòng tôi đau đớn... Nhưng tôi cũng thắc mắc là tại sao mẹ... không những muốn trả lại những món quà kỷ niệm xưa mà trái lại mẹ còn muốn cho "người ấy" đọc những lá thư mẹ viết ???... Tại sao vậy nhỉ?
Địa chỉ của người mà mẹ viết trong thư ở... xa quá, cách đây những hơn một ngàn cây số lận. Tôi vừa tò mò vừa háo hức nên hôm sau thu xếp mọi việc ở công ty và mua ngay vé máy bay ra tận ngoài Huế để làm theo yêu cầu của mẹ.
***
Đây là lần đầu tiên tôi đến Huế, tháng chín xứ Huế đang vào mùa Thu nên cả đất trời là một sự giao hòa tuyệt vời của không gian đầy mây trắng bàng bạc pha thêm nhiều sắc xám, đôi vệt nắng chiều rất nhạt nhòa le lói xuyên qua vài sợi mây mỏng manh với một màu vàng hanh cỏ úa, những ngọn gió Thu hiu hiu dịu nhẹ như hơi thở của con gái dậy thì, lá phượng vàng rụng nhiều lắm và bay đầy đường. Nước sông Hương không gợn một tí sóng. Buổi chiều mùa Thu xứ Huế đẹp đến nổi làm cho tôi phải nhói tim.
Thế nhưng chỉ qua một đêm thôi, sáng nay thức dậy tôi thấy ngoài trời có mưa bụi bay, tôi đã từng nghe mẹ kể về mưa bụi của xứ Huế không làm ướt áo, vì đó chỉ là những bong bóng nhỏ li ti. Tôi đi tìm ngôi nhà của "người ấy" theo địa chỉ mẹ viết trong thư. Đã mấy mươi năm rồi; biết ngôi nhà có còn tồn tại hay không? và chủ nhân của nó vẫn còn ở đó hay đã đi nơi khác? Tại sao mẹ không chịu quên? tại sao mẹ lại muốn tôi tìm đến ngôi nhà của "người ấy" chỉ để trả lại cái hộp này ???... Hay là mẹ muốn tôi... thay mẹ tìm về đây để "thăm"... sau khi mẹ đã không còn?.
Mãi đến gần trưa tôi mới tìm ra được địa chỉ của ngôi nhà ghi trong thư của mẹ, cánh cổng nhỏ có giàn hoa màu tím và dãy hàng rào ngăn cách với nhà bên cạnh chỉ là một hàng cây chè tàu xanh mướt được cắt tỉa khéo léo, thẳng băng, nó chỉ cao ngang ngực nên tôi có thể nhìn vào và thấy rất rõ những gì ở bên trong khuôn viên với rất nhiều cây cảnh và những chậu bonsai, ở giữa là một ngôi nhà rường.
Đó là một ngôi nhà nhỏ và đẹp, có vẻ trầm mặc, phía sân sau là một khu vườn đầy bóng mát của đủ thứ loại cây ăn trái, đây là một ngôi nhà lý tưởng cho những ai thích sự bình yên lặng lẽ. Tôi bấm chuông và phải chờ hơi lâu mới có người ra mở cổng; đó là một phụ nữ khá đẹp, có lẽ bằng tuổi của tôi. Khi nghe tôi hỏi về ông (...) chị gật đầu và giới thiệu mình là cháu kêu ông ấy bằng bác; chị mời tôi vào nhà; chúng tôi cũng chưa nói gì với nhau vì còn quá xa lạ và có nhiều bỡ ngỡ, nhưng vừa bước vào bên trong nhà thì tôi kinh ngạc đến độ ngộp thở khi thấy trên bàn thờ, ngoài những bức hình khác thì có một tấm hình rất giống người đàn ông trong bức ảnh mà cha tôi cất giữ...
Chị rót nước mời tôi, thấy tôi đang nhìn tấm ảnh của người ấy một cách chăm chú, chị giới thiệu:
- Đó là bác của tôi, bác ấy mất ở bên Mỹ cách đây hai tháng vì bị đột quị, hài cốt của bác được đưa về an táng trong phần mộ của gia tộc..
