Ngày tôi hai mươi tuổi chưa kịp nói câu Buồn ơi hỡi chào mi, tôi đã gặp Chàng. Hôm ấy Chàng ở đâu dẫn xác đến chiếm mất hồn tôi. Chúng tôi gặp nhau tại cửa hàng thực phẩm Coop gần nhà, vì thương hại Chàng phải ăn đồ hộp hoài xót ruột, tôi mời Chàng đến dùng cơm chung với bọn cùng học Cò-Lết với tôi. Bữa cơm thật đơn giản, con gà đông đá được lóc xương ra nấu canh với su hào, phần nạc kho gừng. Chỉ có thế thôi, mà bát canh su hào lại nên duyên vợ chồng.
Tôi phải kể thêm chi tiết, không các bạn lại hiểu lầm sao mối tình quá đơn giản như thế. Không, nó phức tạp lắm, phải có số mật mã trao đổi, chúng tôi mới mở nổi cửa tim của nhau.
Chẳng là sau bữa cơm hội ngộ, mạnh ai nấy về, chẳng ai quan tâm đến ai. Cho đến sáng chủ nhật hôm ấy, cái buổi ban đầu lưu luyến ấy! Vừa bước vào phòng tên bạn cùng lớp, tôi thấy Chàng cầm đàn ghi-ta thơ thẩn hát bài Nguyệt Cầm một mình. Tôi không để ý lắm, vẫn trò chuyện với các bạn khác, cho đến khi Chàng yêu cầu tôi hát một bài cho Chàng đệm theo. Không hiểu sao tôi lại chọn bài “Nhạc Sầu Tương Tư“ và để hết tâm hồn vào hát hay như chưa từng có. Không ngờ bản nhạc làm Chàng rúng động. Khi số mật mã Nhạc Sầu Tương Tư được trao ra, thì chủ nợ và con nợ tiền kiếp đã nhận diện nhau, chỉ còn cách trả sớm nghỉ sớm mà thôi. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi không biết mình có nên tin vào thuyết nhân duyên, vào cái sợi dây vô hình nào đó, đã cố tình cột chặt tôi với Chàng, bắt tôi phải sang xứ này để gặp Chàng và gặp thật sớm.
Ngay từ buổi ban đầu, tôi đã cảm nhận rằng Chàng là nửa mảnh đời của tôi, vì thế tôi đến với Chàng như tâm trạng của ai đó trong bài hát: Không cần biết anh là ai? Không cần biết anh từ đâu. Đến không đắn đo, đến không suy tính. Tôi yêu Chàng say đắm, yêu từ con mắt đa tình, đến cái miệng tán gái có duyên. Cũng vì hai điểm này mà về sau cõi lòng tôi càng thêm tê tái.
Tôi xin được nhắc đến một chi tiết nhỏ của thời ấu thơ, hồi bé tôi hay đọc lén tiểu thuyết của bà Tùng Long, một hôm ông anh họ tôi bắt gặp, ông la:
- Cái con bé này gớm thật! Mới nứt mắt đã dám đọc tiểu thuyết Tùng Long rồi.
Tôi hơi lấy làm lạ, truyện có gì nguy hiểm đâu mà ai cũng cấm, chuyện tình lúc đầu có trắc trở nhưng cuối cùng bao giờ cũng Happy End rất đẹp. Sau này lớn lên tôi đổi qua truyện của Quỳnh Dao, bốn mươi quyển tôi đã đọc sạch hết cả rồi. Do đó văn chương của tôi chịu nhiều ảnh hưởng của hai trường phái này.
Trở lại chuyện chúng tôi. Để tiết kiệm tiền mướn phòng, Chàng dọn qua ở lậu bên tôi trong cư xá sinh viên, tuy nhiên cũng còn khôn không trả lại phòng ngay mà cho tên sinh viên Mít nào đó ở lậu tiếp.
Chuyện đã đến nước này, chúng tôi phải chính thức hóa cho mối tình đôi lứa. Mẹ tôi nhận hung tin, choáng váng cả người, phải uống vội một viên thuốc hạ tăng-xông. Không còn ra thể thống gì nữa, mới mười chín tuổi đầu, sang Đức chưa đầy năm tháng, đã đòi lấy chồng. Nhớ ngày nào còn hứa với Mẹ, học xong con mới lấy chồng, Mẹ đừng lo! Ít nhất cũng phải hai mươi lăm tuổi. Mà bây giờ như thế đấy! Không chậm trễ, Mẹ tôi lấy vé xe đò vào ngay Sàigòn điều tra lý lịch cậu con rể tương lai. Cầm bản cáo trạng trong tay, Bà phải uống thêm hai viên thuốc hạ tăng-xông, nghĩa là cân lượng gấp đôi.
Chàng là cậu công tử Sài Thành, nổi tiếng ăn chơi, con trai út của ông bà cụ chủ tiệm Xuân Kha, xuất nhập cảng vải ở chợ Bến Thành, nên một ngày có khi hứng thay đến mười cái áo. Quê Chàng ở làng Sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh, nhưng sinh trưởng tại Sài Thành. Chàng suốt ngày chỉ xách xe đi rong chơi và tán gái, thường mang bạn bè về đãi phở ở đầu ngõ ghi sổ, cuối tháng mẹ trả tiền. Tuy ham chơi nhưng rất thông minh, học hành mau lẹ. Câu cuối nghe cũng đỡ được phần nào.
