Ngày Mẹ vào mỗi tháng 5
Nén hương hối lỗi trong tâm con khờ
Bất hiếu từ tuổi còn thơ
Mỗi khi nhớ mẹ, thẫn thờ ăn năn
Mẹ hắn tuổi Quý Sửu, thẻ căn cước ghi đơn giản là sanh năm 1913. Bà là chị gái thứ ba trong gia đình 12 chị em nhà họ Ngô ở Ngã Bảy, Phụng Hiệp. Trước khi gả bà về làm dâu ông bà nội hắn ở Tam Bình, ông bà ngoại gởi bà thụ huấn khoá nữ công gia chánh của các sơ người Pháp và Việt tại trường nhà dòng Cầu Trắng, địa phương sát quốc lộ 4 cách chợ Phụng Hiệp chừng vài cây số.
Mãi sau nầy, chị em hắn nghe từ những người cô ruột: "Má của tụi con là công chúa cưng của ông bà ngoại. Má về đây làm dâu rất giỏi, ăn ở được lòng ông bà nội, bà con thân thuộc và chị em trong nhà".
Và lời kể thường ngày của bà về những nếm trải muôn trùng cực khổ của hai người con cưng những điền chủ. Vì nghe tiếng gọi non sông mà bỏ mọi thứ sau lưng để vô bưng biền gia nhập Việt Minh suốt 9 năm kháng Pháp.
Năm 1954, hai ông bà và đứa con trai 2 tuổi, tay trắng trở về chốn cũ nhà xưa. Thì hỡi ơi, ngôi biệt thự kiểu dáng châu Âu lộng lẫy và các dãy nhà ngang kho dọc phụ thuộc, bếp núc khói lửa tưng bừng đông vui của phú hộ nội hắn trước ngày toàn quốc kháng chiến, tất cả đã thi hành lệnh san bằng tiêu thổ. Một công trình dân dụng to lớn chỉ còn trơ nền đá xanh và sân gạch hoang phế, cỏ rêu và cây dại làm chủ tình hình.
Ba má dẫn hắn lúc đó ốm còi và khóc đêm như ma kêu, đến ở đậu nhà bà con mỗi chỗ chừng ít tháng. Lúc đó thì anh chị hắn đã êm ấm ra thành lâu rồi, bình an dưới sự bảo dưỡng của bà con từ những ngày ba má hắn mới vô bưng.
Chắc là ông bà đi hoài cũng mỏi, hắn không nhớ ba má hắn định cư tại xóm Chùa chợ quận vào năm nào. Chỉ nhớ thoang thoáng là má hắn gói nem như nghề sinh nhai. Một hôm, má hắn chưa gói xong cối nem để bán cho các quán tiệm, thì hắn lén xuống nhà sau xách một xâu nem, hắn ngồi đàng hoàng ngay cửa trước, từ từ lột ăn từng chiếc.
Còn một chuyện khác, hắn nhớ chi tiết nhiều hơn, nhưng vẫn không biết chính xác lúc đó hắn bao nhiêu tuổi. Trong một xế chiều, hắn cứ khóc nhề nhệ một yêu sách không rõ ràng hoặc khó chấp nhận, có lẽ làm má hắn rất bực mình.
- Ông chằn râu kẽm ơi, có thằng nhỏ nhõng nhẽo trong nhà. Vô bắt nó giùm tui ông ơi.
Tiếng nói rổn rảng trước lộ của ông chằn có bộ râu đen nhánh, mỗi sợi loắn xoắn như ruột dây thắng xe đạp được tháo rời từng cọng.
- Thằng nhỏ nào nhõng nhẽo đâu, mợ Ba.