Tôi nghẹn lời; điều mẹ nhờ tôi làm đã trễ quá rồi, nhưng tôi cũng muốn biết về người đàn ông này nên hỏi chị:
- Còn gia đình... vợ con của bác ấy?
Chị lắc đầu:
- Bác tôi không lập gia đình; chỉ ở vậy đi làm rồi gởi tiền về nuôi ông bà nội và các em của bác, trong đó có cha tôi.
Tôi hỏi thêm:
- Chị có biết vì sao bác ấy không lập gia đình không?
Chị cười buồn:
- Tôi chỉ nghe bà nội và cha tôi kể là bác đã yêu một người con gái lâu đến bốn năm, nghe như rằng người ấy chết trong lúc di tản, bác tôi vì đã không quên người đó nên không thể yêu ai được; vì vậy nên...
Tôi cảm thán:
- Sao lại có một người chung tình đến như vậy nhỉ?... chị à, tôi đến đây với sự ủy thác của một người, mục đích duy nhất là để gặp người nhà của bác ấy và nhờ chuyển trả cho bác mấy món đồ... xưa, nhưng bác đã không còn; vậy thì tôi phải đem về để đưa lại cho "người ta".
Chị ngập ngừng hỏi tôi:
- Cô có thể cho tôi được nhận những "món đồ" xưa thay cho bác tôi không?
Tôi từ chối:
- Đây là lời ủy thác thiêng liêng nên tôi không thể tự tiện giao cho bất cứ ai một khi bác ấy đã không còn.
Chị tò mò:
- Tôi có thể biết đó là những món đồ gì không?
Tôi lắc đầu:
- Không thể được chị à, vì tôi tôn trọng lời của người đã ủy thác cho tôi làm việc này, nếu bác ấy còn sống thì tôi sẽ giao món đồ này cho chị, nhưng bác ấy đã chết rồi nên...
Chị nói; giọng buồn buồn:
- Tháng trước bạn của bác tôi ở bên Mỹ về Việt Nam; có ghé thăm và kể rằng bác tôi sống trầm lặng lắm... đến lúc chết trong tay bác vẫn ôm tấm hình của một người con gái và đặt trên ngực trái của mình, với lời yêu cầu trước khi chết của bác thì người ta đã thiêu luôn tấm ảnh đó thành tro theo bác... tôi nghĩ có thể đó là người yêu của bác tôi lúc còn trẻ.
Tôi cố gắng lắm để không cho hai giòng nước mắt lăn xuống má. Trong khi chị ngồi trầm ngâm buồn bã thì tôi đứng lên bước tới gần bàn thờ, thắp nhang cúi lạy và... nhìn thật lâu khuôn mặt của người đàn ông trong hình; đây là người mà cha tôi đã nói đến, là người nằm ở một ngăn rất riêng trong trái tim của mẹ tôi. Ông ta có một đôi mắt buồn vời vợi và một cái nhìn rất tha thiết... ông ta đang nhìn tôi bằng cái nhìn biết nói; hình như ông muốn nhờ tôi về nói lại với mẹ tôi là: "ông vẫn mãi mãi yêu bà".
***
Mặc dù tôi rất muốn ở lại chơi thêm vài ngày trên xứ Huế theo lời mời cùa chị, vì mùa Thu xứ Huế đẹp và nên thơ lắm, nhưng tôi đành phải từ chối bởi lòng tôi... rất bối rối lẫn ngỗn ngang nhiều điều; tâm hồn tôi cũng đang tuôn trào bao nguồn cảm xúc về cha; về mẹ và về người đàn ông "trong ngăn riêng của trái tim" mẹ.
Tôi băn khoăn với rất nhiều câu hỏi ở trong đầu khi bước lên máy bay trở về Sài Gòn, mang theo hộp sơn mài của mẹ. Thôi thì đành phải giữ lại như một kỷ niệm đẹp của mẹ chứ biết sao bây giờ. Khi ngồi trên máy bay tôi quyết định mở những lá thư của mẹ ra để đọc; bởi vì tôi muốn biết điều bí mật trong mấy là thư này khi "người ấy trong ngăn riêng" của trái tim mẹ cũng đã không còn.
Phải sắp xếp thứ tự ngày viết trên đầu lá thư để dễ dàng hiểu sau khi đọc xong.