Những tin tức cá nhân chi tiết chắc mẹ tôi moi thẳng từ bố mẹ Chàng, ông cụ bố Chàng vừa vuốt râu, vừa cười bảo:
- Hy vọng con gái Bà cầm chân được thằng con lãng tử của tôi.
Mẹ thật lo hão huyền, đó là chuyện hồi xưa ở nhà, chứ sang đây muốn lãng tử cũng không biết đi đâu. Các cô đếm trên đầu ngón tay còn không có nữa là ngó ai, Sàigòn trời nóng đổ mồ hôi mới thay mười áo, chứ đây lạnh cóng, mười ngày thay một áo cũng chẳng chết ai. Với lối suy nghĩ chổi cùn rế rách như thế tôi tạm yên tâm với hạnh phúc của mình, tuy nhiên tôi quên mất một điều, chàng là công tử được nuông chiều nên tính khí ngang tàng, rất khó uốn nắn. Thôi! Có phúc có phận.
Có lần Mẹ tôi viết thơ sang, chỉ dám nói bóng nói gió với tôi: Con đừng nhìn đời bằng màu hồng. Chỉ có vậy thôi, mà chàng bị chạm tự ái, cho rằng bà mẹ vợ không biết con gái bà phước bảy mươi đời mới vớ được Chàng. Lấy Chàng là lấy tất cả thế giới. Vâng, tôi được cả thế giới các bạn ạ! Từ đỉnh cao hạnh phúc đến vực thẳm tình yêu, không chỗ nào tôi không ghé qua.
Rồi một ngày đẹp trời nào đó, họ đằng trai mang trầu cau, bánh quế thượng hạng ra tận Nha Trang xin ra mắt làm lễ hỏi. Đôi trẻ ở bên đây chỉ được xem hình, nhìn thiên hạ nhậu nhẹt mà vui lây. Hai bên định năm tới kêu đôi trẻ về làm đám cưới thật to, nhưng năm tới giải phóng mất nước hết, làm hai trẻ chưa bao giờ có cơ hội mặc áo cưới hay lên xe hoa gì cả. Đến sứ quán Việt Nam Cộng Hòa cũng đóng cửa nốt, hai trẻ phải dẫn nhau sang tận Paris làm giấy hôn thú, viết toàn bằng tiếng Tây chẳng biết viết gì trong ấy, chắc bản án tù chung thân, trọn đời hạnh phúc.
Mẹ tôi rất tin tướng số, về đời mình Bà hay than vãn, tuổi Thìn cao số lại Mậu Thìn, Canh cô, Mậu quả, thảo nào góa chồng sớm. Trong cung Phu lại có sao Tuần Triệt chiếu, sao này đi tới đâu là tan nát đời hoa tới đó. Thân nhàn nhưng tâm không nhàn, cả đời lo nghĩ. Đúng là hồng nhan đa truân, lại mang cái tên Lan nữa. Tôi nghĩ lại phận mình tuổi rắn mà được Quí Tỵ, các cụ chẳng bảo trai Nhâm, nữ Quí hay sao. Lại chẳng hồng nhan, có đẹp gì đâu mà trời phải ganh với ghét, còn tên thì chỉ là hương của hoa Lan thôi, chắc số phải khá hơn.
Tôi không kém: Nước đục là nước phù sa màu mỡ, cây mới tốt tươi. Còn nước trong tinh khiết quá cây sẽ thiếu dinh dưỡng, ngoẻo từ lâu rồi. Anh có biết không?
Nếu nhắc đến những cuộc khẩu chiến giữa tôi và Chàng, có lẽ phải viết vài cuốn sách vẫn chưa hết. Bao giờ Chàng cũng thắng, vì ỷ mình là chồng, chồng nói là phải nghe.
Các bạn tôi thấy Chàng áp dụng kinh điển của cụ Khổng quá triệt để, trong túi lúc nào cũng thủ sẵn bốn chữ Tam Tòng Tứ Đức để dán miệng vợ, nên ngứa miệng khuyên càng, bắt tôi phải áp dụng câu Dạy chồng từ thủa bơ vơ mới về. Kết quả hoàn toàn đông lạnh, cô bạn thân nhất của tôi bị Chàng tuyệt giao đến gần mười năm.
Nhưng rất lạ là tôi không giận lâu, sáng mai thức dậy thấy con mắt vẫn đa tình như thường.