Lúc đó thì cả người ốm tong của hắn đã lẹ làng rút sát dưới gầm bàn máy may của má nó, mắt dòm chừng ra lộ. Ông chằn râu kẽm xem thường câu nói: "Đuổi con nít, đừng đuổi tới đường cùng". Ông chằn biết hắn đã nín thinh mà không chịu buông tha, cứ dọng đầu gậy cồm cộp xuống nền gạch tàu, giọng ông vang rền rền trong gian nhà trống:
- Nó đâu, nó đâu.
Chiếc bàn máy may dựng sát vách. Sau lưng hắn đã bít lối, hai phía hông trái phải bị giàn chân sắt cản lại, hắn đã lâm tuyệt lộ không còn đường nào thoát thân. Trước mặt hắn chừng 5 mét là ông chằn với vũ khí đáng sợ trên tay. Ông đang định xông vào cửa mở sẵn, phòng tuyến cuối cùng của hắn sẽ bị phá vỡ tức khắc.
Thì may quá, ngay góc vách nhà phía bên trái, má hắn giắt con dao mà bà dùng thái da heo để bầm nhỏ trộn thịt làm nem. Con dao nhà nghề thép mỏng bản rộng cỡ lòng bàn tay, lưỡi không dài lắm, vật mà thường ngày má không bao giờ cho hắn rờ đến. Nhanh như con sóc nhỏ, trên tay hắn loang loáng con dao thép, sóng dao còn nguyên những răng nhọn. Điều chứng tỏ trước khi trui rèn, nó là một đoạn của dây lưỡi cưa máy xẻ gỗ bị hư. Với thanh "Tàn chi quái đao", trong chớp mắt, hắn đã chuyển thế tay không phòng ngự sang tình trạng lợi thế tấn công.
Ông chằn râu kẽm còn tỏ mắt, phóng nhanh ngược ra lộ vừa la:
- Mợ Ba ơi, thằng nhỏ cầm cây dao bén ngót. Nó rượt chém tui nè bà con ơi!
Hắn lớn lên, ngộ ra là ông chằn xưa đã phạm vào một cấm kỵ của binh thư Tôn Tử, chứ không hẳn là do hắn quá hung dữ.
Năm 1989, má hắn 76 tuổi, bà vẫn tráng kiện về thể chất. Hàng ngày, bà săn sóc cho ba hắn nằm một chỗ vì căn bệnh bán thân bất toại xảy ra trước đó 3 năm. Bà tự làm thức ăn vừa túi tiền mà ngon bổ dễ tiêu cho ba, hằng ngày bà tự giặt quần áo của ông bà, đôi khi bà còn giặt mùng mền cho anh hắn mỗi khi anh nầy "tạm vắng" 1-2 tuần đi về bên vợ. Anh em hắn thật may mắn có một bà mẹ chu toàn và không nề gian khổ.
Không biết từ lúc nào mà hắn ít khi nói chuyện với mẹ. Nếu có nói thì câu mâu quạu quọ, thường thường như "sao má không làm thế này, thế nọ. Hoặc là, con không thể hiểu được má". Rồi một ngày hè năm đó, hắn đến bên bà trở giọng ngọt ngào:
- Tụi con sắp "vọt" rồi nghe má!
- Con qua bển ráng lo cho vợ con. Tụi con còn ở đây chỉ chết chùm, má muốn lo cho nó cũng lo không nổi.
Tháng 8 năm 1989, ngày Tây và ngày Ta giống số nhau, khác chút là tháng Bảy theo âm lịch. Ngày 9 tháng 8 lúc 9 giờ sáng. Vợ hắn dẫn đám nhóc con qua đò chỗ chùa thuốc Nam, họ đi tắt đường vườn về thăm nhà ngoại. Rồi ở đó chơi đến đúng 11 giờ trưa. Từ nhà ngoại, vợ hắn dẫn thêm hai đứa cháu trở về theo một hướng khác, cả bọn đi tắt đường ruộng ra hướng ngôi đình Tường Lộc, vị trí bên kia sông ngang với chợ Cá của huyện. Tại bến sông trước mặt ngôi đình, vợ hắn sẽ hỏi quá giang một ghe giống như tuồng đã bán hết mấy tấn khoai, có mui lá tròn che kín lòng ghe. Trong lúc đó, hắn ngồi trong gian bếp tại nhà, uống cà phê và nói chuyện với má hắn, mà mắt thì nhìn xuống con sông cặp theo vườn nhà và lắng nghe tiếng máy đuôi tôm sẽ chạy ngang qua, dọc theo một khoảng lộ 16 rồi đậu chờ ở đó. Bấy giờ, hắn mới cảm thấy từng giây thời gian bên mẹ là quý vô cùng.