Lá thư thứ nhất viết vào tháng sáu năm 1975.
"Anh rất yêu dấu của em; em không đến được chỗ hẹn, chỉ vì em bất ngờ bị tai nạn ngay lúc đang trên đường đến với anh, em bất tỉnh một buổi; nằm dưỡng thương một tuần, vừa nhận được thư và chiếc khăn mouchoise của anh thì em phải theo gia đình đi di tản... Thời gian đó có lẽ anh đã đi xa lắm, biết đâu anh đã qua tới xứ người rồi.
Em khóc nhiều lắm, khóc sưng cả hai mắt; nhưng em chỉ dám khóc vào ban đêm mà thôi, cái khăn mouchoise của anh thường lau nước mắt cho em; em luôn giữ bên mình, mỗi khi nhớ anh; em lại khóc và em dùng nó để tự lau nước mắt của mình... cứ nghĩ rằng như là em đang có anh bên cạnh để lau nước mắt cho em.
Em mãi mãi yêu anh và mong một ngày nào đó sẽ qua với anh để chúng mình được sống bên nhau. Nhưng hiện giờ em không có địa chỉ của anh, thư này em sẽ giữ ở đây, chờ đến khi nào có địa chỉ của anh thì em sẽ gởi. Anh ơi; anh sẽ là người duy nhất lau nước mắt cho em, em hứa với anh như vậy. Yêu anh rất nhiều"...
Lá thư viết vào tháng 11 năm 1975.
"Anh thương yêu ơi, hai ngày nữa là em đi lấy chồng rồi. Em phải lấy chồng thôi; vì nếu không tụi nó sẽ đem những cô gái miền Nam ra "làm quà thưởng" cho tụi thương binh bộ đội. Em sợ lắm nên chỉ muốn chết mà thôi, nhưng em cũng sợ chết nữa, vì chết là mất luôn phần linh hồn. Chồng sắp cưới của em rất giống anh; đã từng một thời theo đuổi em lúc chúng mình đang yêu nhau. Đó là một chàng trai tốt... từ bây giờ cho đến sau này làm sao em dám... nói là em yêu và nhớ anh đây?.. và làm sao anh có thể lau nước mắt cho em những khi em khóc đây hở anh?
Hôm nay anh ấy bắt em phải đốt hết tất cả những lá thư mà anh đã gởi cho em; nhưng em cũng kịp giấu được lá thư sau cùng, với chiếc khăn tay và tấm ảnh của anh... để... mà thôi; em sẽ không cho anh biết đâu. Còn gương lược, những chiếc vòng đồi mồi, chiếc nhẫn và luôn cả chiếc hộp sơn mài thì anh ấy không biết đó là quà tặng của anh, mà chỉ nghĩ rằng đó chỉ là những món trang sức bình thường của con gái do em mua; nên em đã giữ lại được, anh ơi... em đang khóc đây và em đã phải tự mình lau nước mắt cho em bằng chiếc khăn tay này của anh, em sẽ cất giữ nó thật kỹ..."
...
Tôi mở tiếp một lá thư khác viết năm 1977
"Anh ơi, thế là em sắp làm mẹ, bổn phận và trách nhiệm sẽ nhiều và nặng nề hơn... từ nay về sau chắc là em sẽ rất là bận rộn.
Thật là buồn vì hôm nay em muốn xem lại tấm hình của anh và đọc lại lá thư cũ, cũng như em muốn đắp chiếc khăn tay của anh lên mặt em, nhưng sao em... tìm hoài không thấy, không biết nó nằm ở đâu? mặc dù em đã lục tung cả cái tủ, luôn cả mọi ngóc ngách trong phòng nhưng vẫn không tìm ra... em đã khóc mà không có chiếc khăn tay của anh để lau nước mắt... Từ nay em sẽ cố không khóc..."
Máy bay sắp bay vào không phận Sài Gòn... còn hai lá thư nữa, tôi mở ra đọc tiếp.
Ngày... năm 1992
"Anh ơi, tại sao anh không chịu cưới vợ? anh có biết là em vẫn thường lặng lẽ theo dỏi để biết tin tức của anh qua người em bà con của em; cũng là bạn của em trai anh, người em bà con này của em không biết một chút gì về ngày xưa của chúng mình... Anh cứ sống cô đơn một mình như vậy làm em không an lòng.