Hôm Chàng đem xe về đón lên Berlin xây tổ ấm, hành trang chỉ có một va-li đựng quần áo và một túi xách tay chứa đồ lặt vặt. Thế mà tên trộm nào đó đã đành tâm đập cửa kính xe, cuỗm mất cái túi xách tay trong đựng lá thư tình độc nhất của Chàng viết cho tôi. Lá thư tình đầu tiên và cũng là lá thư tình cuối cùng trong đời tôi. Về sau Chàng cũng viết thơ cho tôi nhưng lời lẽ thì hoàn toàn khác hẳn, không thể nào so sánh được. Vài tháng sau, khi tôi xin gia hạn thông hành, cảnh sát đã trả lại tôi bằng lái xe quốc tế nhặt được cạnh thùng rác. Tiếc quá! Phải chi ông cảnh sát biết đọc chữ Việt sẽ nhặt luôn lá thư tình của tôi.
Cuối tuần bọn sinh viên đủ mọi quốc gia chủng tộc hay tụ tập trong phòng sinh hoạt để đấu láo hay làm văn nghệ bỏ túi. Ai biết đàn biết hát cứ việc trổ tài, thời đó chúng tôi hay hát nhạc của Lê Uyên Phương.
Mỗi nhóm đều có một biệt danh, nào là Rệp (Ả Rập), rồi Nấm (Nam Dương) và mình là Mít. Nhóm của Mít mới thật rắc rối, ái chà! Đụng vào vấn đề này hơi phiền. Trong mỗi lần họp mặt, họ đều chia hai ranh giới cãi nhau như mổ bò.
Lý tưởng cách mạng của chúng tôi bắt đầu lung lay, tôi và Chàng rút lui về tổ ấm lo chuyện học hành, tính chuyện vinh thân phì da, bắt chước chàng Dũng “đoạn tuyệt“ với cuộc đời cách mạng.
Học mãi rồi cũng phải ra trường, chúng tôi được làm chung trong một hãng điện tử nào đó, họa hay là phước đây?
Có người than phiền, cả ngày không được thấy mặt chồng, về đến nhà là lăn quay ra ngủ, chồng cưới cái hãng chứ không phải cưới mình. Đó là phần phước của mỗi người, chứ riêng tôi muốn tránh cái bộ mặt hắc ám của chàng cũng không được. Mỗi sáng đi làm chung, chàng bắt tôi lái xe, còn mình nằm lim dim cho khỏe. Nếu tôi lái chậm, chàng bảo như rùa chừng nào mới đến sở. Tôi gia tăng tốc độ, chàng bảo lái như James Bond, không biết đường nào mà lần.
Ba năm trời tôi đã đưa chồng tôi vào trạng thái dở sống dở chết tại công trường xây cất căn nhà lý tưởng. Chàng đòi chọn con đường giã biệt: “Vì chỉ có nó mới giải thoát cho anh cái ý nghĩ, anh có sống chỉ là gánh nặng cho em cho con mà thôi“.
Nếu lá thư tình đầu tiên của chàng, làm tim tôi thổn thức. Lá thư tình lần này có âm hưởng của một bức Tuyệt Tình Ca, đã làm tim tôi rướm máu. Bao năm nay tôi vẫn giữ bức thư này trong hộp bánh LU, bọc giấy plastic đàng hoàng cho đỡ hư hao. Bức thư là thần hộ mạng cho cuộc tình của chúng tôi. Những lúc bị chàng chửi mắng thậm tệ, rên rỉ câu Tôi hận cô đến tận xương tủy. Tôi phải lấy cẩm nang ra đọc, biết rằng người đàn ông này phải đợi đến hai mươi năm mới nói được một chữ Yêu.
May quá, bản tình ca vẫn còn tiếp nối mặc dù dây đàn đôi lúc có hơi bị căng nhưng chúng tôi vẫn yêu nhau như ngày đầu mới gặp.
Đôi uyên ương ngày nào đã biến dạng theo thời gian trở thành cặp ểnh ương tối ngày kêu oang oác. Chúng tôi thuộc thành phần bên tám lạng người nửa cân rất ư là tương xứng, có điều đàn bà hay lắm mồm có chuyện gì không vừa lòng là cả đám bạn bè đều bị rác tai.
Chàng có nỗi khổ riêng không biết tỏ cùng ai nên lôi vợ ra làm cái bung xung cho hả giận. Thiên hạ chỉ nghe một chiều nên lên án Chàng một cách nghiêm khắc, thiếu điều muốn xé bản tình ca vô tận của họ ra thành trăm mảnh.
Ôi! Bản tình ca bất hủ này còn kéo dài đến bao giờ nữa đây thôi. Đến bao giờ Nàng Lan của chàng mới mở to con mắt ra nhìn kỹ cuộc đời.
Nếu chàng và nàng cứ ngồi bên nhau cho bốn mắt nhìn nhau tóe lửa tình, ông đổ lỗi cho bà, bà đổ thừa lỗi tại nơi ông. Bản tình ca sẽ kéo dài vô tận, hai bên sẽ kiệt sức ngã lăn quay. Chàng và nàng nên ngồi vào bàn đàm phán, ký chung hiệp ước giảng hòa, bao nhiêu giấy nợ từ thời tiền kiếp hãy đem ra xé toạc trước mặt nhau. Đừng để những oan kiên nghiệp chướng giày vò, cuộc đời còn có được bao nhiêu nữa đâu mà cứ nghĩ chuyện trả đũa nhau làm gì. Hở Chàng ơi!
Hoa Lan