Má hắn vẫn đảm lược trầm tĩnh:
- Hồi sáng nầy má thấy con sửa soạn cái xách đệm, chạy ra vườn hái cam hái bưởi, rồi chất vô lấy ra hoài, má nghi có cái gì trong đó. Hồi nãy má mở ra coi thử, sao con không giao ba cái thứ đồ hải hành đó cho tụi nó mà giữ chi bên mình.
- Mạng cùi của con sợ gì ghẻ lở hả má. Mình ra tiền quá nhiều mà không nắm cái gì, con không an tâm má à.
- Người đời đánh giá ra sao mặc họ, con vẫn là con quý yêu của cha mẹ. Má chỉ gặp tụi làm ăn với con trong 2 lần tới nhà mình, nhưng má biết cái mà tụi nó lợi dụng, không chú trọng nhiều vào những thứ đó. Con cứ yên tâm. Dù muốn dù không, má tin chắc tụi nó sẽ cưng quý con hơn cả má mầy nữa. Có chuyện nầy, má biết tánh ý của con, nhưng để má góp phần làm mẹ. Con cho má xách chiếc túi đệm đựng cam của con ra lộ đón chiếc xe đò chạy ngang mình lúc hơn 12 giờ. Má xuống xe chỗ gần cầu Long Chuối, má đi dài theo mé sông tìm ghe chở vợ con và mấy nhỏ, hoặc là má đợi con dài theo lộ chỗ đó. Má đợi ghe đưa tụi con vô vàm Bình Phú là má đón xe Vĩnh Long, Ba Càng, giác chiều thiếu gì xe chạy về huyện.
- Má dính vô làm chi cho cực khổ, con phải lo thêm một mối. Con đạp xe đến đó chừng 20-25 phút. Nếu xe đò vô tới đây mà hết chỗ ngồi, nó không rước má thì sao. Thanh niên thì họ còn cho đeo hay leo ngồi trên mui.
- Xe không rước, má qua chợ Mỹ Thạnh kêu xe lôi máy của thằng Tư Mong, miễn làm sao túi đệm nầy giao cho con trước 1 giờ trưa nầy tại cầu Long Chuối. Má từng theo ba con bao trận vào tử ra sanh hồi 9 năm kháng chiến. Ba con có bao giờ đuổi má biểu ở nhà đâu. Bây giờ chỉ có đoạn đường xe 5 cây số nầy, mà con lại không tin ở má.
Hắn im lặng, nói cho chính hắn nghe: "Má ơi, con cảm ơn thân xác hình hài nầy được má tạo ra. Tình cảm bao la má dành cho đứa con đã nhiều lần hỗn hào và phiền lòng má. Cảm ơn má không nệ nguy hiểm gánh vác cho con đoạn đường 5 cây số, cũng có thể là đoạn cuối cùng của chúng con. Vì má đâu biết khuya nay, chúng con làm sao đối phó với biển động sóng cấp 7. Tin bão mà từ sáng sớm, đài phát thanh Cần Thơ đã báo liên tục".
11 giờ 30 trưa tại một phía dốc của chân cầu Pa-ti-dô (Võ Tấn Đức), hắn lầm lũi dẫn xe đạp lên lộ, tâm trạng buồn lo vời vợi!
Một Lúa