Riêng em thì em đang sống khá hạnh phúc vì chồng em là người rất tốt, các con em rất ngoan... Anh ơi; mặc dù có nhiều lúc em nhớ đến anh và những kỷ niệm của chúng mình; nhất là những khi em nghe "Before the Next Teardrop Falls"... Nhưng em không thể gởi những lá thư này đến cho anh được đâu; vì em sợ... em sợ nhiều thứ lắm anh ạ..."
...
Thư mới nhất 2004.
"Hãy quên em đi như em đang bắt đầu quên anh; vì em đã lên chức "bà" rồi. Em vừa biết một điều là em rất yêu thương chồng và các con của em, nhất là khi em đã có các cháu nội và ngoại. Thôi; em sẽ tìm cách nào đó để trả lại cho anh những kỷ niệm còn sót lại của thời xa xưa ấy; đó là bảy chiếc vòng, chiếc nhẫn và gương lược cũng bằng đồi mồi cùng mấy lá thư mà em đã viết cho anh... em vẫn cất giữ rất cẩn thận trong chiếc hộp sơn mài anh đã tặng em ngày sinh nhật thứ hai mươi của em. Quên em đi anh nhé"...
Tôi bần thần cầm những lá thư của mẹ trên tay, trong lòng cảm thấy bồi hồi xúc động, rồi tôi cầm tấm ảnh "người yêu của mẹ" lên để xem cho thật kỹ... Ôi; một thời của mẹ là đây; nỗi đau khổ ray rứt luôn ám ảnh trong đầu của cha tôi cũng là đây, tấm ảnh có đôi mắt biết nói với một cái nhìn thật sâu lắng, thật đằm thắm thiết tha. Tôi vừa thương cha, lại yêu mẹ và cũng cảm thấy xót xa cho người đàn ông trong ảnh.
Có thật là mẹ tôi đã quên người ấy như lời mẹ viết cho "người ấy" trong thư không? theo sự suy luận của tôi thì... chắc là không rồi, vì mẹ đã không chịu đốt những kỷ niệm cũ cho nó ra tro; rồi cứ để tro ấy bay theo gió; thoảng theo mây... thế là xong, đơn giản nhẹ nhàng quá mà. Tại sao mẹ chỉ muốn đem trả lại cho "người ta" mà không muốn đốt, vì làm sao mẹ có thể biết được đến bao giờ mới có dịp để trả lại đây? chờ tới lúc mẹ chết à? Phải chăng mẹ vẫn không quên người ấy và trong thâm tâm mẹ vẫn muốn người ấy đọc được những lời mẹ đã viết? tôi nghĩ mẹ chỉ tự dối lòng mình mà thôi?. Nhưng thật sự thì mẹ tôi có yêu cha tôi, tôi biết chắc điều đó qua cách sống của mẹ đối với cha và chúng tôi.
Còn cha tôi nữa, cha đã yêu mẹ tôi đến nổi không dám bày tỏ sự ghen tuông, có phải vì cha sợ làm mẹ buồn lòng chăng? hay cha sợ sự ghen tuông của cha càng làm sống lại mãnh liệt hơn tình yêu của mẹ đối với người ấy? cha tôi không dám hay không nỡ đốt bức ảnh, chiếc khăn tay và lá thư cuối cùng của người ấy gởi cho mẹ? vì sao thế nhỉ? có lẽ vì cha quá thương mẹ chăng? Tôi nghĩ rằng cha tôi là một người đàn ông thật cao thượng nhưng hơi yếu đuối.
Và người tình thuở xưa của mẹ nữa, sao trên đời này lại có một người đàn ông... hiếm hoi đến như vậy? ông ấy đã yêu mẹ tôi đến hơi thở cuối cùng, đến nỗi trước khi chết vẫn ôm tấm ảnh của mẹ tôi để bên ngực trái của mình; ở nơi có trái tim và đã mong được cùng tấm ảnh của mẹ thiêu thành tro theo cùng với ông?... có lẽ ông vẫn muốn chờ đợi mẹ tôi ở bên kia... thế giới?
Ba người với một mối tình chạy quanh, mà mẹ tôi là tâm điểm. Ba người mà tôi đã phải nghỉ về họ một cách dí dỏm rằng: "Hàng quí hiếm đã tuyệt chủng" để bớt đi sự nặng nề thương cảm trong trái tim tôi.
Tôi thật sự ngưỡng mộ cha, tôi cũng thông cảm với mẹ và xót xa cho người đàn ông đã yêu mẹ tôi một cách trọn vẹn. Đây là một câu chuyện tình đẹp, lãng mạn còn hơn cả chuyện tình của Romeo và Juliette; hơn cả Love Story, đẹp nhất trong tất cả các chuyện tình. Tôi nghĩ thế.
Máy bay sắp sửa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất... tôi có một việc phải làm, nhưng tôi cũng chưa biết phải thực hiện như thế nào với cha và mẹ đây, cũng như với "người ấy" ngày xưa của mẹ??? Một cách nào đó mà cả cha và mẹ tôi đều được vui dưới suối vàng.
Tôi cầm chiếc khăn mouchoise của người ấy lên và nhìn lại một lần nữa thật kỹ từng góc cạnh; từng đường viền trang nhã của nó, một chiếc khăn tay được dệt bằng lụa có những sọc màu xám đậm và nhạt xen kẽ; chiếc khăn này đã từng nằm trong túi áo của "người ấy", đã từng lau khô những giọt nước mắt của mẹ tôi ngày xưa, và nó cũng đã từng là nỗi ám ảnh thầm lặng của cha tôi, nay thì với thời gian nó đã hơi bị mỏng manh đôi chút nhưng vẫn đẹp và còn khá mới. Lạ một điều là mùi thơm, một mùi thơm rất đặc biệt vẫn còn phảng phất trong chiếc khăn tay đó khi tôi đưa lên mũi để hít... như hít mùi hương của một mối tình, có lẽ nhờ cha tôi thỉnh thoảng đem ra phơi nắng và gìn giữ cẩn thận chăng? Nhưng tại sao cha lại muốn lưu giữ... giùm cho mẹ kỷ vật này? Chiếc khăn tay này như một chứng tích của một mối tình không bị phai nhòa với thời gian. Tôi phải làm gì đây để cha tôi vui và cảm thấy nhẹ nhàng trong lòng khi có được câu trả lời từ nơi mẹ? Tôi phải làm thế nào đây để mẹ tôi được toại nguyện dù... đã không trả lại được những món đồ của kỷ niệm xưa và những lá thư mẹ viết? và cuối cùng thì tôi phải bằng cách nào để làm cho người đàn ông; là mối tình đầu của mẹ được cảm thấy an ủi? Khi cả ba người đều... không còn. Đối với tôi thì xác thân của họ đã trở thành tro bụi nhưng biết đâu tâm linh và tình cảm của ba người lại trở nên gần gũi và đang quấn quýt vui vẻ bên nhau? Vì họ cùng yêu nhau cho đến giây phút cuối đời...
Mộ của cha tôi nằm kế bên mộ mẹ tôi; trong khi tro than của người ấy và tấm ảnh ngày xưa của mẹ cũng được hòa lẫn cùng với nhau. Có nghĩa là cả hai người: cha tôi và "người ấy" đều toại nguyện vì đều được ở bên cạnh mẹ theo cách riêng của mỗi người...
Cuối cùng thì tôi quyết định là sẽ cất giữ tất cả mọi thứ: thư của cha viết cho tôi với nỗi lòng tha thiết về tình yêu của cha đối với mẹ, thêm lá thư; tấm ảnh; chiếc khăn mouchoise của người ấy mà cha đã lén lấy và giấu mẹ, cùng những lá thư mẹ viết cũng như những món đồ kỷ niệm về mối tình của mẹ và người đàn ông ấy... tôi sẽ cất giữ hết tất cả vào trong cái hộp sơn mài này, tôi sẽ để trên bàn thờ nơi có hình của cha mẹ. Đó là cách mà tôi muốn thể hiện sự trân trọng về một mối tình bất diệt của cả ba người: cha tôi; mẹ tôi và "người ấy".
Hồ Thủy